Cho đến nay, các nỗ lực phát triển hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực bao gồm cách tiếp cận chính thức của ASEAN, cách tiếp cận không chính thức từ phía các cơ quan học thuật cách tiếp cận không chính thức của các quan chức về biển Đông với tư cách cá nhân của họ. Cách tiếp cận chính thức đã cho ra đời Tuyên bố Ứng xử giữa các Bộ trưởng Ngoại giao của các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002, giữa Trung Quốc và Philipin, giữa Philipin và Việt Nam trong việc phát triển các biện pháp xây dựng lòng tin hoặc Quy tắc Ứng xử giữa hai nước. Thông qua tiến trình Hội thảo về Quản lý các Xung đột Tiềm ẩn ở Biển Đông từ năm 1990, Indonexia đã đề xuất cách tiếp cận không chính thức. Tuy nhiên, cần chú ý rằng trong khi cách tiếp cận chính thức không bao gồm Đài Loan (Trung Quốc Đài Bắc) trong tiến trình, nhưng lại bao gồm My-an-ma – quốc gia là thành viên của ASEAN mặc dù không nằm ở Biển Đông, thì cách tiếp cận không chính thức lại bao gồm Đài Loan, coi đây là một “thực thể” trong các vấn đến Biển Đông mặc dù không có quốc gia nào trong khu vực biển Đông có quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Mục tiêu của hội thảo không chính thức về Biển Đông không nhằm giải quyết các tranh chấp liên quan đến lãnh thổ giữa các nước tuyên bố chủ quyền lãnh thổ khác nhau mà là đạt được 3 muc tiêu: (1) Tạo ra các chương trình hợp tác trong đó tất cả các nước có liên quan có thể tham gia, (2) Thúc đẩy đối thoại giữa các bên có lợi ích liên quan trực tiếp để các nước có thể tìm ra cách giải quyết cho các vấn đề của mình, và (3) là phát triển tiến trình xây dựng lòng tin để mọi người đều cảm thấy thoải mái với nhau.

Kể từ khi bắt đầu, Hội Thảo về Biển Đông đã có những bước tiến triển và đi đến thỏa thuận ở một số quyên tắc cơ bản trong việc Quản lý các Xung đột Tiềm ẩn. Hội thảo lần thứ 2 ở Băng Đung vào tháng 7 năm 1991 đã khuyến nghị đến các chính phủ có liên quan, sau đó trở thành các nhân tố cho các tuyên bố hoặc nguyên tắc ứng xử về Biển Đông, như:

 a.            Thăm dò các khu vực hợp tác ở Biển Đông mà không gây phương hại đến các tuyên bố pháp lý và các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ

b.            Các lĩnh vực hợp tác như trên có thể bao gồm hợp tác thúc đẩy an toàn hàng hải và giao thông liên lạc, phối hợp tìm kiếm và cứu nạn, chống hải tặc và cướp có vũ trang, thúc đẩy việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên sinh vận, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, phối hợp thực hiện các nghiên cứu khoa học về biển, và loại trừ buôn bán thuốc phiện trái phép trên Biển Đông.

c.            Trong các khu vực nơi có các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ xung đột nhau, các bên có liên quan có thể xem xét khả năng hợp tác vì lợi ích chung bao gồm cả việc trao đổi thông tin và cùng khai thác.

d.            Bất kì tranh chấp pháp lý nào hoặc tranh chấp lãnh thổ nào ở khu vực Biển Đông nên được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán

e.            Không nên sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp pháp lý và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

f.             Các bên có liên quan trong các tranh chấp trên nhất định cần phải tự kiềm chế để tránh phức tạp hóa tình hình.

Kinh nghiệm về các vấn đề Biển Đông cho thấy hợp tác khoa học và kỹ thuật tương đối dễ đạt được hơn là hợp tác về phân bổ các nguồn tài nguyên, khó hơn nữa là các vấn đề liên quan đến lãnh thổ, chủ quyền và quyền tài phán. Ví dụ, liên quan đến việc thúc đẩy hợp tác, đã có thỏa thuận trong việc tìm hiểu một số phương pháp hợp tác, trong đó đã đưa đến việc thực hiện một số phương pháp như thăm dò sự đa dạng sinh học, và một số thăm dò đã được thực hiện như quan sát hiện tượng mực nước biển tăng và các theo dõi liên quan đến môi trường. Các chương trình đào tạo chung do Trung Quốc và Đài Loan chủ trì dành cho Mạng lưới giáo dục và Đào tạo Đông Nam Á (SEANET) cũng đang được Đài Loan (2010) và Trung Quốc (2011) phối hợp thực hiện với chi phí do mỗi bên tự lo, với sự tham gia của các nước có liên quan đến Biển Đông.

Về vấn đề thúc đẩy đối thoại giữa các bên, Trung Quốc và Việt Nam cũng đã đi đến thỏa thuận về việc phân định vùng biển ở Vịnh Bắc Bộ (Tonkin) và một số ví dụ như hợp tác chung khai thác đánh bắt cá ở trong khu vực. Việt Nam và Indonexia cũng đã đi đến thỏa thuận về phân định thềm lục địa lần lượt ở phần phía Nam Biển Đông và phía Bắc Natuna.

Về vấn đề thúc đẩy tiến trình Xây Dựng Lòng tin, như đã đề cập ở trên ASEAN và Trung Quốc đã thỏa thuận Tuyên bố Ứng xử với Trung Quốc năm 2002. Trung Quốc và Philipin (năm 1995), cũng như Việt Nam và Philipin (năm 1996) cũng đã thỏa thuận một số Quy tắc Ứng xử giữa các nước này. Hầu hết, các nội dung của các Tuyên bố Ứng xử này giống với các Tuyên Bố Hội thảo năm 1991. Trước đây, các nước hiểu là không được chiếm các điểm (đảo/đá) mới cũng như không được gia tăng quân sự ở biển Đông. Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng gần đây một số các cách ứng xử được thỏa thuận không được một số các bên có liên quan tuân thủ.

 

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

 

Giáo sư, tiến Sỹ Hasjim Djalal, MA

 

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Indonesia

 

 

Bản gốc tiếng Anh: “The South China Sea: Cooperation for Regional Security and Development

Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.