Điện Kremlin có thể kích thích tăng trưởng bằng cách nào?

Trong những năm gần đây, nhiều cuộc thảo luận về nền kinh tế Nga đã mở đầu bằng một câu nói đùa kiểu cũ. Vào giữa những năm 1990, John Major, Thủ tướng Anh, đã đề nghị Tổng thống Nga Boris Yeltsin mô tả đặc điểm nền kinh tế Nga trong một từ. Yeltsin trả lời: “Tốt”. Major, muốn biết chi tiết hơn, đã yêu cầu ông bổ sung thêm bằng hai từ. Yeltsin trả lời: “Không tốt”.

Câu đùa đó thực ra lại nhìn thấu tương lai. Trong 25 năm qua, nền kinh tế Nga ở trong tình trạng luân phiên giữa “tốt” và “không tốt”. Trong những năm 1990, GDP của Nga giảm đi khoảng 40%, và trong năm 1998, Nga trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Sau đó, từ năm 1999 đến năm 2008, GDP của Nga trung bình tăng thêm xấp xỉ 7% mỗi năm, gần gấp đôi trong 9 năm. Tuy nhiên, trong một vài năm qua, nền kinh tế Nga bắt đầu chuyển hẳn sang hướng tồi tệ hơn.

Đầu năm 2013, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tìm cách thúc đẩy vượt ra ngoài dự đoán chính thức tăng trưởng GDP 4% mỗi năm. Nhưng vào cuối năm đó, Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã sửa lại dự đoán tăng trưởng của Nga xuống trong khoảng 2-3%. Giờ đây, ngay cả dự đoán mức tăng trưởng 2% cũng vẫn bị coi là lạc quan. Năm 2015, GDP của Nga trên thực tế đã giảm đi gần 4%, và Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới tháng 1/2016 của Quỹ tiền tệ quốc tế đã dự đoán mức suy giảm 1% nữa trong năm 2016. Trong khi đó, vào năm 2015, lạm phát đạt 13%, lương thực tế (được điều chỉnh theo lạm phát) đã giảm đi 9,5%, và thu nhập thực tế giảm đi 4%. Tỷ giá hối đoái của đồng ruble với đồng đôla giờ đây bằng xấp xỉ một nửa so với 2 năm trước, và RTS, chỉ số thị trường chứng khoán niêm yết bằng đồng đôla hàng đầu của Nga, đã giảm xuống chỉ bằng hơn 1/4 mức đỉnh điểm của nó năm 2008.

Nga có lẽ không làm tệ như vào những năm 1990, nhưng chắc chắn họ đang làm tệ hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ sau đó. Thậm chí việc GDP của Nga sụt giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn: nền kinh tế của Nga đã thu hẹp lại trong năm 2009 nhưng bắt đầu tăng trưởng trở lại chỉ một năm sau đó. Giờ đây, sự hội tụ của các yếu tố - nạn tham nhũng, giá dầu mỏ và khí đốt thấp và các biện pháp trừng phạt của Washington – đang kìm hãm nền kinh tế Nga quay trở lại mức tăng trưởng nhanh chóng.

Moskva có sức mạnh để đảo ngược phần lớn tổn thất – chẳng hạn bằng cách chấm dứt bạo lực ở Ukraine, hoặc theo đuổi các chính sách ủng hộ tăng trưởng, ủng hộ thị trường. Tuy nhiên, chính phủ đã chọn cách không hành động, và Tổng thống Vladimir Putin đã không thực hiện được những lời hứa ban đầu mà ông đưa ra về cải cách nền kinh tế Nga. Tại Nga, hầu như không ai dường như sẵn sàng thay đổi nguyên trạng, và chính những người dân Nga bình thường tiếp tục phải trả giá.

