Cuộc chiến thương mại đang diễn biến theo hướng gây nguy hiểm cho toàn thế giới.

Nếu ai nghĩ rằng tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được giải quyết một cách dễ dàng, thì đó là do họ không để ý. Tranh chấp này sâu xa hơn - và vì thế nguy hiểm hơn nhiều.

Nếu Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình không tìm được cách để sớm tháo ngòi nổ cuộc chiến này, thì thế giới sẽ tiến gần hơn đến việc phá vỡ hệ thống toàn cầu hóa, đã mang lại cho thế giới hòa bình và thịnh vượng trong hơn 70 năm qua, hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử. Và cái sẽ xuất hiện là Bức tường Berlin kỹ thuật số và một thế giới có 2 mạng Internet, 2 công nghệ: một do Trung Quốc thống trị và một do Mỹ chi phối.

Đây sẽ là một thế giới bất ổn và kém thịnh vượng hơn nhiều. Trump và Tập Cận Bình nên bỏ hết mọi việc và ngồi xuống để giải quyết cuộc khủng hoảng này trước khi nó trở thành một đoàn tàu không phanh - được những người theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc khuyến khích, và được phương tiện truyền thông xã hội phóng đại ở cả hai nước.

Làm thế nào mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trở nên căng thẳng như vậy? Người ta nhất trí về 2 điều: Đặc trưng của thương mại Mỹ-Trung đã thay đổi – sâu xa hơn, và cả Chủ tịch Tập Cận Bình lẫn Tổng thống Trump đều đã quá bạo tay và làm cho nhau hoảng sợ.

Tác giả có ý gì khi nói thương mại trở nên “sâu xa”? Trong ba thập kỷ đầu, thương mại Mỹ-Trung có thể được tóm gọn là Mỹ mua áo phông, giày tennis và đồ chơi từ Trung Quốc, còn Trung Quốc mua đậu nành và máy bay phản lực Boeing từ Mỹ. Và chừng nào tình trạng đó vẫn không thay đổi, thì chúng ta không quan tâm Chính phủ Trung Quốc theo chủ nghĩa cộng sản, tư bản, độc đoán, tự do hay trai giới.

Nhưng trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành một nước có thu nhập trung bình cao hơn và là một cường quốc công nghệ. Và họ đã tiết lộ một kế hoạch có tên “Made in China 2025”. Đây là kế hoạch của Tập Cận Bình nhằm từ bỏ việc bán áo phông, giày tennis và đồ chơi mà thay vào đó sản xuất và bán cho thế giới những công cụ công nghệ cao mà Mỹ và châu Âu đang bán - điện thoại thông minh, hệ thống trí tuệ nhân tạo, cơ sở hạ tầng 5G, xe ô tô điện và robot.

Tác giả hoan nghênh Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh trong các lĩnh vực này. Họ sẽ tăng tốc độ đổi mới và giảm giá thành. Nhưng đây là tất cả những gì tác giả nghĩ về “các công nghệ nền tảng” - chúng thực sự được đưa vào ngôi nhà, cơ sở hạ tầng, nhà máy và cộng đồng của chúng ta. Và không giống như đồ chơi không phát ra âm thanh, tất cả những công nghệ đó đều có hai công dụng. Đó là chúng có khả năng có thể được Trung Quốc sử dụng để thâm nhập vào xã hội của chúng ta vì mục đích thu thập thông tin tình báo hoặc gây hại. Và một khi chúng đã thâm nhập, thì rất khó có thể loại bỏ được.

Chúng ta không nên phóng đại mối đe dọa này - mọi người theo dõi nhau ở khắp mọi nơi. Nhưng mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc rất khác với mối quan hệ chúng ta đã có với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Chúng ta với Nga đã không phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và công nghệ. Chúng ta đang phụ thuộc lẫn nhau với Trung Quốc. Và hiện tại khi Trung Quốc có thể thâm nhập sâu vào Mỹ như Apple thâm nhập thị trường Trung Quốc, thì sự khác biệt về giá trị của chúng ta bắt đầu trở nên quan trọng.

Trong việc mua bán các công nghệ nền tảng, sự tin tưởng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta không thể mua hay bán cho nhau những công nghệ nền tảng này trên quy mô cần thiết, mà không có sự tin tưởng lẫn nhau ở mức cao và các giá trị chung. Đó là lý do giải thích tại sao Trump cấm nhà sản xuất 5G của Trung Quốc Huawei hoạt động tại Mỹ.

