Tác giả: Nguyễn Minh Ngọc[1], Chương trình Nghiên cứu Biển Đông,Học viện Ngoại giao. 

 

Trong những năm vừa qua, Trung Quốc không ngừng lớn mạnh về mọi mặt: kinh tế, chính trị, quân sự và ảnh hưởng địa chính trị. Một điều không thể phủ nhận là Trung Quốc đã vươn lên thành một cường quốc khu vực (regional power) và là một nước đóng vai trò chủ chốt (major power) trong hệ thống quốc tế. Tuy nhiên, cùng với nguồn sức mạnh mới này, Trung Quốc đang phải đương đầu với một thực tế khó khăn: đó là ngày càng nhiều các nhóm lợi ích muốn tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc, khiến nước này đôi khi không còn là một thực thể có tiếng nói đối ngoại đồng nhất. Dù nội bộ Trung Quốc hiện nay vẫn đạt được đồng thuận trên bề mặt nhưng thực tiễn cho thấy sự đấu tranh giữa các nhóm chủ thể với lợi ích riêng biệt đã dẫn đến những hành xử mâu thuẫn, đôi khi trái ngược nhau của Bắc Kinh. Năm 2009-2010, Trung Quốc có một loạt điều chỉnh chính sách theo hướng cứng rắn, khiến các nhà quan sát đặt ra câu hỏi liệu đây chỉ là xu hướng tạm thời hay là điều chỉnh chiến lược lâu dài thể hiện sự thay đổi về chất trong sức mạnh của Trung Quốc? Và những lực lượng nào có vai trò chi phối đằng sau sự điều chỉnh này?

Gần đây, một số công trình nghiên cứu đáng chú ý đã đi vào phân tích những nhóm chủ thể và khuynh hướng mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đó là:  “Những chủ thể đối ngoại mới ở Trung Quốc” – báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa Bình quốc tế Stockholm – SIPRI tháng 9/2010; “Ứng xử với một Trung Quốc mâu thuẫn” – bài viết của Giáo sư David Shambaugh (Đại học George Washington) đăng trên Tạp chí Washington Quarterly năm 2011; và “Trung Quốc tìm kiếm một ‘đại chiến lược’” – bài viết của Giáo sư  Tập Tư (Đại học Bắc Kinh) đăng trên Tạp chí Foreign Affairs số tháng 3-4/2011. Nội dung của các công trình nghiên cứu trên tập trung vào ba điểm: thứ nhất, nhận diện các nhóm chủ thể (cũ và mới) trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại; thứ hai, xác định những trường phái tư duy đối ngoại chính ở Trung Quốc hiện nay; và thứ ba, đưa ra những gợi ý cho một “chiến lược tổng thể” (grand strategy) mới của Trung Quốc trong bối cảnh xã hội phân hóa sâu sắc và đòi hỏi ngày càng cao của cộng đồng quốc tế đối với một Trung Quốc “có trách nhiệm”. Việc tổng hợp, nghiên cứu tác động của các nhóm lợi ích đối với quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ rất hữu ích cho công tác dự báo điều chỉnh chiến lược của nước này ở Biển Đông, nhất là khi Trung Quốc chuẩn bị có những thay đổi nhân sự lãnh đạo lớn lao vào năm 2012. 


1.            Những chủ thể trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc:

Báo cáo của Viện SIPRI (Thụy Điển)[2] tháng 9/2010 đã chỉ ra các nhóm chủ thể mới có tác động đến chính sách đối ngoại Trung Quốc bên cạnh các chủ thể truyền thống như Đảng Cộng sản, chính phủ và quân đội.

1.1.         Các chủ thể chính thức:

-             Đảng Cộng sản Trung Quốc:

Trong Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thì Ban Thường vụ Bộ Chính trị (PSC - gồm 9 thành viên) vẫn là cơ quan quyền lực tối cao đưa ra các quyết sách ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, Ban thường vụ phần lớn chỉ thông qua cuối cùng về mặt thủ tục đối với những khuyến nghị do các cơ quan chuyên trách đưa lên. Mọi quyết định trong Ban thường vụ được thông qua bằng cơ chế đồng thuận nhưng vai trò cá nhân của Chủ tịch PSC rất lớn. Trong thời kỳ đương nhiệm của Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, các vấn đề muốn được thông qua phải có được sự hậu thuẫn của ông.

