8c89a590f56e150242b62b(1).jpg

Về những thách thức chiến lược mà Ấn Độ phải đối mặt với Trung Quốc, không có gì quan trọng hơn trong thời điểm này là việc giải mã “Một vành đai, một con đường” (OBOR) và hiểu được tại sao chính sách nhất quán của Chính phủ Modi rằng Trung Quốc cần giải thích rõ về OBOR trước khi Ấn Độ đưa ra lập trường của mình.

OBOR là một đại chiến lược chưa từng có xét ở khía cạnh quy mô, tham vọng và vượt xa mọi thứ mà thế giới đã từng chứng kiến. Đây cũng là một kế hoạch tổng thể để Trung Quốc tiếp cận các thị trường, nguồn lực bên ngoài, khai thác các nguồn lực dư thừa trong nước, tăng cường ảnh hưởng vùng ngoại vi của Trung Quốc, tiếp cận về mặt quân sự chiến lược đối với các vùng biển bên ngoài lục địa Á - Âu và lôi kéo những “người bạn trong mọi hoàn cảnh”, như cách Trung Quốc thường gọi các đồng minh.

OBOR là một khái niệm hay một cơ chế?

OBOR không phải là một cơ chế khu vực để hòa hợp các lợi ích của các nước tham gia để đạt được "sự hợp tác cùng thắng", mà là sáng kiến ​​quốc gia đơn phương, được thiết kế để kết nối lợi ích kinh tế và chiến lược của lục địa Á - Âu, Đông Á, Đông Nam Á đến Nam Á, với những lợi thế đặc biệt cho Trung Quốc. Nó cũng phản ánh chính sách xét lại của Trung Quốc trong việc theo đuổi các thỏa thuận ưu đãi, phi cạnh tranh và phân biệt đối xử, vốn là động cơ đằng sau tham vọng của Trung Quốc nhằm tạo ra những sự lệ thuộc về kinh tế, giành ảnh hưởng chính trị và cuối cùng là áp đặt chính sách bá quyền.

Quan điểm của Ấn Độ

Đối với Ấn Độ, quan hệ thương mại với Trung Quốc hoặc dự án OBOR hay Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) đều không mang lại giá trị đáng kể nào.

Thặng dư thương mại hàng năm của Trung Quốc với Ấn Độ trung bình 50 tỷ USD. Đó là lý do cho sự trì hoãn của Ấn Độ đối với hiệp định thương mại khu vực RCEP. Là một nền kinh tế phi thị trường, Trung Quốc hạ thấp tầm quan trọng của lực lượng thị trường và định hình các quan hệ thương mại của mình để phục vụ lợi ích quốc gia. Trung Quốc sẽ thu được nhiều lợi ích phi đối xứng từ RCEP, trong khi các nền kinh tế thị trường tự do như Ấn Độ sẽ phải chịu thua thiệt.

Ở phía Tây của Ấn Độ, dự án CPEC (một phần của OBOR), ngoài việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Ấn Độ ở Jammu và Kashmir, nó được thiết kế để làm tăng thêm các bất lợi về chiến lược, an ninh và kinh tế của Ấn Độ trong khu vực. Trong khi đó, CPEC sẽ củng cố vị thế chiến lược cho Trung Quốc ở Pakistan, ngăn chặn tiếp cận và bao vây chiến lược Ấn Độ. Trên thực tế, màu sắc thực sự của CPEC được tờ Thời báo hoàn cầu tiết lộ là: trong tương lai, Trung Quốc sẽ quan tâm trực tiếp đến những diễn biến ở Kashmir.

Về phía Đông Ấn Độ, hành lang Diễn đàn hợp tác khu vực Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar (BCIM) có vẻ ít ý nghĩa kinh tế hơn, khi nó chỉ đưa lại lợi ích cho Trung Quốc trên phương diện tiếp cận thị trường đối với Bangladesh, Myanmar, Ấn Độ và vùng Vịnh Bengal. Nhưng hành lang cũng sẽ đi qua khu vực nhạy cảm về an ninh và dễ tổn thương về chiến lược là vùng Đông Bắc Ấn Độ, nơi Trung Quốc vẫn dung dưỡng những kẻ nổi dậy và đòi chủ quyền lãnh thổ đối với bang Arunachal Pradesh.

Giải mã OBOR

Bằng cách kết hợp vốn đầu tư và năng lực cơ sở hạ tầng dư thừa của Trung Quốc, OBOR sẽ tạo ra các chuỗi cung ứng bao gồm các công ty, nguyên liệu và lao động nằm trải dài trên khắp lục địa Á - Âu và Châu Á, trừ Đông Bắc Á. Diện tích lưu vực rộng lớn này bao gồm khoảng 4,2 tỷ người và có tiềm năng thương mại ước tính khoảng 2,1 nghìn tỷ USD.

