Trong công cuộc phòng thủ quốc gia, vấn đề thế và lực luôn giữ vai trò quan trọng trong việc định ra kế sách giữ nước. Đối với một một nước trung bình nhưng tiềm lực kinh tế còn hạn chế như Việt Nam, việc nhận thức đúng đắn những thay đổi trong cục diện khu vực và vị thế của quốc gia trong bàn cờ chính trị thế giới và khu vực là rất quan trọng để phát huy sức mạnh bên trong, tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thời gian qua, tình hình Biển Đông chuyển biến phức tạp với nhiều sự kiện đặc biệt nghiêm trọng, tác động to lớn đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam.  Những chuyển biến đó không đơn thuần chỉ là hậu quả của các tranh chấp chủ quyền giữa các nước trong khu vực mà còn phản ánh sự phụ thuộc rất lớn của các nước có liên quan vào cục diện khu vực và thế giới mới. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu những thay đổi trong cục diện khu vực trong thời gian gần đây và các tác động đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Biển Đông để đề ra cách thức vừa có thể bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước vừa giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển Tổ quốc.         

1. Những thay đổi to lớn trong cục diện thế giới đã làm cho Châu Á - Thái Bình Dương trở thành trọng tâm chiến lược của Mỹ và can dự ngày càng sâu của các cường quốc trên thế giới.  

Cục diện thế giới trong những năm đầu thế kỷ 21 có những thay đổi nhanh chóng nhưng Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất có sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội. Năm  Năm 2011 với GDP hơn 14,52 nghìn tỷ USD, chiếm 23,52 % kinh tế thế giới, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới tuy tốc độ phát triển đã chậm lại. Hiện nay Mỹ vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trầm trọng nhất trong vòng mấy chục năm qua. Vì vậy, có khả năng Trung Quốc vượt qua Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào những năm 20 của thế ký này. Trung Quốc với GDP đạt 6988,5 nghìn tỷ USD vào năm 2011, là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đang phát triển để trở thành siêu cường thế giới. Với tốc độ phát triển  cao nhất thế giới (hơn 9%), kinh tế Trung Quốc không những có thể vượt Mỹ vào những năm 20 của thế kỷ này mà đang thay đổi về chất. Đến năm 2015, khoa học công nghệ sẽ đóng góp 60% vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Bên cạnh đó,  Trung Quốc tăng cường chi tiêu về quân sự. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD và dứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Vì vậy, quan hệ Trung - Mỹ sẽ thành mối quan hệ quốc tế có ảnh hưởng lớn nhất đến các vấn đề chính trị của thế giới nói chung và Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.  

Cùng với sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc và sự suy giảm sức mạnh tương đối của Mỹ, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Bra-xin, Nga… đang phát triển mạnh mẽ làm cho cục diện thế giới thay đổi sâu sắc với xu thế đa cực ngày càng rõ nét trong đó sự phân bố sức mạnh thế giới đã thay đổi căn bản. Châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành khu vực quan trọng nhất thế giới với các nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Đây cũng là khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Vì vậy, Châu Á – Thái Bình Dương trở thành trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ và nhiều cường quốc khác, là khu vực mà tất cả các cường quốc và trung tâm quyền lực của thế giới can dự ngày càng sâu.

Với sự thay đổi trong vai trò của Châu Á – Thái Bình Dương với thế giới, vị thế của các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam ngày càng được nâng cao/ Các nước lớn đều tranh thủ quan hệ với các nước trong khu vực để tăng cường ảnh hưởng và bảo đảm các lợi ích quốc gia. Tình hình đó tạo là thuận lợi cơ bản, mở ra các cơ hội mới để Việt Nam tăng cường quan hệ với tất cả các nước lớn, tạo nên sự đan xen lợi ích giữa các cường quốc để thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước trong đó có chủ quyền trên biển, đảo của Tổ quốc.

2. Quan hệ Trung - Mỹ trở thành mối quan hệ chi phối tình hình khu vực, tác động nhiều mặt đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Châu Á - Thái Bình Dương  trở thành trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ, thể hiện sự thay đổi toàn diện về các chính sách của Mỹ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự đối với khu vực được thể hiện trên ba yếu tố sau:

1) Mỹ tăng cường can dự vào khu vực cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Mỹ tự nhận là một bộ phận của Châu Á - Thái Bình Dương, gắn kết chặt chẽ và can dự ngày càng sâu vào khu vực. Đây là sự thay đổi về tư duy chiến lược dẫn đến sự can dự toàn diện của Mỹ vào khu vực. Về chính trị, Mỹ tăng cường quan hệ song phương với các quốc gia đồng thời tăng cường can dự vào công việc của các thể chế khu vực. Về kinh tế, Mỹ tăng cường liên kết kinh tế với khu vực thông qua thương mại và đầu tư nhờ mở rộng các quan hệ kinh tế song phương đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các thể chế kinh tế đa phương trong đó Mỹ giữ vai trò chủ đạo. Mỹ đang đẩy mạnh quá trình hình thành cơ chế Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để tạo ra một thể chế hợp tác kinh tế khu vực mới, sâu, rộng không chỉ trên lĩnh vực thương mại mà còn trên nhiều lĩnh vực đầu tư khác, có thể trở thành thể chế kinh tế mang tính chủ đạo, dẫn dắt đối với kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương. Về quân sự, Mỹ cũng tăng cường sức mạnh quân sự và nâng cao các mối quan hệ về quốc phòng với các nước trong khu vực. Dù gặp khó khăn kinh tế, buộc phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng, Mỹ vẫn tăng cường sức mạnh quân sự và chi phi quân sự cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. ư

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

Lê Kim Dũng, Viện Chiến lước Quốc phòng, Bộ Quốc phòng