Bìa cuốn sách


"Đang có một tranh luận sôi nổi bên trong nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về những mục đích chiến lược đúng đắn của quốc gia. Nhiều học giả và giới lãnh đạo đang hỏi rằng Trung Quốc có thể làm cách nào để chuyển hóa sức mạnh kinh tế vừa có được của mình để tạo ra một ảnh hưởng văn hóa và chính trị lâu dài trên toàn thế giới. Câu hỏi cốt yếu mà họ tìm cách trả lời là: "Trung Quốc sẽ sắp xếp trật tự thế giới (hậu phương Tây) ra sao?" 


Quan điểm chính thức của Bắc Kinh - lần đầu tiên được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đưa ra tại Liên Hợp Quốc vào tháng Chín năm 2005 – cho rằng Trung Quốc đang được định hướng theo quan điểm "Hài hòa Thế giới". Nhưng hai quan điểm khác về vị thế của Trung Quốc trên sân chơi thế giới cũng đang tăng dần ảnh hưởng bên cạnh quan điểm trên: một cái nhìn không chính thức về một xã hội thiên đường hạ giới theo phong cách Trung Hoa, và một quan điểm gần như chính thức về việc Trung Quốc phải cạnh tranh ra sao để trở thành "quyền lực số một" của thế giới. Bài viết này sẽ phân tích những quan điểm khác nhau về đại chiến lược của Trung Quốc trong một thế giới hậu phương Tây, và đưa ra đề xuất ngắn về phản ứng tốt nhất mà các cường quốc phương Tây nên có để đối phó.

 
Chính sách chính thức: "xây dựng một thế giới hài hòa" 


Khái niệm về trật tự thế giới nằm trong quan điểm "hài hòa thế giới" là một sự vươn xa ra khu vực đối ngoại từ chính sách đối nội tương đương của Hồ Cẩm Đào, "xã hội hài hòa". Thật vậy, các quan chức và học giả Trung Quốc thường xuyên tuyên bố về một "xã hội hài hòa" - mà mục đích chính thức của họ là sử dụng quyền lực của nhà nước để "xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo và giảm thiểu căng thẳng xã hội đang tăng cao" - để trở thành "khuôn mẫu của thế giới". Theo lập luận này, những cây bút ở Trung Quốc giải thích rằng "xây dựng một thế giới hài hòa" là một con đường mới tốt đẹp hơn để đạt được sự "hoà bình và thịnh vượng chung một cách lâu bền", cho phép những nền văn minh khác nhau cùng tồn tại trong cộng đồng thế giới. 


Trên thực tế, quan điểm chính thức về hài hòa thế giới không có chi tiết cụ thể. Chính quyền Bắc Kinh có khuynh hướng giải thích chính sách này bằng những khái niệm mơ hồ sáo rỗng, khó mà xác định được rằng liệu tư tưởng về một quốc gia hùng mạnh cần thiết để xây dựng một "xã hội hài hòa" thì cũng cần thiết phải có để xây dựng một "thế giới hài hòa" hay không? Những thành phần khác thì thẳng thừng hơn; tờ “Văn hối” ở Hồng Công đã gọi Bắc Kinh là "'kẻ khởi xướng, tham gia và bảo vệ trật tự thế giới,' với mục đích đẩy cả thế giới vào tình trạng hài hòa". 


Sự mơ hồ trong khái niệm hài hòa thế giới này đã tạo ra khoảng trống rất lớn để hiểu về nó theo nhiều cách, trong đó "thế giới hài hòa" được hiểu như một khát vọng tương đối vô hại hoặc một tham vọng tiềm ẩn nhiều bất trắc trong việc "tạo ra sự hài hòa cho thế giới”. Khoảng trống tri thức nằm tại trọng tâm của khái niệm chiến lược này cũng tạo ra khoảng trống cho những quan điểm khác nhau về vai trò của Trung Quốc trong việc sắp xếp lại trật tự của thế giới hậu phương Tây.

 
 Một xã hội thế giới lý tưởng: Hệ thống Thiên hạ của Triệu Đinh Dương 


Một nhóm các nhà lý luận xuất hiện trong thập niên vừa qua cho rằng "thế kỷ Trung Hoa" cần được hiểu trên quan niệm riêng biệt của người Trung Quốc. Hệ thống Thiên hạ: Triết lý về một Tổ chức Thế giới (2005) của Triệu Đinh Dương đi theo chính sách kinh tế "toàn cầu" của Bắc Kinh và giải thích rằng văn hóa của Trung Quốc cũng phải được "toàn cầu hóa". Nếu Trung Quốc trở thành một cường quốc trên thế giới, nó cần phải "tạo ra những khái niệm thế giới cũng như cơ cấu thế giới mới" để tận dụng "nguồn tư tưởng truyền thống của chính mình”. 