Nhưng hãy đợi đã! Điện thoại di động Huawei sử dụng hệ điều hành nào? Chính là phiên bản Android của Google! Nếu Mỹ ngăn chặn Google làm ăn kinh doanh với Huawei, công ty Trung Quốc có thể chia nhỏ hoạt động và sản xuất hệ điều hành riêng, mà sẽ không có đầy đủ các tính năng bảo mật của Google. Tình hình khá phức tạp.

Một lý do khác giải thích tại sao lại có cuộc chiến thương mại này là việc cả Tập Cận Bình và Trump đều đã đẩy mọi việc đi quá xa.

Cách đây 5, 6 năm, các công ty Mỹ làm ăn kinh doanh tại Trung Quốc bắt đầu thay đổi giọng điệu. Luận điệu trước đây của họ là Trung Quốc ép buộc họ chuyển giao công nghệ, đánh cắp công nghệ của họ và yêu cầu họ tuân thủ những quy tắc khác với những gì được đặt ra cho các công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ, nhưng khi Chính phủ Mỹ hỏi họ về việc có nên can thiệp vào chính sách của Bắc Kinh hay không thì họ lại nói: “Không, đừng làm xáo trộn tình hình. Ở đây chúng tôi vẫn đang kiếm được tiền”. Giờ thì không còn như vậy nữa.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều công ty Mỹ phàn nàn rằng quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc của họ đang bị hạn chế, trong khi các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc của họ đang mở rộng quy mô và tăng cường sức mạnh trong thị trường được bảo vệ của Trung Quốc và sau đó cạnh tranh với các công ty Mỹ này trên toàn cầu (giống như Huawei). Theo kế hoạch “Made in China 2025” của Tập Cận Bình, chính phủ sẽ cung cấp các khoản trợ cấp, khoản vay và quỹ đầu tư khổng lồ để các công ty Trung Quốc có thể vượt qua các đối thủ của họ ở nước ngoài.

Phải có ai đó lên tiếng về chiêu trò này. Người đó chính là Trump, và ông làm như vậy là đúng.

Nhưng ông Trump đã làm việc đó theo cách vô cùng dốt nát.

Như đã lập luận ở trên, Trump nên ký kết thỏa thuận thương mại tự do Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà hẳn sẽ liên kết tất cả các nền kinh tế lớn ở Thái Bình Dương - ngoại trừ Trung Quốc - với các giá trị, chuẩn mực, lợi ích và tiêu chuẩn của Mỹ trong thương mại, đồng thời cắt giảm hàng nghìn đầu thuế đánh vào các sản phẩm của Mỹ. Trái lại, Trump đã từ bỏ TPP.

Sau đó, Trump lẽ ra nên lôi kéo tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, vốn cùng gặp phải những vấn đề thương mại với Trung Quốc giống như Mỹ, đứng cùng phe với Mỹ. Thay vào đó, Trump lại áp thuế đối với thép và các hàng hóa khác của họ, giống như với Trung Quốc.

Sau đó, Trump lẽ ra nên nói với Tập Cận Bình rằng Mỹ và các đối tác của Mỹ ở Thái Bình Dương và châu Âu muốn đàm phán với Tập Cận Bình “một cách bí mật” về một chế độ thương mại mới, và như vậy sẽ không ai bị mất mặt. Nhưng trong cuộc đàm phán bí mật đó, “những tiêu chuẩn và giá trị về thương mại của thế giới sẽ đối đầu với những tiêu chuẩn và giá trị về thương mại của Trung Quốc”.

Thay vào đó, Trump đã hành động một mình – và khiến Mỹ phải một mình đối đầu với Trung Quốc. Nếu đặt “nước Mỹ trước tiên” trong tất cả mọi việc, thì tại sao người khác phải giúp chúng ta?

Vì vậy, hiện Mỹ có ít lợi thế đòn bẩy hơn và đang rơi vào một cuộc chiến thuế quan dạng “ăn miếng trả miếng” – mà không có đồng minh – và Mỹ đã biến cuộc chiến thành một câu hỏi về lòng tự hào đậm tính dân tộc chủ nghĩa về việc ai sẽ mất thể diện trước: Tập Cận Bình hay Trump? Điều này khiến cuộc chiến trở nên khó giải quyết hơn. Một lần nữa, bản năng gốc của Trump đã đúng, nhưng việc cố gắng giải quyết toàn bộ vấn đề thương mại Mỹ-Trung, vốn đã tích tụ trong nhiều thập kỷ, trong một bản thỏa thuận hoàn hảo có lẽ là sự thay đổi lớn đến mức hệ thống trì trệ của Trung Quốc không thể xử lý ngay lập tức.

