25/08/2015
Với tư cách một cường quốc bậc trung khu vực, thì những động thái hung hăng hơn của Trung Quốc tại Biển Đông khiến có nhiều tiếng nói từ giới học giả kêu gọi Seoul cần phải đánh giá lại chính sách của mình.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang thay đổi cán cân quyền lực của Châu Á Thái Bình Dương. Sự thay đổi này vừa là cơ hội cho nhiều nước, nhưng cũng đẩy nhiều quốc gia lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” trong việc hoạch định chính sách. Hàn Quốc -một quốc gia được đánh giá là một cường quốc bậc trung khu vực - là một thí dụ điển hình như vậy. Tránh mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung là bài toán mà Seoul phải tính toán từ một thập kỷ vừa qua. Ưu tiên giải tỏa quả bom nổ chậm từ Bắc Hàn, khiến cho Hàn Quốc cần cả hai ông anh trong thế quân bình địa chiến lược. Nhưng với tư cách một cường quốc bậc trung khu vực, thì những động thái hung hăng hơn của Trung Quốc tại Biển Đông khiến có nhiều tiếng nói từ giới học giả kêu gọi Seoul cần phải đánh giá lại chính sách của mình.
Lợi ích của Hàn Quốc tại Biển Đông
Khu vực Biển Đông, xét về mặt địa lý, là một khu vực cách xa Hàn Quốc. Nước này đối với tranh chấp Biển Đông cũng không có bất cứ tuyên bố chủ quyền, lẫn vùng biển chồng lấn nào. Hai yếu tố trên được các nhà quan sát cho là những nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc Seoul giữ thái độ im lặng trong suốt thời gian nổi sóng tại khu vực này trong thời gian vừa qua.
Những ý kiến trên không sai, nhưng nó chỉ phản ánh một phần của toàn bộ vấn đề. An ninh hàng hải trên tuyến đường huyết mạch qua eo biển Malacca và những nỗ lực cân bằng tam giác Hàn - Mỹ - Trung cần được đề ra như một cơ sở lý luận cho mọi phân tích. Biển Đông đóng vai trò là một phần của cấu trúc an ninh tại Châu Á - Thái Bình Dương, là cơ sở của sự hợp tác hay ngược lại - sự đối đầu của các quốc gia. Với những lợi ích, cơ hội và nghĩa vụ gìn giữ sự ổn định của khu vực, Hàn Quốc có thể đóng một vai trò nhất định trong việc cùng giữ an ninh tại khu vực đó, giải quyết các tranh cãi và làm giảm bớt tình hình ngày càng căng thẳng.
Thứ nhất, nằm trong số các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào đường biển, Hàn Quốc xem Biển Đông là mạch đường quan trọng để vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên. Qua eo biển Malacca, Biển Đông là tuyến đường ngắn nhất để dầu thô chuyển từ Châu Phi đến Trung Đông, Úc rồi đến các quốc gia Châu Á - trong đó có Hàn Quốc là nước nhập khẩu dầu thứ năm trên thế giới. 2/3 nhập khẩu năng lượng của Hàn Quốc đi qua Biển Đông. Các nước như Malaysia, Indonesia, Qatar khi xuất khẩu dầu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan cùng một số quốc gia châu Á khác cũng qua Biển Đông. Ngoài ra, các hoạt động thương mại giữa Hàn Quốc cũng như Nhật Bản, Trung Quốc với các nước Trung Cận Đông và Đông Nam Á cũng đều đi qua khu vực này. Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động giao thương trực tiếp của Hàn Quốc. Nếu Trung Quốc nắm trọn quyền kiểm soát Biển Đông hoặc xung đột diễn ra trong khu vực này, lợi ích thương mại của các quốc gia - bao gồm cả Hàn Quốc sẽ bị đe doạ trực tiếp.
