Tuy nhiên, tại khu vực châu Á, Trung Quốc đang phải đối mặt với Mỹ, một nước Mỹ vẫn còn đủ mạnh tuy đã đánh mất tốc độ phát triển ở một số lĩnh vực. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn chủ trương giữ ảnh hưởng lớn của mình tại châu Á. 


Các quốc gia khác có thể có ảnh hưởng ở khu vực. Nga đã không thành công trong việc khôi phục lại sức mạnh của mình trong thời kỳ Xôviết, do vậy, nước này cũng chỉ đứng ngoài cuộc tranh giành Trung - Mỹ. 


Không chỉ có Nga, châu Âu cũng bị đứng ngoài rìa trong việc gây ảnh hưởng tại châu Á, Trung Quốc luôn rao giảng về một trật tự đa cực của thế giới, nhưng đó chỉ là chiến thuật để che đậy chiến lược của nước này là giữ cho châu Âu đứng bên ngoài các vấn đề của thế giới. Một châu Âu không thống nhất và bị chia rẽ, và vì vậy Trung Quốc đang hưởng lợi từ điều này, đồng thời giành lợi thế trước từng thành viên của Liên minh châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ. Hiện tượng này cũng diễn ra tương tự đối với khối các quốc gia Đông Nam Á ở phía Nam Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã giành lợi thế trước từng quốc gia ASEAN khi khối này thiếu sự thống nhất. 


Sức mạnh chính trị của Trung Quốc được thể hiện không chỉ qua sự hiện diện của nước này tại nhiều tổ chức quốc tế mà còn là cách thức mà Bắc Kinh áp đặt ý chí chính trị của mình. Luật chơi mà Trung Quốc đã thực hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh Côpenhaghen cho thấy rõ điều này. Ngoài ra, vai trò lãnh đạo mà Trung Quốc muốn đảm nhận là đại diện cho các quốc gia đang phát triển của thế giới và được coi như quốc gia lớn nhất trong khối này là một bằng chứng khác nữa cho vấn đề này. Mặt khác, sức mạnh chính trị của Trung Quốc còn thể hiện ở cách thức Trung Quốc sử dụng đồng thời công cụ chiến lược gây ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế nhằm phục vụ cho mục tiêu chiến lược là đạt được vị thế lãnh đạo và giành được sự ủng hộ của nhiều quốc gia thuộc thế giới thứ 3. Nhờ vào chiêu thức này, Trung Quốc tiếp tục đạt được lợi thế kinh tế trước phương Tây và hấp thụ được công nghệ cao. 


Một nhân tố khác quan trọng tại châu Á là Nhật Bản. Mặc dù, còn những khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, Tôkyô vẫn tiếp tục gây sự ngờ vực cho Trung Quốc về sự hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt tại nước này. Và mối lo ngại này càng mạnh mẽ hơn nếu như nhà nước Nhật Bản chấp thuận sửa đổi điều IX của Hiến pháp (tranh luận này vẫn còn được tiến hành âm thầm cho tới ngày nay mà chưa chấm dứt), theo đó, quân đội hoàng gia Nhật Bản sẽ mất đi cái tên là lực lượng phòng vệ mà thay vào đó là lực lượng quân đội. Đây là một trong những yếu tố khiến Trung Quốc tăng cường thể hiện sức mạnh quân sự đang lên của mình, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân và không quân. Nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất. Với việc tăng cường sức mạnh hải quân và không quân, Trung Quốc còn nhằm mục đích đảm bảo an ninh cho đường vận tải hàng hải của nước này từ châu Phi và Trung Đông. Đây cũng là một trong những lý do của chính sách tăng cường hợp tác về cầu cảng của Bắc Kinh với các quốc gia duyên hải tại Bắc Ấn Độ Dương, ngoại trừ Ấn Độ. Và cuối cùng, Trung Quốc đang chủ trương trang bị các phương tiện nhằm hợp pháp hóa chủ quyền của mình tại các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông. 


Chiến lược của Trung Quốc thực hiện tại Biển Đông là một minh chứng khác về khả năng kết hợp các phương tiện nhằm đạt được mục đích của nước này. Một mặt, Trung Quốc đề xuất với các quốc gia Đông Nam Á, vốn đang lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh, về các chương trình phát triển chung theo 3 trục mà các quốc gia dù muốn hay không cũng phải tham gia (Trục thứ nhất là theo hướng xuyên lục địa Đông - Nam châu Á, thứ hai là khu vực Hợp tác Tiểu vùng Sông Mê Công ; thứ ba là dự án hợp tác kinh tế khu vực Vịnh Bắc Bộ). Mặt khác, qua việc sử dụng các phương tiện tàu bè bán quân sự, Trung Quốc tiến hành quấy rối tàu bè của các nước khác trong khu vực trong các hoạt động đánh cá cũng như các hoạt động tìm kiếm nguồn dầu khí tại nơi đây. Điều này buộc các quốc gia trong khu vực phải đệ trình lên Liên Hợp Quốc yêu sách về thềm lục địa mở rộng của riêng mình. 


