Bất hòa giữa những người đương quyền và những người đã từ giã chính trường: Những năm qua, các chuyên gia chính sách đối ngoại chứng kiến cuộc đối thoại ngày càng căng thẳng giữa các nhóm lợi ích và tập thể lãnh đạo trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc-cơ quan có trách nhiệm quản lý các lợi ích rộng lớn hơn của Trung Quốc. Tận dụng lợi thế của các phương tiện thông tin đại chúng mới và quyền tự do phát biểu ngày càng tăng ở Trung Quốc, các sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, các học giả, các chuyên gia chính sách và các công dân mạng ở Trung Quốc đã chất vấn và thách thức nhiều quan chức Đảng Cộng sản cũng như Chính phủ, có quan điểm cứng rắn hơn đối với Mỹ, Nhật Bản, các thị trường quốc tế và nhiều vấn đề khác. Đáp lại, những người phát ngôn của Trung Quốc ngày càng có quan điểm phô trương cứng rắn hơn do sức ép của những người chỉ trích ở bên trong chứ không phải bên ngoài hệ thống chính trị chính thức. Điều này xảy ra khi Mỹ bán các loại vũ khí cho Đài Loan, Tổng thống Barack Obama gặp Đạtlai Lạtma, các cuộc diễn tập theo kế hoạch của hàng không mẫu hạm George Washington trên biển Hoàng Hải và các nhiệm vụ khảo sát ở biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa). Nhưng thực tế trong quan hệ đối ngoại, hành động chính thức của Trung Quốc không vượt ra ngoài những tuyên bố để công khai đối đầu với các lợi ích của Mỹ cũng như nhiều nước khác. Các quan chức tỏ ra thận trọng trong các cơ quan Chính phủ, nhưng lại cố gắng thể hiện ra bên ngoài sự cứng rắn đối với những người chỉ trích. Do thiếu nội dung mang tính chất xây dựng nên hành động đó tỏ ra không hiệu quả. Khi Đại hội Đảng đến rồi đi và công luận ngày càng ảnh hưởng đến các quyết định của giới lãnh đạo, các quan chức Trung Quốc - những người mong muốn được cất nhắc - có thể đạt được sự đồng thuận trong bao lâu để theo đuổi những lợi ích của Trung Quốc một cách khôn ngoan chứ không phải thô bạo? Họ sẽ sẵn sàng và có thể giảm bớt giọng điệu mị dân trong bao lâu khi họ đưa ra những cam kết ít được thực hiện cho toàn dân-những người đang gánh chịu nhiều hậu quả của quá trình hiện đại hóa quá nhanh? 


Bất hòa trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc: Trong hai năm tới, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 18 vào cuối năm 2012, cuộc chạy đua sẽ gấp rút khi hơn 70% vị trí cấp cao của Trung Quốc phải chuyển giao cho các nhà lãnh đạo mới để phù hợp với các quy định được áp dụng gần đây về việc nghỉ hưu và bổ nhiệm. Qui mô và tốc độ thay thế nhân sự này sẽ gây cẳng thẳng cho mọi chế độ. Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc chưa có các tiêu chuẩn đáng tin cậy để lựa chọn các nhà lãnh đạo trên cơ sở các thông tin cần thiết và chương trình hành động trước khi được cất nhắc. Trung Quốc còn lâu mới tuân thủ vấn đề này và việc cất nhắc nhân sự chủ yếu dựa vào sự hiểu biết của một vài người để lãnh đạo hơn một tỷ người, đặc biệt các nhà lãnh đạo thiếu hiểu biết về hiến pháp và thiếu cân nhắc về những đánh giá cũng như chương trình hành động của họ. Hơn nữa, ngày càng có nhiều dấu hiệu và tin đồn cho thấy những người dự kiến thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo không thể hoàn thành cương vị của họ. Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc nói thẳng họ chưa biết chắc ai sẽ là nhà lãnh đạo tiếp sau Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, mặc dù nhiều khả năng là Phó Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngoài ra có những tin đồn tương tự về một số Phó Thủ tướng đang quản lý nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành Thủ tướng.

