(Newsweek, 22/3/2009) Vương quốc bậc trung này đang viết lại các quy tắc về tiền tệ, công nghệ, thương mại, không gian, khí hậu - bạn có thể kể tên ra những vấn đề đó.


Trở lại khi Tổng thống Obama sống ở Inđônêxia, vào cuối những năm 1960, Trung Quốc đã hiện lên như một lực lượng xấu xa đối với phương Bắc, nơi các chiến sĩ cộng sản tìm cách xuất khẩu cuộc cách mạng của họ ra phần còn lại của châu Á. Giacácta nơi ông sẽ đến thăm vào tháng 6/2010 hiện có một thái độ hoàn toàn khác về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các công ty địa phương đang thực hiện các thoả thuận mua bán bằng đồng nhân dân tệ, thay vì đồng USD. Nếu Giacácta gặp rắc rối về tài chính, như nước này đã mắc phải vào năm 1997, họ sẽ có thể kêu gọi trợ giúp từ quỹ dự trữ khu vực 120 tỉ USD, một phiên bản của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ dành riêng cho châu Á, được tài trợ một phần bởi quỹ dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc. Các vấn đề kinh tế và chính trị chủ chốt của châu Á không còn bị làm rối tung lên do các chuyến công du như của Obama - giữa các nước và Mỹ - mà là tại các hội nghị thượng đỉnh chỉ bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Martin Jacques, tác giả của cuốn “Khi Trung Quốc thống trị thế giới” nói: “Trung Quốc là công cụ trong sự chuyển đổi trọng tâm từ ‘châu Á- Thái Bình Dương’, mà phần lớn là về Mỹ và Nhật Bản, sang ‘Đông Á’, nơi Trung Quốc là trung tâm”.


Đủ công bằng: mọi người hiểu rằng Trung Quốc xứng đáng có tiếng nói lớn trong những gì đang diễn ra ở các nước láng giềng. Nhưng những gì mà hầu hết mọi người đều chưa chú ý đến là Bắc Kinh cũng muốn soạn thảo - hoặc ít nhất là giúp soạn thảo - luật đi đường mới cho thế giới. Cheng Li, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc John L.Thornton tại Viện Brookings nói: “Hiện nay Trung Quốc muốn có một ghế hàng đầu ở bàn đàm phán. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong đợi đứng trong hàng ngũ những kiến trúc sư chủ chốt của các thể chế toàn cầu”.


Người ta dễ dàng quên rằng các tổ chức quốc tế lớn như IMF, và Ngân hàng Thế giới được tạo ra chỉ bởi một số ít các quốc gia, do Mỹ lãnh đạo. Các tổ chức kinh tế này đã có phạm vi hoạt động toàn cầu, nhưng thế giới khi đó là do siêu cường Mỹ thống trị, và các chính sách của những tổ chức đó đầy các giá trị của Mỹ. Khi Bắc Kinh còn là một bên tham gia có ít quyền lợi, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường không thích cơ cấu tổ chức này, nhưng họ phải chung sống với điều đó, thậm chí phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của người dân trong việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.


Nhưng hiện Trung Quốc có ảnh hưởng với thế giới nhiều hơn và dư luận ở trong nước ra giọng gây hấn (và đôi khi mang giọng điệu của chủ nghĩa Sôvanh đích thực). Vì vậy, với một mắt để ý đến lợi ích quốc gia và một mắt để ý đến những nhà chỉ trích trong nước vốn đang buộc tội chế độ “chiều chuộng” phương Tây, Bắc Kinh đã bắt đầu đẩy mạnh hơn nữa việc định hướng lại các hệ thống quốc tế để làm cho chúng thuận tiện với Trung Quốc (và, trong tiến trình này, làm gia tăng các cơ hội sống sót của chế độ này).


Mỉa mai thay, các quan chức của Mỹ thường phàn nàn rằng Bắc Kinh không tham gia nhiều việc điều hành thế giới - chẳng hạn từ chối giúp đỡ các nỗ lực an ninh ở Ápganixtan. Nhưng trong hầu hết những trường hợp như vậy, Trung Quốc bị yêu cầu tham gia một hệ thống mà nước này không thành lập - một hệ thống mà Bắc Kinh nhìn nhận là thiên vị phương Tây. Trung Quốc khá tích cực trong việc tham gia các tổ chức mà họ góp phần xây dựng nên, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một kiểu NATO của Trung Á, trong đó Trung Quốc (như người ta có thể đoán được từ cái tên của tổ chức này) đóng vai trò lãnh đạo. Mặc dù liên minh đó bắt đầu như một kiểu trò đùa vào năm 1996, nhưng giờ đây nó đã phát triển thành một trụ cột an ninh khu vực.


Tương tự, những nỗ lực của Bắc Kinh thúc đẩy đồng nhân dân tệ thành một đối thủ cạnh tranh với đồng USD hiện đang đạt được những tiến bộ tạm thời. Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã đạt được các thoả thuận trao đổi tiền tệ trị giá 100 tỷ USD với 6 nước, trong đó có Áchentina, Inđônêxia và Hàn Quốc. Đồng nhân dân tệ trở thành một loại tiền tệ giao dịch chính thức phục vụ cho thương mại giữa Đông Nam Á và hai tỉnh của Trung Quốc tiếp giáp khu vực này. Gu Xiaosong, Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Nam Ninh nói: “Nhân dân tệ tiếp theo sẽ được sử dụng như một loại tiền tệ giao dịch với Ấn Độ, Pakixtan, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.


Những nước đó cuối cùng sẽ có thể sử dụng tiền tệ của Trung Quốc cho các thoả thuận mua bán giữa họ với nhau. Và trong một bước đi khác, kín đáo nhưng quan trọng, hướng tới việc làm cho đồng nhân dân tệ trở thành một tiền tệ quốc tế tự do chuyển đổi, Bắc Kinh đã phát hành loại trái phiếu quốc tế đầu tiên ở Hồng Công vào cuối năm 2009.


Tương đối thầm lặng, Bắc Kinh đang giúp thiết kế lại hệ thống các trang web. Các bài báo gần đây tập trung vào vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Google, vốn đã tuyên bố rằng họ từ chối tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt địa phương thêm nữa sau khi các hệ thống mạng của họ bị tin tặc tấn công mà nguồn gốc tấn công là từ các máy tính của Trung Quốc. Nhưng một cách riêng rẽ, Trung Quốc đang rất nỗ lực nghiên cứu các tiêu chuẩn Internet thế hệ mới – cái gọi là IPv6, Giao thức Internet phiên bản 6. Phiên bản hiện nay, IPv4, được dự kiến là hết không gian địa chỉ vào ngay năm tới. Tuy nhiên, thành công trong lĩnh vực này vẫn chưa đến sớm với Bắc Kinh, do đại đa số các địa chỉ IP - khoảng 1,4 tỉ địa chỉ IP tính đến tháng 8/2007 – là của các doanh nghiệp và cá nhân của Mỹ, so với 125 triệu địa chỉ IP của Trung Quốc. Quy ra thì Trung Quốc có chưa đầy 1 địa chỉ IP/100 người, so với 5 địa chỉ IP/1 người ở Mỹ.


IPv6 sẽ đem lại hàng nghìn tỉ địa chỉ IP mới cho mọi lĩnh vực từ các trang web cho đến các thiết bị gia dụng thông minh và các trang thiết bị quân sự - và Bắc Kinh muốn có phần của mình. Trung Quốc cũng có thể có một cơ hội mới để do thám trên mạng: không giống như cấu trúc trước đây, IPv6 cho phép các địa chỉ IP đính kèm với mỗi máy tính hay thiết bị di động cụ thể, mà sẽ mang lại cho chế độ này khả năng lớn hơn trong việc kiểm soát các cư dân mạng.


Tất cả nỗ lực này được khích lệ bởi sự kết hợp kỳ lạ giữa sự tự tin, lòng tự hào và sự không an toàn. Một mặt, Trung Quốc hiểu rằng năng lực kỹ thuật của Trung Quốc đang cải thiện đáng kể và nhận thấy một cơ hội để vượt phương Tây ở những lĩnh vực nhất định. Ruchir Sharma, người đứng đầu bộ phận phụ trách các thị trường đang nổi lên của Công ty Quản lý đầu tư Morgan Stanley nói: “Ở Trung Quốc đã luôn có cảm giác rằng, cũng như ở nhiều nước đang phát triển khác, phương Tây là nơi hướng tới để nghiên cứu – thì nay đột nhiên phương Tây không còn là nơi đó nữa. Các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang đổ về trong nước để thực hiện các cuộc nghiên cứu gốc tại các phòng thí nghiệm được tài trợ đầy đủ.


Mặt khác, Trung Quốc lo ngại rằng nếu họ không tham gia việc soạn thảo những tiêu chuẩn mới, thì chúng sẽ bị các đối thủ của họ thao túng. Chẳng hạn, chế độ này đã tìm cách cấm các máy tính của chính phủ chạy phần mềm của Microsoft phần lớn là vì người ta giả định rằng một phần mềm như vậy có thể bao gồm “cửa đen” mà cho phép Chính phủ Mỹ thực hiện các đòn tấn công trên mạng chống lại Trung Quốc.


Qủa thực, trong khi Trung Quốc không nhất thiết là phải tìm cách thao túng thế giới, các hành động của Trung Quốc đặt những lợi ích của Trung Quốc lên trên hết. Các chương trình không gian của Bắc Kinh có độ bí mật cao, nhưng chúng đã rộ lên trong những năm gần đây với cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên vũ khí phá hủy vệ tinh vào năm 2007, tiếp theo vào năm nay là cuộc phóng tên lửa đất đối không ra ngoài khí quyển (mà một số chuyên gia an ninh phương Tây nghĩ rằng có thể thực sự là một vũ khí tiêu diệt vệ tinh mới). Đầu tháng 3/2010, Trung Quốc đã thừa nhận các kế hoạch về tàu thám hiểm mặt trăng không người lái thứ hai vào tháng 10 và vụ phóng một môđun tàu vũ trụ vào năm 2011 trong cuộc thực hiện lắp ráp lần đầu tiên của Trung Quốc, tất cả đều hướng tới cú hạ cánh xuống Mặt Trăng vào năm 2013. Do sự sụt giảm về ngân sách của NASA, Trung Quốc hiện nay là nước duy nhất có đầu tư lớn vào thám hiểm vũ trụ.


Tại sao Trung Quốc ra sức thúc đẩy việc bay đến Mặt Trăng? Bắc Kinh rõ ràng mong đợi sẽ thu được nhiều mẫu vật từ các chuyến thám hiểm vũ trụ của mình hơn Mỹ từng có. Một số nhà khoa học Trung Quốc đảm bảo chắc chắn rằng vũ trụ là nơi tìm kiếm các nguồn năng lượng tiềm năng mới như helium­‑3, cũng như các mạch mỏ khoáng chất hiếm mà đang bị tiêu thụ đến cạn kiệt do nền sản xuất công nghiệp trên trái đất: Ye Zili thuộc Hội khoa học không gian Trung Quốc đã được dẫn lời nói rằng khi Trung Quốc vươn tới Mặt Trăng, họ “sẽ không chỉ nhặt một mẩu đá” - một sự chế nhạo rõ ràng đối với các sứ mệnh của Mỹ trong quá khứ. Nhưng các quy tắc quản lý việc khai thác các nguồn tài nguyên ngoài trái đất phải được thảo ra. Khi chúng được soạn thảo, Trung Quốc muốn lợi ích của họ được đại diện đầy đủ.


