24/04/2016
Ngoại giao đi dây của Bangladesh đã đặt ra một thách thức không nhỏ cho Trung Quốc, khi nước này phải cạnh tranh với cả Ấn Độ và Nhật Bản trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dẫn tới việc kiểm soát hoặc chiếm ưu thế tuyệt đối như tại Pakistan và Sri Lanka là gần như không thể.
Trong hai bài viết trước về Con đường tơ lụa, tác giả đã trình bày về triển vọng và thách thức của hệ thống cơ sở hạ tầng (CSHT) liên kết cảng biển của Trung Quốc tại Sri Lanka và Pakistan. Trong đó, cảng Colombo sâu 18m của Sri Lanka nổi lên như một điểm nối chiến lược trên con đường vận chuyển hàng hải Đông - Tây cũng như Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hiện diện của Trung Quốc lại đặt Sri Lanka vào một thế lưỡng nan đầy khó xử với các thách thức an ninh - chính trị, nhưng lại không đảm bảo các lợi ích về mặt kinh tế.
Còn dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) và Cảng Gwadar lại mở ra một hàng lang dầu mỏ ngắn hơn và an toàn hơn cho Trung Quốc, so với con đường vận chuyển truyền thống qua eo Malacca. Hai dự án này cùng với cảng Karachi và Hệ thống đường ống dẫn khí Iran - Pakistan - Ấn Độ (IPI) sẽ giúp Trung Quốc giải quyết thế “lưỡng nan Malacca”. Nhưng việc cả bốn dự án cùng đi qua khu vực Balochistan - nghèo và bất ổn bậc nhất tại Pakistan lại đặt ra một thách thức an ninh không nhỏ.
Tiếp nối mạch liên kết hệ thống CSHT cảng biển do Trung Quốc đầu tư tại Nam Á, bài viết này sẽ tập trung vào Bangladesh, nơi mà dấu ấn của Trung Quốc đã hiện diện trên ba dự án cảng biển quan trọng nhất nước và một hành lang kinh tế đi qua bốn quốc gia, nối liền Trung Quốc với Ấn Độ.
Các dự án quan trọng nhất với sự tham gia của Trung Quốc
Được mệnh danh là “Gwadar phía Đông” sau khi Trung Quốc đề xuất đầu tư 9 tỷ USD để xây dựng một cảng nước sâu với 5 cầu cảng và đường cao tốc Chittagong - Dhaka vào 2010, Cảng Chittagong hiện là cảng chính của Bangladesh với khoảng 92% hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước, công suất 1,5 triệu TEU. Chittagong có 33 cầu tàu quốc tế và 20 cầu tàu nội địa với độ sâu từ 7 - 8,5m. Kênh dẫn vào cảng sâu 8,5m và dài 160km, có hệ thống đường ray vận chuyển dài 1097m. Chittagong có thể tiếp nhận tàu dài 153 - 186m, tải trọng 35.000 - 55.000 tấn.
Mongla là cảng thứ hai tại Bangladesh có sự tham gia của Trung Quốc. Cảng có độ sâu 6 - 8m, chỉ có thể tiếp nhận tàu có độ dài tối đa 200m. Mongla cùng Chittagong là hai cảng chính của Bangladesh, đóng vai trò trung chuyển hàng hóa của Ấn Độ và cửa ngõ cho Nepal và Bhutan. 7/2015, Tổng công ty Công nghệ Toàn diện Quốc gia Trung Quốc (China National Complete Engineering Corporation - CNCEC) đã ký Bản ghi nhớ (MoU) với Cơ quan Quản lý Cảng Mongla (Mongla Port Authority - MPA) đầu tư 20 tỷ TK (khoảng 250 triệu USD) để nâng cấp cảng.
Dự án cảng thứ ba của Trung Quốc tại Bangladesh là Payra. Tháng 4/2015, Trung Quốc và Bangladesh đã ký thỏa thuận xây dựng cảng tại Payra và đang trong giai đoạn chọn công ty thực hiện và các công việc liên quan khác. Hiện chỉ có một vài thông tin về dự án, như độ sâu của cảng là 16-21m, sức chứa 75.000 container. Cùng với dự án xây dựng cảng là dự án xây dựng đường bốn làn xe, dài 6km nối cảng Payra với đường cao tốc Barisal-Kuakata.