Nhưng Tập Cận Bình cũng có lỗi. Ông ta đã khiến các nước láng giềng hoảng sợ bằng cách chiếm các đảo tại Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. Ông đã khiến phương Tây sợ hãi bằng cách công bố các kế hoạch nhằm thống lĩnh mọi ngành công nghệ cho đến năm 2025, trong khi vẫn duy trì các giới hạn thương mại trong suốt 30 năm qua, từ khi Trung Quốc mới chỉ bán cho Mỹ áo phông, đồ chơi và giày tennis. Các nhà đàm phán Trung Quốc đã phát đi những tín hiệu rõ ràng từ rất sớm, rằng họ đã sẵn sàng từ bỏ một số thông lệ thương mại không công bằng, nhưng rồi đột ngột rút lại điều đó vào tháng 5/2019.

Tại sao họ lại làm vậy? Phải chăng là vì Tập Cận Bình đã nhận được quá nhiều phản ứng gay gắt từ phía các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc vốn sợ phải cạnh tranh mà không có sự trợ giúp của nhà nước? Phải chăng là vì Tập Cận Bình tin vào câu nói: “Người Mỹ các ông đã quá trễ. Chúng tôi quá lớn” - điều mà một quan chức cấp cao Trung Quốc đã nói với tác giả bài viết vào năm 2018 khi tác giả cho rằng Trung Quốc phải có sự thay đổi trong thương mại. Hay phải chăng là vì Tập Cận Bình chợt nhận ra hệ thống của ông quá khó thay đổi? Chúng ta không biết câu trả lời.

Liệu có giải pháp nào để thoát khỏi tình hình hiện nay hay không? Đặt mình vào vị trí của Trump, một biện pháp có thể là hoãn lại việc đánh thuế 10% vào số hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD, đổi lại Trung Quốc sẽ rút lại đợt tấn công gần đây nhất vào ngành nông nghiệp của Mỹ, và rồi Mỹ lại đề xuất với Trung Quốc một cách tiếp cận mà Jim McGregor, chủ tịch của tập đoàn APCO China, đã gợi ý. McGregor giải thích: “Cơ chế thương mại cũ dựa trên ý tưởng cho rằng Mỹ là một nước giàu có còn Trung Quốc là một nước nghèo. Do đó Trung Quốc có được một số lợi thế nhất định và những hành vi sai trái của họ được dung thứ. Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng ‘Giờ chúng ta đã ngang hàng về kinh tế’. Hãy cho Trung Quốc phẩm giá đó. Và nói với họ rằng chúng ta muốn khởi động lại các cuộc đàm phán dựa trên nền tảng mối quan hệ hoàn toàn có qua có lại. Hai nước phải có những nguyên tắc giống nhau về quyền tiếp cận nền kinh tế của nhau”.

Nếu Trung Quốc không muốn trao cho Mỹ quyền tiếp cận công bằng nền kinh tế của họ trong một số lĩnh vực, thì các công ty của họ cũng không có quyền tiếp cận tại Mỹ, và ngược lại. McGregor nói thêm: “Nhưng trong tương lai, mục tiêu sẽ là quyền tiếp cận công bằng nhất có thể - được đàm phán giữa hai cường quốc ngang bằng”. Trung Quốc cho phép Mỹ làm gì, Mỹ cũng nên cho phép Trung Quốc làm điều đó. Và những gì Trung Quốc không trao cho Mỹ, thì Mỹ cũng không nên trao cho Trung Quốc. Tất cả những sự chệch hướng khỏi tiêu chuẩn đó đều có thể thương lượng được.

Nếu ai đó có ý tưởng tốt hơn thì xin hãy nêu ra, vì nếu cả hai bên không tìm ra cách nào tốt hơn, thì thế giới hiện nay sẽ thay đổi. Ta có thể không yêu quý những gì ta đã có, nhưng thực sự sẽ không thích những gì ta sắp nhận được.

Thomas L. Friedman là cây bình luận về các vấn đề ngoại giao tờ The New York Times. Ông đã làm việc cho tờ báo năm 1981, giành được 3 giải Pulitzer. Bài viết được đăng trên The New York Times.

Văn Cường (gt)