Chủ đề của phiên thảo luận sáng nay là: “Khuôn khổ hợp tác tại Biển Đông”. Tôi tự tin rằng, việc giải quyết tranh chấp biển quốc tế thông qua biện pháp tài phán có thể đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hợp tác. Mặc dù các thủ tục tố tụng tại tòa án về mặt bản chất đều mang tính đối đầu, nhưng chúng không nhất thiết gây ra các hậu quả tiêu cực.

 

Tôi sẽ đi vào ba vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp tài phán trong luật biển.

 

Vấn đề thứ nhất là: Có những thủ tục nào để giải quyết, hay những tòa án hay ủy ban nào có quyền tài phán?

Thứ hai: Việc đưa ra cơ quan tài phán quốc tế có đồng nghĩa với việc phán quyết cuối cùng sẽ có giá trị ràng buộc đối với tất cả các bên liên quan?

Và cuối cùng: Những thủ tục này có áp dụng được cho một trong những loại tranh chấp biển thông dụng nhất là tranh chấp phân định biên giới biển?

 

I.                  Những thủ tục nào để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tài phán?

 

Chúng ta hãy tập trung vào câu hỏi thứ nhất: Nếu các quốc gia muốn đưa một tranh chấp biển ra xét xử bằng tòa án, thì có những thủ tục tố tụng nào có thể giải quyết?

 

Công Ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc

 

Các đại dương trên thế giới không phải là một “không gian phi luật pháp”. Có rất nhiều các công cụ pháp lý quy định các lĩnh vực khác nhau của luật biển. Trong số đó toàn diện nhất phải kể đến Công Ước Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc - mà từ đây tôi sẽ gọi tắt là “Công Ước”. Hôm qua, có một vài diễn giả đã nhắc đến Công Uớc này và khả năng áp dụng đối với các vấn đề ở biển Đông.

 

Công Ước không những có nội dung phong phú và toàn diện, mà còn có số lượng thành viên đông đảo nhất: 160 Quốc gia tính đến thời điểm này. Hầu như tất cả các quốc gia ven biển Đông đều là thành viên của Công Ước, do đó Công Ước là một công cụ quan trọng có thể áp dụng ở khu vực.

 

Thủ tục giải quyết tranh chấp của Công Ước

 

Thậm chí đến ngôn ngữ pháp lý hoàn thiện và chuẩn xác nhất cũng không tránh khỏi bất đồng khi giải thích hay áp dụng một điều khoản vào từng trường hợp cụ thể. Trong một cuộc tranh chấp, các bên liên quan có thể viện dẫn các luận cứ pháp lý rút ra từ cùng một khuôn khổ luật pháp nhưng lại cho ra các kết luận hoàn toàn trái ngược nhau.

 

Do đó, Công Ước quy định, theo điều 286, bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công Ước, theo yêu cầu của một bên tranh chấp, sẽ được đưa ra trước tòa án có thẩm quyền, trừ trường hợp có thể giải quyết bằng các biện pháp khác. Đây là cách tiếp cận vô cùng tiến bộ, buộc các Quốc gia thành viên của Công Ước phải chấp nhận giải quyết tranh chấp thông qua các cơ quan tài phán độc lập.

 

Theo điều 287 của Công Ước, Quốc gia thành viên có thể đệ trình vụ tranh chấp lên Tòa Án Quốc tế, Toà án Quốc tế về Luật Biển hay tòa trọng tài.

 

Trên nguyên tắc, Công Ước kỳ vọng các Quốc gia sẽ thực hiện quyền tự do lựa chọn phương thức xét xử bằng một tuyên bố văn bản. Tuy nhiên, chỉ có 40 trong tổng số 160 Quốc gia thành viên của Công Ước đã đưa ra tuyên bố như vậy, và không quốc gia nào ở khu vực Biển Đông nằm trong số 40 quốc gia này. Điều đáng lưu ý là các Quốc gia không thể lảng tránh các thủ tục tố tụng pháp lý bằng cách không đưa ra lựa chọn nào. Trong những trường hợp như vậy, Công Ước sẽ đơn giản áp đặt một cơ chế mặc định. Nếu các Quốc gia không lựa chọn, tranh chấp của họ sẽ tự động được giải quyết thông qua tòa trọng tài.

