1. Giới thiệu

Tranh chấp biển Đông gần đây lại tiếp tục nóng lên với tâm điểm là cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc trên vùng biển xung quanh bãi ngầm Scarborough hồi tháng 4 năm 2012. Tranh chấp này dù không liên quan trực tiếp, nhưng cũng ảnh hưởng rất nhiều tới Việt Nam.

Scarborough là một bãi cạn, tên tiếng Anh của nó là Scarborough Shoal hay còn gọi là Scarborough Reef. Người Philippines gọi nó bằng những cái tên như Bajo de Masinlóc, Panatag Shoal, Karburo. Người Trung Quốc thì gọi là đảo Hoàng Nham (Huangyan Island).

Vùng biển bao quanh Scarborough nằm trong biển Đông. Vùng biển này được biết là rất giàu các tài nguyên hải sản. Về mặt hình thể địa lý, bãi ngầm Scarborough gồm một dải san hô hình tam giác, trong đó có một nhóm các mỏm đá san hô và còn lại là các bãi ngầm san hô. Khi thủy triều xuống thấp thì toàn bộ dải san hô này có diện tích khoảng 150 km2.

2. Những tranh cãi về pháp lý

2.1 Yêu sách của các bên

2.1.1 Yêu sách của Philippines

Theo thông tin của Bộ ngoại giao Philippines[1] cho biết, bãi ngầm Scarborough cách vùng Zambales của Philippines với khoảng cách 124 hải lý, và cách đảo Hải Nam (lãnh thổ của TQ gần nhất với bãi ngầm Scarborough) 472 hải lý. Scarborough không thuộc quần đảo Trường Sa.

Lập luận gần đây nhất của Bộ ngoại giao Philippines công bố đó là  dựa trên các quy định của Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS), theo đó mỗi quốc gia ven biển như Philippines sẽ có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Thông tin của Bộ ngoại giao Philippines cho rằng bãi cạn Scarborough không phải là các đảo mà chỉ là các mỏm đá san hô rất nhỏ mà bãi cạn Scarborough cách vùng Zambales của Phi chưa tới 130 hải lý nên bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và theo đó, Philippines có chủ quyền  đầy đủ và quyền tài phán đối với những cấu trúc đá thuộc Scarborough này.

Phía Philippines cũng viện dẫn rằng Philippines đã thực thi một danh nghĩa lịch sử trên các đá thuộc Scarborough. Philippines khẳng định rằng, họ đã thực thi việc chiếm hữu hiệu quả và thực thi quyền tài phán đối với vùng biển này từ khi Philippines độc lập năm 1946. Philippines còn cho thấy họ đã tìm cách củng cố cho yêu sách của mình bằng việc dựng nên một ngọn đèn biển trên vùng này từ năm 1965, cũng như đã tiến hành các cuộc khảo sát và nghiên cứu khoa học trên vùng biển này.

2.1.2 Yêu sách của Trung Quốc

Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền của họ đối với Scarborough dưới một danh nghĩa lịch sử[2]. Trung Quốc cho rằng người Trung Quốc  là những người đầu tiên đánh cá trên vùng biển này, người Trung Quốc là người đầu tiên phát hiện ra các đảo này, và như vậy, Scarborough và các vùng nước xung quanh là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc từ lâu đời.

Trung Quốc cũng cho rằng, bãi ngầm này thuộc về quần đảo mà Trung Quốc gọi là Trung Sa (tên tiếng Anh là Macclesfiel Bank). Quần đảo này là một trong bốn quần đảo đã được xuất hiện trong các bản đồ của Trung Quốc qua các thời kỳ, và cũng nằm trong  các tấm bản đồ có hình “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trung Quốc cũng cho rằng Philippines chưa bao giờ tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên bãi cạn Scarborough trước năm 1979.

Về cơ bản, các yêu sách của Trung Quốc và của Đài Loan đối với Scarborough là giống nhau. Các yêu sách của Trung Quốc được nối tiếp dựa vào các yêu sách trước đó của chính quyền Cộng hòa Trung Hoa (Quốc dân đảng).

Về mặt pháp lý, các yêu sách của cả Philippines lẫn Trung Quốc đều có nhiều điểm yếu và không nhất quán.

2.2. Nhận xét về yêu sách của các bên

2.2.1  Đối  với yêu sách của Philippines

Trong yêu sách của Philippines thì mặc dù Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý mở rộng từ đường cơ sở mà Philippines tuyên bố, nhưng như vậy cũng không đem lại chủ quyền cho Philippines hay biến Scarborough trở thành một phần lãnh thổ của Philippines được.

