Hệ thống giải quyết tranh chấp trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (Công ước Luật Biển 1982) có đối tượng và phạm vi áp dụng rộng lớn, điều chỉnh toàn bộ hoạt động giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển 1982. Đặc trưng lớn nhất của hệ thống giải quyết tranh chấp này là việc các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp theo thủ tục bắt buộc bằng bên thứ 3 (các bên có thể lựa chọn trước thủ tục giải quyết tranh chấp) khi những biện pháp giải quyết tranh chấp truyền thống dựa trên cơ sở thỏa thuận song phương như đàm phán, trung gian, hòa giải không đem lại giải pháp cho tranh chấp. Theo Quy định tại Mục 2, Phần XV của Công ước Luật Biển 1982, các quốc gia thành viên có thể lựa chọn một hoặc nhiều cơ chế giải quyết bắt buộc các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước, bao gồm: (i) Tòa án quốc tế về Luật biển; (ii) Tòa án quốc tế; (iii) Tòa trọng tài được quy định tại Phụ lục VII của Công ước; và (iv) Tòa trọng tài đặc biệt được quy định tại Phụ lục VIII của Công ước. Khi các bên trong tranh chấp và đồng thời là thành viên của Công ước Luật Biển 1982 đưa ra tuyên bố lựa chọn cùng một cơ chế giải quyết tranh chấp, cơ chế giải quyết tranh chấp đó sẽ có thẩm quyền khi một trong các bên đưa vụ tranh chấp lên để giải quyết. Ngoài ra, tính bắt buộc của thủ tục giải quyết tranh chấp này được thể hiện trường hợp khi các bên trong tranh chấp không lựa chọn cùng một cơ chế giải quyết tranh chấp. Thông thường, khi các bên trong tranh chấp không thể thống nhất về cơ chế giải quyết tranh chấp, các bên sẽ phải thỏa thuận để đi đến sự thống nhất đó nhưng thủ tục giải quyết tranh chấp của Công ước Luật Biển năm 1982 đưa ra một giải pháp khác. Khi các bên không thể thống nhất được về cơ chế giải quyết tranh chấp, Tòa trọng tài quy định tại Phụ lục VII của Công ước sẽ đương nhiên có thẩm quyền. Nói cách khác, khi đã là thành viên Công ước, các quốc gia, trong những điều kiện nhất định, phải chấp nhận quyền tài phán bắt buộc được trao cho các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước, trong trường hợp các bên trong tranh chấp không lựa chọn cùng một cơ chế giải quyết tranh chấp, Công ước trao quyền cho Tòa trọng tài quy định tại Phụ lục VII có thẩm quyền đương nhiên để giải quyết vụ việc và khi đó các bên trong tranh chấp bắt buộc phải chấp nhận thẩm quyền của Tòa.

Tuy nhiên, Công ước Luật Biển 1982 cũng quy định một số các ngoại lệ của thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc. Điều 298 của Công ước cho phép các quốc gia thành viên, khi ký, phê chuẩn hay tham gia Công ước hay vào bất kỳ thời điểm nào sau đó được quyền đưa ra các tuyên bố không chấp nhận một hay nhiều thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc đối với các loại tranh chấp sau:

1. Các tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng Điều 15, 74 và 83 liên quan đến hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hay các vụ tranh chấp liên quan đến các vịnh hay danh nghĩa lịch sử;

2. Các tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự;

3. Các tranh chấp đang được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét và giải quyết.

Với ngoại lệ này, các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển năm 1982 có thể loại bỏ thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước đối với một số tranh chấp mà Công ước đã trù định, quy định này nhằm mục đích tôn trọng quyền tự quyết của các quốc gia nhưng cũng là rào cản đối với việc giải quyết tranh chấp trên biển, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến phân định các vùng biển giữa các quốc gia.

Ngoài thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc, Công ước Luật Biển năm 1982 còn có các quy định về việc hỏi ý kiến tư vấn của Tòa án quốc tế về Luật Biển, theo đó, Tòa án quốc tế về Luật Biển có thẩm quyền đưa ra ý kiến tư vấn trong hai trường hợp sau đây:

1. Đưa ra ý kiến tư vấn theo yêu cầu của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương (quy định tại Điều 191 của Công ước);

2. Đưa ra ý kiến tư vấn trên cơ sở một điều ước quốc tế giữa các quốc gia thành viên Công ước (quy định tại Điều 138, Thủ tục hoạt động của Tòa án quốc tế về Luật Biển)

Các ý kiến tư vấn này không có tính ràng buộc pháp lý như các phán quyết của Tòa về một vụ việc cụ thể nhưng có thể được viện dẫn là một sự giải thích của Tòa về quy định của Công ước, phục vụ cho việc tìm kiếm giải pháp để giải quyết các tranh chấp cụ thể sau này. Trên thực tế, cho đến nay, Tòa án quốc tế về Luật Biển cũng mới chỉ một lần đưa ra ý kiến tư vấn vào năm 2011 theo yêu cầu của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương chứ chưa đưa ra ý kiến tư vấn nào trên cơ sở câu hỏi do các quốc gia thành viên đặt ra như quy định tại Điều 138 trong Thủ tục hoạt động của Tòa.

