Khái niệm về “sức mạnh” hay “quyền lực” được đề cập trong các tác phẩm khác nhau của Hans J. Morgenthau, Klaus Knorr và Ray Cline. Đến đầu thập niên 1990, khái niệm “sức mạnh mềm” được học giả Mỹ Joseph Nye đưa ra và phát triển trong cuốn sách Soft Power: The means to Success in the World Politics (Sức mạnh mềm: Công cụ thành công trong Chính trị thế giới). Nye cho rằng “sức mạnh mềm là khả năng đạt được điều mà bạn muốn thông qua sức hấp dẫn chứ không phải thông qua ép buộc hay mua chuộc” và “sức mạnh mềm xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia”. Joshua Goldstein cũng cho rằng, “sức mạnh mềm” là loại sức mạnh “có thể dễ dàng gây ảnh hưởng lên hành vi của quốc gia khác mà không cần phải sử dụng đến các loại sức mạnh có thể đong đếm được”.[1]

Trung Quốc giờ đây đang tận dụng sự “hấp dẫn” của mình để gây ảnh hưởng lên các nước châu Á. Hiện nay, các học giả Trung Quốc cũng coi các thành tố “mềm” là một lựa chọn chiến lược phục vụ cho chiến lược “phát triển hòa bình” của nước này.

Việc Trung Quốc thúc đẩy sự phát triển “sức mạnh mềm” ra các nước láng giềng là một thực tế. Nhưng đâu là lý do để Trung Quốc thúc đẩy chính sách này, đặc biệt là ở châu Á? Bài viết sẽ điểm qua những khía cạnh của sức mạnh mềm của Trung Quốc và tìm hiểu liệu “sức mạnh mềm” có là một yếu tố quan trọng trong chiến lược “phát triển hòa bình” của Trung Quốc.

Sự mở rộng sức mạnh mềm của Trung Quốc

Từ lâu, các đế chế Trung Hoa đã tìm cách phát triển nền văn hóa của mình ra các khu vực xung quanh. Với lịch sử 5000 năm, nền văn hóa Trung Quốc đã từng bước mở rộng ảnh hưởng ra các nước xung quanh như Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Các chuyến thám hiểm của Trịnh Hòa cuối thế kỷ 15 qua vùng biển Đông Nam Á cũng có mục đích tạo ra kênh liên lạc giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực và truyền bá sự thịnh vượng của nền văn minh Trung Hoa sang các nước “Nam Dương”.[2]

Ngày nay, sự thành công của công cuộc cải cách mở cửa đã tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển các giá trị văn hóa của nền văn minh Trung Hoa. Người Trung Quốc luôn tự coi nền văn hóa của mình là “nền văn hóa của thế giới”. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nói “nền văn hóa Trung Quốc không phải của chỉ riêng người Trung Quốc mà là của toàn thế giới… Chúng ta sẵn sàng thúc đẩy giao lưu văn hóa với toàn bộ thế giới với nỗ lực chung thúc đẩy sự phát triển văn hóa”.[3]

Với lý do đó, hàng năm Trung Quốc đã chi ra một khoản ngân sách lên tới 200 triệu USD để thúc đẩy việc học tiếng Trung trên toàn thế giới và đặt mục tiêu tăng số lượng người nước ngoài học tiếng Trung lên 100 triệu người vào năm 2010.[4] Học viện Khổng giáo, một mô hình truyền bá văn hóa Trung Quốc giống như “Hội đồng Anh” và “Trung tâm văn hóa Pháp” đã được lập ra. Tính đến cuối năm 2005, đã có 32 Học viện Khổng giáo được Bộ Giáo dục Trung Quốc thành lập ở trên 23 nước trên thế giới với nhiệm vụ truyền bá tiếng Hán và văn hóa Trung Quốc tới nước sở tại.[5] Phong trào học tiếng Trung hiện đang rất thịnh hành ở hầu hết các nước trong khu vực. Một số trường Đại học lớn như Đại học Xơ-un (Hàn Quốc) đã chính thức tuyên bố lấy tiếng Trung Quốc thay cho tiếng Anh làm ngoại ngữ chính trong các chương trình đào tạo từ tháng 12/2003.[6] Con số du học sinh là người châu Á ở Trung Quốc cũng tăng lên không ngừng và cho đến năm 2004, 80% trong tổng số 78.000 sinh viên nước ngoài đang theo học trong các trường đại học và cao đẳng ở Trung Quốc đến từ các nước châu Á.[7]

