Các chuyên gia tranh luận tại hội thảo về Biển Đông ở CSIS.

Điểm nổi bật về các hội thảo của CSIS là sự quy tụ của các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Biển Đông đến từ Mỹ, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Singapore, Malaysia… và một số nước liên quan khác như Australia, Nhật Bản. Điều này góp phần đảm bảo sự khách quan và đa dạng trong đánh giá tình hình và uy tín chuyên môn của Hội thảo. Bên cạnh đó, hàng năm CSIS còn mời được các quan chức chính phủ và nghị sỹ Mỹ tham gia phát biểu, giúp sự kiện này phần nào trở thành một kênh truyền tải phi chính thức các quan điểm của chính giới Mỹ về vấn đề Biển Đông.

Những hệ quả ít trông chờ nhất

Đánh giá tình hình Biển Đông trong năm qua, phần lớn diễn giả đều chia sẻ nhận định rằng các hoạt động của Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu gây nên mối lo ngại và tạo nên nhiều diễn biến ở Biển Đông. Hệ quả là những điều Bắc Kinh ít trông chờ nhất đã xảy ra: Mỹ ngày càng quan tâm đến Biển Đông và có nhiều phát ngôn, hành động cứng rắn hơn, đôi lúc còn theo hướng “răn đe” Trung Quốc; các chủ thể bên ngoài khu vực như Nhật Bản, Australia, EU, G7 can dự thực chất và nêu rõ quan ngại đối với các hành xử gây phức tạp tình hình khu vực; các bên yêu sách như Philippines và Việt Nam càng thắt chặt quan hệ hợp tác hơn và ngay đến Malaysia, một nước có thái độ tương đối ôn hoà với Trung Quốc trong tranh chấp, nay cũng đã phải thay đổi lập trường.

Nổi bật và đáng lo nhất ở Biển Đông theo đánh giá của bà Bonnie Glaser, chuyên gia hàng đầu của CSIS về Trung Quốc, là hoạt động mở rộng và tôn tạo đảo của Trung Quốc. Bà Glaser nhận định Trung Quốc có ít nhất năm mục tiêu quân sự đối với việc cải tạo đảo này, bao gồm: (i) Tăng cường năng lực do thám biển; (ii) Thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên một phần hoặc toàn bộ cái mà Trung Quốc gọi là “đường lưỡi bò”; (iii) Củng cố năng lực chống tiếp cận/phong tỏa khu vực của Trung Quốc (thông qua việc xây dựng thêm các cơ sở hậu cần trên các đảo cải tạo nhằm hỗ trợ cho việc triển khai sức mạnh); (iv) Đẩy dần các bên yêu sách khác ra khỏi Trường Sa (có thể bằng cách cắt nguồn tiếp tế như đã làm trong trường hợp với Philippines); (v) Sử dụng các đảo cải tạo làm căn cứ cho tàu ngầm. Ngay cả khi sử dụng các đảo này cho mục tiêu dân sự và cho phép ngư dân nước ngoài khai thác các “dịch vụ công” như Trung Quốc vẫn thường khẳng định, bà Glaser cho rằng điều này chỉ càng giúp Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền và quyền kiểm soát hành chính của mình đối với các yêu sách ở Biển Đông mà thôi.

Bình luận xung quanh vụ kiện Philippines – Trung Quốc ở Biển Đông, ngoại trừ đại biểu Trung Quốc, hầu hết học giả đều dự đoán nhiều khả năng Tòa sẽ có thẩm quyền đối với vụ kiện và nếu có phán quyết, vụ kiện sẽ giúp tháo gỡ một số vấn đề ở Biển Đông (dù không phải tất cả) như đối tượng tranh chấp ở Trường Sa là quần đảo hay các đảo đơn lẻ, tính pháp lý của “đường lưỡi bò”, các quyền được hưởng của các thực thể ở quần đảo Trường Sa và giá trị pháp lý của các hoạt động thúc đẩy yêu sách trong khi chờ một giải pháp cuối cùng.

Lập luận kỹ lưỡng cũng bị phản bác

Đáng chú ý, diễn giả Trung Quốc phát biểu tại phiên thảo luận về các vấn đề pháp lý một cách mạnh dạn, không né tránh các vấn đề hóc búa mà giải thích trực tiếp vì sao Trung Quốc cho rằng Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague không có thẩm quyền đối với vụ kiện, cho thấy sự nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ lưỡng của Trung Quốc nói chung và các chuyên gia Trung Quốc nói riêng để đấu tranh trên mặt trận dư luận, thông tin và pháp lý. Lý giải cho hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc và quy mô khổng lồ của các hoạt động đó, ông Sienho Yee, Giáo sư Luật Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Biển và Đại dương, Đại học Vũ Hán cho rằng, Trung Quốc xem Trường Sa là một “quần đảo” và việc Trung Quốc tiến hành cải tạo là hợp pháp, không thay đổi tính chất pháp lý của “quần đảo”. Theo ông Yee, hoạt động này của Trung Quốc chỉ là các “biện pháp đáp lại” hành động của các bên khác và đã là biện pháp đáp lại nên cần phải mạnh mẽ.

Tuy nhiên, các lập luận của Trung Quốc đều bị những diễn giả khác phản bác. Giáo sư John Norton Moore, Giám đốc Trung tâm Luật và Chính sách Đại dương (Mỹ) chỉ rõ rằng Trường Sa không thể đáp ứng tiêu chuẩn quần đảo vì không đáp ứng tỷ lệ 9:1 giữa biển với đất liền của Điều 4 UNCLOS. Ông khẳng định nếu Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với vùng biển trong đường chín đoạn, yêu sách này hoàn toàn không có ý nghĩa pháp lý gì và đi ngược hoàn toàn với lợi ích cộng đồng quốc tế bởi không ai có quyền yêu sách quyền lịch sử đối với các đại dương chủ chốt như Biển Đông.

Đáp lại lời chỉ trích của đại biểu Trung Quốc cho rằng Mỹ không còn trung lập mà có xu hướng hành xử theo kiểu tỏ vẻ “anh hùng”, lạm dụng các quyền tự do hàng hải để bảo vệ các nước nhỏ, Giáo sư Moore nhấn mạnh:“Mỹ có nghĩa vụ và sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền tự do đi lại, bao gồm hàng hải và hàng không theo đúng quy định của luật quốc tế. Đây là việc Mỹ đã làm hàng thập kỷ và cũng là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế”.

“Mỹ đứng về phía luật pháp”

Được trông đợi nhiều nhất, phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel đã làm sáng tỏ nhiều điểm về quan điểm và chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Ông Russel nêu một cách rõ ràng về các lợi ích Mỹ cần bảo vệ ở khu vực và Biển Đông và nhấn mạnh vấn đề Mỹ quan tâm ở Biển Đông không phải là các đảo đá và bãi cạn hay các nguồn tài nguyên ở vùng biển này, mà chính là các luật lệ, là cách thức mà các bên đưa ra và thúc đẩy yêu sách. Khi trả lời câu hỏi của ông Ngô Sĩ Tồn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc) cho rằng Mỹ không còn duy trì lập trường trung lập như trước kia, Russel ngay lập tức khẳng định Mỹ không hề trung lập khi vấn đề có liên quan đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Mỹ không đưa ra quan điểm gì đối với các yêu sách chủ quyền nhưng sẽ mạnh mẽ đứng về phía luật pháp và bảo vệ luật pháp quốc tế.

Những phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng Russel đã không ngại đụng đến những vấn đề gai góc nhất, như lý do vì sao Mỹ lại lên tiếng phản đối hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc trong khi trước đây không hề bình luận về các hoạt động tương tự của các bên yêu sách khác. Russel cho rằng có bốn yếu tố khiến việc cải tạo của Trung Quốc trong vòng 14 tháng qua khác hẳn với các bên khác: Một là quy mô, hai là tốc độ, ba là khả năng triển khai sức mạnh quân sự và bốn là ý định. Quan điểm của Mỹ là dù cho có đắp đất cao đến đâu đi nữa thì những hoạt động này cũng không mang lại chủ quyền cho bất cứ bên nào, kể cả Trung Quốc, xét trên góc độ luật pháp quốc tế. Chính vì vậy, trong thời gian tới, để giảm nhiệt tranh chấp, tạo ra không gian thương thảo, Mỹ cho rằng các bên yêu sách cần thực hiện “ba dừng”: dừng cải tạo trên các thực thể ở Biển Đông, dừng xây dựng các cơ sở mới, dừng quân sự hoá các điểm chiếm đóng hiện tại.

Các thảo luận tại Hội thảo Biển Đông lần thứ năm của CSIS càng làm lộ rõ một nghịch lý và cũng là một tình thế lưỡng nan mà Trung Quốc đang phải đối mặt: trong khi Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh các hoạt động nhằm khẳng định và thực thi yêu sách chủ quyền của mình, thì chính những hành xử mạnh bạo, thiếu xây dựng của Trung Quốc đã khiến càng nhiều nước bên ngoài quan tâm và can thiệp hơn đến Biển Đông, dấy lên nghi ngờ trong các nước láng giềng ASEAN và đẩy các bên yêu sách đoàn kết hơn để đối phó với Trung Quốc. Đây đều là những diễn biến đi ngược lại với lợi ích, mong muốn của Bắc Kinh và càng khiến cho các kế hoạch lớn của Trung Quốc như “Một Vành đai, Một Con đường” dù hấp dẫn về mặt kinh tế cũng không làm yên lòng các nước láng giềng.

Những phản bác mà Trung Quốc vấp phải tại Hội thảo phản ánh thêm một thực tế khó thay đổi rằng tuy Trung Quốc có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu về mặt lập luận hay tăng cường viện dẫn luật pháp quốc tế theo hướng chọn lọc những gì có lợi cho mình thì họ vẫn không thể bảo vệ cho yêu sách “đường lưỡi bò” bành trướng không dựa trên luật pháp và phớt lờ lợi ích của các bên liên quan. Đây là điểm yếu “chí mạng” mà Mỹ sẽ tiếp tục khai thác để chỉ trích và lên án Trung Quốc, có thể không chỉ dừng lại ở vấn đề Biển Đông mà còn trong cách thức nước này trỗi dậy ở Châu Á.

Minh Ngọc (Theo Báo Thế giới và Việt Nam)