Tóm tắt

 

Bài viết giới thiệu tổng quan các mô hình hợp tác quốc tế (HTQT) về các khu bảo tồn biển đa quốc gia (transboundary marine protected areas - TBMPA) trên thế giới. TBMPA là vùng biển nằm trên khu vực biển, đại dương có hai hoặc nhiều đường biên giới giữa các quốc gia, có vai trò giữ gìn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa địa phương, được hợp tác quản lý thông qua luật pháp hoặc các chính sách khác trên qui mô song phương hay đa phương. Lợi ích của TBMPA nhằm cải thiện trong quan hệ và công tác bảo tồn quốc tế, thực thi các công ước và điều ước quốc tế về biển. Có một số mô hình TBMPA thành công ở các vùng biển tranh chấp của nhiều quốc gia được gọi là Công viên biển hòa bình (MPP), mô hình xây dựng vùng biển đặc biệt nhậy cảm (PSSA IMO)… Biển Việt Nam có nhiều vùng biển có ranh giới với nhiều quốc gia như Trung Quốc, Phi-líp-pin, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, là vùng biển có rất nhiều khu biển có giá trị sinh thái, lịch sử, văn hóa đã được bảo tồn cấp quốc gia và của một số tổ chức quốc tế như Cô Tô, Cát Bà, Vịnh Hạ Long, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quốc. Bài báo đề xuất phân chia khu vực biển cận biên Việt Nam thành bốn vùng: vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, Hoàng Sa, Trường Sa và mô hình HTQT phù hợp qua đó đề xuất xây dựng khu vực Trường Sa thành Công viên biển hòa bình quốc tế.

Theo định nghĩa của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Khu bảo tồn biển liên quốc gia (Transboundary Marine Proctected Area - TBMPA) là: “Vùng biển nằm trên khu vực biển, đại dương có hai hoặc nhiều đường biên giới giữa các quốc gia, các đơn vị lãnh thổ như tỉnh, vùng, vùng tự trị hoặc các vùng nằm ngoài giới hạn chủ quyền và phạm vi quốc gia, có vai trò giữ gìn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa, được hợp tác quản lý thông qua luật pháp hoặc các biện pháp khác”.

Thành lập khu bảo tồn biển liên quốc gia nhằm cải thiện quan hệ và thúc đẩy bảo tồn tài nguyên môi trường quốc tế. Các hệ sinh thái và động vật hoang dã không có ranh giới chính trị, đặc biệt trên biển và đại dương, do vậy, quản lý tài nguyên môi trường biển phải được coi là nhiệm vụ quốc tế của khu vực và của các quốc gia láng giềng.

Có một số cách tiếp cận hay mô hình HTQT trong việc thiết lập các khu bảo vệ - bảo tồn biển như các khu bảo tồn xuyên biên giới (hay liên quốc gia) có thể được gọi là TBMPA - khu bảo tồn xuyên biên giới, MPP - công viên biển hòa bình, hay PSSA - vùng biển đặc biệt nhậy cảm với nỗ lực chung là đạt được sự bảo tồn liên quốc gia dựa trên phương thức quản lý hệ sinh thái phục vụ phát triển biển bền vững.

Hiện trạng mô hình và các phương pháp tiếp cận TBMPA trên thế giới

Các tổ chức quốc tế đang tích cực thúc đẩy các mô hình TBMPA là IUCN, WWF, IMO và đã thực hiện được gần 30 năm với mục tiêu bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học biển xuyên quốc gia phục vụ phát triển bền vững biển và đại dương.

Khu bảo tồn biển xuyên biên giới là những vùng mà các quốc gia láng giềng đã có ranh giới chủ quyền được phân định rõ ràng.

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã kiểm kê số lượng các khu vực bảo vệ phức hợp xuyên biên giới hiện đang tồn tại, cả trên cạn và dưới biển. Theo UNEP, hiện trên thế giới có 227 khu vực này.

Một số khu biển TBMPA hiện có trên thế giới:

1. Khu vực bảo vệ quốc tế Biển Wadden - bao gồm nhiều khu bảo tồn biển và bảo vệ khác nhau tại các quốc gia Đan Mạch, Đức, và Hà Lan - là một ví dụ hàng đầu về Mô hình quản lý bảo tồn và hợp tác quốc tế dựa vào hệ sinh thái. Từ năm 1982, chính phủ ba quốc gia này đã ký Hiệp ước hợp tác về bảo tồn biển. Đến nay khu này đã là di sản thiên nhiên thế giới UNESCO, PSSA.

2. Khu các dải san hô Trung Mỹ bao gồm 80 khu bảo vệ giữa các quốc gia Bê-li-xê, Goa-tê-ma-la và Mê-hi-cô.

3. Khu Pelagos có diện tích 100.000 km2 cho cá voi ở biển Liguria - hợp tác giữa các nước Pháp, I-ta-li-a và Mô-na-cô.

4. Vùng Đông Thái Bình Dương có Khu TBMPA gồm các đặc khu kinh tế của Cô-lôm-bi-a, Cô-xta-ri-ca, Ê-cu-a-đo Pa-na-ma.

5. Vùng Nam Đại Dương, được quản lý như một khu vực được bảo vệ rất lớn bởi Ủy ban bảo tồn tài nguyên sinh vật biển của Nam Cực.

6. Khu bảo tồn biển giữa Nam Phi và Mô-dăm-bích.

7. Đảo Rùa nằm trên đường biên giới của Ma-lai-xi-a và Phi-líp-pin là một ví dụ về khu bảo tồn biển liên quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, được biết đến là nơi bảo tồn loài Rùa Xanh (Chelonia mydas). Đảo này hiện nay đã được công nhận là “Khu bảo tồn Di sản Đảo Rùa” được ký kết giữa Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a từ năm 1996.

Công viên biển hòa bình

Theo IUCN định nghĩa, Công viên biển hòa bình (MPP) là: Khu bảo vệ liên quốc gia được chính thức dành riêng cho việc bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa có liên quan để thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế trên biển, hải đảo tại những nơi còn có xung đột, mâu thuẫn.

Công viên biển hòa bình có những lợi ích sau đây:

- Là biểu tượng của sự hợp tác đang diễn ra giữa các quốc gia với mục đích hòa bình;

- Là điểm nhấn cho các cuộc thảo luận giữa các nước láng giềng mặc dù các quốc gia có thể đang có chia rẽ sâu sắc về kinh tế, xã hội, môi trường, hoặc lợi ích khác;

- Tăng cường an ninh và kiểm soát các nguồn tài nguyên trong khu vực biên giới biển để các chủ sở hữu hợp pháp có thể có lợi hơn từ chúng;

- Phát triển cơ hội cho du lịch sinh thái biển và phát triển bền vững liên doanh quốc tế trên một khu vực qui mô rộng hơn;

- Một địa điểm phong phú và linh hoạt của các mối quan hệ đối với các nhà quản lý bảo tồn biển từ các quốc gia tham gia, các cơ quan chính phủ, địa phương và phi chính phủ quốc tế, và cộng đồng các nhà tài trợ.

Hiện  trạng Công viên biển Hòa bình - MPP

1. "Công viên biển hòa bình Hồng Hải" - một mô hình MPP điểm về hợp tác quốc tế - áp dụng theo đúng nghĩa đen với những gì I-xra-en Gioóc-đa-ni đã được công nhận trong phía Bắc Vịnh Aqaba, một vùng biển nửa kín được chia sẻ bởi các quốc gia này. Đây là một phần của hiệp ước hòa bình mà hai nước đã ký kết năm 1994 để bình thường hóa quan hệ. Hai quốc gia I-xra-en Gioóc-đa-ni đã phát triển MPP Hồng Hải thể hiện qua hai Khu bảo tồn biển: Aqaba của Gioóc-đa-ni khu Eilat của I-xra-en. Việc thành lập MPP Hồng Hải kêu gọi các quốc gia đối tác có những nỗ lực nghiên cứu về san hô và sinh vật biển, thực hiện các chính sách quy định phối hợp để bảo vệ các rạn san hô và tài nguyên sinh vật biển.

2. Công viên biển hòa bình Triều Tiên

Những bài học từ các MPP Hồng hải cũng như từ nhiều công viên hòa bình trên mặt đất đang được áp dụng trong các nỗ lực thành lập một công viên hòa bình biển trên bán đảo Triều Tiên. Năm 2005, chính phủ Hàn Quốc đã có kế hoạch bắt đầu xây dựng MPP với CHDCND Triều Tiên trong vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên -  nhằm mục đích giúp đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và hòa bình trong khu vực, là biểu tượng của "3 chữ P": bảo vệ sinh thái toàn vẹn, hòa bình và thịnh vượng kinh tế.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu từ I-xra-en, Gioóc-đa-ni, Mỹ đề xuất một số MPP tiềm năng trên toàn Đại dương thế giới chủ yếu tại các vùng còn có các xung đột, khủng hoảng:

3. Phía Đông đảo quốc Ca-ri-bê;

4. Vùng biển Địa Trung Hải (Gaza/Gioóc-đa-ni/I-xra-en);

5. Vùng ven biển Pa-ki-xtan Ấn Độ (vùng ven đồng bằng sông Indus);

6. Vùng biển Adriatic (thuộc các nước cộng hòa Nam Tư cũ);

7. Vùng biển ở Cyprus (Hy Lạp Thổ Nhĩ Kỳ);

8. Các vùng biển đảo tranh chấp khu vực Biển Đông như Trường Sa, Hoàng Sa.

Khu biển đặc biệt nhậy cảm - PSSA

PSSA là một khu vực cần bảo vệ đặc biệt thông qua các hành động của tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Đây là vùng biển có giá trị cao về sinh thái, kinh tế - xã hội, khoa học và có thể dễ bị tổn thương hoặc thiệt hại do các hoạt động hàng hải quốc tế.

PSSA được xem như là một công cụ chính trong chiến lược phát triển bền vững biển của IMO, phối hợp nhiều công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển và là một công cụ bảo vệ khu vực biển rộng có nhiều giá trị về tài nguyên môi trường khỏi các mối đe dọa hàng hải cụ thể. Nó cũng là sự lựa chọn của nhiều quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Đã có 12 PSSA chính thức trên thế giới đã được công nhận từ năm 1990 và chứng minh được lợi ích của công cụ này trong quản lý môi trường biển - hàng hải quốc tế. Vùng thứ 13 - Bonifacio (Pháp - I-ta-li-a) đã được công nhận về nguyên tắc.

Trong số đó có các vùng:

- Wadden Sea (ba nước Đan Mạch, Hà Lan, Đức) năm 2002;

-  Biển Ban-tích (tám nước Lát-vi-a, Thụy điển, Ét-xtô-ni-a, Lít-va, Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Ba Lan) năm 2005;

- Vùng ven các nước Tây Âu (bốn nước Bỉ, Pháp, Ai-len, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh) năm 2004;

- Eo Bonifacio (hai nước Pháp - I-ta-li-a) năm 2010;

- Eo biển Torres  (hai nước Ô-xtrây-li-a và Pa-pua Niu Ghi-nê) năm 2005.

Đánh giá hiện trạng, phân vùng và đề xuất mô hình HTQT các vùng cận biên của biển Việt Nam

Hiện nay vùng biển Việt Nam có một di sản thế giới, một khu RAMSAR, sáu khu dự trữ sinh quyển thế giới UNESCO, 16 khu bảo tồn biển MPA quốc gia (hình 1).

Việt Nam đã và đang tích cực hội nhập quốc tế toàn diện nên việc thiết lập các TBMPA là những bước đi đúng đắn trong công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Khu Bảo tồn biển xuyên biên giới đầu tiên (TPA) đang được tiến hành trên đất liền - khu bảo tồn xuyên biên giới (Chư Mom Ray-Virachay - Dong Am Phan) - (Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia) - bảo vệ thiên nhiên dãy Trường Sơn.

Các vùng biển cận biên của Việt Nam dựa theo các quyết định, chính sách về bảo tồn biển, đa dạng sinh học biển có thể được phân chia ra bốn khu vực cận biên:

Khu vực vịnh Bắc Bộ

Hiện có bốn khu bảo tồn biển quốc gia đã được thành lập gồm: Khu bảo tồn biển Đảo Trần (Quảng Ninh), Khu bảo tồn biển Cô Tô (Quảng Ninh), Khu bảo tồn Bạch Long Vỹ (Hải Phòng),  Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ (Quảng Trị).