Yếu tố thứ hai cần xét đến là nhu cầu về một khu vực hòa bình và ổn định. Một Đông Nam Á hoà bình có thể đem đến cho Hàn Quốc những lợi ích nhất định. Đông Nam Á là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc. Việc tăng cường đầu tư vào các quốc gia ASEAN đem đến hai lợi ích. Thứ nhất, thúc đẩy được sự hợp tác kinh tế giữa hai bên. Thứ hai, tăng cường được tầm ảnh hưởng của Hàn Quốc đối với các quốc gia khu vực ASEAN. Đây cũng là một phần trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng hơn nữa ra khu vực và trên thế giới mà Hàn Quốc vẫn theo đuổi từ cuối những năm 1980.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 11 tháng 8 vừa qua, trong 6 tháng đầu năm 2015, đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc tăng 12,1% (so với cùng kỳ năm ngoái 15,57 tỷ USD) nhờ tăng cường đầu tư vào Mỹ và đặc biệt là các nước ASEAN - một trong các đối tác mới nổi lớn nhất của nước này. Riêng với Việt Nam, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng 82,2% trong nửa năm đầu 2015. Số vốn đầu tư lớn vào khu vực Đông Nam Á - thông qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đáng kể là các viện trợ phát triển chính thức (ODA) của các công ty Hàn Quốc - đồng nghĩa với việc đảm bảo tình hình ổn định cả về chính trị lẫn an ninh trong vùng là một ưu tiên. Trước tình hình tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông đang trong trạng thái ngày càng căng thẳng hơn, các động thái rõ ràng hơn của Hàn Quốc góp phần giữ vững nền hoà bình và đồng thời bảo vệ các lợi ích về kinh tế cũng như củng cố vị trí chiến lược của mình.
Thứ ba, nhìn trên bối cảnh chuyển đổi quyền lực khu vực đang diễn ra, Biển Đông là một phần quan trọng trong cấu trúc an ninh tại Châu Á - Thái Bình Dương. Hàn Quốc sẽ có được lợi ích về phía mình khi cấu trúc đó không bị phá vỡ và không có chiến tranh xảy ra. Kể từ sau chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc đóng vai trò là một đồng minh hiệp ước quan trọng của Mỹ trong cấu trúc an ninh khu vực thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sự phát triển vượt bậc của Hàn Quốc sau Chiến tranh Lạnh là kết quả của mối quan hệ thân thiết của Hàn Quốc với Mỹ. Ngoài việc Mỹ và Hàn Quốc là đối tác về chính trị, quân sự, hai nước còn là đối tác kinh tế quan trọng trong giai đoạn 1962 - 1979. Tổng giá trị thương mại hàng hoá giữa Mỹ và Hàn Quốc đạt 145,2 tỉ USD năm 2014.
Sự giàu mạnh của Hàn Quốc trong thời điểm hiện tại đã khẳng định được tầm quan trọng của Mỹ trong chính sách phát triển đất nước. Cho đến thời điểm hiện nay, cấu trúc an ninh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tuy có biến đổi, nhưng Seoul vẫn là đồng minh thân thiết của Washington. Sự trở lại của Mỹ trong chiến lược “tái cân bằng Châu Á” tạm thời giữ cho cấu trúc an ninh tại khu vực không bị phá vỡ. Một cấu trúc an ninh khu vực do Mỹ đứng đầu đang thể nhiều lợi ích cho đồng minh của Hàn Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn còn đang là ẩn số, với những chia sẻ quyền lợi tương đối rõ ràng trong kinh tế, nhưng ít dự đoán được hơn trong các vấn đề an ninh chiến lược.
