Về kinh tế, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã có đóng góp to lớn đối với thế giới, đặc biệt là trong việc ứng phó với khủng hoảng tài chính, nhưng các nước phương Tây lại không ngừng gây sức ép đối với Trung Quốc trong vấn đề tỉ giá đồng nhân dân tệ và lĩnh vực cân bằng thương mại. 


Về an ninh quân sự, Trung Quốc sớm đưa ra mục tiêu “trỗi dậy hòa bình” và “phát triển hòa bình”, nhưng áp lực an ninh của môi trường xung quanh vẫn đang tăng lên. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không có hy vọng giải quyết, liên minh Nhật-Mỹ-Hàn đang được tăng cường, vấn đề Biển Đông vốn không nổi cộm giờ đã vượt qua khuôn khổ của giấy tờ. 


Về chính trị, phương Tây đang gây sức ép mới, mạnh hơn đối với Trung Quốc về “nhân quyền” và “dân chủ”. Từ nhiều năm trước, Trung Quốc đã tiến hành đối thoại nhân quyền với phương Tây, nhưng luôn nằm trong thế phòng thủ, không có năng lực phản kích. 


Về văn hóa, Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều với hy vọng “thoát ra bên ngoài”, nhưng con đường “thoát ra bên ngoài” không hề bằng phẳng. Có thể nói Trung Quốc chỉ “thoát ra bên ngoài” được về mặt hình thức, nhưng về nội dung thì lại không “thoát ra bên ngoài” được. Trung Quốc vẫn không có quyền phát ngôn về văn hóa. 


Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhưng cục diện “ngoại giao lớn” đáng ra phải xuất hiện thì vẫn chưa xuất hiện. Trong khi đó, cục diện “ngoại giao nhỏ” mà Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay lại là cái mà Trung Quốc không nên có. Vậy Trung Quốc phải làm thế nào để xây dựng “nền ngoại giao lớn của nước lớn”? 


Trong quan hệ quốc tế, người ta thường nói “ngoại giao là sự nối dài của nội chính”. Điều đó cho thấy ngoại giao của một nước phải có nền tảng nội bộ và nền tảng nội bộ quyết định ngoại giao. Vì thế, nếu muốn xây dựng “nền ngoại giao lớn”, Trung Quốc phải có được một số điều kiện nội bộ. Những điều kiện nội bộ này bao gồm mọi phương diện. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay của Trung Quốc, việc xem xét những phương diện sau đây là rất quan trọng: 

 


Thiếu sách lược ngoại giao mang tầm cao chính trị 


Trước tiên, Trung Quốc phải xây dựng được trận tuyến ngoại giao. Nền ngoại giao lớn cần một trận tuyến ngoại giao mạnh. Trong chính trị quốc tế, cho dù ngoại giao rất quan trọng, nhưng có rất nhiều vấn đề lại không thuộc về ngoại giao mà thuộc về chính trị và kinh tế. Những vấn đề này thường vượt qua lĩnh vực và năng lực của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, do đó cần phải có các nhà chính trị, thậm chí là các nhân vật chính trị có tầm nhìn quốc tế làm ngoại giao. Ở khía cạnh này, Trung Quốc vẫn chưa làm được. Các nhà chính trị đều có thời gian dài theo đuổi các sự vụ trong nước, nhưng lại thiếu sự quan sát và suy ngẫm lâu dài về công việc quốc tế. Đặc điểm này cũng được biểu hiện ở những nước khác bởi vì tất cả những gì thuộc về chính trị đều mang tính địa phương. Tuy nhiên, ở nhiều nước, các nhà chính trị có thể nhờ đến sự giúp đỡ của lực lượng tham mưu, cố vấn tương đối độc lập, nhưng ở Trung Quốc không tồn tại điều đó. Ở tất cả các nước, nhà ngoại giao chuyên nghiệp chỉ là người chấp hành, còn việc điều chỉnh chính sách cần đến vai trò của các nhà chính trị.

 
Không có nhân vật chính trị thực quyền làm ngoại giao, việc điều chỉnh chính sách của Trung Quốc cho thấy sự hỗn loạn và chậm trễ. Ví dụ: từ khi cải cách mở cửa, Trung Quốc luôn nhấn mạnh “ngoại giao phục vụ kinh tế”. Thời kỳ đầu, chính sách này rất thành công. Nhưng muốn tối đa hóa lợi ích quốc gia, kinh tế cũng phải thường xuyên phục vụ cho ngoại giao. Phương Tây có khái niệm “thương mại mang tính chiến lược”. Từ xưa tới nay, phương Tây không hề có thương mại tự do hoàn toàn. Thương mại của phương Tây luôn gắn chặt với những tính toán về chiến lược. Trong khi đó, Trung Quốc lại không có khái niệm này, càng không thể nói đến việc nâng nó lên tầm chính sách. Rất tự nhiên, dù (Trung Quốc) là nước lớn về kinh tế, nhưng sẽ không thể chuyển hóa thành nước lớn về ngoại giao. 


Một vấn đề khác liên quan là sự chỉnh thể về tài nguyên ngoại giao. Tài nguyên ngoại giao trên các phương diện của Trung Quốc đang tăng lên, nhưng Trung Quốc không có một cơ chế chỉnh thể. Ví dụ: giữa các ngành ngoại giao, thương vụ và an ninh quốc gia thiếu sự phối hợp nhịp nhàng hữu hiệu. Lợi ích quốc gia vốn phải ưu tiên hơn lợi ích ngành, nhưng do thiếu cơ chế phối hợp, hệ quả là lợi ích ngành lại được ưu tiên hơn lợi ích quốc gia. Vấn đề xuất khẩu đất hiếm chính là một ví dụ cho thấy điều này. Do không có sự quản lý mang tính phối hợp, không chỉ dẫn tới lãng phí lớn tài nguyên chiến lược quốc gia, mà quan trọng hơn là tài nguyên của mình, nhưng lại để rơi quyền phát ngôn vào tay nước khác. Điều này đối lập rất rõ với việc Trung Quốc nhập khẩu quặng sắt của Ôxtrâylia. 


Hiệp định khung về hợp tác kinh tế giữa hai bờ eo biển (ECFA) cũng là một ví dụ cho thấy điều đó. ECFA vốn có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng nhằm tạo dựng chỉnh thể kinh tế và sự ổn định tình hình giữa hai bờ eo biển. Đối với Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, ECFA là rất quan trọng. Nhưng đối với Bộ Thương mại, tính toán của họ có thể lại không phải ở ý nghĩa chiến lược vốn có của ECFA, mà có thể họ muốn dùng hiệp định này để thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do Đông Bắc Á. Cho nên, ECFA không thể tránh khỏi việc gây ra áp lực lớn đối với một số nền kinh tế Đông Bắc Á, đặt biệt là các nền kinh tế có sự cạnh tranh về công nghệ với Đài Loan. Rất rõ ràng, một khi khu vực mậu dịch tự do Đông Bắc Á hình thành, tầm quan trọng chiến lược của ECFA sẽ biến mất, kéo theo sự ra đi của lợi ích chỉnh thể của quốc gia. 


Nền ngoại giao lớn của nước lớn cũng cần có một môi trường xã hội tốt. Ngoại giao là căn cứ tốt nhất để xem xét một xã hội có lý trí hay không. Rất rõ ràng, một số người trong xã hội Trung Quốc vẫn thiếu lý trí. Khi có sự kiện nào đó xảy ra, họ liền ào ào trút giận, xả buồn hay mừng vui quá đỗi. Ở một mức độ nhất định, Trung Quốc thiếu chủ nghĩa dân tộc lý trí, nhưng lại có quá nhiều người theo chủ nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn (bài ngoại). Vì thế ở đây cần thiết phải suy ngẫm lại phong trào giáo dục chủ nghĩa yêu nước. 


Chủ nghĩa yêu nước rất quan trọng. Nó nhằm bồi dưỡng nhận thức, đánh giá chung của quần chúng đối với đất nước cũng như ý thức về lợi ích quốc gia. Xem xét ở góc độ này, phong trào giáo dục chủ nghĩa yêu nước tồn tại thiếu sót nghiêm trọng. Phong trào này đã kích thích sự nhiệt tình và tình cảm mãnh liệt của mọi người đối với đất nước, nhưng lại không thúc đẩy mọi người có suy nghĩ lý tính về lợi ích quốc gia và các biện pháp theo đuổi lợi ích quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc rõ ràng đã trỗi dậy, nhưng vẫn thiếu lý tính. Mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa dân tộc là phải tối đa hóa lợi ích quốc gia, nhưng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc vốn vẫn đang ở mức độ tình cảm hóa, khiến đất nước rất khó theo đuổi việc tối đa hóa lợi ích quốc gia, trong một số trường hợp, ngược lại, còn tối thiểu hóa lợi ích quốc gia. Cùng với sự mở cửa của xã hội, xã hội Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn đến ngoại giao. Phải xem xét lại việc giáo dục và bồi dưỡng tinh thần có lý trí, ngày càng trở thành một điều kiện xã hội của “nền ngoại giao lớn” của Trung Quốc. 