Trong trọng điểm của đề xuất mà ông đưa ra, Triệu - người đang làm việc tại học viện cố vấn lớn nhất của Trung Quốc (CASS) - đã triển khai khái niệm truyền thống về Thiên hạ trong đó miêu tả một hình thức của một thế giới vị tha và đồng thuận về địa lý, tâm lý và tổ chức. Triệu lập luận rằng nếu giải thích theo khái niệm này thì Trung Quốc được xem như một quốc gia mang bản chất hòa bình, trật tự và hào phóng, và trật tự thế giới của Trung Quốc cũng sẽ mang cùng những tính chất này, tương phản với sự bá quyền của phương Tây, thường dẫn đến bạo lực, hỗn loạn và áp bức trên toàn thế giới. Việt thiết lập một Hệ thống Thiên hạ đoàn kết sẽ tạo ra một hệ thống toàn cầu trong đó trật tự được đặt lên trên quyền tự do, đạo đức lên trên pháp luật, và sự lãnh đạo tinh tuyển lên trên dân chủ và nhân quyền. 


Quan điểm chính thức của Trung Quốc về "thế giới hài hòa" chia thế giới thành những nền văn minh được lãnh đạo bởi những quyền lực lớn với những hệ thống xã hội khác nhau; trong khía cạnh này, sẽ xuất hiện mối tương quan của một thế giới đa cực. Ngược lại, Hệ thống Thiên hạ đoàn kết của Triệu không cho phép sự cùng tồn tại của những quan điểm khác biệt; nó vạch ra một thiên đường tưởng tượng cho một tương lai xa và kêu gọi Trung Quốc tăng cường vận động việc "tạo ra sự hài hòa cho thế giới" trong những chính sách đối ngoại của mình. Trở ngại chính của Hệ thống Thiên hạ là nó đã không giải thích bằng cách nào để chuyển đổi từ một hiện tại bất ổn và thường xuyên bạo lực sang một tương lai hài hòa. 


Đối thủ chiến lược: Giấc mơ Trung Quốc của Lưu Minh Phúc: 


Cuốn sách “Giấc mơ Trung Quốc”: Tư tưởng Cường quốc và Vị trí Chiến lược của Trung Quốc trong Thời đại Hậu Mỹ (2010) của Lưu Minh Phúc đưa ra một cái nhìn khác về trật tự thế giới trong tương lai. Lưu - người đang giảng dạy tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc - đã bác bỏ những chính sách của Bắc Kinh về trỗi dậy hòa bình và "thế giới hài hòa" bằng lập luận rằng để hỗ trợ cho sự lớn mạnh về kinh tế của mình, Trung Quốc cần theo đuổi việc "trỗi dậy bằng quân sự" để có thể đối đầu với sự bành trướng của Mỹ. Một "quốc gia hoàn toàn kinh tế" (như Nhật Bản) thì được xem như một con cừu béo bở ngoài chợ bị các cường quốc quân sự săn đuổi, Lưu tuyên bố; một cường quốc chính trực phải biết chuyển hóa sức mạnh kinh tế sang quyền lực quân sự để trở thành số một trên thế giới. 


Cuốn sách xem nền chính trị thế giới như một cuộc thi tài Thế Vận Hội giữa các nền văn minh do các cường quốc đại diện. Lưu kêu gọi Trung Quốc lợi dụng "thời điểm về cơ hội chiến lược" hiện tại để vượt qua sức mạnh của Mỹ, và từ đó "chạy đến đích" để trở thành một "nhà vô địch" thế giới; tức là "số một thế giới”. 


Cách hiểu về chính trị thế giới của “Giấc mơ Trung Quốc” vì thế đã khác biệt so với cả quan điểm chính thức hài hòa thế giới của Bắc Kinh lẫn hệ thống Thiên hạ của Triệu Đinh Dương. Thay vì "xây dựng một xã hội hài hòa", Lưu Minh Phúc lại muốn chú tâm vào cuộc đấu tranh địa lý vĩ đại, trong đó sự cạnh tranh giữa các quốc gia được xem là tự nhiên và tốt; thay vì vượt qua một hệ thống quốc tế mang trọng tâm quốc gia để xây dựng một trật tự thế giới Thiên hạ đoàn kết, Lưu lại xem các quan hệ quốc tế trong phạm vi nhỏ hẹp của "quan hệ Trung Quốc - Mỹ"; thay vì những giải pháp hai bên cùng có lợi do hai chủ thuyết trên đưa ra, “Giấc mơ Trung Quốc” xem quan hệ quốc tế là một trò chơi được ăn cả ngã về không. "Nếu Trung Quốc trong thế kỷ 21 không thể trở thành số một của thế giới, không thể trở thành cường quốc lớn nhất hoàn cầu, thì chắc chắn nó sẽ trở thành một kẻ tụt hậu và bị gạt sang một bên”. 


