05/07/2016
Trước việc Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc thách thức vai trò của Mỹ, đặc biệt gây căng thẳng ở Biển Đông, làm ảnh hưởng đến lợi ích và mục tiêu của Mỹ ở khu vực này, Mỹ thấy cần thiết phải điều chỉnh chính sách Biển Đông để có một chính sách rõ ràng hơn, quyết liệt hơn.
Tóm tắt:
Chính sách của một nước đối với một khu vực đều lấy lợi ích quốc gia làm căn cứ và chính sách của Mỹ đối với Biển Đông cũng không ngoại lệ. Lợi ích chiến lược của Mỹ ở Biển Đông đan xen nhau, từ tự do qua lại trên Biển Đông, duy trì khu vực ổn định đến quan hệ đồng minh chiến lược và lợi ích kinh tế trong quan hệ với các đối tác và khai thác nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển của Mỹ.
Sau Chiến tranh lạnh vào giữa những năm 90, khi tình hình Biển Đông có biến động do những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở khu vực, Mỹ đã công bố chính sách đối với Biển Đông, trong đó nêu rõ lập trường trung lập về mặt pháp lý đối với tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, nhưng thái độ đối với cuộc tranh chấp vẫn còn mơ hồ, đối sách chưa rõ ràng, động thái chưa đủ mạnh đối với tình hình căng thẳng ở Biển Đông lúc đó. Tuy nhiên, trước ý đồ độc chiếm Biển Đông ngày càng lộ rõ và những hành động leo thang gây căng thẳng của Trung Quốc ở khu vực ngày càng quyết liệt, gần đây Mỹ đã có những điều chỉnh chính sách Biển Đông để bảo vệ “lợi ích quốc gia” của mình. Bài viết cũng phân tích và đánh giá những nguyên nhân dẫn đến những điều chỉnh chính sách Biển Đông của Mỹ.
Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông
Lợi ích tự do hàng hải
Là một cường quốc biển tiếp giáp với hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương (TBD) và Đại Tây Dương (ĐTD), tự do hàng hải là một lợi ích sống còn đối với Mỹ. Biển Đông là con đường huyết mạch quan trọng và là một trong các tuyến đường biển bận rộn nhất trên thế giới cho việc vận chuyển thương mại và năng lượng toàn cầu.1 Trong trường hợp xảy ra xung đột, tàu chở hàng phải chuyển hướng sang đường khác sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giao thông trên Biển Đông do chi phí vận tải tăng và thời gian đi lại lâu hơn, tác động xấu đến các nền kinh tế khu vực và thế giới, nhất là Mỹ. Xung đột ở bất kỳ mức độ hay phạm vi nào ở Biển Đông cũng sẽ tác động đến việc tự do đi lại trên biển. Mỹ không thể để xảy ra xung đột ở Biển Đông gây nguy hiểm cho an ninh và kinh tế Mỹ.
Tự do hàng hải trên Biển Đông còn là một vấn đề tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc về quyền hoạt động của các tàu quân sự Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc. Theo quan điểm của Mỹ giải thích Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS 1982), tất cả các quốc gia đều có quyền tự do “qua lại vô hại”[1] trên biển, kể cả quyền tự do hàng hải trong EEZs của bất kỳ quốc gia tiếp giáp biển nào. Mỹ đã nhiều lần khẳng định và thực hiện quyền tự do đó trong EEZ của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo một chuyên gia quân sự Mỹ, ngoài việc được qua lại EEZ của các nước khác “Mỹ còn được quyền quá cảnh 135 eo biển chiến lược trên thế giới”; và tất cả các nước, “đặc biệt là Trung Quốc, cần hiểu rằng Mỹ đã tham chiến để bảo đảm tự do hàng hải và tiếp tục làm như vậy”.[2]
Hơn nữa, qua lại tự do trên Biển Đông giúp Mỹ triển khai sức mạnh quân sự không chỉ ở khu vực Đông Á mà cả trên khắp thế giới vì nhiều tàu chiến của Mỹ đóng ở bờ biển phía Tây nước Mỹ, trên đảo Guam, xung quanh Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a có thể đi tới Ấn Độ Dương (ÂĐD) qua Biển Đông. Như vậy, Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào việc đi lại trên biển cũng như trên bầu trời qua Biển Đông để triển khai các lực lượng vũ trang của Mỹ giữa TBD và ÂĐD. Mỹ cho rằng việc Trung Quốc lý giải các nước ven biển có quyền chủ quyền đối với EEZ để hạn chế các hoạt động khảo sát, trinh thám quân sự của Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc trong tương lai. Nếu các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông trong khu vực “đường đứt khúc 9 đoạn” dần dần được thừa nhận thì Mỹ sẽ bị ngăn cản đi lại trên Biển Đông. Trung Quốc khăng khăng đòi các hoạt động trinh thám phải thông báo trước hoặc được các nước tiếp giáp biển cho phép. Ngược lại, Mỹ cho rằng tàu quân sự của tất cả các nước được tiến hành các hoạt động quân sự ở EEZ mà không cần thông báo hoặc được sự đồng ý của các nước tiếp giáp biển. Việc Trung Quốc thường xuyên ngăn cản các hoạt động trinh thám của hải quân và không quân Mỹ trên Biển Đông sẽ tăng nguy cơ đụng độ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Lợi ích an ninh
Ổn định khu vực
Mỹ có lợi ích chiến lược quan trọng trong việc duy trì ổn định ở khu vực Biển Đông, nhất là đối với các tuyến đường vận tải biển (SLOCs), vì ổn định khu vực sẽ đảm bảo thịnh vượng và phát triển cho cả khu vực Đông Á và Mỹ. Nếu xảy ra xung đột hoặc tình hình an ninh căng thẳng sẽ cản trở phái triển kinh tế, kể cả việc khai thác tài nguyên cho phát triển, làm suy giảm thương mại và hạn chế luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và làm gián đoạn các SLOC đi qua Biển Đông. Trong tình hình hiện nay, Mỹ cho rằng ổn định khu vực Biển Đông đứng trước một số thử thách: (i) nguy cơ tiềm tàng xảy ra xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và các bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông do Trung Quốc ngày càng gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông; các cuộc xung đột vũ trang nhỏ lẻ về tranh chấp lãnh thổ có nguy cơ lan tỏa, tác động tới tình hình an ninh khu vực; (ii) Trung Quốc thường xuyên sử dụng các biện pháp chèn ép, gây áp lực, đe dọa dùng vũ lực đối với việc thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa và EEZ của các nước tiếp giáp Biển Đông, của các công ty nước ngoài liên doanh khai thác dầu khí với các nước khu vực, và cuộc sống mưu sinh hàng ngày (như đánh bắt cá) của ngư dân các nước trong khu vực; (iii) Khả năng đụng độ trên biển giữa Mỹ và Trung Quôc khi Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự, thăm dò, do thám ở Biển Đông; những cuộc đụng độ hoặc đối đầu giữa lực lượng hải quân và không quân Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua khiến tình hình khu vực càng thêm căng thẳng; (iv) Sự hiện đại hóa hải quân của các nước khu vực đang diễn ra nhằm đối phó với các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông; trước việc tăng chi phí và hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc, các nước khu vực khác cũng gia tăng sức mạnh hải quân dẫn đến nguy cơ tạo ra cuộc chạy đua xây dựng hải quân trong khu vực. Vì vậy, ổn định khu vực là một ưu tiên mà Mỹ quan tâm trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ.