Thường thì các Ủy viên Ban thường vụ không nắm rõ chi tiết của từng vấn đề đối ngoại cụ thể nên phải tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong Nhóm công tác đối ngoại (FALSG). Các vấn đề trước khi trình lên Ban thường vụ đều được bàn thảo kỹ trong nhóm công tác này. Điều này khiến cho Đới Bỉnh Quốc, với tư cách là giám đốc văn phòng Nhóm công tác đối ngoại, được xem là nhân vật có ảnh hưởng nhất ngoài PSC vì là người định hình chương trình làm việc của FALSG và chịu trách nhiệm xử lý hàng ngày về đối ngoại của Trung Quốc.

-                      Chính phủ:

Vai trò của Bộ Ngoại giao (MFA) trong công tác hoạch định chính sách hiện nay đã suy giảm đáng kể; thay vào đó, trách nhiệm chính của MFA thuộc về lĩnh vực thực thi chính sách. Các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản sẽ chịu trách nhiệm về quan hệ của Trung Quốc với các nước lớn và các đối tác quan trọng trong khu vực. Với những nước kém quan trọng hơn, MFA vẫn là cơ quan đầu mối, bảo đảm cho việc hoạch định chính sách đi đúng với đường hướng đối ngoại chung của Trung Quốc.

Hiện nay trong nội bộ chính phủ Trung Quốc đang diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cơ quan đối với quá trình hoạch định chính sách đối ngoại. Bộ Thương mại (MOFCOM), với chức năng quản lý hoạt động thương mại và mối liên hệ chặt chẽ đối với giới doanh nghiệp, là tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ việc duy trì chế độ tỉ giá hối đoái có kiểm soát. Tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) trở thành một chủ thể quan trọng vì là cơ quan quyết định chính sách tiền tệ trong nước. Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia (NDRC) tác động đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế như năng lượng, tài nguyên... Bộ An ninh nội địa (MSS) là một chủ thể chính trị trong nước nhưng có tầm ảnh hưởng đối ngoại ngày càng lớn, nhất là sau sự kiện Olympic Bắc Kinh 2008 và các cuộc bạo động ở Tây Tạng và Tân Cương 2009.

-           Quân đội:

Quân đội từ trước đến nay vẫn là một chủ thể trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc, dù một số ý kiến cho rằng vai trò của nó đã suy giảm do những cải cách thể chế, sự chuyên môn hóa của lực lượng quân đội, và quá trình tách những nhà lãnh đạo quân sự khỏi quá trình hoạch định chính sách dân sự. (Một minh chứng khá rõ là kể từ khi Thống đốc Hải quân Lưu Hoa Thanh nghỉ hưu năm 1997 cho đến nay quân đội không có đại diện nào được bầu vào Ban thường vụ Bộ Chính trị).

Tuy vậy, quân đội vẫn phát huy ảnh hưởng đối ngoại của mình trong các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng như buôn bán vũ khí, tranh chấp lãnh thổ và an ninh quốc gia với các đối tác quan trọng như Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên, Pakistan, Nga và Mỹ. Đặc biệt, quân đội là lực lượng bảo vệ quan điểm cứng rắn đối với vấn đề Đài Loan và sự can thiệp của Mỹ trong quan hệ hai bờ.

Hội đồng Quân ủy Trung ương (CMC) là một kênh quan trọng để quân đội phát huy vai trò của mình với đối ngoại. Quân đội cũng tích cực tăng cường ảnh hưởng, định hình quan điểm dư luận trong các vấn đề an ninh quốc gia thông qua các kênh phi chính thức như tham gia nghiên cứu, viết báo hoặc bình luận trên truyền hình.

1.2.        Các chủ thể mới:

-             Khu vực doanh nghiệp:

Hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) ngày nay đã trở thành một mối quan tâm trong hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tuy đây chỉ là những chủ thể “bên lề” (on the margin) nhưng với lợi ích kinh tế mà các tập đoàn này mang lại, nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ và tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp này, nhất là từ khi chính phủ ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ngoài nước (“go-out strategy” - 1999).

Về lý thuyết thì các quyết định đầu tư ngoài nước của SOEs phải được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao, tuy nhiên một số thương vụ lớn lại có tác động trở ngược lại chính sách, giúp Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ với các nước đối tác. Ví dụ như hợp đồng khai thác mỏ đồng Aynak ở Afghanistan của Tập đoàn luyện kim Trung Quốc và dự án hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt giữa Trung Quốc và Turkmenistan đã giúp nước này nâng cao quan hệ song phương và mở rộng ảnh hưởng của tại khu vực Trung Á.

