Vành Khăn (Tiếng Anh: Mischief Reef)[1] là một dải đá ngầm và bãi cạn nửa nổi nửa chìm mấp mé mặt nước trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở tọa độ 9o5’ Bắc, 115o38’ Đông. Dải đá ngầm này có diện tích là 48 km2, khi thủy triều xuống có vài mõm đá nhô lên mặt biển. Vành Khăn cách đảo Palawan của Phi-lip-pin 239 km (khoảng 135 hải lý), cách đảo Cam Ranh của Việt Nam là 715 km, và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc là 1110 km.[2] Đảo Vành Khăn nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và vùng thềm lục địa mà Phi-lip-pin tuyên bố từ năm 1962. Trung Quốc cũng coi dải đá ngầm này nằm trong đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. 

Xung đột Trung – Phi liên quan đến dải đá ngầm Vành Khăn bắt đầu từ năm 1995 khi Phi-lip-pin phát hiện Trung Quốc đang cho xây dựng một hệ thống trú phòng trên một hệ thống cột trụ vững chắc, chính thức khẳng định sự hiện diện thực tế của họ trên hòn đảo này. Xung đột này đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông bởi ba lý do. Thứ nhất, đây là một trong những va chạm căng thẳng nhất trong khu vực kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991. Trong bối cảnh các cường quốc khác như Mỹ và Nga triệt thoái dần lực lượng quân sự của họ ở khu vực, sự kiện trên khiến dư luận quốc tế và khu vực lo ngại về ý đồ của Trung Quốc lợi dụng khoảng trống quyền lực để xâm chiếm, mở rộng lãnh thổ, giành giật các nguồn tài nguyên để phục vụ nhu cầu tăng trưởng nóng của nước này. Thứ hai, trước khi xảy ra tranh chấp tại Vành Khăn, tuy hai nước có tranh chấp ở Scarborough, Trung Quốc không có lịch sử đối đầu quân sự với Phi-lip-pin. Trong suốt những năm 70, Phi-lip-pin theo đuổi chính sách hòa hoãn với Trung Quốc, ưu tiên phát triển quan hệ kinh tế. Chính vì thế, quan hệ Trung – Phi phát triển tương đối độc lập với quan hệ Mỹ - Phi trong suốt thập kỷ 1970 và 1980. Thứ ba, sự kiện Vành Khăn cũng là lần va chạm đầu tiên của Trung Quốc với một thành viên của tổ chức ASEAN. Trước đó, Phi-lip-pin trong những năm 1990 không phải là một nước bị cô lập như Việt Nam trong những năm 1980. Không chỉ thế, Phi-lip-pin còn có quan hệ quân sự tương đối chặt chẽ với các cường quốc Mỹ, Nhật và là thành viên sáng lập ra tổ chức ASEAN.

 

Với ý nghĩa đó, tranh chấp Vành Khăn đặt ra nhiều câu hỏi khiến các chính trị gia, các học giả phải suy nghĩ, nghiên cứu sâu hơn. Một là, sự chiếm đóng đảo Vành Khăn nằm trong toan tính chiến lược của Trung Quốc muốn biến biển Đông thành “ao nhà” hay chỉ mang tính chiến thuật để giành lợi thế trong đàm phán, hay chỉ đơn giản bắt nguồn từ quyết định nhất thời của một số sĩ quan trong quân đội Trung Quốc? Hai là, liệu Trung Quốc có sẵn sàng hợp tác cùng với Phi-lip-pin và các nước ASEAN khác để tìm kiếm một giải pháp lâu dài ở biển Đông? Ba là, Phi-lip-pin và các nước ASEAN khác có những biện pháp, công cụ gì để đối phó với Trung Quốc? Bốn là, các nước trong khu vực đã điều chỉnh chính sách ra sao, và quan hệ quốc tế ở khu vực đã vận động như thế nào trong và sau tranh chấp Vành Khăn? Với mục tiêu trả lời các câu hỏi trên, bài viết không dừng lại ở nhiệm vụ mô tả diễn tiến của lịch sử, mà còn cố gắng cung cấp những giả thuyết, những phân tích đa diện để giải mã các tiến trình hoạch định chính sách của các bên quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á liên quan đến tranh chấp ở biển Đông nói chung và Vành Khăn nói riêng trong bối cảnh những chuyển biến của cục diện địa chiến lược khu vực thập niên cuối thế kỷ 20.

 

I.                Diễn biến cơ bản của tranh chấp

 

Giữa năm 1994, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho xây dựng một hệ thống radar cảnh báo sớm ở bãi Chữ Thập và âm thầm cho xây dựng một số công trình trên dải đá ngầm Vành Khăn mà Phi-lip-pin tuyên bố chủ quyền. Không có một tuyên bố công khai nào về việc xây dựng cho đến khi một thuyền trưởng tàu đánh cá của Phi-lip-pin thông báo rằng ông ta và thủy thủ đoàn bị bắt và giam giữ bởi quân đội Trung Quốc trong vài ngày trên đảo Vành Khăn. Tháng 2/1995, các máy bay và tàu do thám của Phi-lip-pin sau đó khẳng định sự hiện hữu của các công trình do Trung Quốc xây dựng – bốn bệ đặt trên các cột trụ kiên cố và ba đến bốn boong-ke hình bát giác được trang bị các thiết bị viễn thông vệ tinh trên mỗi bệ. Tám tàu hải quân Trung Quốc được phát hiện ở khu vực xung quanh Vành Khăn.[3]

 

Manila cho rằng mục đích của các cấu trúc trên rõ ràng là để chiếm hữu lãnh thổ và thiết lập sự kiểm soát thực tế, tạo ra một sự đã rồi của Trung Quốc và tuyên bố việc xây dựng các công trình trên là “trái với luật pháp quốc tế, đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố ASEAN năm 1992 về biển Đông” mà Trung Quốc đã cam kết tôn trọng.[4] Ngày 15/2/1995, Tổng thống Ramos ra lệnh củng cố các lực lượng vũ trang của Phi-lip-pin tại khu vực bao gồm một phi đội năm máy bay chiến đấu cũ và một tàu tuần tiễu để giám sát đảo Trung Quốc chiếm giữ,[5] và các hoạt động trinh sát cũng được tăng cường. Phản ứng lại cáo buộc của Phi-lip-pin, Chen Jian, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Các cấu trúc mà Trung Quốc cho xây dựng trên dải đá ngầm để đảm bảo cho sự an toàn và mạng sống, cũng như các hoạt động của ngư dân đánh bắt trên địa bàn của quần đảo Trường Sa”. Bắc Kinh tiết lộ rằng “việc chiếm giữ đảo Vành Khăn do các cấp dưới thực hiện mà không có sự tham khảo hoặc đồng ý của chính phủ Trung Quốc”. [6]

 

Đàm phán giữa phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc và Phi-lip-pin tại Bắc Kinh trong tháng 3/1995 không đạt được kết quả do hai bên kiên quyết giữ vững lập trường. Cùng với các hoạt động ngoại giao nhằm đa phương hóa và quốc tế hóa cuộc tranh chấp, chính quyền Manila cho lực lượng hải quân bắn phá các cột mốc và công trình khác mà Trung Quốc xây dựng trên một số các bãi ngầm, đảo san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-lip-pin. Các tàu hải quân của Phi-lip-pin cũng chặn và bắt các thuyền đánh cá của Trung Quốc vi phạm vào lãnh hải của nước này.[7]

 

Tháng 4/1995, các nước ASEAN với tư cách là một nhóm đã nêu vấn đề biển Đông với Trung Quốc tại Hàng Châu. Ngày 15/5/1995, đại sứ của Trung Quốc tại Manila trao cho Tổng thống Ramos một bức thư của Chủ tịch Giang Trạch Dân đề nghị các chương trình phát triển chung như nghiên cứu, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai... Tại cuộc họp các quan chức cấp cao ASEAN nằm trong Cuộc họp thường niên ASEAN tổ chức tại Bru-nây tháng 7/1995, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham nói rằng: “Trung Quốc sẽ sẵn sàng sử dụng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 như là cơ sở cho việc đàm phán các vấn đề và rằng họ sẽ thảo luận các vấn đề với tất cả bảy nước thành viên ASEAN”.[8] Tháng 8/1995, hai bên ký kết một bộ quy tắc ứng xử gồm 8 nguyên tắc nhằm ngăn chặn những sự kiện tương tự xảy ra trong tương lai, làm cơ sở cho đàm phán về các giải pháp cụ thể, và thúc đẩy hợp tác song phương trên biển Đông.[9] Bộ quy tắc ứng xử này quy định hai bên từ bỏ việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp” và tuyên bố rằng “các tranh chấp nên được giải quyết bởi các quốc gia liên quan trực tiếp không làm phương hại đến tự do hàng hải ở biển Đông”. Trung Quốc cũng hứa sẽ tôn trọng Tuyên bố của ASEAN năm 1992, trong đó kêu gọi các bên kiềm chế các hoạt động ở Biển Đông.[10]

 

Tuy nhiên, việc ký kết bộ quy tắc ứng xử không giúp biển Đông “trời yên bể lặng”. Các cuộc đụng độ nhỏ lẻ vẫn xảy ra giữa lực lượng hải quân hai nước vào tháng 1/1996,[11] và giữa tháng 3 và tháng 6 cùng năm, chính phủ Phi-lip-pin được thông báo rằng các công trình ở đảo Vành Khăn tiếp tục được nâng cấp.[12] Tháng 4/1997, căng thẳng lại bùng phát khi 8 tàu hải quân của Trung Quốc bị phát hiện gần đảo Vành Khăn và một cấu trúc mới được xây trên một dải đá ngầm cách đảo Kota nơi Phi-lip-pin chiếm giữ sáu dặm.[13] Cùng thời gian này, hai tàu của Cục Hải Dương của Trung Quốc bị hải quân Phi-lip-pin chặn ở gần bãi cạn Scarborough (tiếng Việt: Hoàng Nham), cách phía Tây của Luzon 130 hải lý. Những chiếc tàu này mang theo thiết bị viễn thông với mục đích thực hiện một chương trình phát thanh từ bãi cạn này. Trước áp lực của tàu chiến Phi-lip-pin, hai tàu này rút lui. Trung tuần tháng 5/1997, một nhóm nghị sĩ của Phi-lip-pin thăm Scarborough và cắm quốc kỳ của Phi-lip-pin trên đó.[14]

 

Tháng 10/1998, Vành Khăn lại trở thành tâm điểm chú ý ở khu vực khi chính phủ Phi-lip-pin công bố các bức ảnh tàu thuyền của Trung Quốc đang chuyển vật liệu xây dựng lên hòn đảo này. Những bức ảnh này cũng cho thấy các công nhân Trung Quốc đang xây dựng một tòa nhà lớn ngay bên cạnh phức hợp đã được dựng lên trước đó. Manila tố cáo hành động của Trung Quốc vi phạm bộ quy tắc ứng xử năm 1995 trong khi đó Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này. Trung Quốc phản bác rằng họ đã thông báo cho đại sứ của Phi-lip-pin tại Bắc Kinh về kế hoạch “sửa chữa” và “cải tiến” các công trình trên đảo Vành Khăn.[15] Tổng thống mới của Phi-lip-pin, Joseph Estrada, nêu vấn đề này với Chủ tịch Giang Trạch Dân tại Hội nghị cấp cao APEC tại Kuala Lumpur tháng 11/1998 và hai nhà lãnh đạo đã đồng ý đưa vấn đề ra thảo luận ở cấp chuyên gia. Khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền và người đồng nhiệm Phi-lip-pin Domingo Siazon gặp nhau, họ đã đồng ý về nguyên tắc sử dụng chung các công trình xây dựng trên đảo và khai thác chung nguồn tài nguyên tại địa điểm xung đột, và một nhóm chuyên gia của hai nước sẽ gặp nhau vào tháng 1/1999 để bàn bạc chi tiết của các thỏa thuận.[16] Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán Trung Quốc bác bỏ yêu cầu của Phi-lip-pin phá bỏ các cấu trúc xây dựng, phủ nhận việc họ đã mời phía Phi-lip-pin khai thác chung các công trình trên và đồng thời yêu cầu nước này chấm dứt các chuyến bay do thám. Đàm phán gần như đổ vỡ khi Trung Quốc từ chối cam kết bằng văn bản việc không xây dựng thêm các công trình mới và miễn cưỡng đồng ý rằng các cấu trúc trên đảo Vành Khăn chỉ được sử dụng cho các mục đích dân sự. Tuy nhiên, Phi-lip-pin có lý do để nghi ngờ mục đích của các công trình này. Nguồn tin tình báo của Phi-lip-pin cho biết cuối năm 1998 và đầu năm 1999 các cấu trúc mà Trung Quốc hoàn thành gồm nhiều tầng, được trang bị súng phòng không và các phương tiện thông tin liên lạc kết nối với các vệ tinh của Trung Quốc, đủ rộng để cung cấp chỗ hạ cánh cho các máy bay trực thăng.[17]

 

Đối phó với những căng thẳng nảy sinh, Phi-lip-pin tiếp tục theo đuổi chiến lược đã thực hiện ba năm trước đó, một mặt đàm phán song phương với Trung Quốc và mặt khác tìm cách quốc tế hóa tranh chấp bằng cách vận động ASEAN, đưa vấn đề ra Liên Hợp quốc, vận động sự ủng hộ của Mỹ và Nhật Bản. Phi-lip-pin đã công khai thúc giục ASEAN ra một tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội (12/1998) yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và hợp tác để thúc đẩy hòa bình và ổn định.[18] Quá trình đàm phán song phương cuối cùng đạt đến thỏa thuận về việc tập trung vào cùng khai thác vùng biển đảo tranh chấp, bao gồm cả các cơ hội thăm dò và khai thác chung. Một nhóm chuyên gia của hai nước được chỉ định để bàn thảo về các vấn đề đánh bắt cá, các chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường.[19] Kể từ 1999 đến nay, xung đột trực tiếp giữa hai nước ở Vành Khăn đã được kiềm chế, nhưng vẫn chưa có giải pháp, thỏa hiệp cụ thể nào được đưa ra.

