20/01/2016
Theo tờ "Japan Times" Bà Thái Anh Văn đã "lật đổ" Quốc Dân đảng cầm quyền để trở thành người đứng đầu hòn đảo Đài Loan với một chiến thắng cách biệt khi mà các cử tri lựa chọn "quay lưng" lại với mối quan hệ ngày càng được cải thiện với Trung Quốc. Quốc Dân đảng thậm chí lần đầu tiên còn mất quyền kiểm soát đa số tại quốc hội
Giáo sư khoa học chính trị Jean-Pierre Cabestan của Đại học Baptist tại Hong Kong cho rằng đây là "trận động đất" chính trị. Ông nói: "Tôi không nghĩ Bắc Kinh sẽ hành động ngay, song chắc chắn sẽ có vấn đề". Sẽ thật ngạc nhiên nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người luôn tỏ ra thái độ cứng rắn với thế giới, lại không cứng rắn với Đài Loan. Chiến lược của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào các động thái của bà Thái Anh Văn và Mỹ - đồng minh chính của Đài Loan.
Thực tế là Bắc Kinh đã phản ứng với kết quả bầu cử người đứng đầu Đài Loan bằng "lời cảnh cáo" rằng sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào của Đài Loan nhằm đòi độc lập. Đài Loan lập chính quyền tự trị khi tách khỏi Trung Quốc từ năm 1949 sau cuộc nội chiến, song chưa bao giờ chính thức tuyên bố độc lập. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình đang chờ thống nhất và có thể áp dụng các biện pháp vũ lực nếu cần thiết.
Liên quan đến thông điệp ủng hộ Đài Loan độc lập của đảng Dân tiến, bà Thái Anh Văn đã dịu giọng hơn khi đa số cử tri muốn hoà bình với Trung Quốc và cam kết sẽ "duy trì nguyên trạng". Thông điệp này cũng nhằm giúp Mỹ bớt lo ngại vì Washington vốn không muốn căng thẳng leo thang.
Trong khi nhắc lại cam kết muốn duy trì các mối quan hệ hòa bình, bà Thái Anh Văn cũng nói rõ rằng Đài Loan sẽ không sợ hãi. Phát biểu trước đám đông đang hò reo, bà nói rằng họ sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì là người Đài Loan, đồng thời cảnh cáo sự đàn áp của Trung Quốc có thể gây tổn hại cho quan hệ hai bờ. Giáo sư khoa học chính trị John Ciorrciari thuộc Đại học Michigan cho rằng bà Thái Anh Văn dự định sẽ thúc đẩy sự ổn định trong quan hệ hai bờ nhưng chỉ trong trường hợp Bắc Kinh kiềm chế những lời đe dọa cũng như các động thái nhằm bóp nghẹt ngoại giao của Đài Loan. Tuyên bố trên của bà Thái Anh Văn được đưa ra trong bối cảnh ngôi sao nhạc pop 16 tuổi người Đài Loan Chou Tzu-yu bị sỉ nhục, bị ép phải xin lỗi sau khi đã vẫy cờ Đài Loan trong đoạn video được đăng tải trên Internet. Hành động vẫy cờ này đã tạo ra sự giận dữ trên mạng xã hội ở Trung Quốc với những cáo buộc cho rằng ca sĩ này là người ủng hộ Đài Loan độc lập. Bà Thái Anh Văn nhắc đến trường hợp ca sĩ Chou trong diễn văn chiến thắng của mình, nói rằng vụ việc đã nêu bật tầm quan trọng của việc đoàn kết để đối phó với "những kẻ bên ngoài biên giới chúng ta".
Giáo sư chính trị George Tsai của Đại học Văn hóa Trung Hoa tại Đài Bắc cho biết vụ việc trên đã kích động sự giận dữ từ những người vốn có quan điểm tiêu cực với Trung Quốc và Quốc Dân đảng đã phải trả giá cho vụ việc đó bằng hàng trăm nghìn phiếu bầu. Ông cho rằng bà Thái Anh Văn đã cam kết rằng người Đài Loan có thể tự hào về quê hương mình. Sự tức giận của người dân cũng gia tăng khi vị trí của Đài Loan trên thế giới ngày càng bị thu hẹp dưới sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Cho đến nay, Đài Loan chỉ được 22 nước công nhận chính thức, thậm chí cả Mỹ cũng chỉ có quan hệ ngoại giao không chính thức với Đài Loan sau khi Washington và Bắc Kinh lập quan hệ ngoại giao năm 1979.