Tháng 3/2016, Công ty Năng lượng Trung Quốc – Bangladesh (Bangladesh-China Power Company Ltd – BCPCL, liên doanh 50:50 giữa Bangladesh và Trung Quốc) đã ký hợp đồng trị giá 1,56 tỷ USD với Trung Quốc để xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than 1.320MW tại Payra, đơn vị nhiệt điện thứ nhất công suất 660 MW dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4/2019, và đơn vị thứ hai là vào tháng 10/2019.
Cảng Payra nằm trong gói đầu tư CSHT của Trung Quốc vào Bangladesh trị giá 8,5 tỷ USD với lãi suất 1,5% (thấp hơn so với các dự án tại Sri Lanka). Gói đầu tư bao gồm mười dự án CSHT lớn, được công bố vào tháng 2/2015, dự kiến sẽ hoàn thành vào 2020. Bên cạnh Cảng Payra, còn chín dự án khác, bao gồm: (1) Dự án đường ray Dhaka - Chittagong; (2) Hệ thống đường ray Dohazari - Cox’s Bazar - Ramu - Gundum (gần biên giới Myanmar), (3) Dự án đường ray Padma từ Dhaka tới Jessore; (4) Đường hầm vượt sông Karnaphuli; (5) Khu kinh tế đặc biệt tại Chittagong, (6) Kết nối kỹ thuật số cho Bangladesh kỹ thuật số; (7) mở rộng và tăng cường mạng lưới hệ thống điện tại khu vực DPDC; (8) Cao tốc trên cao Dhaka - Ashulia và (9) Dự án nhà máy lọc dầu và điểm neo đậu Unit 2.
Trong đó, đầu tư cho cảng Payra và tuyến Đường ray Dhaka - Chittagong tiêu tốn 4 tỷ USD, nhà máy lọc dầu và điểm neo đậu Unit 2 chiếm 1,5 tỷ USD và 700 triệu USD dành cho đường hầm vượt sông Karnaphuli dài 3,4 km (tổng chi phí 1 tỷ USD, trong đó 300 triệu USD sẽ do Bangladesh chi trả).
Đường hầm vượt sông Karnaphuli sẽ giúp kết nối giữa khu vực cảng và khu vực buôn bán của Chittagong, thúc đẩy nâng cấp CSHT Cảng Chittagong và tuyến đường kết nối Dhaka - Cox’s Bazar. Còn Tuyến đường ray Dhaka - Chittagong dài 270km sẽ giúp giảm thời gian di chuyển giữa Dhaka và Chittagong từ 6 giờ xuống còn 2,5 giờ. Quan trọng hơn, tuyến đường ray Dhaka - Chittagong là một phần của Hành lang kinh tế Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar (BCIM) – một dự án đầy tham vọng của Trung Quốc tại Bangladesh.
BCIM được đưa ra vào tháng 12/2013 nhằm thúc đẩy liên kết sâu rộng hơn giữa bốn quốc gia tại Đông và Nam Á. Tuyến đường dự kiến sẽ xuất phát từ Côn Minh (Trung Quốc), đi qua Mandalay (Myanmar), Dhaka và Chittgong (Bangladesh) tới Kolkata (Ấn Độ). Ấn Độ cũng muốn tuyến đường này đi qua Mizoram, thuộc hành lang vận tải Kaladan nối Ấn Độ với cảng Sittwe (Myanmar). BCIM dự kiến sẽ bao gồm hệ thống đường bộ, đường ray, đường thủy và đường hàng không, nhưng hiện tại, các cuộc đối thoại đang bắt đầu từ đường bộ. Vào tháng 6/2015, Phó Trưởng phòng Hợp tác khu vực và Quốc tế của Vân Nam - Jin Cheng đã nói rằng tuyến đường chính dài 2.800 km từ Côn Minh tới Kolkata đã gần sẵn sàng.
Giải quyết “lưỡng nan Malacca” và thúc đẩy giao thương
Nếu thành hiện thực, BCIM sẽ giúp giảm thiểu khoảng cách vận chuyển từ Chittagong tới Côn Minh xuống còn 1000km. Trong khi khoảng cách từ Côn Minh tới Quảng Châu - cảng gần nhất ở bờ đông Trung Quốc nếu đi bằng đường biển đã là 1700km, chưa tính tuyến đường biển từ Bangladesh đi vòng qua eo Malacca tới Quảng Châu.
