06/09/2019
Chuyến công du Bắc Kinh lần thứ 5 của ông Duterte ít nhất lẽ ra phải là thời điểm thể hiện sự dũng cảm của Philippines - và tạo ra một sự thay đổi đối với trục chính sách đối ngoại hướng tới Trung Quốc của ông, khi tất cả những năm tháng cúi đầu phục tùng trước đây lẽ ra phải giúp Philippines có được một vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại lễ khai mạc Fiba Basketball World Cup 2019 tại Bắc Kinh vào ngày 30 tháng 8 năm 2019. Ảnh: REUTERS
Vài ngày trước khi diễn ra chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 5 của Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, các quan chức Philippines tuyên bố rằng đã đến lúc Tổng thống cần đề cập tới chiến thắng pháp lý của Philippines trước Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bản thân ông Duterte cũng nhấn mạnh trong bài phát biểu trước các doanh nhân người Philippines và người Hoa rằng thời điểm đã đến. Ông nói: "Chúng ta sẽ nói về phán quyết của Tòa Trọng tài. Đó là lý do tại sao tôi sẽ tới Trung Quốc". Phát biểu này đã trở thành tin tức thu hút sự chú ý. Nó đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền 3 năm trước, ông Duterte cuối cùng cũng nhắc tới vấn đề chưa bao giờ được đề cập tới với người đồng cấp Trung Quốc.
Cần nhớ rằng, chính Tổng thống Duterte đã chỉ đạo cho chính quyền của ông "hạ cánh mềm" đối với phán quyết của Tòa án quốc tế ở La Haye - về bản chất, có nghĩa là ít nhấn mạnh tới phán quyết đó và gạt nó sang một bên - trong những ngày đầu ông lên cầm quyền, khi mục tiêu tối cao là xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.
Vậy điều gì đã xảy ra ở Bắc Kinh? Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, đã mô tả cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo: "Một cách dứt khoát, quyết đoán, nhưng vẫn thân thiện, Tổng thống đã khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài. Ông nói rằng quyết định của tòa án là quyết định cuối cùng, có tính ràng buộc và không thể chống lại". Ông Panelo nói thêm rằng: "Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình tái khẳng định quan điểm của chính phủ Trung Quốc là không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài cũng như sẽ không thay đổi quan điểm của mình".
Sau đó, hai nhà lãnh đạo đã chuyển sang chủ đề làm thế nào để "cải thiện hơn nữa quan hệ giữa hai nước", bao gồm việc thúc đẩy các hoạt động cùng khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông.
Về cơ bản, ông Duterte dường như đã nêu ra vấn đề này một cách chớp nhoáng, ông Tập Cận Bình gạt đi, và vấn đề lại trở về vị trí như trước đây - bị gác lại, lu mờ đi, và một lần nữa bị phớt lờ và không được nhắc tới nữa. Không có tin tức về bất kỳ cuộc thảo luận chính thức nào diễn ra giữa hai nhà lãnh đạo bàn về vấn đề quan trọng từng đẩy căng thẳng tại Biển Đông lên tới "điểm bốc cháy", đó là tuyên bố chủ quyền rộng khắp - nhưng theo Tòa án tại La Haye là vô căn cứ - đối với Biển Đông, và những tuyên bố chủ quyền như vậy - được hậu thuẫn bằng những hành động khiêu khích như quân sự hóa các đảo chiếm đóng và liên tục xâm nhập vào Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines - đang chà đạp như thế nào lên chủ quyền và lợi ích của quốc gia mà ông Duterte đang là người đại diện tại Bắc Kinh.
Có phải tất cả chỉ để phô diễn? Từ chính phát biểu của ông Panelo, có vẻ như ông Duterte không thực sự có kế hoạch khẳng định chủ quyền của Philippines với "người bạn" Trung Quốc của ông. Bởi vì, thật đáng kinh ngạc, ông thậm chí còn nói xin lỗi vì toàn bộ vấn đề này. Theo chính người phát ngôn của ông Duterte: "Tổng thống nói 'Tôi không có ý định cảnh báo Ngài với những gì tôi định nêu ra vì vấn đề của Ngài ở Hong Kong, tôi xin được lượng thứ nhưng tôi cần nói về điều đó vì tôi đã hứa với người dân của mình".
