Khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates hạ cánh xuống Hà Nội ngày 10 tháng 10, ông hy vọng sẽ chứng tỏ sự cam kết của Oasinhtơn trong việc tạo ổn định ở Đông nam Á. Hoá ra ông đang đẩy một cánh cửa đã mở rồi: Những quốc gia trong khu vực đang vô cùng lo lắng về việc phát triển hải quân của Bắc Kinh và những thái độ hiếu chiến gần đây nhằm biến Thái Bình Dương trở thành một cái ao nhà của Trung Quốc. 


Trong khi đó, Bắc Kinh đang phản ứng mạnh mẽ với phương Tây về các vấn đề nhân quyền, môi trường, và định giá tiền tệ, dẫn đến việc nhiều người cho rằng sự đi lên của Trung Quốc cuối cùng đã bắt đầu gây ảnh hưởng bất ổn mà những học giả và bình luận gia hàng đầu về quan hệ quốc tế đã tiên đoán từ lâu nay. Nhưng nhiều nhà quan sát đã bỏ qua một động cơ quan trọng khác trong thái độ cương quyết gần đây của Bắc Kinh: chính sách đối ngoại của Trung Quốc không nằm trong tay của các nhà ngoại giao. 


Trên danh nghĩa, nhân vật tối cao chuyên quyết định chính sách đối ngoại là Đới Bỉnh Quốc, người chỉ đứng ở vị trí 50 trong toàn hệ thống chính trị. Quyền lực thật sự nằm trong tay Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản -- và, chính xác hơn, trong tay chín thành viên của ban thường vụ Bộ Chính trị. Tại đây, những chỉ thị về việc phải cứng rắn với Nhật Bản trên vùng biển Hoa Đông, hoặc với Mỹ trong vấn đề định giá đồng nhân dân tệ được đưa ra. Và ngày 15/10 đánh dấu việc khởi đầu cuộc họp bốn ngày của Bộ Chính trị, được bắt đầu với một đám mây bất thường đang lơ lửng trên đầu các nghị trình. 


Tầng lớp "tinh tú của giới tinh hoa" Trung Quốc có vẻ như đang bị phân tâm vào thời điểm này. Trong khoảng thời gian hai năm nữa, bảy trong số chín thành viên này sẽ đến tuổi về hưu và buộc phải đứng sang một bên. Cứ 5 năm một lần, trong dịp đại hội đảng, thế hệ lãnh đạo kế cận sẽ được thăng tiến, và năm 2012 sẽ là một năm trọng đại. Chúng ta sẽ thấy sự chuyển đổi từ "thế hệ thứ tư" của giới lãnh đạo Trung Quốc dưới quyền Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo sang thế hệ "thứ năm". Một thời đại mới sẽ bắt đầu. Trên lý thuyết, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sẽ thầm lặng về hưu, lo chuyện cá nhân và để những người trẻ hơn (và có lẽ lần này sẽ có một phụ nữ) tiếp tục nắm quyền. 

 

Nhưng lần này lại có hai khó khăn. Khó khăn đầu tiên là không có nhân vật kỳ cựu nào đứng ra để điều khiển quá trình này một cách êm thấm. Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ vĩ đại trong thời của mình, đã tiến cử Hồ Cầm Đào nhiều năm trước khi ông bước vào vị trí đỉnh cao. Điều này bảo đảm con đường công danh của ông được mở rộng. Uy tín và thanh thế rộng lớn của Đặng Tiểu Bình có nghĩa là những ai phản đối Hồ Cẩm Đào sẽ phải nghĩ đến ảnh hưởng và di sản của Đặng. 


Trong khi người tiền nhiệm của Hồ Cẩm Đào là Giang Trạch Dân, người vẫn sử dụng ảnh hưởng của mình ngay cả ở tuổi 80, cũng chẳng có sức mạnh như Đặng. Vì thế quá trình chuyển đổi lần này sẽ không có bàn tay dẫn dắt của một nhân vật trưởng lão. Điều này có nghĩa là trong mặc dù Bộ Chính trị từng có sự thay đổi lớn trước đây, việc nhiều thành viên về hưu lần này sẽ gây bất ổn hơn rất nhiều. 


Không ai biết được trận chiến nào sẽ xảy ra hiện nay trong khuôn viên chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, nơi những người lãnh đạo sống và làm việc. Bộ Chính trị dưới quyền của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo vốn rất kín kẽ. Không có nhiều thông tin rò rỉ về việc ai hậu thuẫn ai, và ai đang được ưu ái, ai đang bị nguy hiểm. Thời gian qua, các tin đồn đã xoay quanh việc Ôn Gia Bảo không ủng hộ đảng và thỉnh thoảng đi ngược ý của Hồ Cẩm Đào. Ông Ôn Gia Bảo đã xuất hiện tại thành phố Thâm Quyến ở miền Nam vào cuối tháng Tám và nói về cải cách chính trị, dẫn đến những phỏng đoán rằng ông đang tìm cách tạo ra ít nhất là một di sản cho phe cấp tiến trong đảng. Nhưng trước khi mọi người mừng rỡ, Ôn Gia Bảo đã đưa ra những chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với người Nhật khi họ bắt giữ viên thuyền trưởng của một tàu đánh cá Trung Quốc đi lạc vào vùng biển tranh chấp hồi tháng Chín. Có phải ông đã tìm cơ hội để bù đắp cho việc bị phê bình là quá mềm yếu hồi đầu năm? Chúng ta không thể biết được. Cuộc phỏng vấn vừa qua giữa Fareed Zakaria và Ôn Gia Bảo -- bị truyền thông nhà nước kiểm duyệt -- chỉ làm sự việc thêm khó hiểu. Nhưng không như những người lãnh đạo phương Tây, thói quen tạo ra những hồi ký dài dòng sau khi những chính trị gia rời khỏi chức vụ vẫn chưa được hưởng ứng ở Trung Quốc, vì thế có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được chắc chắn điều gì đã xảy ra.

 
Cũng như những nền văn hoá chính trị khác, chính sách đối ngoại là phương cách dễ dàng để những nhà lãnh đạo Trung Quốc qua mặt những đối thủ của mình. Chắc chắn Đảng Cộng sản không phải là một cơ quan dân chủ, nhưng nó cũng có rất nhiều sự chia rẽ - và không chỉ giữa cách tả và cách hữu, cấp tiến và bảo thủ, cổ truyền và hiện đại. Nó có những quyền lợi khác nhau của giới tinh hoa và giới kinh doanh, và những động lực lãnh đạo khác nhau tuỳ theo việc ta nhìn vào đảng ở cấp trung ương hay cấp tỉnh. Ví dụ những nhân vật lãnh đạo Đảng Cộng sản tại khu vực trung tâm như Hồ
Nam , cũng có những quyền hạn không kém như những chỉ thị từ Bắc Kinh. 


Vào những thời điểm tốt đẹp nhất, rất khó để áp đặt sự đồng thuận đối với một cơ chế gồm 78 nghìn thành viên, với vô số tầng lớp và quyền lợi để thoả mãn. Nhưng khi có một thay đổi quan trọng tại tầng chóp bu, mọi thứ càng trở nên mong manh hơn, đặc biệt trên phương diện thực tế khi quá trình này chưa bao giờ được thử nghiệm trước đây. Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, những người đứng đầu để thay thế Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo trong năm 2012 sẽ phải thực sự chứng tỏ tính chính danh của mình trước công chúng và bên trong đảng ra sao thì vẫn chưa rõ. Các nhà phân tích và quan sát đã cố gắng tìm hiểu những đầu mối về việc ai sẽ nắm vị trí nào. Nhưng thực tế là chỉ còn hai năm nữa, quá ít ứng cử viên vượt trội rõ rệt để điền vào bảy vị trí trong Bộ Chính trị là điều đáng lo ngại. Việc này càng kéo dài thì càng gây thêm nhiều khó khăn. Viễn cảnh về việc những nhân vật này sẽ đơn giản bước ra sau bức màn đỏ vào mùa thu năm 2012 mà không hề có sự chuẩn bị nào để tiến thẳng vào Bộ Chính trị thì thật là lố bịch. 


Điều này có nghĩa là trong một hệ thống độc đảng khoá kín, trên thực tế chúng ta đang bước vào một thể loại bầu cử kỳ lạ nhất. Với một trăm biểu hiện và dấu hiệu nhỏ, những ứng cử viên cụ thể, từ bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai đến đương kim Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn, từ bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương đến Trưởng ban Tổ chức TW đầy quyền thế Lý Nguyên Triều, đều đang đánh dấu lãnh thổ của mình. Tỏ vẻ cứng rắn hơn đối với "sự xâm lấn và can thiệp của nước ngoài" có thể là một "bục bầu cử" tốt để đứng - bỏ qua những nhà quan sát nước ngoài chẳng có tí manh mối nào về tại sao và từ đâu thình lình họ lại có thái độ giận dữ và cương quyết như thế. 


Trong vô số những điều chúng ta không biết được về việc ai sẽ là những lãnh đạo sắp tới của Trung Quốc, có vài điều chúng ta có thể chắc chắn được. Cho dù những lãnh đạo này là ai, họ sẽ không phải là những nhà kỹ trị như thế hệ trước. Sẽ có những nhà khoa học chính trị, kinh tế gia và luật sư điều khiển Trung Quốc đi vào tương lai - rất giống như của phương Tây. Thời đại của những kỹ sư và nhà địa chất đang kết thúc. 


Những lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ không có những liên hệ rõ ràng và ngay lập tức với quân đội. Không có ai trong những ứng cử viên chắc chắn của hệ thống lãnh đạo sau 2012 từng phục vụ hoặc chỉ huy quân đội. Nhưng điều đáng ngại nhất, bởi vì tuổi tác của họ (khoảng 50 trở đi), toàn bộ họ là những người được nuôi nấng và đào tạo trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá 1966-1976, giai đoạn bưng bít, bài ngoại nhất trong lịch sử hậu 1949 của Trung Quốc. Không ai trong họ từng được du học trong bất cứ thời gian nào, và họ đều bị giới hạn về kinh nghiệm quốc tế. 


Một dấu hiệu tốt đẹp hơn nhiều đó là những cố vấn chủ chốt của họ và những người mà họ đang chăm bón trong 5 đến 10 năm sau 2012 để nắm quyền ở Trung Quốc sẽ là những người thuộc thế hệ được đào tạo từ phương Tây với số lượng rất lớn. Họ sẽ là những người tinh hoa lãnh đạo tài năng nhất, có học vấn nhất so với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. 


Nhưng giai đoạn từ nay đến năm 2012 sẽ trông đợi những khoảnh khắc không dễ chịu và một số bất ngờ. Đảng Cộng sản không thể cho phép việc chuyển hoán lãnh đạo trở thành một trận chiến không khoan nhượng để nắm lấy quyền lực. Nhưng trên quan điểm thế cuộc, cũng không ngạc nhiên mấy khi những cá nhân và tập thể mà họ liên quan đến bắt đầu đối chọi nhau. Chúng ta chỉ hy vọng rằng hệ thống hiện hành có thể chịu đựng được căng thẳng này và vào mùa Thu này đưa ra một kết quả có thể chấp nhận được, mang tính bền vững, và đặc biệt là có thể hoạt động trước những thử thách rất lớn trong nước mà Trung Quốc đang phải đối diện trong những năm sắp đến./.

 

 Nguồn: Foreign Policy; TTXVN