“Để theo đuổi hòa bình thông qua sức mạnh, chính sách của Mỹ sẽ là xây dựng lại quân đội Mỹ”, Tổng thống Donald J.Trump, ngày 27/1/2017. 

“Tướng Martin Dempsey đã nói với các binh lính Mỹ đóng quân ở Nhật Bản rằng ‘cách tốt nhất để tránh chiến tranh là chuẩn bị cho nó’”, tờ Associated Press, ngày 25/4/2013. 

Ý tưởng về “hòa bình thông qua sức mạnh” có thể được truy nguyên trở lại ít nhất từ thời đại La Mã và gần như chắc chắn trở lại thậm chí xa hơn nữa, nhưng trong lịch sử nước Mỹ, nó có liên hệ với Ronald Reagan. Trong bài luận của mình, “Chính sách đối ngoại cổ đại”, nhà lịch sử Victor Davis Hanson ca ngợi những nguồn gốc của nó và liên kết “lẽ phải thông thường” này với khái niệm răn đe. 

Từ câu nói Si vis pacem, para bellum của Vegetius (Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh) đến “hòa bình thông qua sức mạnh” của Ronald Reagan, lẽ phải thông thường là sẵn sàng cho chiến tranh và do đó, và chỉ bằng cách đó, tránh được chiến tranh, là không nói giọng hiếu chiến và hành động một cách hòa bình… Răn đe (và với nó là hòa bình) thường không chỉ được định nghĩa trong các thuật ngữ hữu hình; nó cũng dựa trên một sự sẵn sàng về tâm lý sử dụng sức mạnh áp đảo để đối đầu với một kẻ xâm lược… Một lần nữa, răn đe (“hành động đe dọa”) không chỉ dựa vào sức mạnh có thể xác định số lượng mà còn vào khả năng sử dụng nó. 

Mặc dù bài viết của Hanson không có ý định là một sự trình bày lý thuyết về răn đe, ông miêu tả một cuộc chiến tâm lý dựa trên mối đe dọa về vũ lực với mục tiêu ngăn chặn chiến tranh. Đối với hầu hết người Mỹ, không có sự mâu thuẫn trong việc theo đuổi hòa bình thông qua việc đe đọa hoặc sử dụng một quân đội mạnh khi các lợi ích quốc gia mang tính sống còn gặp nguy hiểm. 

Khi Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ hơn về kinh tế và quân sự trong 2 thập kỷ qua, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phát triển một sự hiểu biết song song về sự cần thiết phải có một quân đội vững mạnh. Thông qua việc hiện đại hóa quân đội dài hạn, Bắc Kinh nhằm mục đích tạo ra một lực lượng quân đội có khả năng và đáng tin cậy để bảo vệ những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Như được tuyên bố trong Sách Trắng của họ về Chiến lược quân sự của Trung Quốc xuất bản năm 2015, “nếu không có một quân đội vững mạnh, một đất nước không thể an toàn cũng không thể vững mạnh”. Mặc dù tập trung chủ yếu vào việc phát triển các khả năng tiến hành chiến tranh, PLA cũng được sử dụng cho các nhiệm vụ răn đe và phi chiến đấu khác. 

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc có thể có chung những mục tiêu về sở hữu quân đội hùng mạnh và duy trì sự ổn định khu vực, những lợi ích sống còn của Mỹ và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc khác xa nhau. Và bởi vì các hệ thống chính trị của họ khác nhau, sẽ luôn có một mức độ không tin tưởng, đối đầu và cạnh tranh giữa 2 nước. Các nguồn chính thức của Trung Quốc đã phác thảo các mục tiêu quốc gia của Trung Quốc, chiến lược quân sự và khái niệm răn đe của họ. Vai trò của răn đe trong học thuyết của PLA là chìa khóa để hiểu những hành động của Trung Quốc và ý định mà chính phủ của nước này có thể đang cố gắng truyền đạt. 

Trong việc đánh giá điều Trung Quốc nói và nghĩ về răn đe, có thể nhiều người ở Mỹ và nơi khác bỏ qua hoặc nhìn nhận sai về những ý định đằng sau một số hành động của Trung Quốc. Khi Trung Quốc hành động để răn đe, truyền thông và các chính phủ khác có thể diễn giải sai điều họ nhận thấy là sự gây hấn hoặc chuẩn bị cho chiến tranh. Chẳng hạn, kể cả với sự tương đồng lớn trong các học thuyết răn đe tương ứng của họ, Mỹ nhìn nhận những hành động của chính họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông là răn đe về bản chất, nhưng không quy những mục đích tương tự cho các hoạt động của Trung Quốc. Dĩ nhiên, điều này là điển hình của một tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh. 

Nếu Mỹ và các nước khác diễn giải sai các dấu hiệu của Trung Quốc trong thời điểm tương đối yên ổn, nó gia tăng cơ hội họ sẽ hiểu sai những dấu hiệu tương tự trong thời điểm khủng hoảng. Việc thiếu sự hiểu biết trong công chúng nói chung và truyền thông về cách thức PLA huấn luyện và thử vũ khí làm phức tạp thêm tình hình. Do đó, sự hiểu biết chính xác về các hoạt động “bình thường”, như triển khai quân đội, huấn luyện và thử vũ khí là cần thiết để đánh giá khi nào Trung Quốc đang thay đổi từ hoạt động thường ngày sang báo hiệu rằng ai đó đang tiếp cận hoặc đi quá giới hạn mà có thể dẫn tới xung đột. 

Các nguyên tắc cơ bản của Học thuyết PLA 

Không khó để có những văn bản, tài liệu, phân tích về chiến lược và các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Các văn kiện chính phủ chính thức như loạt Sách Trắng quốc phòng, cung cấp những tuyên bố về chính sách và học thuyết quốc phòng của Trung Quốc. Những bài viết của các quan chức Đảng Cộng sản và PLA cấp cao và các bài viết về họ được đăng trên truyền thông Trung Quốc, đặc biệt trên các trang mạng do PLA hoặc Bộ Quốc phòng quản lý. Các thể chế giáo dục quân sự chuyên nghiệp của PLA xuất bản các cuốn sách giáo khoa, nhiều cuốn trong số đó bạn đọc nước ngoài có thể có được. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc không công bố trước công chúng tất cả các khía cạnh của chính sách quốc phòng của họ, giữ bí mật các chi tiết mà các nước khác thường công khai. 

Các tuyên bố và bài viết trên truyền thông Trung Quốc khác nhau về căn cứ chính xác thực phụ thuộc vào người hoặc tổ chức nào đang nói. Không phải tất cả các diễn giả, tác giả, nguồn truyền thông, và các bài viết/bài bình luận đều mang sức nặng hoặc uy tín ngang bằng nhau. Truyền thông Trung Quốc có thể làm xáo trộn vấn đề hơn nữa bằng việc trích dẫn các nguồn nước ngoài về những sự phát triển quân sự mà không xác nhận tính chính xác về thông tin của họ. Ngoài việc diễn giải chính sách quốc phòng, như Paul Godwin và Alice Miller giải thích, Bắc Kinh sử dụng những lời tuyên bố công khai và truyền thông cho các mục đích răn đe thông qua một “hệ thống cấp bậc được xác định cẩn thận về những sự phản kháng chính thức, bình luận báo chí chính thức, và các tuyên bố lãnh đạo”. 

Là một quân đội-đảng, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc – tức là PLA, cảnh sát vũ trang nhân dân và lực lượng dân quân – phải tuân theo sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng. Hệ quả cho sự trung thành với đảng là sự lệ thuộc của phát triển quân sự vào việc xây dựng quốc gia. Một trong những tác động quan trọng nhất của nguyên tắc này là ngân sách quốc phòng giữ ở mức 1 con số - tính theo tỷ USD vào những năm 1980 và đầu những năm 1990 khi nền kinh tế Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng. Ngay cả với những sự gia tăng trong chi tiêu quốc phòng được tuyên bố kể từ giữa những năm 1990, Ngân hàng Thế giới đánh giá chi tiêu quân sự của Trung Quốc (bao gồm các nguồn chi tiêu ngoài ngân sách được ước tính) là gần 2% GDP và khoảng 6% tổng chi tiêu chính phủ. Sau khi rút kinh nghiệm  từ ví dụ tiêu cực về việc chi tiêu quốc phòng hoang phí của Liên Xô, Bắc Kinh đã ưu tiên xây dựng nền kinh tế dân sự hơn quân sự và không hy sinh sự phát triển dân sự trong việc theo đuổi hiện đại hóa quân sự. Bất kỳ loại chiến tranh nào cũng không có lợi cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. 

