______________________________________

 

Trung Quốc là nước có láng giềng đa dạng và phức tạp nhất trên thế giới. Theo khái niệm truyền thống của Trung Quốc, láng giềng của Trung Quốc là các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á, Bắc Á, Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á. Từ năm 2003, một số học giả Trung Quốc đưa ra khái niệm “chu biên”, theo đó khái niệm láng giềng của Trung Quốc được mở rộng  tới Tây Á, Châu Úc, Nam Thái Bình Dương, thậm chí bao gồm cả Mỹ.

Trung Quốc có đường biên giới trên bộ chung với 14 nước dài khoảng 22.000 km.[1] Các nước láng giềng của Trung Quốc có vị trí địa chiến lược rất quan trọng đối với Trung Quốc và các nước lớn, là những khu vực giàu tài nguyên nhưng cũng rất đa dạng về chính trị, kinh tế, văn hóa,
sắc tộc (nếu tính cả Trung Quốc thì chiếm tới 2/3 dân số thế giới với khoảng 3,5 tỉ’ người). Có nước thuộc chế độ XHCN, có nước thuộc các nước tư bản phát triển, có nước thuộc loại thu nhập đứng hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Xinh-ga-po nhưng cũng có nước thuộc loại chậm phát triển như Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, Băng-la-đét, Triều Tiên. Đây cũng là nơi tập trung các tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Cơ đốc giáo, Thiên chúa giáo, Islam, Ấn Độ giáo, có ảnh hưởng đến quan hệ các mặt của khu vực. Về quân sự, trong các nước láng giềng của Trung Quốc có 3  nước có vũ khí hạt nhân (Nga, Ấn Độ, Pa-ki-xtan). Trung Quốc có 3 nước láng giềng lớn là Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, trong đó Nga và Ấn Độ là những cường quốc đang phục hồi và trỗi dậy, Nhật Bản là thực thể kinh tế lớn thứ hai thế giới, hiện đang muốn trở thành nước lớn về chính trị và quân sự.

Từ khi thành lập nước đến nay, quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng trải qua nhiều biến cố lịch sử, để lại nhiều vấn đề phức tạp cả về chính trị lẫn tranh chấp về biên giới lãnh thổ ở nhiều tầng nấc khác nhau. Qua các lần điều chỉnh chiến lược, Trung Quốc có nhiều thay đổi trong chính sách với các nước láng giềng, trong đó nổi bật nhất là giai đoạn sau Chiến tranh lạnh.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cục diện “hai cực” bị phá vỡ, tình trạng Trung Quốc bị kẹt giữa đối đầu quân sự Xô - Mỹ mất đi, cục diện “nhất siêu, đa cường” hình thành, xu thế đa cực hóa, toàn cầu hoá, hòa bình và hợp tác phát triển mạnh. Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, nhưng thế và lực có phần giảm sút. Các nước thay đổi tư duy, điều chỉnh chính sách theo hướng tập trung ổn định chính trị và phát triển kinh tế, đa dạng hóa quan hệ nhằm tranh thủ vị thế tốt nhất trong tiến trình hình thành trật tự quốc tế mới. 

Tuy nhiên, môi trường xung quanh Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều nhân tố phức tạp mới: chính sách kiềm chế của Mỹ tăng lên, các tồn tại về lịch sử, biên giới - lãnh thổ với hầu hết các nước chưa được giải quyết; xung đột, các điểm nóng khu vực còn tồn tại, tình hình chính trị nội bộ một số nước Trung Á, các vấn đề ly khai, sắc tộc, khủng bố diễn biến phức tạp...

Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, Trung Quốc phải mất ba năm trị lý, chỉnh đốn, trong nội bộ Ban Lãnh đạo có tranh luận gay gắt về tốc độ, bước đi cải cách mở cửa. Trước tình hình đó, Đặng Tiểu Bình đưa ra quyết sách “giải phóng tư tưởng”  và “ đi sâu cải cách mở cửa”, đẩy mạnh chiến lược “tăng tốc”, thực hiện mục tiêu chiến lược ba bước đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới[2]. Do vậy, Trung Quốc có yêu cầu về môi trường bên ngoài hòa bình, ổn định phục vụ cho chiến lược tăng tốc phát triển kinh tế. 

 Mục tiêu chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc thời kỳ sau Chiến tranh lạnh là trụ chân vững chắc ở châu Á, lấy châu Á, các nước láng giềng làm vũ đài chính để vươn ra thế giới. Trong đó, Trung quốc thực hiện chính sách phi tư tưởng hóa quan hệ, đề cao 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, không liên minh với bất cứ nước nào. [3] 

Nhìn tổng thể, nội dung chính sách ngoại giao láng giềng của Trung quốc tập trung vào một số điểm sau:

- Một là, khôi phục, cải thiện quan hệ chính trị với các nước láng giềng xung quanh; từng bước xây dựng khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, mở rộng lợi ích chung.

- Hai là, tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới đất liền; ổn định tình hình an ninh và trật tự vùng biên giới, thực hiện chính sách mở cửa toàn phương vị với các nước có chung đường biên giới.

- Ba là, xây dựng các hình thức tập hợp lực lượng, bước đầu tranh giành ảnh hưởng với Mỹ.

- Bốn là, tăng cường hợp tác khu vực, phát huy vai trò của Trung Quốc ở các tổ chức quốc tế và khu vực. Thúc đẩy việc hình thành và tham gia các cơ chế hợp tác khu vực trên các mặt chính trị, an ninh và kinh tế.

Từ đó đến nay, chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc đã thu được một số kết quả nổi bật:

- Thiết lập hoặc bình thường hoá quan hệ với tất cả các nước láng giềng xung quanh, kể cả những láng giềng khác biệt về chế độ chính trị hoặc có nhiều vấn đề cấn cá với Trung Quốc; từng bước đưa quan hệ với các nước láng giềng đi vào ổn định. Trung Quốc thiết lập quan hệ quan hệ ngoại giao với Xinh-ga-po (1990), với Nga (1991), các nước Trung Á (1992), Bru-nây và Hàn Quốc (1992), bình thường hóa quan hệ với Ấn Độ (1988), Mông Cổ (1989), In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia, Lào (1990), Việt Nam (1991), trao đổi một loạt chuyến thăm cấp cao với nhiều nước láng giềng.[4]

Từ giữa thập niên 90, Trung Quốc nâng cấp quan hệ, từng bước xây dựng khuôn khổ quan hệ với các nước láng giềng ở nhiều cấp độ khác nhau: quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt với Triều Tiên, Mi-an-ma; quan hệ láng giềng hữu nghị (với Việt Nam, Lào, Mông Cổ); quan hệ đối tác toàn diện với Hàn Quốc, Xinh-ga-po; quan hệ đối tác chiến lược với Nga,  Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Ca-dắc-xtan và với nhiều nước ASEAN (Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin, Ma-lai-xi-a).

- Cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ trên đất liền với các nước. Đây là đợt lớn thứ hai kể từ năm 1949[5], Trung Quốc tiến hành đàm phán, ký kết Hiệp ước hoặc Hiệp định biên giới trên đất liền với nhiều nước láng giềng xung quanh: Lào tháng 10/1991 (sau đó ký Nghị định thư xác định ngã 3 biên giới Trung Quốc - Lào - Mi-an-ma năm 1994; ngã ba biên giới Trung Quốc - Lào - Việt Nam năm 2006), với Việt Nam năm 1999, với Nga, Ca-dắc-xtan, Cư-rư-gư-xtan năm 2004. Năm 2005, Trung Quốc và Ấn Độ ký “Hiệp định nguyên tắc chỉ đạo chính trị giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ” đối với đường biên giới dài 2.000km, diện tích tranh chấp rộng 125 ngàn km2.

 Cho đến nay, Trung Quốc đã ký Hiệp ước hoặc Hiệp định về biên giới với 13/14 nước, với khoảng 90% trên tổng số 22.000 km đường biên giới trên bộ với các nước, trong đó có hai nước có tranh chấp phức tạp nhất là Nga và Việt Nam, chỉ còn lại với Ấn Độ.

 Tuy nhiên, tranh chấp biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng diễn biến ngày càng phức tạp. Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược biển, thực hiện chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”,  triển khai mạnh mẽ các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp với các nước.

- Về đa phương, Trung Quốc tăng cường tập hợp lực lượng thông qua việc chủ động và tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế, khu vực nhằm nâng cao vị thế, vai trò của Trung Quốc. Rõ nét nhất là việc Trung Quốc thúc đẩy thành lập Diễn đàn hợp tác Thượng Hải (1996) và sau đó nâng cấp thành Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) năm 2001, lập Diễn đàn Bác Ngao, tích cực tham gia Diễn đàn đối thoại châu Á (ACD). Đặc biệt, Trung Quốc chủ động, tích cực tham gia các thể chế đa phương ở khu vực nhằm định hướng các tổ chức khu vực phát triển phù hợp với lợi ích của Trung Quốc như Quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc (1991), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) (1994), ASEAN+3 (1997), và cấp cao Đông Á (EAS năm 2005); ủng hộ vai trò hạt nhân của ASEAN trong cơ chế Cấp cao Đông Á không có sự tham gia của Mỹ. 

Đặc biệt là sau sự kiện 11/9, trong bối cảnh Mỹ có yêu cầu tranh thủ Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố, giải quyết các vấn đề toàn cầu, các điểm nóng khu vực như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, I-ran...,  Trung Quốc đã triệt để tận dụng cơ hội này để tích cực tham gia các vấn đề quốc tế và khu vực.   

Về kinh tế, để phục vụ cho công cuộc cải cách mở cửa kinh tế trong nước, Trung Quốc coi trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại với các nước láng giềng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của chính sách ngoại giao láng giềng và đã đạt được một số thành tựu đáng kể[6]:

- Một là, tăng cường mở cửa đối ngoại, từng bước mở cửa các thành phố ven biển, lập các khu chế xuất, phi thuế quan nhằm thu hút vốn FDI từ các nước láng giềng. Tính đến năm 2005, 70% vốn FDI của Trung Quốc là từ các nước láng giềng xung quanh. Với các nước có chung biên giới trên bộ, Trung Quốc đẩy mạnh chính sách “biên mậu”, thành lập các khu kinh tế mở nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, góp phần thúc đẩy quan hệ thực chất với các nước nước láng giềng.

- Hai là, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế: thành lập nhiều ủy ban hỗn hợp kinh tế, ký kết hàng loạt các hiệp định kinh tế - thương mại và đầu tư với láng giềng và tăng viện trợ cho một số nước trong khu vực. Ngoài Áp-ga-ni-xtan và Bu-tan do chiến tranh, chính trị nội bộ không ổn định, Trung Quốc luôn duy trì được xu thế tăng trưởng cao trong trao đổi mậu dịch với các nước láng giềng; trở thành bạn hàng mậu dịch hàng đầu của hầu hết các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Triều Tiên, Mông Cổ…, là bạn hàng lớn thứ hai của Ấn Độ và khu vực Trung Á, thứ tư của Nga, đồng thời cũng là thị trường đầu tư, xuất khẩu quan trọng hàng đầu của các nước này.

- Ba là, tận dụng thời cơ để nâng cao vị thế và ảnh hưởng về kinh tế trong khu vực. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Nam Á năm 1997 là cơ hội tốt để Trung Quốc phát huy vai trò nước lớn về kinh tế khu vực. Từ những năm đầu thế kỷ 21, Trung Quốc chủ động và tích cực thúc đẩy việc thành lập các khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương với các nước láng giềng, ký FTA với ASEAN và một số nước thuộc ASEAN.

Về an ninh, Trung Quốc cơ bản duy trì ổn định biên giới với láng giềng, kể cả với các nước có tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc ký Hiệp định quản lý biên giới tạm thời với Việt Nam (1991); Hiệp định Trung - Nga về củng cố lòng tin trong lĩnh vực quân sự ở vùng biên giới (1996) và Hiệp định cắt giảm quân ở biên giới với Nga, Ca-dắc-xtan, Cư-rư-gư-xtan (1997); Hiệp định về duy trì an ninh, hòa bình ở đường biên theo ranh giới quản lý thực tế (1993), Hiệp định về các biện pháp xây dựng lòng tin ở khu quân sự theo đường quản lý thực tế (1996) với Ấn Độ. Kể từ năm 1949 đến nay, đây là giai đoạn duy nhất Trung Quốc duy trì được ổn định tình hình biên giới trên bộ với các nước xung quanh, không để xảy ra các cuộc xung đột quân sự lớn.

- Trung Quốc đã có thành công nhất định trong việc hạn chế tác động tiêu cực từ chính sách kiềm chế của Mỹ và các nước đồng minh; liên kết với Nga, Trung Á, các nước ASEAN tạo thế đối trọng để ổn định tình hình khu vực, đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Trung Quốc tích cực tham dự các cơ chế an ninh khu vực như Diễn đàn  Shangri La, ARF, tiến hành tham vấn quốc phòng với Mỹ, Ấn Độ, phối hợp tốt với Nga và các nước Trung Á tập trận chống khủng bố, cứu nạn thông qua khuôn khổ song phương và SCO. Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng cường hợp tác và tăng viện trợ quân sự cho Pa-ki-xtan, Mi-an-ma, Thái Lan, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia, Lào nhằm tăng cường ảnh hưởng tại khu vực.

Tuy đạt được một số thành công trong việc thực hiện chính sách ngoại giao láng giềng, nhưng Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn về môi trường xung quanh do[7]:

- Quan hệ chính trị với một số nước láng giềng chưa thật sự ổn định.

- Tâm lý nghi kỵ Trung Quốc của các nước láng giềng vẫn còn rất lớn, nhất là việc Trung Quốc không ngừng tăng chi phí quốc phòng và đưa ra các yêu sách mới về lãnh thổ.

- Gần như toàn bộ tranh chấp biển với các nước láng giềng chưa được phân định (Trung Quốc tự cho rằng có khoảng 1.500 km2 tranh chấp).

- Cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ ngày càng gay gắt, cạnh tranh giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Ấn Độ ngày càng tăng.

- Các điểm nóng khu vực còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nhân tố mất ổn định, xu thế chạy đua vũ trang có chiều hướng gia tăng.

- Các thách thức về an ninh phi truyền thống nổi lên (khủng bố, xung đột và ly khai sắc tộc, các vấn đề thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, môi trường sinh thái...).

Cụ thể, các khu vực láng giềng xung quanh Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều thách thức về môi trường an ninh:

- Tại khu vực Đông Bắc Á,  tồn tại một số vấn đề lớn đối với Trung Quốc: (i) vấn đề Đài Loan; (ii) vấn đề hạt nhân Triều Tiên; (iii) liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn; (iv) cạnh tranh chiến lược Trung - Nhật (bao gồm các vấn đề lịch sử, lãnh thổ, vai trò nước lớn...); (v) chưa có cơ chế an ninh khu vực; (vi) khả năng thành lập FTA còn gặp nhiều trở ngại.

- Tại khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề lớn: (i) cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, EU gia tăng, về lâu dài sự quan tâm của Nga sẽ tăng lên; (ii) tranh chấp biển Đông còn rất phức tạp, Trung Quốc phải giải quyết mâu thuẫn giữa “chính sách ngoại giao láng giềng hữu nghị” với các yêu cầu về lãnh thổ và tài nguyên biển; (iii) vai trò của Trung Quốc trong việc xử lý vấn đề nội bộ một số nước (Mi-an-ma, Phi-lip-pin).

- Tại khu vực Nam Á, tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp: (i) mất ổn định về chính trị nội bộ tại nhiều nước; (ii) cạnh tranh ảnh hưởng và chạy đua vũ trang giữa Ấn Độ - Pa-ki-xtan; (iii) vai trò chủ đạo của Ấn Độ trong bản đồ địa chính trị khu vực ngày càng cao, các vấn đề Tây Tạng, Ca-xmia còn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp; (vi) vai trò, ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực gia tăng, đặc biệt là Mỹ thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ nhằm làm đối trọng với Trung Quốc.

Tại khu vực Trung Á, Trung Quốc phải đối phó với (i) chủ nghĩa li khai, sắc tộc, tôn giáo cực đoan, khủng bố; (ii) cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ, Nga, thậm chí là sự tham gia của Nhật Bản nhằm tranh giành vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên dầu khí...; (iii) tình hình chính trị nội bộ các nước không ổn định, tác động của các cuộc “cách mạng màu” đối với khu vực biên giới phía Tây Trung Quốc ngày càng lớn.

*

*     *

 Sau 30 năm cải cách, mở cửa và xây dựng hiện đại hóa, Trung Quốc đạt được thành tựu to lớn về mọi mặt. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 9,7%, xét tổng thể, Trung Quốc đã trở thành một trong những nước có sức mạnh tổng hợp hàng đầu thế giới. Năm 2007, GDP của Trung Quốc đạt 3.425 tỉ USD, vươn lên đứng thứ 4 thế giới (sau Mỹ, Nhật, Đức)  đóng góp 16% cho tăng trưởng toàn cầu. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đạt 1.760 tỷ USD, đứng đầu thế giới; kim ngạch mậu dịch đạt 2.170 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới. [8] Những năm gần đây, cùng với đà phát triển kinh tế, Trung Quốc không ngừng tăng cường đầu tư hiện đại hóa quốc phòng, thu hẹp đáng kể khoảng cách về quân sự so với Mỹ, Nga. Trung Quốc hiện sở hữu một kho vũ khí thông thường vào loại lớn nhất thế giới, một lực lượng mạnh về tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm ngắn, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp, là cường quốc vũ trụ đứng thứ ba trên thế giới (sau Mỹ, Nga) và hiện đang hiện đại hoá không quân và hải quân. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang có kế hoạch trang bị tàu sân bay, xây dựng căn cứ tàu ngầm ở Hải Nam để phục vụ cho chiến lược biển.

 Ở bên  ngoài, do sự phục hồi mạnh mẽ của các nước lớn mới trỗi dậy, so sánh lực lượng giữa các nước lớn đang thay đổi có lợi cho Trung Quốc, xu thế đa cực ngày càng phát triển, đan xen lợi ích giữa các nước lớn ngày càng tăng. Nga coi trọng quan hệ với Trung Quốc để tăng thế trong quan hệ với Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đều chủ trương củng cố quan hệ với Trung Quốc. Mỹ tiếp tục gặp khó khăn, phải ưu tiên cho vấn đề I-rắc và khu vực Trung Đông, có yêu cầu hợp tác với Trung Quốc trong nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực. Các nước láng giềng càng nhận thức rõ hơn về các cơ hội cũng như thách thức đặt ra do Trung Quốc trỗi dậy, trong đó thấy rõ lợi ích trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc. Đây là cơ hội thuận lợi để Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở khu vực láng giềng xung quanh lên một tầng nấc mới cao hơn.

