mullen_newgreatgame_malacca.jpg

Vào thời điểm Brexit và sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, chiến lược toàn cầu nêu rõ lịch trình biến đổi của EU. Mặc dù, dựa trên các nguyên tắc truyền thống của chính sách đối ngoại châu Âu, tài liệu này mang lại một điều mới lạ thực sự bởi việc tái tập trung của nó vào các lợi ích thuần túy của EU và của công dân EU, theo đó, cho phép vượt qua khái niệm quá hạn hẹp của “sức mạnh mềm” và gắn EU với khái niệm “sức mạnh thông minh”.

Ngày 23/6/2016, cử tri Vương Quốc Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit với số phiếu 51,9% và trở thành thành viên đầu tiên của EU mở ra tiến trình “ra khỏi EU”. Ngày 28/6/2016: Cao ủy Liên minh châu Âu về đối ngoại và chính sách an ninh, Federica Mogherini trình lên Hội đồng châu Âu chiến lược toàn cầu mới của EU về chính sách đối ngoại và an ninh. Một loạt biến cố trái ngược trong vòng năm ngày, một bên là triệu chứng của một Liên minh luôn không được lòng dân và không được thấu hiểu, một bên là toan tính giành vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Người ta đã đưa ra giả thuyết rằng Cao ủy đã hoãn lại việc đưa ra sáng kiến của mình trong trường hợp “đồng ý” của người dân Anh đối với Brexit để có thời gian nghiền ngẫm kết quả lịch sử này. Khác xa so với điều này, Federica Mogherini đã đi trước, chính xác là để gửi một tín hiệu về sự thống nhất và dự kiến về tương lai, và mặc dù bị mất tầm nhìn không thể tránh khỏi do sự kiện Brexit.

Sáu tháng sau, Vương Quốc Anh vẫn không đưa ra tiến trình chính thức ra khỏi EU dự kiến theo điều 50 của Hiệp ước về EU, trong khi Hội đồng Bộ trưởng EU đã thông qua một loạt các biện pháp tham vọng trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu. Đã đến lúc không chỉ đả kích hiện trạng của EU mà cần có một ý chí đi lên dựa trên một tư duy chiến lược đổi mới. Điều này ngày càng trở nên cấp bách hơn đối với sự bấp bênh thuộc về tính chất của đối tác xuyên Đại Tây Dương phát sinh sau chiến thắng của Donald Trump tại Mỹ ngày 9/11/2016. Từ quan điểm này, chiến lược toàn cầu đã góp phần đặt ra (cũng như đặt lại) vấn đề quyền tự chủ chiến lược của EU, hiện vẫn tạo nên tranh luận về hệ tư tưởng.

Chiến lược toàn cầu đã mang lại điều gì khi đáp lại chủ đề về lợi ích cơ bản của EU với vai trò là cường quốc khu vực, và liệu nó có trở thành đòn bẩy trong việc khẳng định vai trò của EU trên trường quốc tế, ở thời điểm mà Mỹ biến thành người chỉ huy tối cao? Chiến lược này ban đầu nhằm mục tiêu lấp đầy khoảng trống chiến lược trong một thế giới đang thay đổi (I) và đây cũng là một công cụ chính trị hướng vào hành động (II).

I. Chiến lược toàn cầu: Bù đắp khoảng trống chiến lược trong một thế giới đang thay đổi

Chúng ta hãy xem xét triển vọng của việc xác định những lợi ích chiến lược của EU trong tương lai và chuyển từ “chủ nghĩa đa phương hiệu quả” sang “chủ nghĩa thực dụng có nguyên tắc”.

Định nghĩa chung về các lợi ích chiến lược của EU

Môi trường địa chính trị của EU đã biến chuyển nhiều trong 10 năm trở lại đây chưa kể điều này còn kèm theo sự thích nghi thực sự của tư duy lôgích chiến lược. Tài liệu tham khảo đầu tiên là Chiến lược An ninh châu Âu, đã được thông qua năm 2003, thời điểm châu Âu đang chia rẽ sâu sắc về chiến tranh tại Iraq và đặt ra nỗ lực hòa giải giữa các thành viên đang bị chia rẽ. Nhìn từ quan điểm này, điểm nổi bật của văn bản là sự ngây thơ thuần túy về hệ tư tưởng muốn tìm kiếm sự đồng thuận ở giai đoạn hậu chiến tranh lạnh và tiền mở rộng, mặc dù lúc đó mới diễn ra khủng bố ngày 11/9/2001. Trong văn bản, EU muốn vận động tại khu vực láng giềng châu Âu, “một tập hợp các quốc gia được quản trị tốt, với họ chúng ta có thể có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ”, sự ngây thơ nêu trên không chỉ ra chính xác những phương tiện để đạt được điều đó, nếu như không phải là chính sách mở rộng, vốn nhanh chóng khiến các quốc gia thành viên cũ cảm thấy ngột ngạt. Ngoài ra, nó xác định các mối đe dọa về an ninh cơ bản, nhưng chỉ xác định các nguyên tắc hành động chung để đối phó với những mối đe dọa đó. Trong năm 2008, các nhà hoạch định chính sách châu Âu tập trung vào việc soạn thảo một báo cáo thực hiện Chiến lược An ninh châu Âu nhằm hoàn thiện những thiếu sót của văn bản ban đầu và tính tới những mối đe dọa an ninh mới: an ninh mạng, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu. Tài liệu này tỏ ra hài hòa hơn với môi trường chiến lược, nhưng có một số chia rẽ trong 28 thành viên ở giai đoạn hậu mở rộng về các vấn đề quan trọng (tiến trình hòa bình tại Trung Đông, quan hệ EU-NATO, các quan hệ với Nga) khiến các cuộc thảo luận trở nên khó khăn cho tới khi thông qua văn bản vào tháng 12/2008. Từ đó, châu Âu muốn tập trung vào các chủ đề chuyên biệt với sự đồng thuận mạnh mẽ để vượt qua sự nhạy cảm mang tính quốc gia. Chiến thuật này có lợi ở chỗ mang lại một số thành công nổi bật của ngoại giao châu Âu như bình thường hóa đối thoại giữa Serbia và Kosovo, đấu tranh chống cướp biển tại vùng biển Somalia hoặc hiệp định hạt nhân với Iran được EU đàm phán nhân danh nhóm E3+3 (Đức, Pháp, Vương Quốc Anh + Trung Quốc, Mỹ và Nga).

Từ năm 2008, sức ép chính trị và địa chính trị lên EU gia tăng chưa từng có: khủng hoảng tài chính rồi khủng hoảng đồng euro (từ năm 2008), mùa Xuân Arập (2010-2011) ban đầu được ca tụng nhưng rồi nhanh chóng gây lo ngại, chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á (2009) và sự rút lui từng bước của Mỹ không chỉ ở châu Âu mà cả Trung Đông, sức ép gia tăng của Nga tại khu vực xung quanh châu Âu với các cuộc khủng hoảng tại Gruzia (2008) rồi Crimea (từ năm 2014), các cuộc xung đột tại Libya, Yemen và đặc biệt là tại Syria, dẫn tới một cuộc khủng hoảng tỵ nạn chưa từng có, cũng như sự gia tăng nguy cơ và các vụ khủng bố. Đồng thời, trong EU còn diễn ra những thay đổi lớn về thể chế với việc thực hiện hiệp ước Lisbon năm 2009, dẫn tới việc hình thành vị trí Cao ủy châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh chung và Cơ quan châu Âu về hoạt động đối ngoại (cách gọi khác tương ứng với Bộ trưởng và Bộ Ngoại giao của EU xuất phát từ Hiệp ước Lisbon theo sáng kiến của Vương Quốc Anh).

Biến động quốc tế và phát triển về thể chế này dường như đòi hỏi EU phải xác định lại các lợi ích chiến lược của mình. Tuy nhiên, Cao ủy đầu tiên của châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh chung, Catherine Ashton, đã muốn tránh công việc trắc trở này để tập trung vào việc thiết lập Cơ quan châu Âu về hoạt động đối ngoại và các ưu tiên dài hạn như quan hệ với các quốc gia xung quanh châu Âu và tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược của EU, nên cũng không tập trung vào việc soạn thảo những tài liệu chiến lược. Như với nước Pháp, nước này đã thông qua cùng thời điểm hai cuốn sách trắng về an ninh và quốc phòng quốc gia, trong năm 2008 và 2013, phản ánh nhu cầu thích ứng với một thế giới thay đổi. Đây là lý do mà người thay thế bà Catherine Ashton, Federica Mogherini, thực hiện công việc lớn này ngay sau khi được bổ nhiệm (tháng 11/2014).

Từ “chủ nghĩa đa phương hiệu quả” sang “chủ nghĩa thực dụng có nguyên tắc”

Tiếp theo việc công bố chiến lược toàn cầu trong bối cảnh không được dư luận biết tới do truyền thông mải tập trung đưa tin sự kiện nước Anh trưng cầu dân ý về Brexit, một yếu tố cần tính đến: Đó là sự phân tích tính thiết thực của tài liệu đối với chính phủ cũng như với xã hội dân sự. Điều này không mang lại ngay được lợi ích trước mắt, cũng như tiến trình tham khảo ý kiến các quốc gia thành viên, thay vì đàm phán, ban đầu đã tạo nên một số ngờ vực tại thủ đô các quốc gia châu Âu. Công việc này đã được các nhóm công tác của bà Federica Mogherini điều hành, đặc biệt là cố vấn đặc biệt của bà, Nathalie Tocci (phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Roma), và Cơ quan châu Âu về hoạt động đối ngoại, với gần 50 sự kiện được tổ chức, các điểm tiếp xúc, gặp gỡ trong các quốc gia thành viên và Ủy ban châu Âu, và một trang web dành riêng cho dịp này. Ở vào tuần công bố, đại diện của các quốc gia thành viên đã có cơ hội tham khảo bản dự thảo văn bản tại một phòng được đảm bảo an ninh để hoàn thành văn bản về các chủ đề nhạy cảm nhất. Những trở ngại của hai hoạt động trước đã được tránh và đã cho phép tăng cường tinh thần thích nghi của các quốc gia thành viên cũng như việc thông qua một tài liệu đầy đủ, chính xác và tham vọng.

Năm ưu tiên được xác định trong chiến lược toàn cầu về bản chất không phải là đổi mới nhưng được tập trung vào Liên minh và các lợi ích của công dân. Nó là kết quả của một cách tiếp cận ít bị ảnh hưởng hơn về ý thức hệ, dựa trên những giá trị và thực tế hơn, dựa trên những lợi ích, nhấn mạnh vào ý tưởng “giá trị cơ bản của chúng ta là gắn với lợi ích của chúng ta”. Sắc thái tế nhị này nhưng quan trọng chứng tỏ nhận thức về một thực tế mới tại châu Âu, đặc biệt do các cuộc tấn công khủng bố mới đây và đề nghị trợ giúp chưa từng có của Pháp vào tháng 11/2015 theo điều khoản hỗ trợ lẫn nhau điều 42.7 của Hiệp ước về EU). Điều này cũng được phản ánh bởi sự tương phản về giọng điệu giữa các văn bản của năm 2003 và năm 2016, như đầu đề (văn bản năm 2003: "Một châu Âu an ninh trong một thế giới tốt hơn"; văn bản năm 2016: "Tầm nhìn được chia sẻ, hành động chung: một châu Âu mạnh hơn"), câu đầu tiên (văn bản năm 2003:"Châu Âu đã chưa bao giờ phồn thịnh cũng như an ninh, tự do như vậy"; văn bản năm 2016: "Chúng ta cần phải có một châu Âu mạnh hơn") hoặc phân tích bối cảnh (văn bản năm 2003: Một "cuộc tấn công quy mô lớn chống lại một trong những quốc gia thành viên là khó xảy ra"); văn bản năm 2016: "Liên minh của chúng ta đang bị đe dọa".

Như vậy, an ninh của Liên minh trở thành ưu tiên hàng đầu, đồng thời kéo theo một khả năng tấn công và phòng vệ. Điều này được thể hiện bởi nhu cầu tăng cường cấu trúc kiểm soát khủng hoảng của EU, trang bị khả năng về dân sự và quân sự phù hợp và bổ sung đầy đủ với NATO, cũng như tăng cường công nghiệp quốc phòng châu Âu để hợp lý hóa giá thành và khuyến khích sự hiệp đồng. Mối liên hệ giữa chính sách đối nội và đối ngoại, cũng giữ một vị trí quan trọng ngày càng lớn để đối phó hiệu quả hơn với những thách thức như đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố hoặc an ninh mạng vốn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quốc gia và châu Âu.
Đồng thời, sự tiếp cận chung đối với láng giềng của EU đã có sự phát triển. Ý chí hơi hão huyền được nêu ra trong năm 2003 là thúc đẩy “một tập hợp quốc gia được quản trị tốt" đã được thay thế bởi việc ủng hộ sự ổn định của nhà nước và xã hội, trong mối liên hệ với các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Cách tiếp cận này có tham vọng ủng hộ các cấu trúc về quản trị trọn gói và tăng cường mảng kinh tế-xã hội, không áp đặt một mô hình từ bên ngoài mà dựa vào các tác nhân địa phương. Nó đã được áp dụng trong bối cảnh chính sách mới của châu Âu về di cư với các hiệp định đối tác được ký kết với 5 quốc gia tại châu Phi (Ethiopia, Mali, Niger, Nigeria, Senegal) và Kế hoạch Đầu tư ra nước ngoài của châu Âu nhằm thúc đẩy đầu tư tại các quốc gia đầu tư và chuyển tiếp. Mặt khác, chính sách đối ngoại của EU vẫn nổi bật với khả năng duy nhất là thực hiện cách tiếp cận tích hợp các cuộc khủng hoảng và xung đột: Nhà tài trợ chính về trợ giúp nhân đạo và hợp tác phát triển, được trang bị các công cụ về ngoại giao và kiểm soát khủng hoảng (gần 10.000 người hiện đang được huy động) và không phải chịu khổ với cái mác hậu thực dân, giá trị gia tăng của EU dường như là hiển nhiên, nhưng thành công của nó còn tùy thuộc vào khả năng điều phối và tự điều phối của Liên minh này.

Cuối cùng, những ưu tiên liên quan tới trật tự hợp tác khu vực và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương theo truyền thống là trọng tâm hành động của EU, với tư cách là một tác nhân về ngoại giao. Trái với năm 2003, Chiến lược của năm 2016 trình bày chi tiết cách tiếp cận của châu Âu đối với các khu vực chính của thế giới dựa trên các nguyên tắc được thiết lập kỹ càng (các hành động của Nga tại Ukraine (2014) được xác định rõ ràng là một "sự vi phạm luật pháp quốc tế") và các mục tiêu chính xác. Chủ nghĩa đa phương hiệu quả của năm 2003 trở thành chủ nghĩa thực dụng có nguyên tắc trong năm 2016. Quan trọng hơn, sự tê liệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chiến tranh tại Syria, khiến việc tiến hành cải cách trong quản trị quốc tế là điều cần thiết. Chiến lược đưa ra ý tưởng: Những tác nhân mới như xã hội dân sự hoặc lĩnh vực tư nhân, cần được đưa vào như một tác nhân quốc tế, phản ánh ảnh hưởng ngày càng lớn của chúng trong thế giới đang toàn cầu hóa của chúng ta.

II. Chiến lược toàn cầu: Một công cụ chính trị hướng tới hành động

Bây giờ là phần giới thiệu nỗ lực thực hiện chiến lược toàn cầu, và những bước tiến được thực hiện hướng tới sự tự chủ về chiến lược của EU.

Từ văn bản tới thực hiện: Sự vận hành đang diễn ra

Hội đồng châu Âu đã có thông điệp giới thiệu chiến lược này vào ngày 28/6/2016, những kết luận của Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao ngày 17/10/2016 hình thức hóa sự ủng hộ của các quốc gia thành viên với những lời lẽ rõ ràng. Điều đó cho thấy, chiến lược này không chỉ có sức mạnh duy nhất về nội dung mà còn là khả năng đưa tới một chính sách năng động và khả năng thực thi chính sách. Đây là một thông điệp mà Cao ủy nhấn mạnh tại nhiều tham luận công khai của bà về chủ đề này, dựa trên chương cuối cùng của chiến lược, "Từ tầm nhìn tới hành động", nó chắc chắn là mắt xích thiếu những tài liệu trước đó. Về chính sách đối ngoại, trên thực tế, EU phụ thuộc vào sự đồng thuận mà nó tạo ra bên trong các quốc gia thành viên (quan điểm X về chủ đề Y) và sức kéo chính trị mà Ủy ban châu Âu dự kiến truyền để mang theo (các chính sách thương mại, phát triển... về chủ đề Y). Hai lực ly tâm này sẽ dẫn tới tính trơ ì nếu nó không được kèm theo mệnh lệnh chính trị về sự đồng nhất.

Lộ trình thực hiện chiến lược sẽ phục vụ làm đòn bẩy cho sự vận hành này. Nó dựa trên năm ưu tiên của chiến lược và đòi hỏi phát triển các sáng kiến cụ thể với mục đích thực hiện báo cáo đầu tiên vào tháng 6/2017. Điều đó đòi hỏi bước nhảy vọt trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, cũng như một tư liệu chiến lược về sự bền bỉ nhằm đưa khái niệm này vào trọng tâm chính sách đối ngoại của EU, các biện pháp thực hiện nhằm thúc đẩy cách tiếp cận tích hợp trong việc đối phó với các cuộc xung đột, các chiến lược khu vực mới hoặc theo chủ đề (chống lại chủ nghĩa khủng bố, sự kết nối, EU-châu Phi), cũng như ý muốn xét lại công tác truyền thông về EU.

Những bước tiến về sự tự chủ chiến lược của EU

Sự trùng lặp giữa sự kiện trưng cầu dân ý về Brexit và việc công bố chiến lược toàn cầu đã mở ra ý tưởng về một sự thúc đẩy mới có thể được truyền cho sự hợp tác châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng nơi mà Anh đã thường xuyên là lực cản, nếu không muốn nói là đối lập. Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Bratislava ngày 16/9/2016, hội nghị đầu tiên với sự tham gia của 27 thành viên trong khi Vương quốc Anh sẽ vẫn là thành viên đầy đủ của EU cho tới khi sự rút lui của nước này có hiệu lực, đã tham gia vào sự năng động này.

Tuy nhiên, hội nghị này đã cho thấy một khối lượng lớn các quốc gia thành viên, chủ yếu là ở Bắc Âu, bước đầu ngập ngừng trong việc tăng cường hợp tác về quốc phòng. Điều này cũng đã bộc lộ sự thay đổi về hệ tư tưởng vốn luôn tồn tại với “các quốc gia NATO” về việc chấp nhận sự tự chủ chiến lược của EU, bao gồm cả phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Cuộc tranh luận này dường như cho thấy hiện thực về thời nào kỷ cương ấy, ở vào thời điểm có các mối đe dọa an ninh hiện hữu đối với EU và sự trùng lặp tốn kém không thích hợp (cần nhắc lại rằng Mỹ chỉ có 4 loại tàu chiến trong khi EU có tới 29) và thậm chí trong khi Washington cố gắng thuyết phục châu Âu từ nhiều năm nay trong việc thực hiện mục tiêu đóng góp 2% tổng sản phẩm quốc nội vào chi tiêu quốc phòng (trong EU chỉ có Pháp, Hy Lạp và Vương Quốc Anh là hoàn thành được mục tiêu này). Một tuần trước phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng ngày 14/11/2016, các nhà hoạch định chính sách châu Âu mặc dù đã nhấn mạnh tới phần bổ sung ngân sách giữa EU và NATO và Tổng Thư ký NATO đã đón nhận một cách tích cực những ý tưởng này, nhưng sự ngờ vực vẫn còn đó. Tuy nhiên, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ gieo rắc sự bấp bênh chiến lược về mức đóng góp của Mỹ vào các thiết chế xuyên Đại Tây Dương và tăng cường sự bất định trong đàm phán.

Trong khoảng thời gian từ 14/11 tới 6/12/2016, EU thông qua một gói các biện pháp đáng chú ý trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng dựa trên 3 trục chính:

- Một kế hoạch thực hiện về an ninh và quốc phòng xác nhận mức độ tham vọng được đổi mới của EU tập trung vào hoạt động phòng vệ, việc triển khai và hỗ trợ, đề xuất các hoạt động cụ thể nhằm tăng cường các công cụ sẵn có: như đưa ra chương trình trợ cấp 6 tháng của châu Âu về quốc phòng nhằm phát triển các chương trình về khả năng chung, điều chỉnh về cấu trúc quân sự trong kiểm soát khủng hoảng bao gồm việc tăng cường sự hiệp đồng dân sự-quân sự (EU hiện có 5 phái đoàn quân sự được triển khai tại biển Địa Trung Hải, trong khu vực Vịnh Aden, tại Mali, Trung Phi và Somalia) cũng như hiện đại hóa các công cụ phản ứng nhanh;

- Một kế hoạch hành động của châu Âu về quốc phòng được Ủy bản châu Âu giới thiệu nhằm tối ưu hóa các chi phí và hợp tác về quốc phòng, đặc biệt là thông qua một quỹ châu Âu về quốc phòng bao gồm lĩnh vực nghiên cứu chung về công nghệ mới về quốc phòng và chiến lược (ngân sách ước tính lên tới 500 triệu euro mỗi năm) và về khả năng tài trợ chung;

- Một kế hoạch thực hiện tuyên bố EU-NATO ngày 8/7/2016 dựa trên 42 biện pháp cụ thể, đặc biệt về chiến tranh mạng, khả năng quân sự hoặc nghiên cứu, đây là bước tiến ý nghĩa nhất trong hợp tác giữa hai tổ chức kể từ hiệp định Berlin+ năm 2003.

Gói các biện pháp về quốc phòng này đã được khẳng định ở cấp cao nhất trong Hội đồng châu Âu vào ngày 15/12/2016 với điều khoản gặp gỡ để lưu giữ sự năng động chưa từng có này. Tại thời điểm Brexit và sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chiến lược toàn cầu đã cho phép nêu rõ lịch trình biến đổi của EU. Mặc dù dựa trên các nguyên tắc truyền thống về chính sách đối ngoại châu Âu, tài liệu này mang lại một thực tế mới nhân danh việc tái tập trung vào các lợi ích thuần túy của EU và của các công dân thuộc khối này, vậy nên cho phép vượt qua khái niệm quá bó buộc của “sức mạnh mềm” và gắn EU với “sức mạnh thông minh”. Trong bối cảnh này, việc Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ cần được xem như một cơ hội thực tế cho Liên minh châu Âu giữ vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế bằng việc tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực với một đối tác Mỹ thực dụng hơn và đảm trách một vai trò lãnh đạo thực sự trong các lĩnh vực khác nhau như an ninh, biến đổi khí hậu hoặc di cư, những lĩnh vực mà Mỹ có nguy cơ không quan tâm./.

Tác giả Quentin WEILER là Cố vấn chính trị của Tổng thư ký Cơ quan châu Âu về Hoạt động Đối ngoại của EU. Bài viết đăng trên “Diploweb.”

Anh Thư (gt)