Dường như ngôi làng nghèo nhất Trung Quốc ở một thế giới khác, không nằm trên đất Trung Hoa đang ngày một giàu lên. Hơn 600 gia đình của dân tộc "Đông" mặc trên mình những bộ quần áo có từ thời ông bà cụ của họ và đàn ông thì vẫn mang kiếm. Chỉ có những người ốm yếu được ăn thịt. Ở Zhaoxing, người ta nghĩ rằng Bắc Kinh không hề tồn tại. Trước khi đến được ngôi làng với những ngôi nhà cũ kĩ và lụp xụp, qua những cây cầu vắt vẻo trên sông, cần phải bay 2 chuyến bay, sau đó đi xe hơi 5 tiếng nữa, thêm 10 tiếng trên 3 chuyến xe chở thư báo và các nhu yếu phẩm, cuối cùng là 2 giờ đi bộ. Nhưng chuyến đi ấy là hoàn toàn xứng đáng, vì cuối cùng, khi đến được nơi này, người ta sẽ cảm thấy thú vị khi được gặp những con người thậm chí không phân biệt nổi nước Trung Hoa của Mao Trạch Đông với nước Trung Hoa của Triển lãm thế giới sắp tới tại Thượng Hải. Những người lớn vào buổi tối thường xuyên tụ tập xung quanh một chiếc radio cũ rích để nghe tin tức từ những nơi rất xa. Những thành công lớn của đất nước trong công cuộc chinh phục thế giới họ cũng chưa bao giờ được chứng kiến. Những lời hứa hẹn của các nhà kỹ trị hôm nay được coi như những câu chuyện cổ tích kỳ ảo, hệt như những kế hoạch cộng sản bị Đặng Tiểu Bình xóa bỏ cách đây 30 năm.

 

Zhaoxing nằm ở Đông Nam Trung Quốc, giữa những ngọn núi và các cánh đồng lúa của tỉnh Quý Châu, tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Cánh đàn ông trong làng giờ chỉ toàn hoặc là những người già, hoặc những đứa trẻ sơ sinh, vì những người đàn ông trong độ tuổi lao động đều đã hoặc đi làm nông, hoặc làm việc trong các nhà máy ở tỉnh Quảng Đông. Họ sống với thu nhập chỉ nửa đôla Mỹ một ngày, các trường học trống rỗng và những ai ốm đau hầu như không được chữa trị. Năm nay, cơn hạn hán kéo dài từ tháng 10/2009 đến giờ đã làm cho tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Những mương nước ở nhiều nơi đã cạn khô trơ cả đáy và ở những nơi có nước, lượng nước đọng lại chỉ đủ dùng. Chính quyền khuyến cáo người dân hãy đợi cho váng lắng xuống vài ngày sau mới được uống. Trưởng làng, Xiong Jinlong, chỉ có thể lên nắm quyền sau khi những nhà lãnh đạo già trong làng chết đi. Vấn đề quan trọng đối với ông là "làm gì". Lần đầu tiên kể từ nhiều năm nay, từ ngữ ấy trở thành một khái niệm gì đó ám ảnh khôn nguôi, khi đất nước đang dần trở thành một cường quốc về kinh tế và ngày càng chiếm vai trò chủ đạo trong các vấn đề quốc tế. Nỗi sợ hãi của việc "không làm gì" chế ngự cả những vùng đất giàu có ở phía Nam , tại trung tâm của chủ nghĩa tư bản phương Đông. Ngay cả ở Hồng Công, 13 năm sau khi được chuyển giao cho Trung Quốc, dường như không hề thuộc về Trung Quốc. Người ta bây giờ có thói quen sử dụng một thuật ngữ mới, "Hồng Công hóa", nhằm chỉ mốt chuyển các đô thị theo hướng phương Tây, xây nên những ngôi nhà chọc trời, mở rộng các ngân hàng và trung tâm thương mại.

