Kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sụp đổ hồi tháng 5/2019, triển vọng cho một thỏa thuận rất ảm đạm. Ngay cả khi vẫn còn hy vọng, thì vẫn khó có thể sớm đạt được một thỏa thuận. Vòng 12 đàm phán thương mại cấp cao Trung-Mỹ được tổ chức ở Thượng Hải vào cuối tháng 7 dường như là một nỗ lực khôi phục dự thảo thỏa thuận.

Tuy nhiên, cho dù các nhà thương thuyết bàn thảo về hầu hết các vấn đề vốn đã được nhất trí, họ không thể giải quyết những phần liên quan đến các nguyên tắc và cấu trúc. Để đạt được một bước đột phá trong những vấn đề tuyệt đối này thì chúng cần phải được đệ trình một lần nữa lên các cơ quan thẩm quyền cấp cao hơn để ra quyết định chính trị.

Ngày 1/8/2019, Tổng thống Donald Trump đã không nghe theo các cố vấn của ông, công bố áp thuế bổ sung 10% đối với số hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng. Áp lực từ phía Mỹ đã tiếp tục lan rộng vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại. Mỹ không chỉ từ bỏ cam kết của Trump về việc nới lỏng các hạn chế bán hàng đối với hãng Huawei, mà còn đưa Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) vào danh sách đen “Entity List”.

Bắc Kinh khó có thể nhượng bộ trong việc xem xét và sửa đổi luật pháp và các quy định cũng như thiết lập và thực thi một cơ chế xác minh theo yêu cầu của Mỹ. Bắc Kinh coi các yêu cầu này là vượt quá điểm mấu chốt trong các chính sách của Trung Quốc và làm tổn hại những lợi ích cốt lõi của họ. Washington khó có thể đồng ý hủy bỏ tất cả các thuế quan đã áp đặt kể từ khi căng thẳng thương mại bắt đầu cho dù Nhà Trắng đã cho biết có thể sẽ xem xét lại quyết định ngày 1/8 của Tổng thống Donald Trump. Trong Chính phủ Trung Quốc, dường như có sự đồng thuận cho rằng Trung Quốc không còn vội vã bảo đảm một thỏa thuận, vì vậy họ có thể đồng thời “vừa đánh vừa đàm” với Mỹ hoặc đan xen, và thậm chí sử dụng sự cạnh tranh để đổi lấy hợp tác. Ngược lại, Chính quyền Trump thấy có một nhu cầu ngày càng cấp bách là phải đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, bởi vì trước hết với việc áp thuế đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD, Trump đang dùng hết lợi thế để mặc cả. Các cuộc thương thuyết càng kéo dài, thì áp lực do giá bán lẻ tăng vọt của hàng hóa Mỹ gây ra càng lớn. Sẽ ngày càng nhiều công ty, nông dân và người tiêu dùng cá nhân chống lại cuộc chiến thuế quan của Donald Trump.

8-9 tháng sau, các đảng viên đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ bỏ phiếu bầu các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống của họ. Vẫn còn sớm để Trump chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử của mình, nhưng tính toán của ông chắc chắn sẽ liên quan nhiều hơn đến cách thức giải quyết tình trạng căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Vào ngày 14/8, Chính quyền Trump đã tuyên bố sẽ hoãn áp thuế đối với máy tính xách tay, máy chơi điện tử cầm tay, đồ chơi, màn hình máy tính và một số sản phẩm giày dép và quần áo cho đến ngày 15/12/2019. Tổng thống nói với các phóng viên rằng “Chỉ trong trường hợp những mặt hàng này tác động đến người dân” trong những mùa mua sắm như Lễ Tạ ơn và Giáng sinh. Tất nhiên, ngay cả như vậy thì khoảng 37% số sản phẩm của Trung Quốc, tương đương 110 tỷ USD, vẫn sẽ chịu mức thuế 10% bắt đầu từ ngày 1/9/2019.

