Những tiến bộ như vậy được phản ánh trong những cải thiện của PLAN về năng lực tác chiến tàu ngầm và trên mặt nước, chủ yếu là các khả năng cảm biến, tàng hình, phòng thủ tên lửa và hiệu quả tác chiến tầm xa.
Trung Quốc đã cải thiện các công nghệ hải quân và đóng tàu thông qua việc nhập khẩu từ nước ngoài và các khoản đầu tư của chính phủ.

 

Sự phụ thuộc của nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Trung Quốc vào các nguồn tài nguyên năng lượng và nguyên liệu thô cũng như các thị trường bên ngoài ngày càng tăng khiến cho họ cần phải tăng cường năng lực hải quân nhằm đảm bảo an toàn cho các đường giao thông thiết yếu nhưng dễ bị tổn thương trên biển. Tuy nhiên, những nhân tố khách quan này không thể trở nên hiệu quả nếu như không có ảnh hưởng quan trọng của nhân tố mang tính chủ quan - đó là sự lựa chọn của giới lãnh đạo chính trị quân sự Trung Quốc đối với việc thúc đẩy hiện đại hóa hải quân.

 

Trong hơn hai thập kỷ qua, thế hệ mới các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã không dùng PLAN để chống lại các mối đe dọa chính trị trong nước. Thay vào đó, họ đã cố gắng phát triển sự kiểm soát mang tính thể chế đối với PLAN. Ông Giang Trạch Dân đã thông qua việc chuyển đổi PLA từ một lực lượng chủ yếu dựa vào sức mạnh con người sang một đội quân dựa vào công nghệ, chuyển việc hiện đại hóa quân đội với trọng tâm từ cơ giới hóa sang thông tin hóa, với hy vọng thu hẹp khoảng cách về công nghệ với quân đội của các nước tiên tiến hơn.


Kể từ khi kế nhiệm ông Giang Trạch Dân vào năm 2004, ông Hồ Cẩm Đào đã tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi quân đội để tăng cường sự kiểm soát thể chế đối với PLA. Nhưng điều quan trọng hơn là trong số "những sứ mệnh lịch sử mới" mà Hồ Cẩm Đào giao cho PLA, ông đặc biệt đề cao vai trò mới của PLAN trong việc bảo vệ những lợi ích đang nổi lên của Trung Quốc ở bên ngoài.


Cách tiếp cận của ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào trong việc kiểm soát cả dân chúng lẫn quân đội khác so với những người tiền nhiệm. Trên mặt trận dân sự, họ cố gắng tăng cường tính pháp trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng việc tập trung đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững nhằm cải thiện đời sống nhân dân, từ đó giúp làm tăng danh tiếng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và phòng ngừa các cuộc bạo động dân sự, mà cần phải có sự can thiệp của quân đội. Về mặt quân sự, ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào đã cố gắng kiểm soát PLAN bằng việc giao các nhiệm vụ mang tính kỹ thuật và yêu cầu quân đội thực hiện các sứ mệnh bên ngoài. Rõ ràng PLAN được hưởng lợi nhiều nhất từ sự chuyển đổi, hướng tới việc kiểm soát mang tính thể chế và chiến lược này.


Cả hai nhà lãnh đạo trên đều tăng cường lực lượng hải quân mặc dù các lý do có thể khác nhau. Đối với ông Giang Trạch Dân, ưu tiên chiến lược hàng đầu, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1996, là ngăn chặn việc Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập và sự can thiệp quân sự của Mỹ một khi xảy ra xung đột. Trong khi đó, ông Giang Trạch Dân theo đuổi chiến lược ngoại giao với các nước ASEAN.

Trung Quốc đã ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với ASEAN và Tuyên bố về quy tắc ứng xử Biển Đông. Khi lên cầm quyền, ông Hồ Cẩm Đào vẫn duy trì tư duy tăng cường năng lực hải quân để ngăn chặn việc Đài Loan tuyên bố chính thức độc lập và ngăn sự can thiệp quân sự của Mỹ.


Trong tương lai gần, PLAN có thể sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự kiểm soát mang tính thể chế và chiến lược hướng ngoại của họ, cũng như từ các mối quan hệ mật thiết giữa các nhà lãnh đạo PLA và các nhà lãnh đạo dân sự, dựa trên quyền tự chủ thể chế đầy đủ mà giới lãnh đạo dân sự cho phép.

Tầm quan trọng ngày càng tăng của PLA cũng có thể là nhờ các khoản ngân sách chi tiêu quốc phòng tăng và sự phát triển các công nghệ hải quân, có xu hướng tiếp tục gia tăng cùng với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự phụ thuộc ngày càng lớn của nền kinh tế Trung Quốc vào các nguồn năng lượng bên ngoài.