Xi-reForm.jpg

 

Trung Quốc triển khai nhiều việc như phóng một tên lửa lên vùng tối của Mặt Trăng, xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, dụ Italy rời bỏ hàng ngũ các đồng minh châu Âu và ký vào Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong khi đó, lập trường đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm giảm sức mạnh và ảnh hưởng của nước Mỹ.

Thành tựu kinh tế của Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua thực sự ấn tượng. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại chính của hơn 100 quốc gia, gấp đôi so với số đối tác thương mại của Mỹ. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện đã chậm lại, nhưng tỷ lệ tăng trưởng chính thức 6% hàng năm của quốc gia này vẫn cao hơn gấp đôi so với Mỹ. Theo cách đánh giá thông thường, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong thập kỷ tới.

Có thể như vậy. Nhưng cũng có thể thấy Trung Quốc đang đi trên “chân đất sét”.

Không ai biết tương lai Trung Quốc sẽ nắm giữ những gì, và từ lâu đã có những dự đoán sai lầm về sự sụp đổ hoặc đình trệ một cách hệ thống của quốc gia này. Tôi không nghĩ về cả hai khả năng này, nhưng cho rằng những điểm mạnh của Trung Quốc đã bị phóng đại. Người phương Tây nhìn thấy sự chia rẽ và phân cực trong các nền dân chủ của họ, nhưng nỗ lực của Trung Quốc trong việc che giấu các vấn đề của mình không giúp giải quyết được chúng. Các nhà nghiên cứu về Trung Quốc, những người hiểu biết nhiều hơn tôi, liệt kê ít nhất 5 điểm yếu lớn, dài hạn của Trung Quốc.

Đầu tiên, đó là hồ sơ nhân khẩu học không thuận lợi. Lực lượng lao động Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2015, và đã qua thời kỳ gặt hái dễ dàng từ quá trình đô thị hóa. Dân số đang già đi và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với chi phí y tế tăng cao, trong khi còn thiếu sự chuẩn bị. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng đáng kể cho nền kinh tế và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.

Thứ hai, Trung Quốc cần thay đổi mô hình kinh tế. Năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã khôn ngoan chuyển Trung Quốc từ chế độ tự trị theo chủ nghĩa Mao sang mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Đông Á mà Nhật Bản và Đài Loan đi tiên phong trong việc áp dụng và đã thành công. Tuy nhiên, ngày nay, mô hình đó đã trở nên quá chật chội đối với Trung Quốc và không còn nhận được sự “nương nhẹ” của các chính phủ nước ngoài. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đang xoáy vào các vấn đề như thiếu sự có đi có lại, trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ bắt buộc, những yếu tố khiến Trung Quốc có lợi trong sân chơi chung. Người châu Âu cũng đang phàn nàn về những vấn đề này. Chính sách sở hữu trí tuệ và nền pháp quyền còn nhiều yếu kém của Trung Quốc đang làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài, khiến quốc gia này mất đi sự ủng hộ chính trị quốc tế thường vẫn đi kèm với đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ đầu tư chính phủ cao và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước cũng đang che đậy sự kém hiệu quả trong việc phân bổ vốn ở Trung Quốc.

Thứ ba, trong hơn ba thập kỷ qua Trung Quốc chọn “hái trái ngọt nơi cành thấp” của những cải cách tương đối dễ dàng, những thay đổi cần thực hiện bây giờ khó khăn hơn nhiều: Nền tư pháp độc lập, hợp lý hóa các doanh nghiệp nhà nước, và tự do hóa hoặc loại bỏ hệ thống đăng ký hộ khẩu, một hệ thống làm hạn chế sự đi lại và làm tăng bất bình đẳng. Hơn nữa, những cải cách chính trị của Đặng Tiểu Bình nhằm tách Đảng và Nhà nước đã bị ông Tập Cận Bình đảo ngược.