Một nguyên tắc tương tự giải thích nỗ lực tổng thể của đất nước này vượt lên trên phần còn lại của thế giới: để đảm bảo đất nước này có tiếng nói thực sự trong việc tạo lập các quy tắc và tiêu chuẩn tương lai của thế giới. Trung Quốc hiểu rằng họ có thể leo lên nấc thang kinh tế một cách dễ dàng bằng các công nghệ mới cũng như đang phát triển hơn là bằng các ngành công nghiệp truyền thống, và đó là lí do tại sao Trung Quốc, nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, cũng trở thành người ủng hộ mang tầm cỡ nhà nước lớn duy nhất đối với công nghệ xanh. Nhờ vào các khoản trợ cấp chính phủ khổng lồ, Trung Quốc hiện nay là nước đi đầu thế giới về các thiết bị phần cứng sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió và đang nhanh chóng tiến tới hình thành tiêu chuẩn trong thế hệ phương tiện sử dụng năng lượng sạch kế tiếp. Các loại pin do công ty BYD của Trung Quốc chế tạo đã được sử dụng tại ít nhất là ¼ thị trường điện thoại di động của thế giới; hiện nay, nhà chế tạo pin này đang dẫn đầu cuộc đua toàn cầu đáp ứng các loại pin dành cho ô tô, rào cản lớn nhất còn lại là tạo ra một thị trường hữu hình cho các loại ô tô chạy bằng điện và loại xe chạy cả điện và xăng.


Nhờ vào sự ủy trị của nhà nước, Trung Quốc đã có một đội ngũ phương tiện sử dụng năng lượng sạch lớn nhất trên thế giới. Khi kỹ thuật cải thiện, có thể đánh cuộc được rằng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy sản xuất các ô tô sử dụng năng lượng sạch trên khắp thị trường tiêu dùng của Trung Quốc (mà năm 2009 đã bắt kịp Mỹ về số lượng các xe ô tô được bán ra). Và nếu Trung Quốc thành công trong việc phát triển không chỉ công nghệ tiêu chuẩn vàng này trong lĩnh vực sản xuất xe ô tô mà còn phát triển một thị trường có quy mô lớn, họ có thể mong đợi kiểm soát tương lai ngành kinh doanh xe ô tô trên toàn cầu.


Nếu và khi ngày đó xảy đến, điều thú vị sẽ là chứng kiến liệu Trung Quốc – và thế giới - sẽ tiếp tục hay không tiếp tục ủng hộ các quy tắc tự do thương mại và sự cạnh tranh toàn cầu cởi mở hiện tại mà đã giúp đem lại cho họ mức độ hoà bình và thịnh vượng hiện nay. Người ta có thể thấy những thay đổi đáng lo ngại trong cách mà Trung Quốc đối phó với các công ty nước ngoài. 10 năm trước đây, Bắc Kinh đã làm mọi thứ có thể để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ngày nay, các quy tắc đó đã thay đổi. Gói kích thích tài chính trị giá 800 tỉ USD của đất nước này tác động nhiều hơn vào các công ty do nhà nước điều hành và rời xa khỏi khu vực tư nhân. Các luật pháp nhập mới đang làm cho các công ty nước ngoài khó khăn hơn trong việc mua lại các công ty Trung Quốc.