 

II.             Toan tính và chiến lược của các bên

 

1.     Chiến lược của Trung Quốc

 

Có nhiều quan điểm khác nhau về toan tính và chính sách của Trung Quốc ở biển Đông những năm đầu thập kỷ 1990. Hành động và toan tính của Trung Quốc phù hợp với những lý thuyết cơ bản của chủ nghĩa hiện thực. Từ khuôn khổ phân tích này, các nhà nghiên cứu nhìn nhận Trung Quốc như là một chủ thể thống nhất hành động nhằm tối đa hóa quyền lực và ảnh hưởng của nó ở khu vực, nhấn mạnh “khoảng trống quyền lực” và sự thay đổi trong cán cân sức mạnh ở khu vực ngày càng có lợi cho Trung Quốc, chỉ ra Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu khí, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. “Khoảng trống quyền lực” được hình thành đối với Trung Quốc khi các cường quốc khác dần dần giảm bớt cam kết của họ ở khu vực. Ngày 24/11/1992, theo đề nghị của Thượng Nghị viện Phi-lip-pin, Mỹ rút khỏi căn cứ quân sự ở Vịnh Subic, một trong những cảng nước sâu tốt nhất ở Viễn Đông. Trước đó, Mỹ cũng đóng cửa căn cứ không quân Clark ở nước này. Liên Xô tan rã, nước Nga vừa tái sinh tỏ ra quá yếu, lo lắng về các cải cách đối nội hơn là duy trì ảnh hưởng của họ ở bên ngoài. Chi tiêu quốc phòng của Nga thời kỳ này không bằng 10% tổng chi tiêu quốc phòng của Mỹ. Ngoài lực lượng vũ khí chiến lược hùng hậu chủ yếu dùng để răn đe và phòng thủ, Nga không có khả năng triển khai các lực lượng quân sự thông thường ở bên ngoài lãnh thổ như Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chính vì lý do đó, Nga quyết định rút các lực lượng hải quân của họ khỏi Vịnh Cam Ranh của Việt Nam năm 2001.

 

Nhật Bản có lợi ích chiến lược trong việc duy trì tự do hàng hải ở biển Đông với 75% nhu cầu năng lượng của Nhật Bản được chuyên chở từ Trung Đông qua biển Đông.[20] Tuy nhiên, ảnh hưởng của Tokyo ở khu vực Đông Nam Á chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế. Theo Hiến pháp, lực lượng phòng vệ của Nhật bản không có quyền tiến hành chiến tranh và triển khai các hoạt động quân sự biên ngoài lãnh thổ. Về thực lực, Nhật Bản cũng chưa có tàu sân bay. Do đó, Nhật Bản phải dựa vào Mỹ để đảm bảo sự an toàn các tuyến đường biển. Nhật Bản cũng có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc liên quan đến các hòn đảo Senkaku ở phía Đông Bắc của Đài Loan. Ấn Độ trong thời gian này mặc dù có tư duy “nước lớn” nhưng mối quan tâm của Ấn Độ chưa vượt được khỏi các khu vực lân cận. Nguy cơ lớn nhất với Ấn Độ là khả năng Trung Quốc bán công nghệ tên lửa cho Pa-ki-xtan (Trung Quốc phủ nhận), các chương trình hợp tác hạt nhân giữa hai nước này, và các động thái của Trung Quốc nhằm có được các căn cứ hải quân trên lãnh thổ của Mi-an-ma ở Vịnh Ben-gan.[21]

 

Nhìn vào chuỗi sự kiện Vành Khăn từ 1995 đến 1999, Storey nhận định Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “tằm ăn rỗi” [creeping assertiveness], từng bước thiết lập sự hiện hữu thực sự ở biển Đông nhưng tránh đối đầu quân sự lớn với các quốc gia khác. Nhìn từ góc độ này, hành động của Trung Quốc ở Vành Khăn chỉ là một bộ phận trong một chiến lược thống nhất và lâu dài nhằm khống chế toàn bộ biển Đông và tăng cường sức mạnh quân sự nói chung và sức mạnh hải quân nói riêng để thực hiện bá quyền.[22] Chính sách này gồm hai chiến lược. Thứ nhất là sử dụng ngoại giao để xoa dịu các nước khác trong tranh chấp đồng thời tránh sự phản ứng của dư luận quốc tế. Bắc Kinh luôn tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các đảo là không có gì phải bàn cãi, nhưng Trung Quốc luôn sẵn sàng gác lại vấn đề chủ quyền để bàn bạc một giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và khai thác chung. Điều đáng nói thêm là mặc dù Trung Quốc tham gia vào các cuộc hội thảo không chính thức về kiềm chế xung đột ở biển Đông do In-đô-nê-xi-a và Ca-na-da tài trợ từ 1991, nhưng trong chiến lược ngoại giao của mình, Trung Quốc không mặn mà với kênh đa phương chính thức như ARF và luôn đề nghị đàm phán song phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp. Chiến lược thứ hai là âm thầm đặt các cột mốc và xây dựng các công trình kiên cố trên các đảo, bãi ngầm chưa có ai chiếm đóng theo ba giai đoạn: (i) xây dựng các nhà gỗ tạm thời trên các trụ đứng; (ii) nâng cấp các nhà gỗ thành các boongke; và (iii) hoàn thành công trình với việc nâng cấp các boongke thành các pháo đài kiên cố đủ chỗ làm việc cho hơn 50 người. [23]

 

Một cách lý giải khác nhấn mạnh những vận động chính trị nội bộ, chỉ ra sự bất đồng giữa các phe phái trong chính quyền từ trung ương đến địa phương của Trung Quốc. Từ góc độ này, một số học giả cho rằng việc xây dựng các công trình ở Vành Khăn không phải là chủ trương thống nhất của chính phủ Trung Quốc mà là sáng kiến tự phát của PLA. Có ý kiến cho rằng, hành động này do các sĩ quan cấp thấp thực hiện mà không có sự đồng ý của chính phủ. Chính các quan chức Bắc Kinh cũng đã thừa nhận điều này. Hoặc có một giả thuyết khác là một số đơn vị hải quân Trung Quốc hoạt động một cách độc lập với PLA, tham gia vào các hoạt động buôn lậu và cướp biển, và chính họ đã tự động triển khai các công trình xây dựng. Tuy nhiên, có thể thấy giả thuyết về hành vi của các sĩ quan cấp thấp của PLA là không có cơ sở bởi hai lý do. Một là, việc xây dựng các công trình quân sự ở ngoài khơi xa hàng trăm dặm, dù là nhỏ, cũng đòi hỏi một lực lượng hậu cần hùng hậu. Các sĩ quan cấp thấp của PLA hoặc hải quân Trung Quốc không có khả năng để huy động một lực lượng như vậy. Hai là, không có nguồn lợi kinh tế và thương mại nào mà các sĩ quan cấp thấp có thể được hưởng từ những công trình như vậy.