 Từ đó Trung Quốc xác định, chính sách ngoại giao láng giềng trong giai đoạn mới sẽ mang tính hợp tác thực chất và sâu rộng hơn, đó là: “tăng cường láng giềng hữu nghị và hợp tác thực chất với các nước xung quanh, tích cực triển khai hợp tác khu vực, cùng tạo dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định, bình đẳng tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng thắng”, và “làm sâu sắc toàn diện quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng…”.[9] 

Mặc dù trong thứ tự ưu tiên, chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc được xếp ở vị trí thứ hai sau phần quan hệ với các nước phát triển nhưng nội dung có sự điều chỉnh rõ nét, thể hiện ở các điểm sau:

- Mở rộng thêm nội hàm “phú lân”: Trên cơ sở chính sách tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định phục vụ mục tiêu hiện đại hóa của giai đoạn trước (an lân, mục lân), Trung Quốc phát triển thêm nội hàm “phú lân” với phương châm “hợp tác cùng thắng”, “cùng phát triển, cùng phồn vinh”.

- Mở rộng các lĩnh vực hợp tác theo hướng toàn diện và cân bằng hơn, từ chỗ chỉ chú trọng quan hệ chính trị, kinh tế, chuyển sang coi trọng thúc đẩy toàn diện cả quan hệ chính trị, kinh tế - thương mại, quân sự, an ninh và văn hoá, cả song phương và đa phương.

+ Về chính trị, tiếp tục xây dựng khuôn khổ ổn định lâu dài, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với các nước có các vấn đề phức tạp về biên giới lãnh thổ và lịch sử; tăng cường quan hệ, thâm nhập sâu vào nội bộ các nước, kể cả với các lực lượng trước đây có thái độ không thân thiện với Trung Quốc.

+ Về kinh tế, chuyển từ quan hệ thương mại thông thường sang tăng cường hợp tác đầu tư xây dựng các dự án lớn, nhất là các dự án khai thác năng lượng, tài nguyên, xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác về khoa học - kỹ thuật, công nghệ, bảo vệ môi trường, từng bước thúc đẩy xây dựng các khu vực mậu dịch tự do với các khu vực (FTA trong SCO, FTA Đông Bắc Á, các FTA song phương).

+ Về an ninh, chú trọng các nội dung hợp tác an ninh phi truyền thống, chủ động tham gia các cơ chế an ninh với các nước xung quanh, đẩy mạnh các cuộc tập trận chung, tăng cường giao lưu quân sự với các nước, kể cả với đồng minh của Mỹ.

- Thay đổi phương thức thực hiện: Chuyển từ chính sách “giấu mình chờ thời” sang tích cực tham gia công việc quốc tế, nhất là trong các vấn đề an ninh khu vực; chủ động trong việc tranh giành và mở rộng ảnh hưởng; gắn chính sách ngoại giao láng giềng với “ngoại giao nước lớn”, “ngoại giao năng lượng”, “chiến lược biển” (chủ trương gác tranh chấp, cùng khai thác); thể hiện rõ nhất qua việc tranh giành nguồn tài nguyên, năng lượng ở các khu vực Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á, trên biển.

Theo đó, Trung quốc triển khai đồng bộ chính sách ngoại giao láng giềng mới trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, an ninh đến việc tăng cường “sức mạnh mềm” ở tất cả các khu vực xung quanh[10]:

Về chính trị

Ở khu vực Đông Bắc Á: Với mục tiêu xây dựng khu vực ổn định về chính trị - an ninh, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với các nước trong khu vực, tìm cách phá thế kiềm chế của liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, loại bỏ các nguy cơ đối với an ninh khu vực, Trung Quốc tập trung thúc đẩy xu thế hòa dịu ở khu vực Đông Bắc Á, chủ động phát huy vai trò chủ đạo trong tất cả các vấn đề ở khu vực, kể cả trong quan hệ với Nhật Bản, Hàn quốc, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và vấn đề Đài Loan. Cụ thể là:

- Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản nhằm xây dựng khuôn khổ quan hệ Trung - Nhật ổn định lâu dài, thông qua đó kiềm chế sự trỗi dậy của các lực lượng cánh hữu ở Nhật. Sau khi Thủ tướng Fukuda lên cầm quyền vào cuối 2007, Trung Quốc có nhiều bước đi cải thiện quan hệ với Nhật Bản, nhượng bộ Nhật Bản trên một số vấn đề then chốt như chấp nhận cùng khai thác ở Đông Hải và ủng hộ vai trò quốc tế của Nhật Bản, kể cả khả năng có thể đánh đổi với Nhật trong vấn đề cải tổ HĐBA/LHQ.

- Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược nhằm hạn chế Hàn Quốc củng cố liên minh với Mỹ, Nhật. Trung Quốc triệt để lợi dụng lợi ích chính trị, kinh tế để tạo đòn bẩy trong quan hệ với Hàn Quốc, làm cho nước này giữ cân bằng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là trước việc Chính phủ mới của Hàn Quốc đang thực hiện chính sách ngoại giao thực dụng, chủ trương vừa thúc đẩy quan hệ với các nước lớn, vừa tìm cách thắt chặt quan hệ với Mỹ.

- Tích cực thúc đẩy hợp tác Trung -  Nhật - Hàn thông qua việc chính thức thiết lập cơ chế gặp gỡ cấp cao ba nước, mở rộng phạm vi hợp tác sang các vấn đề toàn cầu và khu vực (vấn đề an ninh khu vực Đông Bắc Á, hạt nhân Triều Tiên, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu...).

