1. Bốn mốc sự kiện lớn trong thay đổi hệ thống quốc tế 


Hệ thống quốc tế xưa nay là tiền đề quan trọng để nắm bắt thời cuộc. Nó bao gồm nhiều yếu tố như đặc trưng thời đại, cục diện thế giới, trật tự quốc tế, chiến lược phát triển. Cũng chính vì vậy, hệ thống quốc tế thường mang tính ổn định tương đối, quá trình hình thành, phát triển, phong phú, suy yếu, sụp đổ hoặc chuyển đổi đều tương đối dài. Một khi hệ thống quốc tế thay đổi, thì so sánh lực lượng, lựa chọn chiến lược, quan hệ quốc tế, thậm chí vấn đề điểm nóng đều nảy sinh những thay đổi lớn, thường nói là “dứt dây động rừng”. 

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, vấn đề thay đổi hệ thống quốc tế đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Mọi người luôn tìm cách từ mỗi một “mốc sự kiện” hoặc giai đoạn đặc biệt nào đó nắm bắt một chút manh mối dấu ấn của thay đổi hệ thống, thử lấy những danh từ mới để định nghĩa, từ đó ra đời rất nhiều cách nêu vấn đề như “hậu Chiến tranh Lạnh”, “hậu hậu Chiến tranh Lạnh”.... Nhưng Chiến tranh Lạnh kết thúc nhiều năm, vẫn chưa có đánh giá chung về hệ thống quốc tế mới đã hình thành chưa, mối quan tâm và các cuộc bàn luận về sự thay đổi hệ thống quốc tế cũng không liên tục. Những cuộc thảo luận này trở nên sôi nổi sau “sự kiện 11/9” năm 2001, và cuộc khủng hoảng tiền tệ “15/9” năm 2008 được đẩy lên cao trào, trở thành chủ đề các nhà chiến lược quốc tế cùng quan tâm. Các chiến lược gia nổi tiếng quốc tế như Kissinger, Brzezinski, Richard Haass, Zakaria, Kishore Mahbuba đều cho rằng hệ thống quốc tế đã nảy sinh những biến đổi căn bản. 


Nếu những thay đổi hệ thống quốc tế trước đây nảy sinh qua một cuộc chiến tranh thế giới, nên tương đối dễ nhận ra tiêu chí hoặc ranh giới của sự thay đổi, thì những thay đổi hệ thống hiện nay nảy sinh trong bối cảnh thời đại phát triển hòa bình, do đó giới hạn từ biến đổi lượng đến biến đổi chất tỏ ra không rõ ràng. Nhưng bốn mốc sự kiện quốc tế lớn nảy sinh trong năm 2008-2009 và biến đổi mới của cục diện kinh tế chính trị quốc tế bộc lộ đằng sau những sự kiện đó đã từ nhiều góc độ thể hiện rõ một thời đại và hệ thống quốc tế hoàn toàn mới đang đến gần. 


Trước tiên là cuộc xung đột Nga - Grudia bùng nổ ngày 8/8/2008.

 

Nga dám dùng vũ lực trên quy mô lớn đối với Grudia, vậy mà Mỹ - Châu Âu “dám phẫn nộ và dám lên tiếng phản đối” mà không dám thực thi trừng phạt với Nga, chí ít phản ánh hai sự thật quan trọng. Thứ nhất, trải qua gần 20 năm thăng trầm và biến đổi, dưới sự chỉ dẫn của “đường lối Putin”, Nga một lần nữa nổi lên là một thế lực mạnh, cao giọng trở lại trung tâm vũ đài chính trị kinh tế quốc tế. Thứ hai, Mỹ và Châu Âu bị hạn chế bởi những khó khăn ở trong và ngoài nước, lại phải dựa vào nguồn năng lượng của Nga, chẳng biết làm cách gì trước hành động quân sự của Nga, muốn giúp Grudia mà lực bất tòng tâm. Nếu như Liên Xô tan rã đánh dấu Chiến tranh Lạnh kết thúc, thì sự phục hưng của nước Nga đang đánh dấu chấm dứt “thời đại hậu Chiến tranh Lạnh” kéo dài 20 năm . 

Dường như sự kiện lớn thứ hai nảy sinh cùng khoảng thời gian trên là việc tổ chức thành công Thế Vận Hội Bắc Kinh.

 

Sự kiện này nhìn nhận riêng rẽ thì không thể nói lên điều gì, nhưng nếu từ góc nhìn Phương Tây để nhận định sự vươn lên của Trung Quốc, thì việc tổ chức thành công Thế Vận Hội Bắc Kinh mang ý nghĩa cột mốc. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhận định của Phương Tây đối với Trung Quốc trải qua mấy giai đoạn. Năm 1992 là năm kết thúc của giai đoạn thứ nhất, cùng với việc Đại hội 14 Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tinh thần những bài phát biểu của Đặng Tiểu Bình trong chuyến tuần tra phía nam và nội dung xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa vào đường lối chung của Đảng, “thuyết về sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc” cơ bản không còn chỗ đứng trong các học giả có lý trí. Điểm kết thúc của giai đoạn thứ hai là Đại hội 16 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2002. Cơ quan quyền lực chính trị cao nhất của Trung Quốc đã thực hiện sự chuyển giao hòa bình, chỉnh thể và toàn diện, báo trước sự phá sản của một luận điệu khác của Phương Tây là “thuyết về sự sụp đổ của chính trị Trung Quốc”. Năm 2008, trên thực tế Phương Tây đã rút ra kết luận thứ ba, là xã hội Trung Quốc không thể tan vỡ. Bởi trong năm 2008 Trung Quốc phải đương đầu với hàng loạt sự kiện lớn nối tiếp nảy sinh, như bạo loạn Tây Tạng 14/3, động đất Vấn Xuyên 12/5, Thế Vận Hội Bắc Kinh 8/8 và xoay quanh cuộc truyền rước đuốc bên ngoài, Trung Quốc chẳng những không loạn, mà còn thể hiện sức hội tụ dân tộc, khả năng động viên xã hội và thực lực kinh tế hùng hậu, cộng thêm tinh thần yêu nước đầy lý trí của thế hệ trẻ ra đời ở thập kỷ 80 và 90 thể kỷ 20 khiến cho người Phương Tây không sao hiểu nổi thậm chí hết sức kinh ngạc. Và trong cuộc khủng hoảng tiền tệ ngay sau đó, Trung Quốc chẳng những không xuất hiện khủng hoảng lớn, mà còn dám tuyên bố tỉ lệ đảm bảo tăng trưởng GDP 8%, trong khi tất cả các nước lớn đều xuất hiện suy thoái kinh tế. Do vậy, một thời kỳ gần đây nổi lên thuyết “tập đoàn hai nước”, “Trung - Mỹ cùng cai trị”, gọi đây là dự báo tương lai của một số người, không bằng gọi đây là kết luận lôgíc rút ra qua việc quan sát lâu dài sự phát triển của Trung Quốc. Nói tóm lại, Thế Vận Hội Bắc Kinh thể hiện tập trung một sự thật cơ bản đó là, sự vươn lên của Trung Quốc đã từ thời tương lai trở thành thời hiện tại. Và với sự vươn lên của Trung Quốc làm đại biểu, các nước lớn ngoài Phương Tây như Ấn Độ, Braxin, Nam Phi, Nga cũng đồng bộ vươn lên. Từ đó tạo thành một bức tranh hùng vĩ các nước lớn mới trỗi dậy đồng loạt vươn lên, quyền lực thế giới đang di chuyển mang tính lịch sử sang phía đông”, đây chính là ý nghĩa thật sự trong câu nói của Kissinger “Cục diện thay đổi lớn bốn trăm năm chưa từng có”. 

Sự kiện thứ 3 là khủng hoảng tiền tệ ngày 15/9/2008.

 

Nếu như sự kiện 11/9/2001 đã phá vỡ phòng tuyến an ninh, phòng tuyến tâm lý hình thành từ lâu của người Mỹ, bởi Mỹ được hai đại dương bao bọc, tác động nghiêm trọng đến quan điểm chiến lược và quan điểm an ninh của Mỹ, thì sự kiện 15/9/2008 đã lật nhào cách nhìn nhận truyền thống của người Mỹ và cộng đồng quốc tế đối với Phố Wall, thách thức tận gốc rễ bá quyền tiền tệ của Mỹ, cũng vì thế đã tác động đến quan điểm thực lực và thế giới quan của Mỹ. Cuộc khủng hoảng lần này bắt nguồn từ những vấn đề mang tính kết cấu tích lũy qua những biến đổi mang tính thể chế sau Chiến tranh Lạnh nên không thể một bước mà khôi phục được. Coi việc Obama được bầu làm Tổng thống là thắng lợi của hòa hợp chủng tộc ở Mỹ, không bằng nói đây là kết quả đấu tranh giữa hai đường lối, cho thấy đối mặt với những khó khăn ở trong và ngoài nước, người Mỹ không còn quá để ý đến lai lịch và màu da của một người nào đó, mà quan tâm xem ai có thể thuận theo ý dân, hăng hái biến đổi xã hội, chấn hưng bá quyền của nước Mỹ. Ngược lại, nó cho thấy mức độ khó khăn nước Mỹ đang chịu đựng. Khủng hoảng tiền tệ ngày 15/9/2008 từ một ý nghĩa nào đó, đang đánh dấu thời đại bá quyền đơn cực của Mỹ đã kết thúc và “ thời đại sau Mỹ” đang đến gần. 


Dấu mốc quan trọng thứ tư là cao trào mới của chủ nghĩa khủng bố, dịch H1N1 lan tràn trên toàn cầu, hiệu ứng thay đổi khí hậu lan nhanh, những lo lắng về tài nguyên năng lượng do giá dầu tăng lên liên tiếp nảy sinh từ 2008 đến cuối năm 2009, và những thay đổi mang tính lịch sử của cơ cấu dân số toàn cầu, các vấn đề tài nguyên nước, di dân, phổ biến vũ khí hủy diệt… Những vấn đề trên khiến “toàn cầu cùng nóng lạnh” - các nước trên thế giới cùng đối phó với những vấn đề mang tính toàn cầu trở thành một trong những nét đặc sắc rõ ràng nhất trong thời đại này. 

 

Thời đại hậu Chiến tranh Lạnh đại thể kết thúc, các nước lớn mới trỗi dậy đồng loạt vươn lên, thời đại sau Mỹ đang đến, đề tài thảo luận mang tính toàn cầu được nổi rõ, những điều này cho thấy rõ chúng ta đang chia tay thời đại cũ, bước sang thời đại mới, chia tay hệ thống cũ, xây đắp hệ thống mới. Mặc dù giới hạn của sự thay đổi còn chưa rõ ràng, nhưng chắc chắn là, một cuộc thay đổi hệ thống quốc tế mới đã ở ngay trước mắt. 


2. Năm biểu hiện chủ yếu của thay đổi hệ thống quốc tế 


Những thay đổi trong hệ thống quốc tế chủ yếu thể hiện trên năm mặt.

 

Một là thay đổi cục diện chính trị quốc tế. Tuy trước mắt cục diện chính trị quốc tế vẫn đang trong diễn biến, nhưng dường như có thể rút ra mấy kết luận cơ bản: Thứ nhất, thực lực tuyệt đối của Mỹ vẫn là số một, thực lực tương đối đang giảm sút, thời đại bá quyền đơn cực của Mỹ có thể một đi không trở lại, cho dù “chính sách mới” của Tổng thống Obama có thể chấn hưng thực lực cứng và thực lực mềm của Mỹ, Mỹ cũng rất khó tái hiện hình ảnh vinh quang của giai đoạn giữa và sau thập kỷ 90 thế kỷ 20. Mỹ vẫn là “nhất siêu”, nhưng đã rất khó mà “độc bá”. Thứ hai, thời đại hai cực trong thời gian ngắn sẽ không xuất hiện. Mặc dù người Mỹ đưa ra và toàn thế giới tuyên truyền cái gọi là nhóm G-2, nhưng với tiền đề Mỹ làm anh cả, Trung Quốc làm anh hai, không coi Trung Quốc là một cực đối đẳng. Đồng thời, về khách quan, khoảng cách thực lực giữa Trung Quốc và Mỹ còn rất lớn, về chủ quan Trung Quốc cũng không hy vọng xuất hiện cục diện hai cực. Các cường quốc khác càng thiếu sức mạnh quốc gia tổng hợp sánh ngang Mỹ. Thứ ba, tiến trình đa cực hóa tăng tốc rõ rệt, càng có thể hy vọng ở tương lai đa cực hóa. Cơ chế hóa của nhóm G-20 là sự kiện lớn đánh dấu thời đại. Nếu nói cục diện quốc tế từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt đến nay là “nhất siêu đa cường”, thì cục diện trong 5-10 năm tới càng giống như “đa cường nhất siêu”, trước kia nước Mỹ là siêu cường duy nhất nắm quyền chi phối thế giới, các nước tranh nhau quan hệ tốt với Mỹ, ngày nay các nước lớn hợp tác nắm quyền chi phối thế giới, Mỹ làm gì cũng phải chú ý phản ứng của các nước lớn. Trung Quốc từ vị thế yếu nhất trong các nước lớn đang nhanh chóng mạnh bước tới vị trí đứng đầu các nước này. 


Hai là biến đổi cục diện kinh tế quốc tế, chủ yếu biểu hiện trên mấy mặt sau: Thứ nhất, trung tâm kinh tế thế giới đang chuyển dịch từ Phương Tây sang các nước không thuộc Phương Tây. Thứ hai, trọng tâm phát triển kinh tế đang chuyển dịch từ nước lớn truyền thống sang nước lớn mới trỗi dậy. Thứ ba, trật tự tiền tệ kinh tế quốc tế đang từ chủ yếu do nước lớn Phương Tây chi phối, phát triển sang hướng phối hợp giữa Phương Tây với các nước không thuộc Phương Tây, các nước phát triển với các nước đang phát triển, vai trò của nhóm G-8 giảm bớt, tầm quan trọng của nhóm G-20 tăng lên. Thứ tư, tương lai của nền kinh tế thế giới được quyết định bởi việc sắp đặt lại kết cấu ngành nghề, khai thác điểm tăng trưởng kinh tế, và xây dựng lại trật tự tiền tệ kinh tế quốc tế mới. Công cuộc đổi mới kỹ thuật với nguồn năng lượng và mạng lưới mới làm trọng tâm, có khả năng dẫn đến một cuộc tổ chức lại quan hệ sản xuất trên qui mô lớn và đại giải phóng sức sản xuất. 


Ba là cục diện an ninh quốc tế bộc lộ một số đặc điểm mới. Trước tiên, công cuộc cắt giảm vũ khí hạt nhân ở các nước lớn với khẩu hiệu “thế giới không có hạt nhân” được tiến hành rầm rộ, nhưng công cuộc phát triển vũ khí hạt nhân ở các nước nhỏ cũng khiến toàn thế giới lo ngại, hai xu thế cùng tồn tại, tạo thành một cặp mâu thuẫn. Thứ hai, các cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước lớn và sự hợp tác giữa các nước lớn để ứng phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống hai trạng thái trên, song song tồn tại khiến hình thái an ninh quốc tế “phía đông mặt trời mọc, phía tây mưa”, khi sáng sủa lúc âm u, khi tròn lúc khuyết. Tuy có thể tránh được chiến tranh thế giới nhưng khó mà kiểm soát được các cuộc xung đột cục bộ. Thứ ba, hành động quân sự phi chiến tranh ngày càng trở thành vấn đề thảo luận chủ yếu trong hiện đại hóa quân sự, quan hệ an ninh quân sự trở thành nhân tố then chốt trong phát triển quan hệ nước lớn. 

Bốn là cạnh tranh mô hình phát triển, nhiều loại mô hình cùng tồn tại trở thành xu thế mới. Cuộc khủng hoảng tiền tệ đã làm cho mọi người nhận thức sâu sắc hơn việc đa dạng hóa mô hình phát triển. Mô hình “tự do dân chủ + kinh tế thị trường” của Mỹ-Anh bị nghi ngờ. Mô hình đại lục Châu Âu đại diện là Pháp-Đức, mô hình Trung Quốc, mô hình Nga, mô hình vùng Vịnh, mô hình châu Mỹ Latinh, mô hình Đông Nam Á, mỗi mô hình có chỗ mạnh riêng. Mặc dù thời đại “sau khủng hoảng tiền tệ” đãi cát tìm vàng, sẽ kiểm nghiệm hơn nữa tính hiệu quả và sức sống của các loại mô hình, nhưng xu thế lớn mô hình Mỹ-Anh chi phối sự phát triển của thế giới được xoay chuyển, các mô hình cạnh tranh và hòa hợp trở thành trào lưu mới, sự phát triển mạnh mẽ và va đập của các trào lưu tư tưởng và quan điểm cũng được triển khai sâu. 


Năm là những vấn đề mới đang thay đổi diện mạo quan hệ quốc tế. Những vấn đề không chủ yếu trước đây như đường hàng hải, hải tặc, quyền lợi biển, Bắc Băng Dương ấm dần, biến đổi cơ cấu dân số thế giới, nguồn năng lượng mới, thay đổi khí hậu đang trở thành trọng điểm của quan hệ quốc tế hiện nay. Những vấn đề hoặc đề tài thảo luận này không chỉ dẫn đến biến đổi mẫu hình quan hệ quốc tế, mà còn đòi hỏi mọi người phải đổi mới tư duy, cập nhật tri thức, điều chỉnh góc nhìn nghiên cứu, thay đổi biện pháp nghiên cứu, nếu không sẽ không theo kịp nhịp bước của thời đại mới.

 


3. Các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược 


“Chỉ có vịt bơi trong nước mới biết, nước sông đã ấm chưa khi mùa xuân đến.” Những người nhạy cảm với thời thế, đắm chìm trong hoạn nạn, dũng cảm biến đổi, thường “ở chốn vô thanh nghe sấm động”, càng giỏi nắm động tĩnh, ứng phó kịp thời. Các nước lớn Phương Tây vốn chiếm ưu thế trên phương diện này. Lấy Châu Âu làm ví dụ, “cỗ xe tam mã” mới Sarkory, Brown, Merke ngồi luận bàn, đánh giá sự thay đổi của hệ thống quốc tế, tính toán nước cờ tiếp theo. Sarkory đưa ra thuyết “thời đại nước lớn tương đối”, ông cho rằng thời đại một nước lớn chi phối toàn cầu đã một đi không trở lại, bất kỳ nước lớn nào cũng chỉ có thực lực tương đối, giữa các nước lớn với nhau chắc chắn chỉ có thể hợp tác, không thể làm theo học thuyết đơn phương. Brown đưa ra thuyết “Châu Âu mang tính toàn cầu”, ông cho rằng trong một thế giới cùng tồn tại “nhất siêu và đa cường”, Châu Âu chỉ có hướng tới toàn cầu mới có thể tránh khỏi bị gạt sang bên lề. Merkel đưa ra tư duy mới “NATO kinh tế”, hy vọng cùng Mỹ thực hiện ràng buộc toàn diện, ứng phó với những thách thức sâu xa do thay đổi hệ thống gây ra. Các nước lớn ở Châu Âu còn thừa thế đưa ra báo cáo chiến lược “đánh dấu thời đại”. Lần đầu tiên trong 14 năm qua, Pháp công bố chiến lược an ninh quốc gia, Anh đưa ra “Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia” đầu tiên trong lịch sử, Đảng Liên minh Đức công bố báo cáo quan trọng “Cơ hội và thách thức chiến lược của Châu Âu-Đức-Châu Á”, mưu toan chiếm được cơ hội trước tiên trong sự thay đổi hệ thống quốc tế. Sarkozy còn mượn các hành động như “ quay trở lại NATO”, xây dựng “Liên minh Địa Trung Hải” để định vị tọa độ cho tương lai. Sau khủng hoảng tiền tệ 15/9/2008, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp đề xướng cải tạo thể chế tiền tệ quốc tế hiện có, xây dựng “hệ thống Bretton Woods 2”, giới giáo dục bắt đầu xem xét một cách hệ thống những khuyết tật của “mô hình Anglo-Saxon”. Đồng thời từ tầng sâu chế độ, văn minh, nghiên cứu về phương hướng phát triển hệ thống quốc tế. Hiệp ước Lisbon cuối cùng được thông qua trên ý nghĩa nào đó là kết quả cùng mong muốn của các nước Châu Âu trong bối cảnh lớn thay đổi hệ thống. 


Các nước lớn như Nga, Nhật Bản, Ôxtrâylia cũng đang suy tính thay đổi chiến lược để thích ứng với thay đổi hệ thống quốc tế. Tổng thống Nga Medvedev nói “thời đại đa cực hóa đang đến”, công bố “Tư duy chính sách đối ngoại mới”, nêu bật nguyên tắc, bảo vệ lợi ích, đề cao thực lực trong các cuộc xung đột Nga-Grudia, đọ sức Nga-Châu Âu, trò chơi Nga-Mỹ. Ông Fukuda đưa ra “ngoại giao cộng hưởng”. Thủ tướng Nhật Yukiô Hatôyama đưa ra “Cộng đồng Đông Á”, mong đợi Nhật Bản thực hiện cân bằng trong quan hệ ngoại giao với Mỹ và Châu Á-Thái Bình Dương, vừa xây dựng quan hệ vững chắc với Mỹ, vừa liên kết với Châu Á-Thái Bình Dương, tìm cách giành chủ động trong tam giác Trung-Mỹ-Nhật, đảm bảo tiếp tục giữ vững địa vị thực lực và lợi ích chiến lược trong thay đổi hệ thống. Kevin Michael Rudd đề xướng “Cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương”, mong đợi mượn sự thay đổi hệ thống để thực hiện lợi ích quốc gia lớn nhất của Ôxtrâylia. Ấn Độ thì mọi việc thuận chiều, nắm chặt Mỹ, lôi kéo Nga, Đông tiến Châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời dựa vào sức mạnh quân sự nêu bật vị thế một cực mới trong nền chính trị quốc tế. 


Điều đáng quan tâm là, các nước đang phát triển như Ấn Độ, Braxin, Nam Phi cũng đang nảy sinh “cách nghĩ mới” trong bước ngoặt thay đổi hệ thống. Giới báo chí tiết lộ, ba nước trên đang thành lập một tổ chức được gọi là “Tập đoàn IBSa” (viết tắt bằng chữ cái đầu tiên trong tên tiếng Anh của ba nước), mưa toan gạt Trung Quốc ra khỏi khối “các nước đang phát triển”, để ba nước đảm nhiệm vai trò “người lãnh đạo” mới của các nước này, chiếm lĩnh đầu cầu trong công cuộc thay đổi hệ thống quốc tế mới. 


Với tư cách “siêu cường duy nhất”, đang gặp khó khăn ở bên trong và bên ngoài, Mỹ nhạy cảm hơn và gặp nhiều khó khăn hơn các nước khác trong thay đổi hệ thống. Những lo ngại về “hai cuộc chiến tranh, một cuộc khủng hoảng” khiến mối quan tâm của giới chiến lược Mỹ đối với hệ thống quốc tế phát triển thành việc cả nước Mỹ xem xét lại, những cuộc thảo luận liên quan thường gắn liền với việc đánh giá thành công và thất bại của chính sách Bush, quy hoạch chiến lược lớn “thời đại sau Bush”, và được thể hiện càng sâu sắc hơn. Kissinger, Brzezinski lần lượt dùng “biến đổi lớn 400 năm chưa từng có”, “biến đổi lớn lần thứ tư trong lịch sử” để miêu tả chiều sâu thay đổi hệ thống, chỉ ra, thay đổi hệ thống trước mắt là thay đổi lớn nhất từ khi xây dựng hệ thống Westphalia trở lại đây, phải lấy tầm nhìn vĩ mô thời gian và không gian để quan sát. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Richard N. Haass, và Zakaria chủ biên trang quốc tế của tờ Newsweek đã dùng “thời đại vô cực” và “thời đại sau Mỹ” để xác định phạm vi cục diện thế giới ngày nay, họ lo ngại thế giới sẽ rơi vào trạng thái không trật tự nào đó. Tác giả cuốn “Sự kết thúc của lịch sử” Fukuyama đã sửa đổi quan điểm trước đây, ông thừa nhận “lịch sử chưa kết thúc”, cái kết thúc chỉ là giấc mơ “đế quốc mới” của Mỹ. Nhà Lãnh đạo “Phái bảo thủ mới” thừa nhận “thời đại đơn cực” kết thúc, ông cho rằng thế giới đang đi vào “thời đại đối kháng ý thức hệ mới” giữa thế giới tự do Phương Tây với thế giới tập quyền Trung Quốc và Nga. Albright giữ tin tức từ lâu đã lên tiếng đầy cảm xúc, thế sự không giống một “ván cờ”, mà như chiếc bàn “Bi-a” sắc màu rực rỡ nhưng hỗn loạn. Trong bài “Xem xét lại lợi ích quốc gia” công bố trước khi rời chức, bà Rice nêu rõ, thông lệ quốc tế mấy trăm năm phần lớn đã bị lật nhào, “Các mối de dọa đến từ nội bộ một quốc gia thất bại, đúng hơn là từ giữa các quốc gia với nhau”. Trong một ý kiến hiếm thấy Cựu Giám đốc CIA Michael Hayden cho rằng “thay đổi của phân bố dân số thế giới” đứng đầu ba xu thế lớn ảnh hưởng cục diện thế giới thế kỷ 21. 


Nhìn tổng thể, các mệnh đề như “quyền lực thế giới đang di chuyển sang Phương Đông ” và “cuộc khủng hoảng thể chế ở Phương Tây”, “các nước mới trỗi dậy đang vươn lên” và “ bá quyền của Mỹ đang lụi tàn”, “quy tắc thế giới thay đổi” và “đề tài thảo luận toàn cầu đang chuyển dời”, tạo thành nội dung trung tâm của các cuộc thảo luận ở Mỹ về thay đổi hệ thống quốc tế. Để thích ứng với biến động của hệ thống, các tổ chức nghiên cứu và các cố vấn của hai đảng ở Mỹ đang xem xét đối sách, tiêu biểu là các văn kiện như “Báo cáo của Princeton” do chiến lược gia thế hệ mới Đảng Dân chủ Ikenberry chủ trì, “Báo cáo thực lực khôn khéo” được chủ trì bởi Joseph Nye và Richard Lee Armitage, hàng loạt báo cáo “Xu thế toàn cầu” của Ủy ban tình báo quốc gia, “Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia mới” do Campbell chủ trì. Các báo cáo như “các nước mới trỗi dậy”, “Chiến lược mới ở Châu Á-Thái Bình Dương”, “Chiến lược Trung Đông mới”, “Biến đổi khí hậu và an ninh quốc gia” liên tiếp ra đời, biểu hiện rõ Mỹ muốn giành quyền chủ động trong thay đổi hệ thống. Tổng thống Obama vào làm chủ Nhà Trắng, có thể nói là thời thế tạo anh hùng. Vừa nhậm chức Obama liền thực hiện nghiêm ngặt “chính sách mới”. Quan điểm chiến lược “thực lực khôn khéo” và thế giới quan “nhiều bạn” được thể hiện trong chính sách đối ngoại, chính là tư duy mới nảy sinh trên cơ sở tiếp thu đầy đủ các chủ trương cơ bản trên, kết hợp hai cục diện lớn trong và ngoài nước. Xét về bản chất, đây là sự biến thông thiết thực để Mỹ giữ vững vị trí “siêu cường duy nhất” trong bối cảnh hệ thống quốc tế thay đổi. 


4. Trung Quốc: chuyển đổi vai trò và lựa chọn chiến lược 


Trong thời đại mới thay đổi hệ thống, rốt cuộc Trung Quốc ở vị trí nào? Cần lựa chọn chiến lược nào? Có thể coi đây là vấn đề bàn luận sôi nổi nhất ngày nay. Phải nói là trong thay đổi hệ thống, Trung Quốc vừa đang “tự xoay chuyển”, cũng đang “cùng xoay chuyển”, Trung Quốc trỗi dậy vừa là lực đẩy quan trọng, vừa là kết quả chủ yếu trong thay đổi hệ thống. Những biến đổi của cục diện chính trị, kinh tế, quốc tế trên mức độ rất lớn là do biến đổi lượng nảy sinh khi Trung Quốc vươn lên. Đồng thời, kết quả của diễn biến cục diện thế giới là, Trung Quốc đứng mũi chịu sào. Trung Quốc vừa phải tiếp tục kiên trì cải cách mở cửa thực hiện “tự chuyển động”, giữ cho chính trị, kinh tế, xã hội trong nước ổn định, vừa phải theo sát nhịp bước thời đại thực hiện “cùng chuyển động” , gắn với vận mệnh thế giới trong điều kiện toàn cầu hóa, do đó so với các nước khác, Trung Quốc cần nhạy cảm hơn và nhanh chóng thích ứng với thay đổi hệ thống.

 
Trước mắt, một vấn đề đang được giới học thuật Trung Quốc thảo luận rất nhiều là xác định vai trò của Trung Quốc trong thời đại mới, do tư duy quá nhiều chiều, góc nhìn đa dạng, đến ngày nay vẫn thiếu một đáp án thống nhất. Chúng tôi cho rằng xét từ góc độ, địa vị thực lực biến đổi hệ thống và quan hệ quốc tế, Trung Quốc đồng thời có bốn thân phận khác nhau, là một quốc gia “bốn hợp một”. Trung Quốc trước tiên là nước lớn đang phát triển, bất luận từ nguyên tắc chính trị, chiến lược phát triển, phương châm ngoại giao hay từ thực lực khách quan, Trung Quốc vẫn trong giai đoạn quốc gia đang phát triển. Trung Quốc vừa là nước lớn đang vươn lên, vừa là một trong “bốn nước BRIC” (bao gồm: Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), là cột mốc quyền lực thế giới đang di chuyển sang phía đông và sự vươn lên của các nước lớn mới trỗi dậy. “Trung Quốc vươn lên” trở thành ký hiệu mới mẻ nhất của Trung Quốc ngày nay. Trung Quốc còn là cường quốc cấp thế giới, mặc dù phạm vi hoạt động và phạm vi lợi ích của Trung Quốc còn hạn chế ở Đông Á, các học giả Trung Quốc phần nhiều định vị Trung Quốc là “nước lớn khu vực có ảnh hưởng toàn cầu nhất định”, nhưng bất luận từ vị thế một trong 5 ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, hay tổng lượng kinh tế, dự trữ ngoại hối, quy mô dân số, quy mô địa lý và ảnh hưởng quốc tế, tình thế phát triển, Trung Quốc đều xứng đáng với danh hiệu cường quốc cấp thế giới. Trung Quốc là “bán siêu cường”, dù thích hay không, Trung Quốc đã được rất nhiều quốc gia coi là nước lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Xác định thân phận của quốc gia được quyết định bởi tự mình đánh giá mình, còn được quyết định bởi người khác đánh giá mình, nếu các nước khác coi Trung Quốc là “bán siêu cường”, thì Trung Quốc không thể né tránh hiện thực này, nếu không sẽ dẫn đến những nhận thức lệch lạc rất lớn, ảnh hưởng đến phán đoán chiến lược. 


Trung Quốc đồng thời ở trong cục diện nhiều thay đổi phức tạp. Một là cùng tồn tại “lục hóa”. Trung Quốc vừa ở giữa đường công nghiệp hóa, vừa bước mạnh vào tin học hóa; vừa ở giai đoạn đầu của đô thị hóa, vừa bộ phận bước tới quốc tế hóa; vừa chưa hoàn thành bố cục khu vực hóa, vừa phải đối mặt với áp lực toàn cầu hóa. Cái hay là có nhiều không gian phát triển, ăn cả gói; chỗ dở là phải đồng thời đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, rủi ro tăng mạnh. Hai là “hai chủ nghĩa lớn” nổi rõ. Đối nội, “chủ nghĩa nhà nước” kiểu mới đang hình thành, chuyển khí đốt từ Tây sang Đông, đưa nước từ Nam lên Bắc, tuyến đường sắt Thanh Tạng, khai phá miền Tây, chấn hưng Đông Bắc, Miền Trung vươn lên, các mảng khu vực ở Trung Quốc bắt đầu được kinh tế thị trường thực sự nối liền thành một khối. Ý thức “người Trung Quốc”, quan niệm nhà nước dân tộc hiện đại, “ý thức công dân” ngày càng trở thành nhu cầu tự giác của mọi người, vượt trên ý nghĩa chính trị và ý thức hệ trước đây. Từ đó dẫn đến các vấn đề phức tạp như mất cân bằng khu vực, xung đột dân tộc. Về đối ngoại, chủ nghĩa dân tộc mới phát triển mạnh, vừa có chủ nghĩa dân tộc lý tính lành mạnh, vừa pha trộn chủ nghĩa dân túy phi lý tính. Chủ nghĩa quốc gia mới và chủ nghĩa dân tộc mới đem lại “nhân khí” không thể thiếu để Trung Quốc trỗi dậy, thể hiện tinh thần một lòng vươn lên, đồng thời cũng nảy sinh những “tính cách” không bình thường. Ba là, hai cục diện lớn trong và ngoài nước chưa bao giờ gắn chặt với nhau như ngày nay. Tình hình Ápganixtan-Pakixtan với Tân Cương, Ấn Độ với Tây Tạng, Mianma với Vân Nam-Tứ Xuyên-Quý Châu, Triều Tiên với Đông Bắc, Nội Mông với Ngoại Mông cấu kết với nhau. Cái hay là có thể “từ đối nội ra đối ngoại”, thừa thế mở rộng lợi ích quốc gia của Trung Quốc; cái dở là rủi ro từ bên ngoài cũng có thể “đổ vào trong nước”, làm cho lợi ích quốc gia càng dễ chịu ảnh hưởng của môi trường bên ngoài. Bốn là cục diện lớn ổn định và cục diện nhỏ hỗn loạn, cây chưa to đã đón gió trước, nay cây đã lớn càng đón gió mạnh hơn. Nhìn ra xung quanh, cục diện hỗn loạn ở Ápganixtan-Pakixtan, khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên, cục diện nguy hiểm ở Mianma, cộng thêm những trục trặc giữa Trung Quốc-Ấn Độ, sóng gió ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), xung quanh Trung Quốc “mây mù bao phủ”. Nhưng nhìn từ góc độ khác, tổng thể quan hệ Trung-Nga ổn định, quan hệ Trung-Nhật ấm dần trở lại và tốt lên, quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan phát triển hòa bình. Chỉ cần ba trục Nga, Nhật Bản, Đài Loan ổn định thì xung quanh Trung Quốc không còn trở ngại lớn nào nữa. Tình hình này ngược lại đòi hỏi Trung Quốc phải biết nhìn nhận môi trường xung quanh, một cách biện chứng, đừng vì hỗn loạn nhỏ mà tự làm rối loạn thế trận của mình, cũng không vì tình hình chung ổn định mà coi nhẹ kế hoạch chiến lược. 

Nhiều thân phận và nhiều tiến trình cùng tồn tại đã quyết định tình hình Trung Quốc phức tạp và lợi ích quốc gia đa nguyên, đòi hỏi chúng ta lấy đa dạng hóa ngoại giao để thể hiện đặc điểm nhiều thân phận, như: trong lĩnh vực thay đổi khí hậu, Trung Quốc là nước đang phát triển, lại là một nước lớn trên thế giới. Trung Quốc không thể gánh vác trách nhiệm giảm khí thải theo tiêu chuẩn Mỹ-Âu. Mỹ và Châu Âu đã hoàn thành giai đoạn công nghiệp hóa, bắt đầu đi vào thời đại hậu công nghiệp hóa và tin học hóa, trong khi Trung Quốc còn đang ở giữa thời kỳ công nghiệp hóa. Cho nên Trung Quốc nhấn mạnh tiêu chuẩn lịch sử, tiêu chuẩn bình quân đầu người người. Nhưng Trung Quốc quả thực lại không thể lẩn tránh nghĩa vụ cần gánh vác của một nước lớn trên thế giới, do vậy kiên trì đảm nhận “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt”, cho thấy nguyện vọng chính trị và ý thức hợp tác. Trên các phương diện như lĩnh vực kinh tế, quyền lợi biển, Trung Quốc là một nước lớn đang trỗi dậy, chiều rộng lợi ích quốc gia tất phải đi vào vũ trụ, đặt chân tới biển sâu, kinh tế phải “hướng ra ngoài”, quân sự phải hiện đại hóa, đây là xu thế khách quan không chuyển dịch theo ý chí con người. Phản ứng của thế giới bên ngoài là điều khó tránh khỏi, nhưng phần nhiều là phản ứng tâm lý bình thường, phải nhạy cảm nắm bắt và ứng phó thỏa đáng, cũng không nên vì thế mà tự trói buộc tay chân mình. Trong lĩnh vực tiền tệ quốc tế, Trung Quốc càng nổi rõ thân phận “một nước lớn trên thế giới”, không những vì mức dự trữ ngoại hối rất lớn, mà còn vì Trung Quốc bắt đầu trở thành lực lượng quan trọng để ổn định thị trường tiền tệ quốc tế, thuyết “cân bằng khủng hoảng tiền tệ” Trung-Mỹ nói từ một khía cạnh khác cho thấy vị thế rất quan trọng của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Cũng vì thế, Trung Quốc không những cần tăng tốc cải tạo và tái tạo thể chế tiền tệ trong nước, mà còn phải phát huy vai trò trong cuộc xây dựng lại trật tự tiền tệ quốc tế, trong đó cơ chế nhóm G-20 vừa thành lập là một vũ đài quan trọng. 


Với nhiều lợi ích kể trên tất phải điều chỉnh một số quan niệm chiến lược, như nhất định phải kiên trì, nguyên tắc không can thiệp công việc nội chính, nhưng đồng thời cũng cần tiến cùng thời đại, bổ sung nội dung. Trên thực tế, giữa không can thiệp nội chính và đảm nhận trách nhiệm quốc tế, mở mang phát triển lợi ích hải ngoại có không gian vận hành rất lớn, chỉ cần Liên Hợp Quốc ủy quyền, nước đương sự hoan nghênh, có lợi cho sự ổn định trong khu vực và trên thế giới, hành động đó không trái nguyên tắc không can thiệp nội chính. Còn nữa, vấn đề ý thức hệ trong ngoại giao Trung Quốc, như chính sách đối với Triều Tiên, rốt cuộc là lấy lợi ích quốc gia làm thước đo, hay là xem xét nhiều hơn đến nhân tố ý thức hệ? Ngoài ra, còn có một số vấn đề quan niệm sơ cứng, như: Cùng với trọng điểm đọ sức trong thế kỷ 21 dần dần chuyển sang Ấn Độ Dương, cùng với việc hộ tống tàu bè ở vịnh Aden dẫn đến vấn đề sự có mặt của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, xử lý thế nào quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc ở đại dương này? Xác định thế nào vai trò của Trung Đông trong nền ngoại giao Trung Quốc? Rốt cuộc Trung Đông là mảng chính trị độc lập hay là “Trung Đông của châu Á”? Trung Quốc vào Trung Đông là chia sẻ miếng pho mát của Phương Tây, hay là nhu cầu lợi ích hợp lý của một nước lớn ở Châu Á? Những sai lầm trong nhận biết và quan niệm trên đã gây khó khăn cho sự lựa chọn ngoại giao của Trung Quốc trong một thời gian dài, cũng thường trở thành cái cớ để Phương Tây ràng buộc Trung Quốc, cần suy ngẫm lại và điều chỉnh. 

Khi điều chỉnh những quan niệm trên, trước tiên Trung Quốc cần xử lý quan hệ Trung-Mỹ, vì Mỹ vẫn là siêu cường quốc duy nhất, hơn nữa là nước lớn duy nhất có liên quan toàn diện đến lợi ích chủ yếu của Trung Quốc. Trước mắt, tổng thể quan hệ Trung-Mỹ đang tốt, song những vấn đề mang tính kết cấu ở tầng sâu vẫn nghiêm trọng, như: quan hệ chiến lược không tồi, nhưng thiếu tin cậy nhau về chiến lược; quan hệ kinh tế thương mại phát triển sâu, nhưng giao lưu quân sự đình trệ nghiêm trọng; mối quan hệ giữa tầng lớp tinh hoa với nhau hoàn toàn thông thuận, nhưng giao lưu quần chúng rất kém; vấn đề Đài Loan được khống chế, nhưng xung đột Biển Nam Trung Hoa từng bước leo thang. Cùng với sự phát triển của Trung Quốc, tính chất quan hệ Trung-Mỹ có thể sẽ dần dần từ “quan hệ giữa một thành viên đa cường và siêu cường duy nhất” diễn biến thành “quan hệ anh cả và anh hai”, mâu thuẫn hai bên có thể sẽ càng thêm sâu sắc. Một vấn đề chiến lược lớn cần suy nghĩ là làm thế nào nắm chắc thời cơ sau khi Obama lên cầm quyền, tổng thể quan hệ Trung-Mỹ tích cực, cùng nỗ lực ứng phó với khủng hoảng tiền tệ, vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh khu vực, tăng cường đề phòng, khống chế khủng hoảng, tăng thêm tin cậy lẫn nhau về chiến lược, mở rộng không gian hợp tác, tạo dựng khung quan hệ kiểu mới, từ đó hóa giải mâu thuẫn sâu sắc có thể nảy sinh trong tương lai. 


Thứ hai, làm thế nào giải quyết quan hệ với các nước lớn Nga, Châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ. Trung Quốc không nhất thiết trở thành “anh hai”, các nước lớn đều có tiềm lực “nổi trội”. Làm thế nào xóa bỏ ghen ghét, đố kỵ, hóa giải lòng hận thù, ác ý, Trung Quốc và các nước lớn cùng phát triển, cùng vươn lên, phải là phương hướng nỗ lực của ngoại giao Trung Quốc trong tương lai. Xét từ ý nghĩa đó việc tiếp tục củng cố quan hệ Trung-Nga, phát triển sâu quan hệ Trung-Âu, tăng cường quan hệ Trung-Nhật, ổn định quan hệ Trung-Ấn, là những việc quan trọng hơn so với bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử. Những việc đó cũng có ý nghĩa chiến lược như thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ. Giữa ngoại giao hai bên và ngoại giao nhiều bên, giữa Mỹ và các nước lớn, thúc đẩy một loạt quan hệ ba bên phát triển (như: Trung-Mỹ-Nga, Trung-Mỹ-Nhật, Trung-Mỹ-Âu, Trung-Mỹ-Ấn), dường như có thể trở thành điểm tựa cho ngoại giao Trung Quốc giai đoạn tới. 

Thứ ba là làm thế nào tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển. Trước mắt, đã có dấu hiệu Trung Quốc bị các nước đang phát triển gạt bỏ, các nước Ấn Độ, Braxin, Nam Phi muốn giành quyền chi phối hoặc quyền đại diện trong các nước đang phát triển. Dưới chiến lược trợ giúp phát triển mới của Mỹ và Phương Tây cùng tình trạng giành giật giữa các nước lớn, nhận thức của một số quốc gia Mỹ Latinh và Châu Phi đối với Trung Quốc cũng đang lặng lẽ biến đổi. Quan hệ với các nước đang phát triển có thể nói là “không tiến thì lùi”, tình thế buộc chúng ta phải chuyển biến ý thức tư tưởng, mở rộng đầu tư chiến lược, tăng cường hợp tác quốc tế. 


Thứ tư, lựa chọn chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc trong tương lai phải là tăng cường xây dựng năng lực bản thân. Cải cách mở cửa 30 năm, nhiệm vụ căn bản của ngoại giao Trung Quốc là tạo dựng môi trường quốc tế hòa bình ổn định, phục vụ công cuộc cải cách mở cửa ở trong nước, nay đã đến lúc lợi dụng tổng thể môi trường quốc tế ổn định để tăng tốc phát triển trong nước. Những sự kiện mang tính quần thể ở trong nước năm 2008 cũng như các vấn đề dân tộc và tôn giáo năm 2009 cho thấy “hội chứng trỗi dậy” đã đến Trung Quốc sớm hơn dự tính. Ngoại giao là tiếp tục của nội chính, những rủi ro bên ngoài tác động được nhờ môi trường bên trong và hình ảnh bên ngoài phản ánh sự phát triển bên trong, bởi vậy, gốc rễ Trung Quốc vươn lên hòa bình được quyết định bởi sự ổn định và hài hòa của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, và bởi cuộc phục hưng vĩ đại của nền văn minh Trung Hoa./.

 

Bài đăng trên Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại”, Trung Quốc số 11/2009