 

Có rất nhiều tranh luận xung quanh các điểm lợi và bất lợi của tòa trọng tài. Tôi sẽ không đi chi tiết vào các tranh luận này. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, các Quốc gia sẽ tự hạn chế quyền tự do lựa chọn của mình nếu họ không sử dụng nó. Bản thân đây đã là một lý do thích đáng để các Quốc gia nghiên cứu cẩn thận xem họ nên chọn thủ tục tố tụng nào – thủ tục nào đảm bảo được quyền lợi của họ, hơn là phó thác quyết định đó cho các điều khoản mặc định của Công Ước.

 

II.               Đã có những tiền lệ nào về việc ra phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc?

 

Chuyển sang vấn đề thứ hai mà tôi muốn nêu ở đây: Sự tham gia giải quyết tranh chấp của một tổ chức tài phán quốc tế có đồng nghĩa với việc phán quyết ràng buộc của tòa sẽ được áp đặt lên tất cả các bên liên quan?

 

Các thủ tục tố tụng “thông thường”

 

Nghĩ thoáng qua, ai cũng cho rằng việc đưa ra các phán quyết, đặc biệt là phán quyết cuối cùng và bắt buộc là “công việc căn bản” của một tòa án, bất kể là tòa án trong nước hay quốc tế. Tuy nhiên, đây không phải là bức tranh đầy đủ. Ngay cả trong hệ thống tòa án của một quốc gia, các phiên tòa có thể giúp đỡ tích cực cho các bên tranh chấp tìm ra những giải pháp được các bên chấp nhận, mà không nhất thiết phải đưa ra một phán quyết cuối cùng. Thường sự tham gia của một tòa án trung lập dường như có lợi cho thiện chí thỏa hiệp của các bên.

 

Ở các tòa án quốc tế cũng tương tự như vậy, có thể lấy ví dụ từ một vụ việc trong án lệ của Toà án Quốc tế về Luật Biển. Trong vụ Cải tạo Đất (Land Reclamation Case), Malaysia và Singapore bất đồng về tác động của các hoạt động cải tạo đất của Singapore đối với môi trường biển. Malaysia đã yêu cầu Tòa đưa ra các biện pháp tạm thời để bảo vệ môi trường. Tòa yêu cầu hai bên thành lập một nhóm các chuyên gia độc lập nhằm nghiên cứu tác động của các hoạt động cải tạo đất. Hai bên đã tuân theo và nhờ đó đã đạt được một kết quả đáng ngạc nhiên: chưa đến hai năm sau yêu cầu của Tòa và dựa trên báo cáo của các chuyên gia, Malaysia và Singapore đã có thể giải quyết bất đồng của họ một cách hòa bình thông qua việc ký kết hiệp định.

 

Các biện pháp tạm thời của Tòa rõ ràng đã đưa các bên lại với nhau và giúp họ tìm ra một biện pháp ngoại giao thành công. Các thủ tục tố tụng pháp lý rõ ràng có thể đóng góp cho việc tạo dựng nên một môi trường hòa giải giữa các bên và thúc đẩy việc tìm kiếm một giải pháp hợp lý và hòa bình cho các tranh chấp.

