Kết quả của cuộc đàm phán này sẽ có nhiều ảnh hưởng tới và sẽ nói nhiều về tương lai của Việt Nam ở Biển Đông. Cho tới nay, đòi hỏi của hai bên vẫn chưa được công bố. Chúng ta không biết quan điểm chủ trương của hai bên và không biết phạm vi cụ thể của vùng đàm phán. Tuy nhiên, chúng ta có thể đoán được là cuộc đàm phán này có thể có những điều kiện bất lợi cho VN:
 

- Trung Quốc đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
- Trung Quốc sẽ có áp lực dùng quần đảo Hoàng Sa để đẩy ranh giới về phía Việt Nam .
- Việt Nam không có khả năng dùng quần đảo Hoàng Sa để đẩy ranh giới về phía Trung Quốc.
 

Nếu Việt Nam chấp nhận việc Trung Quốc dùng quần đảo Hoàng Sa để đẩy ranh giới về phía Việt Nam , dù chỉ đẩy rất ít, thì điều đó cũng có thể được xem là thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Nếu sự thừa nhận đó tồn tại trong một hiệp định ranh giới thì có thể nói đó là “ván đã đóng hòm” cho chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
 

Bản đồ độ phân giải cao của vùng biển từ cửa Vịnh Bắc Bộ tới quần đảo Hoàng Sa có vẽ đường trung tuyến giữa Việt Nam và Trung Quốc, không tính quần đảo Hoàng Sa. Đường trung tuyến được vẽ với độ chính xác cao: sai số của các điểm trung tuyến chính dưới 1km. Nếu Toà án Công lý Quốc tế phân chia vùng biển này thì Toà sẽ bắt đầu bằng cách vẽ một ranh giới thử nghiệm bằng đường trung tuyến giữa Việt Nam và Trung Quốc, xong rồi Toà sẽ xem có cần di chuyển ranh giới này cho công bằng hơn không.
 
Trong trường hợp này, vì :

- Bờ biển Việt Nam và bờ biển đảo Hải Nam đối diện nhau, có chiều dài gần như nhau, hình thù không khác biệt đáng kể, khá tương xứng với nhau,
- Các đảo Hoàng Sa đều nhỏ, xa bờ, chủ quyền bị tranh chấp từ 1909,
nên có thể Toà sẽ cho là đường trung tuyến là ranh giới công bằng.Vì vậy, đường trung tuyến này có thể là một chuẩn mực hợp lý để đánh giá những gì Việt Nam đạt được trong cuộc đàm phán quan trọng này.
 

Sau khi hiệp định phân chia Vịnh Bắc Bộ được ký, năm 2000, ngay cả sau khi hiệp định đó được phê duyệt, thậm chí cho tới ngày nay, nhiều người đặt vấn đề về sự công bằng của hiệp định đó. Bất kể hiệp định Vịnh Bắc Bộ có công bằng hay không, đặt vấn đề như vậy là một biểu hiện của một sự quan tâm về sự vẹn toàn lãnh thổ và về công lý cho đất nước mà bất cứ dân tộc nào cũng cần có.
 
Đối với vùng biển giữa Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa, sự quan tâm của chúng ta về sự vẹn toàn lãnh thổ và về công lý cho đất nước sẽ có nhiều ý nghĩa thiết thực hơn nếu sự quan tâm đó được thể hiện trước khi (thay vì sau khi) Việt Nam và Trung Quốc ký một hiệp định nào đó để phân chia vùng biển này.
 
Bản đồ các lô dầu khí Trung Quốc tuyên bố chung quanh đảo Hải Nam cho thấy một số lô này lấn sang phía Việt Nam của đường trung tuyến. Bản đồ này cũng vẽ đường cơ sở thẳng Trung Quốc tuyên bố chung quanh quần đảo Hoàng Sa. Chủ trương của đường cơ sở thẳng này là biến 17.400 km vuông bên trong thành nội thuỷ của Trung Quốc, 12 hải lý bên ngoài thành lãnh hải, và 12 hải lý bên ngoài lãnh hải thành vùng tiếp giáp lãnh hải của họ./.
 
Bài viết của tiến sỹ Dương Danh Huy, thành viên sáng lập “Quĩ nghiên cứu biển Đông”, một tổ chức của các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước quan tâm tới vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông.