Như tất cả chúng ta đều biết, sự nổi lên của Trung Quốc hiện là cả một câu chuyện kinh tế và chính trị rõ ràng trong thời đại của chúng ta. Mỗi tuần, tiêu đề của một cuốn sách mới loan báo một xu thế nghiêng về phía đông “không thể cưỡng lại được”, sự nổi lên của khối liên kết Trung - Mỹ và một tương lai không quá xa khi Trung Quốc “thống trị” hành tinh này. Giới truyền thông theo xu hướng chủ đạo, và đặc biệt là báo giới chuyên viết về lĩnh vực kinh doanh, đã bị thu hút bởi câu chuyện Trung Quốc chiếm lĩnh thế giới - mỗi đề mục khác trên tờ Financial Times và tờ The Wall Street Journal đều có một tiêu điểm về Trung Quốc. 


Tuy nhiên, tin tức viết về việc Trung Quốc xâm nhập toàn cầu là hết sức thiếu bối cảnh, đặc biệt khi đề cập đến việc nước này đang hoặc chưa vượt qua được Mỹ như một cường quốc toàn cầu như thế nào. Hiện có nhiều câu chuyện về một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đỡ đầu hoặc một công ty Trung Quốc tiến hành một giao dịch để nuôi dưỡng “cơn khát không thể thỏa mãn được” của họ về nguyên vật liệu, trong khi sự dính líu của các nước phương Tây với mức độ quan trọng tương tự hoặc lớn hơn thế nữa may mắn lắm mới được giới truyền thông đưa thành tin tức hàng đầu. Trong khi đó, việc xem xét kỹ lưỡng hơn những thước đo kinh tế chủ chốt và những sắc thái tinh tế hơn về quyền lực, chẳng hạn như ảnh hưởng về văn hóa và viện trợ nhân đạo, hiện cho thấy rõ rằng trong khi Trung Quốc quả thực là một trong những nước lớn trên thế giới hiện nay (cuối tháng 7/2010, nước này đã chính thức vượt Nhật Bản để vươn lên nắm giữ vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới), ảnh hưởng của nước này vẫn là lẫn lộn, và thường bị giảm bớt trước ảnh hưởng của Mỹ. 

 

Trong khi buôn bán của Trung Quốc với các khu vực như châu Phi và Mỹ Latinh đang tăng lên với cấp số nhân, nó vẫn bị dẫn trước bởi buôn bán của Mỹ, lĩnh vực có xu hướng ngày càng được đa dạng hóa. Ở châu Á, Trung Quốc hiện là đối tác buôn bán chi phối, tuy nhiên, những luồng hàng hóa này chủ yếu gồm những sản phẩm có giá trị thấp, trong khi Mỹ chi phối dây chuyền thực phẩm có giá trị cao nhất. Viện trợ và khoản đầu tư trực tiếp ở nước ngoài của Mỹ tại những khu vực này hiện vẫn làm lu mờ những khoản trên của Trung Quốc, và quyền lực mềm của Mỹ vẫn còn ngự trị, tương tự như sức mạnh quân sự của nước này, bất kể việc Trung Quốc mới đây tăng cường xây dựng lực lượng ở khu vực này. Charles Onyango – Obbo, nhà báo viết bài cho báo tuần The East African nhận định: “Chỉ có sức mạnh kinh tế không thôi thì không bao giờ đủ để một nước có thể chi phối bên ngoài đường biên giới của mình”. Ông này mới đây đã viết một bài báo với nhan đề: “Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát chăng? Tôi vẫn ngủ ngon”. Onyango – Obbo nhận xét: “Thực ra chính là nền giáo dục, kỹ thuật, văn hóa ( Hollywood và âm nhạc), kinh doanh và thể thao của Mỹ đã giúp nước này trở nên bao trùm tất cả đến vậy. Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc rất quan trọng trên thế giới, nhưng nó sẽ không phải là cường quốc chi phối thế giới”. 


Có lẽ không đâu trên thế giới điều này được bộc lộ rõ hơn ở châu Phi, nơi Trung Quốc được mô tả như nước giành thắng lợi khôn ngoan trong một cuộc tranh giành kiểu thực dân mới các nguồn tài nguyên, cung cấp khoản trợ giúp phát triển - chủ yếu dưới dạng các sản phẩm được sản xuất với giá thành thấp, đầu tư cơ sở hạ tầng, và với các khoản cho vay với lãi suất thấp - tất cả được mời chào mà không có những đề nghị kiểu phương Tây gây khó chịu như phải tôn trọng nhân quyền. Đổi lại, Trung Quốc được quyền tiếp cận các nguồn nguyên liệu thô để kích thích sự bùng nổ kinh tế của nước này. Chắc chắn là sự hiện diện của Trung Quốc trên lục địa này đã được mở rộng đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là đối tác buôn bán lớn nhất của châu Phi phía nam sa mạc Xahara, chiếm 15% tổng giá trị buôn bán của châu Phi so với con số 10% của Trung Quốc (cũng cần biết rằng châu Phi chỉ được hưởng quyền ưu tiên buôn bán thấp với Mỹ và chiếm có 2% giá trị buôn bán toàn cầu của nước này). 

