Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên buộc 4 cường quốc lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga) phải vào cuộc, phải ngồi với nhau tìm cách tháo ngòi nổ. Điểm nóng ở eo biển Đài Loan không chỉ là quan hệ Trung Quốc với Đài Loan, mà còn liên quan đến quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ, một siêu cường với một cường quốc số 1 thế giới. Tại biển Đông, chỉ có quan hệ giữa Trung Quốc – cường quốc số 1 với các nước nhỏ hơn ở khu vực. Nếu lấy số lượng các cường quốc tham gia giải quyết làm tiêu chí đánh giá quy mô và tính chất nghiêm trọng của cuộc tranh chấp, thì bán đảo Triều Tiên là nóng nhất, nghiêm trọng nhất, thứ hai là eo biển Đài Loan, biển Đông là ít nghiêm trọng nhất. Có lẽ, đó là trạng thái tạm thời trước mắt. Về lâu dài, khoảng 10-15 năm tới, có thể đến 20 năm, căng thẳng nhất, nghiêm trọng nhất là tại biển Đông. Trong thơi gian trên, sẽ không xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, ít khả năng xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, còn cuộc chiến trên biển Đông thì hoàn toàn không thể tránh được. Do đó, việc nghiên cứu dự báo tranh chấp chủ quyền tại biển Đông là cần thiết và cấp bách.

 

 

I.  Một số đặc điểm của biển Đông

 

 

Tranh chấp chủ quyền trên biển diễn ra nhiều nơi trên toàn thế giới (Địa Trung Hải, Biển Đen, các vịnh ở ấn Độ Dương, Đông Nam Thái Bình Dương...), trong đó tranh chấp trên biển Đông là phức tạp nhất, gay gắt nhất và dễ dẫn đến xung đột vũ trang nhất. Điều đó xuất phát từ những đặc điểm riêng có của biển Đông.

 

 

- Một là, biển Đông là nơi giao nhau của nhiều tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới nối liền ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Biển Đông rộng 6,2 triệu km2, hàng ngày có khoảng 400 tàu lớn qua đây, khoảng 25% mậu dịch và 1/2 lượng dầu tiêu thụ của thế giới qua biển Đông. Khoảng 80% dầu thô của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu từ Trung Đông, Châu Phi và các nước ASEAN đều đi qua biển Đông. Khoảng 60% tàu thuyền qua  biển Đông hàng ngày là tàu Trung Quốc. Do đó, biển Đông có vị trí địa - chiến lược, địa – kinh tế cực kỳ quan trọng, và là yết hầu kinh tế của toàn bộ khu vưc Đông á, đặc biệt là Đông Bắc á.

 

 

- Hai là, biển Đông có trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt, phốtphát và nhiều khoảng sản quý hiếm. Hiện nay chưa có khảo sát, thăm dò toàn diện, phần lớn thông qua các phương tiện gián tiếp và suy đoán từ những vùng đã thăm dò, đang khai thác. Theo A.Bajsin thì trữ lượng dầu mỏ ở biển Đông (vùng thềm lục địa) là 29,1 tỷ tấn, khí đốt là 5,8 tỷ m3 ([1]). Hiện nay Trung Quốc tiêu thụ hơn 7 triệu tấn dầu/ 1 ngày[2], thứ hai thế giới, sau Mỹ. Trữ lượng dầu trên đất liền, kể cả vùng Viễn Tây: Tân Cương, Tây Tạng, không lớn; hơn nữa họ còn để dành sử dụng sau này.Nên Trung Quốc ráo riết triển khai nhiều dự án thăm dò, khai thác dầu và khí đốt ở biển Đông.

 

 

- Ba là, khác với các vùng biển có tranh chấp trên thế giới, phân bố lực lượng của các bên tham gia tranh chấp chủ quyền tại biển Đông mất cân bằng hết sức lớn. Tương quan sức mạnh giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực (Việt Nam, Philippin, Malaysia, Indonesia) là quá lớn, nghiêng hẳn về Trung Quốc. Các nước nhỏ trong khu vực lại không đoàn kết chặt chẽ, không tạo ra được sức mạnh tổng hợp của tập thể, trong nhiều trường hợp không có tiếng nói chung. Trung Quốc đã khôn khéo dùng thủ đoạn “chia để trị”, “bẻ đũa từng chiếc” để ngăn cản tập hợp lực lượng chống lại Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền tại biển Đông và  thực sự họ đã thành công.