Trong tuyên bố thắng cử, bà Thái Anh Văn đã nói rằng không gian quốc tế của Đài Loan cần phải được tôn trọng, một mũi tên đã được bắn ra khỏi cung. Sự mạnh mẽ trong lập trường của bà phản ánh sự thay đổi trong quan điểm của cử tri ở hòn đảo này. Theo nhận định của giáo sư Nathan Batto thuộc Viện Nghiên cứu Hàn lâm Sinica tại Đài Loan, ngày càng nhiều người nghĩ rằng họ là người thuần Đài Loan, đó chính là sự thay đổi cơ bản. Các nhà phân tích đều đồng quan điểm rằng Trung Quốc sẽ chưa có phản ứng mạnh ngay với chính quyền mới của Đài Loan, song họ tin rằng Bắc Kinh sẽ giám sát "nhất cử nhất động" của bà Thái Anh Văn. Một nhà phân tích nhận định Bắc Kinh có thể sẽ chưa sử dụng cách tiếp cận cứng rắn với Đài Loan trong thời gian tới, song không rõ thời gian yên ổn này sẽ kéo dài bao lâu vì nó phụ thuộc vào các động thái tiếp theo của bà Thái Anh Văn.
Trong khi đó tờ "New York Times" đưa tin bà Thái Anh Văn đã trở thành người phụ nữ đầu tiên của Đài Loan được bầu làm Tổng thống. Là một người theo chủ nghĩa thực dụng, bà Thái Anh Văn được bầu lên để đảo ngược tình trạng kinh tế và cân bằng giữa chủ nghĩa dân tộc và sự cần thiết phải duy trì mối quan hệ với Trung Quốc đại lục.
Đứng lên từ thất bại
Bà Thái Anh Văn, 59 tuổi, là Giáo sư Luật, bà tốt nghiệp Đại học Quốc gia Đài Loan sau đó tiếp tục học Thạc sĩ tại Đại học Cornell (Mỹ) và làm Luận án Tiến sĩ tại Học viện Kinh tế London (Anh). Bà Thái Anh Văn từng là một nhà đàm phán thương mại trong những năm 1990, sau đó làm việc với tư cách cố vấn cho Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Lý Đăng Huy. Khi ông Trần Thủy Biển đắc cử Tổng thống, ông đã chỉ định bà là Chủ tịch Hội đồng các vấn đề Đại lục - Cơ quan chịu trách nhiệm về quan hệ với Trung Quốc. Sau đó bà gia nhập đảng Dân tiến và được bầu vào Quốc hội Đài Loan năm 2004.
Bà Thái Anh Văn được bầu vào vị trí Chủ tịch đảng Dân tiến theo cách mọi người vẫn đánh giá là "nắm quyền tạm thời". Tuy nhiên, bà đã sớm chứng minh được khả năng của mình, giải quyết hết nợ nần và sắp xếp để các ứng cử viên của đảng này tham gia các cuộc bầu cử bổ sung và bầu cử hội đồng địa phương. Sau đó, bà trở thành ứng cử viên Tổng thống năm 2012 của đảng Dân tiến và đã thua cuộc trước ứng cử viên Mã Anh Cửu của Quốc Dân đảng. Khi thừa nhận thua cuộc, bà nói với một đám đông các phóng viên đã ướt sũng sau trận mưa tuyết rằng "một ngày nào đó chúng tôi sẽ quay lại và chúng tôi sẽ không từ bỏ".
Khôi phục kinh tế và chính sách đối ngoại tự chủ hơn
Bốn năm trước bà đã bị thất bại bởi sự chỉ trích từ Quốc dân đảng và quan chức Mỹ rằng đường lối của bà đã làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Trong lần này, bà Thái Anh Văn đã thay đổi cách tiếp cận và bảo vệ mình một cách hiệu quả trước những lập luận kiểu này. Mặc dù Đảng Dân tiến thường ủng hộ sự độc lập của Đài Loan nhưng trong chiến dịch gần đây nhất, bà Thái Anh Văn đã hứa sẽ "duy trì hiện trạng". Mối quan tâm đầu tiên của bà khi nhậm chức sẽ là khôi phục lại nền kinh tế của hòn đảo này. Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Đài Loan giảm trong quý 4/2015 nhưng ước tính tăng 1% trong cả năm 2015. Chiến dịch của bà đã nhấn mạnh sự đổi mới và cải thiện quan hệ thương mại với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Mỹ. Trong khi đó, Quốc dân đảng tiếp tục tập trung vào phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Bà Shelley Rigger, Giáo sư khoa Chính trị thuộc Đại học Davidson và là tác giả cuốn sách "Tại sao Đài Loan lại quan trọng: Đảo nhỏ, ảnh hưởng toàn cầu" cho rằng: "Bà Thái Anh Văn đã có cách nói phức tạp và ẩn ý về mối quan hệ hai bờ. Vị trí tổng thống đòi hỏi sự khôn khéo và nhạy cảm trong các vấn đề chính trị. Tôi nghĩ ưu tiên của bà Thái Anh Văn tập trung vào đối nội, chủ yếu là kinh tế và tạo dựng cơ hội cho lớp trẻ".