OBOR là nhằm tạo ra một khu vực thương mại khổng lồ do Trung Quốc làm trung tâm. OBOR không có một cấu trúc đa phương và chính thức nào và cơ chế ra quyết định của OBOR cũng rất không minh bạch. Vậy, OBOR sẽ hoạt động theo mô hình nào? Về cơ bản, OBOR sẽ chỉ là một số thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và các nước tham gia OBOR, theo đó các công ty Trung Quốc được hưởng ưu đãi từ các nền kinh tế chi phí thấp/trung bình cần vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Những quyết định đầu tư này được đưa ra ở cấp độ chính trị, thường là kết quả của các cuộc thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Các quyết định đầu tư có sự phối hợp giữa giới chính trị và giới doanh nhân, từ đó các dự án được trao cho các công ty lớn của Trung Quốc mà không có bất kỳ cuộc đấu thầu cạnh tranh nào. Không ngạc nhiên khi tất cả các quyết định của Trung Quốc về đầu tư, phát triển dự án OBOR đều nằm dưới sự quản lý của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Thứ hai và quan trọng hơn là OBOR rõ ràng gắn liền với các mục tiêu an ninh cốt lõi của Trung Quốc bao gồm tăng cường chiến lược ngoại vi thông qua việc củng cố quan hệ với các nước láng giềng trực tiếp từ Châu Âu đến Đông Nam Á. Các hành lang khác nhau thuộc OBOR sẽ giúp củng cố sức mạnh quân sự Trung Quốc bằng cách tạo ra tuyến đường giao thông. Ví dụ việc xây dựng các cảng biển dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển mới, sẽ tạo lợi thế về mặt hải quân cho Trung Quốc.

Thứ ba, việc sử dụng OBOR và những lợi thế chiến lược của Trung Quốc để tạo ra sự nhất thể hóa khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm bằng cách thúc đẩy các mô hình tự do hoá thương mại như RCEP. Những cố gắng của Trung Quốc nhằm kết thúc các cuộc đàm phán của RCEP mà không có Ấn Độ là một nỗ lực quen thuộc nhằm loại bỏ các cơ chế dựa trên luật lệ và áp đặt chủ nghĩa đơn phương về kinh tế.

Thứ tư là việc Trung Quốc sẽ sử dụng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) cho các lợi ích của riêng mình. AIIB hiện có 53 quốc gia thành viên và 18 thành viên tiềm năng khác (ngoài Mỹ và Nhật Bản) đang nổi lên như là một cơ chế tài chính thay thế cho các tổ chức tài trợ đa phương hiện có. Trung Quốc đã đóng góp 10 tỷ vào AIIB và đang tìm tác động vào các quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng của tổ chức này.

Nhưng việc triển khai OBOR không hề suôn sẻ. Ngày càng có nhiều lo ngại về tính hiệu quả của các dự án OBOR và gánh nặng nợ nần của các nước nước tham gia. Lãi suất của Trung Quốc cho Pakistan và Sri Lanka vay thực hiện các dự án là 6,3%/năm, trong khi lãi xuất của ADB chỉ là 0,25 - 0,3% và vốn tín dụng của Ấn Độ cho các nước khác cũng chỉ là 1%.

"Ấn Độ là trên hết"

Từ quan điểm chung của Ấn Độ, điều quan trọng là phải nhận ra các yếu tố sau đây liên quan đến OBOR để định hướng hoạch định chính sách:

(A) Sáng kiến ​​OBOR nhằm tận dụng khả năng dư thừa của Trung Quốc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng và không gian chiến lược. Hiện tại Ấn Độ không cần các năng lực dư thừa của Trung Quốc.

(B) Với Pakistan cản trở ở phía Tây Ấn Độ và một đường biên có tranh chấp với Trung Quốc ở phía Bắc và phía Đông, vậy thì việc Ấn Độ tham gia OBOR giúp được gì.

(C) Ấn Độ là một nền kinh tế đang phát triển và có nguồn lực tương đối hạn chế để triển khai các dự án vượt ra ngoài khu vực ngoại vi chiến lược trực tiếp vào thời điểm hiện tại.

(D) Vận chuyển bằng đường biển bao giờ cũng rẻ hơn bằng đường bộ. Do vậy, lợi ích của Ấn Độ được phục vụ tốt nhất bằng cách tiếp cận trực tiếp tới các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương, thay vì các tuyến đường bộ được mở về phía Tây và Đông Ấn Độ theo sáng kiến OBOR.

(E) OBOR được thiết kế chủ yếu cho các nước không có đủ năng lực kinh tế và cần tiếp cận nguồn tài trợ không bị phụ thuộc và các điều kiện nghiêm ngặt hoặc các rào cản chính trị. Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy các hỗ trợ tài chính dựa trên các thể chế tài chính đưa đến những lợi ích lâu dài hơn là dựa trên các tính toán chính trị.

(F) Ấn Độ nên tiếp cận các khu vực láng giềng chiến lược thông qua các khuôn khổ đa phương được đồng thuận, chứ không nên qua những khuôn khổ đơn phương. Ấn Độ nên tăng cường các nỗ lực của mình để thúc đẩy Sáng kiến Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ và Nepal (BBIN), Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa lĩnh vực (BIMSTEC), Cộng đồng Kinh tế và An ninh Vịnh Bengal, cũng như Sáng kiến Hành động phía Đông với ASEAN.

Nhìn chung, cần rất thận trọng với các khía cạnh quân sự và chiến lược của OBOR. Cũng đừng quên rằng, ngay sau khi lên nắm quyền, một trong những khẩu hiệu do Thủ tướng Narendra Modi đưa ra khi đề cập đến các mối quan hệ kinh tế đối ngoại của nước này là “Ấn Độ là trên hết”.

Tác giả là hai nhà nghiên cứu cao cấp của Ấn Độ ông Hemant Krishan Singh và ông Arun Sahgal. Bài viết đăng trên trang của "Nhóm Chính sách Đê-li DPG".

Hương Trà (gt)