Phim truyền hình, một trong những công cụ truyền bá văn hóa hữu hiệu nhất cũng được Trung Quốc sử dụng một cách triệt để. Các bộ phim truyền hình Trung Quốc đã được trình chiếu ở hầu như tất cả các kênh truyền hình của các nước Đông Nam Á, kể cho người dân các nước này không chỉ về cuộc sống hiện tại ở Trung Quốc mà còn về các câu chuyện lịch sử Trung Quốc. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, phim Trung Quốc đã được trình chiếu ở tất cả các kênh truyền hình từ Trung ương cho đến các địa phương. Có người đã cho rằng phim Trung Quốc được chiếu nhiều sẽ làm tăng sự hiểu biết và cảm thụ về lịch sử và văn hóa Trung Quốc. Ngoài ra, một số kênh truyền hình trong khu vực như “Metro TV” của In-đô-nê-xi-a, “Channel News Asia” của Xinh-ga-po đã xây dựng các bản tin phát hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc phổ thông, phủ sóng ra toàn khu vực.

Bên cạnh văn hóa, hàng hóa Trung Quốc cũng tràn ngập trong khu vực Đông Nam Á. Các nhãn hiệu hàng hóa của Trung Quốc đại lục như TCL, Haier, Huawei, Levono… ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng Đông Nam Á. Kinh tế đại lục phát triển cũng làm gia tăng số lượng khách du lịch Trung Quốc đến các nước châu Á. Chỉ tính riêng năm 2003, 4,6 triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến các nước Đông Nam Á[8] và con số này vẫn tiếp tục tăng lên, kéo theo sự phát triển của ẩm thực, văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc.

Trên lĩnh vực ngoại giao, Chính phủ Trung Quốc cũng tích cực sử dụng các diễn đàn đa phương để xây dựng hình ảnh một nước lớn Trung Quốc đầy thiện chí và trách nhiệm. Theo đuổi một khái niệm an ninh mới nhấn mạnh tới hợp tác và đối thoại an ninh khu vực ở các cấp độ khác nhau, Trung Quốc bày tỏ mong muốn có một trật tự an ninh mới thông qua việc giải quyết một cách hòa bình các bất đồng hơn là đối đầu. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, việc Trung Quốc quyết định không phá giá đồng Nhân dân tệ được các nước Đông Nam Á coi là một biện pháp xây dựng lòng tin. 

Các công cụ khác cũng được Trung Quốc tích cực sử dụng để tăng cường hình ảnh ở châu Á. Dù còn có tranh cãi, thương mại và viện trợ cũng được coi là thành tổ của sức mạnh mềm của Trung Quốc. Các nghiên cứu mới đây cho thấy các khoản viện trợ của Trung Quốc dành cho các nước châu Á đã tăng lên không ngừng và nhanh chóng vượt qua Mỹ. Năm 2002, tổng số viện trợ Trung Quốc dành cho In-đô-nê-xi-a lớn gấp hai lần tổng số viện trợ Mỹ dành cho nước này. Cuối năm 2004, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng gửi viện trợ và đồ cứu trợ trị giá 60 triệu USD cho các nước trong khu vực bị thiệt hại do trận sóng thần cuối tháng 12/2004. Năm 2003, số tiền viện trợ mà Trung Quốc dành cho Phi-líp-pin lớn gấp bốn lần số viện trợ của Mỹ, dành cho Lào gấp ba lần của Mỹ[9] và các khoản viện trợ mà Trung Quốc dành cho các nước châu Á cũng ngày càng đa dạng hơn, không chỉ ở những dự án lớn, mà còn được chuyển thành các học bổng ngắn hạn cho các quan chức Chính phủ. Điều đáng nói là các khoản viện trợ của Trung Quốc được đặc biệt hoan nghênh do: (i) Trung Quốc không đặt các điều kiện đi kèm như phải cải cách dân chủ, mở cửa thị trường hay bảo vệ môi trường. Thay vào đó là chính sách “không can thiệp vào công việc nội bộ” khiến các nước hài lòng vì cảm thấy chủ quyền của họ được tôn trọng và; (ii) Trung Quốc sẵn sàng nhận các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư khác ít hứng thú.[10]

Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy khu vực thương mại tự do với ASEAN và với từng nước thành viên đơn lẻ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Đông Nam Á cũng bắt đầu được chú ý. Trong giai đoạn 2002-2006, tổng số FDI của Trung Quốc vào khu vực này đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 1,3% tổng số vốn FDI vào Đông Nam Á trong giai đoạn này.[11] Tuy đây không phải là con số lớn, nhưng việc các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Đông Nam Á đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực.