“Không tốt”

Nền kinh tế của Nga phải đối mặt với 3 rào cản chính. Thứ nhất, nó phải trải qua nhiều vấn đề “ăn sâu bám rễ”, bao gồm nạn tham nhũng thường thấy, pháp trị yếu kém, sự điều tiết quá mức, và sự thống trị của các doanh nghiệp và công ty độc quyền thuộc sở hữu nhà nước và có liên kết về chính trị. Cách đơn giản nhất để hiểu được tác động của những thiếu sót này là nhìn vào các dòng chảy đầu tư. Trong một vài năm qua, Nga đã trải qua tình trạng thoái vốn đáng kể, khi các nhà đầu tư Nga và quốc tế lần lượt kéo đến những điểm đến đầu tư an toàn hơn. Kể từ năm 2011, Nga đã mất đi 4-8% GDP hàng năm trong dòng vốn chảy ra ngoài – một lượng đáng kể xét tới việc tổng đầu tư vốn vào Nga chiếm 20% GDP. Các nhà đầu tư, đã chán ngấy với sự bảo hộ yếu kém của Nga về quyền sở hữu tài sản và hệ thống tòa án không thể đoán trước được, đã chuyển tiền của họ sang nơi khác.

Thứ hai, nền kinh tế này đã chịu tác động nghiêm trọng từ sự sụp đổ giá dầu. Từ năm 2014 đến năm 2015, giá dầu toàn cầu đã lao dốc từ 100 USD/thùng xuống còn khoảng 30 USD/thùng. Khó có thể phóng đại sự tổn hại mà cú lao dốc này đã trút xuống nền kinh tế Nga. Nga không hẳn là một nền kinh tế dầu mỏ: theo Ngân hàng Thế giới, so với Saudi Arabia, nơi mà chỉ số tính toán chênh lệch giữa giá trị sản xuất dầu thô tại mức giá thế giới và tổng chi phí sản xuất chiếm gần 45% GDP, Nga vẫn là một nền kinh tế tương đối đa dạng, với chỉ số này chiếm khoảng 15% GDP. Nhưng Nga quả thực đủ điều kiện là một nhà nước dầu mỏ, vì khoảng một nửa thu nhập ngân sách của nước này trực tiếp đến từ các khoản thuế đánh vào dầu mỏ và khí đốt. Trong 2 năm qua, nguồn thu nhập đó đã giảm từ hơn 7 nghìn tỷ ruble vào năm 2014 (khoảng 200 tỷ USD ở mức tỷ giá hối đoái năm đó) xuống mức dự đoán 6 nghìn tỷ ruble trong năm 2015 (khoảng 80 tỷ USD ở mức tỷ giá hối đoái hiện tại). Sự sụt giảm giá dầu cũng đã khiến giá tài sản, bao gồm cả chứng khoán công ty dầu mỏ và trái phiếu chính phủ, giảm xuống. Những ước tính khác nhau cho thấy rằng giá dầu cứ giảm đi 10% sẽ dẫn đến GDP của Nga giảm xấp xỉ 1 điểm phần trăm. Việc giá dầu sụt giảm trong năm 2015 do đó khiến những kỳ vọng về GDP của Nga giảm đi 5-6%; năm 2016 có lẽ còn chứng kiến một sự lao dốc hơn nữa.

Thứ ba, các biện pháp trừng phạt của phương Tây được áp đặt sau vụ sáp nhập Crimea đã cô lập Nga khỏi các thị trường toàn cầu, và các biện pháp đối phó của Nga với lệnh trừng phạt, lệnh cấm vận trả đũa của nước này nhằm vào hàng nhập khẩu nông nghiệp và cá của phương Tây, đã chỉ làm cho vấn đề thêm tồi tệ. Bằng cách cắt đứt Nga với các thị trường tài chính toàn cầu, các biện pháp trừng phạt đã thổi bùng ảnh hưởng của việc giá dầu sụt giảm. Nếu Nga hội nhập về tài chính với nền kinh tế toàn cầu, thì nước này hẳn đã có thể vay mượn từ các ngân hàng phương Tây để hạn chế được cú sốc giá dầu. Thay vào đó, việc Nga không có khả năng vay mượn đã dẫn tới việc đồng ruble sụt giá mạnh và tiền lương và thu nhập thực giảm đi. Không tiếp cận được tín dụng, Nga phải phụ thuộc vào Quỹ Dự trữ, một trong hai quỹ đầu tư của nhà nước. Nhưng tới tháng 1/2016, chỉ có 4,6% GDP còn lại trong quỹ này, chỉ bằng 1/3 cái mà nó nắm giữ mới 7 năm trước. Còn 6,6% GDP nữa trong Quỹ Thịnh vượng Quốc gia của Nga, quỹ hỗ trợ cho hệ thống lương hưu của nước này, nhưng phần lớn số tiền đó vốn đã được cam kết cho các dự án đầu tư khác nhau, kể cả một số dự án đem lại sự hỗ trợ về tài chính cho các công ty nằm trong tầm ngắm của các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Nếu thâm hụt ngân sách của Nga vẫn ở mức được dự kiến hiện nay là xấp xỉ 3% GDP, thì Quỹ Dự trữ sẽ duy trì được tới giữa năm 2017. Vấn đề ở đây là ngân sách hiện tại giả định giá dầu sẽ sớm quay trở lại mức khoảng 50 USD/thùng. Nếu nó nằm ở mức gần 30 USD/thùng, dường như rất có khả năng như vậy, thì thâm hụt ngân sách có khả năng sẽ tăng gấp đôi, và Quỹ Dự trữ sẽ cạn kiệt trước khi kết thúc năm 2016. Để phòng ngừa khả năng này, Moskva sẽ cần phải hoặc là cắt giảm chi tiêu hoặc là tăng thuế. Nhưng ngân sách hiện tại vốn đã là kết quả của sự cắt giảm đáng kể: chi tiêu chính phủ năm 2016 trong điều kiện thực sẽ thấp hơn gần 8% so với năm 2015, mức chi tiêu vốn đã thấp hơn 6% so với chính phủ dự đoán khi đưa ra những dự đoán ngân sách vào giữa năm 2014, khi giá dầu còn ở mức 100 USD/thùng. Việc Nga cắt giảm mua sắm của chính phủ, các khoản chi tiêu cho giáo dục và chăm sóc y tế, và các chương trình đầu tư sẽ đẩy áp lực xuống tiền lương và công ăn việc làm và khiến cho tiêu chuẩn sống của người dân Nga bình thường trở nên tồi tệ hơn.

Tổn thương nhưng chưa thất bại

Chưa phải là quá muộn để Nga đảo ngược tiến trình. Một lựa chọn là chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng bằng cách chấp nhận những khoản cắt giảm ngân sách hơn nữa. Tuy nhiên người dân Nga, đã mệt mỏi vì phải thắt lưng buộc bụng, có lẽ không ủng hộ những biện pháp như vậy trong thời gian lâu hơn nữa.

Thay vào đó, Nga có thể tập trung năng lượng của mình vào việc thuyết phục phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bằng cách xuống thang cuộc xung đột ở Ukraine. Nếu Nga có thể được tái hội nhập vào các thị trường toàn cầu, thì Moskva có thể bù đắp cho thâm hụt của họ thông qua các khoản vay bên ngoài, giảm bớt rủi ro vỡ nợ. Vì nợ chính phủ của Nga vẫn rất thấp, chỉ xấp xỉ 14% GDP, nên sẽ hầu như không có vấn đề gì trong việc bán trái phiếu để thu hẹp khoảng cách ngân sách.

