Vào ngày cuối cùng của năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, viết tắt là AEC, một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, đã chính thức được thành lập. Đây là một dấu mốc rất quan trọng bởi AEC sẽ biến một khu vực có 632 triệu người với Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) ước tính vào khoảng 2,5 nghìn tỷ USD trở thành một trung tâm sản xuất và tiêu dùng trọng yếu của nền kinh tế thế giới trong vài thập kỷ tới.

Khi cuộc Chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn cao trào và an ninh khu vực bị đe dọa, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã cùng nhau thành lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1967. Nhận thấy các căng thẳng chính trị và quân sự đang dần dần lắng dịu sau khi cuộc chiến kết thúc, và cùng với đó là sự xuất hiện của những động lực và cơ hội phát triển trong giai đoạn 1970-1980, ASEAN bắt đầu mở rộng sự quan tâm ra xa hơn các khía cạnh hòa bình và ổn định nhằm thúc đẩy các quan hệ thương mại và kinh tế. Quy mô của hiệp hội cũng dần mở rộng với sự tham gia của Brunei (1984), Việt Nam (1995), Lào (1997), Myanmar (1997), và cuối cùng là Campuchia (1999).

Việc hình thành AEC là một kết quả tất yếu sau những nỗ lực của các quốc gia thành viên trong suốt những thập kỷ qua nhằm xây dựng ASEAN trở thành một khối đoàn kết và hoạt động hiệu quả hơn. Trong những nỗ lực này, phải kể đến việc ký kết Hiệp định Tự do Thương Mại ASEAN (AFTA) năm 1993, hiệp định đã giúp xóa bỏ gần như tất cả các hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên, thúc đẩy thương mại nội khối. Về quan hệ ngoại khối, ASEAN hiện đã ký các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc-New Zealand. Các dấu mốc khác trên lộ trình phát triển của AEC còn có Thỏa thuận Khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS) năm 1995 và Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) năm 1998.

Một trong 4 trụ cột chính của AEC là hình thành một thị trường đơn nhất với dòng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn, đầu tư, và lao động có trình độ. Tuy nhiên, dù đã chính thức được tuyên bố thành lập vào ngày 31/12/2015 vừa qua song AEC vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được các mục tiêu này.

Mặc dù các hàng rào thuế quan đã được xóa bỏ trong khu vực Đông Nam Á, song các rào cản phi thuế quan hiện vẫn là một trở ngại lớn đối với thương mại trong khu vực. Các thủ tục hải quan phức tạp đặc biệt ở một số quốc gia có cơ sở hậu cần yếu kém và các thói quen cũ, như Indonesia, Philippines và Việt Nam, có thể sẽ khiến hàng hóa bị mắc kẹt hàng tuần liền ở các cửa khẩu do phải chờ sự cho phép của các cơ quan chức năng.

Do đó, trong chương trình nghị sự của AEC có một thỏa thuận nhằm xác định các biện pháp phi thuế quan và xóa bỏ các biện pháp bảo hộ vào năm 2018. Một vài quốc gia đang thực hiện các nỗ lực được cho là cấp thiết nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng. Ví dụ như Indonesia đang chi hàng chục tỷ USD nhằm xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, các sân bay và các cảng biển mới. Ở Việt Nam, nơi mà chính phủ ước tính chi phí cho hậu cần chiếm 25% GDP cả nước, các sáng kiến bao gồm dự án xây dựng Cảng Quốc tế Lạch Huyện với số vốn 1,2 tỷ USD, công trình sẽ thúc đẩy sự kết nối mạnh mẽ với miền Bắc Việt Nam.

Tự do dịch chuyển lao động có trình độ cũng là một mục tiêu đầy thách thức của AEC. Đông Nam Á là một khu vực có sự khác biệt không chỉ về dân số và mức độ phát triển, mà còn cả ngôn ngữ, thói quen kinh doanh và chứng chỉ nghề nghiệp. Không chỉ vậy, với việc mỗi quốc gia đều có một chính sách nhập cư riêng, thì với sự hiện diện của AEC, các lao động cũng chưa thể dễ dàng dịch chuyển như trong Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, hội nhập kinh tế toàn diện và những lợi ích mà nó đem lại là điều không thể phủ nhận. AEC được hình thành trong bối cảnh khu vực có dân số đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng. Trong khi nhiều khu vực trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng tăng dân số thấp hoặc thậm chí là âm, trong vòng 20 năm tới, dân số Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ tăng hơn 100 triệu người. Điều quan trọng là đà tăng dân số này đi cùng với một sự gia tăng số người trong độ tuổi lao động, ước tính chiếm 68% tổng dân số vào năm 2025. Nhóm người này, làm việc, nhận lương và tiêu dùng trong một nền kinh tế chung chính là nhân tố thúc đẩy phát triển quan trọng.

AEC được kỳ vọng sẽ trở thành một cơ sở sản xuất ngày càng năng động để phục vụ nhu cầu của châu Á và xa hơn nữa, đồng thời cũng được trông đợi sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa ngày một quan trọng. Richard Strollo, Giám đốc điều hành Tập đoàn BDP International tại Đông Nam Á, phát biểu cảm tưởng về AEC: “Xây dựng một thị trường chung giữa các quốc gia Đông Nam Á là sáng kiến thú vị nhất mà ASEAN đã hiện thực hóa. Tự do hóa dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, cùng với những biện pháp nhằm cắt giảm sự hạn chế đối với các lao động có trình độ sẽ thay đổi đáng kể diện mạo khu vực trong 20 năm tới. Hội nhập kinh tế sẽ khiến Đông Nam Á trở thành một khối thương mại mạnh mẽ với dòng chảy thương mại trong và với ngoài khối tăng đáng kể, ngành hậu cần và vận tải sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển này”.

Theo Logistics Viewpoints

Văn Cường (gt)