Vào tháng 12, Phòng Thương mại Mỹ và 33 tổ chức kinh doanh khác từ trên khắp thế giới đã gửi một bức thư đến Bắc Kinh phản đối điều luật mà họ khẳng định là sẽ ngăn cản một cách hiệu quả các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường mua sắm của Chính phủ Trung Quốc. Thậm chí Bắc Kinh còn kiểm soát cả các doanh nghiệp liên doanh. Một trong các công ty tư nhân hàng đầu của thế giới, Tập đoàn Carlyle, mới đây đã bị buộc phải hợp lực với chính quyền thành phố Bắc kinh để được phép đầu tư vào nhiều thoả thuận hơn ở Trung Quốc.
Ý tưởng cho rằng khi Trung Quốc trở nên giàu có, Trung Quốc đơn giản là trở nên giống Mỹ nhiều hơn, hay ít nhất là đồng tình hơn với chương trình nghị sự của Mỹ, hoá ra là sai lầm. Trung Quốc chưa bao giờ bị biến đổi từ bên ngoài, và Trung Quốc hiện nay cũng không thể thế. Đối với những người dân Trung Quốc bình thường, lòng tự hào về sự thịnh vượng của quốc gia của họ đã cân bằng được cảm nghĩ cho rằng tất cả vẫn quá mới mẻ và mang tính nhất thời. Một tốc độ thay đổi chóng mặt đang gây tác động rất lớn đến những người Trung Quốc trẻ tuổi, hướng họ vào bên trong và làm cho họ trở nên dân tộc chủ nghĩa hơn - một xu hướng mà các chuyên gia như John Lee thuộc Viện Hudson tin là một nhân tố trong chính sách mới và năng nổ hơn của trung Quốc về các vấn đề an ninh, thương mại, và đối ngoại. Sự năng nổ này chỉ có thể gia tăng từ nay đến năm 2012, khi ban lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc có sự thay đổi. Li thuộc Viện Brookings cho rằng các quan chức tranh giành các vị trí, cả hiện nay và sau này, sẽ “mất điểm nếu họ bị nhìn nhận là quá mềm yếu trong bất cứ cuộc đàm phán nào với Mỹ”.


Trung Quốc rõ ràng là vẫn tạo lập bản sắc của mình: một quốc gia giàu hay nghèo, một cường quốc lớn mà cần phải dẫn đầu về các vấn đề toàn cầu hay một nước đang phát triển mà đơn giản là chỉ phải chăm chút cho bản thân? Sự mơ hồ đó có thể dẫn đến nhiều sự thất bại hơn nữa như tại Hội nghị biến đổi khí hậu vào tháng 12/2009 tại Côpenhaghen, nơi Bắc Kinh đã làm thất bại một thoả thuận bằng việc từ chối cam kết tuân thủ những mục tiêu cắt giảm khí thải mang tính ràng buộc. Nguyên nhân chủ yếu là do việc Thủ tướng Ôn Gia Bảo tỏ ý coi thường Tổng thống Obama bằng hành động gửi một quan chức cấp thấp đến cuộc họp quan trọng dành cho những người đứng đầu nhà nước trên toàn cầu. Nếu Trung Quốc thực sự muốn có một ghế tại bàn đàm phán, thì tại sao Trung Quốc lại để một nhân vật không quan trọng ngồi vào ghế này?


Theo một quan chức nước ngoài biết rõ việc này nhưng không có quyền phát biểu công khai, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã không được trao quyền đưa ra các quyết định tại cuộc họp đó. Thay vì bị lúng túng do thiếu sự uỷ quyền, ông đã chọn cách tránh không tham dự cuộc họp đó. (Quan chức Trung Quốc thay thế ông đã khẳng định rằng ông ta cũng không thể đưa ra bất cứ quyết định nào - bởi vì điện thoại của ông ta hết pin).


Cuối cùng, chính việc Trung Quốc lo sợ bị vướng vào một cái bẫy do phương Tây sắp đặt, đã định hướng phần lớn lối hành xử của phái đoàn Trung Quốc ở Côpenhaghen. Vẫn chưa rõ thế giới của chúng ta sẽ trông giống như thế nào khi Trung Quốc thực hiện phần việc của nước này để định hướng lại thế giới. Nhưng chặng đường tiến lên phía trước mà thế giới hứa hẹn là một con đường gập ghềnh./.