Phó Giáo sư Jonathan Sullivan, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham (Anh) nói: "Bà Thái Anh Văn không hề bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc cũ kỹ của ông Trần Thủy Biển và bà có khả năng tô vẽ bản thân như một nhà chính trị khôn khéo, hài hòa hơn bất cứ ứng cử viên đảng Dân Tiến tiềm năng nào. Điều này rất quan trọng trong việc làm dịu bớt những quan ngại của cử tri và chống lại những lời phản bác của Quốc dân đảng". Bà Thái Anh Văn còn được biết đến về ý chí mạnh mẽ và khả năng điều khiển các thành viên cứng đầu trong đảng. "Bà là một chính trị gia hết sức mạnh mẽ, đừng để cách cư xử điềm tĩnh của bà đánh lừa", ông Jonathan nói.
Trong buổi míttinh của đảng Dân Tiến hôm 14/1 tại một sân vận động ở trung tâm thành phố Đài Trung, hàng nghìn người đã chờ dưới mưa để được nghe bà Thái Anh Văn phát biểu và vẫy cờ ủng hộ khi các ứng cử viên hô hào họ lật đổ Quốc dân đảng. Bà Thái Anh Văn cho rằng Quốc dân đảng đã sợ hãi khi các cử tri cảnh báo về khả năng đảng Dân tiến lên nắm quyền. Bà nói khi trở thành tổng thống sẽ hoan nghênh tất cả những lời phê phán của cử tri nếu bà không xứng đáng với kỳ vọng của họ. Bà khẳng định: "Không có chỗ quay đầu lại trên con đường này. Tôi biết ngoài cải cách và đổi mới ra, không còn con đường nào khác".
Ngay sau khi có kết quả bầu cử, Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc cho biết họ đã gửi công hàm liên quan tới kết quả cuộc bầu cử và sẵn sàng đẩy mạnh trao đổi với "tất cả các đảng phái và các nhóm công nhận hai bờ đều thuộc một Trung Quốc". Hãng tin Tân Hoa Xã đã đăng một bài bình luận kêu gọi bà Thái Anh Văn cần phải thận trọng và sự độc lập của Đài Loan là "liều thuốc độc". Bài bình luận này ngay sau đó đã bị luồng dư luận chủ đạo ở Đài Loan bác bỏ.
Ông Ross Darrell Feingold, Cố vấn cấp cao thuộc một tổ chức tư vấn chính sách của Mỹ có trụ sở ở Đài Loan nói: "Một vài người Đài Loan thắc mắc liệu bà Thái Anh Văn có theo đuổi chiến lược kích thích tăng trưởng. Đứng trên quan điểm của cộng đồng doanh nhân, có một vấn đề về nhận thức. Thành tích của đảng Dân Tiến về mặt kinh tế trong 8 năm nắm quyền tổng thống (từ 2000-2008) cũng không khá hơn chính quyền Mã Anh Cửu trong 8 năm qua. Xử lý mối quan hệ với Trung Quốc không phải ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của bà Thái Anh Văn. Nếu bà chỉ muốn giữ mọi thứ đúng chỗ của nó thì bà vẫn phải giải quyết những điều đó".
Nhìn chung, theo các chuyên gia phân tích chính trị, chính lời cam kết khéo léo xây dựng nên chính sách chứ không phải thổi bùng lên khát khao của những cử tri đã giúp bà Thái Anh Văn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.
Trong hai ngày 16-17/11/2022, Học viện Ngoại giao đã tổ chức các Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 về chủ đề “Biển hoà bình – Phục hồi bền vững”.
Sáng ngày 16/11/2022, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 do Học viện Ngoại giao, phối hợp tổ chức cùng các đối tác đồng bảo trợ trong và ngoài nước, đã khai mạc tại Đà Nẵng với chủ đề “Biển Hòa Bình – Phục hồi bền vững”.
Ngày 12-13/9/2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức Khóa học Nâng cao Năng lực Biển lần thứ hai thuộc khuôn khổ Trung tâm Ngoại giao Biển (MDC).
Ngày 23/9, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến An ninh biển và Luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Ngày 19/8/2021, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Anh và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS), Đức tại Hà Nội tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 7 (trực tuyến) với chủ đề “Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế”.
Thông cáo báo chí: Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Robert Ben Lobban Wallace thăm và thảo luận tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, ngày 22/7/2021)