Việc một trong số các quốc gia đang liên quan tranh chấp chủ quyền tại khu vực tổ chức hội nghị quốc tế lớn được các quan sát viên đánh giá là bước đi quốc tế hóa đồng thời cũng cho thấy sự cấp bách của căng thẳng tại Biển Đông.
 
Trong phát biểu mở đầu cuộc họp, đại sứ Dương Văn Quảng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nói: "Những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ không hề thuyên giảm ở Biển Đông".
"Ngược lại, những diễn biến gần đây, nhất là các hành động khẳng định chủ quyền về mặt pháp lý, kèm theo các hành vi đơn phương nhằm tăng cường sự kiểm soát thực địa, tranh chấp các nguồn năng lượng và tài nguyên đã làm cho tình hình thêm phức tạp."
 
Về các khẳng định chủ quyền, Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia hồi giữa năm nay đã nộp lên Liên Hiệp Quốc các báo cáo về thềm lục địa mở rộng. Việt Nam và Trung Quốc cũng đã đưa ra một số quyết định về thành lập các đơn vị hành chính, gây tranh cãi giữa hai bên.
 
Trong khi đó, các nước trong khu vực bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng hoạt động quân sự với độ mạnh bạo nhiều người đánh giá là "chưa từng thấy" của Trung Quốc tại Biển Đông, nơi được cho là có nhiều dầu khí và tài nguyên thiên nhiên.
 
Quá trình tìm kiếm Quy tắc Ứng xử Biển Đông đang bế tắc cho dù các bên liên quan đã ký Tuyên bố chung từ năm 2002.
 
Trung Quốc nói gì?
 
Tham gia hội nghị lần này có sáu chuyên gia và học giả Trung Quốc, với các bài tham luận về an ninh hàng hải và hợp tác về an ninh.
 
Trung Quốc cho rằng tìm kiếm Quy tắc Ứng xử là tiến trình lâu dài
Giáo sư Lý Quốc Cưỡng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sử địa giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với với BBC: "Chúng tôi muốn thông qua sự giao lưu giữa các học giả của các quốc gia khác nhau, chúng ta sẽ tìm cách hòa giải bất đồng giữa các nước tại Biển Đông".
 
"Muốn đạt được an ninh Biển Đông, các nước phải nỗ lực xây dựng lòng tin với nhau."
 
Trung Quốc từ trước tới nay vẫn duy trì quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán song phương với các nước liên quan. Giáo sư Lý cũng khẳng định, cuộc hội thảo lần này chỉ mang ý nghĩa "học thuật" và không trông đợi một giải pháp thực sự nào.
 
Ông cho rằng việc đạt một Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông đòi hỏi một quá trình thương lượng lâu dài, cho dù Trung Quốc và các nước đều "mong muốn" tìm cách tháo gỡ bất đồng.
Chuyên gia Trung Quốc nhận định: "Tuy nhiên, khả năng xảy ra xung đột vũ trang tại Biển Đông trong thời đại hiện nay không thể có, có chăng thì chỉ là những va chạm nhỏ."
 
Trong thời gian gần đây, Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc có hành xử thô bạo với ngư dân Việt Nam. Thậm chí đã có cáo buộc ngư dân Quảng Ngãi khi tránh bão bị lính Trung Quốc nổ súng xua đuổi.
 
Hiện cũng đang có sức ép từ một số bộ phận dư luận trong nước Việt Nam đòi hỏi chính quyền phải có thái độ mạnh bạo và cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc.
Các đại biểu Việt Nam tham dự hội thảo cho rằng, việc tổ chức các hoạt động như thế này là hướng đi đúng.
 
Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cơ quan đồng tổ chức hội thảo, nói sẽ có các hội thảo tiếp theo trong tương lai.
 
Tiến sỹ sử học Nguyễn Nhã, người nhận chiếc giấy mời hội thảo vào phút chót, thì bày tỏ hy vọng mạnh mẽ hơn. Ông nói với BBC: "Tôi cho đây là cuộc giao lưu của những người quan tâm tới Biển Đông khắp thế giới".
 
"Dần dần người ta (dư luận thế giới) sẽ biết sự thật là như thế nào, và cách giải quyết phải hợp lý."
 
"Và như người ta đã nói: Cái gì của César thì phải trả lại cho César!".