Quan hệ kinh tế của Trung Quốc với ASEAN phát triển nhanh chóng cả về khối lượng, tốc độ tăng trưởng và quy mô. Trong giai đoạn 1997-2006, thương mại của Trung Quốc với các nước ASEAN đã tăng lần lượt là 450% và 625%, đạt 106,9 tỷ USD. ASEAN hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ tư của Trung Quốc và là nhà xuất khẩu lớn thứ ba vào Trung Quốc.[12]

Sức mạnh mềm: một công cụ của chính sách

Như Nye đã nói, “sức mạnh mềm” chính là loại sức mạnh hấp dẫn, tác động gián tiếp vào hành vi của người khác. Những lợi ích mà “sức mạnh mềm” mang lại cho một quốc gia không phải là những lợi ích có thể thấy ngay được, nhưng nó lại mang đến những tác dụng ngoài mong muốn.

Với các quốc gia-dân tộc, sức mạnh mềm là một công cụ quan trọng trong việc thực thi chính sách đối ngoại. Khi nói về những lợi ích của sức  mạnh mềm, Joseph Nye cho rằng, trong quan hệ quốc tế, một quốc gia có thể tác động vào một quốc gia khác “một cách tự nhiên” thông qua các giá trị như ý chí, kỹ năng ngoại giao, khả năng huy động sự ủng hộ nội bộ hay hệ tư tưởng, tôn giáo... Và khi giá trị của một quốc gia được nhiều nước khác chia sẻ thì quốc gia đó sẽ dễ dàng gây ảnh hưởng lên hành vi của quốc gia khác.[13] Quan điểm này của Nye được Joshua S. Goldstein chia sẻ khi Goldstein cho rằng sức mạnh ý tưởng có thể giúp “tối đa hóa các khả năng ảnh hưởng thông qua quy trình tâm lý” và một quốc gia có thể thu được ảnh hưởng quốc tế thông qua việc “trở thành người làm luật hay thay đổi cách nhìn của quốc gia khác đối với lợi ích quốc gia của họ”.[14]

Xét trên quan điểm truyền thống, các loại sức mạnh cứng như tiềm lực kinh tế, quân sự, quy mô dân số… là những thước đo cơ bản để quyết định sức mạnh và ảnh hưởng của một quốc gia. Rõ ràng là sức mạnh cứng, nhất là sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang tăng lên nhưng Trung Quốc lại khó có thể sử dụng sức mạnh cứng trong quan hệ quốc tế ở châu Á. Điều này là vì những lý do sau: Lý do đầu tiên là trong quan hệ quốc tế ngày nay, các cường quốc không thể chỉ khẳng định sức mạnh của mình thông qua sức mạnh quân sự vì sử dụng sức mạnh quân sự vừa khó vừa khiến họ phải trả một cái giá cao hơn. Ngoài ra, các mối quan tâm về an ninh quốc gia ngày nay cũng trở nên phức tạp hơn khi các mối đe dọa đang thay đổi từ đe dọa quân sự (các mối đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ) đến các vấn đề về kinh tế và sinh thái.[15] Hơn nữa, việc một quốc gia tập trung quá nhiều vào việc phát triển sức mạnh quân sự không chỉ khiến quốc gia đó gặp phải nguy cơ suy thoái về mặt kinh tế mà còn kéo theo sự nghi kỵ hay chống đối của các quốc gia láng giềng. Hậu quả là nó có thể kéo theo các cuộc chạy đua vũ trang, gây nên tình thế bất lợi đối với an ninh và lợi ích quốc gia. Trên thực tế, Trung Quốc đã gặp phải những vấn đề như vậy. Một phần trước việc Trung Quốc tăng chi phí quốc phòng và hiện đại hóa quân sự,[16] các nước khác ở châu Á cũng tăng cường trang bị vũ khí. Chính phủ In-đô-nê-xi-a mới đây đã công bố kế hoạch trang bị cho hải quân 12 tàu ngầm lớp Kilo vào năm 2024 trong khi Xinh-ga-po cũng có kế hoạch trang bị cho mình 6 tàu ngầm vào năm 2016. Từ năm 1996 đến năm 2003, Ma-lai-xi-a đã mua của Nga 18 máy bay chiến đấu MiG 29 và 18 máy bay SU-30MK; mua của Pháp ba chiếc tàu ngầm, mua của Anh hai tàu khu trục nhỏ loại Kekiu GEC-Yarrow, mua của I-ta-li-a 4 tàu hộ tống có trang bị tên lửa Assad.[17]  Năm 1996, Phi-líp-pin đã thông qua chương trình hiện đại hóa quân đội trong 15 năm với chi phí 12,7 tỷ USD.[18]