Gần đây, đã có những dấu hiệu lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ. Vào ngày 1/8, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc và là Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bangkok. Vào ngày 13/8, Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và là Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Đảng đã gặp ông Pompeo tại New York. Những sự kiện này cho thấy trong bối cảnh công chúng đang bi quan, cả hai bên đã kiềm chế, bám vào các vấn đề mấu chốt và mở ra cơ hội thương thuyết và phối hợp. Các cuộc đàm phán thương mại cũng đã chứng kiến những thay đổi tinh tế bổ sung thêm tính chuyên nghiệp cho nhiều hướng dẫn ngoại giao, báo hiệu một giải pháp chính trị khả thi cho thế bế tắc này.

Có thể nói rằng sau một năm cạnh tranh, Mỹ và Trung Quốc đã gần như lún sâu vào cuộc chiến này. Trung Quốc đã vấp phải những thách thức nghiêm trọng bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm lại, dòng vốn đầu tư chảy ra ngoài, nghiên cứu và phát triển (R&D) trì trệ và lạm phát tăng vọt. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc cũng nhận ra rằng nền kinh tế ít nhiều có khả năng phục hồi nhờ các thị trường nội địa và mới nổi khổng lồ dọc tuyến đường “Vành đai và Con đường”. Hơn nữa, họ được người dân ủng hộ mạnh mẽ hơn và củng cố sự đồng thuận ở trong nước. Trong khi đó, Mỹ đã tăng thu ngân sách bằng cách áp thuế và tạm thời tránh những tác động tức thời của cuộc chiến thuế quan đối với sinh kế của người dân Mỹ. Tuy nhiên, nước này cũng nhận ra rằng “áp lực cực lớn” không thể ngăn cản hay đánh bại Trung Quốc, ngược lại, chiến thuật này khuyến khích Trung Quốc theo đuổi việc phát triển thị trường nội địa trở nên cạnh tranh hơn.

Trong lĩnh vực công nghệ, lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei và ZTE đã phơi bày nhiều vấn đề mà Trung Quốc gặp phải trong R&D cơ bản, sự phân bổ trong lĩnh vực công nghiệp và các lĩnh vực khác. Mặt khác, việc này khiến người tiêu dùng Trung Quốc theo “chủ nghĩa dân tộc trong ngành điện tử” và làm tăng doanh số của hai công ty nói trên. Trong khi đó, Huawei tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và phần lớn các quốc gia trên thế giới đều tìm cách tránh phải lựa chọn giữa các sản phẩm sản xuất tại Mỹ hay tại Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc đã đi đến bế tắc trong một cuộc chiến giằng co về thương mại và công nghệ. Ở Trung Quốc, sự đồng thuận chính thống đã cho rằng xung đột thương mại là tình trạng bình thường mới trong cuộc đại chiến giữa hai cường quốc. Cuộc chiến đang diễn ra, trong đó Nhà Trắng cạnh tranh để giành quyền thống trị và bá quyền toàn cầu, trong khi Bắc Kinh giành quyền phát triển và chấn hưng quốc gia, với các tranh chấp thương mại có tầm quan trọng hơn. Do đó, một số người tin rằng việc tiếp tục cuộc chiến thương mại là chính đáng và cần thiết.

Hiện tại, các nhà lãnh đạo của cả hai bên phải đối mặt với các lựa chọn hoặc là đạt được sự ngừng chiến thương mại hoặc đổ thêm dầu vào lửa. Họ có thực sự cần một thỏa thuận thương mại không? Một số học giả Trung Quốc tin rằng khi Bắc Kinh thay đổi lập trường từ phòng thủ sang tấn công trong các cuộc đàm phán thương mại, Chính phủ Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong khi Chính phủ Mỹ khao khát đạt được một thỏa thuận, vì Chính quyền Trump cần phải chứng minh năng lực trước các cử tri Mỹ. Để đạt được một thỏa thuận, Nhà Trắng phải thể hiện sự chân thành. Tuy nhiên, Chính quyền Trump đã chuyển sang đồng ý bán vũ khí cho Đài Loan và thực hiện các hành động khác kích động Trung Quốc hơn nữa, không tỏ rõ sự chân thành mà ngược lại, có quá nhiều sự mơ hồ để Trung Quốc phán xét.