Nhưng Nga sẽ không có khả năng phát triển nền kinh tế của mình trong dài hạn nếu không có những cải cách cơ cấu sâu rộng hơn. Những cải cách này bao gồm tư nhân hóa các công ty thuộc sở hữu nhà nước, nới lỏng các quy định, đấu tranh chống tham nhũng và cải thiện hệ thống tòa án và thực thi pháp luật. Trong số các nhà lãnh đạo Nga, có một sự đồng thuận rộng rãi rằng những cải cách như vậy là cần thiết cho tăng trưởng. Trên thực tế, năm 2012, trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống thứ ba, Putin đã ký Sắc lệnh Tổng thống số 596, về “Chính sách kinh tế quốc gia dài hạn”, nêu chi tiết một vài cải cách ủng hộ thị trường sẽ được thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Các cải cách này bao gồm việc tư nhân hóa nhiều tài sản của chính phủ trước năm 2016. Tuy nhiên, 4 năm sau đó, gần như chẳng có cải cách nào trong số đó được thực hiện.

Kết quả là, nền kinh tế Nga đã không tăng trưởng. Sắc lệnh này thấy trước việc tạo ra 25 triệu việc làm mới, tăng trưởng năng suất lao động hàng năm 6%, tỷ lệ đầu tư trên GDP tăng từ 24% GDP trong năm 2015 lên 25% trong năm 2018, và tăng trưởng 30% trong phần đóng góp của các ngành công nghiệp công nghệ cao vào GDP cho tới năm 2018. Đã không có sự tăng trưởng đáng kể trong bất kỳ chỉ số nào trong số này. Trên thực tế, tỷ lệ đầu tư trên GDP đã giảm xuống, và năng suất lao động đình trệ.

Tuy nhiên, thành tích của Putin về cải cách không phải hoàn toàn tiêu cực. Một nơi mà ông có được thành công là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Nga. Năm 2012, Ngân hàng Thế giới xếp Nga ở hạng 120 trên thế giới về Chỉ số thuận lợi kinh doanh hàng năm, chỉ số nhìn vào những thước đo như mức độ dễ dàng để khởi nghiệp và có được giấy phép xây dựng. Putin nhắm mục tiêu đưa Nga vào danh sách 50 nước đứng đầu vào năm 2015 và danh sách 20 nước đứng đầu vào năm 2018. Vào mùa Thu năm 2015, Ngân hàng Thế giới xếp hạng Nga ở vị trí thứ 51, điều rõ ràng có thể được coi là một thắng lợi, ngay cả khi sự thăng hạng của Nga phần lớn là do sự thay đổi trong phương pháp luận của chỉ số này.

Nhưng không có khả năng là nước này sẽ có thể chuyển từ vị trí thứ 51 lên vị trí nằm trong nhóm 20 nước đứng đầu trong hai năm tới, như Putin đã cam kết. Và do tình trạng thoái vốn ngày càng tăng của Nga, thước đo này có lẽ không còn thích hợp nữa. Có vẻ như các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến rủi ro địa chính trị của việc đầu tư vào một nước hơn là về sự thoải mái đăng ký một công ty, kết nối với hệ thống đường dây điện hay xin được giấy phép xây dựng ở đó. Tuy nhiên, việc Nga thăng hạng chứng tỏ rằng Moskva có thể ban hành và thực hiện các cải cách được thiết kế bởi các nhà kỹ trị với sự can thiệp về chính trị có giới hạn.

Một cải cách thành công khác là việc Nga chấp nhận thả nổi tỷ giá hối đoái. Năm 2015 và đầu năm 2016, ngân hàng trung ương Nga thận trọng chọn cách không can thiệp vào thị trường tiền tệ. Khi giá dầu sụt giảm, ngân hàng trung ương đã để cho đồng ruble sụt giá, giúp nền kinh tế một lần nữa đạt được tính cạnh tranh quốc tế. Điều này rõ ràng trái ngược với năm 2008-2009, khi ngân hàng trung ương chủ động bảo vệ đồng ruble nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng cách chi ra 200 tỷ USD dự trữ. Rõ ràng là tỷ giá hối đoái chính thức của đồng ruble là không bền vững, vì vậy các ngân hàng đã ngừng cho vay bằng đồng ruble và thay vào đó mua và tích trữ đôla. Vào thời điểm ngân hàng trung ương để cho đồng ruble sụt giá, uy tín của nó đã bị làm xói mòn đến mức nó phải tăng lãi suất một cách đáng kể để đưa ra mức sàn cho đồng tiền này, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái.