Ngoài ra, Trung Quốc còn bận tâm tới vấn đề Đài Loan. Giành lại Đài Loan luôn nằm trong chủ trương của Trung Quốc, bởi Đài Loan không chỉ là vấn đề chủ quyền mà nó còn là lợi ích mang tính chiến lược. Có được Đài Loan cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc có được lợi thế đảm bảo an ninh cho hải quân Trung Quốc hướng ra biển xa của Thái Bình Dương. 


Tuy nhiên, ý đồ của Trung Quốc lại gặp phải sự hiện diện của Mỹ tại khu vực. Một mặt, luôn sẵn sàng tiến hành một số hoạt động hợp tác với Trung Quốc, chủ yếu là bán quân sự hơn là quân sự, mặt khác, Mỹ cũng gây cản trở cho Trung Quốc, đặc biệt khi nước này cam kết hỗ trợ cho Đài Loan. Đây không chỉ là ngăn chặn duy nhất mà Mỹ tiến hành đối với Trung Quốc, mà còn có mạng lưới liên minh do Mỹ thiết lập bao quanh lãnh thổ Trung Quốc, đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Philíppin, Inđônêxia, Thái Lan, Xinhgapo, và có lẽ sớm muộn là cả Việt Nam, và xa hơn nữa là Ấn Độ. Các nước này đều muốn đưa Trung Quốc vào sâu hơn trong vòng vây của Mỹ và các nước đồng minh. Sức ép này cũng được củng cố thêm với sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Ápganixtan, Tátgikixtan và Cơrơgưxtan, trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Cũng chính sức ép này là lý do giải thích tại sao Bắc Kinh đã không bắt tay lại việc giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên, theo đó, Bình Nhưỡng yêu cầu, trước tiên, phải đạt được sự bảo đảm về an ninh từ phía Mỹ trước khi chấp nhận trở lại vòng đàm phán sáu bên. 


Trước mối đe dọa của Mỹ, Trung Quốc tiếp tục thử sử dụng con bài Nga với hy vọng Mátxcơva sẽ hỗ trợ cho Bắc Kinh trong việc đảm bảo các mục tiêu về an ninh, cho dù chỉ đạt được một phần thông qua các hoạt động cung cấp vũ khí của Nga. Ngoài ra, thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, vốn được coi là tổ chức đối trọng với NATO, Trung Quốc muốn đáp trả mối đe dọa của Mỹ. Trên phương diện quốc tế, Trung Quốc và Nga luôn có sự thông đồng trong hoàn cảnh phải đối phó với Mỹ, đôi khi đối với cả châu Âu. Tuy nhiên, tại khu vực Trung Á, mối quan hệ này lại thay đổi. Tại Trung Á, nhờ vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Trung Quốc đã đảm bảo được sự tiếp cận về nguồn dầu khí của khu vực và đảm bảo an ninh cho tuyến đường vận chuyển dầu của nước này. Tuy nhiên, còn mục tiêu khác nữa của Trung Quốc tại đây, đó là mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực, nhưng điều này lại gây tổn hại tới ảnh hưởng đang bị suy giảm của Nga ở đây. 


Nhân tố không kém phần quan trọng mà Trung Quốc phải tính tới đó là Ấn Độ. Có thể coi Ấn Độ là quốc gia đang phát triển đích thực, mặc dù, nước này đạt được một số thành tựu quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, nhưng Ấn Độ không hề có mục đích chi phối các quốc gia khác trong khu vực. Tuy vậy, nước này cũng không muốn bị chi phối, đặc biệt trên bình diện khu vực. Do vậy, Ấn Độ tiếp tục cảnh giác đối với tham vọng và các dự án khu vực của Trung Quốc mà trong đó, Bắc Kinh lôi kéo các quốc gia xung quanh tham gia như: Mianma, Xri Lanca, Bănglađét và đặc biệt là Pakixtan, quốc gia vốn luôn nuôi dưỡng sự ngờ vực và thù hằn đối với Ấn Độ. 


Tóm lại, trước một nước Nga không thành công trong việc khôi phục lại sức mạnh của mình trong thời kỳ Xô Viết, trước một châu Âu có thể mạnh, nhưng lại là yếu do những khó khăn trong tập hợp chiến lược, trước các quốc gia đang phát triển dành ưu tiên trong quan hệ với Trung Quốc, và trước các quốc gia châu Á mà từng nước không hề có sức nặng so với Trung Quốc và Mỹ, một cục diện chính trị lưỡng cực mới hiện nay đã được hình thành trong môi trường chiến lược tại châu Á./.

 

Tài liệu nghiên cứu của Học viện Nghiên cứu cao cấp về Quốc tế và Phát triển tại Giơnevơ, Thụy Sĩ