Bên cạnh phản ứng tự nhiên là tăng cường vũ trang, các học giả còn cho rằng các nước châu Á còn lựa chọn biện pháp tăng cường hợp tác quân sự giữa các nước với nhau hoặc với các cường quốc ngoài khu vực để cân bằng lực lượng với Trung Quốc. Tháng 03/2007, Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a đã ký một hiệp ước an ninh song phương mà theo nhiều học giả, là nhằm vào mục đích đối phó với Trung Quốc. Mối quan hệ quân sự của Mỹ với các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po… cũng được tăng cường. Ấn Độ cũng tích cực tăng cường hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á.

Cũng theo các học giả, ngoài sức mạnh quân sự, sự gia tăng sức mạnh “cứng” nói chung của Trung Quốc còn tạo ra một bất lợi nữa đối với nước này là việc nó khiến cho sự nghi kỵ của các nước châu Á, nhất là Đông Nam Á đối với ý đồ của Bắc Kinh. Vốn nằm kế cận Trung Quốc về mặt địa lý, các nước Đông Nam Á rất nhạy cảm trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là khi giữa Trung Quốc và một số nước đang có những tranh chấp về lãnh thổ. Phi-líp-pin đã từng coi những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là điển hình của “chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc ở Đông Nam Á”. Bên cạnh đó, một số nước phương Tây vẫn tin vào thuyết về “mối đe dọa Trung Quốc”, theo đó khi mạnh lên, Trung Quốc sẽ công khai thách thức quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ.

Như vậy, về mặt chiến lược, sự tăng cường vũ trang của các nước châu Á và sự hợp tác quân sự của các cường quốc bên ngoài với các nước trong khu vực châu Á sẽ tạo ra một môi trường bất ổn xung quanh Trung Quốc. Sự nghi kỵ mà các nước châu Á dành cho Trung Quốc sẽ khiến cho hình ảnh của Trung Quốc bị suy giảm. Do đó, các học giả Trung Quốc cho rằng, nếu Trung Quốc muốn thực sự trở thành một cường quốc tầm cỡ thế giới thì nước này phải tập trung vào phát triển “sức mạnh mềm” chứ không phải chỉ có “sức mạnh cứng”. Họ còn cho rằng, “sức mạnh mềm đã trở thành tiêu điểm trong thế kỷ 21” và “những quốc gia có thể phát huy tác dụng trong cộng đồng quốc tế và nhận được sự tôn trọng đều là những quốc gia có đầy đủ cả thực lực cứng và thực lực mềm”.[19]