Điều đó đưa chúng ta đến vấn đề thứ tư. Trớ trêu thay, Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của sự thành công của mình. Mô hình theo Chủ nghĩa Lenin do Mao áp đặt vào năm 1949 phù hợp với Trung Quốc, nhưng sự phát triển kinh tế nhanh chóng đã làm thay đổi Trung Quốc và nhu cầu chính trị của nước này. Trung Quốc đã trở thành một xã hội trung lưu thành thị, nhưng giới tinh hoa cầm quyền vẫn bị mắc kẹt trong lý luận chính trị luẩn quẩn. Họ tin rằng chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể cứu Trung Quốc và bất kỳ cải cách nào cũng phải củng cố sự độc quyền của Đảng Cộng sản.

Nhưng đây chính xác không phải là điều Trung Quốc cần. Những cải cách cơ cấu sâu sắc có thể khiến Trung Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc vào sự đầu tư cao của chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước vấp phải sự phản đối của giới tinh hoa trong Đảng, những người trở nên giàu có từ hệ thống hiện nay. Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình không thể vượt qua sự chống đối này, thay vào đó, nó chỉ đơn thuần làm nhụt đi các sáng kiến. Trong một chuyến thăm gần đây tới Bắc Kinh, một nhà kinh tế Trung Quốc đã nói với tôi rằng chiến dịch của Tập Cận Bình tiêu tốn của Trung Quốc 1% GDP mỗi năm. Một doanh nhân Trung Quốc nói với tôi rằng tăng trưởng thực tế chưa bằng một nửa con số công bố. Điều này có thể được bù đắp bởi sự năng động của khu vực tư nhân, nhưng ngay cả khi đó, nỗi lo sợ mất kiểm soát lại làm tăng vai trò của Đảng.

Cuối cùng, quyền lực mềm của Trung Quốc có điểm yếu. Ông Tập Cận Bình đã tuyên bố về “Giấc mơ Trung Hoa” mong ước trở lại vị thế vĩ đại toàn cầu. Khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và các vấn đề xã hội gia tăng, tính chính danh của giới cầm quyền Trung Quốc sẽ ngày càng dựa vào những lời kêu gọi mang tính chủ nghĩa dân tộc như vậy. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã chi hàng tỷ đô la để tăng sức hấp dẫn đối với các quốc gia khác, nhưng các cuộc thăm dò dư luận quốc tế cho thấy Trung Quốc đã không thu được gì nhiều từ khoản đầu tư đó. Đàn áp các dân tộc thiểu số, bỏ tù các luật sư nhân quyền, tạo ra một nhà nước giám sát và xa lánh các thành viên sáng tạo của xã hội dân sự như nghệ sĩ nổi tiếng Ai Weiwei đã làm giảm sức hút của Trung Quốc tại châu Âu, Úc và Mỹ. Nhiều thập kỷ trước, các nhà cách mạng trẻ trên khắp thế giới đã được truyền cảm hứng từ những lời dạy của Mao. Ngày nay, mặc dù “tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” đã được đưa vào trong Điều lệ đảng, rất ít người trẻ ở các quốc gia khác đang giơ cao biểu ngữ đó.

Trung Quốc là một quốc gia có những điểm mạnh lớn, nhưng cũng có những điểm yếu quan trọng. Chiến lược của Mỹ nên tránh phóng đại cả hai. Tầm quan trọng của Trung Quốc sẽ tăng lên và mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là một sự tranh đấu hợp tác. Chúng ta không nên quên bất kỳ khía cạnh nào trong hai khía cạnh này. Không có quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, có khả năng vượt qua Mỹ về sức mạnh tổng thể trong một hoặc hai thập kỷ tới, nhưng Mỹ sẽ phải học cách chia sẻ quyền lực khi Trung Quốc và các nước khác mạnh lên. Bằng cách duy trì các đồng minh quốc tế và các tổ chức trong nước, Mỹ sẽ có lợi thế so sánh.

Tác giả là Giáo sư Joseph S. Nye thuộc Đại học Harvard. Bài viết đăng trên mạng Trang mạng của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI).

Anh Thư (gt)