Bởi vì chỉ có một ít các đá nổi lên thường xuyên khi thủy triều lên, những đá đó mới có khả năng đáp ứng được các quy định tại Điều 121 UNCLOS. Và phải đáp ứng được quy định tại Điều 121 UNCLOS thì cấu trúc đá đó mới được coi là lãnh thổ để một quốc gia có thể thực thi chủ quyền. Những cấu trúc đá khác không đáp ứng được điều đó, sẽ không thể là đối tượng để trở thành lãnh thổ tranh chấp được.

Trong tuyên bố của Bộ ngoại giao Philippines thì cho rằng những cấu trúc đá nổi lên của Scarborough rất nhỏ, chỉ có thể là đá (rocks) theo UNCLOS, và như vậy nó không thể có vùng EEZ và thềm lục địa xung quanh.

Tuy nhiên, trong  điều 2 Luật đường cơ sở năm 2009[3], Philippines lại khẳng định Scarborough được coi như là các đảo theo quy định của điều 121 UNCLOS, và như vậy là có EEZ và thềm lục địa xung quanh. Rồi trong bản Công hàm phản đối Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ngày 05/04/2011[4], Philippines lại lập lờ không nói rõ khả năng các đảo, đá mà Philippines đang tranh chấp với các quốc gia khác (bao gồm cả Scarborough) đáp ứng được Điều 121 UNCLOS hay không[5]?

2.2.2 Đối với yêu sách của Trung Quốc

Đối với các yêu sách của Trung Quốc thì về mặt địa lý, giữa Scarborough và Macclesfield Bank có một khoảng cách lớn, chưa kể đến việc Macclesfield Bank là một bãi ngầm luôn chìm dưới mực nước biển, vì vậy Macclesfield Bank khó có thể là đối tượng lãnh thổ cho một yêu sách chủ quyền. Nguyên tắc “đất thống trị biển” trong luật biển quốc tế yêu cầu một yêu sách đối với một vùng biển phải dựa trên yếu tố hoặc là đất liền hoặc là từ một “đảo”. Chính vì vậy, lập luận này của Trung Quốc đối với yêu sách về vùng biển của Scarborough dựa trên yêu sách chủ quyền đối với Macclesfield Bank là không có cơ sở.

Đối với yêu sách “đường lưỡi bò” thì mặc dù bản đồ có “đường lưỡi bò” đã được chính quyền Cộng hòa Trung Hoa cho xuất bản nội bộ lần đầu năm 1948, nhưng đến năm 2009, bản đồ này mới chính thức xuất hiện trước cộng đồng quốc tế. Bản đồ này đã bị nhiều học giả quốc tế phê phán cũng như bị Việt Nam, Indonesia, Philippines chính thức gửi công hàm phản đối lên Liên Hợp Quốc. Nhiều quốc gia khác cũng tuyên bố phản đối “đường lưỡi bò” vì nó vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “đất thống trị biển” của luật biển quốc tế.

Một tranh cãi pháp lý khác là liệu Scarborough có vùng biển ngoài lãnh hải 12 hải lý không? Tranh cãi này liên quan đến việc giải thích điều 121 UNCLOS về quy chế pháp lý của “đảo”. Khoản 1 điều 121 Công ước quy định mỗi “đảo” sẽ có vùng biển như đất liền, nhưng khoản 3 điều 121 lại quy định “những đảo đá nào không thích hợp cho cuộc sống của con người hoặc không có một đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Bộ ngoại giao Philippines cho rằng tất cả các mỏm đá nổi trên mặt nước thuộc Scarborough đều chỉ có thể là “đá” chứ không thể là “đảo” và vì thế không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được. Cả bãi cạn Scarborough đều thuộc về quyền chủ quyền của Philippin  vì là các “đá” nằm trong giới hạn 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của Philippin tính từ đường cơ sở của một quốc gia quần đảo. Chính phủ Trung Quốc thì cho rằng các mỏm đá ở Scarborough phải là “đảo” theo điều 121 và như vậy chúng phải có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh.

3. Triển vọng về biện pháp giải quyết tranh chấp

Có ba cách để hai bên có thể giải quyết tranh chấp tại bãi cạn Scarborough này:

Thứ nhất, Philippines và Trung Quốc có thể tiếp tục dùng các tàu được trang bị quân sự để ngăn cản các tàu cá của nước khác tới đánh bắt tại Scarborough để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, cách này sẽ có thể dẫn tới sự leo thang thành xung đột quân sự, điều mà không bên tranh chấp nào mong muốn.