Lý do thứ hai để Trung Quốc lựa chọn phát triển sức mạnh mềm là vì Trung Quốc có tiềm lực về mặt này. Mặc dù các học giả phương Tây cho rằng tiềm lực sức mạnh “mềm” của Trung Quốc không nhiều vì nước này không có nhiều giá trị để chia sẻ với thế giới. Mô hình kinh tế Trung Quốc tuy có hấp dẫn với một số quốc gia, nhưng về cơ bản Trung Quốc vẫn chỉ đang ở giai đoạn “học hỏi” các nước phương Tây.[20] Tuy nhiên, ở châu Á, tiềm lực mềm của Trung Quốc là rất lớn. Nền văn minh Trung Hoa đã phát triển  trên 5000 năm với rất nhiều giá trị quan trọng và có sức hấp dẫn lớn. Thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy 75% số sinh viên nước ngoài đến Trung Quốc để học về các chuyên ngành có liên quan đến văn hóa Trung Quốc như ngôn ngữ, nghệ thuật, lịch sử, triết học và y thuật.[21] Nho giáo, hệ tư tưởng chính thống phong kiến của Trung Quốc đã có ảnh hưởng rất lớn đến các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Bên cạnh đó, gần 60 triệu Hoa kiều đang sinh sống ở Đông Nam Á và khoảng 4,6 triệu khách du lịch Trung Quốc hàng năm đến khu vực này là những lực lượng đông đảo có thể đóng góp vào việc phát triển văn hóa và quảng bá hình ảnh của Trung Quốc đến các nước trong khu vực. Sự thành công của mô hình kinh tế Trung Quốc ngày nay cũng tạo cho nước này một sức hấp dẫn rất lớn. Một học giả Xinh-ga-po từng nói: “Quá trình Trung Quốc trỗi dậy từ nghèo nàn trở thành đất nước giàu có đã có tác dụng cổ vũ đối với không ít quốc gia đang tuyệt vọng” và thậm chí mô hình phát triển của Trung Quốc còn có thể “hấp dẫn hơn nữa nếu như nước này tiếp tục phát triển một cách khoa học, xử lý được một loạt các vấn đề xã hội như chênh lệch giàu nghèo và ô nhiễm môi trường”…[22]

Thứ ba, những thành công của Trung Quốc trong nỗ lực xây dựng hình ảnh ở châu Á thông qua các biện pháp “mềm” là một minh chứng quan trọng cho tiềm lực mềm của Trung Quốc. Trong hơn một thập kỷ qua, hình ảnh của Trung Quốc đã được cải thiện rõ rệt trong tâm lý người dân các nước châu Á. Một cuộc thăm dò ý kiến do Cơ quan Nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành vào tháng 7 và 8/2003 cho thấy hình ảnh của Trung Quốc nhìn chung là tích cực ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Đa số những người được hỏi ý kiến - 54% ở Nhật Bản và 68% ở Hàn Quốc - hoàn toàn có thiện chí với Trung Quốc. Người Nhật Bản và Hàn Quốc coi Trung Quốc là nước có ảnh hưởng nhất trong 5 đến 10 năm tới. 2/3 (67%) người Hàn Quốc coi sự phát triển kinh tế của Trung Quốc có tác động tích cực đến nền kinh tế Triều Tiên. Công chúng Nhật Bản bị chia rẽ về vấn đề này, nhưng nhìn chung cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều coi Trung Quốc là góp phần vào ổn định và hòa bình ở khu vực Đông Á.[23] Thiện cảm đối với Trung Quốc càng ngày càng tăng ở các nước Đông Nam Á. Một cuộc thăm dò dư luận của đài BBC cuối năm 2003 cho thấy, có tới 70% người dân Phi-lip-pin và 68% người In-đô-nê-xi-a được hỏi có cái nhìn tích cực về Trung Quốc. Hơn 2/3 người Thái Lan được hỏi coi Trung Quốc là “người bạn thân nhất” của Thái Lan trong khi chỉ có 9% số ủng hộ Mỹ.[24]

 

Thay lời kết

Trung Quốc đang dùng “sức mạnh mềm” để tạo ảnh hưởng của mình ở châu Á. Tiềm lực “sức mạnh mềm” của Trung Quốc là rất lớn, được cho là đã “bắt rễ” ở châu Á từ lâu. Khổng giáo, học thuyết chính trị-xã hội của giới cầm quyền phong kiến Trung Quốc cũng có những ảnh hưởng rất lớn đối với các nước châu Á. Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng về mặt kinh tế của Trung Quốc sẽ khiến cho mô hình phát triển của nước này càng trở nên hấp dẫn hơn. Đồng thời, sự giàu có về kinh tế cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc triển khai mạnh mẽ việc truyền bá văn hóa Trung Quốc ra bên ngoài. Nói theo lời của một số học giả, Trung Quốc đang sử dụng cả quá khứ và hiện tại, sử dụng sức mạnh cứng để hỗ trợ cho việc xây dựng và sử dụng sức mạnh mềm trong quan hệ với các nước láng giềng châu Á. Đây được coi là một yếu tố quan trọng và một sự lựa chọn chiến lược của Trung Quốc.

Nhưng sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã không khỏi khiến cho các nước láng giềng lo ngại. Để trấn an các nước láng giềng nhạy cảm, Trung Quốc đã đưa ra thuyết “phát triển hòa bình” theo đó sự phát triển của Trung Quốc sẽ không mang lại bất kỳ mối đe dọa nào đối với các nước láng giềng. 