 
Xung đột giữa Chủ nghĩa tư bản nhà nước và Chủ nghĩa tư bản thị trường: Một vấn đề nữa hiện nay đáng nói là việc Trung Quốc ca ngợi "sự đồng thuận" của chủ nghĩa độc quyền của Bắc Kinh chung sống với chủ nghĩa tư bản nhà nước, đã phát triển khi các nhân tố khác suy giảm. Trung Quốc nhận thấy "sự đồng thuận Oasinhtơn" - kết nối dân chủ với chủ nghĩa tư bản thị trường tự do - như hiện nay là không thể tin tưởng vì gây nên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng ông Michael Pettis thuộc Viện Carnegie cho rằng hình mẫu phát triển nhanh của Trung Quốc phụ thuộc vào việc hạn chế thu nhập của người dân thường Trung Quốc để cung cấp vốn cho các nhà đầu tư được hưởng ân huệ, trong đó có các công ty trực thuộc nhà nước và các doanh nghiệp giàu có. Ông cho rằng hình mẫu này đã bóp méo các hình thức thương mại quốc tế và chắc chắn sẽ dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ chống lại xuất khẩu của người Trung Quốc và sẽ đẩy thực trạng thương mại được hưởng lợi hiện nay của Trung Quốc đến chỗ kết thúc đáng buồn. GDP của Trung Quốc sẽ giảm dưới mức hiện nay, tạo nên những căng thẳng xã hội mà Đảng Cộng sản khó có thể giải quyết bằng khuôn mẫu hiện nay. Và những căng thẳng này thậm chí có thể khó giải quyết hơn nếu xảy ra sự xung đột giữa những người đương quyền và người cầm quyền đã nghỉ hưu và giữa những người đương quyền và các đối thủ cạnh tranh của họ. Cách thứ hai để xem xét "sự đồng thuận Bắc Kinh" thật đơn giản là nhắc nhở mọi người về những tuyên bố rỗng tuếch của thập kỷ 1980 và đầu thập kỷ 1990, khi Nhật Bản được coi là nước "Số 1". Vốn dư thừa và lãi suất thấp, các nhà đầu tư vay mượn vô tội vạ, trong khi giá bất động sản cũng như các tài sản khác quá cao, đã đẩy Nhật Bản đến chỗ sụp đổ. Trong trường hợp này, đây không phải sự sụp đổ của các thị trường xuất khẩu của Nhật Bản mà do giảm phát quá lâu đã chống lại các phương thuốc cứu chữa trong nước. 


Tuy nhiên, Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển khi lợi ích của việc hiện đại hóa mở rộng về hướng Tây bên trong Trung Quốc, thành công sẽ lệ thuộc vào việc thúc đẩy mức tăng trưởng chủ yếu ở trong nước, điều đó sẽ đòi hỏi Trung Quốc quay lại tiến trình đầu tư cho người gửi tiền tiết kiệm bình thường, từ đó sẽ tăng chi phí vốn của các công ty hiện đang phụ thuộc vào các khoản vốn chi phí thấp để hưởng lợi. Nói cách khác, Trung Quốc phải thay đổi cách kinh doanh của họ. Hiện nay, một trong 3 vấn đề trên có thể là thách thức có khả năng kiểm soát, nhưng gộp 3 khó khăn với nhau sẽ tạo ra những thách thức thực sự. Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu tranh giành quyền lực bằng những tuyên bố công khai về quan điểm chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, kinh nghiệm cho thấy mối lo ngại trong nội bộ của Trung Quốc sẽ thắng mối quan tâm chính sách đối ngoại. Khi toàn bộ quyền lực bị đe dọa, chắc chắn ở Trung Quốc và nhiều nơi khác, sự tế nhị về quan hệ ngoại giao sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Một vấn đề có thể quan trọng hơn là, việc quản lý thành công nền kinh tế nhà nước của Trung Quốc cuối cùng sẽ buộc phải đi theo nền kinh tế thị trường. Do vậy, thay vì nghĩ tới động cơ của Trung Quốc hướng tới thống trị thế giới, các nước nên nghĩ đến một Trung Quốc ngỗ ngược, đầy tham vọng kinh tế và lịch sử. Trung Quốc sẽ đối đầu với các nước láng giềng và hệ thống quốc tế bằng các thách thức mới, đồng thời nền kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm bớt các phương tiện cần thiết để hình thành các kết cục. Vì vậy, không cần một kế hoạch cho cuộc xung đột giữa cường quốc đang lên và cường quốc hiện nay. Thế giới nên tìm cách hợp tác để hạn chế thiệt hại khi con rồng Trung Quốc thất bại. 

 

Nguồn: Carnegie Endowment for International Peace, TTXVN