Vào đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, quan niệm của Trung Quốc về thế giới xung quanh bắt đầu thay đổi ngày càng rõ hơn. Lần đầu tiên vào giữa những năm 2000 Bắc Kinh đã thận trọng nói về sự cần thiết phải “lồng gép” một “tâm lý cường quốc” cho đất nước. Hiện nay trong phần lớn các văn kiện chính thức của Trung Quốc đều sử dụng cách diễn đạt “cường quốc có trách nhiệm” khi nói về Trung Quốc. Đồng thời cụm từ “đang phát triển” cũng đã biến mất. Hơn nữa, khái niệm “trách nhiệm” được Trung Quốc giải thích không chỉ là sự sẵn sàng tự hạn chế vì sự lợi ích của cộng đồng thế giới, mà còn là sự sẵn sàng đóng vai trò nổi bật hơn trong các quá trình đưa ra các quyết định về các vấn đề quản trị toàn cầu.

 

Những cở sở để tự tin

Tiếng nói của Trung Quốc trong đối thoại với các nước khác và tại các diễn đàn đa phương ngày càng tỏ ra tự tin hơn. Sự tự tin này có được là do các yếu tố sau: (1) Trung Quốc ít bị cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tác động, trong khi hầu hết các nước, trong đó có các nước phát triển đều rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất; (2) do bị vướng vào hai cuộc chiến tranh khu vực (Iraq và Afghanistan) Mỹ chỉ có thể giành được nguồn lực hạn chế cho việc củng cố vị trí của mình ở các khu vực khác, bao gồm châu Á – Thái Bình Dương; (3) những diễn biến ở Đài Bắc (chính quyền ôn hòa Mã Anh Cửu lên cầm quyền) có lợi cho Trung Quốc; (4) gia tăng khả năng Trung Quốc tác động đến hệ thống tài chính toàn cầu.

 

Cạnh tranh với thế giới thứ ba

Ưu tiên mới của chính sách đối ngoại Trung Quốc là bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Bắc Kinh không hài lòng với hệ thống tài chính thế giới hiện nay và đang thực hiện các biện pháp để biến Trung Quốc thành bên tham gia bình đẳng của các thiết chế kinh tế toàn cầu. Rất khó dự báo được khi nào đồng NDT của Trung Quốc trở thành đồng tiền chuyển đổi hoàn toàn, nhưng hiện nay Trung Quốc đang mong muốn mở rộng ảnh hưởng đối với việc thông qua các quyết định tài chính trong khuôn khổ BRIC và nhóm G-20. Cuộc khủng hoảng tài chính đã cho phép Bắc Kinh khơi lại cuộc bàn luận về việc thành lập “một cấu trúc tài chính quốc tế mới”, mà họ đã nêu ra từ giữa những năm 1990 (“xây dựng một trật tự kinh tế và chính trị thế giới hợp lý và công bằng”).

 

Trung Quốc cũng chú trọng đến việc bảo đảm an ninh nguồn nguyên liệu cho đất nước. Hiện nay Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lửa lớn thứ tư sau Mỹ, Nhật và các nước EU, và nhu cầu dầu lửa của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng. Hiện nay ngoại giao Trung Quốc đang tích cực triển khai chính sách đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Trung Quốc đang chú ý đến các quốc gia giàu có về nguồn năng lượng ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh. Một nét mới của ngoại giao kinh tế Trung Quốc là không chỉ thúc đẩy thương mại, mà chú trọng đầu tư vào các nước khai thác nguồn năng lượng để đánh đổi lấy sự bảo đảm cho Trung Quốc thâm nhập vào các nguồn nguyên liệu của các nước này.

 

Mới gần đây thôi còn là người bảo vệ chính cho lợi ích của thế giới thứ ba, thì giờ đây Trung Quốc bắt đầu cạnh tranh với các nước này. Đối với Trung Quốc, các nước đang phát triển không chỉ là các đối tác, mà còn là đối tượng (bóc lột, thôn tính) của chính sách đối ngoại của họ. Về toàn cục, ở châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông, Bắc Kinh đang dần học cách chèn lấn lợi ích của các quốc gia tiêu thụ nhiêu liệu. Tại Trung Á, Trung Quốc áp dụng chiến thuật từng bước thay đổi trọng tâm từ bảo đảm an ninh trong khuôn khổ SCO sang những vấn đề phát triển kinh tế và bảo đảm năng lượng. Trong quan hệ song phương với các nước trong khu vực Trung Quốc cũng thúc đẩy theo hướng này. Tại thị trường nguyên liệu Trung Á, Trung Quốc có khả năng trở thành người cạnh tranh kinh tế thành công với Nga.

 

Sinh thái và quan hệ với các cường quốc

Một nét mới của chính sách đối ngoại Trung Quốc là sự nhấn mạnh đối với thước đo sinh thái trong quan hệ quốc tế. Lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu quan tâm tới chủ đề về sự ấm lên toàn cầu và gìn giữ môi trường sống của con người. Ở Trung Quốc người ta bắt đầu nói về sự sẵn sàng cho việc “tự hạn chế về sinh thái”, về việc làm cho nhịp độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phù hợp với các yêu cầu bảo vệ môi trường. Các nhà phân tích thậm chí bắt đầu viết về khả năng dịch chuyển cuộc đấu tranh quốc tế nhằm giành vai trò lãnh đạo sang lĩnh vực kiểm soát đối với sự thay đổi khí hậu. Bắc Kinh có tham vọng đưa ra chương trình nghị sự tại các cơ chế đa phương - sinh thái còn chưa được hình thành đầy đủ, nơi mà hoạt động tích cực của Trung Quốc hiện chưa gây nên sự chống đối của các nước cạnh tranh mạnh hơn.

 

Một điểm đặc biệt của ngoại giao Trung Quốc - đó là quan hệ với các nước lớn. Bắc Kinh hành xử với các nước lớn ngày càng tự tin hơn. Mặc dù chưa có sự thay đổi cơ bản các trọng tâm hay các phương châm chính trị, cách Trung Quốc nhìn nhận về vai trò của các cường quốc cũng đang thay đổi. Tác giả “Sách trắng về quốc phòng của Trung Quốc” khẳng định: “Cuộc cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng tiếp tục gia tăng”. Các nhà phân tích Trung Quốc viết về “khả năng căng thẳng cạnh tranh dưới hình thức hợp tác” trong quan hệ giữa các nước lớn. Không có ai còn ca tụng những lợi thế của hệ thống quan hệ đối tác chiến lược như 10 - 15 năm trước đây nữa. Nói đúng hơn, ở lãnh đạo Trung Quốc đã xuất hiện “hội chứng mệt mỏi” từ hệ thống quan hệ này.

 

Tuy vậy, sự thực dụng hóa chính sách đối ngoại của Trung Quốc như thế chưa chắc đã tác động tiêu cực đến quan hệ Trung - Nga. Trung Quốc cần sự ủng hộ của Nga trong các diễn đàn khu vực (SCO) và toàn cầu (G-20, BRIC). Nga vẫn là người cung cấp chính cho Trung Quốc sản phẩm công nghệ cao có ý nghĩa chiến lược và là một trong những nước cung cấp nguồn năng lượng cho Trung Quốc. Hai nước có lợi ích chung trong lĩnh vực an ninh khu vực (ổn định tình hình ở Afghanistan, trên bán đảo Triều Tiên, ngăn chăn sự truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan vào Trung Á). Khác với Mỹ, Trung Quốc không có tham vọng mở rộng ảnh hưởng chính trị đối với không gian SNG, nhưng tích cực thúc đẩy lợi ích kinh tế ở đây.

 

Sự xét lại được tiến hành lặng lẽ

Trung Quốc đang đấu tranh với cảm giác về thế giới của một nước đang phát triển và tri giác tương ứng về chính trị thế giới. Không chỉ về mặt địa lý, mà cả về mặt chính trị, kinh tế và tư tưởng ngoại giao Trung Quốc đang trở thành ngoại giao của một nước với các lợi ích toàn cầu, mặc dù còn chưa phải hoàn toàn là các tham vọng toàn cầu. Thuộc nội dung chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Trung Quốc - đó là đấu tranh với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, là chống lại chủ nghĩa khủng bố, giải quyết những vấn đề sinh thái toàn thế giới, an ninh năng lượng, đấu tranh chống dịch bệnh và hải tặc. Gần đây Trung Quốc quan tâm tới việc khai thác vùng Bắc cực rất xa về mặt địa lý. Ở Bắc Kinh, người ta nhận thức được những khó khăn đi liền với sự vươn lên của Trung Quốc, nhưng hình như họ đã học được cách sống với sự lo lắng của thế giới về sự gia tăng các khả năng của Trung Quốc.

 

Theo các nhà phân tích của Trung Quốc, Trung Quốc trở nên khó hơn trong việc “che dấu khả năng và không gây sự chú ý” như Đặng Tiểu Bình đã di huấn lại. Trong thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc, mà sẽ nắm quyền vào năm 2012 được thấy có một mong muốn thận trọng khắc phục sự nghiêm ngặt của cái gọi là các nguyên tắc của người khởi xướng các cuộc cải cách trong chính sách quốc tế của Trung Quốc. Hình như “chính sách thụ động” đang dần dần đi vào dĩ vãng. Nhưng sự xét lại này được thực hiện một cáh im lặng và từ từ vì ở Trung Quốc hiện nay không có nhà chính trị nào dám công khai bác bỏ các vị tiền bối.

 

Sau 20 năm “học việc” gần đây của mình, Trung Quốc đã tiếp thu được ngôn ngữ chính trị của phương Tây, khi đã Trung Quốc hóa các khái niệm “sự cân bằng lực lượng”, “đa cực”, “đối tác chiến lược”, khi đã thử dùng các khái niệm này vào thực tiễn và đã thất vọng về chúng. Nhưng sẽ không có cơ sở để chờ đợi một cuộc đột phá cách mạng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục duy trì đường lối mở rộng sự tham gia vào các công việc quốc tế, nhưng là một đường lối có chọn lọc, nghiêm ngặt và ích kỷ hợp lý. Trong định hướng lôgíc thực dụng này, Trung Quốc quyết tâm tránh bất cứ một hình thức quan hệ đồng minh nào với bất cứ các quốc gia nước ngoài nào. Có phổ biến toàn cầu về lợi ích chính trị đối ngoại, nhưng hạn chế về nguồn lực chính trị đối ngoại, cũng như trước đây, Trung Quốc vẫn chỉ kiểm soát được các lực lượng ở những hướng chính trị đối ngoại được lựa chọn.

 

 

Nguồn : báo Độc lập, Nga

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)