Trong bối cảnh trên, chính sách hay cách tiếp cận của Seoul tại Biển Đông cần được xem xét dựa trên mối quan hệ giữa Hàn Quốc và hai cường quốc. Một mặt, Hàn Quốc vừa muốn phát triển mối quan hệ với đồng minh hiệp ước là Mỹ. Mặt khác, quốc gia này vẫn muốn duy trì quan hệ tốt với láng giềng của mình là Trung Quốc. Nếu Mỹ được coi là người bảo trợ về quân sự thì Trung Quốc đóng vai trò là một bạn hàng lớn của Hàn Quốc về thương mại, đầu tư và các hoạt động trao đổi dịch vụ. Không dừng ở khía cạnh kinh tế, Trung Quốc là mắt xích quan trọng trong vòng đàm phán sáu bên với phía Bắc Triều Tiên. Cả hai quốc gia Mỹ - Trung Quốc đều đem đến những lợi ích rõ ràng cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, những ý đồ an ninh không rõ ràng của Trung Quốc đối với khu vực trong thời gian gần đây khiến cho Hàn Quốc phân vân. Đối với Hàn Quốc, quốc gia này chưa xác định rõ được Trung Quốc hiện là một cường quốc nguyên trạng hay là một cường quốc xét lại, với mong muốn thay đổi trật tự và luật lệ hiện có của khu vực. Sự lưỡng lự này phần nào thể hiện qua cuộc tranh luận của giới học giả, cũng như giới ngoại giao nước này trong hai trường hợp (i) có tham gia Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, và Mỹ phản đối, và (ii) cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) ở Hàn Quốc với sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh.
Cách tiếp cận nào cho Hàn Quốc tại Biển Đông?
Như vậy, câu hỏi về cách tiếp cận của Hàn Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông cần được đặt trong một bối cảnh lớn hơn: lựa chọn đại chiến lược của Seoul giữa những siêu cường. Trong khi mối quan hệ Mỹ - Hàn chỉ giúp đảm bảo về vấn đề an ninh tại bán đảo Triều Tiên, mối quan hệ Trung - Hàn trước mắt giúp giữ vững đà phát triển kinh tế. Thêm vào đó, trong chiến lược phát triển chung của mình, Hàn Quốc tin rằng cách tốt nhất để duy trì hoà bình, hợp tác ở khu vực là tìm thấy quyền lợi chung, tham gia vào các cuộc đối thoại và tin tưởng xây dựng mối quan hệ với các quốc gia hơn là việc chia rẽ. Đồng thời nhu cầu giảm thiểu sự nghi ngờ và phê phán lẫn nhau từ cả hai bên là rất lớn. Hàn Quốc, trên cơ sở đó đã đưa ra những chính sách và quan điểm của mình tại Biển Đông.
Có thể thấy nhiều thí dụ cho lập luận này. Gần đây nhất là phát biểu của một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vào ngày 9/6/2015 “Không có sự thay đổi nào trong vị trí của chúng tôi về vấn đề này [Biển Đông]”, theo Korea Times. Một tuần trước đó, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang Il đã kêu gọi Trung Quốc giảm thiểu tình trạng căng thẳng tại Biển Đông. Ông này cũng cho hay, về vấn đề Biển Đông, Seoul vẫn chủ trương không đứng về phe nào, mà chỉ hy vọng bản tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) sẽ được thi hành đầy đủ và thật sự. Lời phát biểu vào ngày 9/6 từ phía Hàn Quốc như một lời đáp trả cho các kêu gọi của Mỹ thúc giục nước này lên tiếng trong vấn đề Biển Đông.
Quan điểm của lãnh đạo Hàn Quốc về Biển Đông cũng tương đồng với quan điểm của các quốc gia khác là Nhật Bản, Mỹ, Úc. Đó là cần đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, không chấp nhận bất kỳ hành vi độc chiếm Biển Đông của bất kỳ quốc gia nào. Điều này được Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, ông Cho Tae-Yong nhắc đến trong cuộc hội đàm với Mỹ và Nhật Bản vào ngày 16/4/2015 tại Washington. Quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang Il trong một phát biểu của mình đã nhấn mạnh hoà bình và ổn định trong khu vực có ý nghĩa với Hàn Quốc. Hàn Quốc đồng thời kêu gọi áp dụng các khuôn khổ pháp lý hiện hành cho phép “bảo đảm quyền tự do hàng hải và ổn định” trong khu vực. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng ủng hộ gần như mọi sáng kiến hoà bình của các quốc gia trong khu vực, nhất là của ASEAN và Nhật Bản về vấn đề Biển Đông.