Thứ hai, Philippines và Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề chủ quyền qua một bên thứ ba như con đường Tòa án chẳng hạn.

Thực tế là trong sự kiện căng thẳng tháng 4 năm 2012, Philippines đã công khai trên phương tiện truyền thông về việc mời Trung Quốc cùng ra Tòa ITLOS để giải quyết tranh chấp. Thông qua việc đề nghị Trung Quốc cùng đưa ra giải quyết tranh chấp tại ITLOS, Philippines đã đưa lý do các ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt các hải sản quý hiếm, các loại hải sản này cần được bảo vệ theo luật của Philippines, vả lại bãi Scarborough là một bãi cạn, với khoảng cách với tỉnh Zambales là 124 hải lý, bãi cạn Sarborough phải nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và theo các quy định của UNCLOS, Philippines sẽ có quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển này. Vì thế, Philippines đã tích cực thu thập các bằng chứng về việc các ngư dân Trung Quốc đánh bắt hải sản quý hiếm tại vùng biển này để nhằm đưa vấn đề này ra trước ITLOS. Với đề nghị này, Philippines muốn đề cập tới vấn đề tranh chấp quyền chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc. Có lẽ, Phi sẽ tính toán rằng, chỉ cần ITLOS chấp thuận giải quyết tranh chấp này, tức là đã công nhận quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ, và trong trường hợp đó, yêu sách “đường lưỡi bò” đầy tai tiếng của TQ sẽ bị tấn công nặng nề.

Trong khi đó, phía Trung Quốc dù hiểu rõ rằng, Philippines muốn nhắc tới vấn đề tranh chấp quyền chủ quyền, nhưng Trung Quốc đã hướng dư luận sang việc tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines trên bãi cạn Scarborough và từ chối khả năng đưa tranh chấp ra ITLOS. Trung Quốc lập luận rằng bản chất của tranh chấp này là tranh chấp về chủ quyền nên ITLOS không đủ thẩm quyền để giải quyết[6].

Hiện nay, Trung Quốc vẫn từ chối việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông với các quốc gia khác thông qua con đường tòa án. Tuy nhiên, Philippines tuyên bố có thể đơn phương kiện Trung Quốc, khi mà các biện pháp kêu gọi giải quyết với Trung Quốc đã không đem lại kết quả[7].

Tuy nhiên, dù đã tuyên bố nhiều lần, vẫn chưa thấy Philippines thực sự đơn phương mang tranh chấp ra tòa giải quyết. Điều đó cho thấy Philippines vẫn e ngại khả năng họ giành được lợi thế trước tòa.

Thứ ba, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây[8] đặt ra khả năng hai bên tranh chấp cùng hợp tác phát triển chung trên vùng biển tranh chấp này. Tuy nhiên, để thực hiện biện pháp này hai bên phải trấn an được dư luận hai bên khi chủ nghĩa dân tộc ở cả hai bên đang dâng cao.

4. Một số gợi ý cho Việt Nam

Về pháp lý:

- Việt Nam cần thận trọng, đưa ra những tuyên bố phù hợp, tránh trường hợp như Philippines mâu thuẫn trong các tuyên bố, điều này sẽ dẫn tới những bất lợi về mặt pháp lý sau này.

-  Việt Nam cần xem xét kỹ khả năng đưa tranh chấp ra tòa án, bao gồm cả khả năng đơn phương đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài như trong tuyên bố của Philippines, cần đánh giá kỹ lưỡng những lợi thế cũng như bất lợi cho Việt Nam khi chọn phương án giải quyết này.

Về truyền thông

- Sự chủ động của Philippines trong vấn đề truyền thông về sự kiện Scarborough là một vấn đề Việt Nam cần phải học tập, Bộ ngoại giao Philippines đã cho thành lập ngay một website để cung cấp thông tin về tranh chấp này.

-  Sự đáp trả của Trung Quốc trước thông tin của phía Philippines về tranh chấp cũng là một điều chúng ta phải xem xét. Họ đã chủ động lái dư luận theo hướng có lợi cho họ.

-  Những sự kiện như Scarborough hoàn toàn có thể lặp lại tại khu vực Trường Sa của Việt Nam, vì vậy, việc đặt ra trước các tình huống cũng như các kịch bản để đối phó là một điều cần thiết.

Ths. Hoàng Việt, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh