Trong báo cáo mang tiêu đề “Khuấy động Biển Đông” công bố ngày 23/4/2012[1],  Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group – ICG) cho rằng căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua chủ yếu do thiếu vắng sự chỉ đạo nhất quán và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền trung ương Trung Quốc và chính quyền địa phương, cũng như giữa các cơ quan chấp pháp của nước này ở Biển Đông. Vì những cơ quan chức năng có liên quan đến Biển Đông của Trung Quốc đang cố gắng tăng cường sức mạnh và ngân sách nên thường xuyên tăng cường hoạt động và gián tiếp gây ra căng thẳng ở vùng biển này. Bảng 1 dưới đây liệt kê những hoạt động đáng chú ý mà Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông trong năm vừa qua (như quản lý, ban hành quy định, tuần tra trên biển, xây dựng cơ sở hạ tầng…). 

Bảng 1: Một số động thái đáng chú ý của Trung Quốc ở Biển Đông năm 2012

Thời gian

Sự kiện

Tháng 1

17/1: Ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực Biển Đông năm 2012 từ 12 giờ ngày 16/5/2012 đến 12 giờ ngày 01/8/2012.

Tháng 2

1/2: Một đoàn gồm khu trục hạm và hộ tống hạm thuộc hạm đội Nam Hải thực tập tác chiến phối hợp nhiều chiến hạm.

21/2: Khởi động dự án đo đạc, giám sát sự thay đổi của một số đảo điển hình ở quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 3

3/3: Bắt giữ hai tàu cá và 21 ngư dân Việt Nam đánh bắt ở Hoàng Sa.

4/3: Thông báo ngân sách quốc phòng tăng 11,2% trong năm 2012, đạt mức 106,41 tỷ USD. 

10/3: Đề ra kế hoạch phát triển du lịch ở Hoàng Sa.

28/3: Tổ chức cuộc đua thuyền buồm “Cúp Ty Nam” tới Hoàng Sa.

30/3: Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm chính thức Campuchia 4 ngày.

Tháng 4

6/4: Tàu du lịch “Coconut Princess” bắt đầu hành trình thử nghiệm tuyến đường du lịch biển từ Tam Á đến đảo Đá Bắc, Hoàng Sa.

10/4: 2 tàu hải giám Trung Quốc đối đầu với tàu đô đốc hải quân của Philippines Gregorio del Pilar

18/4: Điều Tàu ngư chính 310 hiện đại nhất tới bãi cạn Scarborough.

18/4: Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc công bố thành lập đội tàu khảo sát biển quốc gia.

19/4: Công bố “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc” giai đoạn 2011-2020 trong đó phân chia Biển Đông thành 7 khu vực biển, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

23/4: Cảnh báo Philippines không “quốc tế hóa” tranh chấp Bãi cạn Scarborough.

26/4: Phê chuẩn dự án xây một cầu tàu diện tích 3,3 km2 ở đảo Duy Mộng, Hoàng Sa.

Tháng 5

6/5: Triển khai một đội tàu, trong đó có tàu công xưởng Hải Nam Bảo Sa 001 đến hỗ trợ cho đội tàu cá (từ 300 đến 500 chiếc) của nước này hoạt động ở Biển Đông.

9/5: Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc tuyên bố triển khai giàn khoan nước sâu 981 ở phần phía đông của Biển Đông.

15/5: Phát hành hộ chiếu phổ thông điện tử trong đó in hình bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò.

22/5: Triển khai tàu cá và tàu công vụ lên tới gần 100 chiếc tại Bãi cạn Scarborough.

27/5: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt thăm chính thức Campuchia bốn ngày.

26/5: Cục khí tượng Hải Nam cho biết bắt đầu tiến hành dự báo thời tiết đối với khu vực Bãi cạn Scarborough, đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa), Đá Chữ thập (quần đảo Trường Sa).

Tháng 6

5/6: Công ty di động Trung Quốc đã thực hiện nâng cấp phủ sóng tuyến đường biển từ cảng Thanh Lan, Hải Nam đến đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.

21/6: Quốc vụ Viện phê chuẩn việc thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” chịu trách nhiệm quản lý quần đảo Tây Sa-Trung Sa-Nam Sa và các vùng nước phụ cận.

23/6: Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí ở Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

26/6: Triển khai 4 tàu hải giám tuần tra ở Biển Đông.

28/6: Quân đội Trung Quốc bắt đầu các cuộc tuần tra sẵn sàng ứng chiến ở Biển Đông.

Tháng 7

8/7: Hải Nam khởi động hoạt động điều tra toàn diện đối với động vật hoang dã tại các đảo ở Biển Đông.

12/7: Một đội gồm 1 tàu tiếp tế và 29 tàu cá của Trung Quốc tới đánh bắt gần Đá Chữ thập, quần đảo Trường Sa.

13/7: Gây ảnh hưởng đối với nước chủ tịch Campuchia, dẫn đến kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM-45) lần đầu tiên không ra được Thông cáo chung.

17/7: Ban thường vụ Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam biểu quyết thông qua thành lập Nhóm trù bị Hội đồng Nhân dân thành phố Tam Sa khóa 1.

20/7: Quân ủy Trung ương Trung Quốc phê chuẩn thành lập và triển khai bộ chỉ huy quân đồn trú ở “Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa.

22/7: Công ty truyền thông mạng liên hợp China Unicom Hải Nam đã đưa vào hoạt động Trạm thu phát sóng di động 3G trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa.

24/7: Tổ chức nghi lễ thành lập và gắn biển cho các cơ quan trực thuộc “thành phố Tam Sa.”

30/7: Chính quyền cái gọi là “thành phố Tam Sa” xây 83 nhà cho thuê giá rẻ trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 8

2/8: Chăng dây thừng được cố định bởi phao ở cả hai đầu của lối vào phá của bãi cạn Scarborough.

6/8: Tàu “Thực nghiệm 3” của “Viện nghiên cứu Nam Hải” đi Trường Sa để thực hiện dự án khảo sát khoa học đối với mặt cắt Biển Đông.

25/8: Tân Hoa Xã thành lập văn phòng tại đảo Phú Lâm; Chính quyền Hải Nam phê chuẩn “Quy hoạch bảo hộ môi trường biển tỉnh Hải Nam giai đoạn 2011-2020”; xây dựng cơ sở tập kết, xử lý rác thải cùng một nhà máy xử lý nước thải trên đảo Phú Lâm.

26/8: Xây dựng 11 căn cứ máy bay không người lái sẽ tại 11 tỉnh và khu vực ven biển.

Tháng 9

2/9: Công ty Hải Hiệp tiến hành chạy thử tàu “Coconut Princess” lần thứ hai tuyến du lịch từ Hải Nam ra Hoàng Sa.

14/9: Thành lập nhóm chuyên trách cấp cao với nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích trên biển do ông Tập Cận Bình đứng đầu. Các thành viên khác gồm quan chức cấp cao trong Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Trung Quốc.

19/9: Sở Công thương tỉnh Hải Nam cấp phép thành lập hai doanh nghiệp tại “thành phố Tam Sa.”

25/9: Bàn giao Tàu sân bay “Liêu Ninh” cho Hải quân tại căn cứ hải quân ở thành phố Đại Liên.

Tháng10

8/10: Phòng khí tượng của “thành phố Tam Sa” chính thức được thành lập tại đảo Phú Lâm.

16/10: Lên kế hoạch đặt tên chính thức cho hàng ngàn hòn đảo trên biển.

23/10: Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông.

Tháng 11

10/11: Khởi công xây dựng nhà máy lọc nước biển trị giá 70 triệu Nhân dân tệ tại “Tam Sa”.

23/11: Tuyên bố xuất bản bản đồ chính thức đầu tiên của “thành phố Tam Sa”. 

27/11: Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam phê chuẩn “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam” cho phép cảnh sát biển tỉnh này được phép lên boong hoặc bắt giữ tàu nước ngoài cho là xâm nhập trái phép vùng biển Trung Quốc.

Tháng 12

9/12: Khởi công xây dựng “Trạm giám sát tổng hợp khí quyển quốc gia Tây Sa” trên quần đảo Hoàng Sa.

18/12: Đóng tàu tiếp tế giao thông đời mới của thành phố Tam Sa mang tên “Tam Sa-1”.

27/12: Điều tàu tuần tra đại dương Haixun 21 ra Biển Đông.

31/12: Nâng cấp và chuyển giao hai tàu khu trục và chín tàu cũ của hải quân cho đội tàu hải giám.

 

Theo thống kê của trang tin CNTV của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc trong năm 2012, Tổng đội Hải giám Nam Hải đã phái tổng cộng 172 lượt tàu thuyền thực hiện nhiệm vụ trên biển. Ngoài ra, tổng đội này còn thực hiện 415 lượt bay tuần tra biển đảo, với hành trình lên đến 300.000 km.[1] Trong đó, các tàu hải giám Trung Quốc tiến hành 58 nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông năm 2012.[2] Chỉ ngay trong tháng 1/2013, Hải giám Trung Quốc cũng đã tiến hành 6 chuyến tuần tra bảo vệ chủ quyền định kỳ, tổng hành trình 8.300 hải lý; sử dụng 16 lượt/chiếc máy bay hải giám, tổng hành trình khoảng 12 nghìn km. Trong đó bao gồm việc tiến hành tuần tra bảo vệ chủ quyền định kỳ ở đảo Điếu Ngư và vùng biển đảo Hoàng Nham (Bãi cạn Scarborough).[3]

Có thể thấy, các hoạt động trên Biển Đông của Trung Quốc trong năm 2012 được tiến hành trên diện rộng và rất quy mô, giúp nước này tăng cường quyền kiểm soát trên thực địa và củng cố yêu sách đường lưỡi bò. Tuy nhiên đây không hẳn là kết quả vô tình của nền chính trị quan liêu và sự hợp tác lỏng lẻo giữa các cơ quan/ địa phương như một số đánh giá mà hoàn toàn có chủ ý và hệ thống. Nói đúng hơn, những hành động của Trung Quốc trong năm qua cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan kiểm soát dân-quân sự cũng nhưng sự hài hòa giữa các mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự.[4] Trung Quốc luôn tìm cách tận dụng và khai thác các bước đi của đối phương để tung một lúc nhiều biện pháp đồng bộ và leo thang tranh chấp.  Cách Trung Quốc phản ứng trước việc Việt Nam thông qua Luật Biển và vụ đối đầu của Trung Quốc với Philippines ở bãi cạn Scarborough đã cho thấy rõ điều này.

Như một động thái đáp trả trước việc Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012, Trung Quốc thông báo thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa vào cùng ngày,[5] đồng thời Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố phản đối Luật Biển Việt Nam. Tiếp đó, ngày 23/6, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) thông báo chào thầu quốc tế 9 lô dầu khí ở Biển Đông, khu vực mời thầu nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.[6] Ngày 26/6, Trung Quốc triển khai một nhóm tuần tra bao gồm bốn tàu Hải giám (CMS) tiến ra Biển Đông và đội tàu này sau đó đã tiến hành diễn tập dàn đội hình gần Đá Chữ Thập. Một tháng sau, vào ngày 20/7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc phê chuẩn thành lập và triển khai bộ chỉ huy quân đồn trú ở “thành phố Tam Savà liên tục thực hiện các hành động nhằm củng cố, xây dựng cơ sở trên đảo Phú Lâm (nơi đặt trụ sở chính quyền “Tam Sa”)..

Cách thức xử lý của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Philippines ở Bãi cạn Scarborough cũng là ví dụ điển hình cho thấy cách tiếp cận tập trung và thống nhất của nước này. Để gây sức ép với Philippines, Trung Quốc đã sử dụng đồng thời nhiều biện pháp: Thứ nhất, gây áp lực về ngoại giao: Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra nhiều tuyên bố phản đối Philippines “quấy nhiễu ngư dân và tàu cá Trung Quốc”; liên tiếp triệu tập đại diện của Philippines cáo buộc Manila làm gia tăng căng thẳng. Báo giới Trung Quốc trong thời gian này được sử dụng như một công cụ tuyên truyền hiệu quả, đăng tải khá nhiều bài viết mang tính hiếu chiến, kích động dư luận. Cùng với đó, Trung Quốc cũng ban hành lệnh cấp đánh bắt cá trong thời gian hai tháng rưỡi (từ ngày 16/5 đến 1/8), áp dụng đối với cả bãi cạn Scarborough.[7] Thứ hai, thể hiện sức mạnh áp đảo trên thực địa: Trung Quốc duy trì một số lượng lớn các tàu cá, tàu tiện dụng, được sự yểm trợ của tàu hải giám, ngư chính…ở bãi cạn tranh chấp. Trung Quốc cũng đã điều tàu Tàu Ngư Chính 310 – tàu tuần tra nghề cá hiện đại nhất, tới tuần tra tại những vùng nước quanh bãi cạn Scarborough. Các tàu công vụ Trung Quốc đã tiến hành “chiến thuật hăm dọa” như dùng xuồng cao su đe dọa ngư dân Philippines hoặc lao qua tàu tuần tra bờ biển của Philippines với tốc độ cao gây nên các đợt sóng lớn.[8] Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Philippines, số tàu cá và tàu công vụ Trung Quốc hiện diện ở bãi cạn tranh chấp có lúc lên tới gần 100 tàu.[9] Hiện nay, Trung Quốc đã chăng một cuộn dây thừng dài ở cả hai đầu của lối vào trong phá của bãi cạn Scarborough, không một ngư dân cũng như tàu nào của Philippines có thể đi vào được[10] và trên thực tế đã kiểm soát bãi cạn này.[11] Thứ ba, gây sức ép về thương mại: Trung Quốc đã hạn chế nhập chuối của Philippines như một biện pháp trả đũa. Ngoài ra, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng Trung Quốc còn tăng cường kiểm tra các mặt hàng như đu đủ, xoài, dừa và dứa của Philippines. Cùng với đó, hàng loạt công ty lữ hành Trung Quốc đã hủy tour du lịch đến Philippines, gây tổn thất đáng kể về mặt kinh tế đối với Philippines. Nước cờ của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough là một mũi tên bắn hai đích, trước hết là tăng cường sự hiện diện, tiến dần đến việc chiếm lấy bãi cạn tranh chấp, đồng thời cũng là phép thử phản ứng của các bên liên quan khác, đặc biệt là của Mỹ. Trong vụ việc này, có thể nói Trung Quốc đã chiếm phần thắng khi giành hoàn toàn quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines.

Đáng lưu ý, trong năm qua Trung Quốc đã không ngừng sử dụng công cụ đối ngoại để hỗ trợ cho chính sách Biển Đông, tăng cường chia rẽ đoàn kết ASEAN trong vấn đề này. Bắc Kinh đã dùng ảnh hưởng đi kèm “chiếc bánh” kinh tế để chi phối Campuchia, nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2012, ngăn không đưa các vấn đề Biển Đông vào thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45, dẫn đến việc lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại, Hội nghị không thể đưa ra được Tuyên bố chung. Có thể thấy dấu ấn của Trung Quốc rất rõ ràng trong sự chia rẽ, rạn nứt của ASEAN lần này bởi trong ngày 10/7, ngay sau khi khai mạc Hội nghị Bộ Trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45, trong cuộc gặp với Thủ Tướng Campuchia Hun Sen, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bày tỏ sự biết ơn đối với “sự ủng hộ bền bỉ và kiên định” của Campuchia đối với những vấn đề có liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.[12] Và “củ cà rốt” mà Trung Quốc chìa về phía Campuchia là các dự án đầu tư, xây dựng cùng những khoản tài trợ, cho vay hậu hĩnh. Có thể điểm qua một vài con số như sau: Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia 28/5/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã ký Nghị định thư về hợp tác song phương, theo đó Trung Quốc sẽ giúp Campuchia 19 triệu USD để củng cố quốc phòng.[13] Bộ trưởng Tài chính Campuchia Aun Porn Moniroth ngày 3/9/2012 cho biết, trong chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tới Trung Quốc từ 1/9-2/9, hai quốc gia này đã ký 4 thỏa thuận vay vốn cho các dự án chưa xác định có giá trị khoảng 420 triệu USD và 3 thỏa thuận cho vay khác có trị giá hơn 80 triệu USD dự kiến cũng sẽ được ký kết vào năm 2012. Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn hứa hẹn sẽ trợ cấp 150 triệu nhân dân tệ cho Campuchia như là “một món quà” để đất nước này sử dụng cho bất kỳ dự án ưu tiên nào, đồng thời sẽ“cân nhắc tích cực” đối với đề nghị của Thủ tướng Hun Sen về việc Trung Quốc cho Campuchia vay khoảng từ 300 triệu USD đến 500 triệu USD mỗi năm trong 5 năm tiếp theo đối với các dự án không xác định.[14] Theo đánh giá của TS. Li Mingjiang thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajajatnam (RSIS), Singapore: “Campuchia hiểu Trung Quốc là người đem lại lợi ích lớn nhất cho họ trong nhiều năm qua” và Trung Quốc đã sử dụng rất khéo léo “người bạn” này trong năm 2012 để đạt được mục tiêu của mình trong vấn đề Biển Đông.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, Trung Quốc đã công khai bày tỏ mong muốn trở thành cường quốc biển và giới lãnh đạo mới của nước này cũng tỏ rõ sự cứng rắn, không hề khoan nhượng trong vấn đề liên quan đến lợi ích, chủ quyền quốc gia. Trong diễn văn khai mạc Đại hội ngày 8/11/2012, Tổng Bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh: “Chúng ta nên tăng khả năng khai thác các nguồn lợi của biển, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích liên quan đến biển của Trung Quốc, và xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc về biển.”[15] Hay trong chuyến thị sát tới quân khu Quảng Châu của PLA từ ngày 8 đến 10/12/2012, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã lệnh cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tăng cường nhận thức “chiến đấu thực sự” để luôn trong trạng thái sẵn sàng. Ông Tập cũng tái khẳng định, nhiệm vụ then chốt của PLA là củng cố khả năng phát động các cuộc chiến tranh khu vực trong thời đại thông tin và tiến hành các chiến dịch quân sự đa dạng.[16] Gần đây nhất, vào ngày 28/1/2013, khi chủ trì buổi học tập thể của Bộ Chính trị, ông Tập Cận Bình cũng đã nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ kiên trì đi con đường phát triển hoà bình, nhưng quyết không từ bỏ quyền lợi chính đáng, quyết không hy sinh lợi ích cốt lõi quốc gia. “Không một quốc gia nào nên nuôi hy vọng rằng chúng ta sẽ thương lượng các lợi ích cốt lõi của mình hay chúng ta sẽ chấp nhận trái đắng làm tổn hại tới các lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển quốc gia.”[17]

Trong thời gian tới, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách trên Biển Đông theo hướng: (i) đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng trên các thực thể mà nước này chiếm giữ; (ii) xúc tiến hoạt động du lịch và khai tài nguyên ở Biển Đông; (iii) tăng cường sự hiện diện và hoạt động tuần tra của lực lượng chấp pháp (hải giám, ngư chính…). Lực lượng bán quân sự núp dưới ô dân sự này sẽ được tăng cường sức mạnh bằng việc trang bị hiện đại và tiếp nhận thêm các tàu hải quân cũ; (iv) ban hành các quy định, văn bản với mục tiêu “hợp pháp hóa” việc quản lý hành chính đối với khu vực bên trong đường lưỡi bò. Hải quân sẽ ở “tuyến hai”, không tham gia trực tiếp vào các “va chạm” nhưng vẫn tăng cường tập trận và phô trương thanh thế nhằm “răn đe” các nước khác. Một điểm cũng cần được chú ý đó là đội tàu cá “hùng hậu” của Trung Quốc. Lực lượng được trang bị tốt này đang ngày càng đi xa hơn khỏi các vùng biển của Trung Quốc, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của nước khác và với số lượng áp đảo thì những “tai nạn” va chạm với ngư dân hay lực lượng chấp pháp của các bên tranh chấp khác trên Biển Đông là không thể tránh khỏi. Có lẽ câu hỏi đặt ra chỉ là mức độ nghiêm trọng của các vụ việc đó mà thôi. Với việc Trung Quốc bác bỏ đơn kiện của Philippines ra Tòa trọng tài quốc tế theo Công ước Luật Biển, nước này đã chuyển đi thông điệp không chấp nhận các luật chơi phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục chính sách theo đuổi lợi ích dựa trên sức mạnh của mình tại Biển Đông. Sóng lớn sẽ tiếp tục cuộn dâng ở vùng biển quan trọng này./.

Đinh Tuấn Anh

 

 

Tác giả xin chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp của TS. Trần Trường Thủy và ThS. Nguyễn Minh Ngọc trong quá trình thực hiện bài viết này.

[1] http://news.cntv.cn/2013/01/22/ARTI1358847473822162.shtml

[2] http://news.xinhuanet.com/english/china/2013-01/19/c_132113995.htm

[3] http://news.ifeng.com/mil/2/detail_2013_02/04/21930785_0.shtml

[4] http://csis.org/files/ts120912_glaser.pdf

[5] http://news.xinhuanet.com/english/china/2012-06/21/c_131668568.htm

[6] http://www.pvn.vn/?portal=news&page=detail&category_id=95&id=3662

[7] http://news.xinhuanet.com/english/china/2012-05/14/c_131586856.htm

 [8] http://dailypioneer.com/world/61303-philippines-denounces-china-for-bullying-ploy.html

[9] Ngày 21/5/2012, có 5 tàu chính phủ Trung Quốc (2 tàu hải giám 71 và 84, 3 tàu ngư chính 301, 303 và 310), 16 tàu cá và 56 tàu tiện dụng xuất hiện ở khu vực bãi cạn. Đến hôm 22/5, có 16 tàu cá Trung Quốc và số thuyền tiện dụng đã tăng lên con số 76. Xem chi tiết tại http://globalnation.inquirer.net/37711/92-china-ships-now-in-panatag-shoal-tensions-up

[10] http://globalnation.inquirer.net/46289/china-ropes-off-panatag-shoal

[11]http://www.gmanetwork.com/news/story/277126/news/nation/china-has-de-facto-control-over-panatag-shoal-says-former-dfa-senior-official

[12] http://www.fmprc.gov.cn/eng/zxxx/t949689.htm

[13]http://web-cambodia.com/en/news/2012/05/29/China%2Bgives%2BCambodia%2Bmillions%2Bbefore%2Bmeet.html

[14] http://www.reuters.com/article/2012/09/04/us-cambodia-china-idUSBRE88306I20120904

[15] http://news.xinhuanet.com/english/special/18cpcnc/2012-11/08/c_131959403.htm

[16] http://news.xinhuanet.com/english/china/2012-12/12/c_132036566.htm

[17] http://www.chinadaily.com.cn/china/2013-01/30/content_16185761.htm