 

 

II. Tính chất của tranh chấp chủ quyền tại biển Đông

 

 

Xét theo góc độ địa lý tự nhiên, có tranh chấp vùng biển và tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, quân đảo.

 

 

Các nước có tranh chấp chủ quyền trên vùng biển là: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippin, Malaysia, Brunây và Indonesia. Trong 7 chủ thể này thì Trung Quốc và Đài Loan thuộc một bên tranh chấp, còn 5 nước: Việt Nam, Philippin, Malaysia, Brunây và Indonesia thuộc một bên. Về cơ bản Trung Quốc và Đài Loan thống nhất đưa ra yêu sách về vùng biển rộng lớn, gần toàn bộ biển Đông, thuộc chủ quyền của họ. Ngày 26-2-1992, Trung Quốc công bố luật về vùng lãnh hải của Trung Quốc. Theo luật này, toàn bộ các quần đảo trên biển Đông bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa, Sensuka và gần toàn bộ bỉên Đông (khoảng 5/6 triệu km2) thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đường “lưỡi bò” với 9 đoạn thẳng mà Trung Quốc mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của họ đã lấn sân vào vùng lãnh hải, có nơi đến vùng nội thuỷ, của Việt Nam, Philippin, Malaysia, Brunây và Indonesia. Theo luật về vùng lãnh hải, Trung Quốc tự cho mình quyền dùng vũ lực để bắt các nước trong khu vực tôn trọng chủ quyền của họ trong vùng “lưỡi bò” trên biển Đông. Các nước trong khu vực liên quan (Việt Nam, Philippin, Malaysia, Brunây và Indonesia) bất bình với hành động xâm phạm chủ quỳên một cách ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng do thế và lực của từng nước rất yếu (so với Trung Quốc), lại không đoàn kết để có tiếng nói thống nhất nên không có phản ứng đáng kể nào đối với Trung Quốc.

 

 

Điểm nút của tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Sau này, nếu có xung đột quân sự trên biển Đông, thì chắc chắn sẽ xảy ra ở quần đảo Trường Sa. Tại hai quần đảo này, tranh chấp chủ quyền chủ yếu giữa Trung Quốc và Việt Nam.

 

 

Về mặt khoa học, chúng ta cần vạch rõ tính vô căn cứ và nguỵ biện trong lập trường của Trung Quốc về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong “tứ cố toàn thư” ở Bắc Kinh và tại các trung tâm lưu trữ quốc gia ở trung ương và địa phương, không có một cuốn sử nào, không một tài liệu nào nói đến cái tên Sisha (Tây Sa – Hoàng Sa) và Nansha ( Nam Sa – Trường Sa). Bắc Kinh lập luận: Dưới thời nhà Minh thế kỷ thứ XV, Trịnh Hoà[3] đã 7 lần vượt biển Đông, khi về đã đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào bản đồ. Rõ ràng 7 chuyến đi qua biển Đông vượt Đại Dương của Trịnh Hoà không có mục đích chiếm lấn hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, mà “hoạt động của hạm đội (Trịnh Hoà) là nhằm khống chế còn đường hàng hải Đông Tây, mở rộng ảnh hưởng của nhà Minh, dụ dỗ, uy hiếp, buộc các nước phải “thuần phục”  “triếu cống” thiên triều. . . Theo sử triều minh, Trịnh Hoà đã chiêu dụ (kể cả dùng vũ lục) được khoảng hơn 30 nước thuần phục Thiên Triều”[4]. Dù 7 lần đi về qua biển Đông, nhưng Trịnh Hoà chưa hề đặt chân lên Trường Sa và Hoàng Sa.

 

 

Sau Trịnh Hoà, suốt thời kỳ nhà Minh và nhà Thanh, nhà nước phong kiến Trung Hoa không hề có lực lượng nào đặt chần lên Trường Sa và Hoàng Sa, không chiếm hữu đảo, dù là chiếm hữu tượng trưng và không hề có hoạt động thực hiện chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Từ cuối thời nhà Minh và suôt cả thời nhà Thanh đến tận năm 1912, nhà nước phong kiến Trung Hoa chỉ co cụm vừa mở mang, vừa chấn dữ, đối phó với các thế lực trống đối ở phía Tây Tân Cương và phía bắc Mông Cổ, mà không quan tâm đến vùng biển và đại dương ở phía Đông. Ngay trong thời kỷ cực thịnh của nhà Thanh kéo dài 133 năm (1662-1795), các triều đại Khang Hy, Ung Chính đến Càn Long cũng không quan tấm đến biển Đông. Trong thời kỳ suy vong (1940-1912), nhà Thanh đã suy sụp cực độ sau chiến tranh Nha Phiến[5]2 và hoàn toàn không quan tâm đến biển Đông, không có bất kỳ 1 hoạt động nào để xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

 

 

Từ 1859 -1954, nhà Nguyễn và chính quyền Bảo Đại là chủ thể duy nhất thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trừ thời gian Nhật chiến trong đại chiến thế giới thứ II (1940-1945). Trong thời gian này chính phủ Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch và nhà nước Philippin có vài lần đưa ra yêu sách đòi chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa và có lần họ đưa quân đội ra chiếm một số đảo; nhưng phần chủ yếu của 2 quần đảo này vẫn nằm dưới quyền quản lý của Việt Nam.

 

 

Ngày 7-9-1951 tại hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ), Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố trước đại biểu của 51 quốc gia dự họp: Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, Việt Nam là chủ nhân của hai quần đảo này liên tục trong nhiều thế kỷ. Không một đại biểu nào dự hội nghị có ý kiến về tuyên bố của thủ tướng Trần Văn hữu.

 

 

Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương, hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương giữa các bên tham gia hội nghị là Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Vương Quốc Campuchia, Lào và chính phủ “Quốc Gia Việt Nam” của Bảo Đại. Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương xác nhận: Pháp và các nước khác, trong đó có Trung Quốc công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Theo hiệp định Giơnevơ, Việt Nam tạm thời được chia làm 2 vùng tập kết, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời; Vùng biển và các đảo, quần đảo phía nam vĩ tuyến 17 do Việt Nam Cộng Hoà (Sài Gòn) quản lý, thực hiện chủ quyền, còn vùng biển và các đảo phía bắc vĩ tuyến 17 do Việt Nam dân chủ cộng hoà quản lý. Theo hiệp định Giơnevơ 1954, cộng đồng quốc tế và Trung Quốc đã thừa nhận hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lẽ nào điều đó là không rõ ràng và hiển nhiên? Việc dùng một lực lượng lớn hải quân đánh chiếm một số đảo phía Đông Hoàng Sa vào 1956 và đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1-1974 và việc dùng vũ lực từng bước đánh chiếm một số đảo và bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nói lên điều gì? Không thể nói khác được, đó là âm mưu và hành động tráo trở lố bịch theo tư tưởng sô vanh nước lớn, bành trước Đại Hán của những người cầm quyền của Bắc Kinh.

 

 

Đã và sẽ có nhiều công trình khoa học lớn luận chứng một cách thuyết phục khẳng định: Liên tục trong nhiều thế kỷ, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Để cho khách quan, ở đây xin trích ý kiến của bà Mouique Chemillier-Gendreau, giáo sư công pháp quốc tế Pháp, viết về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

 

“Từ khi Việt Nam và Pháp ký hiệp ước Patenotre năm 1884 thì Việt Nam là nước đã nắm chủ quyền không ai chối cãi được đối với các đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ hai thế kỷ rồi, một chủ quyền phù hợp với hệ thống pháp lý quốc tế của thời kỳ đó.

 

Đối  với Hoàng Sa thì chủ quyền đã rõ ràng và hoàn toàn hợp lý không còn gì phải bàn cãi nữa. Đối với Trường Sa thì có nhiều lý lẽ và bằng chứng cho thấy là nhóm đảo này vẫn thống thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng không biết là chủ quyền toàn bộ hay một phần, vì nhóm Trường Sa nằm rải rác trên một diện tích biển rộng 160.000 km2. Nhưng dẫu là toàn bộ hay một phần thì Việt Nam vẫn có chủ quyền trên những hòn đảo lớn và từ đó có thể dựa trên cơ sở “inchoate title” nghĩa là một lý do chủ quyền manh nha (chủ quyền phôi thai) để đi đến một chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn.

 

Vấn đề hiện nay của Việt Nam chỉ còn là củng cố quyền sở hữu đó theo căn bản của sự tiến triển của công pháp quốc tế ngày nay.”[6]

 

 

 Tóm lại, cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển Đông mang tính chất của một cướp đoạt thực dân của một nước lớn theo chủ nghĩa so với nước lớn chiếm đoạt lãnh thổ trên vùng biển của các nước nhỏ yếu hơn bằng vũ lực. Đây là cuộc đấu tranh gay gắt của các quốc gia bị chiếm đoạt chống lại kẻ cướp đoạt.

 

 

III. Xu hướng phát triển của tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.

 

 

Có mấy vấn đề không thể bỏ qua khu dự báo xu hướng phát triển tranh chấp chủ quỳên trên biển Đông. Nói cách khác, đây là các cơ sở làm cho các dự báo có độ tin cậy cao.

 

 

- Một là, trong quá trình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, Trung Quốc và Đài Loan luôn có chung lập trường, đơn giản vì họ đều là “người Hoa”. Những ai còn mê ngủ trên cái giường “cùng đồng chí”, “cùng chủ nghĩa xã hội” hãy mau tỉnh và nhớ rằng: ngay trong thời kỳ hai bên bờ eo biển Đài Loan còn hết sức căng thẳng tưởng như sắp có chiến tranh và khi đó Hông Kông, Ma Cao chưa về với Trung Quốc đại lục, người Trung Quốc, người Đài Loan, người Hồng Kông, người Ma Cao đã hăm hở kề vai sát cánh với nhau trên một con tàu đi phản đối Nhật Bản trong cuộc tranh chấp chủ quyền đối với đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

 

- Hai là, vấn đề chủ yếu trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển Đông là tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và cuối cùng sẽ được quyết định thông qua xung đột quân sự lớn tại quần đảo Trường Sa. Mặc dù “đường lưỡi bò” chín đoạn mà Trung Quốc yêu sách là xâm phạm thô bạo chủ quyền của nhiều nước (Việt Nam, Philipin, Malaysia, Brunây, Indonesia), nhưng sẽ không có một xung đột quân sự nào quanh “đường lưỡi bò”.

 

- Ba là, trước khi phát động chiến tranh đánh chiếm quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh sẽ công khai, bí mật làm yên lòng các “đối tác” lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga và cả Hàn Quốc, Oxtraylia và EU rằng họ (Bắc Kinh) sẽ đảm bảo an toàn, thông suốt cho tuyến đường hàng hải qua Biển Đông. Mặc dù không ai tin vào lời đường mật của những người lãnh đạo Trung Quốc, nhưng mọi quốc gia, kể cả Mỹ, chỉ đứng ngoài quan sát và đưa ra đề nghị vô thưởng vô phạt “các bên cần kiềm chế” khi Trung Quốc đã chiếm quần đảo Trường Sa.

 

- Bốn là, có thể Trung Quốc sẽ không đánh chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa. Philippin là đồng minh của Mỹ, Indonesia, Brunây, và Malaysia là bạn bè của Mỹ; hơn nữa các đảo và bãi đá ngầm mà các nước này đang chiếm giữ không có vai trò quan trọng như các đảo của Việt Nam. Nếu đẩy Philippin, Indonesia, Malaysia đến cùng, thì các nước này có thể ngả hẳn theo Mỹ, Nhật. Đó là điều mà Bắc Kinh không muốn. Do đó, phương án tối ưu là Trung Quốc sẽ đánh chiếm toàn bộ các đảo và bãi đá ngầm của Việt Nam và không đụng đến chủ quyền của Philippin, Indonesia, Malaysia, nhưng bắt các nước này phải chấp nhận các yêu sách và điều kiện của Trung Quốc. Như vậy sẽ giảm bớt được phản ứng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế đối với hành động “vừa ăn cướp, vừa la làng” của Bắc Kinh.

 

- Năm là, chắc chắn Trung Quốc sẽ cất quân đánh chiếm quần đảo Trường Sa, chủ yếu cướp toàn bộ các đảo, bãi đá ngầm của Việt Nam, mà không đánh cướp của các nước khác (như trình bày ở trên). Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng lớn để đánh mạnh, nhanh chóng, chỉ 2-3 ngày là kết thúc cuộc chiến với việc họ đánh chiếm toàn bộ các đảo, bãi đá ngầm của Việt Nam. Bắc Kinh phải kết thúc nhanh, đặt quốc tế trước việc đã rồi.

 

 

Hầu hết các học giả, chính khách các nước đều cho rằng: Trung Quốc quyết chiếm Hoàng Sa và Trường Sa vì ở đây có nhiều dầu mỏ và khí đốt. Điều đó chỉ đúng một phần và chứng tỏ trên thế giới có quá ít người hiểu đúng âm mưu, ý đồ sâu xa của Trung Quốc. Đúng là biển Đông có nhiều dầu và khí đốt, nhưng trên Bắc Hải và Đông Hải cũng có nhiều dầu và khí đốt. Dầu và khí đốt chỉ là mục tiêu trước mắt, lâu dài là vấn đề địa chiến lược, địa chính trị của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ai chiếm giữ được Hoàng Sa và Trường Sa thì sẽ khống chế được biển Đông, khống chế được Nhật Bản và Hàn Quốc, Đài Loan, tức là nắm giữ được yết hầu kinh tế của các quốc gia Đông Bắc á. Từ  đó sẽ từng bước đẩy Mỹ ra Đông á - Tây Thái Bình Dương, Khi đã khống chế được Đông Bắc á và Đông Nam á và đuổi Mỹ ra khỏi phía Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ tiến xuống Nam á ấn Độ Dương để trực tiếp thách thức ấn Độ và khai thác dầu khí ở Trung Đông.

 

 

Vì lý do trên, nên chắc chắn Trung Quốc sẽ phát động chiến tranh đánh chiếm Trường Sa của Việt Nam.

 

 

Khi nào Trung Quốc sẽ đánh?

 

 

Đây là vấn đề cực khó vì phụ thuộc vào nhiều nhân tố trong nước và ngoài nước. Có thể dự báo như sau: khi Trung Quốc đã khống chế và buộc Lào và Campuchia phụ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh, khi GDP của Trung Quốc đã bằng hoặc vượt GDP của Nhật Bản và khi vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã được  giải quyết thì Trung Quốc sẽ đánh chiếm Trường Sa của Việt Nam. Việc đó có thể diễn ra trước, sau năm 2025.

 

 

Trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, Việt Nam luôn ở vào thế “đơn phương độc mã”. Trung Quốc sẽ không dám đánh chiếm Trường Sa của Việt Nam khi Việt Nam hội đủ 2 điều kiện tiên quyết: 1. Về đối nội, đạt được sự ổn định, hoà thuận như Hưng Đạo Đại Vương đã nói: trên dưới hoà thuận, vua tôi đồng lòng; 2. Về đối ngoại, phá được thế “đơn phương độc mã”. Trí tuệ, phẩm hạnh và bản lĩnh của những người có trọng trách với quốc gia dân tộc có vai trò quyết định tạo ra hai điều kiện nói trên.

Thiếu tướng, PGS. TS. Lê Văn Cương,  Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học Công an - BCA 

 

                                                                   Hà Nội, tháng 3/2009

 


[1] A.Gajsin: “Núi lửa ngư” ở biển Nam Trung Hoa. T/c “Châu á và Châu Phi ngày nay” (Nga), số 1-2006.

[2] Mỹ tiêu thụ 21 triệu thùng dầu /1 ngày, chiếm 25% tiêu thụ năng lượng của toàn thế giới (Mỹ chỉ chiếm 5% dân số toàn cầu)

[3] Trịnh Hoà (thế kỷ XV), nhà hàng hải nổi tiếng thời nhà Minh. Vốn lá thái giám dưới triều vua Minh Thành Tổ (1402-1426). Trong thời gian 1405-1433, theo lệnh của nhà Minh, Trịnh Hoà đã 7 lần chỉ huy hạm đội gồm hàng trăm tàu biển lớn (145mx60m) vượt biển Đông, sang ấn Độ Dương, qua XriLanKa, các nước ả Rập vào biển Đỏ và xuôi xuống bờ biển Đông Phi.

[4] Từ điển Bách khoa Việt Nam, T.4, HN, 2005, tr.596.

[5] Chiến tranh Nha Phiến gồm 2 cuộc chiến tranh. Lần thứ nhất (1840-1842) Anh xâm lược Trung Quốc buộc nhà Thanh phải ký điều ước Nam Kinh (29-8-1842), buộc nhà Thanh phải mở 5 cửa khẩu: Quảng Châu, Phúc Châu, Ninh Ba, Hạ Môn, Thượng Hải và bồi thường chiến phí 21 triệu lạng bạc. Lần thứ hai (1857-1860) Liên quân Anh – Pháp xâm lược Trung Quốc buộc nhà Thanh ký ‘điều ước Thiên Tân” (6-1858) và “điều ước Bắc Kinh” (10-1860) và bồi thường cho Anh Pháp mỗi nước 8 triệu lạng bạc. Trung Quốc phải mở thêm 11 cửa khẩu và nhượng Cửu Long cho Anh.

 [6] Nguyễn Q. Thắng: Hoàng Sa Trường Sa – Lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế. Nxb Tri Thức, HN, 2008, tr.238.