Nguyên lý cơ bản nhất của chính sách quốc phòng của Trung Quốc là mang bản chất phòng thủ chiến lược. Tuy nhiên, giống như các quân đội khác, PLA thừa nhận bản chất quyết định của tấn công một khi ngưỡng tiến hành chiến tranh bị vượt qua. PLA sẽ tiến hành các hoạt động tấn công ở các cấp độ chiến tranh chiến thuật, tác chiến và chiến lược, theo nguyên tắc, “Chúng ta sẽ không tấn công trừ phi chúng ta bị tấn công, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ phản công nếu bị tấn công”. Tư thế này được tạo dựng như là “khái niệm chiến lược của phòng thủ chủ động” và được coi là bản chất của tư duy chiến lược của Trung Quốc. Phòng thủ chủ động dẫn đến một chu trình hành động-phản ứng, nhưng lại nhanh chóng chuyển thành một tranh chấp gia tăng liên tục về việc nước nào có lý do chính đáng trong sự phản ứng lại của họ với động thái trước đó của nước khác. 

Tuy nhiên, phản ánh tầm ảnh hưởng đang tiếp tục của Tôn Tử đến học thuyết của PLA, Trung Quốc thiên về “chiến thắng mà không cần đến chiến tranh” bất cứ khi nào có thể. Một phần, điều này là bởi PLA thiếu kinh nghiệm chiến đấu hiện đại và sự đánh giá được tuyên bố công khai thẳng thắn rằng sự hiện đại hóa của nước này tụt lại đằng sau những nước ngang hàng tiên tiến trên thế giới và các sĩ quan của họ thiếu những kỹ năng cần có cho cuộc chiến tranh hiện đại. Mặc dù PLA đã có sự tiến bộ trong các lĩnh vực hoạt động nhất định, đặc biệt nếu chiến đấu tương đối gần với bờ biển của họ, nước này vẫn tụt lại đằng sau cái mà Trung Quốc gọi là “những nước ngang hàng tiên tiến trên thế giới”, như quân đội Mỹ. Do đó, học thuyết của PLA thường xuyên nhắc đến “kẻ yếu chiến thắng kẻ mạnh”. Tuy nhiên, điều không được nói chính thức, mà thường được ám chỉ, quy mô tuyệt đối của PLA có thể áp đảo các lực lượng của nhiều nước láng giềng khu vực nhỏ hơn trừ phi họ được Mỹ hoặc cường quốc tiên tiến khác hỗ trợ. 

Để đạt được các mục tiêu của mình, bù đắp cho điểm yếu quân sự đã được nhìn nhận và để tiết kiệm ngân sách, Chính phủ Trung Quốc tìm cách sử dụng tất cả các yếu tố của sức mạnh quốc gia, bao gồm sức mạnh kinh tế dân sự, ngoại giao, địa lý, nhân khẩu học và khoa học để gia tăng các lực lượng vũ trang của họ. Nhiều thành phần của sức mạnh quốc gia được kết nối với nhau dưới đề mục “sự kết hợp quân sự-dân sự” trong phép hoán vị hiện đại của khái niệm chiến tranh nhân dân của Mao Trạch Đông. Các nguyên tắc “chiến thắng mà không cần đến chiến tranh”, “kẻ yếu chiến thắng kẻ mạnh” và kết hợp các khả năng quân sự và dân sự đã được chứng minh một cách rộng rãi trong những năm gần đây bằng việc triển khai các cơ quan thực thi pháp luật dân sự, các thực thể thương mại, và các lực lượng dân quân trên biển, với sự hỗ trợ của các lực lượng tại ngũ, ở Biển Đông và biển Hoa Đông. 

Bên trong khuôn khổ của các nguyên tắc chiến lược này, PLA xem việc chuẩn bị các lực lượng của mình cho cuộc chiến đấu và tiến hành chiến tranh là “chức năng cốt lõi” của họ và trách nhiệm chủ yếu của tất cả các sĩ quan và binh lính. PLA càng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chính của họ, họ càng sẵn sàng tiến hành các nhiệm vụ răn đe và các hoạt động quân sự ngoài chiến tranh (MOOTW). Bộ ba này – tiến hành chiến tranh, răn đe và MOOTW – được định nghĩa là 3 cách sử dụng lực lượng quân sự cơ bản. 