 

Thực vậy, phần lớn hàng hóa buôn bán giữa Trung Quốc và châu Phi là những mặt hàng nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc từ 5 nước châu Phi, và thậm chí đối với dầu lửa - được cho là trọng tâm nỗ lực của Trung Quốc ở lục địa này - Mỹ vẫn giữ một vị thế dẫn đầu đáng kể. Trung Quốc nhập khẩu 17% dầu lửa của tất cả châu Phi so với khoản nhập khẩu 29% của Mỹ (và 35% của châu Âu). Các công ty phương Tây là những đối tác nước ngoài hàng đầu trong các dự án dầu lửa ở Nigiêria, nước sản xuất dầu lửa lớn nhất của vùng nam sa mạc Xahara, và thuộc những nước sản xuất dầu lửa đang nổi lên lớn nhất của lục địa này như Gana và Uganđa. 


Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục, một phần vì những lời cáo buộc về tham nhũng và việc thực thi tồi tệ một số dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên khắp châu Phi. Một dự án về đường sá và hầm mỏ ở Cônggô do Trung Quốc bảo trợ trị giá 8 tỉ USD, được cho là “Kế hoạch Marshall của châu Phi” khi nó được tiết lộ cách đây hai năm, đã bị nhuốm bẩn bởi những lời cáo buộc về tham nhũng và việc thực thi tồi tệ, giống như dự án sợi quang lớn ở Uganđa được Trung Quốc tài trợ. Theo Herbert Jauch, tác giả một bản nghiên cứu mới đây của Mạng lưới Nghiên cứu Lao động châu Phi, với tiêu đề: “Đầu tư Trung Quốc ở châu Phi: Một viễn cảnh về lao động”, đã xem xét điều kiện lao động tại các công ty Trung Quốc ở 10 nước châu Phi và nhận thấy các ông chủ Trung Quốc nằm trong số “những ông chủ tồi tệ nhất ở mọi nơi”. 


Sự tan mộng với Trung Quốc đặc biệt được thể hiện rõ ở Ănggôla và Nigiêria, những nơi chỉ cách đây một vài năm đều ngả theo phương thức làm ăn của Trung Quốc, bị cám dỗ bởi lời hứa về những khoản cho vay phát triển không điều kiện và với lãi suất mềm đồng thời không can thiệp vào các hoạt động chính trị trong nước. Buôn bán hai chiều giữa Trung Quốc và Nigiêria đã tăng gấp đôi lên tới 7 tỉ USD trong khoảng thời gian 2006-2008 (mặc dù vẫn ở mức thấp so với con số buôn bán hai chiều với Mỹ là 42 tỉ USD trong năm 2008).Tuy nhiên, cựu Tổng thống Nigiêria Umaru Yar’Adua đã đi đến quyết định hủy bỏ nhiều dự án do những sự trì hoãn và những vụ bê bối. Oasinhtơn đã lặng lẽ lợi dụng điều đó; theo Bộ Thương mại Mỹ, các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang Nigiêria đã tăng 48% và hàng nhập khẩu vào thị trường Mỹ (bao gồm chủ yếu là dầu lửa) tăng 16% chỉ tính riêng trong năm nay. 


Tình hình cũng tương tự ở Ănggôla, nơi ông Angolan Rafael Marques de Morais, người thành lập Maka, tổ chức giám sát tham nhũng ở nước này, nhận xét: “Nạn tham nhũng và việc thiếu giải trình về những thỏa thuận giữa Trung Quốc và Ănggôla đã hủy hoại dần mối quan hệ dài hạn và có thể duy trì lâu hơn nữa giữa hai nước”. Ông này chỉ rõ trường hợp Bệnh viện Đa khoa do các nhà thầu khoán Trung Quốc xây dựng ở
Luanđa , bệnh viện mới đầu tiên được xây dựng ở thủ đô này kể từ khi độc lập, mà “4 năm sau khi khánh thành bệnh viện này đã bị đổ sập về cơ bản”. Tháng 7/2010, các bệnh nhân và nhân viên của bệnh viện đã buộc phải đi sơ tán trước những quan ngại về sự an toàn. Một lần nữa, Oasinhtơn đã tìm cách lợi dụng sự vỡ mộng với Bắc Kinh, gặp các quan chức Ănggôla vào tháng 6/2010 để bàn về các phương thức đẩy mạnh và đa dạng hóa buôn bán, đồng thời thúc đẩy một hiệp định sơ bộ mới ký với IMF có thể dẫn đến các khoản cho vay mới từ các ngân hàng phương Tây. 


Việc này càng cho thấy rõ sự can dự sâu sắc hơn và đa dạng hơn của Mỹ không chỉ với châu Phi mà còn đối với nhiều khu vực khác trên thế giới, thông qua các thể chế quốc tế cũng như các khoản viện trợ nhân đạo và trợ giúp quân sự. Bất kể những mối quan hệ thu hút sự chú ý với Dimbabuê và Xuđăng, Trung Quốc có ít sự hiện diện quân sự ở châu Phi và gần như không có sự hiện diện nào ở Mỹ Latinh, và hiện còn bị Mỹ làm cho lu mờ thậm chí ở ngay trên chính sân sau của mình. Ví dụ như tháng 7/2010 ở Hà Nội, Mỹ đã được đón chào tại Diễn đàn Khu vực ASEAN, hội nghị an ninh lớn nhất của châu Á, giữa những mối lo ngại ngày càng tăng về việc Trung Quốc đang tăng cường xây dựng lực lượng cũng như tuyên bố chủ quyền ở các quần đảo đang tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa, nơi cũng được Đài Loan, Việt Nam, Brunây, Malaixia và Philíppin cùng tuyên bố có phần chủ quyền. Obama có kế hoạch sẽ mời các nhà lãnh đạo khối ASEAN tới dự hội nghị Mỹ - ASEAN lần thứ hai được tổ chức vào mùa Thu này, và các Bộ trưởng Ngoại giao khối ASEAN đã mời Mỹ đến dự một cuộc đối thoại khu vực, được biết đến là Hội nghị cấp cao Đông Á, hội nghị mà các nhà ngoại giao tuyên bố sẽ giúp chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Oasinhtơn mới đây đã tăng cường viện trợ nhân đạo và quân sự cho Lào và Campuchia đồng thời xóa tên hai nước này ra khỏi một danh sách đen về buôn bán, việc sẽ thu hút thêm đầu tư của Mỹ. Và cũng trong tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Gia Khiêm còn tuyên bố rằng Mỹ và Việt Nam đang “bỏ lại quá khứ” khi hai nước củng cố các quan hệ quân sự và thương mại. Buôn bán hai chiều giữa hai nước đã tăng từ 2,91 tỉ USD trong năm 2002 lên tới 15,4 tỉ USD trong năm 2009. Mỹ cũng đã đạt được tiến bộ tương tự với Inđônêxia, ký một hiệp định trong tháng 4/2010 cho phép các khoản đầu tư lớn hơn của Mỹ đổ vào nền kinh tế lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. 


Dĩ nhiên, châu Á hiện vẫn là một khu vực trên thế giới nơi Trung Quốc đang chi phối việc buôn bán trong khu vực - tổng giá trị buôn bán giữa Trung Quốc và các nước còn lại ở lục địa này đã lên tới 231 tỉ USD so với mức 178 tỉ USD của Mỹ trong năm 2008. Tuy nhiên, hầu hết các luồng hàng hóa trên là những mặt hàng trung gian có giá trị thấp (Trung Quốc mua những phụ kiện và nguyên liệu thô rẻ của các nước nghèo hơn và sử dụng chúng để sản xuất ra những mặt hàng dành cho xuất khẩu, giống như việc nước này cung cấp cùng những mặt hàng trên cho các nước giàu có hơn chẳng hạn như Hàn Quốc). Việc buôn bán này không thúc đẩy được việc chuyển giao những kỹ năng mà các nước Đông Nam Á hết sức cần có trong nỗ lực của họ nhằm leo lên bậc thang công nghệ. Các nước như Malaixia, Xinhgapo, Việt
Nam , Thái Lan và Inđônêxia hiện vẫn còn dựa vào sự can dự về kinh doanh, kỹ thuật và giáo dục với Mỹ để có được điều đó. Và Mỹ vẫn còn chiếm một phần lớn hơn nhiều trong khoản đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong khu vực – 8,5% so với 3,8% của Trung Quốc, hoặc 3,4 tỉ USD so với 1,5 tỉ USD trong năm 2009. Các chuyên gia như bà Elizabeth Economy, Giám đốc nghiên cứu châu Á thuộc Hội đồng các quan hệ đối ngoại, cho rằng các động thái tiến tới sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa về chính trị, kinh tế và an ninh với Mỹ ở khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục. Bà nói: “ Không có ý định bỏ phí cơ hội”. 


Tại những nơi khác ở đó Trung Quốc đang ngày càng nổi bật trên lĩnh vực kinh tế, chẳng hạn như Mỹ Latinh, Mỹ vẫn còn có những con bài quan trọng để chơi. Năm 2009, Trung Quốc đã thay thế Mỹ là đối tác buôn bán hàng đầu của Braxin, và Trung Quốc hiện là bạn hàng buôn bán lớn thứ hai ở Vênêxuêla, Chilê, Pêru, Côxta Rica và Áchentina. Tuy nhiên, trong khi tổng giá trị buôn bán của châu Á với khu vực này (được thúc đẩy chủ yếu bởi Trung Quốc) đã tăng 96% so với thập kỷ qua, Mỹ thậm chí đã có một mức tăng lớn hơn là 118% trong tổng buôn bán. Và theo công ty SinoLatin Capital của Thượng Hải, khoản đầu tư tích lũy của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh tính đến cuối năm 2008 chỉ là 12 tỉ USD - hoặc theo Tạp chí Kinh tế Trung Quốc là ít hơn những khoản đầu tư của bang Michigan đổ vào khu vực này. 


Giống như ở nhiều khu vực, có những rào cản về địa lý và văn hóa đối với việc thúc đẩy hơn nữa những mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ Latinh. Kevin Casas – Zamora, một chuyên gia về Mỹ Latinh thuộc Viện Brookings nhận xét: “Số phận đã định là Mỹ và khu vực Mỹ Latinh sống gần nhau, và Trung Quốc không bao giờ có thể cạnh tranh với điều đó”. Sự hấp dẫn về quyền lực mềm của Mỹ ở khu vực này làm giảm bớt sự hấp dẫn trên của Trung Quốc, tạo ra tiếng vang thông qua văn hóa, ngôn ngữ và những lý tưởng phổ biến. Hầu hết các nước Mỹ Latinh đang thực hiện hoặc khao khát dân chủ, và bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu hút sự quan tâm đến ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc thông qua các Viện Khổng tử (có tới 300 viện được thiết lập trên khắp thế giới, trong đó có 21 viện ở khu vực Mỹ Latinh), vẫn còn ít người nói tiếng Trung Quốc ở Mỹ Latinh và ít người nói tiếng Tây Ban Nha ở Trung Quốc. Quyền lực mềm hiện cũng phát huy nhiều tác dụng ở châu Phi, đặc biệt do mối liên hệ của Tổng thống Mỹ Obama với khu vực này (mọi thứ từ các cửa hàng ăn uống cho tới những nơi rửa xe ôtô đều được đặt theo tên ông). Những dấu hiệu về văn hóa Mỹ, từ phim ảnh cho đến âm nhạc và thời trang, hiện đang tràn ngập khu vực này. Các sinh viên châu Phi vẫn mơ mộng được sang Mỹ học tập, và tiếng Anh hiện chính là thứ ngôn ngữ để học. 


Còn nữa, Mỹ còn có xu hướng trở thành nước được gọi đến để nhờ trợ giúp khi xảy ra sự cố. Hãy xem xét các vụ đánh bom khủng bố ở Kampala, Uganđa, làm hơn 85 người chết trong mùa Hè này. Tổng thống Yoweri Museveni đã có những lời lẽ nhạo báng qua lại với Oasinhtơn trước khi xảy ra sự cố trên về nhịp độ cải cách dân chủ ở đất nước ông. Museveni cũng đã thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Nhưng sau các vụ đánh bom, ông đã nhanh chóng quay sang không phải với Bắc Kinh mà là với Oasinhtơn để nhờ giúp đỡ, và ông đã nhận được 24 triệu USD viện trợ về nhân lực và kỹ thuật. 

 


Kiểu nỗ lực này, đặc biệt khi đặt nó tương phản với những cư xử vụng về về chính trị hiện nay của Trung Quốc ở châu Phi và ở những nơi khác (chẳng hạn như tai tiếng ngày càng tăng của Trung Quốc về công trình xây dựng tồi tệ của nước này ở châu Phi; các cuộc tranh cãi của Trung Quốc về vấn đề biển Biển Đông  với các nước láng giềng châu Á), hiện làm cho Mỹ được coi là tốt đẹp và làm nổi bật cơ hội để Mỹ sử dụng tốt hơn vô số con bài mà nước này được toàn quyền sử dụng – trên các lĩnh vực văn hóa, quân sự, khoa học và kinh tế. Nhiều trong số những con bài này đã bị sử dụng không đúng mức hoặc sử dụng sai mục đích trong suốt hai thập kỷ mà Mỹ được coi siêu cường độc nhất trên thế giới. Trong chừng mực mà sự nổi lên của Trung Quốc buộc Mỹ phải nhanh chóng can dự lại với thế giới, tác động có thể là hai bên cùng giành thắng lợi.

 

Nguồn: Newsweek, TTXVN