Ngoài ra còn phải kể đến vai trò của các công ty năng lượng, khoáng sản vì họ là một phần không thể thiếu trong chính sách “ngoại giao năng lượng” của Trung Quốc. Từ tháng 1/2005 đến tháng 7/2010, hơn một nửa các chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là đến các quốc gia nơi các tập đoàn năng lượng lớn của Trung Quốc có dự án đầu tư về dầu lửa, khí đốt (Nga: 6 lần; Kazakhstan: 4 lần; Canada: 3 lần; Nhật, Ả-rập Xê-út và Việt Nam: 2 lần). Rõ ràng năng lượng, tài nguyên đã trở thành một tiêu chí quan trọng đối với Bắc Kinh khi lựa chọn quốc gia viếng thăm.

-                      Các viện nghiên cứu:

Giới học giả, nghiên cứu có ảnh hưởng ngày càng lớn hơn đối với chính sách đối ngoại. Trước kia mọi phân tích chính sách đều được thực hiện trong nội bộ chính phủ, trong Đảng. Ngày nay, với tốc độ phát triển của thông tin và hoạt động đối ngoại, lãnh đạo Trung Quốc khi đưa ra quyết sách thường có cơ chế tham vấn các nhà nghiên cứu. Ảnh hưởng của nhóm này thể hiện qua vai trò “cầu nối” giữa những luồng quan điểm trong và ngoài nước, vừa là kênh khuyến nghị cho các cấp lãnh đạo vừa chịu trách nhiệm định hình dư luận.

Ở Trung Quốc, các viện nghiên cứu không tồn tại độc lập hoàn toàn theo đúng nghĩa vì họ còn phụ thuộc vào Đảng/ chính phủ về nguồn kinh phí hoạt động. Song điểm đáng chú ý là tuy không thể phát ngôn ra ngoài những giới hạn nhất định, nhiều học giả đã có khuynh hướng tư duy độc lập hơn.

-                      Phương tiện truyền thông và cư dân mạng:

Cuộc cách mạng thông tin và sự phát triển của internet đã giúp người dân Trung Quốc tiếp cận nguồn thông tin rộng rãi hơn trước, và do đó cũng có thể bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề đối ngoại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người dân hoàn toàn được hưởng quyền tự do ngôn luận. Trái lại, chính quyền Trung Quốc (đặc biệt là Bộ An ninh nội địa) vẫn kiểm soát chặt chẽ luồng thông tin trên mạng internet, blog và email.

Thực tế các kênh phương tiện truyền thông và mạng internet là một môi trường thuận lợi để kích thích “chủ nghĩa dân tộc” ở Trung Quốc, nhất là trong những vấn đề nhạy cảm như quan hệ Trung Quốc với Nhật Bản. Song từ quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc, sử dụng “công cụ” chủ nghĩa dân tộc có thể là một con dao hai lưỡi khi các cư dân mạng cực đoan, quá khích có thể từ việc phê phán các thế lực bên ngoài quay sang chỉ trích chính phủ và tổ chức biểu tình gây mất trật tự xã hội.

2.    Những khuynh hướng và chuyển biến chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thời gian qua:

Mỗi nhóm chủ thể kể trên có những ưu tiên và lợi ích riêng nên tác động đến chính sách theo mỗi chiều hướng khác nhau. Trong bài viết “Ứng xử với một Trung Quốc mâu thuẫn”[3], Giáo sư David Shambaugh (Mỹ) đã chỉ ra những xu hướng, trường phái tư duy đối ngoại chính ở Trung Quốc. Các trường phái được liệt kê theo chiều hướng tăng dần và đẩy mạnh những cam kết đối ngoại của Trung Quốc với bên ngoài: Nativism (chủ nghĩa dân tộc), Realism (chủ nghĩa hiện thực), Major Powers (chú trọng quan hệ với các cường quốc), Asia First (ưu tiên quan hệ với châu Á), Global South (đoàn kết các nước đang phát triển Nam bán cầu), Selective Multilateralism (đa phương hóa có chọn lọc) và Globalism (chủ nghĩa toàn cầu). Nổi bật có ba xu thế hiện nay đang ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách của Trung Quốc:

2.1. Xu hướng chủ nghĩa dân tộc (Nativism):

Khuynh hướng này tập trung những người theo chủ nghĩa Mác-xít, với tư tưởng dân tộc cực đoan, luôn đề cao việc giữ gìn độc lập tự chủ và không tin tưởng vào các thể chế quốc tế. Họ cho rằng chính sách “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc 30 năm qua đã khiến nước này mất đi khối đoàn kết xã hội, văn hóa bị ảnh hưởng từ tiêu cực bên ngoài và độc lập chủ quyền bị xói mòn, tạo điều kiện thuận lợi cho các âm mưu “diễn biến hòa bình” từ Mỹ và phương Tây đe dọa quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tuy những quan điểm trên phần nào trái ngược với chiến lược hội nhập khá thành công của Trung Quốc trong thời gian qua nhưng trường phái này vẫn sẽ tiếp tục tác động đến tư duy đối ngoại của Bắc Kinh vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, những đại diện của trường phái này thường làm ở các viện nghiên cứu uy tín thuộc Ủy ban TW Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoặc của chính phủ như Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, vốn là những cơ quan tham mưu cho lãnh đạo cấp cao. Thứ hai, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2010 và chính sách của Mỹ trong thời kỳ Tổng thống Bush đã làm sống lại những lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về “chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước” và “chủ nghĩa thực dân mới”. Thứ ba, những cuộc cách mạng màu ở Đông Âu và bạo loạn chính trị ở Bắc Phi, Trung Đông gần đây đã gia tăng sức thuyết phục của trường phái này về nguy cơ mất ổn định chính trị, nhất là dưới sự tác động từ các thế lực bên ngoài.

2.2. Xu hướng chủ nghĩa hiện thực (Realism):

Đây là trường phái tư duy có ảnh hưởng lớn nhất đối với việc hoạch định chính sách của Trung Quốc. Những người theo chủ nghĩa hiện thực ở Trung Quốc xem môi trường quốc tế là vô chủ, vì vậy cần tập trung xây dựng một quốc gia-nhà nước vững mạnh. Trường phái này quy tụ các sĩ quan quân đội, và những học giả có quan điểm thực dụng, vốn định nghĩa lợi ích trong phạm vi hạn hẹp và cho rằng những nỗ lực của phương Tây lôi kéo Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào các nghĩa vụ quốc tế chỉ là một cái “bẫy” nguy hiểm nhằm ngăn cản sự lớn mạnh của nước này. Khác với khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa hiện thực không cổ xúy cho chính sách “cô lập” với thế giới mà đòi hỏi việc xác định cụ thể và bảo vệ tốt các lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

2.3. Xu hướng đa phương hóa có chọn lọc (Selective Multilateralism):

Những người theo khuynh hướng này cho rằng Trung Quốc nên dần mở rộng các cam kết quốc tế của mình một cách chọn lọc, chỉ ở những lĩnh vực mà an ninh quốc gia của Trung Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp. Sự ra đời của trường phái này là kết quả của nguồn sức mạnh và vị thế mới của Trung Quốc, khi cộng đồng quốc tế đòi hỏi Trung Quốc phải gánh vác nhiều hơn các nghĩa vụ quốc tế. Bản thân những người trong nhóm này không muốn Trung Quốc bị nhìn nhận là nước chỉ quen “hưởng khống” các đặc quyền quốc tế, tuy nhiên vẫn tiếp cận khá thận trọng với chính sách đa phương hóa. Vì thế, họ cho rằng, ở tầm chiến lược, Trung Quốc nên tiếp tục đi theo phương châm của Đặng Tiểu Bình, đó là “ẩn mình chờ thời” nhưng ở mức chiến thuật, Trung Quốc đã trở nên chủ động hơn trong quan hệ quốc tế (tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, cứu nạn, chống cướp biển nhưng tránh các vấn đề nhạy cảm như Iraq hay Afghanistan). Trong những năm 1990, đa phương hóa được Trung Quốc sử dụng như một “công cụ” đắc lực và “chiến thuật” hữu hiệu để tạo ra diễn đàn giải quyết các vấn đề song phương.

Các trường phái tư duy đối ngoại khác ở Trung Quốc lần lượt đặt trọng tâm quan hệ với từng đối tác khác nhau như các nước lớn (Major Powers), châu Á (Asia First) và với các quốc gia đang phát triển khác (Global South). Tuy nhiên, theo nhận định của GS. Shambaugh, khuynh hướng đối ngoại chính tập trung vào trường phái hiện thực, với ảnh hưởng lớn từ khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc. Đáng lưu ý, những quan chức phụ trách công tác đối ngoại ở một số cơ quan Đảng và chính phủ tuy có xu hướng thực dụng theo các trường phái đi vào quan hệ với từng đối tác, nhưng họ vẫn phải đáp ứng đòi hỏi của những nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa hiện thực trong xã hội, trong quân đội và cả trong Đảng. 


3.    Định hướng cho một “chiến lược đối ngoại tổng thể” mới của Trung Quốc:

Sự tham gia của các nhóm chủ thể với lợi ích và xu hướng tư duy đối ngoại đa dạng đã góp phần tạo nên những chuyển biến quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs[4], GS. Vương Tập Tư (Trung Quốc) đã chỉ ra tổng kết bốn sự thay đổi trong tư duy chiến lược của Trung Quốc:

Thứ nhất, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng cách hiểu toàn diện hơn về an ninh, bao gồm cả các vấn đề kinh tế và an ninh phi truyền thống, thay vì chỉ chú trọng đến các lợi ích chính trị, quân sự như trước đây. Trung Quốc phải tăng cường hợp tác với các nước khác để đối phó với những thách xuyên quốc gia và bình ổn thị trường tài chính thế giới vì đó cũng chính là bảo vệ an ninh cho chính Trung Quốc. Điều này có nghĩa là ngày càng khó cho Trung Quốc để tách biệt quan hệ bạn thù, kể cả với những đối thủ cạnh tranh chiến lược như Mỹ, Nhật.

Thứ hai, ngoại giao chuyển biến theo hướng ít tập trung vào các vấn đề quốc gia mà nhấn mạnh vào hoạt động hợp tác chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể như chống khủng bố, chống phổ biến hạt nhân, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng. Chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ xưa nay vẫn diễn ra cạnh tranh địa chiến lược và tranh chấp lãnh thổ nhưng lợi ích chung của hai nước trong việc hợp tác giảm áp lực của phương Tây về vấn đề cắt giảm khí thải các-bon đã kéo hai quốc gia này lại gần với nhau.

Thứ ba, tư duy về phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng đã thay đổi: thay vì chỉ chú trọng vào tăng trưởng GDP, Bắc Kinh ngày càng quan tâm đến chất lượng của phát triển như hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và tiến bộ kỹ thuật. Trung Quốc nhận ra cốt lõi của vấn đề phát triển không chỉ bao gồm khía cạnh kinh tế mà còn phải xem xét đến các vấn đề xã hội. Chính vì vậy, giới lãnh đạo đã quyết định duy trì tăng trưởng bằng cách hướng vào bên trong, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu và đầu tư ngoài nước.

Thứ tư, chính sách của Trung Quốc ngày càng chú trọng đến việc phát huy hệ giá trị và “sức mạnh mềm” của nước này. Sự thành công của Trung Quốc trong khắc phục hậu quả khủng hoảng và duy trì tốc độ tăng trưởng đã khiến “đồng thuận Bắc Kinh” – mô hình chủ nghĩa tư bản có sự kiểm soát của nhà nước theo kiểu Trung Quốc – trở thành một mô hình phát triển hấp dẫn đối với các nước đang phát triển. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang đương đầu với nhiều thách thức trong việc thể hiện và thực hiện “sức mạnh mềm” của mình do những quan ngại về chiến lược hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và lòng tin giảm sút của các nước láng giềng trước những điều chỉnh cứng rắn của Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Trong tất cả những chuyển biến trên, điểm đáng chú ý theo GS. Vương Tập Tư, đó là nguyên tắc “thao quang dưỡng hối” từ thời Đặng Tiểu Bình sẽ không còn phù hợp làm “kim chỉ nam” cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc nữa. Thứ nhất, Trung Quốc đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều và đủ khả năng để vươn ra thành một siêu cường trên thế giới. Thứ hai, Trung Quốc đang chịu sức ép từ trào lưu chủ nghĩa dân tộc trong nước, buộc nước này phải thể hiện một đường lối ngoại giao cứng rắn, chủ động hơn. Thứ ba, Trung Quốc có thể tiếp tục “ẩn mình” trong quan hệ với Mỹ, nhưng sẽ không thể áp dụng nguyên tắc đó khi xử lý các thách thức đa chiều như kinh tế và an ninh phi truyền thống, nhất là khi nước này đang đóng vai trò lãnh đạo trong nhóm các nước đang phát triển như BRIC, G77.

Rõ ràng Trung Quốc cần một “chiến lược tổng thể” mới (grand strategy) phản ánh được sức mạnh, nhu cầu phát triển và mục tiêu đối ngoại của mình. Liệu Trung Quốc có một chiến lược tổng thể như thế không và nội dung chiến lược đó như thế nào vẫn còn là câu hỏi. Tuy nhiên, theo GS Vương, nguyên tắc chỉ đạo của “chiến lược tổng thể”, đó là phải bảo vệ được những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, bao gồm “chủ quyền, an ninh và phát triển”. Trọng tâm địa chính trị trong chiến lược này sẽ là châu Á, với xu hướng tập trung hơn về phía Tây. Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển quan hệ với các nước Trung Á như Afghanistan, Ấn Độ, Pakistan để phục vụ cho “Chương trình Tổng thể Phát triển vùng phía Tây” bao gồm các khu vực như Tây Tạng và Tân Cương. Hai nhiệm vụ khó khăn trước mắt hiện nay đối với việc xây dựng một “chiến lược tổng thể” đó là sự phối hợp chính sách giữa các cơ quan chính phủ và xử lý các quan điểm, lợi ích đa dạng hiện nay trong giới tinh hoa chính trị Trung Quốc.

4. Một số nhận xét và đánh giá:

Những nghiên cứu trên cho thấy Trung Quốc hiện nay không phải là một thực thể có tiếng nói đối ngoại đồng nhất, thay vào đó là tổng hòa của nhiều nhóm lợi ích và trường phái tư duy đối ngoại khác nhau. Hiểu rõ được sự chồng lấn và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các luồng tư duy sẽ giúp nhận định chính xác hơn về những ưu tiên đối ngoại và chiều hướng chính sách của Trung Quốc.

Thứ nhất, thẩm quyền hoạch định chính sách đối ngoại ở Trung Quốc đã bị phân hóa với sự tham gia của ngày càng nhiều các nhóm chủ thể mới. Khuynh hướng này buộc Bộ Ngoại giao phải chia sẻ quyền lực với các cơ quan khác trong Đảng và chính phủ. Quân đội Trung Quốc cũng trở thành một chủ thể quan trọng và không ngần ngại phô diễn sức mạnh của mình. Việc các sĩ quan quân đội tham gia vào các cuộc tranh luận công khai được xem là một hiện tượng rất mới. Bên cạnh các chủ thể truyền thống, các nhóm chủ thể khác như doanh nghiệp, báo chí và dư luận tuy không có một vai trò chính thức nhưng ảnh hưởng ngày càng lớn đến chính sách đối ngoại. Trong quan hệ với các nước Trung Á, Iran và Sudan, lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp đôi khi lại trở thành yếu tố quan trọng nhất.

            Thứ hai, dù ở giai đoạn nào, khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc vẫn đóng vai trò chi phối trong tư duy đối ngoại của Trung Quốc. Trường phái này tập trung không chỉ quan điểm của người dân mà cả những quan chức cấp cao. Khi làn sóng này bùng nổ, cộng với những tác động từ bất ổn trong nước, có thể tạo ra những tình thế cực kỳ khó khăn cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

            Thứ ba, với sự tham gia của ngày càng nhiều các nhóm lợi ích, phạm vi “biên giới quyền lợi” của Trung Quốc đã mở rộng hơn. Điều này đã được bình luận viên Hoàng Khôn Luân của Nhật báo Quân giải phóng nhắc đến, rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc đã đi ra khỏi vùng lãnh thổ đất đai, biển, trời mà còn gồm cả những vùng như các đại dương mênh mông nơi có tàu dầu Trung Quốc qua lại - cũng như thượng tầng không gian.[5] Chính vì thế, Trung Quốc hiện nay rất quan tâm đến việc bảo vệ các lợi ích an ninh chiến lược tại Biển Đông cũng như những quyền lợi kinh tế, năng lượng, khoáng sản rất quan trọng ở Trung Á, Trung Đông và Châu Phi.

            Thứ tư, ưu tiên của một số nhóm chủ thể và trường phái tư duy đối ngoại có khuynh hướng đẩy chính sách đối ngoại Trung Quốc theo chiều hướng cứng rắn hơn. Họ cho rằng Trung Quốc cần tích cực, chủ động tham gia vào định hình một trật tự thế giới phù hợp với lợi ích phát triển của mình hơn, thay vì tiếp tục “ẩn mình chờ thời”, chấp nhận những luật chơi do Mỹ và phương Tây đặt ra. Gần đây, quân đội Trung Quốc là đại diện tiêu biểu cho luồng quan điểm này, đôi khi còn thể hiện thái độ và hành động cứng rắn hơn so với quan điểm chính thống của giới lãnh đạo. Trong nước, quân đội đã tích cực tuyên truyền quan điểm đối ngoại của mình thông qua việc tham gia vào các kênh nghiên cứu, học giả. Ngoài nước, quân đội có những hành động khiêu khích đơn phương, đôi lúc dường như không thông qua ý kiến của các nhà lãnh đạo dân sự (chẳng hạn như vụ thử máy bay tàng hình của quân đội Trung Quốc ngay trong chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates).

5. Hệ lụy đối với chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông:

Trong các chủ thể hiện nay có ảnh hưởng lớn đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đáng chú ý phải kể đến vai trò của quân đội (PLA) và các tập đoàn dầu khí nhà nước vì lợi ích của hai nhóm này sẽ có thể tác động trực tiếp đến chiều hướng chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhiều đánh giá cho rằng tiếng nói của quân đội sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong các vấn đề đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Thứ nhất, Hội đồng Quân ủy Trung ương (CMC) luôn duy trì kênh tham vấn trực tiếp với Bộ Chính trị nhưng lãnh đạo dân sự duy nhất trong CMC là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ngoài ra không có một thành viên dân sự nào khác. Tập Cận Bình được xem là người kế nhiệm vị trí Chủ tịch CMC của Hồ Cẩm Đào nhưng được cho là có ít kinh nghiệm đối ngoại. Một điểm đáng chú ý khác nữa là xu hướng tập quyền trong Bộ Chính trị đang có xu hướng giảm dần. So với thời kỳ của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, vai trò quyết định của Chủ tịch Ủy ban thường vụ như Hồ Cẩm Đào (hay ứng cử viên sắp tới là Tập Cận Bình) đã giảm đi khá nhiều. Thay vào đó, mọi quyết định thông qua bằng cơ chế đồng thuận, và sự đấu tranh giữa các phe phái cũng gay gắt hơn. Vì thế, Chủ tịch sắp tới cần phải dựa nhiều hơn vào vai trò của CMC để củng cố sự lãnh đạo của mình.

Thứ hai, mâu thuẫn trong xã hội Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng do nhiều yếu tố: chênh lệch giàu nghèo, áp lực việc làm, bất bình đẳng xã hội, và xung đột sắc tộc. Tầng lớp trung lưu ngày càng phẫn nộ trước sự tham nhũng của các quan chức chính phủ, tình trạng độc quyền của nhà nước và các chính sách động chạm đến lợi ích thiết thân của họ. Với những bài học về bạo động và bất ổn chính trị ở Bắc Phi, Trung Đông, chắc chắn những nhà lãnh đạo Bắc Kinh sẽ cần đến vai trò của quân đội để tránh các cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra đến với Trung Quốc.

Thứ ba, trong những năm gần đây, với chính sách tăng cường hiện đại hóa quân đội và tập trung xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng và tài nguyên của Trung Quốc, ảnh hưởng và quyền lực của quân đội với đối ngoại càng rõ rệt hơn. Xu hướng dân tộc chủ nghĩa trong quân đội được xem là đại diện tốt hơn cho quan điểm của quần chúng. Cuốn sách bán chạy nhất năm 2010, “Giấc mộng Trung Hoa” của Đại tá Lưu Minh Phúc, Giám đốc Viện Phát triển Quân sự thuộc Đại học Quốc Phòng đã chỉ ra rằng Trung Quốc cần theo đuổi một chiến lược “trỗi dậy quân sự” mới nhằm tiến đến vị trí lãnh đạo toàn cầu và cạnh tranh với Mỹ. Đáng lưu ý, nhà cầm quyền Trung Quốc không hề cấm xuất bản tác phẩm này như những cuốn sách có hơi hướng cực đoan trước đây của một số sĩ quan quân đội. Trung tướng Lưu Á Châu, Chính ủy của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, trợ lý thân cận của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, đã viết lời đề tựa cho cuốn sách này.

Điều này càng khẳng định cho chiều hướng dân tộc chủ nghĩa và cứng rắn của Trung Quốc trong chính sách ở Biển Đông thời gian tới. Trong các vấn đề biên giới lãnh thổ, quân đội thường có thái độ quả quyết, từng khẳng định Trung Quốc có “lợi ích quốc gia cốt lõi” đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Với sự mở rộng vai trò của hải quân (Trung Quốc đang tập trung xây dựng các tàu sân bay), nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư để tăng cường kiểm soát và bành trướng lực lượng để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Bên cạnh đó, sự chồng chéo thẩm quyền giữa các lực lượng phòng vệ bờ biển cũng thường tạo nên tình trạng mâu thuẫn chính sách giữa các cơ quan chuyên trách, gây khó khăn cho các nước trong tranh chấp như Việt Nam.[6] Trong trao đổi riêng, TS. Li Mingjiang cho biết một trong những nguyên nhân Trung Quốc hoạt động mạnh trên thực địa ở Biển Đông là do vấn đề bắt ngư dân đôi khi là “việc làm ăn” của các lực lượng thực thi pháp luật, họ có lợi ích cục bộ trong việc bắt tàu cá, nhận tiền chuộc. Bộ Ngoại giao hay các tỉnh giáp biển có muốn duy trì quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng đôi khi cũng “không làm được gì”.

Các tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc (lớn nhất hiện nay có CNPC, Sinopec và CNOOC) cũng đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Không thể phủ nhận một thực tế, việc bảo đảm nguồn cung năng lượng đã trở thành ưu tiên đối với giới cầm quyền Bắc Kinh vì nó yếu tố quyết định sự tăng trưởng ổn định của kinh tế Trung Quốc. Hoạt động của các tập đoàn này đôi khi gắn chặt với lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Những hợp đồng khai thác ngoài nước của các tập đoàn dầu khí Trung Quốc có thể cùng lúc phục vụ hai mục tiêu: giúp đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và mở rộng ảnh hưởng địa-chính trị của Trung Quốc. Chính vì vậy, lợi ích của các tập đoàn năng lượng rất có sức nặng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, chưa kể đến việc người đứng đầu các tập đoàn nhà nước này thường nắm giữ những vị trí trọng yếu trong Đảng/ chính phủ. Trong thời gian tới, các tập đoàn này có thể đẩy chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông theo chiều hướng thực dụng – tiếp tục các dự án khai thác chung, phục vụ các lợi ích kinh tế trước mắt – nhưng mặt khác lại góp phần củng cố chính sách “tằm ăn rỗi” của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền thông qua các hoạt động khai thác trên thực địa và giành lợi ích của nước lớn (lion’s share) trong các thỏa thuận khai thác chung.

Tóm lại, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chính sách ở Biển Đông theo cả hai hướng: vừa cứng rắn, kiên quyết để bảo vệ các lợi ích liên quan đến chủ quyền lãnh thổ thông qua việc hiện đại hóa quân đội, tăng cường sự hiện diện của lực lượng hải quân để tạo ra không gian phát triển an toàn xung quanh Trung Quốc. Đồng thời, các tập đoàn nhà nước Trung Quốc (chủ yếu ở đây là năng lượng và khoáng sản) sẽ tiếp cận trên quan điểm thực dụng, tranh thủ thời cơ để đẩy mạnh các dự án khai thác chung ở Biển Đông, tối đa hóa các lợi ích kinh tế. Sự phân hóa của các chủ thể khác nhau trong xã hội Trung Quốc cho thấy một bức tranh về quá trình hoạch định chính sách phức tạp hơn, nhưng nhìn chung tất cả đều dựa trên nền tảng nhìn nhận khá hạn hẹp về lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Nguyễn Minh Ngọc

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.


[1]Nội dung bài viết chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả.

[2] Jakobson, Linda; Knox, Dean (2010) “New Foreign Policy Actors in China,” Stockholm International Peace Research Institute Policy Paper No. 26, http://books.sipri.org/product_info?c_product_id=410.

[3] Shambaugh, David (2011) “Coping with a Conflicted China,” The Washington Quarterly, Vol. 34, No. 1, pp. 7-27

[4] Jisi, Wang (2011), “China’s Search for a Grand Strategy”, Foreign Affairs, March/ April 2011.

[5] Hoàng viết: “Nơi nào mà lợi ích quốc gia của chúng ta mở đến, thì đó là nhiệm vụ của lực lượng vũ trang chúng ta. Với nhiệm vụ lịch sử mới mẽ của chúng ta, các lực lượng vũ trang phải không chỉ bảo vệ ‘biên giới lãnh thổ quốc gia’ mà phải cả đến ‘biên giới lợi ích quốc gia’.” Xem thêm Huang Kunlun, “Our army must transcend concepts of [the protection of] territorial integrity so as to safeguard national security,” Liberation Army Daily, April 1, 2009.

[6] Trong bài viết “Năm con rồng khuấy động biển cả” của Lyle J. Goldstein, tác giả đã chỉ ra hiện nay có ít nhất năm lực lượng khác nhau có trách nhiệm liên quan đến việc bảo vệ bờ biển: (i) lực lượng Hải cảnh thuộc Bộ phận Kiểm soát Biên giới của Cảnh sát Vũ trang nhân dân Trung Quốc; (ii) cơ quan An ninh Hàng hải thuộc Bộ Giao thông Vận tải; (iii) lực lượng Ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp; (iv) Tổng cục thuế; và (v) cơ quan Hải gián thuộc Cục Hải dương. Xem thêm Lyle J. Goldstein, “

Five Dragons Stirring Up the Sea: Challenge and Opportunity in China’s Improving Maritime Enforcement Capabilities”, Naval War College, China Maritime Study 5, April 2010.