 

Như vậy, có nhiều khả năng hành vi của Trung Quốc ở Vành Khăn được hoạch định bởi các quan chức cấp cao của PLA mà không có tham khảo với các quan chức dân sự trong chính quyền. Giai đoạn 1994 – 1996 được coi là giai đoạn tranh chấp quyền lực trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc. Đây là thời kỳ củng cố quyền lực của Chủ tịch Giang Trạch Dân trong khi Đặng Tiểu Bình không điều khiển nền chính trị Trung Quốc. Để thực hiện nhiệm vụ đó, giành được sự ủng hộ của PLA có ý nghĩa quyết định. Chính vì vậy, Chủ tịch Giang Trạch Dân có lý do để theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn với Mỹ, biển Đông, và đặc biệt với Đài Loan. Bằng cách này, ông ta có cơ hội thể hiện tinh thần dân tộc, giành được sự ủng hộ của PLA và các phe phái bảo thủ trong chính quyền. Cũng cần phải chú ý thêm là ảnh hưởng của PLA được thể hiện rõ nét nhất ở cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996. PLA là lực lượng ủng hộ mạnh mẽ nhất các biện pháp cứng rắn với vùng lãnh thổ ly khai này trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/1996, mà đỉnh cao của chính sách này là vụ thử tên lửa gần các đảo Đài Loan. Kể từ 1997, ảnh hưởng của PLA giảm sút khi Giang Trạch Dân trở thành nhà lãnh đạo tối cao, và vị trí của ông ta càng được củng cố sau khi Hồng Kông được trả về Trung Quốc. Từ tháng 9/1998, Chủ tịch Giang Trạch Dân yêu cầu PLA rút khỏi các hoạt động kinh doanh để tập trung xây dựng lực lượng quân đội chuyên nghiệp.

 

Một quan điểm khác cho rằng Bắc Kinh có thể đang tìm kiếm một lợi thế về chiến thuật trước khi đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán. Đặc trưng của Trung Quốc là chính sách cứng/mềm trong các tranh chấp về lãnh thổ và Trung Quốc dường như đang áp dụng chiến thuật tương tự trong vấn đề Trường Sa. Chiến thuật này kết hợp với chiến thuật “salami”, lấn dần từng bước nhỏ, để tránh phản ứng thái quá của các nước yêu sách khác, và dư luận quốc tế. Điều đáng nói là, Bắc Kinh có vẻ như sẵn sàng đàm phán và thậm chí tham gia thảo thuận khai thác chung (song phương) khi họ không nắm được quyền kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ tranh chấp. Ủng hộ lập luận này, có nhiều phân tích cho thấy, Trung Quốc không có đủ khả năng quân sự để “nuốt trọn” biển Đông hoặc “chi phí cơ hội” cho việc này là quá tốn kém khi chưa thực sự chứng minh được nguồn tài nguyên tiềm năng ở biển Đông. Ở giai đoạn này Trung Quốc dù có mạnh hơn các nước khác trong tranh chấp, nhưng vẫn chưa có khả năng kiểm soát toàn bộ biển Đông cũng như đủ sức mạnh hải quân để cạnh tranh với Mỹ. Hơn nữa, nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực sẽ làm cho các nước ASEAN tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ nhằm đảm bảo an ninh. Cuối cùng, Trung Quốc vẫn cần một môi trường khu vực hòa bình và ổn định để tập trung phát triển kinh tế và giải quyết các khó khăn trong nội bộ. Chính vì lý do đó, những hành vi của Trung Quốc ở Vành Khăn có thể đơn thuần chỉ là một chiến thuật để giành lợi thế trước khi bước vào đàm phán song phương.

 

Tóm lại, có thể nhận định chiến lược của Trung Quốc trong vấn đề này có vẻ là một sự kết hợp của chính sách lấn dần từng bước, chia rẽ đối phương, sử dụng vũ lực có chọn lọc về đối phương và thời điểm. Nhưng không rõ những khía cạnh này là hợp nhất hay riêng rẽ.[24] Việc Trung Quốc chiếm giữ ở Vành Khăn từ năm 1995-1999 dễ được nhìn nhận là một hành động có chủ ý, nằm trong chính sách “âm thầm chiếm hữu và khẳng định chủ quyền” tại biển Đông với sự chỉ đạo thống nhất của lãnh đạo Trung Quốc. Việc Trung Quốc lựa chọn Vành Khăn chứ không phải là một hòn đảo nào khác ở biển Đông mà có thể gây ra một cuộc xung đột quân sự với Việt Nam thể hiện những toan tính địa chiến lược rõ ràng của lãnh đạo Bắc Kinh. Thời điểm này hội tụ đầy đủ các nhân tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa để Trung Quốc tiến thêm một bước, chiếm đóng các đảo mà các quốc gia ASEAN tuyên bố chủ quyền. Sự kiện Vành Khăn và chuỗi những diễn biến tiếp theo có thể là một liều thuốc thử đối với Mỹ và các nước ASEAN. Dường như lãnh đạo Trung Quốc đã dự đoán đúng khi trong nội bộ ASEAN không có cách tiếp cận thống nhất về mối đe dọa Trung Quốc và Mỹ sẽ không đi những nước cờ quá mạo hiểm để giúp Manila phòng thủ một hòn đảo bé nhỏ ở giữa biển Đông.