Biển Đông là khu vực chứa đựng nhiều tranh chấp khác nhau, nổi lên trong đó là các tranh chấp liên quan đến quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, thực tế này cho thấy việc áp dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp của Công ước, trong đó có thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc là hoàn toàn có cơ sở. Tuy vậy, để có thể giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng thủ tục giải quyết tranh chấp của Công ước Luật Biển năm 1982, các bên phải trả lời được hai câu hỏi như sau:

1. Trong bối cảnh tồn tại nhiều tranh chấp đan xen lẫn nhau tại khu vực Biển Đông, đâu là các tranh chấp có thể áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp của Công ước Luật Biển năm 1982?

2. Điều 298 của Công ước Luật Biển năm 1982 cho phép các quốc gia thành viên tuyên bố để loại trừ một số thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc để giải quyêt tranh chấp trên biển liên quan đến họ. Vậy trong số các bên tranh chấp ở Biển Đông, quốc gia nào đã đưa ra tuyên bố này và tranh chấp nào không nằm trong danh mục các ngoại lệ của thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc, được quy định tại Điều 298 của Công ước?

 Trong những năm qua, các bên đã nỗ lực thỏa thuận và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, chủ yếu là đàm phán giữa các bên liên quan để tìm ra giải pháp. Tuy nhiên, các tranh chấp mà các bên đang và sẽ phải giải quyết tại Biển Đông là những tranh chấp có mức độ phức tạp cao và cho đến nay các biện pháp giải quyết thông qua thỏa thuận, đàm phán giữa các bên dường như không mang lại nhiều kết quả rõ rệt. Trong bối cảnh đó, liệu thủ tục giải quyết tranh chấp của Công ước Luật Biển năm 1982, đặc biệt là cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước có thực sự là công cụ hữu hiệu để các bên liên quan, trong đó có Việt Nam lựa chọn để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã thực hiện nhiều hoạt động về mặt chính sách cũng như trên thực địa để thể hiện yêu sách của mình tại Biển Đông như gửi Công hàm đính kèm bản đồ đường lưỡi bò tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc vào năm 2009; cắt cáp tàu thăm dò địa chấn tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2011 hay gần đây nhất là vụ việc tại bãi cạn Scarborough của Phi-lip-pin… Tuy nhiên, các bên liên quan trong các vụ việc này vẫn chưa có động thái nào rõ ràng trong việc đưa vấn đề ra giải quyết theo thủ tục giải quyết tranh chấp của Công ước Luật Biển năm 1982, tại sao lại như vậy? Nguyên nhân nằm ở câu trả lời đối với hai câu hỏi nêu trên. Với câu hỏi thứ nhất, trong số các vụ việc nêu trên, có vụ việc là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và Công ước Luật Biển năm 1982 không điều chỉnh loại tranh chấp này nên đương nhiên cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước không thể áp dụng để giải quyết loại tranh chấp này. Đối với câu hỏi thứ hai, trong tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc là một trong các quốc gia thành viên ra tuyên bố theo quy định tại Điều 298 của Công ước, theo đó, “Liên quan đến tất cả các tranh chấp được nêu tại các điểm a, b, c của khoản 1, Điều 298 của Công ước, Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không chấp nhận bất kỳ thủ tục nào được quy định tại Mục 2, Phần XV của Công ước”. Đây là lý do Trung Quốc có quyền không chấp nhận thẩm quyền của các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc theo Công ước Luật Biển năm 1982 đối với một số tranh chấp tại Biển Đông. Thực tế này dẫn đến việc các bên liên quan buộc phải tìm một lý do nào đó để có thể đưa Trung Quốc ra các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc và có thể tránh được tuyên bố của Trung Quốc tại Điều 298.

Công ước năm 1982 nói chung và cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Luật Biển năm 1982 là công cụ để các quốc gia ven biển sử dụng để hoạch định, quản lý và giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển của mình. Đối với các tranh chấp tại Biển Đông, việc áp dụng các công cụ giải quyết tranh chấp được quy định tại Công ước Luật Biển năm 1982 là cần thiết đối với các bên, đặc biệt là những quốc gia có khuynh hướng sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp như Việt Nam. Tuy nhiên việc lựa chọn các tranh chấp có thể giải quyết bằng thủ tục giải quyết tranh chấp của Công ước và áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp như thế nào là vấn đề cần được tính toán kỹ lưỡng và việc trả lời được câu hỏi về phân loại tranh chấp và phương thức áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp là vô cùng cần thiết.

Ths. Trần Lê Duy, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao