Bài 1: "The fourth modernisation" (The Economist)


Tạp chí Nhà Kinh tế (Anh) số ra đầu tháng 12/2010 đăng tải "Báo cáo đặc biệt về vị trí của Trung Quốc trên trường quốc tế", trong đó có bài viết tựa đề "The fourth modernisation". Bài viết cho rằng Trung Quốc đang trở thành một lực lượng quân sự cần phải để mắt tới ở khu vực Tây Thái Bình Dương và đặt ra câu hỏi Mỹ nên phản ứng như thế nào? Dưới đây là nội dung bài viết.


35 năm trước Đặng Tiểu Bình đã lên án Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) về tội "phô trương, vô kỷ luật, kiêu ngạo, ngông cuồng và trì trệ". Tuy thế, 3 năm sau, khi ông bắt đầu công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc, ông cũng ưu tiên hiện đại hóa PLA nhưng đặt ở vị trí ưu tiên cuối cùng, sau nông nghiệp, công nghiệp và khoa học. Vào năm 1982, khi vị tư lệnh hải quân đưa ra kế hoạch biến Trung Quốc thành một cường quốc trên biển, ông cũng không kỳ vọng mục tiêu của mình sẽ trở thành hiện thực trước năm 2040.


Về sau việc hiện đại hóa quân đội đã trở thành một ưu tiên hơn, nhờ đến 2 lần Mỹ phô trương sức mạnh hỏa lực. Lần đầu, việc Mỹ đã dùng những vũ khí có độ chính xác cao trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất đã thuyết phục Trung Quốc rằng khả năng phòng thủ không thể chỉ dựa trên số lượng. Lần thứ hai, khi PLA đang uy hiếp Đài Loan sau vụ bắn thử tên lửa vào năm 1996, Tổng thống Bill Clinton đã ra lệnh đưa hai nhóm tàu sân bay tấn công vào khu vực, dẫn đầu một trong hai nhóm này là chiến hạm mang tên đầy kích động USS Independence. Trung Quốc đã phải rút lui.


Việc Liên Xô sụp đổ đã thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng một cuộc chạy đua vũ trang với siêu cường duy nhất của thế giới sẽ có thể tiêu phí nhiều tiền bạc, đủ để tạo ra nguy hiểm đối với sự nắm quyền của đảng. Thách thức trực diện với Mỹ thì không hợp lý lắm. Thay vì thế Trung Quốc đã dồn nỗ lực vào việc phát triển những loại vũ khí "bất đối xứng" mà nước này có thể thực hiện được bằng nguồn tài chính của mình.


Chiến lược không chính thống này đã khiến cho việc đánh giá mức tiến triển của PLA trở nên khó khăn hơn. Quan điểm của phương Tây bị chia rẽ sâu sắc. Các nhà phân tích quân sự đang bị cảnh báo bởi cái mà họ cho là mối đe dọa ngày càng tăng đối với vị trí thống lĩnh về hải quân của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Các chuyên gia an ninh Trung Quốc có xu hướng xem thường những tin đồn gây hoảng hốt trên. Vậy thì ai đúng?


Có ba lĩnh vực nổi bật trong quá trình hiện đại hoá của PLA. Trước hết, Trung Quốc đã tạo ra cái mà Lầu Năm Góc gọi là "chương trình tên lửa đạn đạo và hành trình đặt trên mặt đất tích cực nhất thế giới". Lực lượng pháo binh 2 có khoảng 1.100 tên lửa tầm ngắn hướng về Đài Loan và đã đang mở rộng tầm bắn, tăng cường độ chính xác và trọng tải. Lực lượng pháo binh 2 cũng đang phát triển dàn tên lửa đạn đạo tầm trung, có thể mang được đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân. PLA cũng đã triển khai hàng trăm tên lửa hành trình tầm xa phóng từ mặt đất và từ không trung. Và Trung Quốc cũng đang phát triển loại tên lửa đạn đạo chống tàu chiến đầu tiên trên thế giới.


Thứ hai, Trung Quốc đã chuyển hoá và mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình, hiện đang neo đậu tại căn cứ vừa hoàn tất trên đảo Hải Nam nằm ở bờ biển phía Nam Trung Quốc. Trong thời gian 8 năm trước năm 2002, Trung Quốc đã mua từ Nga 12 chiếc tàu ngầm lớp Kilo, một bước tiến lớn so với những tàu ngầm tự chế lớp Minh và Romeo gây nhiều tiếng ồn. Kể từ đó Hải quân Trung Quốc đã có những chủng loại tàu ngầm tầm xa và êm hơn do chính Trung Quốc thiết kế, bao gồm tàu ngầm lớp Tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân và mang các tên lửa đạn đạo, và tàu ngầm lớp Thương, một loại tàu tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc có khoảng 66 tàu ngầm so với 71 chiếc của Mỹ, và tàu của Mỹ tối tân hơn. Theo Viện nghiên cứu Kokoda Foundation của Ôxtrâylia, tới năm 2030 Trung Quốc có thể sẽ có từ 85-100 tàu ngầm.


Thứ ba, Trung Quốc đã tập trung vào cái mà họ gọi là "thông tin hoá", một khái niệm do Giang Trạch Dân đặt ra vào năm 2002 để diễn tả việc PLA cần phải hoạt động như một lực lượng thống nhất, sử dụng các hệ thống cảm ứng, thông tin, chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng. Trung Quốc hiện có khả năng biết được những gì xảy ra từ xa đối với Thái Bình Dương nhờ triển khai hàng loạt vệ tinh, rađa tầm xa, rađa thu sóng tầm trung, máy bay do thám và dàn cảm ứng dưới nước.


Trung Quốc cũng đang phát triển các loại vũ khí chống vệ tinh. Các vệ tinh của Mỹ đã bị "loá mắt" vì những tia lade bắn từ mặt đất. Và năm 2007 một tên lửa đạn đạo phóng từ Trung tâm Vũ trụ Tây Xương ở Tứ Xuyên đã làm nổ tung một vệ tinh theo dõi thời tiết - một thành tựu vượt bậc, dù những quốc gia khác đã nổi giận vì việc này tạo ra hơn 35 nghìn mảnh rác mới trong vũ trụ.


Giới tin tặc Trung Quốc cũng đang rất bận rộn. Vào tháng 3/2009, các nhà nghiên cứu Canađa đã phát hiện ra một mạng lưới gián điệp gồm hơn 1.300 máy tính, đa phần từ Trung Quốc, đã đột nhập vào hệ thống của các chính phủ. Theo Công ty Quốc phòng Mỹ Northrop Grumman, các mục tiêu tại Đài Loan và phương Tây đã từng phải gánh chịu các cuộc tấn công mạng mạnh mẽ từ Trung Quốc, ít nhất là 35 lần trong thập niên trước năm 2009. Lầu Năm Góc thừa nhận rằng họ không chắc là PLA đứng sau những cuộc tấn công này, nhưng cho rằng những nhà phân tích có "quyền lực" trong PLA đã nhận thấy chiến tranh mạng là quan trọng.

 

* Kho vũ khí mới

 


Điều này sẽ dẫn đến việc gì? Các chuyên gia quân sự ở Mỹ, Ôxtrâylia và Nhật Bản cho rằng kho vũ khí mới của Trung Quốc là một mối đe dọa lớn hơn cả các kế hoạch có tầm quan trọng như hoàn tất các tàu sân bay trong khoảng một thập niên tới chẳng hạn. Chuyên gia Alan Dupont thuộc Đại học Sydney ở Ôxtrâylia cho rằng "tên lửa và vũ khí mạng tương đương đang trở thành loại vũ khí được ưa chuộng cho những ai không có sức mạnh từ vũ khí thông thường."


Theo Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA), một viện nghiên cứu Mỹ, thì hoả lực của Trung Quốc đang đe dọa các căn cứ của Mỹ tại châu Á, vốn cho đến nay vẫn được bình yên ngoại trừ việc bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Các tên lửa của Lực lượng pháo binh 2 có thể hủy hoại toàn bộ các hệ thống phòng thủ của các căn cứ và phá huỷ đường băng cũng như nhiều máy bay chiến đấu và chiến hạm. Nhật Bản hiện đã nằm trong tầm tên lửa của Trung Quốc. Tất nhiên, đa số tên lửa của Trung Quốc hiện đang hướng về Đài Loan. Đảo Guam cũng sẽ sớm lọt vào tầm bắn.(H.1)

 

Tên lửa của Trung Quốc hiện đang hướng về Đài Loan. Đảo Guam cũng sẽ sớm lọt vào tầm bắn

Các tàu ngầm, tên lửa và tên lửa hành trình chống tàu chiến của Trung Quốc đang đe dọa các hạm đội hàng không mẫu hạm của Mỹ trong vòng 1.000 đến 1.600 hải lý ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Theo Ross Babbage, một nhà phân tích quốc phòng và người sáng lập Kokoda Foundation, nếu Trung Quốc có được một tên lửa đạn đạo chống tàu chiến, tấn công nhanh và không đưa ra cảnh báo thì sẽ càng khó khăn hơn để phòng chống. Và các vũ khí không gian và mạng của Trung Quốc có thể được sử dụng như các nhà lập kế hoạch Trung Quốc gọi là "cây chùy sát thủ" trong một cuộc tấn công bất ngờ được thiết kế để đập tan hệ thống điện tử phức tạp nhưng mỏng manh của Mỹ. Việc này sẽ khiến cho các lực lượng của Mỹ bị "mù" và "điếc" phân nửa, và các căn cứ cũng như các hàng không mẫu hạm của họ dễ bị tổn thương.


Tóm lại, các khả năng tấn công của Trung Quốc đã vượt quá việc nỗ lực ngăn cản sự can dự của Mỹ trong những tranh chấp tương lai giữa Lục địa và Đài Loan. Hiện nay Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh từ vùng duyên hải ra xa hơn giới hạn 19 km mà người Mỹ từng có thể triển khai một cách nhanh chóng. Ông Okamoto, chuyên gia an ninh của Nhật Bản cho rằng chiến lược của Trung Quốc là có "toàn quyền kiểm soát" cái mà các nhà hoạch định gọi là Chuỗi đảo thứ nhất. Rốt cuộc thì Trung Quốc dường như muốn ngăn chặn hạm đội Mỹ để các hạm đội này không thể bảo đảm được các lợi ích của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương.


Các quan chức cao cấp nhất của Mỹ đã lưu ý điều này. Năm ngoái Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã đưa ra cảnh báo rằng "những đầu tư (từ các quốc gia như Trung Quốc) vào chiến tranh mạng và vệ tinh, các loại vũ khí đối không và chống chiến hạm và tên lửa đạn đạo có thể đe dọa con đường chủ lực của Mỹ trong việc biểu dương sức mạnh và giúp đỡ đồng minh trong vùng Thái Bình Dương - đặc biệt là đối với những căn cứ tiền tuyến và các hạm đội tàu sân bay của Mỹ."


Ông Babbage thì thẳng thừng hơn: "Kế hoạch phòng ngự hiện tại là vô giá trị". Ông và những nhà phân tích khác tại CSBA cho rằng Mỹ cần xem lại chiến lược của mình trong khu vực Thái Bình Dương. Họ cần tăng cường các căn cứ và phải có thể ngăn chặn những cuộc tấn công của Trung Quốc bằng cách nghi trang cũng như triển khai thêm máy bay và tàu chiến trong khu vực. Các lực lượng Mỹ phải có hệ thống hậu cần tốt hơn và phải có khả năng chiến đấu trong điều kiện mạng lưới thông tin bị tê liệt. Điều tối trọng là họ phải có khả năng ngăn chặn khả năng do thám điện tử, theo dõi và khả năng nhận định tổn thất giao chiến của Trung Quốc, một số phương tiện này được bảo vệ bởi một hệ thống đường hầm mà vũ khí của Mỹ không dễ gì vươn tới.


* Thái Bình Dương chỉ trên danh nghĩa


Các nhà chỉ trích nói rằng các chiến binh của Chiến tranh Lạnh đang bị mắc chứng "mất địch thủ". Trước tiên, cảm nhận rằng chi phí quốc phòng Trung Quốc đang tăng vọt là không đúng. Ngân sách của PLA đã tăng theo tỷ lệ GDP trong thập niên qua, sau hai thập niên mà tỷ lệ phần trăm của nó trong số GDP giảm (H.2). Các chuyên gia có nhận định khác nhau về ngân sách quốc phòng Trung Quốc, vốn chỉ được tiết lộ một phần. Sam Perlo-Freeman thuộc Viện Nghiên cứu Hoà bình Thế giới Stockholm cho rằng tổng chi phí quân sự của Trung Quốc năm 2009 ở khoảng 99 tỷ USD, mặc dù có những dự đoán cao hơn và tổng số chính thức được Trung Quốc công bố là chỉ 70 tỷ USD. Trong khi đó Mỹ dự kiến sẽ chi 663 tỷ USD. Theo tỷ lệ phần trăm GDP, Trung Quốc chi phí ít hơn phân nửa con số của Mỹ và ít hơn cả bản thân họ chi tiêu vào thời gian đầu của giai đoạn những năm 1990. Ông Perlo-Freeman nhận định: "Không có nhiều bằng chứng về chạy đua vũ trang".

 

Ngân sách của PLA đã tăng theo tỷ lệ GDP trong thập niên qua, sau hai thập niên mà tỷ lệ phần trăm của nó trong số GDP giảm


Một số người khác nghi ngờ về chất lượng của vũ khí Trung Quốc. Một đô đốc Mỹ đã về hưu nói rằng đa số những vũ khí quốc gia này mua từ Nga là đồ "phế thải". Dù đã có nhiều tiến triển, Trung Quốc vẫn thiếu hệ thống dẫn đường và kiểm soát, các động cơ tuốc bin, dụng cụ bằng máy, các phương tiện chẩn đoán và phân tích cũng như bộ phật thiết kế và sản xuất được hỗ trợ bởi vi tính. "Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể" Giáo sư Dupont nói, "nhưng quá trình hiện đại hoá quân sự trở nên khó khăn hơn từ đây."


Một số người cũng nghi ngờ về nguồn nhân lực của Trung Quốc. PLA đã trở nên chuyên nghiệp hơn nhiều so với thời kỳ còn là một đội quân nông dân, nhưng họ lại thiếu kinh nghiệm. Nigel Inkster thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhớ lại một trong những người sáng lập ngành hải quân Trung Quốc từng nói với ông rằng: "Không phải là tôi không biết nhiều về việc đi biển, chỉ là tôi chưa bao giờ được thấy biển."


Những vấn đề phức tạp như chiến tranh tàu ngầm thì cần nhiều năm mới học được. Christian Le Mière thuộc IISS nói: "Nếu bạn chiến đấu, sẽ có những lổ hổng. Và cho đến khi bạn thật sự lâm trận, bạn sẽ không biết chúng là gì." Viên đô đốc về hưu nghĩ rằng quân đội Trung Quốc đang gánh chịu tình trạng thiếu lòng tin, điều có thể cản trở họ trên chiến trường. Ông nói "Chúng tôi trao cho binh sĩ của mình trách nhiệm và sự chủ động. Điều ấy trở thành lời nguyền của họ."


Robert Ross, một giáo sư tại Harvard cho rằng những kẻ bi quan đã đánh giá cao mối đe dọa của Trung Quốc và đánh giá thấp sức mạnh của Mỹ. Mỹ theo dõi tàu ngầm của đối phương dễ dàng hơn, chiếm thế thượng phong trong chiến tranh mạng và ít bị đe dọa hơn so với Trung Quốc trên không gian. Trung Quốc sẽ phải vất vả để thâm nhập hệ thống đối phó và ngụy trang điện tử được dùng để bảo vệ các chiến hạm của Mỹ. Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia lưu ý rằng Mỹ đã huy động 31 trong số 53 tàu ngầm tấn công nhanh và ba tàu ngầm lớp Ohio chạy bằng năng lượng hạt nhân đến khu vực Thái Bình Dương.


Với những điều không chắc chắn trong cuộc tranh luận này, có ba điều không cần tranh cãi. Thứ nhất, Trung Quốc đã khiến cho các tàu chiến Mỹ nghĩ đến việc họ phải làm gì và khi nào họ tiếp cận bờ biển Trung Quốc. Các tàu chiến Mỹ càng đến gần thì càng phải đối diện nhiều hơn với các tên lửa và tàu ngầm và ít thời gian hơn để ứng phó với một cuộc tấn công. Những ai vận hành một hàng không mẫu hạm trị giá từ 15 - 20 tỷ USD với 6.000 thủy thủ sẽ phải suy nghĩ kỹ về việc mạo hiểm thêm. Để phủ nhận khả năng chiếm giữ mặt biển của Mỹ trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã không cần phải kiểm soát vùng bờ biển của mình mà chỉ cần có khả năng đe dọa tàu chiến của Mỹ trong khu vực. Hugh White, cựu nhân viên an ninh và quốc phòng Ôxtrâylia, đã tiên liệu rằng khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ trở thành một "khu vực hải quân không được đi lại".


Thứ hai, khả năng phô trương sức mạnh của Trung Quốc đang tiến triển dần. Những tàu ngầm, máy bay chiến đấu, tên lửa, và khả năng chiến tranh mạng và điện tử, vốn từng nghèo nàn, nay trở thành một mối đe dọa. Các vũ khí của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và quân đội của họ sẽ có thêm kinh nghiệm. Nếu nền kinh tế không bị đình trệ thì ngân sách cũng sẽ tăng lên, chắc chắn và có thể theo tỷ lệ tăng trưởng GDP. Trung Quốc có thể phô trương sức mạnh của mình tại sân sau dễ dàng hơn nhiều so với việc Mỹ phải phô trương sức mạnh của mình xuyên qua biển Thái Bình Dương. Điều đang bị đe dọa chính là cái mà ông Gates gọi là "nơi lưu trú mà hải quân chúng ta đã được hưởng trên vùng Tây Thái Bình Dương trong hầu hết sáu thập niên qua".


Thứ ba, mặc dù Mỹ có thể đáp trả lại Trung Quốc, nhưng trước hết họ phải vượt qua vài khó khăn. Chi phí quân sự của Mỹ tại châu Á đang bị đe dọa bởi việc cần thiết phải cắt giảm toàn bộ chi phí của chính phủ và bởi những ưu tiên quân sự khác như Ápganixtan. Chuyên gia Jonathan Pollack thuộc Viện Brookings chỉ ra rằng một số ý kiến, ví dụ như thay thế các tàu sân bay bằng nhiều tàu ngầm, chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ hải quân và từ những chính trị gia có cử tri bị ảnh hưởng vì việc này. Ông nói: "Đối với nhiều sĩ quan thì hình ảnh chính thức cốt lõi không phai mờ của ngành hải quân gắn liền với những hàng không mẫu hạm và những nhiệm vụ phô trương sức mạnh mà chúng thực hiện. Cắt giảm chúng sẽ là một quá trình đầy đau đớn." Trên hết, việc thay đổi này trong kế hoạch quân sự sẽ cần nhiều thập niên: Hiện nay Mỹ cần phải nghĩ đến Trung Quốc của năm 2025.