Xin được lượng thứ ư? Vì điều gì?
Chẳng phải mọi chuyện nên diễn ra theo cách khác hay sao? Đó là ông Tập Cận Bình bày tỏ sự hối tiếc vì vô số lần Trung Quốc thể hiện sự coi thường và có hành vi hèn hạ đối với nước láng giềng của mình, từ việc quấy nhiễu các ngư dân Philippines tới việc tập trung lực lượng dân quân biển quanh đảo Pagasa nằm dưới sự kiểm soát của Philippines, hay như việc nhiều lần cho tàu chiến xâm phạm vùng biển của Philippines (hệ thống nhận dạng của các tàu này đã được tắt đi để tránh sự giám sát của Philippines) - đây mới chỉ là một vài trong số những hành động quá đáng của Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Trong một bài viết đăng trên báo The Straits Times hôm 1/9, nhà bình luận Randy David đã mô tả đây là "chủ nghĩa hình thức" - có nghĩa là "thực hiện hành vi một cách máy móc như được mọi người mong đợi nhưng không thực sự tin vào mục tiêu của hành động đó".
Trên thực tế, khi được hỏi liệu ông Duterte có ý định hành động nhiều hơn nữa không - như việc khẳng định quan điểm của Philippines mạnh mẽ hơn nữa bằng cách tái khẳng định vấn đề này với ông Tập Cận Bình, ông Panelo nói: "Sẽ không có thêm hành động nào nữa. Chúng tôi đã nêu ra vấn đề đó rồi. Chúng tôi sẽ không lặp lại điều này".
Từ cử chỉ của hai nhà lãnh đạo, rõ ràng là họ đã đạt được sự nhất trí rằng sẽ hoàn toàn không đếm xỉa đến phán quyết của Tòa Trọng tài và tiếp tục làm bạn bè vì lợi ích.
Chuyến công du Bắc Kinh lần thứ 5 của ông Duterte ít nhất lẽ ra phải là thời điểm thể hiện sự dũng cảm của Philippines - và tạo ra một sự thay đổi đối với trục chính sách đối ngoại hướng tới Trung Quốc của ông, khi tất cả những năm tháng cúi đầu phục tùng trước đây lẽ ra phải giúp Philippines có được một vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán.
Nhưng cuối cùng cuộc gặp vừa qua với ông Tập Cận Bình chỉ là một màn phô diễn, "nhà lãnh đạo vĩ đại" của Trung Quốc một lần nữa làm bẽ mặt "nước chư hầu", và chính quyền của ông Duterte tuyên bố sẽ không bao giờ chọc tức "ông chủ" của mình nữa.
Bài viết được đăng trên The Straits Times.
Kim Nguyên (gt)
Trong hai ngày 16-17/11/2022, Học viện Ngoại giao đã tổ chức các Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 về chủ đề “Biển hoà bình – Phục hồi bền vững”.
Sáng ngày 16/11/2022, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 do Học viện Ngoại giao, phối hợp tổ chức cùng các đối tác đồng bảo trợ trong và ngoài nước, đã khai mạc tại Đà Nẵng với chủ đề “Biển Hòa Bình – Phục hồi bền vững”.
Ngày 12-13/9/2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức Khóa học Nâng cao Năng lực Biển lần thứ hai thuộc khuôn khổ Trung tâm Ngoại giao Biển (MDC).
Ngày 23/9, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến An ninh biển và Luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Ngày 19/8/2021, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Anh và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS), Đức tại Hà Nội tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 7 (trực tuyến) với chủ đề “Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế”.
Thông cáo báo chí: Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Robert Ben Lobban Wallace thăm và thảo luận tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, ngày 22/7/2021)