Nhờ sự giảm thiểu đáng kể này, hệ thống BCIM kết hợp với Cảng Chittagong và Mongla sẽ giúp giải quyết phần nào “lưỡng nan Malacca” và đảm bảo nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc, và quan trọng hơn, BCIM đi qua 4 nước sẽ mở ra cơ hội để Trung Quốc trực tiếp tiếp cận Vịnh Bengal cùng các nền kinh tế tại Nam Á. Theo ước tính của Pravakar Sahoo và Abhirup Bhunia tại Viện Tăng trưởng Kinh tế (Ấn Độ), tuyến đường nối Bắc Ấn Độ với Vân Nam thông qua Myanmar cũng sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển giữa Ấn Độ và Trung Quốc tới 30%, từ đó thúc đẩy ngoại thương giữa hai nước thông qua Hành lang BCIM.
Tuy nhiên, giá trị thực sự quan trọng của Chittagong không chỉ nằm ở mặt kinh tế hay an ninh năng lượng như một điểm nối trên BCIM. Vì nếu xét trên hai khía cạnh này, Sri Lanka sẽ có lợi thế hơn hẳn về liên kết hàng hải Đông - Tây nhờ cảng sâu 18m, trong khi Con đường dầu mỏ thông qua Gwadar và CPEC là tiện lợi và an toàn hơn nhiều.
Vai trò của Chittagong, là điểm cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Nam Á. Đối với Ấn Độ, Chittagong là sân sau; với Trung Quốc, Chittagong là một hạt ngọc trên “chuỗi ngọc trai”, cho phép hải quân Trung Quốc tiếp cận trực tiếp với vịnh Bengal, mở đường cho sự hiện diện của nước này tại Ấn Độ Dương.
Hiện Trung Quốc là nhà đầu tư và cung cấp linh kiện quốc phòng chính của Bangladesh. Vào 2008, nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc, Bangladesh đã lắp đặt một bệ phóng tên lửa gần Cảng Chittagong. Năm 2011, Trung Quốc gửi cho Hải quân Bangladesh đóng quân tại Chittagong hai tàu ngầm để thể hiện mong muốn hiện diện lâu dài. Vào tháng 2/2016, hải quân Trung Quốc đã có tập trận chung với Hải quân Bangladesh với kịch bản có đe dọa trong Cảng Chittagong và cần sơ tán khẩn cấp. Sĩ quan chỉ huy lực lượng Trung Quốc nói rằng, “cuộc tập trận này là một phần quan trọng của chuyến thăm tới Bangladesh và có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự thấu hiểu và tăng cường trao đổi, hợp tác giữa hai lực lượng hải quân, cải thiện khả năng để cùng phản ứng trước các đe dọa hàng hải và bảo vệ hòa bình khu vực”.
Việc Trung Quốc hiện diện tại Chittagong đã đặt ra một thách thức an ninh rất lớn với Ấn Độ. Tầm quan trọng của Vịnh Bengal đối với Ấn Độ cũng như Trung Á đối với Nga, biển Đông với Trung Quốc hay Carribean với Mỹ. Các cường quốc khu vực, để duy trì ảnh hưởng và quyền lực, luôn phải đảm bảo những khu vực quan trọng làm sân nhà. Vì vậy, dù Trung Quốc hay Bangladesh phủ nhận các toan tính quân sự thì chỉ riêng việc hiện diện ở một địa điểm địa chính trị quan trọng tại Vịnh Bengal như Chittagong đã là một mối đe dọa an ninh cho Ấn Độ, thách thức khả năng duy trì ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực.
Ngoại giao “đi trên dây” kiểu Bangladesh
Các tính toán chiến lược kể trên là trong điều kiện tối ưu, vấn đề là hiện tại, mọi thứ không diễn ra như Trung Quốc mong muốn. Trong đó, thách thức đầu tiên mà Trung Quốc phải đối mặt chính là Bangladesh, với chính sách ngoại giao “đi trên dây” khôn khéo của mình. Trên thực tế, các thỏa thuận CSHT do Bangladesh tạo ra với Trung Quốc, cũng như các cường quốc khác, đã cho thấy hai chiến lược cân bằng trong quan hệ với nước lớn.
Thứ nhất, cân bằng lợi ích giữa các cường quốc là quốc sách để tối đa hóa lợi ích và duy trì quan hệ, thể hiện trong trường hợp của cảng Chittagong và Sonadia.
Sonadia là dự án cảng nước sâu đầu tiên tại Bangladesh với độ sâu cảng lên tới 14m, có thể chứa tàu dài 250 - 300m. Tương tự Chittagong, Sonadia cũng là một vị trí chiến lược để tiếp cận Vịnh Bengal và nếu hoàn thành sẽ giảm thiểu áp lực xuất nhập khẩu cho hai cảng Chittagong và Mongla. Trung Quốc cũng thể hiện mong muốn xây dựng căn cứ quân sự tại Chittagong sau khi cảng Sonadia hoàn thành.