 


Từ quan hệ đối ngoại đến quan hệ quốc tế 


Vậy còn ngoại giao công cộng thì ra sao? Ở Trung Quốc, ngoại giao công cộng dường như ngày càng trở nên sáng rõ và quan trọng hơn. Nếu chỉ dựa vào các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ngoại giao Trung Quốc rất khó có thể “thoát ra bên ngoài”, do đó, ngoại giao công cộng có thể trở thành một bộ phận trong bố cục của “nền ngoại giao lớn”. Ý tưởng ngoại giao công cộng là rất hay, nhưng trong quá trình thực thi lại có rất nhiều vấn đề. Cho dù là giới truyền thông hay cơ quan giáo dục đều thiết kế ngoại giao công cộng rất kém, trong khi đó dã tâm lại quá lớn và năng lực không đủ. Ngoại giao công cộng không phải là phong trào quần chúng. Ngoại giao công cộng theo kiểu phong trào không những không tạo ra sức mạnh mềm như mọi người mong đợi, ngược lại còn gây ra nhiều phản ứng phụ. Ngoại giao là một ngành chuyên nghiệp. Ngoại giao công cộng cũng vậy. Một nền ngoại giao công cộng không có tinh thần và năng lực làm việc chuyên nghiệp sẽ không đủ để “tiếp sức” cho ngoại giao Trung Quốc, ngược lại còn gây hại cho ngoại giao Trung Quốc. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là xã hội Trung Quốc thiếu năng lực chuyên nghiệp. Nêu ra thực trạng trên là muốn nói rằng dưới thể chế ngoại giao công cộng được thiết kế hiện nay, tinh thần và năng lực làm việc chuyên nghiệp cần có không thể hiện được. 


Quan trọng hơn là phải thực hiện được sự chuyển đổi từ quan hệ đối ngoại sang quan hệ quốc tế. Quan hệ đối ngoại, quốc gia nào cũng có, nhưng quan hệ quốc tế thì không phải như vậy. Quan hệ đối ngoại chỉ xem xét tới quan hệ giữa một quốc gia này với một quốc gia khác. Trong khi đó, quan hệ quốc tế lại phải đặt mình vào chiếc khung của toàn bộ quan hệ quốc tế để xem xét lợi ích của mình. Bất cứ nước lớn nào nếu hy vọng có được “nền ngoại giao lớn” đều phải vượt qua quan hệ đối ngoại, có tầm nhìn quan hệ quốc tế. 

 


Trung Quốc phải bồi dưỡng quan niệm trách nhiệm quốc tế của mình

 
Ở đây có thể lấy nước Mỹ làm ví dụ. Vào những năm 1890, Mỹ đã trở thành nước có GDP lớn nhất thế giới, nhưng trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, Mỹ chỉ có quan hệ đối ngoại, không có ý thức quan hệ quốc tế. Trong một thời kỳ lịch sử dài, Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập. Sau này khi đã lớn mạnh, đã đưa ra Học thuyết Monroe nhằm vào “sân sau” của mình, nhưng Mỹ vẫn không hứng thú với các công việc quốc tế. Chỉ đến thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, Mỹ mới quyết định can dự vào các công việc quốc tế và dần có được quan niệm về quan hệ quốc tế. Trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới, Mỹ đã trở thành lãnh đạo của thế giới phương Tây. Từ quan hệ đối ngoại chuyển biến thành nước lớn có quan niệm về quan hệ quốc tế, Mỹ đã phải mất hàng chục năm. Vấn đề cốt lõi của quan niệm về quan hệ quốc tế là trách nhiệm quốc tế. 