Các vùng biển cận biên tại vịnh Bắc Bộ hiện không còn tranh chấp về biên giới - lãnh thổ với Trung Quốc, bởi vậy ta có thể đề xuất với Trung Quốc một số hình thức hợp tác sau:

- Xây dựng một số TBMPA hoặc PSSA thí điểm phía Bắc vịnh;

Xây dựng TBMPA hay PSSA thuộc dải ven biển Việt Nam và Trung Quốc;

- Xây dựng toàn vịnh Bắc Bộ thành một TBMPA hay PSSA.

Khu vực biển quần đảo Hoàng Sa

Vùng này có tính đa dạng sinh học cao, tuy còn vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, nhưng Việt Nam có thể đề xuất xây dựng MPP tại khu vực này.


Các khu bảo tồn biển của Việt Nam


Khu vực quần đảo Trường Sa

Khu vực này gồm có: Khu bảo tồn biển Nam Yết, quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và đang đề xuất thêm khu bảo tồn biển Đảo Thuyền Chài.

Vùng biển đảo Trường Sa đang có sự tham gia và chiếm giữ các đảo của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc; Việt Nam, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây và Đài Loan. Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan tại Biển Đông (DOC), tuy nhiên các xung đột, va chạm vẫn thường xuyên xảy ra và rất khó sớm có giải pháp chính trị để phân chia lãnh thổ biển rõ ràng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể đưa ra một đề xuất để các bên liên quan sớm xem xét: lồng ghép mô hình hợp tác MPP Trường Sa cho tiểu vùng hay toàn vùng biển quần đảo Trường Sa như là một bước tiến trong công tác bảo tồn thiên nhiên.

Khu vực vịnh Thái Lan

Gồm: Khu bảo tồn đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Vùng cận biên này có thể đề xuất với tất cả hay riêng rẽ từng quốc gia Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, Thái Lan để xây dựng TBMPA hay PSSA.

Thảo luận và kiến nghị

Việt Nam chưa có kế hoạch xây dựng TBMPA, MPP, PSSA với các quốc gia láng giềng. Lợi ích của TBMPA là bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học biển và hợp tác quốc tế vì hòa bình - hữu nghị, đặc biệt đối với các vùng biển cận biên. Công tác bảo tồn và bảo vệ tài nguyên biển của Việt Nam tại các vùng biển cận biên còn chưa có tính liên thông quốc tế. Môi trường biển lại không có biên giới như trên đất liền mà liên kết chặt chẽ với các vùng biển quốc gia lân cận. Vì vậy, để thúc đẩy HTQT, việc lựa chọn mô hình hợp tác phù hợp là rất quan trọng cho các vùng biển cận biên nhằm tuân thủ các công ước, điều ước quốc tế về biển, về môi trường và đa dạng sinh học. Từ đây, có thể xem xét một số gợi ý sau:

Một là, trên cơ sở chính sách chung, Việt Nam cần có sự cụ thể hóa chính sách sao cho phù hợp riêng với từng vùng: vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Thái Lan nhằm định hướng cho công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển hợp lý ở mỗi vùng này;

Hai là, nghiên cứu, cập nhật kinh nghiệm về hoạch định và triển khai chính sách cho các vùng biển cận biên trên thế giới làm cơ sở khoa học cho đàm phán ngoại giao song phương và đa phương về các vấn đề liên quan tới vùng lãnh hải của Việt Nam;

Ba là, các cơ quan quản lý về biển như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ ngành liên quan thiết lập cơ chế HTQT để phục vụ nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc thiết lập các vùng TBMPA với các nước lân cận, lựa chọn và phát triển các mô hình, công cụ HTQT phù hợp trong bảo vệ chủ quyền và tài nguyên, môi trường biển. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Sandwith, T. and ext., Transboundary marine protected areas for Peace and Cooperation. IUCN, Cambridge, UK., 2001, www.iucn.org.

2.  WWF, Towards a framework for Transboundary marine protected areas, 2006, pp. 33.

3. IMO, PSSA guidelines, 2007.

4. Quyết định số 742/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 26/5/2010 về việc Phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. 

TS. Dư Văn Toán

Bài viết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, số 3 (86), tháng 9/2011