 

Nguyễn Đức Tuyến, Chuyên viên, Học viện Ngoại giao

Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 1 (72), tháng 3 - 2008, Học viện Ngoại giao


 




[1] Joshua Goldstein, International Relations - brief second edition (Washington D.C: Longman Publication, American University, 2003), tr. 16-17.

[2] Bates Gill and Yanzhong Huang, “Sources and Limits of Chinese soft power”, Survival, Vol. 48, No. 2. Summer 2006, p. 18

[3] Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trước Quốc hội Ô-xtrây-li-a ngày 24/10/2003, xem tại địa chỉ www.australiapolitics.com/news/ 2003/10/03-10-24b.shtml.

[4] Bates Gill and Yanzhong Huang, tlđd, tr. 18.

[5] Bates Gill and Yanzhong Huang, tlđd, tr. 18.

[6] Eric Teo Chu Cheow, “Vai trò đang lên, “sức mạnh mềm” và ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á”, Thông tin tham khảo Quan hệ Quốc tế - tháng 07/2005. Học viện Quan hệ Quốc tế, Hà Nội, tr. 24.

[7] Thông tấn xã Việt Nam, “IHT: Trung Quốc tìm cách quyến rũ các nước láng giềng”, Tin tham khảo đặc biệt, ngày 20/05/2005.

[8] Trung tâm Thông tin Thương mại (Bộ Công Thương), thông tin chi tiết tại website: http://www.vinanet.com.vn/NewsDetail.aspx?NewsID=95732#Scene_1.

[9] Joshua Kurlantzick, “China’s Charm: Implications of Chinese Soft Power”, Policy Brief 46, June 2006, Carnegie Endownment for International Peace, available at www.carnegieendowment.org/publications/index. cfm?fa=view&id=18401.

[10] Báo cáo trình Quốc hội Mỹ của Thomas Lum, Wayne M. Morrison và Brice Vaughn thuộc Foreign Affairs, Defence and Trade Division, Congressional Research Service, Tin A Bộ Ngoại giao, ngày 25/01/2007.

[11] ASEAN Statistics, available at http://www. aseansec.org/Stat/Table26.pdf.

[12] Báo cáo trình Quốc hội Mỹ, tlđd.

[13] Joseph Nye, “Soft Power and Lleadership: The Benifits of Soft power”, Compass: A Journal of Leadership. Spring 2004. Có thể xem nội dung bài viết tại địa chỉ http://hbswk.hbs.edu/achieve/ 4290.html.

[14] Joshua S. Goldstein, tlđd, tr. 46-47.

[15] Joseph Nye, Bound to Lead - The Changing Nature of American Power (New York: Basic Book, 1990), tr. 154.

[16] Kể từ năm 1990, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã liên tục tăng ở mức hai con số, khoảng 15,3%/năm, đến năm 2007 đã lên đến 45 tỷ USD, tăng 17,8% so với năm 2006. Quân đội Trung Quốc, nhất là hải quân cũng được hiện đại hóa nhanh chóng với nhiều tàu ngầm lớp Kilo và tàu khu trục lớp Sovrevenyy của Nga. Thông tin tham khảo tại bản Tin thế giới ngày 04/03/2007 và Tin Tham khảo thế giới ngày 04/10/2002 của Thông tấn xã Việt Nam.

[17] Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, ngày 21/05/2003.

[18] Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 25/08/1997.

[19] Thông tấn xã Việt Nam, “Trung Quốc xác định xây dựng thực lực mềm là nhiệm vụ chiến lược”, Tin Tham khảo đặc biệt, ngày 04/06/2007.

[20] Muthiat Alagappa, Bài phát biểu trong buổi nói chuyện với các cán bộ của Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao ngày 07/01/2008 tại Hà Nội.

[21] Bates Gill and Yanzhong Huang, tlđd, tr. 18.

[22] “Trung Quốc xác định xây dựng thực lực mềm là nhiệm vụ chiến lược”, tlđd.

[23] Thông tấn xã Việt Nam, “Trung Quốc phát triển quyền lực mềm và tác động đối với chính sách của Mỹ ở châu Á”, Tin tham khảo chủ nhật ngày 07/03/2005.

[24] Bates Gill and Yanzhong Huang, tlđd, tr. 26.