Do đó, sự tham gia của Trung Quốc vào cả ba cảng quan trọng bậc nhất tại Bangladesh là Chittagong, Mongla và Sonadia đã làm dấy lên lo ngại của Ấn Độ về việc Trung Quốc có thể xây dựng các căn cứ quân sự tại Bangladesh và gia tăng hiện diện tại Vịnh Bengal. Nhận thức về nỗi lo ngại này, năm 2010, ngay sau khi ký thỏa thuận đầu tư tại Chittagong với Trung Quốc, chính phủ Bangladesh đã tuyên bố rằng Chittagong sẽ chỉ được sử dụng với mục đích thương mại, không phục vụ cho mục đích quân sự.
Đến 2015, dự án xây dựng Sonadia cũng chính thức thất bại khi không thể ký Bản ghi nhớ (MoU) dù Trung Quốc và Bangladesh đã cố gắng thúc đẩy từ năm 2012 với đề nghị đầu tư lên tới 5 tỷ USD từ Trung Quốc. Lý do là bất đồng trong điều khoản “Trung Quốc đảm nhiệm toàn bộ phần thiết kế.” Bangladesh lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ thiết kế các hạng mục phục vụ mục đích quân sự.
Vào tháng 4/2015, theo nhận định của giới nghiên cứu, để đền bù cho việc hủy dự án Cảng Sonadia, Bangladesh đã cho phép Trung Quốc xây dựng Cảng nước sâu Payra.
Hai tháng sau, vào ngày 7/6/2015, một thỏa thuận rất quan trọng cũng được ký kết giữa Ấn Độ và Bangladesh, cho phép tàu hàng của Ấn Độ có thể sử dụng hai cảng Chittagong và Mongla. Thỏa thuận này không chỉ giúp giảm thời gian vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ sang Bangladesh từ 30-40 ngày xuống còn một tuần (vì phải đi vòng sang Singapore rồi quay lại Bangladesh), mà nó còn có ý nghĩa rất lớn về liên kết và chiến lượcvì hai lý do: (i) đây là lần đầu tiên hai nước quyết định tận dụng vùng biển chung và (ii) Trung Quốc đang nhìn nhận Chittagong như một phần của “chuỗi ngọc trai”, do đó thỏa thuận này giống như một cam kết niềm tin giữa hai nước và hạn chế khả năng Trung Quốc “độc tôn” kiểm soát cả hai cảng quan trọng nhất của Bangladesh là Chittagong và Mongla.
Cùng với thỏa thuận sử dụng cảng là thỏa thuận biên giới lịch sử giữa Ấn Độ và Bangladesh trên một khu vực dài 4.096 km đã tranh chấp 41 năm. Đổi lại, Ấn Độ sẽ hỗ trợ cho Bangladesh thêm 2 tỷ USD hạn mức tín dụng đầu tư vào các dự án CSHT, năng lượng, sức khỏe và giáo dục. Đồng thời, Ấn Độ cũng sẽ tăng cung cấp năng lượng cho Bangladesh từ 500MW lên 1.100MW.
Thứ hai, Bangladesh đã giảm sự can thiệp của Trung Quốc bằng cách mời thêm sự tham gia của các cường quốc khác (Ấn Độ, Nhật Bản), từ đó xây dựng thế đối trọng lẫn nhau giữa các cường quốc. Minh chứng là việc cho phép Ấn Độ sử dụng cả hai cảng Chittagong và Mongla, hay hủy bỏ Dự án Cảng Sonadia và thay bằng dự án cảng Matarbari (cách Sonadia 25km và Chittagong 70km).
Dự án Sonadia chính thức khép lại vào đầu năm 2015, sau khi Bangladesh đạt được thỏa thuận cho Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đầu tư xây dựng Khu phức hợp Cảng nước sâu Matarbari với một cảng nước sâu 18m và bốn nhà máy nhiệt điện đốt than (600 MW mỗi cái), tổng trị giá 600 tỷ yên (khoảng 4,8 tỷ USD).