Mạng lưới liên minh
Mỹ có một hệ thống đồng minh với các nước trong khu vực châu Á-TBD kéo dài từ Đông Bắc Á (ĐBÁ) xuống Nam TBD trong đó có Phi-líp-pin và Thái Lan ở Đông Nam Á (ĐNÁ). Mặc dù Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ đứng trung lập khi đồng minh bị tấn công vì Mỹ có nghĩa vụ an ninh, hỗ trợ phòng thủ đối với các nước đồng minh. Thực hiện cam kết đối với đồng minh cũng chính là đảm bảo an ninh của Mỹ ở khu vực châu Á-TBD. Hệ thống liên minh của Mỹ là trụ cột cho chính sách chuyển hướng chiến lược sang châu Á-TBD, hỗ trợ cho vai trò lãnh đạo của Mỹ để đối phó với những thách thức về an ninh ở khu vực. Tại ĐNÁ Mỹ đang tiến hành nâng cấp và tăng cường quan hệ liên minh với Phi-líp-pin và Thái Lan, tăng số lượng tàu viếng thăm và huấn luyện chống khủng bố cho quân đội Phi-líp-pin.[3] Phi-líp-pin là đồng minh lâu năm nhất và là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á. Trong lịch sử hai nước đã nhiều lần cùng tham chiến trong các cuộc chiến tranh nóng. Theo Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) ký năm 1951 giữa Mỹ và Phi-líp-pin, Mỹ có nghĩa vụ “hành động để đối phó với nguy hiểm chung khi lãnh thổ hoặc các lực lượng vũ trang, tàu bè hoặc máy bay của Phi-líp-pin ở TBD bị tấn công”.[4] Mặc dù giữa Mỹ và Phi-líp-pin còn có sự giải thích khác nhau về MDT liên quan đến các đảo Phi-líp-pin chiếm giữ ở Biển Đông,[5] nhưng một điều chắc chắn rằng khi an ninh của Phi-líp-pin bị đe dọa, Mỹ sẽ có biện pháp ứng cứu. Bên cạnh MDT, Mỹ và Phi-líp-pin còn ký Hiệp định viếng thăm giữa các lực lượng vũ trang (VFA) năm 1998 khẳng định hai bên có nghĩa vụ thực hiện MDT và “thúc đẩy lợi ích an ninh chung”.[6]
Hợp tác Mỹ-Trung
Mỹ có lợi ích trong việc duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc để tiếp tục hợp tác về các vấn đề toàn cầu vả lôi kéo Trung Quốc tham gia vào hệ thống quốc tế do Mỹ chủ đạo. Quan hệ Mỹ - Trung bao gồm nhiều lĩnh vực từ chính trị - đối ngoại, an ninh - quốc phòng, thương mại - kinh tế đến môi trường, nhân quyền, từ quan hệ song phương đến quan hệ đa phương trong khu vực và toàn cầu. Đặc biệt hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới tùy thuộc lẫn nhau rất lớn. Từ sức mạnh kinh tế, Trung Quốc tiến hành chương trình hiện đại hóa quốc phòng và trở thành một cường quốc có thể thách thức vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á-TBD. Thực tiễn và lịch sử cho thấy khi thế giới xuất hiện cường quốc mới thường xuất hiện xung đột mới. Cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn xây dựng một “mô hình mới về quan hệ giữa các nước lớn” theo đó Mỹ không cản trở sự “trỗi dậy” của Trung Quốc và Trung Quốc cam kết “phát triển hòa bình”.[7] Vấn đề duy trì ổn định và an ninh ở khu vực châu Á-TBD trong đó có khu vực Biển Đông đối với Mỹ không phải là vấn đề đơn giản vì lo ngại Trung Quốc triển khai chương trình hiện đại hóa quân sự, thường xuyên đe dọa dùng vũ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển với các nước láng giềng. Quan hệ quốc phòng giữa hai nước tuy được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn còn mong manh. Trung Quốc cho rằng chính sách “tái cân bằng châu Á-TBD” và “xoay trục hướng sang châu Á” của chính quyền Obama là nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Chính vì vậy, một trong các ưu tiên hàng đầu của Mỹ là xác định và mở rộng các lĩnh vực đồng lợi ích với Trung Quốc, khuyến khích Trung Quốc tích cực tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Lợi ích kinh tế
Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu là lợi ích an ninh, nhưng lợi ích về kinh tế cũng không kém phần quan trọng vì nó hỗ trợ cho việc bảo vệ lợi ích chiến lược của Mỹ. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Mỹ với các nước ĐNÁ và Trung Quốc ngày càng tăng. ĐNÁ ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong tính toán chiến lược và phát triển kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á-TBD. Trong thập kỷ tới, ĐNÁ là tiềm năng lớn để Mỹ tăng trưởng kinh tế, tăng thế cạnh tranh, tạo việc làm mới và mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là đối với các nền kinh tế đang nổi lên ở khu vực.[8] Mỹ cũng có lợi ích lớn trong việc duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc. Sau 35 năm cải cách và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây là một thị trường thương mại và đầu tư rộng lớn mà Mỹ không thể bỏ qua. Sự tương tác giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Mỹ.[9]
Bên cạnh quan hệ kinh tế - thương mại và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và các nước khu vực ngày càng gia tăng, ngày càng nhiều các công ty dầu khí Mỹ tham gia thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông. Những công ty dầu khí Mỹ hàng đầu thế giới như ExxonMobil, Chevron, ConocoPhillips… đã và đang liên doanh với các công ty dầu khí nhà nước của Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Trung Quốc và Việt Nam để thăm dò và khai thác nguồn dầu khí nhiều tiềm năng[10] ở lãnh hải và EEZ của các nước này trên Biển Đông mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Trước tình hình nguồn năng lượng dầu khí trên thế giới ngày càng cạn kiệt, khối lượng tiêu thụ nguồn nhiên liệu này ngày càng tăng, với lợi thế mạnh về công nghệ, Mỹ càng quan tâm đến tiềm năng dầu khí ở Biển Đông.
Những điều chỉnh chính sách Biển Đông của Mỹ
Chính sách Biển Đông của Mỹ sau Chiến tranh lạnh
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Trung Quốc đã có ý đồ thâu tóm toàn bộ Biển Đông. Tháng 2/1992, Trung Quốc thông qua luật lãnh hải, yêu sách gần như toàn bộ chủ quyền ở Biển Đông. Tiếp ngay sau đó, Trung Quốc bắt đầu có những hành động gây căng thẳng như ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty Crestone của Mỹ trên thềm lục địa của Việt Nam, xuất bản bản đồ yêu sách lãnh hải đến tận nhóm đảo Natuna trong vùng EEZ của In-đô-nê-xi-a. Tháng 2/1995, Trung Quốc chiếm đảo đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa do Phi-líp-pin chiếm giữ và xây dựng các cấu trúc kiên cố giống như các căn cứ quân sự trên đảo. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc trực tiếp thách thức một quốc gia ĐNÁ trong ASEAN là Phi-líp-pin, đánh chiếm đảo do nước này chiếm giữ ở Biển Đông.[11] Phi-líp-pin lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc bác bỏ, vin vào cớ xây dựng các cấu trúc để cho ngư dân tránh bão. Hành động này của Trung Quốc gây căng thẳng và lo ngại khắp cả khu vực và thế giới, vì tình hình bất ổn định này có thể dẫn đến xung đột vũ trang như đã từng xảy ra trước đây. Dư luận cho rằng nếu xảy ra xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Phi-líp-pin sẽ ảnh hưởng đến lợi ích an ninh và kinh tế của Mỹ vì Phi-líp-pin là đồng minh của Mỹ ở khu vực. Ngay sau sự kiện đảo Vành Khăn, tháng 5/1995 Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định lợi ích và lập trường của Mỹ. Tuyên bố tháng 5/1995 của Mỹ gồm 5 điểm:[12]
(i) Mỹ kiên quyết chống lại việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các yêu sách chủ quyền và kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành động làm mất ổn định;
(ii) Mỹ có lợi ích phải tuân thủ trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; tự do hàng hải là lợi ích sống còn của Mỹ, là quan trọng đối với thịnh vượng của toàn bộ khu vực châu Á- TBD, kể cả của Mỹ;
(iii) Mỹ kêu gọi các bên tăng cường các nỗ lực ngoại giao để giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền, có tính đến lợi ích của tất cả các bên; Mỹ sẵn sàng hỗ trợ bằng bất cứ cách nào mà các bên yêu sách thấy có lợi;
(iv) Mỹ đứng trung lập về mặt pháp lý đối với các yêu sách đòi chủ quyền các đảo, đảo san hô, cồn đảo ở Biển Đông;
(v) Mỹ bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và coi bất kỳ yêu sách chủ quyền biển đảo nào hoặc bất kỳ hành động hạn chế các hoạt động trên Biển Đông đều không phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS 1982.
Đây là lần đầu tiên kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Mỹ đưa ra chính sách về Biển Đông. Tuy nhiên, lời lẽ trong Tuyên bố còn chung chung, đối sách chưa rõ ràng, động thái chưa đủ mạnh đối với tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Mỹ đã không có những phản ứng ngoại giao và những động thái chính sách mạnh mẽ cần thiết trước sự kiện Vành Khăn trừ việc ra Tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao.
Điều chỉnh chính sách
Tình hình an ninh ở Biển Đông trở nên xấu đi rất nhiều so với giữa thập niên 1990 khi Trung Quốc chiếm đảo Vành Khăn do Phi-líp-pin chiếm giữ. Sức mạnh quân sự và ảnh hưởng của Trung Quốc cũng tăng lên nhiều, trở thành thách thức lớn và yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc ngày càng quyết liệt khiến Mỹ thêm lo ngại. Tình hình này đòi hỏi Mỹ phải có thái độ và động thái mạnh mẽ và rõ ràng hơn.
Năm 2010, sau 15 năm công bố chính sách Biển Đông, Mỹ quyết định điều chỉnh chính sách Biển Đông để đáp lại sự leo thang gây căng thẳng của Trung Quốc. Tại cuộc họp hàng năm của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tháng 7/2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ khi đó, bà Hilary Clinton (quan chức cao cấp nhất của Mỹ từ trước đến nay) đã trình bày bài diễn văn quan trọng trong đó thể hiện rõ hơn chính sách của Mỹ về Biển Đông. Trong tuyên bố công khai, ngoài việc nhắc lại nội dung chủ yếu trong Tuyên bố 1995 về Biển Đông, Ngoại trưởng H. Clinton đã nhấn mạnh những điểm mới so với chính sách năm 1995.
Thứ nhất, về “lợi ích quốc gia”, đó là lợi ích của Mỹ qua lại trên Biển Đông, duy trì ổn định khu vực để trao đổi kinh tế-thương mại, hợp tác và phát triển với các đối tác ở khu vực và những lợi ích kinh tế khác; và đã là “lợi ích quốc gia” thì Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ. Trong nhiều năm qua, khi Trung Quốc làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng, Mỹ luôn bày tỏ lo ngại tình hình khu vực sẽ ảnh hưởng đến tự do qua lại trên Biển Đông. Nhưng lần này, Ngoại trưởng Mỹ đã công khai làm cho Trung Quốc khó chịu khi nhiều lần nhấn mạnh tới các lợi ích của Mỹ tại đây là những “lợi ích quốc gia”. Đặc biệt khi Trung Quốc nói với Mỹ Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” thì Ngoại trưởng H. Clinton đã thẳng thừng bác bỏ.[13]
Thứ hai, về “tiến trình ngoại giao hợp tác”, Mỹ ủng hộ đối thoại đa phương, ủng hộ quốc tế hóa vấn đề Biển Đông,[14] ngược với ý đồ của Trung Quốc là thương lượng song phương để dễ bề “chèn ép” các bên liên quan khác. Mỹ đã công khai kêu gọi các bên liên quan thương lượng đa phương, không chỉ dừng lại việc ủng hộ DOC mà tiến tới xây dựng COC đầy đủ.[15] Mỹ coi Biển Đông là một vấn đề quốc tế nên cho rằng vấn đề Biển Đông phải được bàn bạc tại các diễn đàn chính của khu vực như ARF, Cấp cao Đông Á, Cấp cao ASEAN mở rộng (ASEAN+), Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (PMC) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Thậm chí Ngoại trưởng H. Clinton còn gợi ý Mỹ sẵn sàng đứng ra làm trung gian và tạo điều kiện thuận lợi cho thương lượng giữa ASEAN và Trung Quốc.
Thứ ba, về “không được chèn ép”: Lập trường xuyên suốt của Mỹ ở Biển Đông là Mỹ kiên quyết chống lại việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Trong tuyên bố 2010, Ngoại trưởng Mỹ còn nhấn mạnh việc các bên không được dùng vũ lực để “chèn ép, dọa nạt” và gây áp lực với các nước khác, thực chất là ám chỉ Trung Quốc. Việc phản đối “sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp quốc tế” là lập trường chung trong luật pháp quốc tế, thường được viện dẫn để lên án những hành động gây chiến, còn việc “chèn ép, dọa nạt” thường là hành động khó nhận dạng hơn của các nước lớn dùng sức mạnh, nhất là sức mạnh quân sự, đối với các nước nhỏ hơn. Đây chính là chính sách “ngoại giao pháo hạm” mà Trung Quốc đang thực hiện trên Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đối thoại và ngoại giao, “tránh chèn ép, bắt nạt, dọa nạt, hay dùng vũ lực” trong các diễn văn sau này.
Thứ tư, về “yêu sách chính đáng”: Việc Ngoại trưởng H. Clinton nhấn mạnh cụm từ “các yêu sách chính đáng chỉ có thể xuất phát từ đặc điểm đất đai” cho thấy Mỹ chống lại yêu sách phi lý của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, hạn chế quyền đi lại trên biển dựa trên cơ sở “đường đứt khúc 9 đoạn”; cho rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, không dựa trên nguyên tắc căn cứ vào đất để phân định ranh giới biển - một nguyên tắc chiếm ưu thế trong UNCLOS 1982. Đây rõ ràng là một bình luận thách thức tính chính đáng của yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc. Mặc dù lập trường của Mỹ là không ủng hộ bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng lập trường của Mỹ rất rõ về việc xác định ranh giới biển, trước hết phải xuất phát từ đất. Ngoại trưởng H. Clinton nhấn mạnh các bên theo đuổi yêu sách lãnh thổ phải phù hợp với UNCLOS 1982. Điều này thách thức yêu sách của Trung Quốc dựa trên căn cứ lịch sử thay vì căn cứ pháp lý. Theo các học giả và chuyên gia luật pháp quốc tế thì căn cứ lịch sử không có chỗ đứng hoặc ít giá trị trong UNCLOS 1982 và luật quốc tế.[16]
Bài diễn văn của Ngoại trưởng H. Clinton khi đó đã khiến Trung Quốc tức giận. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì dự Diễn đàn ARF cho rằng Mỹ đã “công kích” trực tiếp vào Trung Quốc.[17] Xã luận của Tân Hoa Xã nói Ngoại trưởng Mỹ đã công khai xen vào vấn đề Biển Đông, nhiều lần nhấn mạnh tới các lợi ích của Mỹ tại đây và công khai ủng hộ lập trường của các nước ASEAN, làm phức tạp thêm tranh chấp Biển Đông.[18] Còn dư luận Mỹ thậm chí cho rằng: “Clinton đã thay đổi chính sách Trung Quốc của Mỹ ở Biển Đông”.[19] Thực tế, qua ngôn từ trong diễn văn của Ngoại trưởng Mỹ và phát biểu của các quan chức cao cấp khác có thể thấy đã có những điều chỉnh trong chính sách Biển Đông của Mỹ. Dư luận cho rằng bằng việc nêu lập trường tích cực và chi tiết hơn, Mỹ đã điều chỉnh lập trường trung lập đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, không còn “vô tư” như trước.
Những động thái điều chỉnh sách tiếp theo
Phát biểu của các quan chức cao cấp
Từ sau Diễn văn chính sách của Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton, rất nhiều quan chức cao cấp và nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ đã có những phát biểu về chính sách Biển Đông của Mỹ với lập trường mạnh mẽ và rõ ràng hơn, thể hiện những điều chỉnh chính sách của Mỹ. Tại Đối thoại Shangri-la năm 2010, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã miêu tả cuộc tranh chấp “gây ra lo ngại ngày càng tăng trong khu vực”, phản đối việc dọa nạt các công ty Mỹ, kêu gọi các bên liên quan “giải quyết bất đồng bằng những nỗ lực hòa bình, đa phương phù hợp với luật pháp quốc tế”.[20] Cựu Tư lệnh Hạm đội TBD của Mỹ, Đô đốc Patrick Walsh cảnh báo rằng cuộc xung đột có thể nhanh chóng chuyển từ “xung đột cục bộ có thể quản lý được sang xung đột giữa nhà nước với nhà nước” do thông tin sai, nhận thức sai hoặc tính toán sai.[21] Vấn đề Biển Đông cũng lan tỏa tới nghị trường Mỹ. Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết lên án Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông và kêu gọi cần có một giải pháp quốc tế cho cuộc tranh chấp lãnh thổ.[22]
Tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/8/2012 tiếp tục bày tỏ “lo ngại về căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông và theo dõi chặt chẽ tình hình”, nêu đích danh Trung Quốc là nguyên nhân gây nên tình hình căng thẳng, cho rằng “việc nâng cấp hành chính thành phố Tam Sa và thiết lập trạm đồn trú quân sự tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông là đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết những khác biệt và nguy cơ căng thẳng leo thang ở khu vực”. Tuyên bố cũng công khai “ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của ASEAN nhằm đạt được đồng thuận về cơ chế quản lý và ngăn chặn xung đột và nguyên tắc 6 điểm của ASEAN” cũng như việc “đạt được COC toàn diện về Biển Đông”.[23]
Phát biểu trong chuyến thăm mới đây tới Việt Nam, đương kim Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nêu rõ: “Hòa bình và ổn định ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu đối với Mỹ và các nước trong khu vực”; Mỹ rất lo ngại và “cực lực chống lại những thủ đoạn cưỡng ép và xâm lược để yêu sách chủ quyền”.[24] Ngoại trưởng J. Kerry cũng cảnh cáo Trung Quốc không được thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.[25] Thậm chí Tổng thống B. Obama cũng lên tiếng về Biển Đông trong cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo ASEAN bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Niu-oóc và ra thông cáo chung trong đó nêu rõ Mỹ “chống lại việc sử dụng sức mạnh để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông”.[26] Ngay đầu năm 2014, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc làm sáng tỏ và điều chỉnh lại các yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông, cho rằng “bất cứ tuyên bố chủ quyền biển nào của Trung Quốc không gắn với các đặc điểm địa lý đã được xác định đều là trái với luật pháp quốc tế” và những yêu sách này đã tạo ra “sự bất trắc, bất an, bất ổn” trong các nước khu vực.[27]
Điều chỉnh trên thực địa
Điều chỉnh chính sách của Mỹ ở Biển Đông là một phần trong chiến lược đối với khu vực Đông Á và châu Á-TBD. Các hoạt động này bao gồm việc Mỹ ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) tháng 7/2009, tham gia Cấp cao Đông Á hàng năm từ 2011, nhấn mạnh đảo Guam là cơ sở triển khai lực lượng quân sự tiền tiêu ở Đông Á, tuyên bố “chính sách tái cân bằng châu Á-TBD” qua việc chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang châu Á, tăng cường quan hệ với các đồng minh, tăng cường hợp tác quân sự với các đối tác khu vực. Mỹ bắt đầu tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước ASEAN, cùng chia sẻ lo ngại đối với Trung Quốc như khởi động lại quan hệ quốc phòng với In-đô-nê-xi-a,[28] cam kết hỗ trợ châu Á về quốc phòng [29], cải thiện quan hệ quốc phòng với Việt Nam... Chiến lược này bao gồm việc Mỹ tiếp tục có mặt quân sự ở khu vực, các hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải, mở rộng và tăng cường ngoại giao quốc phòng và hỗ trợ xây dựng năng lực cho các quốc gia Đông Nam Á như Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam nhằm ngăn ngừa căng thẳng ở Biển Đông tăng lên. Ngoại trưởng H. Clinton khi đó cho rằng cần thiết phải “xây dựng lòng tin và thiết lập quy tắc chỉ đường cho các lực lượng quân sự hoạt động thuận lợi hơn”. Điều này chứng tỏ Mỹ thấy DOC năm 2002 là chưa đầy đủ, chưa cụ thể và chưa ràng buộc.
Mỹ và Phi-líp-pin cũng đang thăm dò khả năng ký hiệp định “cho phép các lực lượng Mỹ hoạt động tại các căn cứ quân sự, lãnh thổ và vùng biển của Phi-líp-pin để giúp xây dựng năng lực của các lực lượng vũ trang Phi-líp-pin về an ninh và cảnh giác trên biển”, mở đường cho việc luân chuyển quân đội Mỹ và các hoạt động liên quan thường xuyên hơn khi Mỹ đóng cửa căn cứ quân sự ở Phi-líp-pin vào giữa những năm 1990,[30] sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp Trung Quốc gây xung đột với Phi-líp-pin ở Biển Đông.[31] Hải quân Mỹ hứa tăng cường sự có mặt và từng bước hỗ trợ xây dựng khả năng của các nước khu vực, kể cả các nước ĐNÁ có yêu sách chồng lấn với Trung Quốc. Bên cạnh việc tăng cường sự có mặt quân sự ở ĐNÁ, Mỹ cùng với các nước đồng minh và đối tác ở khu vực tiếp tục nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông tại các diễn đàn an ninh khu vực để có thể giải quyết một cách cơ bản ngay cả khi Trung Quốc phản đối “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông. Mỹ đang giúp một số nước ĐNÁ cải thiện các hoạt động giám sát biển, tăng cường khả năng quân sự cho Phi-líp-pin theo dõi và phản ứng trước các hoạt động hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông.[32]
Lý do của sự điều chỉnh
Thứ nhất, yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ngày càng phi lý, không có cơ sở pháp lý và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế
Để thực hiện tham vọng và mục tiêu độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục tiến hành những hành động gây căng thẳng ở khu vực này bằng cách ban hành các quyết định, chính sách vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Tháng 11/2007, Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Từ tháng 5/2009, Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8 hàng năm trên Biển Đông kéo dài đến tận nhóm đảo Natuna của In-đô-nê-xi-a, tăng cường lực lượng tàu ngư chính xuống Biển Đông. Cũng trong tháng 5/2009, Trung Quốc chính thức yêu cầu lưu truyền trong các nước thành viên Liên Hợp Quốc bản đồ thể hiện “đường đứt khúc 9 đoạn”, yêu sách không chỉ có các đảo, bãi đá, bãi cạn mà toàn bộ vùng biển trên Biển Đông. Tháng 11/2012, Trung Quốc tiến thêm một bước khẳng định chủ quyền của mình tại Biển Đông bằng cách in hình bản đồ “đường đứt khúc 9 đoạn” lên hộ chiếu để cấp cho công dân của họ. Bằng cách này, Trung Quốc muốn thực thi chủ quyền tại các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như toàn bộ Biển Đông với tham vọng tạo ra một thế “đã rồi” về pháp lý cho các nước có tranh chấp trong khu vực. Dư luận cho rằng hộ chiếu in hình “đường lưỡi bò” là một sự kiện “chưa từng có tiền lệ” và các yêu sách của Trung Quốc là không có cơ sở và “khôi hài”.
Thứ hai, Trung Quốc ngày càng có những hành động dọa nạt, cưỡng ép, lấn chiếm, leo thang gây căng thẳng ở Biển Đông
Tình hình Biển Đông lại bắt đầu dậy sóng từ cuối năm 2007 khi Trung Quốc ngày càng tăng cường gây hấn xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán trên thềm lục địa và trong EEZ của các nước trong khu vực. Bên cạnh việc vi phạm luật pháp quốc tế, Trung Quốc từng bước tiến hành các biện pháp lấn chiếm biển đảo trên thực địa ở Biển Đông, tăng cường tuần tiễu hải quân, dùng vũ lực xua đuổi tàu đánh cá và bắt giữ ngư dân của các nước trong vùng, từng bước lấn chiếm khu vực bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough[33] do Phi-líp-pin chiếm giữ như đã từng làm với đảo Vành Khăn năm 1995. Trung Quốc đã sử dụng các tàu hải giám, tàu ngư chính và tàu cá, kể cả tàu hải quân đi theo hộ tống các tàu cá, để “chèn ép” các nước trong khu vực. Đỉnh điểm của các hành động là việc Trung Quốc cắt và phá cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 và Viking II, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với EEZ và thềm lục địa của Việt Nam.[34] Trung Quốc thâm nhập sâu vào lãnh hải In-đô-nê-xi-a ở khu vực biển Natuna và đe dọa tàu tuần tra của In-đô-nê-xi-a bắt giữ tàu cá của Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp ở khu vực này,[35] đưa tàu chiến Trung Quốc vào xâm nhập bất hợp pháp bãi ngầm James do Ma-lai-xi-a chiếm giữ.[36] Thậm chí Trung Quốc còn luôn đe dọa thiết lập ADIZ ở Biển Đông.[37] Đặc biệt mới đây ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa dàn khoan HD-891 và nhiều tàu hộ tống đến EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Dư luận chung lại một lần nữa dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang. Rõ ràng Trung Quốc đã đi từ chính sách “giấu mình chờ thời” sang đòi hỏi “lợi ích cốt lõi”, khăng khăng đòi “giải quyết song phương” trong khi lại cho tàu xuống Biển Đông chèn ép với các nước xung quanh.
Thứ ba, nguy cơ đụng độ trên biển và xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gia tăng
Việc Trung Quốc cho rằng Trung Quốc có quyền điều hành các hoạt động quân sự của nước ngoài ở EEZ của mình là nguyên nhân của các sự cố xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi xảy ra sự kiện EP-3 năm 2001,[38] Trung Quốc đã giải thích về quyền của các nước tiếp giáp biển đối với EEZ nhằm hạn chế các hoạt động quân sự ở khu vực này. Trung Quốc vẫn dựa vào quyền chủ quyền đối với các “vùng nước lịch sử” mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông trên cơ sở “đường đứt khúc 9 đoạn” để cản trở Mỹ hoạt động trên Biển Đông. Trong tháng 2 và 3/2009, Mỹ đưa tàu USNS Impecable tiến hành “nghiên cứu khoa học quân sự” ở Biển Đông đã bị 5 tàu hải quân Trung Quốc quấy rối. Cựu Giám đốc an ninh quốc gia Mỹ Dennis Blair đã gọi đây là “tranh chấp quân sự nghiêm trọng nhất” kể từ vụ đụng độ năm 2001. Tiếp sau đó là vụ tàu ngầm Trung Quốc đâm vào hệ thống thiết bị định vị tàu John McCain của Hải quân Mỹ trong tháng 6/2009. Thấy đây là một hoạt động khiêu khích nguy hiểm, Mỹ quyết định cử chiến hạm tới hộ tống tàu thăm dò của Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông. Số lượng tàu ngầm của Trung Quốc tăng lên cũng khiến nguy cơ xảy ra đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông tăng theo. Tháng 5/2013, trong khi đang tiến hành các hoạt động tại vùng biển quốc tế, tàu USS Cowpens và một tàu Hải quân Trung Quốc đã suýt va chạm vào nhau. Tháng 11/2013 Trung Quốc đã điều tàu sân bay Liêu Ninh tới Biển Đông để hỗ trợ các hoạt động “cưỡng ép” của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thường xuyên có những hành động đe dọa đối với các công ty nước ngoài trong đó có các công ty Mỹ đầu tư khai thác dầu khí ở thềm lục địa và EEZ của các nước tiếp giáp Biển Đông.
Trung Quốc chính thức công bố chính sách coi Biển Đông giống như Đài Loan, và các vùng tự trị Tây Tạng, Tân Cương là “lợi ích cốt lõi” trong khi Mỹ coi những lợi ích của Mỹ ở Biển Đông là “lợi ích quốc gia” trong đó có tự do hàng hải ở Biển Đông và coi đó là ưu tiên an ninh của Mỹ nên Mỹ rất quan tâm. Điều đó chứng tỏ mức độ xung đột lợi ích giữa hai nước ngày càng rõ nét. Trong trường hợp Trung Quốc khiêu khích, Mỹ có thể lựa chọn phương thức đưa tàu hải quân tới khu vực phát đi tín hiệu lợi ích của Mỹ, và do vậy, hòa bình và ổn định khu vực sẽ bị đe dọa. Nếu Mỹ dính líu vào cuộc xung đột, Trung Quốc sẽ có những phản ứng ngay lập tức và có thể có những tính toán sai lầm. Trong trường hợp Trung Quốc tấn công tàu hoặc giàn khoan dầu của Mỹ, nhất là tính mạng công dân Mỹ bị đe dọa, thì Mỹ cũng sẽ có phản ứng, tạo ra chuỗi phản ứng dây chuyền gây nguy hại đến hòa bình và an ninh khu vực.
Thứ tư, Trung Quốc hiện đại hóa quốc phòng, tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là sức mạnh hải quân, ở khu vực Tây TBD
Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chương trình hiện đại hóa quân sự toàn diện nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội trong việc tham chiến và đánh thắng trong cuộc xung đột vũ trang cường độ cao trong thời gian ngắn.[39] Mỹ tin rằng quân đội Trung Quốc đang có sự “chuyển đổi chiến lược” từ tập trung vào bộ binh sang hải quân và không quân. Hải quân Trung Quốc đang vươn ra toàn cầu thách thức vai trò thống trị của Mỹ. Hải quân Trung Quốc hiện có lực lượng chiến đấu, tàu ngầm và xe bọc thép lội nước lớn nhất ở châu Á, sản xuất tàu ngầm hạng JIN mang đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa (SSBN) và tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN).[40] Hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, kể cả hiện đại hóa hải quân, ngày càng hướng tới mục tiêu yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, củng cố quan điểm của Trung Quốc về quyền của quốc gia tiếp giáp biển được điều khiển các hoạt động quân sự của nước ngoài trong EEZ, làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực TBD và nâng vị thế của Trung Quốc thành cường quốc thế giới.
Trung Quốc trong thời gian qua tỏ ra ngày càng quyết đoán ở châu Á, đặc biệt ở Biển Đông, khiến Mỹ lo ngại khu vực ảnh hưởng của Mỹ bị thu hẹp. Để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, Mỹ công bố rõ hơn lợi ích ở Biển Đông và tăng cường quan hệ an ninh với đồng minh và đối tác ở khu vực. Vấn đề hiện nay đã vượt qua các yêu sách lãnh thổ và tranh giành tài nguyên khi Biển Đông trở thành tiêu điểm trong cạnh tranh Trung - Mỹ ở Đông Á. Từ năm 2010, Biển Đông đã bắt đầu gắn với các vấn đề chiến lược rộng hơn liên quan đến sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc.
Thứ năm, Mỹ triển khai chính sách “trục xoay hướng sang châu Á” và “tái cân bằng châu Á-TBD” trong đó Biển Đông là một điểm nhấn
Xác định khu vực châu Á-TBD là một ưu tiên về địa - chiến lược đối với Mỹ, chính quyền B. Obama đã thể hiện mức độ quan tâm cao hơn đối với khu vực trong nhiều lĩnh vực. Đây là một bước thay đổi có ý nghĩa trong chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á-TBD. Sau một thập kỷ sao nhãng đối với khu vực kể từ khi khởi xướng cuộc chiến tranh chống khủng bố (WOT) và dính líu vào hai cuộc chiến tranh nóng ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, Mỹ quay trở lại châu Á-TBD, chú trọng hơn đến khu vực Đông Á, coi khu vực này ngày càng có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế trong thế kỷ 21. Về mặt địa-chiến lược, chính sách “tái cân bằng châu Á-TBD” là ưu tiên và chính sách đối ngoại lớn của chính quyền B. Obama. Chính sách mới của Mỹ được các nước khu vực coi là sự đảm bảo chiến lược trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và trấn an các nước đồng minh, bạn bè và đối tác của Mỹ ở khu vực. Mục tiêu cơ bản của chính sách mới của Mỹ là mở rộng các lĩnh vực hợp tác, tăng cường quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh, đối tác và thiết lập các cấu trúc an ninh, chính trị và kinh tế do Mỹ chủ đạo và chi phối.
Về cơ bản, với chiến lược “xoay trục hướng sang châu Á”, Mỹ mong muốn có một trật tự quốc tế ở khu vực do Mỹ chủ đạo. Trước việc Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc thách thức vai trò của Mỹ, đặc biệt gây căng thẳng ở Biển Đông, làm ảnh hưởng đến lợi ích và mục tiêu của Mỹ ở khu vực này, Mỹ thấy cần thiết phải điều chỉnh chính sách Biển Đông để có một chính sách rõ ràng hơn, quyết liệt hơn. Chính Trung Quốc cũng nghi ngờ Mỹ ủng hộ việc soạn thảo và ký kết COC là nhằm kiềm chế Trung Quốc, dùng Biển Đông là cái cớ để “quay trở lại” châu Á và chính sách “xoay trục châu Á” của Mỹ về lâu dài là nhằm bao vây, kiềm chế Trung Quốc.
Lời kết
Chính sách Biển Đông của Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh kết thúc, về cơ bản, vẫn gồm ba yếu tố: (i) Mỹ giữ lập trường trung lập trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông; (ii) Mỹ ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông thông qua thương lượng; và (iii) Mỹ sẽ phản ứng khi lợi ích của Mỹ ở Biển Đông bị đe dọa. Những nội dung này trong chính sách của Mỹ, tuy nhiều chỗ còn mơ hồ, nhưng tương đối nhất quán từ đó đến nay để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Biển Đông khi tình hình chưa có nguy cơ tuột khỏi sự kiểm soát. Tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng mới và khả năng xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc lên cao ở Biển Đông, Tuyên bố mới của Mỹ về Biển Đông thể hiện những điều chỉnh chính sách ở ba điểm: (i) cấp đưa ra tuyên bố chính sách lần này cao hơn, từ Người phát ngôn trong Tuyên bố tháng 5/1995 lên Bộ trưởng Ngoại giao trong Tuyên bố tháng 7/2010 và các quan chức cao cấp khác; (ii) ngôn ngữ sử dụng trong Tuyên bố tại Diễn đàn ARF tại Hà Nội mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn Tuyên bố về sự kiện đảo Vành Khăn; và (iii) lập trường trung lập trong tranh chấp lãnh thổ Biển Đông của Mỹ không còn “vô tư” như trước nữa mà nghiêng về ủng hộ ASEAN. Dư luận chung cho rằng những điều chỉnh chính sách của Mỹ làm cho tình hình Biển Đông phần nào dịu đi. Tuy nhiên, dư luận trong và ngoài khu vực lại đang chờ đợi phản ứng của Mỹ trước hành động leo thang mới đây của Trung Quốc.[41]
Tác giả Hà Hồng Hải là Đại sứ, nguyên Hàm Vụ trưởng Bộ Ngoại giao. Quan điểm trong bài viết là của cá nhân tác giả. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 2 (97), tháng 6/2014.
1 Hàng năm khối lượng thương mại của thế giới trị giá 5.300 tỷ USD, chiếm hơn 1/2 trọng tải hàng của thế giới, trong đó của Mỹ là 1.200 tỷ USD; trên 15 triệu thùng dầu mỗi ngày, được vận chuyển qua Biển Đông; Nguồn: Bonnie S. Glaser, CSIS, “Clash in the South China Sea”, 4/2012, The Straits Times, 18/12/2012 và Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), website: http://www.eia.gov/countries.
[1] Điều 17 và điều 58 của UNCLOS, website: www.un.org/depts/los/convention_ agreements/texts/unclos.
[2] Nguồn: Lieutenant Colonel Stanley E. Meyer: “Incident on Mischief reef: implications for The Philippnes, China and the United States”, (Sự kiện đảo đá Vành Khăn: Ý nghĩa đối với Phi-líp-pin, Trung Quốc và Mỹ); US Army War College Carlesle Barracks, PA, 17013-50, 1996, website: http://www.hsdl.org/?view& did=451792.
[3] Hillary Clinton, “America’s Pacific Century”, Foreign Policy, 11/10/2011.
[4] Điều 4 và 5 trong Hiệp ước phòng thủ chung giữa Phi-líp-pin và Mỹ ký ngày 30/8/ 1951 tại Washington, Chan Roblles Virtual Library; website: www.chanrobles.com mutualdefensetreaty.
[5] Lieutenant Colonel Stanley E. Meyer, “Incident on Mischief Reef …”, tlđd.
[6] Lời nói đầu trong “Agreement between the Government of the RP and the USA regarding the Treatment of the US Armed Forces Visiting the Philippines” (Hiệp định VFA) ký tại Manila tháng 2/1998.
[7] Susan V. Lawrence, “US-China Relations”, 1/8/2013, Congressional Research Service, 7-5700, R41108, www.crs.gov.
[8] Dân số Đông Nam Á hơn 620 triệu, GDP đạt hơn 2.200 tỷ USD, Đông Nam Á hiện là đối tác lớn thứ 4 của Mỹ với thương mại hai chiều đạt 196 tỷ USD năm 2012; Mỹ là nước đầu tư lớn thứ hai vào Đông Nam Á, sau Nhật Bản; nguồn: Office of the US Trade Representative, website: http://www.ustr.gov/countries-regions/southeast-asia-pacific/asean.
[9] Thương mại hai chiều Mỹ - Trung Quốc năm 2012 đạt 536 tỷ USD (tăng từ 5 tỷ USD năm 1981); Đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Trung Quốc đạt 60,5 tỷ USD năm 2010; xem Susan V. Lawrence: “US-China Relations”, 1/8/2013, CRS, tlđd.
[10] Theo tính toán của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Biển Đông có trữ lượng 11 tỷ thùng dầu và 60 nghìn tỷ mét khối (190 nghìn tỷ feet khối) khí tự nhiên trong khi theo số liệu của Trung Quốc (CNOOC), con số tương ứng là 125 tỷ thùng và 500 nghìn tỷ feet khối; nguồn: US Energy Information Agency (EIA), website: http://www. eia.gov.
[11] Philip Shenon, “Manila sees Chinese threat on Coral Reef” (Manila thấy mối đe dọa của Trung Quốc đối với đảo san hô), New York Times ngày 19/2/1995.
[12] Thông báo báo chí hàng ngày của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ số: DPB #67, ngày 10/5/1995; website: http://dosfan.lib.uic.edu/ERC/briefing/daily_briefings/1995.
[13] Trong một cuộc họp “Đối thoại chiến lược và kinh tế” giữa Mỹ và Trung Quốc, Trung Quốc cho biết Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, Ngoại trưởng H. Clinton đã lập tức đáp lại: “Tôi không đồng ý với điều đó”; nguồn: Carl A. Thayer “Recent Developments in the South China Sea: Grounds for Cautious Optimism” (Phát triển gần đây ở Biển Đông: Lý do cho sự lạc quan thận trọng); website: www.nghiencuubiendong.vn
[14] Bronson Percival, The South China Sea: An American Perspctive (Biển Đông: Quan điểm của Mỹ), website: www.nghiencuubiendong.vn
[15] Trung Quốc tin rằng về cơ bản Mỹ đã thay đổi chính sách đối với tranh chấp Biển Đông trong việc Mỹ ủng hộ đàm phán ASEAN-Trung Quốc.
[16] Mohan Malik: “History - the Weak Link of Beijing’s Maritime Claims” (Lịch sử - điểm yếu trong yêu sách biển của Bắc Kinh), The Diplomat 30/8/2013; website: http://thediplomat.com/2013/08; Zachary Keck: “Trung Quốc đòi 90% Biển Đông, Mông Cổ có thể đòi cả Trung Quốc” trong bài “China’s Nine-Dash Line is Dangerous” (Đường chín đoạn của Trung Quốc là nguy hiểm), The Diplomat, 19/2/2014, website: http://thediplomat.com/2014/02/chinas-nine-dash-line-is dangerous/.
[17] Gorden G. Chang: “Hillary Clinton Changes America's China Policy” (H. Clinton thay đổi chính sách Trung Quốc của Mỹ), Tạp chí Forbes, 28/7/2010, website: http://www.forbes.com/2010/07/28/china-beijing-asia.
[18] Xem thêm: China-Southeast Asia Relations: US Interventions Complicate China’s Advances, Comparative Connections, A Quarterly E-Journal on East Asian Bilateral Relations, website: https://csis.org/files/publication.
[19] Gorden G. Chang: “Hillary Clinton Changes America's China Policy”, Tạp chí Forbes 28/7/2010,
[20] TS Robert Gates: “Tăng cường đối tác an ninh ở châu Á-TBD”, The Shangri-la Dialogue 2010, IISS Asia Security Summit; website: http://www.iiss.org .
[22] TNS Jim Web phát biểu trước Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR): “Tôi thấy chính phủ chúng ta có lập trường quá yếu về vấn đề này. Khi chúng ta nói chính phủ Mỹ không có lập trường về vấn đề chủ quyền thì không có lập trường có nghĩa là có lập trường”, Washington Post, 20/6/2011.
[23] Tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/8/2012 về Biển Đông; website www.state.gov.
[24] Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc họp báo chung với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội, US Department of State, ngày 16/12/2013, website: www.state.gov
[25] ADIZ là vùng bầu trời do một quốc gia tự ấn định ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí, và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó; Trung Quốc thiết lập ADIZ tại Biển Hoa Đông từ 23/11/2013 theo đó ADIZ của Trung Quốc bao trùm lên cả quần đảo Senkaku và không phận của Hàn Quốc; nguồn: The Diplomat: “US Warns China Against a South China Sea ADIZ” (Mỹ cảnh cáo Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông, http://thediplomat.com/2013/12/us-warns-china-against-a-south-china-sea-adiz/.