- Nâng cao vai trò chủ đạo của Trung Quốc trong đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, thúc đẩy mạnh mẽ đối thoại và hợp tác hai bờ eo biển Đài Loan nhằm ổn định tình hình khu vực và tạo thế mặc cả trong quan hệ với Mỹ. Những tiến triển gần đây trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nhất là những bước đi mới của Triều Tiên (trao tài liệu khai báo hạt nhân, phá huỷ tháp làm lạnh hạt nhân Yongbyon...) đều gắn liền với vai trò của Trung Quốc. Đặc biệt, sau khi Quốc dân Đảng thắng cử trong cuộc bầu cử “người đứng đầu chính quyền Đài Loan”, Trung Quốc điều chỉnh mạnh mẽ chính sách hòa dịu với Đài Loan (Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tiếp “người thứ hai” mới đắc cử của chính quyền Đài Loan, đón Chủ tịch Quốc dân Đảng, hai bên nối lại đàm phán hai bờ, mở đường bay, du lịch; Trung Quốc giảm số lượng tên lửa nhằm vào Đài Loan, bàn vấn đề cùng khai thác dầu khí ở eo biển Đài Loan), mở ra cục diện mới hòa dịu và hợp tác giữa hai bờ sau tám năm căng thẳng.

Tại khu vực Đông Nam Á, Những năm gần đây, Trung Quốc ra sức tranh thủ các nước ASEAN nhằm giành giật ảnh hưởng với Mỹ, Nhật. Với phương châm “cầu đồng, tồn dị”, “lấy kinh tế thúc đẩy chính trị”, thông qua nhiều biện pháp tổng hợp về chính trị, kinh tế, đầu tư, viện trợ, tác động nội bộ, Trung Quốc đẩy mạnh việc nâng cấp quan hệ với các nước[11], tranh thủ mở rộng ảnh hưởng sâu rộng ở khu vực, kể cả với các nước vốn là đồng minh của Mỹ (Phi-lip-pin, Thái Lan, Xinh-ga-po), đồng thời tăng cường xâm nhập, nâng cao ảnh hưởng về chính trị, kinh tế đối với các nước khác như In-đô-nê-xi-a, Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, Đông Timo... Trung Quốc ngày càng chủ động và khéo léo trong việc tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, sẵn sàng chủ động nêu sáng kiến và đi đầu trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác cả song phương lẫn đa phương.

Về đa phương, Trung Quốc ủng hộ hầu hết các sáng kiến của ASEAN trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, gia nhập “Hiệp ước hợp tác thân thiện Đông Nam Á”, nâng cấp quan hệ Trung Quốc - ASEAN từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược (10/2003), ủng hộ việc xây dựng các cộng đồng kinh tế, chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội của ASEAN cũng như vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác Đông Á. Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN, tích cực thúc đẩy đàm phán về Hiệp định đầu tư Trung Quốc - ASEAN, chủ động tham dự các cơ chế đối thoại về chính trị, kinh tế và an ninh trong khu vực, kể cả hợp tác về quốc phòng để đối phó với các nguy cơ về an ninh truyền thống và phi truyền thống. Trung Quốc đề cao vai trò của ASEAN trong các cơ chế đối thoại ASEAN+1, ASEAN+3, Đối thoại Châu Á và các cơ chế không có Mỹ tham gia.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN là vấn đề biển Đông và sự nghi ngại của các nước ASEAN trước sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc. Trung Quốc phải xử lý mâu thuẫn giữa việc duy trì quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN với các yêu sách về lãnh thổ và tài nguyên ở biển Đông.

 Với Nga và các nước Trung Á,  Trung Quốc coi quan hệ Trung - Nga có ý nghĩa chiến lược trong việc thúc đẩy xu thế đa cực hoá và tập hợp lực lượng nhằm hạn chế chính sách kiềm chế của Mỹ và phương Tây. Vì vậy, Trung Quốc chủ trương nâng cấp, bổ sung các nội dung mới cho mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước cả về chính trị, kinh tế, năng lượng và hợp tác quốc phòng, tăng cường liên kết nhưng không liên minh và tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế thông qua quan hệ song phương, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cơ chế đối thoại Trung - Nga - Ấn và nhóm BRIC (Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc).

Về chính trị, hai bên tăng cường trao đổi và tiếp xúc cấp cao, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề lớn liên quan trực tiếp tới lợi ích mỗi nước. Theo đó, Nga ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Tây Tạng, Đài Loan, tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008, hợp tác cứu nạn trong trận động đất ở Tứ Xuyên. Trung Quốc ủng hộ Nga trong vấn đề Mỹ triển khai NMD ở Đông Âu và các vấn đề nội bộ của Nga, không phản đối việc Nga đưa quân vào Gru-di-a và công nhận độc lập của Nam Ossetia và Apkhazia.

Về các vấn đề quốc tế, hai bên tăng cường phối hợp lập trường trong các vấn đề quan trọng, ủng hộ nỗ lực xây dựng thế giới đa cực ổn định, hài hoà, thúc đẩy dân chủ hoá quan hệ quốc tế công bằng, hợp lý, đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề an ninh quan trọng như vấn đề hạt nhân I-ran, Triều tiên, kiểm soát vũ khí, chống khủng bố, trong đó có việc sẽ liên kết lực lượng để chống lại sự đe dọa của nước thứ ba.

Đối với các nước Trung Á, khu vực giàu nguồn tài nguyên năng lượng nhưng cũng là nơi có sự cạnh tranh phức tạp giữa nhiều nước lớn, Trung Quốc và Nga đều có lợi ích duy trì ảnh hưởng vượt trội ở khu vực. Trung Quốc có mục tiêu triển khai chính sách “ngoại giao năng lượng” và bảo đảm an ninh ổn định cho khu vực biên giới phía Tây, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của các cuộc “cách mạng màu” ở Trung Á đối với vấn đề ly khai, sắc tộc của Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Trung Á. Tháng 8/2007, Trung Quốc cùng các nước thành viên SCO ký Hiệp ước láng giềng, hữu nghị, nêu đề nghị 4 điểm nhằm thúc đầy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện trong các nước SCO[12] và sau đó tháng 7/2008, ký Hiệp ước láng giềng hữu nghị với Ta-di-ki-xtan. Đặc biệt, Trung Quốc cùng Nga thúc đẩy sự hợp tác trong SCO, tạo sự gắn kết về chính trị, an ninh, kinh tế, lôi kéo thêm nhiều nước khác ở khu vực nhằm tạo thế đối trọng với Mỹ và các nước phương Tây.

Tại khu vực Nam Á, Trung Quốc điều chỉnh chính sách theo hướng giữ cân bằng quan hệ, một mặt tăng cường hợp tác hữu nghị với Ấn Độ, mặt khác tiếp tục duy trì quan hệ truyền thống với Pa-ki-xtan. Trung Quốc coi Ấn Độ vừa là đối tác quan trọng cần tranh thủ, vừa là đối thủ cạnh tranh lớn nhất ở khu vực Nam Á.

Nhằm hạn chế Mỹ lôi kéo Ấn Độ,  Trung Quốc chủ trương đẩy nhanh việc điều chỉnh chiến lược trong quan hệ với Ấn Độ, tăng cường phối hợp thúc đẩy xu thế đa cực để hai nước cùng vươn lên chiếm giữ vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Theo đó, Trung Quốc chủ động mở rộng và cụ thể hóa các nội dung của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, xây dựng “Tầm nhìn Trung - Ấn thế kỷ 21”, tăng cường đối thoại chiến lược, thiết lập cơ chế đối thoại quốc phòng, các văn phòng liên lạc về an ninh tại Đại sứ quán mỗi nước; tiến hành các cuộc tập trận chung chống khủng bố; tích cực tìm kiếm các giải pháp giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, trước hết là thiết lập cơ chế tăng cường tin cậy ở khu vực biên giới; mở rộng hợp tác kinh tế, mậu dịch, hình thành cơ chế trao đổi về quản lý nguồn nước ở các sông biên giới; tăng cường hợp tác về năng lượng hạt nhân dân sự; ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề nội bộ của mỗi nước.

Về các vấn đề quốc tế, Trung Quốc ủng hộ Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn tại Liên Hợp quốc, kể cả việc Ấn Độ trở thành Ủy viên thường trực HĐBA/LHQ; tăng cường phối hợp và chia sẻ quan điểm chung về các vấn đề toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, chống chủ nghĩa khủng bố, tăng cường tập hợp lực lượng  trong các cơ chế Trung - Nga - Ấn và Trung - Nga - Ấn - Bra-xin.

Đối với các vấn đề khu vực, Trung Quốc tỏ thái độ ứng xử như một nước lớn “có trách nhiệm”, thể hiện vai trò tích cực hơn trong quá trình giải quyết các điểm nóng khu vực nhằm nâng cao uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế, tạo thế mặc cả với Mỹ trong các vấn đề chiến lược. Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để thuyết phục Triều Tiên tỏ thái độ mềm mỏng hơn với Mỹ, Nhật; gây áp lực để  chính quyền quân sự Mi-an-ma đẩy nhanh tiến trình dân chủ và hoà giải dân tộc; lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp P5+1 về vấn đề hạt nhân I-ran tại Thượng Hải (4/2008) nhằm thúc đẩy khả năng hình thành cơ chế đàm phán 6 bên về vấn đề này. 

Về kinh tế

Để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trong nước, nhất là trong bối cảnh giá dầu mỏ, nguyên nhiên liệu, lương thực tăng đột biến, kinh tế thế giới có nhiều biến động, Trung Quốc chủ trương tiếp tục mở cửa đối ngoại, đồng thời đẩy mạnh chiến lược “hướng ra ngoài”. Theo đó, Trung Quốc chủ động gắn kết ngoại giao kinh tế với ngoại giao láng giềng, vừa tạo cơ sở thực chất thúc đẩy quan hệ chính trị, vừa tăng cường phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại, đưa thực lực kinh tế của Trung Quốc ra bên ngoài. Các hướng triển khai cụ thể là[13]:

- Tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư:  Đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch thương mại với tất cả các nước láng giềng theo ba hướng: duy trì tăng trưởng ổn định thương mại với đối tác lớn (Nhật Bản, Hàn Quốc); tăng nhanh thương mại với các nước còn nhiều triển vọng như ASEAN, Nga, Ấn Độ (khoảng 25-30%/năm), thúc đẩy mạnh mẽ với các nước láng giềng có nhiều tiềm năng như như Lào, Cam-pu-chia, Việt Nam, Trung Á (trên 30%/năm).

- Đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, viễn thông,  xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước láng giềng thông qua nhiều biện pháp như tranh thủ quan hệ cấp cao, quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng viện trợ ODA, cho vay ưu đãi đối với các dự án hợp tác lớn.

- Đẩy mạnh hợp tác bảo đảm an ninh năng lượng, KHKT, công nghệ cao và bảo vệ môi trường sinh thái với các nước láng giềng có trình độ phát triển cao (Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po...), nhất là trong lĩnh vực cắt giảm khí thải và hiệu ứng nhà kính, giảm tiêu hao năng lượng, chống bão cát, trồng rừng, bảo vệ nguồn nước, quản lý và chế biến rác thải.

- Tăng cường liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy việc đàm phán ký kết Hiệp định đầu tư với ASEAN để chuẩn bị cho việc thành lập CAFTA, tiếp tục duy trì và tích cực tham gia các diễn đàn kinh tế khu vực như Hợp tác Đông Á, Diễn đàn Bác Ngao, Sáng kiến hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng, Hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông (GMS), đàm phán ký kết các Hiệp định thiết lập khu mậu dịch tự do (FTA) song phương với các nước, qua đó nhằm khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế trong khu vực, tạo sự đan xen, phụ thuộc lẫn nhau hơn nữa giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và giành lợi thế cạnh tranh với các nước lớn khác ở khu vực.

Cùng với việc tăng cường đàm phán FTA với Hàn Quốc, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc tìm kiếm khả năng thành lập khu mậu dịch tự do Trung - Nhật - Hàn. Với các nước trong SCO, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, hiện đang chuẩn bị các bước đi cần thiết để thiết lập FTA khu vực Trung Á. Với Nam Á, Trung Quốc đang tính tới các bước tham gia hợp tác khu vực.

Về an ninh

Trung Quốc điều chỉnh mạnh phương châm tác chiến quân sự từ “ứng phó với xung đột và chiến tranh cục bộ” sang “xây dựng phòng thủ lãnh thổ, ứng phó với chiến tranh cục bộ trong điều kiện kỹ thuật cao, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi biển”; đẩy mạnh đầu tư cho quốc phòng, chuẩn bị các phương án đối phó với các tranh chấp về biên giới lãnh thổ và các sự kiến đột biến có thể xảy ra. Theo đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì một số lượng đáng kể tên lửa, tàu ngầm tại eo biển Đài Loan để phòng ngừa sự can thiệp của Mỹ, Nhật Bản và xu thế Đài Loan độc lập; cử tầu tuần tra bảo vệ mỏ dầu Xuân Hiểu tại Đông Hải; xây dựng căn cứ tầu ngầm hạt nhân tại Hải Nam, tăng tần suất tập trận, cứu hộ, tuần tra ở Biển Đông, gián tiếp bảo vệ cho tuyến đường vận chuyển hàng hóa và dầu mỏ qua eo biển Malacca; duy trì chính sách với Ấn Độ theo hướng vừa củng cố lực lượng quân đội trên biên giới Trung - Ấn để tạo thế đàm phán, vừa triển khai tập trận chung chống khủng bố nhằm tăng cường tin cậy với Ấn Độ; triển khai tập trận chung với Nga và các nước Trung Á nhằm trấn áp khủng bố ở biên giới Tây Bắc.

Tại khu vực Đông Bắc Á, cùng với tiến triển của Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Trung Quốc tích cực thúc đẩy các bên liên quan tiến tới thành lập cơ chế an ninh chung khu vực, tiếp tục ủng hộ Triều Tiên duy trì sức mạnh quân sự làm vùng đệm an ninh. Với Bắc và Trung Á, Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ quân sự với Nga, nhất là trong lĩnh vực buôn bán và chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí, thiết lập đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng, tăng cường tập trận chung song phương và đa phương thông qua SCO. Với Đông Nam Á, Trung Quốc tham dự đầy đủ các cơ chế an ninh khu vực như ARF, Diễn đàn Shangri La, đề xuất các ý tưởng tăng cường quan hệ quân sự song phương và đa phương, trong đó có cả tập trận chung với một số nước ASEAN. Với các nước lớn như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc một mặt duy trì các cơ chế đối thoại chiến lược, an ninh, tiến hành giao lưu quân sự, kể cả tàu chiến, tổ chức diễn tập cứu hộ trên biển, tham vấn quốc phòng thường niên, mặt khác cũng thể hiện rõ ý đồ tăng cường sức mạnh mang tính phòng ngừa và răn đe. Với các nước vừa và nhỏ, Trung Quốc nhấn mạnh tới quan niệm mới về an ninh tổng hợp dựa trên cơ sở lợi ích chung, các vấn đề an ninh phi truyền thống, đồng thời đẩy mạnh viện trợ quân sự, bán vũ khí với giá ưu đãi và chuyển giao công nghệ sản xuất đạn dược cho Pa-ki-xtan, Mi-an-ma, Thái Lan, Phi-lip-pin, Cam-pu-chia và In-đô-nê-xi-a... để tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng quân sự với Mỹ.

Đặc biệt, Trung Quốc đẩy mạnh việc triển khai chiến lược biển, thực hiện chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” với các biện pháp cụ thể là:

- Lần đầu tiên công bố Cương yếu “Quy hoạch phát triển sự nghiệp biển quốc gia”, gắn quyền lợi biển với an ninh quốc gia; phê chuẩn “Quy hoạch phát triển khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây”, triển khai mạnh sáng kiến hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

- Tăng cường thực lực và sự hiện diện về quân sự ở các khu vực tranh chấp, đẩy mạnh các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên, dầu khí trên thực địa.

- Triển khai thực hiện chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Đông Hải với Nhật, có thể cùng Đài Loan khai thác ở eo biển Đài Loan. 

- Ra sức vận động các nước liên quan chấp nhận chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”, từ hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như dự báo bão, cứu hộ, cứu nạn, nghiên cứu khoa học với mục tiêu cuối cùng là cùng khai thác dầu khí và tài nguyên.

Tăng cường sức mạnh mềm

Trung Quốc tiếp tục áp dụng cách tiếp cận “mềm” và sử dụng các công cụ của quyền lực mềm đối với khu vực.[14] Về chính trị, tập trung vào việc tăng cường quan hệ chính trị song phương, đồng thời chú trọng gây ảnh hưởng tới nội bộ các nước nhằm tranh thủ sự ủng hộ về chính trị, kinh tế, thậm chí cả lĩnh vực an ninh.  Về kinh tế, coi đây là cơ sở để tăng cường sức mạnh mềm, vừa phục vụ phát triển kinh tế trong nước, vừa tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước. Về văn hóa, Trung Quốc muốn xây dựng nền tảng “tinh thần” của văn hoá Trung Hoa ra thế giới bên ngoài, trước hết là ở các nước láng giềng khu vực.

Những năm gần đây, Trung Quốc chú trọng tăng cường sức mạnh mềm, coi đây là biện pháp chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu “trỗi dậy hòa bình” và làm rõ sự khác biệt về chính sách ngoại giao “hòa bình” của Trung Quốc so với chính sách của Mỹ. Nội dung của chính sách tăng cường “sức mạnh mềm” bao gồm:

- Tăng cường quảng bá mô hình chính trị, kinh tế và phát triển của Trung Quốc, đưa ra các cam kết chung sống hòa bình, hợp tác cùng thắng, cùng phồn vinh với các nước, luôn nhấn mạnh Trung Quốc đi theo con đường phát triển hòa bình, mở cửa, không chỉ có lợi cho Trung Quốc mà còn tạo ra cơ hội phát triển cho các nước láng giềng, đồng thời tạo ra một hình ảnh Trung Quốc bảo vệ lợi ích các nước đang phát triển trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo và quyền tự quyết dân tộc trước sức ép của phương Tây.

- Dùng thương mại và viện trợ làm công cụ tăng cường sức mạnh mềm, nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Kết quả là, nhiều năm gần đây ảnh hưởng của Trung Quốc các nước khu vực, nhất là ở Mi-an-ma, Cam-pu-chia, Lào; Phi-lip-pin đều ngày càng sâu rộng.

- Đẩy mạnh truyền bá văn hóa, nghệ thuật, du học, y học cổ truyền đối với khu vực láng giềng xung quanh. Chỉ trong vòng 4 năm từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc đầu tư mở  227 Học viện Khổng Tử (Trung tâm văn hoá ngôn ngữ) trên 66 quốc gia trên khắp thế giới và dự tính đến năm 2010 tổng cộng số học viện Khổng Tử sẽ đạt con số 500.[15] Ngoài ra, hàng năm Trung Quốc cung cấp học bổng đào tạo hàng nghìn cán bộ và sinh viên các ngành nghề cho các nước ở khu vực xung quanh, nhằm tăng cường ảnh hưởng sâu rộng tới các nước trong khu vực.

*

*      *

Do tầm quan trọng của láng giềng đối với kinh tế, chính trị, an ninh của Trung Quốc nên ngay từ đầu thập kỷ 50 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã tỏ ra coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, nhất là với các nước có vai trò trong phong trào không liên kết (Ấn Độ, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Nê-pan...). Tuy nhiên, trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, và sự chi phối của xu thế hòa hoãn Xô-Mỹ, Trung Quốc có nhu cầu phá thế hai cực Xô-Mỹ, tập hợp thế giới thứ ba nên chính sách ngoại giao láng giềng hầu như không được triển khai. Từ cuối những năm 80 và nhất là sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, xuất phát từ yêu cầu ổn định môi trường an ninh xung quanh, chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc mới trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của ngoại giao Trung Quốc. Đặc biệt, bước vào đầu thế kỷ 21, vai trò của láng giềng ngày càng được Trung Quốc coi trọng hơn nhằm phục vụ cho chiến lược trỗi dậy hòa bình, tăng cường sức mạnh mềm, nắm chắc châu Á làm điểm tựa cho việc vươn ra thế giới.

 Chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc là một bộ phận cấu thành trong tổng thể chiến lược đối ngoại chung của Trung Quốc; có mục tiêu không thay đổi là tìm cách tranh giành mở rộng, ảnh hưởng và các nước láng giềng phải có quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Đối với mỗi khu vực khác nhau, chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc có những điểm ưu tiên khác nhau: Với khu vực Đông Bắc Á, ưu tiên của Trung Quốc là về mặt kinh tế và an ninh; Với khu vực Trung Á, Trung Quốc coi trọng hơn mặt an ninh và tài nguyên thiên nhiên; Với khu vực Đông Nam Á, sự quan tâm của Trung Quốc khá toàn diện bao gồm cả chính trị, kinh tế và an ninh, gần đây chuyển sang cả lĩnh vực văn hóa. Trung Quốc luôn coi Đông Nam Á là hướng trọng tâm trong việc triển khai chiến lược của mình, là bàn đạp để Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới./.

 

Nguyễn Công Minh[16]

 

Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 3 (74) tháng 9 – 2008, Học viện Ngoại giao




[1] Trung Quốc có chung đường biên giới trên bộ với Triều Tiên, Nga, Mông Cổ, Ka-dắc-xtan, Ta-di-ki-xtan, Cư-rư-gư-xtan, Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan, Ấn Độ, Nê-pan, Bu-tan, Mi-an-ma, Lào, Việt Nam; đang có tranh chấp về biển với 7 nước là Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc,  Phi-lip-pin, Bru-nây, Ma-lai-xi-a và Việt Nam.

[2] Wang Xi, “Thực tiễn  đương đại Trung Quốc và quan niệm phát triển của Đặng Tiểu Bình”, Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc.

[3] He XueMei, “Regionalism: The New Concept of China's Neighboring Diplomacy after the End of the Cold War”, HeNan University 2005.

[4] Yan ShengYi, “Ngoại giao đương đại Trung Quốc”, Nhà xuất bản Đại học Phúc Đán, 5/2004.

[5] Đợt 1 vào những năm 1960, Trung Quốc đã ký với Hiệp định biên giới trên bộ với 5 nước là Mi-an-ma, Nê-pan, Mông Cổ, Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan.

[6] Bộ trưởng BNG Trung Quốc Dương Khiết Trì, “Ngoại giao Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa đến nay”, mạng Nhân dân Trung Quốc, 24/9/2008.

[7] Hu ZhengYue (Vụ trưởng vụ châu Á Trung Quốc), “Toàn diện nâng cấp Ngoại giao láng giềng Trung Quốc”, mạng Sina.com.cn ngày 24/1/2008.

[8] Theo Báo cáo của  Cục thống kê Trung Quốc.

[9] Liu QingCai, “China's Good-Neighbour Policy in the New Period”, International Review 5, China  2005 year.

[10] Hu ZhengYue (Vụ trưởng vụ châu Á Trung Quốc), “Toàn diện nâng cấp Ngoại giao láng giềng Trung Quốc”, mạng Sina.com.cn ngày 24/1/2008.

[11] Trung Quốc đã xây dựng khuôn khổ quan hệ chiến lược với hầu hết các nước ASEAN, với
Ma-lai-xi-a năm 2004, với Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin năm 2005, với  Việt Nam tháng 6/2008.

[12] Đề nghị 4 điểm này là: (1). Chân thành thực hiện Hiệp ước láng giềng, hữu nghị và hợp tác lâu dài, tăng cường nền tảng chính trị cho sự phát triển lâu dài và bền vững của SCO; (2). Cùng phát triển và hợp tác kinh tế của có lợi để xây dựng nền tảng kinh tế mạnh cho SCO; (3). Thúc đẩy giao lưu văn hoá đối thoại giữa các nền văn minh, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp vào nội bộ của nhau; (4). Tiếp tục mở cửa ra thế giới, thúc đẩy hợp tác theo chiều sâu với các nước, tổ chức quốc tế nhằm tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển của SCO.

[13] New Contributions by the Third Generation of Central Leadership of Communist Party of China, Journal of Chinese Women’s College Shandong Branch 4, 2002.

[14] Mạng Tân Hoa Xã, “Tăng cường sức mạnh mềm là nhiệm vụ ‘cứng’ trong giai đoạn hiện nay”, 4/9/2006.

[15] Mạng “Tân Hoa Xã ”, ngày 4/3/2008

[16] Mọi quan điểm trong bài hoàn toàn là của riêng tác giả.