Muốn có “nền ngoại giao lớn”, Trung Quốc cũng phải bồi dưỡng quan niệm trách nhiệm quốc tế cho mình. Cùng với sự trỗi dậy, Trung Quốc không chỉ phải theo đuổi lợi ích bản thân, mà cũng phải có trách nhiệm đối tới toàn bộ hệ thống thế giới. Nếu chỉ có trách nhiệm với một quốc gia nào đó thì chỉ là quan hệ đối ngoại. Cho dù đã tiến hành cải cách mở cửa hơn 30 năm, nhưng thời gian “thoát ra bên ngoài” của Trung Quốc lại không dài. Trung Quốc cũng cần một khoảng thời gian dài để giới định và bồi dưỡng quan niệm về quan hệ quốc tế của mình. Trước khi Trung Quốc có quan niệm về quan hệ quốc tế, cục diện của “nền ngoại giao lớn” rất khó xuất hiện. 

 


Điểm then chốt nhất của ngoại giao nước lớn là xác lập sự tự tin 


Xây dựng năng lực thực hiện trách nhiệm quốc tế có quan hệ chặt chẽ với quan niệm quốc tế. Về phương diện này, Trung Quốc cần tăng tốc hiện đại hóa quan hệ. Việc này xuất phát từ nguyên nhân sự phát triển bên trong của Trung Quốc cần tới tài nguyên từ bên ngoài và các lợi ích kinh tế của Trung Quốc cũng đang tăng tốc “hướng ra bên ngoài”. Ở mức độ thấp nhất, Trung Quốc phải có năng lực bảo vệ các lợi ích từ bên ngoài vào Trung Quốc và các lợi ích kinh tế của Trung Quốc “hướng ra bên ngoài”. 


Quan trọng hơn là Trung Quốc đã trở thành nước lớn về kinh tế đứng thứ 2 thế giới và là một bộ phận nội tại của nền kinh tế thế giới. Điều này cho thấy Trung Quốc có trách nhiệm không thể chối bỏ đối với việc duy trì trật tự thế giới hiện nay. Nó cũng đòi hỏi Trung Quốc phải hiện đại hóa quân sự. Không hiện đại hóa quân sự, Trung Quốc sẽ tiếp tục trong cảnh “đi nhờ xe” trước đây (như người Mỹ từng nói), không thể bảo vệ được lợi ích của mình, càng không thể nói tới việc đảm nhiệm được trách nhiệm duy trì trật tự quốc tế. 


Tuy nhiên, trong việc phát triển năng lực quân sự, không nhất thiết phải học Mỹ, chỗ nào cũng sử dụng vũ lực để can dự vào công việc nước khác. Về phương diện này, Trung Quốc nên xây dựng ưu thế so với Mỹ. Mỹ là một nước có “sứ mệnh”, hạt nhân sứ mệnh của Mỹ chí ít về mặt lý thuyết là thúc đẩy dân chủ và tự do tới tất cả mọi nơi trên thế giới. Nhưng Trung Quốc lại là một nước thế tục, không có “sứ mệnh” này. Đặc điểm này khiến trọng tâm ngoại giao của Trung Quốc là kinh tế thương mại và phát triển. Trung Quốc không thể thay Mỹ duy trì trật tự thế giới, nhưng Trung Quốc cũng không thể chỉ dựa vào Mỹ để duy trì trật tự thế giới. Chỉ đến khi Trung Quốc phát triển được năng lực đầy đủ để duy trì trật tự thế giới, hợp tác Trung-Mỹ mới có thể chế độ hóa và hữu hiệu hơn. 


Xem xét ở góc độ tinh thần, cốt lõi của ngoại giao nước lớn là xác lập sự tự tin. Nước lớn không tự tin sẽ không có “nền ngoại giao lớn”. Sự xuất hiện của “nền ngoại giao nhỏ” hiện nay là biểu hiện của sự thiếu tự tin. Trên một số phương diện có thể nói là không có lấy một chút tự tin. Nhưng ở một số vấn đề khác, việc quá tự tin, lộ rõ sự kiêu ngạo, trên thực tế cũng là biểu hiện của sự không tự tin. Tinh thần tự tin được hình thành dần dần trong quá trình phát triển, nhưng nếu không thể có được sự tiến bộ trên các phương diện chí ít được bài viết này bàn tới, việc hình thành tinh thần tự tin sẽ là một quá trình rất dài./.

 Theo báo Liên hiệp Buổi sáng; TTXVN