 

2.     Phản ứng và giới hạn của Phi-lip-pin

 

Phi-lip-pin có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền đối với 50 đảo trong khu vực quần đảo Trường Sa.[25] Khu vực này gồm 230 đảo đá nhỏ và bãi đá ngầm, và được người Phi-lip-pin gọi là Kalayaans.[26] Chủ quyền đối với những hòn đảo này vô cùng quan trọng đối với Phi-lip-pin và các nước khác trong tranh chấp không chỉ bởi chúng được coi là một phần lãnh thổ thiêng liêng, có ý nghĩa chiến lược với an ninh và quốc phòng của các quốc gia, mà còn bởi các nguồn lợi thực sự như hải sản và dầu khí.[27] Riêng với Phi-lip-pin, năm 1993 các ngư dân Phi-lip-pin đã đánh bắt 162,455 tấn cá ở vùng Kalayaans, tương đương với 20% tổng số lượng đánh bắt của Phi-lip-pin.[28] Manila cũng hi vọng có thể khai thác dầu và khí đốt từ khu vực Kalayaans và có thể tự chủ về dầu khí trong thế kỷ 21.[29] Tuy nhiên, hi vọng khai thác các nguồn tài nguyên ở khu vực này luôn đi liền với lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như khả năng bùng phát tranh chấp ở biển Đông. Tổng thống Ramos cũng tuyên bố vào tháng 7/1992 nhấn mạnh sự cấp thiết tìm kiếm một giải pháp… với lo ngại rằng chừng nào tình hình chưa được giải quyết ổn thỏa, nó sẽ dẫn đến nhiều biến động nguy hiểm.[30]

 

Nhìn tổng thể, Phi-lip-pin là nước bị động và yếu thế hơn trong tranh chấp dải đá ngầm Vành Khăn từ 1995 đến 1999. Trước năm 1995, tranh chấp biển đảo không phải là vấn đề chính trong quan hệ Trung – Phi. Dù có phần nào lo ngại về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Trường Sa, các nhà lãnh đạo Phi-lip-pin không coi Trung Quốc là mối đe dọa trước mắt. Hầu hết các chính trị gia, các quan chức chính phủ và các học giả Phi-lip-pin nhìn nhận Trung Quốc theo hướng tích cực dựa trên lịch sử bang giao hữu hảo và quan hệ kinh tế ngày càng phát triển giữa hai nước. [31] Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Phi-lip-pin tự tin vì có được sự đảm bảo chính trị từ phía Trung Quốc. Tháng 4/1988, Tổng thống Aquino thăm Bắc Kinh gặp gỡ lãnh đạo của Trung Quốc. Liên quan đến vấn đề Kalayaans, Đặng Tiểu Bình lúc đó là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc hứa gác tranh chấp, cùng thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên biển, và cố gắng tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài.[32] Tháng 4/1993, Tổng thống Ramos thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Giang Trạch Dân thể hiện mong muốn giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình, và khuyến cáo các nước láng giềng không nên lo ngại về chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc.[33] Vì thế, sự kiện Vành Khăn là một cú sốc đối với các lãnh đạo và nhân dân Phi-lip-pin về lòng tin của họ dành cho Bắc Kinh. Sự mất niềm tin tăng thêm, thậm chí dẫn tới phẫn nộ, khi Manila phát hiện ra Trung Quốc vi phạm quy tắc ứng xử đã ký với Phi-lip-pin trong năm 1995.

 

Sự kiện Vành Khăn cũng là lời cảnh tỉnh dành cho chính phủ về sự yếu kém của quân đội Phi-lip-pin (AFP). Trong so sánh tương quan sức mạnh, lực lượng quân sự của Phi-lip-pin thua xa Trung Quốc. Phi-lip-pin trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ. Sự dựa dẫm này để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho nền quốc phòng của nước này. Thứ nhất, các nhà lãnh đạo của Phi-lip-pin không coi trọng việc xây dựng các khả năng quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Thứ hai, quân đội Phi-lip-pin thay vì tập trung bảo vệ biên giới, lãnh thổ quốc gia, lại được sử dụng để đối phó với các lực lượng nổi dậy và các phong trào ly khai ở trong nước. Chính vì thế, lực lượng lục quân luôn giành được phần lớn ngân sách quốc phòng, trong khi lực lượng hải quân và không quân hầu như không phát triển. Thứ ba, trong suốt thập kỷ 1970, sau lệnh thiết quân luật của Tổng thống Marcos, vai trò của quân đội Phi-lip-pin bị chính trị hóa. Thứ tư, Phi-lip-pin tin rằng trong trường hợp nước này bị xâm lược, Mỹ sẽ can thiệp trên tinh thần Hiệp ước phòng thủ tương hỗ Mỹ-Phi ký năm 1951. Carolina Hernandez đã nhận xét dưới lệnh thiết quân luật, “quân đội trở thành lực lượng bảo vệ chế độ, và một cơ quan thực hiện các mệnh lệnh của chính phủ”.[34] Vì vậy, khi các lực lượng Mỹ rút khỏi Phi-lip-pin đầu những năm 1990, chính quyền Phi-lip-pin đứng trước nhiệm vụ cấp bách phải hiện đại hóa và tăng cường các lực lượng vũ trang. Nhiệm vụ tỏ ra vô cùng khó khăn bởi ba lý do cơ bản: (i) khả năng kinh tế yếu kém; (ii) quân đội Phi-lip-pin mất uy tín trong nhân dân; (iii) quốc hội và nhân dân Phi-lip-pin không nhận thức rõ các mối đe dọa từ bên ngoài sau khi Mỹ triệt thoái quân đội của họ khỏi nước này. Chỉ một vài tuần khi xảy ra sự kiện, dự luật hiện đại hóa quốc phòng với ngân sách 12,6 tỉ USD mà chính phủ Ramos đã chắp bút trước đó được đưa ra Quốc hội. Tuy nhiên, dự luật đó đến tháng 12/1996 mới được thông qua.

 

Trong khi lực lượng hải quân không đủ khả năng đương đầu với hải quân Trung Quốc và không có bất kỳ sự hỗ trợ đáng kể nào từ các cường quốc khác, và cán cân quyền lực khó có thể xoay chuyển trong một sớm một chiều, Manila không có cách nào khác phải lấy ngoại giao làm mặt trận chủ đạo. Các nỗ lực ngoại giao của Manila được triển khai theo bốn hướng sau: (i) tìm kiếm sự đồng thuận trong ASEAN để lên án hành vi của Trung Quốc; (ii) vận động sự ủng hộ của Mỹ và Nhật Bản; (iii) đàm phán song phương với Trung Quốc; (iv) tìm cách đưa vấn đề ra các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế.

 

Theo hướng thứ nhất, Phi-lip-pin vận động các nước thành viên ASEAN đưa ra tuyên bố ở cấp ngoại trưởng ngày 18/3/1995, để biểu thị sự lo ngại về những diễn biến mới ở biển Đông và giục các bên tuân thủ Tuyên bố Manila 1992. Mặc dù tuyên bố này không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng đây là một thông điệp ám chỉ Trung Quốc đang có những hành vi trái nguyên tắc đã cam kết và làm mất ổn định ở biển Đông. Phi-lip-pin cũng thành công trong việc xây dựng sự đồng thuận của ASEAN trong Diễn đàn Trung Quốc – ASEAN ở Hàng Châu trong tháng 4/1995. Mặc dù biển Đông không phải là chủ đề nằm trong chương trình nghị sự, nhưng nó được đưa ra ở cuộc gặp không chính thức trước các phiên họp chính. Lãnh đạo của đoàn ASEAN phát biểu với phía Trung Quốc rằng những hành động của Trung Quốc ở biển Đông có ảnh hưởng xấu đến ổn định của toàn khu vực, làm tổn hại đến các biện pháp xây dựng lòng tin ở khu vực.[35] Chính quyền Ramos còn tiến xa thêm một bước nữa, tìm cách đưa vấn đề ra các phiên thảo luận chính thức của Diễn đàn An ninh ASEAN (ARF) lần thứ hai tại Brunei từ 1-3 tháng Tám 1995. Tuy nhiên, giống như trường hợp ở Hàng Châu trước đó, ASEAN chỉ nêu vấn đề với Trung Quốc tại phiên tham vấn trước khi diễn ra hội nghị chính thức. Khi phát hiện ra Trung Quốc tiếp tục củng cố các công trình xây dựng trên đảo Vành Khăn năm 1998, Phi-lip-pin cũng thúc ép ASEAN ra tuyên bố Hà Nội (tháng Mười Hai năm 1998) kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.

 

Đàm phán với Trung Quốc là hướng thứ hai mà chính quyền Phi-lip-pin triển khai. Tháng 8/1995, sau hai vòng đàm phán song phương, Trung Quốc và Phi-lip-pin ký kết bộ quy tắc ứng xử để tránh những sự vụ tiếp theo trên biển Đông và tăng cường hợp tác trên biển. Mặc dù không đạt được được mục tiêu cao nhất là dỡ bỏ các công trình xây dựng ở Vành Khăn, chính quyền Ramos tương đối hài lòng khi thuyết phục được Bắc Kinh thừa nhận các nguyên tắc cơ bản của bộ quy tắc gồm có tự do hàng hải, không sử dụng vũ lực, và hợp tác song phương, và hơn thế, bộ quy tắc còn nhấn mạnh duy trì “nguyên trạng” ở vùng Kalayaans, không xây lắp thêm các công trình mới, và mỗi bên sẽ thông báo cho bên kia tất cả các chuyển dịch quân sự xung quanh khu vực tranh chấp. Có thể thấy, việc Trung Quốc tiếp tục củng cố các công trình xây dựng ở Vành Khăn năm 1998 thực sự là một hành động trái với tinh thần chung và các điều khoản cụ thể của bộ quy tắc ứng xử.   

 

Theo hướng thứ ba, Phi-lip-pin tìm kiếm hậu thuẫn của các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản. Khi mới xảy ra tranh chấp, Phi-lip-pin coi trọng xây dựng đồng thuận trong ASEAN và đàm phán song phương với Trung Quốc. Nhưng khi phát hiện ra Trung Quốc không giữ cam kết, tiếp tục củng cố các công trình trên đảo Vành Khăn, Phi-lip-pin đã phải viện đến Mỹ và Nhật Bản. Trong tháng 12/1998, Blas Ople, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã cầu cứu sự ủng hộ của Nhật Bản, cho rằng Phi-lip-pin đang bảo vệ sự “tồn vong của Nhật Bản” một cách khách quan bởi tuyến đường vận chuyển dầu khí qua biển Đông đang bị đe dọa.[36] Tuy nhiên, Nhật Bản né tránh đưa ra quan điểm chính thức về vụ việc. Cùng thời gian này, Phi-lip-pin mời ông Dana Rohrbacher, một thành viên kỳ cựu trong Hạ Nghị viện Mỹ, tham gia chuyến bay thị sát Vành Khăn. Sau chuyến bay, Rohrbacher tố cáo Bắc Kinh “xâm lược” và hứa rằng chính quyền Mỹ sẽ giúp Phi-lip-pin trong tranh chấp giữa nước này và Trung Quốc.[37] Tuy nhiên, chính quyền Clinton tuyên bố rằng tranh chấp ở biển Đông, đặc biệt ở Vành Khăn, không nằm trong lợi ích chiến lược của nước Mỹ và lợi ích quan trọng nhất của Mỹ ở biển Đông là tự do hàng hải – nghĩa là việc đảm bảo cho tàu thuyền quốc tế qua lại tự do trên các tuyến đường biển đi qua khu vực.[38] Rốt cuộc, Phi-lip-pin nhận ra rằng Hiệp ước Phòng thủ tương hỗ năm 1951 không đủ để Mỹ can thiệp vào xung đột ở Vành Khăn.

 

       Lựa chọn cuối cùng của Phi-lip-pin là sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế để phân định. Tháng 3/1999, Phi-lip-pin gợi ý hai bên nên đưa vấn đề ra Tòa án Quốc tế của Công ước Luật biển để xác định xem nước nào là người chủ hợp pháp của Vành Khăn. Tuy nhiên Bắc Kinh bác bỏ đề nghị này mặc dù Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước và nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng Công ước này để giải quyết tranh chấp ở biển Đông.[39] Ngày 19/3/1999, Tổng thống Phi-lip-pin đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp quốc Kofi Annan cho phép Hội đồng Bảo an làm trọng tài. Trung Quốc lập tức phản đối sự tham gia của Liên Hợp quốc vào việc giải quyết xung đột.[40]

 

            Thất bại của Phi-lip-pin trong việc bảo vệ chủ quyền tại Vành Khăn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan có thể được tổng kết lại như sau: (i) tương quan sức mạnh kinh tế cũng như quân sự nghiêng hắn về phía có lợi cho Trung Quốc; (ii) chính phủ Phi-lip-pin thiếu thống nhất và quyết đoán; (iii) sự bất đồng và nhu nhược của ASEAN trước sức mạnh của Trung Quốc; (iv) chính sách không “can dự” của các cường quốc khác. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận những nỗ lực quốc tế hóa tranh chấp của chính phủ Phi-lip-pin dù không thể phá bỏ được các công trình mà Trung Quốc đã xây dựng nhưng phần nào cảnh báo thế giới và khu vực về tham vọng cũng như sự thiếu tin cậy của Trung Quốc, góp phần tạo nên dư luận quốc tế để ngăn cản tư tưởng bành trướng của quốc gia này.

