Năm ngoái, chính sách đối ngoại cứng rắn của Bắc Kinh được thể hiện qua một số sự kiện và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước khu vực sông Mê Công hoặc các đồng minh thân thiện hơn như Cadắcxtan. Trong bối cảnh này, ông Yan Xuetong, Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại của Đại học Tổng hợp Thanh Hoa, khẳng định chính sách đối ngoại của Trung Quốc năm 2011 sẽ phản ánh vị thế của Trung Quốc là "cường quốc số hai trên thế giới".

 

Ông Yan là người từng dự báo hồi đầu năm 2010 rằng mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ "mang tính chất thù nhiều hơn bạn". Những sự kiện năm 2010 đã chứng tỏ các dự báo của ông là chính xác. Theo ông Yan, về kinh tế và văn hóa, Trung Quốc và Mỹ có nhiều điểm chung hoặc các lợi ích bổ sung cho nhau, nhưng về chính trị và an ninh, hai siêu cường sẽ có một số bất đồng công khai về lợi ích. Ông nói: "Do những lợi ích trái ngược nhau trong các khu vực, hai nước khó có thể phát triển các chiến lược hợp tác. Cạnh tranh sẽ là vấn đề chủ yếu trong các mối quan hệ sắp tới của hai nước". 

 

Ông Yan cũng cho biết các sự kiện năm 2010 cho thấy "các nước láng giềng của Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ tăng cường can dự vào châu Á để đối phó với sự phát triển ngày càng tăng của Trung Quốc". "Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với các nước đó không thay đổi, nhưng “cảm giác của họ” đối với Trung Quốc đã thay đổi... Trong quá khứ, các nước láng giềng của Trung Quốc cảm thấy hài lòng với chính sách đối ngoại “mỉm cười” của Bắc Kinh, vì lúc đó Trung Quốc chưa mạnh. Nhưng hiện nay Trung Quốc đã mạnh. Tiếp tục các chính sách “mỉm cười” như trước sẽ khiến các nước này nghi ngờ ý đồ của Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách đối ngoại. Để phù hợp với sự phát triển mới này, ông Yan nhận định chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ có 3 thay đổi trong thời gian tới:

 

Thứ nhất, nền ngoại giao của Trung Quốc sẽ thay đổi trọng tâm từ phát triển kinh tế sang đạt được trẻ hóa quốc gia. Ông Yan nói: "Trẻ hóa quốc gia sẽ là mục tiêu chính trị lâu dài của Chính phủ chúng tôi". 

 

Thứ hai, Trung Quốc sẽ hành động như một cường quốc có trách nhiệm chứ không tiếp tục tự kiềm chế như trong quá khứ. Là một nước lớn có trách nhiệm không có nghĩa chỉ tăng cường trách nhiệm mà cả sức mạnh. Bởi vì Bắc Kinh nhận thấy, nếu tiếp tục các chính sách làm mất uy tín sẽ chỉ đem lại hậu quả nhiều hơn lợi ích. Học thuyết của Đặng Tiểu Bình chỉ rõ chừng nào chưa trở thành một cường quốc, Trung Quốc sẽ tiếp tục tự kiềm chế trong chính sách đối ngoại. Đã đến lúc Trung Quốc phải đi tiên phong trên sân khấu chính trị thế giới và tham gia đầy đủ như "cường quốc thế giới thứ 2".

 

Thứ ba, là cường quốc số hai trên thế giới, Trung Quốc sẽ thể hiện sức mạnh để các nước khác lắng nghe Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc coi vấn đề này quan trọng hơn so với các lợi ích kinh tế ở nước ngoài. Ngoài ra, uy tín chiến lược quốc tế của Bắc Kinh sẽ dựa trên 2 trụ cột: trừng phạt những hành động bên ngoài gây nguy hại cho các lợi ích quốc gia của Trung Quốc và ban thưởng những hành động có lợi cho Trung Quốc. Ông Yan nói: "Không có sức mạnh quân sự hiệu quả, Trung Quốc không thể bảo vệ các nước châu Á khác. Vì vậy, Trung Quốc phải đẩy nhanh tốc độ phát triển quân đội. Trước khi khả năng quốc phòng của Trung Quốc đạt được mức như vậy, Trung Quốc sẽ chú trọng hợp tác an ninh ngăn chặn với các nước láng giềng". 

 

Như Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tuyên bố trên "Nhân dân nhật báo" ngày 29/12/2010: "Chiến tranh khó có khả năng xảy ra, nhưng không thể loại trừ những va chạm quân sự". Vị bộ trưởng này cho biết thêm: "Xem xét tình hình thế giới hiện nay, cuộc chiến tranh quy mô lớn là không thể, nhưng chúng ta không loại trừ khả năng các sự kiện bất ngờ có thể xảy ra ở một số khu vực hoặc xích mích quân sự có thể diễn ra do hiểu lầm". Tuy nhiên, rốt cuộc Trung Quốc sẽ học cách làm sao để giảm bớt nỗi lo sợ cũng như lo ngại của các nước láng giềng về sự phát triển của Trung Quốc. Nói cách khác, Bắc Kinh sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại "thêm bạn bớt thù" trong năm 2011.

 

Theo "Council on Foreign Relations"