Từ nay trở đi, các yếu tố trong các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ sẽ vượt ra ngoài các quy luật kinh tế trở thành những sự thay đổi của một loạt biến số nổi bật. Trong số các biến số, có “3 yếu tố rưỡi” quan trọng nhất.

Yếu tố đầu tiên là môi trường kinh tế trong nước của Trung Quốc và Mỹ. Hoạt động kinh tế trong quý I của Trung Quốc đã giảm mặc dù tốt hơn kỳ vọng. Theo thống kê kinh tế vĩ mô được công bố hồi tháng 6, Trung Quốc đã chứng kiến sản xuất bị thu hẹp, thị trường tài chính biến động hơn, sản lượng xuất khẩu suy giảm và đầu tư ngày càng giảm tốc. Nhìn chung, áp lực từ suy giảm vẫn cao. Thời gian càng lâu thì thuế quan bổ sung của Mỹ sẽ càng ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Mặt khác, nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận sự tăng trưởng liên tục trong hơn 120 tháng liên tiếp, đánh dấu sự phát triển kinh tế dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, nỗi lo sợ về một cuộc suy thoái đã xuất hiện. Việc ngày càng có nhiều chỉ số của một cuộc suy thoái đã khiến thị trường rơi vào hoảng loạn. Đường cong lãi suất của Kho bạc Mỹ dường như bị đảo ngược, khúc dạo đầu cho những cuộc suy thoái đôi khi sẽ xảy ra trong vài tháng và trong một số trường hợp kéo dài đến vài năm. Trong hoàn cảnh như vậy, Trump và êkíp chịu trách nhiệm về kinh tế của ông cần đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn, khiến việc chống lại Ngân hàng dự trữ liên bang (Fed) trở thành ưu tiên hàng đầu, thay vì chĩa cây gậy lớn vào Trung Quốc.

Yếu tố thứ hai là các chương trình nghị sự trong nước. Vào mùa thu năm 2019, Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung vào việc đảm bảo lễ kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh Trung Quốc diễn ra thành công. Ở Mỹ, đang chủ yếu tập trung cho cuộc bầu cử, đảng Dân chủ sẽ sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Trump. Tại thời điểm đó, bất kỳ sự cố mới nào trên lãnh thổ Mỹ đều có thể chuyển hướng sự chú ý của Trump bất cứ lúc nào. Một thời điểm quan trọng như vậy đối với các sự kiện trong nước của cả hai nước hầu như không mang lại không gian và thời gian cho cả hai bên để đạt được sự thỏa hiệp về các vấn đề kinh tế. Bất cứ thay đổi có thể có nào xảy ra trong 6 tháng tới sẽ tiếp tục làm giảm những sự lựa chọn của hai nước.