Học thuyết của Trung Quốc về răn đe 

Bất chấp thiên hướng của Trung Quốc tổng kết nhiều ý tưởng trong một câu thành ngữ hoặc khẩu hiệu, dường như không có cụm từ ngắn gọn nào nắm trọn được ý tưởng “hòa bình thông qua sức mạnh”. Tuy nhiên, khái niệm này là một thành phần cơ bản của cách tiếp cận về mặt học thuyết của PLA đối với răn đe. Bản dịch tiếng Anh năm 2005 của cuốn Khoa học về chiến lược quân sự bao gồm những phần viết bày tỏ cùng một ý nghĩa: “Do đó sự chuẩn bị sức mạnh là sự chuẩn bị thiết yếu và đáng tin cậy nhất trong tất cả những sự chuẩn bị kiểm soát chiến tranh”. Một vài trang trước đó tuyên bố “mục tiêu của kiểm soát chiến tranh là để ngăn chặn sự xuất hiện chiến tranh”. Nói cách khác, sức mạnh quân sự là cần thiết để tránh chiến tranh – vì hòa bình. Chương đầy đủ về “Răn đe chiến lược” tiếp theo ngay sau đó. Chương này là sự giải thích mở rộng nhất về khái niệm răn đe của Trung Quốc mà bạn đọc nước ngoài có thể có được và được trích dẫn một cách rộng rãi dưới đây. 

Khái niệm răn đe của Trung Quốc dựa trên việc sử dụng mối đe dọa lực lượng quân sự để đạt được các mục tiêu hoặc ép buộc/cưỡng ép hoặc phòng ngừa: “răn đe là việc tiến hành quân sự của một nhà nước hoặc nhóm chính trị trong việc thể hiện vũ lực hoặc cho thấy quyết tâm sử dụng vũ lực để buộc kẻ thù phục tùng ý chí của một nước và để kiềm chế thực hiện các hành động thù địch hoặc leo thang hành động thù địch”. Răn đe có thể có cả các mục tiêu quân sự lẫn chính trị: “Răn đe chiến lược là một biện pháp chủ yếu để đạt được mục tiêu chiến lược quân sự, và những nguy cơ và phí tổn của nó ít hơn các hoạt động chiến lược… Răn đe chiến lược cũng là một biện pháp để đạt được các mục tiêu chính trị”. Tuy nhiên, răn đe “có thể thất bại hoặc thậm chí gây ra chiến tranh hoặc leo thang chiến tranh nếu một nước quản lý không tốt tình huống phức tạp”. Do đó, “tiến hành chiến tranh nhìn chung được sử dụng chỉ khi răn đe thất bại và không có sự lựa chọn thay thế”, và “khả năng tiến hành chiến tranh càng mạnh, răn đe càng hiệu quả”. 

Ba điều kiện cần thiết cho răn đe: 1) một “lực lượng răn đe đầy đủ”; 2) “sự quyết tâm và ý muốn triển khai lực lượng răn đe chiến lược”; 3) sự tương tác (báo hiệu) “giữa bên răn đe và bên bị răn đe”. Những yếu tố này trùng hợp chính xác với công thức do Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đề xuất: Khả năng x Quyết tâm x Báo hiệu = Răn đe (Trong khi có thể có tranh luận về hiệu lực của công thức này hoặc 3 điều kiện của Trung Quốc, một số nhà quyết sách của cả hai bên dường như có quan điểm giống nhau về răn đe, tuy nhiên họ có thể không thừa nhận điều này là đúng). 

Răn đe tìm cách thay đổi “mô hình tâm lý của đối thủ” để lại “quyền tự do nào đó” cho thỏa hiệp và nhượng bộ. Bên răn đe tìm cách đạt được “đà”, thực hiện hành động mà bên đối thủ có thể nhận thấy, như “duyệt binh quân sự quy mô lớn, tập trận quân sự chung và chuyến thăm quân sự”, và không được nhắc đến là triển khai quân đội và thử vũ khí. (Định nghĩa của Trung Quốc về các cuộc tập trận chung bao gồm sử dụng nhiều quân chủng của PLA, cũng như các cuộc tập trận với các quân đội nước ngoài). Răn đe tìm cách phô trương ưu thế của một nước so với điểm yếu của kẻ thù trong khi “che giấu điểm yếu của mình”. 

Răn đe chiến lược bao gồm răn đe hạt nhân, nhưng cũng có nhiều thành phần thông thường bao gồm các hoạt động thông tin, không gian và mạng. Ngoài ra còn có “răn đe chiến tranh nhân dân”, và liên quan đến các cơ quan chính phủ và các khả năng dân sự khác. Trong thời bình, mục tiêu của răn đe là “để trì hoãn hoặc kiềm chế chiến tranh bùng nổ”, trong khi trong thời chiến răn đe tìm cách “kiểm soát leo thang theo chiều dọc và chiều ngang”. 

Tiến hành một “cuộc chiến tranh nhỏ” để tránh một cuộc chiến tranh lớn hơn có thể là cần thiết. Tương tự, phòng thủ chủ động đòi hỏi “‘phát bắn đầu tiên’ trên bình diện chính trị và chiến lược phải được phân biệt với ‘phát bắn đầu tiên’ trên bình diện chiến thuật” và “nếu bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, bên kia sẽ có quyền ‘bắn phát bắn đầu tiên’ trên bình diện chiến thuật”. Do đó, PLA có thể thực hiện những hành động răn đe trong một giai đoạn căng thẳng nếu Chính phủ Trung Quốc kết luận kẻ thù đã quyết định “xâm phạm” chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, vì Trung Quốc xem xét sự răn đe của họ là “tự vệ về bản chất”, họ tự phân biệt mình với các nước khác mà theo đuổi các chiến lược tấn công để buộc đối thủ quy phục. Chính xác hơn, sự răn đe của Trung Quốc được miêu tả là có tính phòng ngừa, “để ngăn chặn sự xâm lược của nước ngoài, bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích” và ngăn chặn những âm mưu bên trong và bên ngoài nhằm chia rẽ và lật đổ Trung Quốc. Hơn nữa, PLA tự phân biệt mình với các quân đội khác vì họ nhận thấy việc sử dụng mưu kế của chính họ là “ý tưởng chính của tư duy chiến lược Trung Quốc truyền thống… việc sử dụng lực lượng giới hạn để giành chiến thắng… tư duy chiến lược của phương Tây chú ý nhiều hơn đến cuộc cạnh tranh về sức mạnh, chú trọng sự đối đầu trực tiếp”. Sự khẳng định này không hiểu tại sao lại phớt lờ nhiều ví dụ về sự dối trá, chỉ dẫn sai, và mưu kế do các lực lượng hoạt động thông thường và đặc biệt của Mỹ và đồng minh của họ đã thực hiện trong 3 thập kỷ xung đột qua. 

Trong số xuất bản năm 2005 của cuốn Khoa học về chiến lược quân sự, chương về răn đe kết luận bằng việc thừa nhận “răn đe chiến lược không có quyền tuyệt đối… trong việc thực hiện sự răn đe chiến lược, người ta nên xem xét những kịch bản tồi tệ nhất và khó khăn nhất và được chuẩn bị sẵn sàng trước, để đối phó dần dần và hiệu quả với đối thủ trong trường hợp răn đe thất bại”. Cách tiếp cận thận trọng với cả răn đe lẫn tiến hành chiến tranh này được nhắc lại trong chương cuối của cuốn sách: 

Do đó, quyết định sử dụng vũ lực thiếu thận trọng không bao giờ được cho phép… Lý do cho sự tồn tại của quân đội là để phòng ngừa và giành chiến thắng một cuộc chiến tranh… Chúng ta có thể không phát động một cuộc chiến trong 100 năm nhưng chúng ta không bao giờ có thể không sẵn sàng cho cuộc chiến thậm chí trong 1 ngày… Chỉ khi một quân đội hoàn toàn sẵn sàng cho chiến tranh, họ mới có thể thận trọng bắt đầu một cuộc chiến tranh và phản công nhanh trong cuộc chiến… Miễn là chúng ta có thể giải quyết vấn đề với răn đe quân sự, chúng ta sẽ không phải sử dụng đến chiến tranh. 