Việc đưa Nhật Bản vào giữa cạnh tranh Trung - Ấn là một nước cờ khôn ngoan của Bangladesh. Sự hiện diện của Nhật Bản phần nào sẽ giúp cạnh tranh Trung - Ấn bớt gay gắt hơn, đồng thời thể hiện sự cân bằng trong chính sách ngoại giao của Bangladesh. Chưa kể, kẹt giữa hai cường quốc đang lên thực chất không hề an toàn, việc quá o bế một quốc gia hoặc nhún nhường nước còn lại sẽ khiến hai cường quốc láng giềng không cảm thấy sự trung thành và đặt ra các lo ngại về an ninh, như sự hiện diện của Trung Quốc tại Chittagong và Sonadia thực sự đã khiến Ấn Độ lo ngại. Bangladesh cũng không thể mãi chạy theo các giải pháp làm hài lòng cả hai nước. Vì vậy, sự tham gia của Nhật Bản sẽ là cần thiết và phù hợp.
Kết luận
Khác với Pakistan - một đồng minh của Trung Quốc hay Sri Lanka đã bị kéo theo với “củ cà rốt” về các khoản đầu tư khổng lồ, trường hợp của Bangladesh cho thấy một chính sách ngoại giao khéo léo và cân bằng hơn.
Dưới góc độ tham chiếu của bài viết về đầu tư CSHT và thách thức của Trung Quốc, thì các dự án của Trung Quốc tại Bangladesh sẽ không đảm bảo một cách có hiệu quả các toan tính chiến lược đã đưa ra về cả Con đường tơ lụa trên biển hay “Chuỗi ngọc trai”, cả về góc độ kỹ thuật, lẫn chiến lược.
Cả hai cảng Chittagong và Mongla đều là cảng sông và nông, không có khả năng chứa các tàu lớn; CSHT và hệ thống giao thông nối các cảng tới các trung tâm kinh tế lớn đều chưa phát triển. Mặc dù đang đóng vai trò chính trong hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia nhưng thực tế Chittagong có rất nhiều điểm bất cập: (i) phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của thủy triều để ra vào cảng, (ii) sức chứa tàu hạn chế và tàu lớn thì phải trung chuyển hàng qua các tàu nhỏ hơn để vào cảng; (iii) kênh dẫn và quãng đường quay đầu dài (160km) khiến chi phí tại cảng Chittagong tốn thêm 15.000 USD mỗi ngày, cao gấp vài lần so với các cảng ở các nước lân cận.
Ngoại giao đi dây của Bangladesh đã đặt ra một thách thức không nhỏ cho Trung Quốc, khi nước này phải cạnh tranh với cả Ấn Độ và Nhật Bản trong lĩnh vực CSHT, dẫn tới việc kiểm soát hoặc chiếm ưu thế tuyệt đối như tại Pakistan và Sri Lanka là gần như không thể.
Vũ Thành Công, Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.
Năm 2023, dù chiến sự tại Ukraine diễn biến căng thẳng và xung đột tại Trung Đông leo thang, tình hình Biển Đông tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Biển Đông cũng ngày càng được coi là chỉ dấu về trật tự dựa trên luật lệ từ phía Mỹ và đồng minh – đối tác thông qua các tuyên bố và văn bản...
Trả lời câu hỏi của phóng viên chiều ngày 25/5/2023, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (XYH-10) của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của...
Trong gần hai năm trở lại cầm quyền tại Malaysia từ tháng 5/2018 - 3/2020, Thủ tướng Mahathir Mohamad (sau đây gọi là Chính quyền Mahathir 2.0) đã thổi luồng gió mới vào chính sách Biển Đông của Malaysia. Khác với cách tiếp cận “thầm lặng” của chính quyền tiền nhiệm, Thủ tướng Mahathir và chính quyền...
Qua phân tích ảnh vệ tinh Đá Ba Đầu từ 2016 đến nay cho thấy, việc Trung Quốc tập kết lượng lớn tàu, dài ngày tại Đá Ba Đầu không phải để tránh thời tiết xấu mà nhiều khả năng là chiến thuật "cắt lát Salami" mới ở Biển Đông, bắt đầu triển khai từ tháng 2 năm 2020.
Bài viết phân tích Hải chiến Hoàng Sa (1974), cuộc tấn công ở Trường Sa (1988), sự kiện Đá Vành Khăn (1995) và sự kiện Bãi cạn Scarborough (2012) để tìm ra những quy luật nhất định. Đây sẽ là cơ sở để phán đoán thời điểm Trung Quốc hành động chiếm mới các thực thể ở Biển Đông để từ đó Việt Nam ra...
Nội dung bài viết bao quát lịch sử quá trình từ khi Trung Quốc manh nha thúc đẩy ý tưởng nghiên cứu băng cháy trên Biển Đông; cho đến hiện trạng khai thác hiện nay để làm rõ thực chất Trung Quốc đã đi đến bước nào trong tiến trình khai thác một loại năng lượng mới ở trên Biển Đông.