 

Các ý kiến tư vấn

 

Tòa cũng có một thủ tục tiến bộ khác có khả năng hỗ trợ hiệu quả trong việc tìm ra các giải pháp hòa bình cho tranh chấp biển của các Quốc gia mà không cần đến một phán quyết ràng buộc. Theo điều 138 về quy tắc của Tòa, Quốc gia thành viên có thể yêu cầu Tòa tư vấn về một vấn đề pháp lý. Rõ ràng là ngay từ khi bắt đầu thủ tục tố tụng, quyết định cuối cùng của Tòa sẽ không ràng buộc mà chỉ có tính chất “tư vấn”. Như vậy cách xử lý này có tác dụng như thế nào?

 

Một ý kiến tư vấn – mặc dù không ràng buộc – sẽ là một đánh giá có độ tin cậy cao về một vấn đề pháp lý do Tòa kết luận, với tư cách là một cơ quan xét xử trung lập bao gồm các chuyên gia về luật biển. Vấn đề mà các bên yêu cầu tư vấn hiển nhiên phải quan trọng đối với họ – nếu không họ đã không việc gì phải đưa ra yêu cầu. Bên cạnh đó, các Quốc gia sẽ chỉ yêu cầu tư vấn khi họ không thể tự tìm ra câu trả lời chung cho vấn đề của mình, hoặc chẳng hạn khi các cuộc đàm phán song phương về vấn đề đó rơi vào bế tắc. Trong những trường hợp như vậy, ý kiến tư vấn có thể giúp các bên tiếp tục đàm phán, nhưng nó không bắt họ phải hoàn toàn đồng ý với các kết luận của Tòa.

 

III.           Khả năng áp dụng đối với các tranh chấp liên quan đến phân định biển?

 

Chúng ta hãy chuyển đến câu hỏi thứ ba mà tôi muốn nêu ở đây: Các thủ tục giải quyết tranh chấp của Công Ước có áp dụng được đối với các tranh chấp liên quan đến phân định biển hay không? Ở tất cả các đại dương đều có đầy rẫy các xung đột liên quan đến biên giới biển, và đặc biệt là ở biển Đông.

 

Một lần nữa mới thoạt nhìn câu trả lời có vẻ dễ dàng: Các thủ tục giải quyết tranh chấp của Công Ước có thể áp dụng cho bất cứ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công Ước (điều 286, Công Ước). Các quy tắc chung về phân định biển là một phần của Công Ước: điều 15, 74 và 83 quy định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các điều khoản khác của Công Ước, ví dụ như các quy tắc xác định đường cơ sở (điều 5 đến 14, Công Ước), hay là quy chế đảo (điều 121, Công Ước), đều có thể áp dụng để xác định đường phân giới biển. Do đó, không nghi ngờ gì, các điều khoản liên quan đến phân định biển đều nằm trong các thủ tục giải quyết tranh chấp của Công Ước.

 

Tuy nhiên, có hai vấn đề gây phức tạp cho câu trả lời.

 

Thứ nhất, các Quốc gia thành viên của Công Ước có quyền loại trừ một số tranh chấp phân định biển khỏi các biện pháp giải quyết tranh chấp bắt buộc, ví dụ như các tranh chấp liên quan đến phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (điều 298, đoạn 1(a), Công Ước). Trong số các Quốc gia ven Biển Đông, Trung Quốc đã tận dụng quyền lựa chọn này.

 

Tất nhiên, một Quốc gia vào bất cứ lúc nào đều có thể rút bỏ tuyên bố này hoặc đệ trình tranh chấp phân định biển lên một tòa án quốc tế thông qua thỏa thuận đặc biệt với các bên tranh chấp khác. Việc tuyên bố cũng không gây ảnh hưởng đến khả năng Quốc gia tham gia vào tiến trình tư vấn trước Toà án Quốc tế về Luật Biển. Trên thực tế, trong một số vụ tranh chấp phân định biển với các cuộc đàm phán chứa đựng nhiều khía cạnh và đặc biệt phức tạp, các Quốc gia cũng muốn có ý kiến tư vấn hơn.

