thediplomat_2014-10-07_10-45-54-386x257.jpg

 

Trong khi sự lo ngại về hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia tăng lên trong những năm qua, thì mối lo ngại này đã đạt đến mức cao mới hồi cuối năm ngoái. Tháng 11/2018, các quan chức Mỹ đã dấy lên mối lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng một cơ sở lưỡng dụng ở Campuchia và Thủ tướng Hun Sen đã nhận được một lá thư của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về vấn đề này.

Gần đây, Mỹ cho biết Campuchia đã bất ngờ từ chối lời đề nghị tu sửa một cơ sở huấn luyện và kho chứa tàu thuyền ở căn cứ hải quân Ream, dẫn đến việc Lầu Năm góc gửi một lá thư hôm 24/6 để tìm hiểu rõ về việc liệu có kế hoạch cho lưu trú các tài sản quân sự của Trung Quốc ở đó hay không. Tờ Wall Street Journal, trích dẫn các nguồn tin nặc danh của Mỹ và đồng minh, nói rằng Trung Quốc đã ký một thỏa thuận bí mật hồi mùa Xuân năm nay, cho phép nước này có các đặc quyền tham gia một phần căn cứ hải quân Ream trong vòng 30 năm, với việc 10 năm gia hạn một lần sẽ cho phép Bắc Kinh triển khai quân nhân, vũ khí và tàu chiến ở đó.

Cả Trung Quốc và Campuchia liên tục phủ nhận sự tồn tại của một căn cứ chính thức, và đặc biệt Campuchia vẫn duy trì quan điểm cho rằng một căn cứ như vậy sẽ vi phạm hiến pháp của nước này. Kịch bản có khả năng nhất mà chúng ta có thể chứng kiến là cả Bắc Kinh và Phnom Penh sẽ tiếp tục công khai phủ nhận sự suy đoán về một căn cứ như vậy nhưng họ cũng sẽ lặng lẽ tìm kiếm các địa điểm khác nhau để xây dựng các cơ sở lưỡng dụng mà về cơ bản là nhằm hoàn thành mục tiêu chung: cung cấp quyền tiếp cận ưu tiên và nơi đồn trú cho quân nhân và tàu thuyền. Thay vì tập trung suy đoán, chúng ta nên xem xét những ý nghĩa hữu hình và thực tế của sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở đó.

Những hàm ý đó có thể được xem xét ít nhất từ ba lăng kính khác nhau. Thứ nhất, một căn cứ hải quân mới của Trung Quốc ở Campuchia chắc chắn sẽ có vấn đề vì nó sẽ tác động tiêu cực đến ổn định khu vực. Quả thực, điều quan trọng là cần nhớ rằng ngay cả khi gạt nỗi lo ngại về căn cứ hải quân sang một bên, Trung Quốc đã giành được những lợi ích quân sự quan trọng khác ở Campuchia mà không bên nào phủ nhận, bao gồm các cuộc tập trận mới và việc bán thiết bị quân sự. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ đem đến sự tổn thất cho các quốc gia khác, có thể là quan điểm thay đổi về Biển Đông của Campuchia làm xói mòn thêm nữa sự đoàn kết của ASEAN hoặc sự đình chỉ quan hệ quân sự với các nước phương Tây làm dấy lên nghi ngờ về những gì Bắc Kinh và Phnom Penh cùng nghĩ đến.

Một căn cứ hải quân Trung Quốc được đàm phán bí mật sẽ chỉ là dấu hiệu mới nhất về vai trò an ninh ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Campuchia - vốn đã tạo ra một số tác động tiêu cực trong khu vực, người ta có thể thấy những hậu quả sẽ gia tăng cả trong nhận thức và thực tế. Và trong khi các nước bao gồm Campuchia chắc chắn có thể tự do lựa chọn sự liên kết của riêng mình, thì tất nhiên, bản chất của những liên kết đó sẽ là mối lo ngại cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn.

Thứ hai, một căn cứ hải quân mới của Trung Quốc ở Campuchia sẽ là một dấu hiệu khác cho thấy sự phát triển hơn nữa của các mối quan hệ đối tác an ninh của Trung Quốc ở Đông Nam Á, đi kèm với những thách thức riêng của nước này. Việc Trung Quốc xâm nhập riêng rẽ vào các nước, như Campuchia chẳng hạn, có thể che khuất một bức tranh lớn hơn về việc Bắc Kinh đang xây dựng một cách có hệ thống cấu trúc an ninh khu vực rộng hơn thông qua một loạt cuộc tập trận, đối thoại và cơ sở vật chất mà trong đó Đông Nam Á là khu vực mà Trung Quốc thể hiện rõ nét nhất.

Nhìn từ quan điểm này, một căn cứ hải quân ở Campuchia có ý nghĩa ở chỗ nó là phần mở đầu để Trung Quốc thúc đẩy các quan hệ đối tác chiến lược ở khu vực Đông Nam Á. Nó cũng sẽ cung cấp cho Bắc Kinh một nền tảng để phát triển các khía cạnh khác của nỗ lực này, bao gồm các cuộc tập trận và các chuyến thăm hải quân.

Thứ ba, một căn cứ hải quân Trung Quốc mới ở Campuchia có thể tác động đến cán cân quyền lực đang diễn ra ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Trong khi chắc chắn rằng căn cứ này không hoàn toàn mang tính chiến lược như các địa điểm ở các quốc gia Đông Nam Á khác, nhưng nó không phải không có ý nghĩa. Một căn cứ ở đó sẽ cung cấp cho Trung Quốc một lợi thế quan trọng về vị trí ở Đông Nam Á lục địa, ngoài các thỏa thuận tiếp cận khác, nó còn gây ấn tượng với các quốc gia trong khu vực và các cơ sở khác mà nước này có ở các khu vực khác của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có thể là ở Gwadar hay trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Nếu đúng như vậy, điều này có thể có những hàm ý quan trọng đối với sự cân bằng quyền lực. Rõ ràng nhất, một căn cứ hải quân Trung Quốc ở Campuchia sẽ tác động đến cán cân quyền lực ở Đông Nam Á, một khu vực trước đây đã phải đối mặt với những căng thẳng và xung đột. Đặc biệt, Việt Nam và Thái Lan sẽ lo ngại về việc có một căn cứ của Trung Quốc như vậy ở gần biên giới của họ. Và điều này có thể khiến họ và các nước khác có những hành động đối ứng mà sẽ ảnh hưởng hơn nữa đến ổn định khu vực. Ngoài ra, việc phát triển dần dần và kết nối các cơ sở của Trung Quốc như vậy theo thời gian có thể làm phức tạp kế hoạch quân sự của Mỹ khi nhắc đến các điểm dễ bùng phát, chẳng hạn như Đài Loan và Biển Đông.

Chắc chắn, cũng giống như các thỏa thuận quân sự trước đây giữa Trung Quốc và Campuchia, các chi tiết của thỏa thuận này là chưa rõ ràng, chẳng hạn như chính xác là cái gì được xây dựng và nhằm mục đích gì. Tuy nhiên, những gợi ý về bức tranh lớn này rất hữu ích để suy nghĩ vì sẽ còn nhiều chi tiết xuất hiện trong thời gian tới./.

Theo “The Diplomat

Nhật Linh (gt)