Có nhiều cách lý do được đưa ra để lý giải cách tiếp cận này. Trước hết là vì lợi ích về kinh tế. Chỉ cần không xảy ra xung đột, sẽ không có bất cứ gián đoạn nào trên con đường giao thương chính trên biển của Hàn Quốc mà Biển Đông là một huyết mạch quan trọng. Thứ hai, Hàn Quốc nhận thấy rằng, Hàn Quốc cần nhiều sự ủng hộ hơn nữa trong vấn đề Bắc Triều Tiên trong khi các lựa chọn “siêu cường” - tuy vẫn nằm trong danh sách ưu tiên - nhưng luôn có những rủi ro khó đoán. Liên minh Mỹ-Nhật đang chuyển biến và có những động thái thay đổi mang tính cấu trúc, sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu tiên đoán trước được. Vì thế đầu tư vào mạng lưới an ninh khu vực như một giải pháp song hành. Đầu tư này đồng nghĩa với việc cần tạo thêm sự ủng hộ và cam kết. Sẽ không có thêm quốc gia nào đứng về phía Hàn Quốc khi không nhận thấy sự hiện diện của nước này hay bản thân họ không nhận được lợi ích nào từ Hàn Quốc.
Những gì thể hiện của Seoul đối với tranh chấp của Biển Đông - mặc dù có những động thái vừa qua cho thấy nước này vẫn đang thận trọng, cả về mặt ngôn từ, lẫn hành động. Như tác giả Van Jacson ghi nhận rằng chính phủ Seoul thường xuyên tham gia vào các cuộc họp đa phương trong các khuôn khổ kiến trúc khu vực của ASEAN, nhưng bất cứ khi nào Hoa Kỳ, Australia, và những người khác lên tiếng về mối quan tâm liên quan đến hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, thì tiếng nói của Hàn Quốc gần như vắng bóng. Trong các tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã lên tiếng ủng hộ thực thi Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Sự thể hiện ủng hộ này còn mang tính chung chung, nếu không nói là khá “kiệm lời” so với phát biểu nhiều phê bình và chỉ trích của các quốc gia khác về các tác nhân đang làm thay đổi thực trạng hiện có của khu vực.
Về hành động, một số chuyển biến có thể ghi nhận trong thời gian vừa qua. Đó là việc Hàn Quốc tăng cường hợp tác quốc phòng với Philippines trong giai đoạn Manila với Băc Kinh đang kéo dài các căng thẳng tại Biển Đông. Đây có thể xem như một động thái ngầm ủng hộ Philippines tại Biển Đông. Mặc dù phía Trung Quốc phản đối, chính phủ Seoul vẫn quyết định cung ứng các thiết bị quân sự và vũ khí cho Manila. Cụ thể vào tháng 6 năm 2014, Hàn Quốc đã quyết định tặng tàu chiến lớp Pohang cho Philippines. Trước đó, Manila cũng đã nhận được 1 tàu đổ bộ cùng 16 xuồng cao su từ phía Hàn Quốc. Seoul nhìn chung đã đưa ra những tín hiệu thể hiện sự ủng hộ của mình trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, mặc dầu chưa được mạnh mẽ như người láng giềng Nhật Bản.
Có thể mong chờ một Hàn Quốc với vai trò lớn hơn tại Biển Đông? Theo học giả Han Sung-Joo, từ góc nhìn lựa chọn một đại chiến lược trong một trật tự Đông Á đang định hình, Hàn Quốc hiện tại đang có 8 sự lựa chọn. Lần lượt đó là “Nghiêng về một hướng” (Tilting), “Người cân bằng” (Balancer), “Giữ khoảng cách” (Equidistance), “Phòng bị nước đôi” (Hedging), “Thiết lập cầu nối” (Bridge), “Cạnh tranh ngang bằng” (Equal Competition), “Xây dựng cộng đồng” (Community) và “Giữ gìn nguyên trạng” (Status-quo).
Có hai chiến lược mà tác giả bài viết cho rằng là có nhiều khả năng cao từ góc nhìn của Seoul trong vấn đề tranh tranh chấp Biển Đông. Một là (góp phần vào) cân bằng lại cán cân quyền lực tại khu vực tranh chấp đang có xu hướng nghiêng hẳn về một phía. Các lý thuyết gia về cân bằng quyền lực luôn đưa ra một câu trả lời rõ ràng hòa bình và ổn định chỉ có thể thiết lập, cũng như duy trì nếu cán cân quyền lực được cân bằng, và không có một quốc gia vượt trội. Trong bối cảnh có nhiều đề xuất về tuần tra chung đa phương và song phương trên Biển Đông, Hàn Quốc có thể xem xét tham gia hoặc tổ chức các cuộc diễn tập và tuần tra chung, giúp nâng cao năng lực phòng thủ bờ biển của quân đội các nước ASEAN.