[26] Office of the Press Secretary, the White House, website: http://www.whitehouse.gov/ the-press-office.
[27] Reuters 6/2/2014: “Growing concern with China's behavior at sea - senior U.S. diplomat”, http://in.reuters.com/article/2014/02/05/asia-usa-china; đài BBC 9/2/2014. website: http://www.bbc.co.uk.
[28] Ngày 23/7/2010, Mỹ bỏ lệnh cấm quan hệ với các đơn vị Lực lượng đặc biệt (Kopassus) quân đội In-đô-nê-xi-a liên quan đến các vi phạm nhân quyền từ năm 1997; nguồn: Jakarta Post, July 23 2010.
[29] Phát biểu của Ngoại trưởng H. Clinton: “Chúng tôi quyết tâm và cam kết hỗ trợ bảo vệ Phi-líp-pin” nhân chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Phi-líp-pin Albert del Rosario, The Telegraph, 24/6/2011.
[31] Reuters , VOA: US Admiral assures Philippines of Help in Disputed Sea” (Đô đốc Mỹ - Tư lệnh Hải quân Mỹ ở TBD - đảm bảo với Phi-líp-pin Mỹ sẽ hỗ trợ trong vùng biển tranh chấp); website: /www.voanews.com.
[32] Hàng năm Mỹ tiến hành 175 cuộc tập trận hỗn hợp và 250 chuyến thăm tàu hải quân ở khu vực Châu Á-TBD; phạm vi và tần suất các hoạt động này sẽ tăng lên trong các năm tới; Mỹ có kế hoạch đóng 4 tàu hải quân tại Xinh-ga-po, The Straits Times, 18/4/2012; xem thêm: Sheldon Simon: “US-Southeast Asia Relations: Military Commitments and Human Rights Concerns”, “Comparative Connections”; “US Eyes Singapore Base”, The Diplomat; websites: https://csis.org/files/publication; http:// thediplomat.com/2011/06.
[33] Xem thêm: Taylor Markwith: “Conflict in the Scarborough Shoal between China and the Philippines: Climate Change's Role”; website: http://www1.american.edu/ted/ICE/ scarborough.html.
[34] Xem thêm: Carl A. Thayer: “China’s New Wave of Aggressive Assertiveness in the South China Sea”; Tham luận tại Hội nghị an ninh hàng hải ở Biển Đông do CSIS tổ chức tại Washington D.C. 20-21/6/2011.
[35] Năm 2008 và 2009, In-đô-nê-xi-a đã bắt 16 tàu cá của Trung Quốc ở quanh đảo Natuna; năm 2010, hai sự kiện tương tự xảy ra trong tháng 5 và 6 khi tàu tuần tra In-đô-nê-xi-a bắt tàu cá của Trung Quốc, tàu Trung Quốc có vũ trang đe dọa nổ súng nếu phía In-đô-nê-xi-a không thả tàu cá của Trung Quốc, Jakarta Post, 25/5/ 2010.
[36] Reuters tại Bắc Kinh, “Chinese ships patrol area contested by Malaysia” (Tàu hải quân Trung Quốc tuần tiễu khu vực tranh chấp với Ma-lai-xi-a), 26/1/2014, website: http://uk.reuters.com/article/2014.
[37] Jun Osawa: “China’s ADIZ over the East China Sea: A “Great Wall in the Sky”? (ADIZ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông: “Một bức tường lớn trên bầu trời”?); Viện Brookings, http://www.brookings.edu/research.
[38] Đây là sự kiện nghiêm trọng xảy ra liên quan tới một máy bay do thám EP-3 của Mỹ và một máy bay phản lực F-8 của Trung Quốc đâm nhau trên Biển Đông vào tháng 4/2001; xem thêm: China-U.S. Aircraft Collision Incident of April 2001: Assessments and Policy Implications, Báo cáo Quốc hội Mỹ (CRS), 10/10/2001.
[39] Xem thêm: “Navy Official: China Training for ‘Short Sharp War’ with Japan” (Quan chức Hải quân: Trung Quốc huấn luyện chuẩn bị cho cuộc chiến thần tốc với Nhật Bản), USNI News 18/2/2014, website: http://news.usni.org/2014/02/18/navy-official-china-training-short-sharp-war-japan
[40] Nguồn: The Washington Quarterly, Spring 2012, Copyright CSIS 2012; http://dx.doi.org
[41] Xem: “The United States “Investigating” Vietnam’s Claim China Moved Oil Rig Into Vietnamese Waters - Another Apparent South China Sea Provocation by China” (Mỹ đang “điều tra” việc Việt Nam nói Trung Quốc đã đưa dàn khoan dầu đến lãnh hải của Việt Nam - một sự khiêu khích rõ ràng của Trung Quốc ở Biển Đông), Tạp chí Peace and Freedom và Hãng tin Reuters, website: https://johnib.wordpress.com/2014/05/06/ the-united-states-investigating-vietnams-claim-china-moved-oil-rig-into-vietnamese-waters-another-apparent-south-china-sea-provocation-by-china/
Năm 2023, dù chiến sự tại Ukraine diễn biến căng thẳng và xung đột tại Trung Đông leo thang, tình hình Biển Đông tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Biển Đông cũng ngày càng được coi là chỉ dấu về trật tự dựa trên luật lệ từ phía Mỹ và đồng minh – đối tác thông qua các tuyên bố và văn bản...
Trả lời câu hỏi của phóng viên chiều ngày 25/5/2023, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (XYH-10) của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của...
Trong gần hai năm trở lại cầm quyền tại Malaysia từ tháng 5/2018 - 3/2020, Thủ tướng Mahathir Mohamad (sau đây gọi là Chính quyền Mahathir 2.0) đã thổi luồng gió mới vào chính sách Biển Đông của Malaysia. Khác với cách tiếp cận “thầm lặng” của chính quyền tiền nhiệm, Thủ tướng Mahathir và chính quyền...
Qua phân tích ảnh vệ tinh Đá Ba Đầu từ 2016 đến nay cho thấy, việc Trung Quốc tập kết lượng lớn tàu, dài ngày tại Đá Ba Đầu không phải để tránh thời tiết xấu mà nhiều khả năng là chiến thuật "cắt lát Salami" mới ở Biển Đông, bắt đầu triển khai từ tháng 2 năm 2020.
Bài viết phân tích Hải chiến Hoàng Sa (1974), cuộc tấn công ở Trường Sa (1988), sự kiện Đá Vành Khăn (1995) và sự kiện Bãi cạn Scarborough (2012) để tìm ra những quy luật nhất định. Đây sẽ là cơ sở để phán đoán thời điểm Trung Quốc hành động chiếm mới các thực thể ở Biển Đông để từ đó Việt Nam ra...
Nội dung bài viết bao quát lịch sử quá trình từ khi Trung Quốc manh nha thúc đẩy ý tưởng nghiên cứu băng cháy trên Biển Đông; cho đến hiện trạng khai thác hiện nay để làm rõ thực chất Trung Quốc đã đi đến bước nào trong tiến trình khai thác một loại năng lượng mới ở trên Biển Đông.