 

Thứ hai, đã có lập luận rằng các tranh chấp phân giới sẽ được loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh của các thủ tục giải quyết tranh chấp của Công Ước nếu các tranh chấp này bao gồm cùng một lúc cả phân giới biển lẫn tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hoặc đảo. Theo như lập luận này, các tòa án hoặc tòa thành lập theo các điều khoản giải quyết tranh chấp của Công Ước thiếu quyền tài phán đối với cái gọi là “các phân giới hỗn hợp”.

 

Tôi không đồng ý với quan điểm này. Việc phân giới biển theo các điều khoản của Công Ước thường xuyên bao gồm những vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ hoặc đảo. Trong những trường hợp như vậy, không thể thực hiện phân giới biển một cách hiệu quả nếu như không cân nhắc đến các vấn đề khác.

 

Quan điểm của tôi cũng được ủng hộ bởi một phán quyết gần đây của Tòa án Quốc tế. Trong vụ Tranh chấp lãnh thổ và vùng biển giữa Nicaragua và Honduras tại biển Caribe (8/10/2007), Tòa đã xử lý tranh chấp liên quan đến cả chủ quyền lãnh thổ và phân giới biển. Tòa đã phán rằng “trước hết sẽ quyết định Quốc gia nào có chủ quyền đối với đảo và đá trong khu vực tranh chấp… Các yêu sách liên quan đến chủ quyền có quan hệ gián tiếp và phát sinh trực tiếp từ vấn đề đang giải quyết…, tức là vấn đề phân giới vùng biển tranh chấp” (đoạn 114).

 

Kết luận

 

Thưa các quý bà và quý ông,

Đến đây tôi sẽ kết thúc bài trình bày của mình. Cho phép tôi tóm tắt lại và rút ra một vài kết luận.

 

Công Ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc là một văn kiện pháp lý toàn diện có khả năng áp dụng cho tất cả các vùng biển, với một hệ thống giải quyết tranh chấp vô cùng tiến bộ. Rất nhiều tranh chấp quốc tế ở biển Đông ít nhiều đều mang khía cạnh pháp lý. Các Quốc gia do đó có thể muốn nghiên cứu kỹ lưỡng xem Công Ước và hệ thống giải quyết tranh chấp của Công Ước có thể giúp ích gì cho việc tìm ra những giải pháp hòa bình. Câu trả lời có thể khác nhau trong từng các tranh chấp cụ thể, tùy thuộc vào các vấn đề pháp lý và các bên liên quan.

 

Trong hoàn cảnh hiện nay, các Quốc gia có thể đánh giá cao tính linh hoạt của hệ thống giải quyết tranh chấp của Công Ước. Các Quốc gia có quyền lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp theo ý muốn. Họ cũng có thể quyết định không đưa tranh chấp ra tòa để đạt được phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc, mà yêu cầu ý kiến tư vấn của Tòa án Quốc tế về Luật Biển, nơi sẽ hướng dẫn cho họ về những vấn đề pháp lý cụ thể mà họ đang phải đối mặt.

 

Hệ thống giải quyết tranh chấp của Công Ước cũng toàn diện theo khía cạnh nó có thể giải quyết tất cả các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công Ước. Đặc biệt, nó có thể giải quyết các tranh chấp phân giới biển, bao gồm cả những tranh chấp liên quan cùng một lúc đến cả phân giới biển lẫn tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hoặc đảo.

 

Hệ thống giải quyết tranh chấp vừa toàn diện vừa linh hoạt này có thể giúp đỡ các Quốc gia một cách hiệu quả, cùng hợp tác tìm ra giải pháp hòa bình cho các tranh chấp biển của họ, ví dụ như các tranh chấp ở biển Đông. Chỉ còn phụ thuộc vào các Quốc gia xem họ có muốn tận dụng cơ hội này hay không.

Cảm ơn vì đã lắng nghe./.

 

Matthias Fueracker, Chuyên viên pháp luật, Tòa án Quốc tế về Luật Biển.

 

Download bản PDF