Tuy nhiên, ngoài hai câu chuyện thành công này, Moskva phần lớn đã quên mất lời hứa của họ về việc tư nhân hóa và cải cách ủng hộ tăng trưởng. Giá năng lượng toàn cầu đương nhiên vẫn nằm ngoài quyền kiểm soát trực tiếp của Moskva, và có những giới hạn cho cái mà một nhà nước dầu mỏ, như Nga, có thể làm khi phải đối mặt với thời kỳ suy thoái giá dầu mỏ và khí đốt. Nhưng điều nằm trong thẩm quyền của Putin để có thể loại bỏ hai chướng ngại vật khác mà nền kinh tế Nga đang phải đối mặt là chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine và theo đuổi các cải cách cơ cấu. Tuy nhiên, tổng thống ưa thích việc không hành động hơn. Những bên liên quan có lợi ích chính của chính phủ - các công ty thuộc sở hữu nhà nước và các doanh nghiệp có liên kết về chính trị - được hưởng lợi từ nguyên trạng. Đây là lý do tại sao không có cải cách nào khi giá dầu ở mức cao. Giờ đây, xét tới môi trường kinh tế hiện tại, các cải cách thậm chí còn ít có khả năng xảy ra hơn nữa.

Lý do để lạc quan

Tuy nhiên, ngay cả khi tình trạng hiện tại của nền kinh tế Nga là “không tốt”, thì tầm nhìn dài hạn của nó lại tươi sáng hơn. Sẽ không dễ dàng để Nga tiến hành các cải cách cơ cấu, tái hội nhập nền kinh tế toàn cầu và xây dựng các thể chế chính trị và kinh tế hiện đại. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo Nga sẵn sàng cải cách, thì Nga sẽ có khả năng bắt kịp với các nước giàu có hơn. Nga vẫn có một thị trường nội địa lớn và một lực lượng lao động có trình độ giáo dục cao. Nga vẫn hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào ngoài dầu mỏ và khí đốt, bao gồm đất đai có thể trồng trọt. Và mặc dù dân số của Nga đang chững lại và già đi, nhưng những người nhập cư trẻ tuổi hơn từ các nước láng giềng có thể giúp bù đắp những xu hướng đó. Trên thực tế, các nhà dự đoán cho rằng dân số của Nga sẽ thực sự tăng vào năm 2030, một phần lớn là do nhập cư từ các nước láng giềng. 

Năm 2005, các nhà kinh tế học Ricardo Hausmann, Dani Rodrik và Andres Velasco đã đề xuất việc đánh giá tiềm năng phát triển của các nước thông qua “các triệu chứng tăng trưởng”, có liên quan đến xác định các nhân tố then chốt mà ngăn không cho một nước nào đó phát triển. Nếu mô hình phân tích của họ được áp dụng vào Nga, điều rõ ràng là nước này bị kiềm chế bởi các thể chế chính trị và kinh tế lỗi thời. Nga có nhiều trong số các tác nhân then chốt để thành công, bao gồm các khoản tiết kiệm và vốn nhân lực, nhưng để khuyến khích tăng trưởng lâu dài thì họ cần tăng cường bảo vệ quyền sở hữu tài sản, củng cố pháp trị, khuyến khích cạnh tranh, đấu tranh chống tham nhũng và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Các nước khác sẽ thực hiện những cải cách như vậy; chẳng có lý do chính đáng nào để Nga không tham gia.

Theo Foreign Affairs

Văn Cường (gt)