           

            KẾT LUẬN

 

            Nhìn tổng thể, tranh chấp Trung – Phi liên quan đến đảo Vành Khăn bắt nguồn từ những biến đổi trong môi trường chiến lược ở khu vực cũng như những vận động mới trong chính trị nội bộ ở các quốc gia liên quan. Rõ ràng, cục diện địa chính trị ở khu vực sau chiến tranh Lạnh diễn tiến theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc khi lực lượng Mỹ và Nga dần triệt thoái khỏi khu vực. Trong bối cảnh cả Ấn Độ và Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, “khoảng trống quyền lực” mà Mỹ và Nga để lại có nguy cơ bị Trung Quốc lấp đầy. Tuy nhiên, lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực không giúp giải thích đầy đủ quá trình ra quyết sách chính trị trong nội bộ chính phủ Trung Quốc. Điều đáng tiếc là những tài liệu và quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc liên quan đến biển Đông chưa được công khai. Do đó, ai là người ra quyết sách, toan tính của họ trong việc lựa chọn Vành Khăn và thời điểm thực thi vẫn còn là một bí ẩn. Tuy vậy, căn cứ trên những dữ kiện lịch sử, các nhà nghiên cứu chỉ ra ba giả thuyết sau: (i) việc chiếm đóng đảo Vành Khăn nhằm mục đích tạo thế đứng chân thực tế, là một bộ phận của chiến lược lâu dài và nhất quán của Bắc Kinh nhằm biến biển Đông thành ao nhà; (ii) sự vụ Vành Khăn chỉ là hệ quả của quá trình đấu tranh và củng cố quyền lực chính trị ở Trung Quốc; (iii) chiếm đóng Vành Khăn chỉ là một ngón đòn chiến thuật để Trung Quốc có thể giành được những lợi thế áp đảo trong đàm phán. Nếu liên hệ với hành vi của Trung Quốc trước đó, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực xâm chiếm bãi Chữ Thập của Việt Nam năm 1998, có thể thấy giả thuyết thứ nhất thuyết phục hơn cả. Tuy nhiên, dù do bất cứ nguyên nhân gì, mâu thuẫn giữa lời nói và hành động, tiền hậu bất nhất, và sự thiếu minh bạch trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của  luôn làm tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp và lòng tin của Phi-lip-pin và các nước trong khu vực với Trung Quốc suy giảm.  

 

            Nhìn vào cách ứng xử của Trung Quốc trong suốt quá trình xảy ra tranh chấp Vành Khăn, cũng như một số xung đột khác giữa nước này và các nước láng giềng khác, có thể rút ra một vài kết luận về toan tính và chiến lược của Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc luôn chọn những thời điểm mà đối phương yếu nhất, và ít có sự trợ giúp từ bên ngoài nhất để “ra đòn”. Thứ hai, Trung Quốc sử dụng chiến thuật “salami”, thực hiện chính sách “lấn dần từng bước”, đảm bảo đạt được sự kiểm soát tình hình, mà không làm cho các nước yêu sách cùng dư luận quốc tế phản ứng quá thái. Thứ ba, Bắc Kinh luôn kết hợp cứng và mềm, sẵn sàng đàm phán khi cần thiết, nhưng cũng sẵn sàng vứt bỏ “cam kết” khi cần. Thứ tư, Trung Quốc kiên trì đàm phán song phương thay vì đa phương. Theo cách đó, Trung Quốc có thể “chia để trị” và luôn duy trì được thế áp đảo đối với đối phương. Thứ năm, ít có khả năng Trung Quốc tham gia các cơ chế an ninh hợp tác, nơi đó Trung Quốc phải chấp nhận vị thế và lợi ích ngang bằng với các quốc gia khác. Tất cả những đặc điểm này thể hiện rõ nét trong cách hành xử của Trung Quốc trong tranh chấp dải đá ngầm Vành Khăn với Phi-lip-pin.

 

            Về phía Phi-lip-pin, do lực lượng quân sự yếu kém và tình huống một mình đối chọi với Trung Quốc, nước này không có cách nào khác là lấy mặt trận ngoại giao làm chủ đạo. Các hoạt động ngoại giao được triển khai theo bốn hướng sau: (i) sử dụng ASEAN như là một công cụ để quốc tế hóa, đa phương hóa tranh chấp, qua đó gây áp lực để kiềm chế các hành vi xâm lấn của Trung Quốc; (ii) vận động sự hỗ trợ của các cường quốc khác để một mặt tranh thủ nguồn lực cho công cuộc hiện đại hóa quân đội, mặt khác răn đe Trung Quốc; (iii) tìm cách đưa tranh chấp ra các cơ chế đa phương quốc tế như ARF, Hội đồng Bảo An, và Tòa án Quốc tế về Luật biển; (iv) đàm phán song phương với Trung Quốc. Có thể tạm kết luận rằng tất cả những nỗ lực trên của Phi-lip-pin đã thành công trong việc ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc xa hơn đảo Vành Khăn, nhưng không giúp Phi-lip-pin đòi lại những gì đã mất, và thậm chí không thể đảm bảo được nước này sẽ không mất nhiều hơn trong tương lai. Điều đáng chú ý là, chính chủ trương đàm phán song phương với Trung Quốc của Phi-lip-pin đã làm yếu đi sự đồng thuận và đoàn kết trong ASEAN./.

 

Đỗ Thanh Hải, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông,



[1] Tên Phi-lip-pin là Panganiban, tên Trung Quốc là Mỹ Tế Tiều.

[2] Daniel J. Dzurek, Spratly Islands Dispute: Who’s on First?, In: Clive Schofield (ed), Maritime Briefing, International Boundaries Research Unit, University of Durham, 1996, tr. 34.

[3] Ian James Storey, “Creeping assertiveness: China, the Philippines and the South China Sea dispute”, Contemporary Southeast Asia, Vol.21, No.1, 1999.

[4] Ramos, “Sinos occupying RP reef in Spratlys”, Philippine Daily Inquirer, 9 February 1995.

[5] “Hoa Kỳ trung lập trong tranh chấp Cộng hòa Phi-lip-pin - Trung Quốc về quần đảo Trường Sa”, Thời báo Nhật Bản, 15/2/1995, trang 4; “In-đô-nê-xia kêu gọi giải pháp hòa bình cho sáu quốc gia tranh chấp Trường Sa”, Thời báo Nhật Bản, 18/2/1995, trang 4. Trích: Mark. J. Valencia, John M. Vandyke, và Noel A.Ludwig, Chia sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa [trích trong Sharing the Resources of the South China Sea] (bản dịch), University of Hawaii’s Press, 1997].

[6] Xem Daniel J. Dzurek, China Occupies Mischief Reef in Latest, IBRU Boundary and Security Bulletin, April 1995, xem tại: http://www.dur.ac.uk/resources/ibru/publications/full/bsb3-1_dzurek.pdf.

[7] Mark. J. Valencia, John M. Vandyke, và Noel A.Ludwig, Chia sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa [Sharing the Resources of the South China Sea] (bản dịch), University of Hawaii’s Press, 1997, Tr.63.

[8] Mark. J. Valencia, John M. Vandyke, và Noel A.Ludwig, sđd, Tr. 68-69.

[9] “Manila, “Beijing agree on Spartlys Code of Condcut,” Reuters, 10 August 1995.

[10] Christopher C.Joyner, Spartly Islands Dispute in the South China Sea: Rroblems, Policies, and Prospects for Diplomatic Accomodation; xem tại: http://www.southchinasea.org/docs/Joyner,%20Spratly%20Islands%20Dispute.pdf, ngày 20/9/2009.

[11] Ngày 22/1/1996, Hải quân Phi-lip-pin tuyên bố rằng một trong 6 tàu chiến của họ tham gia một trận hải chiến trong 90 phút với tàu chiến của Trung Quốc ở vị trí cách Manila 70 dặm về phía Tây Bắc. Tổng thống Ramos tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của sự vụ, coi đó như là một hoạt động buôn lậu của người Trung Quốc. Xem thêm: "Philippines: Shots in the Spratlys", Jane's Intelligence Review, 1 March 1996, tr. 98.

[12] Giữa tháng 3 và tháng 5/1996, AFP đưa tin rằng các công trình trên đảo Vành Khăn đã được nâng cấp và được trang bị các thiết bị viễn thông. Xem thêm: "Military official says China upgrading structures on Mischief Reef", BBC Monitoring Service: Asia Pacific, 5 March 1996; và "Philippines navy 'not alarmed' by new Chinese structures on disputed reef", BBC Monitoring Service: Asia Pacific, 22 May 1996.

[13] "Manila drafting protest over China Spratly move", Reuters News Service, 30 April 1997.

[14] Storey, Ian James, “Creeping assertiveness: China, the Philippines and the South China Sea dispute”., Contemporary Southeast Asia, Vol. 21, Issue 1, Apr 99.

[15] Aileen S.P. Baviera, “Bilateral Confidence Building with China in Relation to the South China Seas Dispute: A Philippine Perspective”, Paper prepard for International Security Research and Outreach Programme, International Security Bureau, tr.23

[16] AP, "China, Philippines in island hassle," 23 November 1998 và AFP, "China-Philippines experts to meet in January on disputed reef," 25 November 1998.

[17] David G. Wiencek, South China Sea Flashpoint, China Brief, Vol.1, No. 2, July 24, 2001.

[18] Bernama. China: Pines to urge ASEAN stand on Spratlys row, 7 December 1998.

[19] Martin P. Marfil, “Spratlys ‘Intrusion’: PR to Protest China Warships,” NEWS, 20 January

1999.

[20] Joyner, C.C., The Spratly Islands Dispute in the South China Sea: Problems, Policies, and Prospects for Diplomatic Accomodation, tr. 67.

[21] Patrick E.Tyler, “China Raises Nuclear Stakes on the Subcontinent”, New York Times, 27 August 1996, 5.

[22] Michael G, Gallagher, "China's Illusory Threat to the South China Sea," International Security, (Summer 1994), pp. 169-194. Mamdouh G. Salameh, "China, Oil and the Risk of Regional Conflict," Survival (Winter 1995-96), pp. 133-146. Kent Calder, "Asia's Empty Tank," Foreign Affairs (March/April 1996), pp. 55-69. Felix K. Chang, "Beijing's Reach in the South China Sea," Orbis (Summer 1996), pp. 353-374. Mark J. Valencia, "Energy and Insecurity in Asia," Survival (Autumn 1997), pp. 85-106

[23] Storey, Ian James, tlđd.

[24] Mark. J. Valencia, John M. Vandyke, và Noel A.Ludwig, tlđd, tr. 68.

[25] Có sáu bên tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Ma-lai-xia, Phi-lip-pin và Bru-nây.

[26] Tên gọi này được sử dụng để chỉ riêng cho vùng lãnh thổ còn tranh chấp mà Phi-lip-pin tuyên bố, phân biệt với quần đảo Trường Sa. Xem thêm: Ian James Storey, “Creeping assertiveness: China, the Philippines and the South China Sea dispute”, Contemporary Southeast Asia, Vol.21, No.1, 1999

[27] Ian James Storey, tlđd.

[28] Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý Các nguồn lợi Thủy sản của Phi-lip-pin tổng hợp tháng 10/1994, được trích dẫn bởi Aileen San Pablo-Baviera, "Philippine Security in the South China Sea", trong cuốn sách Security Implications of Conflict in the South China Sea: Perspectives from Asia Pacific, Carolina Hernandez and Ralph Cossa (eds), Institute for Strategic and Development Studies, Manila, 1995, tr. 69.

[29] Xem Ian James Storey, “Creeping assertiveness: China, the Philippines and the South China Sea dispute”, Contemporary Southeast Asia, Vol.21, No.1, 1999.

[30] "China 'war threat' in islands dispute", Independent (London), 22 July 1992.

[31] "Spratlys will show if China plays by the rules: Ramos", Straits Times, 8 May 1995.

[32] "Aquino returns from China", Kyodo International News, 17 April 1988

[33] Khi trở về Manila, Ramos nói: “Chính phủ Trung Quốc, thông qua Chủ tịch Giang, nói rằng Trung Quốc sẽ gác lại tranh chấp và tham gia các phát triển hòa bình ở các đảo trên biển Đông… Chúng ta được bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không sử dụng sức mạnh kinh tế của họ nhằm mục đích xâm lược hoặc quấy rối, và chúng ta đánh giá cao tuyên bố đó”, trích từ "Ramos reassured on Spratlys issue", South China Morning Post, 28 April 1993.

[34] Carolina Hernandez, "The Role of the Philippine Military During Martial Law, 1972-1980" (Background paper at the 12th World Congress, International Political Science Association, Rio de Janiero, August 1982). Quoted by Wilfredo V. Villacorta, "The Management of National Security in the Philippines: The Role of Leadership Styles" in Leadership Perceptions and National Security, edited by Mohammed Ayoob and Chai-Anan Samudavanija (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1989), p. 152.

[35] Xem Ian James Storey, “Creeping assertiveness: China, the Philippines and the South China Sea dispute”, Contemporary Southeast Asia, Vol.21, No.1, 1999.

[36] Asia Pulse, "Philippines: Manila asks Tokyo for support in Spratlys dispute with China", 7 December 1998.

[37] AFP, "U.S. legislator accuses China of `aggression' on Spratlys reef", 10 December 1998.

[38] "US warns against restriction in South China Sea", Straits Times, 12 May 1995.

[39] Johnna R. Villaviray, "Beijing won't share Mischief with Pinoys," The Manila Times, 23 March 1999.

[40] "Beijing Keeps UN out of Talks on Spratlys", The Philippine Daily Inquirer, 22 March 1999.