 

Ánh sáng từ những cây đèn neon và thủy tinh sáng chói từ những tòa nhà cao ngất phản chiếu lên mặt nước lạnh lẽo của vịnh Hồng Công. Làm ăn vẫn luôn là làm ăn. 25 tỷ phú của bán đảo giàu nhất Trung Hoa lục địa vẫn sống ổn ở những khu sang trọng thuộc "đất mới", Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. Tỷ phú Li Ka-Shing vừa bỏ ra 670 triệu USD để mua 13 hécta đất, luôn đi lại trên một chiếc Bentley và sống trong một khu dinh cơ trị giá 60 triệu USD. Li không uống chè của mình, vì nói rằng có thể nó không ngon. Cả những người dân của cái làng nghèo đói và hẻo lánh Zhaoxing cũng hàng nghìn hàng vạn gia đình nghèo khác ở Trung Quốc cũng nghĩ như thế. Những ngôi nhà rách nát và nghèo đói ở Quý Châu và những tòa nhà chọc trời ở VictoriaPeak là mặt thất bại của một thành công lớn. Người ta nhìn thấy được điều ấy, nhưng chính việc "không biết phải làm gì" vì không thể ngừng lại được quá trình tăng trưởng liên tục đã trở thành một nỗi ám ảnh lớn lao ở một nước Trung Hoa hai mặt. Một bức Vạn lý trường thành lớn đang ngăn cách những siêu đô thị giàu có chạy dọc bờ biển phía Đông với các vùng nông thôn lục địa, vài nghìn người giàu nứt đố đổ vách với 1 tỷ người nghèo khổ, những người sinh ra ở thành phố và những người chào đời ở nông thôn. Hơn 20 năm qua đã như thế rồi. Bây giờ, người dân bắt đầu cảm thấy hoảng hồn trước một quá trình tăng tốc kinh tế trước nay chưa từng thấy, càng tạo ra hố ngăn cách lớn thêm nữa. Nước Trung Hoa hai mặt thực ra giờ đã tách làm ba.

 

Nước Trung Hoa đầu tiên có 800 triệu dân và 200 triệu người di cư không có bất cứ quyền lợi gì với mức thu nhập chỉ 25 USD một ngày. Nước Trung Hoa thứ hai có 250 triệu công nhân và doanh nghiệp nhỏ với một vài đặc quyền đặc lợi, sống với thu nhập tổng cộng khoảng 3.000 USD/năm sống trong các khu đô thị. Nước Trung Hoa thứ ba có 50 triệu đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các nhà lãnh đạo chính trị và 89 tỷ phú cùng nhau nắm vận mệnh chính trị và kinh tế của quốc gia. Trung Quốc hiện đang đứng thứ 2 trên thế giới về số lượng người nghèo, sau Ấn Độ, đứng sau châu Âu về giai cấp trung lưu và còn thua xa Mỹ về số người giàu. Trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới trong tất cả các lĩnh vực này và đạt một kỷ lục mà trên thực tế chẳng có gì vui vẻ lắm. Đấy sẽ không chỉ là quốc gia có số lượng người giàu và nghèo cao nhất thế giới mà còn là quốc gia duy nhất thế giới trong 20 năm qua không những giảm được số lượng người nghèo mà còn làm cho con số đó tăng gấp đôi. Đối với những ai sống trong cảnh đói nghèo, thì kể từ năm 1995, mức độ nghèo đói của họ đã tăng gấp đôi, trong khi số người giàu tăng gấp 8 lần. Thế hệ đầu tiên, những người đã hoàn thành xong ý nguyện xây dựng đất nước của các bậc ông cha, đang già đi. Họ gồm 170 triệu người trên 65 tuổi và giờ gần như đã bị gạt ra ngoài guồng quay của xã hội. Nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu lại không có đủ khả năng thay đổi để nắm lấy vai trò mới. Yan Chengzhong, Giám đốc Viện phát triển kinh tế của Đại học tổng hợp Donghua cho rằng "Lần đầu tiên, thế giới được lãnh đạo bởi một quốc gia có sự hòa trộn giữa chủ nghĩa cộng sản theo chính sách tập trung một đảng với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nó là sản phẩm của sự kết thúc Chiến tranh Lạnh. Nhưng chính toàn cầu hóa lại đòi hỏi mô hình ấy cần những sáng tạo mới".

 

Trong vòng 2 năm tới, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ rời khỏi vũ đài chính trị. Những hình ảnh của Zhaoxing và Hồng Công không chỉ đại diện cho 2 mặt của nước Trung Quốc mà còn phản ánh sự bất lực của quyền lực và những hạn chế của Trung Quốc. Hạn chế đầu tiên, cùng với chính sách một con, là hộ khẩu. Chính sách cư trú được đưa ra vào năm 1958 này là để đảm bảo cho các công dân, ở đây là người vô sản, thể hiện sự vượt trội của mình so với nông dân. Điều ấy giờ vẫn còn có ảnh hưởng trong cả thời đại của Internet. Đối với nhà nước, con cháu của những người nhập cư nông thôn ra thành thị cũng vẫn cứ là nông dân, trong khi bản thân những người ấy có khi cả đời chưa nhìn thấy cái cày là gì. Nhưng sự tăng trưởng kinh khủng của Trung Quốc, động lực phát triển đối với cả phương Tây, được dựa trên việc vắt kiệt sức lực của hơn 200 triệu "lao động", những người thậm chí không có cả quyền được sống ở nơi mà họ có thể sống, ngay trong đất nước của mình. Điều đáng lo ngại là thế hệ thứ hai, giờ đã tỉnh ngộ. Trước khi diễn ra Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Trung Quốc, 13 tờ nhật báo đã đồng loạt đăng một xã luận nhằm chống lại chính sách hộ khẩu. Thế nhưng bài báo ấy đã bị kiểm duyệt trên Internet, còn tác giả của nó, Phó Tổng biên tập tờ "Người quan sát kinh tế", bị sa thải. Giữa Zhaoxing và Hồng Công đã bắt đầu mọc lên một sa mạc xã hội, với 37 triệu công nhân mất việc làm khi mùa Xuân đến, 20 triệu "phụ nữ mất việc", 58 triệu trẻ em sống ở các thành phố nhưng không đủ điều kiện để đến trường, 1 triệu cử nhân ra trường không kiếm được việc làm.

 

Nước Trung Quốc già nua của chủ nghĩa tư bản, vô địch trong việc bán ra các sản phẩm nhưng lại bất lực trong việc tạo ra những ý tưởng mới mẻ cho riêng nó và cho thế giới, đang lâm vào hoàn cảnh giống hệt châu Âu và nước Mỹ hiện tại. Đấy là một tin rất xấu và Xie Jianshe, nhà phân tích tài chính đã rời Hồng Công đến Thượng Hải để làm chuyên gia tài chính, có thể giải thích điều đó một cách rất đơn giản. Theo anh, Trung Quốc vẫn là một nước cộng sản và điều đó thể hiện ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua. Để vượt qua cuộc khủng hoảng ấy, Bắc Kinh đã bỏ ra 586 tỉ USD ngân sách để hỗ trợ nền kinh tế. Số tiền ấy chảy vào các hệ thống đường sá giao thông, các nhà máy cũ kĩ và những tòa nhà chọc trời vốn là của chính họ. Ngay cả đất đai cũng thuộc nhà nước quản lý, cũng như các ngân hàng vốn thường đưa ra các khoản vay. Để kiếm tiền và sự nghiệp, 45 triệu quan chức địa phương đã đem bán các lô đất của mình. Cùng với những hợp đồng kếch xù và các khoản vay thế chấp, 75 triệu đảng viên sống ung dung. 70% GDP của Trung Quốc, với mức tăng trưởng kỳ ảo trong suốt 10 năm liên tiếp ở mức 8%, chính là khoản tiền mà nhà nước chuyển sang cho chính họ. Xie Jianshe nói: "Nhưng theo cách ấy, số người tiêu dùng trong nước không hề tăng lên trong khi giá đất và các bất động sản bắt đầu tăng, đồng nhân dân tệ không thể phá giá. Việc đô thị hóa và xuất khẩu hàng hóa là 2 trụ cột phát triển của Trung Quốc. Quá trình đô thị hóa là giả tạo, cũng như bong bóng bất động sản mà các ngân hàng kích thích và điều khiển là theo sự chỉ đạo của chính phủ. Quá trình thứ hai chủ yếu nhằm vào các hàng hóa ít giá trị công nghệ nhằm làm giảm áp lực lạm phát từ phía bên ngoài".

 

Nhiều triệu phú Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở Hồng Công và Thượng Hải, cho rằng đất nước Trung Hoa hai mặt này vẫn sẽ chia rẽ làm ba, bởi "nó cần phải tồn tại như vậy". Nó tồn tại bởi nó cần phải sản xuất hàng hóa cho phương Tây, nhờ hàng triệu người Trung Quốc bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi không có đủ tiền tiết kiệm để mua nhà cửa và các đồ tiêu dùng khác. Nhưng còn một điều nguy hiểm hơn nữa đang tồn tại: thiếu những cải cách cần thiết. Theo Xie Jianshe: "Sự ổn định luôn là điều được các nhà lãnh đạo dưới ảnh hưởng của Mao Trạch Đông nhấn mạnh và họ chết già mà không hề hiểu được Warren Buffet (tỷ phú người Mỹ). Chưa bao giờ cái gọi là những người "bán hàng phương Đông" lại phải nai lưng ra làm việc nhằm giải quyết vấn đề nợ nần của những cái gọi là "khách hàng phương Tây" đến như thế. Đối với những người nông dân bị quên lãng của tỉnh Quý Châu, tình trạng "hỗn loạn về lợi ích" như thế đơn giản chỉ là "chiếc áo pijama đã được giặt sạch của sự bất công xã hội". Trong vòng 6 tháng qua, hơn 60 nghìn công nhân đã bị sa thải khi các nhà máy lần lượt đóng cửa. Nước Trung Quốc của những công xưởng và nhà máy sản xuất hàng hóa cho thế giới giờ đang đứng trước nguy cơ "mất giá", khi lần đầu tiên các nhà đầu tư rời bỏ Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, những mỏ vàng của thế giới toàn cầu hóa những năm đầu thế kỷ 21, để sang Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Nhà văn Han Han, người đã bán được hơn 2 triệu cuốn tiểu thuyết của mình và blog của anh được hơn 300 nghìn người truy cập mỗi ngày, nói: "Các nhà lãnh đạo của chúng tôi là những kẻ mơ mộng. Chúng tôi muốn trở thành Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau 10 năm, chúng tôi trở lại với gấu trúc và trà xanh". Một so sánh kỳ quặc, nhưng đầy thực tế. Trung Quốc cho rằng quá trình tăng trưởng của họ là hoàn hảo và khi đã gần đạt được mục tiêu, họ nhận ra rằng cỗ máy đang trục trặc. Xie Jianshe kết luận: "Nếu không có những cải cách, thời kì quá độ sẽ trở thành một quá trình đi sửa chữa những sai lầm".

 

Vào thời điểm chúng tôi chia tay, những người dân ở làng Zhaoxing bắt đầu hát bài hát đang phổ biến ở thủ đô: "Chúng ta đã chất lên lưng những con lừa hàng túi vàng". Trong khi ấy, tỉ phú Li Ka-shing qua đêm một cách yên ả ở Hồng Công, sau khi nhảy và hát theo điệu nhạc của Michael Jackson. Điều ấy chẳng có gì mới. Nhưng trong cái thế giới mà họ gọi là phát triển hài hòa ấy, 2 nước Trung Hoa cũ kĩ giờ đây đang sống trong sự lo ngại và không biết họ có thể "hoàn thành" sứ mệnh xây dựng đất nước của mình không./.