chinese_flag_holden_729-420x0.jpg

 

Rất nhiều nguồn tin từ nội bộ chính phủ Trung Quốc cho rằng Đài Loan không còn nhiều thời gian. Họ ám chỉ rằng Chủ tịch Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo với "bàn tay sắt" của Trung Quốc - đang "mất kiên nhẫn" và có thể ra lệnh tấn công Đài Loan vào đầu những năm 2020. Điểm nóng nguy hiểm nhất của thế giới này có thể phải chứng kiến một cuộc đổ bộ chớp nhoáng ác liệt, có thể là trước tháng 7/2021 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) kỷ niệm 100 năm thành lập.

Đó chỉ là đồn đoán. Thực tế là Trung Quốc có thể sẽ không tấn công Đài Loan theo cách quyết liệt và rủi ro cao như vậy. Tập Cận Bình và các tướng lĩnh quân đội hàng đầu của ông nhiều khả năng sẽ lên kế hoạch và leo thang một cuộc chiến cân não xuyên eo biển Đài Loan. Họ sẽ tiếp tục sử dụng việc tung tin tức giả để đánh lạc hướng cùng nhiều kỹ thuật khác nhằm khiến Washington dần mất đi sự tự tin rằng Đài Loan có thể được bảo vệ, trong khi tăng cường các hoạt động phá hoại nhằm làm xói mòn sự tự tin và sức mạnh ý chí của hòn đảo này.

Ông Tập Cận Bình sẽ chờ cơ hội tốt và hy vọng rằng chính phủ Đài Loan sẽ đổ vỡ dưới sức ép không ngừng gia tăng, giúp ông đạt được mục tiêu của mình với cái giá rẻ hơn. Trong khi đó, các tướng lĩnh quân sự của ông sẽ tiếp tục lên kế hoạch và chuẩn bị thực hiện sứ mệnh "cao cả" của họ. Hành động ép buộc có thể dễ dàng thất bại, do đó xâm lược trở thành một lựa chọn hấp dẫn - đặc biệt trong một viễn cảnh mà tại đó sự cân bằng sức mạnh có lợi cho Bắc Kinh hơn hiện nay.

Đánh giá mối đe dọa

Môi trường an ninh và chính trị căng thẳng ở hai bờ Eo biển Đài Loan đòi hỏi phải có một sự đánh giá chính xác về khả năng, sức mạnh và điểm yếu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Có thể dễ dàng nhận thấy sức mạnh của PLA hơn là điểm yếu của quân đội này. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc thường được giới truyền thông, ở cả Bắc Kinh và trên thế giới, nhấn mạnh và thổi phồng. Không nghi ngờ gì rằng các tên lửa đạn đạo, khả năng chiến tranh mạng và các vũ khí chống vệ tinh trong không gian của Trung Quốc khiến nước này trở thành một lực lượng đáng gờm. Có thể, điều còn nguy hiểm hơn là các hoạt động do thám và lén lút của Trung Quốc ở nước ngoài nhằm tác động tới việc hoạch định chính sách của các nước đó.

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây với tựa đề "Hoạt động xây dựng tàu hải quân của Trung Quốc" của tác giả Andrew Erickson - giáo sư nổi tiếng của Trường Chiến tranh Hải quân, ông đã khẳng định rõ rằng mặc dù các hạm đội của Bắc Kinh đang phát triển với tốc độ rất đáng kể, song lực lượng hải quân của PLA chưa thể sẵn sàng tham gia hỗ trợ một cuộc xâm lược Đài Loan. Hải quân Trung Quốc vẫn thiếu các tàu sân bay và khả năng phòng thủ trên không. Tuy nhiên, tình hình ngày mai chắc chắn sẽ khác ngày hôm nay.

Dennis Blasko, tác giả cuốn "Quân đội Trung Quốc ngày nay", đánh giá rằng các lực lượng trên bộ của Trung Quốc, cũng giống như Hải quân, chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến như vậy. Để xâm lược có thể trở thành một lựa chọn có khả thi, Trung Quốc phải có thêm nhiều trực thăng, lính nhảy dù, các lực lượng đặc biệt, các sư đoàn đổ bộ được cơ giới hóa và lính thủy đánh bộ. Ngoài ra, PLA cũng cần tăng cường công tác huấn luyện những người đứng đầu đơn vị từ trên xuống dưới. Phần lớn công việc này đã bắt đầu được thực hiện và sẽ đem lại kết quả trong thập kỷ tới.

Chiến lược chống xâm lược của Đài Loan

Vậy các chuyên gia quân sự của Đài Loan lên kế hoạch như thế nào để bảo vệ hòn đảo Đài Loan trước một cuộc tấn công, và Mỹ sẽ trợ giúp ra sao?

Đài Loan đang ở giai đoạn cuối của sự chuyển giao từ một lực lượng quân sự dựa trên chế độ cưỡng bách tòng quân sang một quân đội hoàn toàn tự nguyện. Xây dựng một lực lượng ưu tú bao gồm những bính sỹ chuyên nghiệp là một điều tốt. Điều này sẽ giúp Đài Loan có một lợi thế cạnh tranh. Phần lớn quân đội của Trung Quốc phải dựa vào lính nghĩa vụ ngắn hạn.

Theo báo cáo gần đây của Tập đoàn RAND, Đài Loan có thể củng cố quân đội tình nguyện của mình bằng các lực lượng dự trữ, giúp tăng cường hơn nữa khả năng chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc. Các lực lượng vũ trang của Đài Loan cũng có thể được lợi từ những cơ hội huấn luyện mới. Các cuộc tập trận huấn luyện song phương và các sứ mệnh nhân đạo chung với quân đội Mỹ là "liều thuốc" mà Đài Loan đang rất cần.