Trong khi Hệ thống Thiên hạ của Triệu Đinh Dương không vạch ra được một phương hướng rõ rệt để đi đến một thế giới hài hòa mà ông mường tượng, “Giấc mơ Trung Quốc” của Lưu Minh Phúc cũng chẳng vạch ra được rõ ràng việc Trung Quốc cần phải làm một khi họ trở một quốc gia vô địch. Nhưng cuốn sách của Lưu cũng rất hấp dẫn vì nó đã hé lộ những quan điểm căng thẳng và mâu thuẫn xảy ra trong quá trình trỗi dậy của Trung Quốc. Ngay cả khi chỉ rõ mục tiêu của Trung Quốc trước khi trở thành vị thế tối cao trên thế giới, Lưu đã xoay trở giữa hai vị trí: một "tâm lý đuổi kịp" buộc sự đi lên của Trung Quốc trong hệ thống pháp lý, qui luật và cơ chế hiện tại của quốc tế, và xem mục tiêu của Trung Quốc là để "qua mặt" Mỹ; và một "tâm lý thời đại mới" nhấn mạnh tính khác biệt của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh địa lý giữa những kiểu mẫu văn minh (và chủng tộc) khác nhau, và vì thế đã thách thức những qui luật hiện tại. 


Hướng đi toàn cầu của Trung Quốc 


Nhiều bài viết chính thức và không chính thức của Trung Quốc cho thấy một ấn tượng rằng chiến thắng của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu là điều bảo đảm, nếu không gọi là tất yếu. Trên thực tế, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ không đuổi kịp được Mỹ về kinh tế, chính trị, văn hóa lẫn quân sự trong vòng vài thập niên tới. Nhưng gián đoạn giữa những dự định vĩ đại và khả năng trung bình, bản thân nó có thể sẽ dẫn đến mâu thuẫn, đối với Bắc Kinh là việc họ đang hứa hẹn quá chắc chắn với người dân của mình những gì họ không thể đạt được trong phạm vi quyền lực và ảnh hưởng trên toàn cầu.

 
"Khoảng cách tuyên truyền" này chắc chắn sẽ làm tăng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trong vài năm tới - chưa kể là sắp tới Bắc Kinh sẽ chuyển quyền lãnh đạo sang "thế hệ thứ năm", sẽ nắm lấy quyền lực vào năm 2012 sau khi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo về hưu. Điều này chắc chắn sẽ kéo theo việc xuất hiện những chủ trương dân tuý. Thật vậy, chiến lược gia nổi tiếng Diêm Học Thông vừa qua đã phê phán hiện tượng suy giảm về quan hệ quốc tế trên quan điểm dân tuý bên ngoài hệ thống nghiên cứu an ninh. Nhiều nhà chiến lược dân tuý ở Trung Quốc xem chính trị quốc tế như một trò chơi được ăn cả ngã về không đầy thù địch, một cuộc đấu tranh đối cực vĩ đại giữa các nền văn minh. 

Những quan điểm của Lưu Minh Phúc và Triệu Đinh Dương rất thú vị và đầy ảnh hưởng, một phần vì họ là những người ở bên ngoài đưa ra chiều hướng rõ rệt trong đó những chính sách mơ hồ của chính quyền (ví dụ như "thế giới hài hòa") được đặt ra, thi hành, bảo vệ - và bị khước từ. Ở đây có ba hướng đi được quan tâm - hài hòa thế giới, hệ thống Thiên hạ và "số một thế giới" – đó không phải là những quan điểm duy nhất trong việc vạch ra chiến lược vĩ đại cho Trung Quốc trong một thế giới hậu phương Tây. Nhưng khi được gộp chung, chúng lại cho thấy rằng phương pháp tốt nhất để đối phó với cuộc tranh luận đang xảy ra tại Trung Quốc là bằng ngôn từ và hành động mang hệ quả tích cực và đa phương, tiếp xúc với Trung Quốc trên nhiều mức độ, cả trong phạm vi chính thức lẫn không chính thức. Trong khái niệm này, vấn đề chính không phải là đối phó như thế nào với sự trỗi dậy đa dạng của Trung Quốc, mà là tìm cách giới hạn những trở ngại trên con đường phát triển của Trung Quốc để chúng không tạo ra những phản ứng của tinh thần quốc gia cực đoan"./.