Tất cả những điều này đều hướng về một nguyên lý quan trọng. Việc hoạch định quân sự được hình thành khác với ngoại giao. Những nhà ngoại giao chỉ quan tâm đến những gì họ cho là chính phủ muốn thực hiện, nhưng các nhà hoạch định quân sự phải làm việc với những gì họ cho là chính phủ có thể thực hiện. Ý định thường thay đổi và chính phủ có thể đi sai đường lối. Nếu anh chịu trách nhiệm bảo vệ quốc gia mình, anh cần phải đối phó cả với những mối đe dọa khó xảy ra.


Lý lẽ này cũng hợp với Trung Quốc. Mỹ đã không e ngại tham gia chiến tranh trong những năm qua. Cách đây không lâu một đô đốc Trung Quốc về hưu đã so sánh hải quân Mỹ như là kẻ có tiền án "lai vãng ngoài cổng nhà người ta". Sức mạnh của Mỹ trong những năm 1990 đã làm cho Trung Quốc cảm thấy bất an, vì thế họ đã chuyển hoá PLA để củng cố chính sách của mình đối với Đài Loan và bảo vệ vùng bờ biển có vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế. Nhưng với việc tăng cường an ninh của mình, Trung Quốc cũng đã tước đi mối an ninh từ các quốc gia láng giềng và từ Mỹ. Có lẽ Trung Quốc không bao giờ có ý định sử dụng vũ khí của mình một cách hung hãn. Nhưng các nhà hoạch định quốc phòng của Mỹ không thể tin vào điều này, vì thế họ phải phản ứng.


Với cách nhìn nhận này, hai quốc gia vốn chẳng bao giờ có ý định xâm hại nhau bắt đầu xem nhau như một mối đe dọa ngày càng lớn. Nếu anh không vũ trang, anh sẽ dễ bị tấn công. Nhưng nếu anh vũ trang, anh lại đe dọa quốc gia khác. Herbert Butterfield, một sử gia người Anh gọi đây là "một tình huống rất khó xử và không thể thay đổi". Đây chính là nguyên nhân tại sao quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ trở nên xấu đi.

 


Bài 2: Bài đăng trên Tạp chí “Hải quân đương đại”, số 4/2010 phân tích về những lý do tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong thời gian qua.


Theo Tạp chí “Hải quân đương đại”, số 4/2010. Tại cuộc họp báo ngày 4/3/2010, Người phát ngôn của Kỳ họp thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) Lý Triệu Tinh cho biết: Theo báo cáo dự toán của Chính phủ đệ trình Quốc hội xem xét, dự toán ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2010 là 532,1 tỷ NDT (77,9 tỷ USD), tăng 7,5% so với năm 2009.