Các cuộc chiến hiện đại ngày càng được quyết định không phải bởi sức mạnh tàn bạo, mà bằng sức mạnh trí tuệ. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua hoạt động huấn luyện. Một trong những mục tiêu phòng thủ quan trọng của Đài Loan là giúp hòn đảo này chuẩn bị trước cú sốc là một cuộc chiến tranh chớp nhoáng từ PLA. Để làm được điều đó, Đài Loan cần nhân lực có động cơ hành động cao, những người có tổ chức, được huấn luyện và trang bị để đối phó với một chiến dịch xâm lược từ kẻ thù.

Sự bất cân đối về quy mô và sức mạnh kinh tế ở hai bờ Eo biển Đài Loan khiến các nhà hoạch định chính sách quốc phòng tại Đài Loan phải tìm cách tận dụng mọi sức mạnh mà họ có. Chiến lược phòng thủ tổng lực của Đài Loan kêu gọi điều động toàn bộ hòn đảo này, vận động sự ủng hộ của tất cả người dân trong một chiến dịch chống xâm lược. Lauren Dickey, làm việc tại Kings College London, cho biết Cơ quan Phòng vệ của Đài Loan (MND) liên tục tìm cách tăng cường khả năng đẩy lùi cuộc xâm lược từ Trung Quốc. Hàng năm, MND đều tiến hành các cuộc tập trận quân sự nhằm kiểm tra và củng cố các kế hoạch bảo vệ hòn đảo Đài Loan trong trường hợp bị kẻ thù xâm nhập.

Theo ước tính, Đài Loan sẽ nhận được cảnh báo trước 4 tuần về một cuộc xâm lược từ Trung Quốc. Do Trung Quốc nổi tiếng là nhiều "mưu mẹo", Đài Loan cũng không thể tin tưởng hoàn toàn vào sự ước tính này. Tuy nhiên, với quy mô to lớn của các chiến dịch đổ bộ (nếu xảy ra) của PLA, chắc chắn những ý định tấn công sẽ được báo hiệu trước.

Các dấu hiệu cảnh báo có thể bao gồm di chuyển quân đội, điều động quân dự phòng, dự trữ công nghiệp, tập trận quân sự, những tín hiệu trên truyền thông, các thông điệp ngoại giao và các hoạt động phá hoại ngầm chống lại Đài Loan. Dấu hiệu rõ ràng và đáng lo ngại nhất sẽ là việc tập trung các hạm đội lớn bao gồm cả tàu hải quân và tàu dân sự tại các khu vực tập kết ở phía Đông Nam Trung Quốc.

Nếu điều đó xảy ra, lãnh đạo Đài Loan - bà Thái Anh Văn - và các nhân vật cấp cao sẽ cùng hội ý và tìm ra cách thức đáp trả. Họ có thể sẽ cân nhắc những tin tức tình báo thu nhận được từ hệ thống radar, vệ tinh, các điểm nghe ngóng hoạt động của địch, và các điệp viên hoạt động ở Trung Quốc. Lựa chọn nhiều khả năng xảy ra nhất sẽ là tăng cường mức độ sẵn sàng và điều động toàn bộ hòn đảo để đánh bại một cuộc tấn công từ kẻ thù.

Con đường phía trước

Lầu Năm Góc đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Đài Loan phát triển tối đa khả năng tham chiến của mình. Với sự giúp đỡ của Mỹ, Đài Loan có thể chắc chắn rằng những đầu tư vào lĩnh vực phòng vệ của hòn đảo này sẽ đều được tính đến trong những tính toán của Bắc Kinh, và hy vọng rằng điều đó sẽ giúp ngăn chặn một cuộc xâm lược ngay từ khi nó chỉ là ý định.

Báo cáo của RAND đề xuất thành lập một nhóm làm việc chung, mà đứng đầu phía Mỹ sẽ là một trợ lý bộ trưởng quốc phòng. Thực tế, các lực lượng của Đài Loan sẽ được lợi từ các hình thức đào tạo quân sự và huấn luyện kỹ thuật chuyên nghiệp tại Mỹ. Các cố vấn Mỹ có thể hỗ trợ Đài Loan trong việc tiếp tục chuyển đổi sang một lực lượng tình nguyện hoạt động hiệu quả, và giúp hòn đảo này tạo ra một lực lượng dự trữ chiến lược.

Quân đội Đài Loan cũng cần các hợp đồng mua bán vũ khí thường xuyên và đáng tin cậy - điều mà chính quyền của hai cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama đã từ chối. Đối với Đài Loan, hiệu quả chiến thuật và tích cực của các hệ thống vũ khí Mỹ là điều không phải tranh cãi. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump nên bán cho Đài Loan những loại vũ khí tương tự như những gì họ bán cho Nhật Bản và Hàn Quốc, bao gồm các máy bay tàng hình, cụm pháo phòng thủ tên lửa và các tàu khu trục mới.

Ngoài ra, Washington cũng nên tháo "xích" cho các công ty của Mỹ, cho phép họ tiếp cận hoàn toàn với chương trình phát triển tàu ngầm phòng thủ do chính Đài Loan sản xuất. Điều quan trọng hơn hỏa lực là tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, được tăng thêm nhờ vào hiệu quả của sự hỗ trợ đến từ Mỹ, và dấu hiệu rõ ràng về mục tiêu và quyết tâm mà Đài Loan muốn gửi tới Trung Quốc.

Theo “National interest

Vũ Hiền (gt)