Thứ hai là thiết lập một cầu nối ngoại giao. Vị trí của trung cường không những là một cầu nối giữa các bên tranh chấp, mà thông qua các công cụ ngoại giao còn có thể tạo ra những “nấc thang” phù hợp để hòa hợp phần nào xung đột lợi ích các cường quốc, hay ít nhất không để mâu thuẫn bùng nổ thành tranh chấp vũ trang. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã công khai ủng hộ DOC và cả việc cần xúc tiến đàm phán và kết thúc Bộ Quy tắc Ứng xử cho Biển Đông. Dựa trên sự ủng hội này, những hành động thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hay đơn phương khiêu khích làm phức tạp hơn tình hình tranh chấp cần được Hàn Quốc phản đối - cả đa phương, lẫn song phương, cả công khai, lẫn trong các trao đổi nội bộ với các nước liên quan.
Chính sách của Hàn Quốc tại Biển Đông phụ thuộc nhiều vào góc nhìn lợi ích của quốc gia này trong bức tranh chung đại chiến lược đang thay đổi. Vì thế cũng dễ hiểu khi Hàn Quốc tỏ ra thận trọng với từng bước đi của mình tại Biển Đông để vừa duy trì lợi ích của mình trong mối quan hệ với Mỹ, Trung. Nhưng các bước quá thận trọng như hiện nay rõ ràng đang chậm hơn những gì diễn ra hằng ngày trên thực địa tại Biển Đông và trong chuyển động an ninh chiến lược của các cường quốc.
---
Lê Phương Cát Nhi, Nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Năm 2023, dù chiến sự tại Ukraine diễn biến căng thẳng và xung đột tại Trung Đông leo thang, tình hình Biển Đông tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Biển Đông cũng ngày càng được coi là chỉ dấu về trật tự dựa trên luật lệ từ phía Mỹ và đồng minh – đối tác thông qua các tuyên bố và văn bản...
Trả lời câu hỏi của phóng viên chiều ngày 25/5/2023, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (XYH-10) của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của...
Trong gần hai năm trở lại cầm quyền tại Malaysia từ tháng 5/2018 - 3/2020, Thủ tướng Mahathir Mohamad (sau đây gọi là Chính quyền Mahathir 2.0) đã thổi luồng gió mới vào chính sách Biển Đông của Malaysia. Khác với cách tiếp cận “thầm lặng” của chính quyền tiền nhiệm, Thủ tướng Mahathir và chính quyền...
Qua phân tích ảnh vệ tinh Đá Ba Đầu từ 2016 đến nay cho thấy, việc Trung Quốc tập kết lượng lớn tàu, dài ngày tại Đá Ba Đầu không phải để tránh thời tiết xấu mà nhiều khả năng là chiến thuật "cắt lát Salami" mới ở Biển Đông, bắt đầu triển khai từ tháng 2 năm 2020.
Bài viết phân tích Hải chiến Hoàng Sa (1974), cuộc tấn công ở Trường Sa (1988), sự kiện Đá Vành Khăn (1995) và sự kiện Bãi cạn Scarborough (2012) để tìm ra những quy luật nhất định. Đây sẽ là cơ sở để phán đoán thời điểm Trung Quốc hành động chiếm mới các thực thể ở Biển Đông để từ đó Việt Nam ra...
Nội dung bài viết bao quát lịch sử quá trình từ khi Trung Quốc manh nha thúc đẩy ý tưởng nghiên cứu băng cháy trên Biển Đông; cho đến hiện trạng khai thác hiện nay để làm rõ thực chất Trung Quốc đã đi đến bước nào trong tiến trình khai thác một loại năng lượng mới ở trên Biển Đông.