Những năm gần đây, dư luận truyền thông phương Tây thường làm rùm beng vấn đề ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Do nguyên nhân lịch sử, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc thường thấp hơn nhiều so với đầu tư vào kinh tế. Tuy nhiên, cùng với việc nền kinh tế quốc dân tăng trưởng với tốc độ nhanh, Chính phủ cũng tăng thêm đầu tư cho quốc phòng. Nhưng dư luận phương Tây lại lợi dụng vấn đề này, rêu rao ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng trưởng quá nhanh, luôn duy trì ở mức hai con số, đặc biệt khi Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng năm 2009 tăng 14,9% (70,2 tỷ USD), dư luận phương Tây đã thổi phồng thuyết mối đe dọa quân sự Trung Quốc. Hiện nay, nhìn lại tình hình sử dụng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2009 sẽ thấy không phải quá nhanh, mà là quá trình tăng trưởng hết sức bình thường. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc mấy năm trước tăng trưởng tương đối cao, xét ở một chừng mực nhất định được coi là sự tăng trưởng bổ sung mang tính lịch sử, là một sự bổ sung trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ cao mà không kịp thời tăng thêm chi phí quốc phòng tương ứng nên tạo sự thiếu hụt trong nhiều năm. Trong thời kỳ đầu cải cách mở cửa, quân đội Trung Quốc đã áp dụng chính sách kiềm chế, chi phí quân sự khi đó tăng trưởng ở mức thấp nhất, thậm chí tăng trưởng âm. Mức tăng chi phí quốc phòng năm 2009 lên 14,9% còn có một nguyên nhân quan trọng là các hoạt động trọng đại trong năm 2009 có liên quan đến quốc phòng tương đối nhiều, như duyệt binh kỷ niệm 60 năm thành lập nước, duyệt binh kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng Hải quân, Không quân... những hoạt động này đều phải sử dụng khoản ngân sách rất lớn. Ngoài ra, còn có sự bổ sung cho các hoạt động cứu nạn cứu hộ mà quân đội tham gia trong năm 2008. Trận động đất kinh hoàng tại Vấn Xuyên (Tứ Xuyên) và trận bão tuyết hồi đầu năm 2008, quân đội phải điều động một lực lượng lớn tham gia, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ động đất Vấn Xuyên, Trung Quốc đã phải điều động hàng trăm ngàn quân nhân và lượng lớn vật lực, tài lực tham gia công tác cứu hộ cứu nạn và kiến thiết sau thảm họa. Các hoạt động này đã phát huy vai trò là trụ cột vững chắc trong việc tìm kiếm người bị nạn, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, giúp đỡ tái thiết sau thảm họa. Chính phủ tăng chi phí quốc phòng cũng là sự bổ sung tất yếu cho các hoạt động kể trên. Vì vậy, cộng đồng quốc tế đặc biệt là một số quốc gia xung quanh không nên lo ngại vấn đề Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, chiến lược an ninh quốc phòng “phòng ngự tích cực” của Trung Quốc đã quyết định việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng cho dù ở mức nào cũng đều không cấu thành mối đe dọa đối với các quốc gia khác.


Việc tăng hay giảm chi phí quốc phòng của Trung Quốc không phải lấy phương Tây làm tham chiếu. So sánh với những năm trước, đặc biệt là năm 2009, thì mức tăng 7,5% của năm nay có sự sụt giảm rõ rệt, mà sự sụt giảm này cũng nằm trong sự điều chỉnh bình thường của Chính phủ Trung Quốc. Cùng với việc những năm gần đây Chính phủ đầu tư cho quân đội ngày càng thích hợp, thì ngân sách quốc phòng cũng được bổ sung nhất định, tuy nhiên năm nay quân đội không có các hoạt động kỷ niệm lớn như năm 2009, cho nên mức tăng chi phí quốc phòng năm 2010 giảm xuống cũng là điều hết sức bình thường. Mặc dù mấy năm gần đây dư luận truyền thông phương Tây luôn làm rùm beng vấn đề chi phí quốc phòng của Trung Quốc, nhưng mức tăng chi phí quốc phòng của Trung Quốc bất luận là tăng hay giảm đều không phải là kết quả do dư luận truyền thông phương Tây tác động, mà tất cả những điều chỉnh và thay đổi của Trung Quốc đều là quyết định dựa trên nhu cầu an ninh quốc gia và xây dựng quân đội.


Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chủ yếu dành cho việc duy trì sự vận hành bình thường của quân đội và nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, mà lực lượng quân sự có hạn hoàn toàn là nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Trung Quốc kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, thực hiện chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự. Trung Quốc có dân số đông, diện tích lãnh thổ lớn và đường bờ biển dài, những nhân tố đó đều phải đầu tư ngân sách. Tính tổng hợp tất cả các nhân tố đó, thì đầu tư chi phí quốc phòng của Trung Quốc còn tương đối thấp. Chính vì vậy, Người phát ngôn của Quốc hội và Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chính hiệp) đều đã giải thích và giới thiệu tương đối khách quan. Phó Tổng thư ký kiêm Người phát ngôn của Chính hiệp khóa XI Triệu Khải Chính đã phát biểu trước buổi khai mạc Hội nghị Chính hiệp lần thứ 3 khóa XI rằng, những năm gần đây Trung Quốc chi cho quốc phòng chiếm khoảng 1,4 - 1,5% GDP, thuộc mức trung bình trên thế giới, trong đó ngân sách dùng cho nghiên cứu khoa học và mua sắm vũ khí có khi còn chưa mua nổi một chiếc máy bay ném bom B2 của Mỹ (một chiếc máy bay ném bom B2 có giá khoảng 2,2 tỷ USD). Người phát ngôn Lý Triệu Tinh giới thiệu: việc tăng chi phí quốc phòng năm 2010 của Trung Quốc chủ yếu dùng vào việc đẩy mạnh cải cách quân sự đặc sắc Trung Quốc, nâng cao năng lực của quân đội trong việc ứng phó với các mối đe dọa về an ninh, hoàn thành đa dạng hóa các nhiệm vụ quân sự, bảo đảm các nhu cầu cải cách quân đội. Lý Triệu Tinh còn bày tỏ tán thành quan điểm của Người phát ngôn Chính hiệp Triệu Khải Chính là một phần ngân sách quốc phòng còn dùng vào việc cải thiện đời sống cho sỹ quan và quân nhân. Do đời sống của nhân dân cả nước đều được cải thiên, vì vậy đời sống của gia đình con em quân nhân cũng cần được cải thiện phù hợp. Mức tăng ngân sách năm 2010 xuất hiện xu hướng giảm, đã đánh dấu đầu tư xây dựng quốc phòng của Trung Quốc từ tăng trưởng mang tính bổ sung trước đây tiến vào giai đoạn phát triển ngày càng thuần thục, ngày càng vững chắc và ngày càng cân bằng hài hòa.


Những năm gần đây, Trung Quốc đã báo cáo tình hình phát triển quân sự trước cộng đồng quốc tế theo yêu cầu của LHQ, và theo cách làm thông thường của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cũng ngày càng tăng cường độ minh bạch về quân sự. Chính phủ Trung Quốc nhất quán chú trọng khống chế quy mô ngân sách quốc phòng, căn cứ phương châm phát triển hài hòa giữa xây dựng quốc phòng với xây dựng kinh tế, để quyết định hợp lý ngân sách quốc phòng. Những năm gần đây, chi phí quốc phòng của Trung Quốc thường chiếm khoảng 1,4 - 1,5% GDP, trong khi Mỹ chiếm hơn 4%, Anh, Pháp hơn 2%. Chính phủ Trung Quốc căn cứ Luật Dự toán và Luật Quốc phòng, không ngừng nâng cao độ minh bạch chi phí quốc phòng, dự toán ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung Quốc đều đưa vào dự thảo ngân sách Chính phủ và trình Quốc hội xem xét phê chuẩn, theo trình tự quy định, được các cấp, các bộ ngành thực hiện, đồng thời chịu sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước và bộ phận thẩm tra của quân đội. Năm 2007, Trung Quốc chính thức gia nhập Hiệp ước minh bạch chi phí quốc phòng LHQ, vì vậy mỗi năm đều phải nộp báo cáo chi phí quốc phòng lên LHQ. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn thiếp lập cơ chế Phát ngôn viên quốc phòng, khai thông trang web của Bộ Quốc phòng...


Cuối cùng Trung Quốc còn muốn làm rõ một điểm, đó là Trung Quốc thực hiện chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình là ý chí quốc gia của Trung Quốc, việc tăng ngân sách quốc phòng sẽ không cấu thành mối đe dọa đối với bất cứ quốc gia nào. Với tư cách là một trong những nước Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc là một nước lớn có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế./.

 

Châu Trân

(theo The Economist; Tạp chí “Hải quân đương đại”; TTXVN)