Số xuất bản năm 2013 của cuốn Khoa học về chiến lược quân sự cũng có một chương về răn đe, nhấn mạnh những nguyên tắc cơ bản từ một thập kỷ trước, được cập nhật theo những sự thay đổi trong môi trường an ninh quốc tế và những tiến bộ công nghệ, đặc biệt ở cấp độ công nghệ thông tin, các khả năng không gian và mạng của PLA. Không có bản dịch tiếng Anh chính thức nào cho số xuất bản bản năm 2013, nhưng có một vài cuốn sách và bài luận bàn luận chi tiết về nó. Cụ thể, cuốn này đề cập sự tăng cường thời bình của phòng thủ đảo và bãi đá như một phần của hệ thống răn đe của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền và các quyền trên biển của họ. 

Tác động của sự răn đe của Trung Quốc 

Mặc dù luận thuyết đằng sau tư thế răn đe của Trung Quốc có thể tìm thấy ở những cuốn sách giáo khoa của PLA, Chính phủ Trung Quốc không làm tốt việc giải thích khía cạnh này của học thuyết quân sự của họ với thế giới bên ngoài (và sẽ có khả năng không được nhiều người tin tưởng ngay cả nếu họ cố gắng hơn). Do đó, một số hành động và dấu hiệu của Trung Quốc có thể có ý định gửi những lời cảnh báo, nhưng những thông điệp răn đe có thể được diễn giải là có ý định thù địch, hung hăng. 

Những hành động và dấu hiệu bị nhìn nhận sai bị làm phức tạp thêm bởi những sự khác biệt trong các mục tiêu răn đe của Mỹ và Trung Quốc vì những sự khác biệt giữa lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và lợi ích sống còn của Mỹ. Các mục tiêu răn đe chính thức của Mỹ ở châu Á được định nghĩa hầu hết là chung chung. Chẳng hạn, Chiến lược an ninh hàng hải châu Á-Thái Bình Dương năm 2015 của Bộ Quốc phòng nhằm mục đích tăng cường “khả năng quân sự của Mỹ để bảo đảm Mỹ có thể ngăn chặn thành công sự xung đột và cưỡng ép và phản ứng quyết đoán khi cần thiết”. Gần đây hơn Lực lượng đặc nhiệm xã hội châu Á về chính sách Mỹ-Trung (không chính thức) đã nhắc lại mục tiêu “ngăn chặn một Trung Quốc có tiềm năng hung hăng và đi xa quá mức”. Ngăn chặn “sự xung đột và cưỡng ép” và một “Trung Quốc hung hăng và đi xa quá mức” đem lại cho các nhà hoạch định chính sách quyền tự do lớn trong hành động của họ. Một ví dụ cụ thể đã được nêu lên vào năm ngoái trong ấn phẩm này với bài viết có tiêu đề “Mỹ có thể chỉ lặng lẽ ngăn chặn Trung Quốc”. 

Trung Quốc đã có chút tự tin về các mục tiêu răn đe của họ vượt ra ngoài những điều chung đã được đề cập trước đây. Chẳng hạn, Luật chống ly khai năm 2005 của họ bắt đầu với một danh sách 5 mục tiêu trong Điều 1, mục tiêu đầu tiên là “phản đối và ngăn chặn việc Đài Loan ly khai khỏi Trung Quốc do những người chủ trương ly khai nhân danh “Đài Loan độc lập”. Nói cách khác, mục tiêu đầu tiên của Bắc Kinh là ngăn chặn động thái hướng tới độc lập của Đài Loan (luật này có thể trong tiến trình được sửa đổi). Tương tự, trong nhiều năm, Chính phủ Trung Quốc đã nhận diện “tàu và máy bay do thám của Mỹ dọc bờ biển Trung Quốc” là 1 trong “3 trở ngại” ngăn cản quan hệ song phương. Chắc chắn khi cho rằng việc ngăn chặn các nhiệm vụ do thám gần và thách thức quyền tự do của các hoạt động hàng hải của Mỹ là một nhiệm vụ của PLA. Việc theo đuổi mục tiêu này đã dẫn đến nhiều sự cố trên không và trên biển giữa quân đội Mỹ với máy bay và các tàu dân sự và của Chính phủ Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc cho đến nay thành công trong việc ngăn chặn Đài Loan độc lập, sự hiện đại hóa quân đội của nước này tiếp tục được nhìn nhận là đe dọa Đài Loan và khu vực. Mặt khác, Trung Quốc không thành công trong việc răn đe hoặc hạn chế các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực, với những sự gia tăng về cường độ các hoạt động được dự đoán. Hơn nữa, một sự thay đổi được đề xuất cho luật an toàn giao thông trên biển của Trung Quốc để “trao quyền cho nhà chức trách trên biển ngăn chặn các tàu nước ngoài xâm nhập vào vùng biển của Trung Quốc nếu họ quyết định rằng những tàu này có thể gây hại cho sự an toàn và trật tự giao thông” cũng không có khả năng chấm dứt các hoạt động của Mỹ ở gần Trung Quốc. Tóm lại, những hành động răn đe của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm sự mở rộng của các cơ sở trên các bãi đá do Trung Quốc chiếm giữ, đã dẫn đến sự leo thang và căng thẳng ngày càng tăng, không chỉ với Mỹ mà còn với các nước láng giềng của Trung Quốc. 

Các hành động như huấn luyện và thử vũ khí hàng ngày của PLA là đối tượng cho sự diễn giải sai và được miêu tả như là nguyên nhân gắn kết với sự kiện chính trị gần đây nào đó. Việc huấn luyện của PLA được lên kế hoạch trước 1 năm hoặc lâu hơn với các mục tiêu huấn luyện được công bố hàng năm. Nhìn chung, các đơn vị đi theo một mô hình tiến triển từ huấn luyện cơ bản, đến huấn luyện đơn vị nhỏ và chức năng, cho đến các cuộc diễn tập lớn hơn, lên đến đỉnh điểm là các cuộc diễn tập chung và/hoặc đánh giá. Bởi vì quy mô của PLA, truyền thông Trung Quốc thường đưa tin về một số kiểu huấn luyện gần như mỗi tuần trong năm, và vì thiết bị mới đưa vào lực lượng, nhiều cuộc huấn luyện hiện nay xuất hiện ở các vị trí xa hơn Trung Quốc nơi PLA không hoạt động thường xuyên. Thông thường, huấn luyện diễn ra ngay trước, trong và sau một tin tức có giá trị đối với sự quan tâm của quốc tế, như một sự kiện quân sự của Mỹ trong khu vực. Do đó, sự huấn luyện của PLA và các sự kiện bên ngoài thường xuyên được các nhà quan sát đánh giá là có liên quan đến một sự kiện khác, nhìn chung dẫn đến việc một người phát ngôn của Trung Quốc miêu tả sự huấn luyện là công việc thường ngày và phù hợp với lịch trình huấn luyện hàng năm. Trái lại, Chính phủ Trung Quốc sẽ không do dự công khai sự huấn luyện của PLA khi nó phục vụ cho một mục tiêu răn đe, như họ đã làm đối với một loạt cuộc tập trận phản đối Đài Loan vào đầu những năm 2000. Tương tự, những vụ thử vũ khí thường xảy ra theo các thông số được xác định bằng các tiến trình nghiên cứu và phát triển, không phải theo sự phản ứng trực tiếp với các sự kiện bên ngoài. 

Trở lại với tầm nhìn của Reagan về “hòa bình thông qua sức mạnh”, đầu năm nay Hal Brands đã cảnh báo trên những trang này rằng “cả hai danh từ trong cụm từ đó đều thiết yếu, và sức mạnh tạo điều kiện cho hòa bình”. Khi cả Mỹ lẫn Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu răn đe của họ trong khu vực, tất cả các yếu tố trong phương trình của Đô đốc Harris (và học thuyết của Trung Quốc) cần được cân bằng và được hiểu lẫn nhau để không làm xói mòn mục tiêu chung về ổn định khu vực.

Dennis J. Blasko, đại tá (về hưu) quân đội Mỹ, từng là tùy viên quân sự tại Bắc Kinh và Hồng Công từ 1992-1996, là tác giả cuốn “The Chinese Army Today: Tradition and Transformation for the 21st Century”, ấn bản lần 2 (Routledge, 2012). Bài viết được đăng trên War on the Rocks.

Văn Cường (gt)