Yếu tố thứ ba là các vấn đề liên quan đến Hong Kong và Đài Loan. Trong tình trạng rối loạn gần đây tại Hong Kong, Trung Quốc đã buộc tội Mỹ một cách khó hiểu là hành xử như thể “bàn tay đen” phía sau hậu trường. Chính phủ Trung Quốc đã từ chối yêu cầu ghé thăm cảng Hong Kong của hai tàu chiến Mỹ. Điều đó nói lên rằng Trump vẫn tỏ ra thận trọng trước công chúng, khăng khăng rằng vấn đề Hong Kong là một vấn đề nội bộ của Trung Quốc và miêu tả các cuộc biểu tình ở Hong Kong là “các cuộc bạo loạn”. Tuy nhiên, các sự kiện đang diễn ra ở Hong Kong vẫn có nguy cơ khiến quan hệ Trung-Mỹ xấu đi. Một vấn đề khác liên quan đến chủ quyền và cảm xúc dân tộc của Trung Quốc là vấn đề Đài Loan. Để tái đắc cử lần hai, Thái Anh Văn đang tăng cường nỗ lực sử dụng vấn đề độc lập-thống nhất ở Đài Loan. Trong vài tháng tới, Chính quyền Thái Anh Văn rất có thể sẽ có những động thái liều lĩnh và Mỹ có thể hồi đáp bằng việc ủng hộ vì các nhu cầu chiến lược và chính trị. Trong lúc tác giả viết bài này, có thông tin rằng gần như chắc chắn rằng Mỹ sẽ bán máy bay chiến đấu F-16V cho Đài Loan với giá 8 tỷ USD sau giai đoạn chuẩn bị khá lâu (đã được Trump thông qua). Nếu Lầu Năm Góc hoàn tất động thái này bằng cách thông báo cho Quốc hội về việc bán máy bay chiến đấu này, thì đó chắc chắn sẽ là tin khủng khiếp cho các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Nửa yếu tố” còn lại là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng liên quan đến quan hệ Trung-Mỹ. Trong nửa đầu nhiệm kỳ của Donald Trump, chính quyền của ông đã luân phiên đặt trọng tâm giữa các tranh chấp thương mại với Trung Quốc và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trong chương trình nghị sự châu Á-Thái Bình Dương. Trump có ý định liên kết hai vấn đề này để gây áp lực đối với Trung Quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka vào tháng 6 năm nay, sự đóng góp của Bắc Kinh trong cuộc gặp giữa Donald Trump và Kim Jong-un tại Panmunjom là một trong những lý do khiến Washington cam kết ngừng áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ và Triều Tiên đang bí mật liên kết với nhau và đàm phán về một kế hoạch dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt để đổi lấy phi hạt nhân hóa một phần, nhưng Triều Tiên rõ ràng lại tăng cường các chương trình nghiên cứu và phát triển tên lửa của mình. Quả thực, Trump hy vọng sẽ công khai việc xử lý “hiệu quả” vấn đề hạt nhân của Triều Tiên như một thành tựu chính trị để tái tranh cử. Tuy nhiên, tại thời điểm diễn ra cuộc bầu cử năm 2020 của Mỹ, việc liệu Triều Tiên có sẽ tặng Mỹ “một món quà hào phóng” hay vụ phá hoại bằng cách thực hiện một số hành động quân sự hay không vẫn là điều không chắc chắn mà liên quan đến Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc.

Từ tháng 9/2019 đến mùa Hè năm 2020, Trung Quốc và Mỹ sẽ bước vào vòng đấu quan trọng khi họ cần nắm bắt cơ hội mà các sự kiện quan trọng như Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC mang lại để sắp xếp hoặc thúc đẩy các cuộc đàm phán, do trong khoảng thời gian cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, sẽ rất khó có cơ hội cho bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ mở ra một chương mới cho quan hệ Trung-Mỹ. Thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận có thể không còn quan trọng. Trong dài hạn, Trung Quốc cần tính đến các kịch bản khác nhau sau cuộc bầu cử của Mỹ năm 2020 trong khi tiếp tục đàm phán thương mại với Mỹ. Sẽ có 4 kịch bản: điều gì sẽ xảy ra nếu hai nước thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận thương mại và Donald Trump tái đắc cử; điều gì xảy ra nếu đạt được thỏa thuận thương mại nhưng Donald Trump không tái đắc cử; điều gì xảy ra nếu một hiệp định thương mại thất bại và Donald Trump không tái đắc cử; và điều gì xảy ra nếu đạt được một thỏa thuận thương mại và Donald Trump tái đắc cử. Sự thật đằng sau những kịch bản này là liệu hai cường quốc sẽ nhận ra rằng mối quan hệ xấu đi cuối cùng dẫn đến các cuộc đối đầu tổng lực hay họ sẽ làm việc cùng nhau để khôi phục mối quan hệ nhằm đạt được thế cân bằng mới.

Bối cảnh đang thay đổi nhanh chóng. Quan điểm của các nhà lãnh đạo, các êkíp đàm phán chuyên nghiệp và các doanh nghiệp cũng như dư luận không ngừng thay đổi. Vẫn chưa có một quyết định nào. Đối mặt có lẽ là cơ hội cuối cùng, tất cả nên nhận ra rằng các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ đã vượt xa các cuộc đàm phán chuyên nghiệp liên quan đến các vấn đề chính trị và chiến lược. Những ngày mà thương mại chỉ là thương mại đã qua lâu rồi. Do đó, trong khi hồi hộp chờ đợi một thỏa thuận, thì tất cả các bên cũng cần chuẩn bị cho một kết quả ngược lại.

An Gang là Nghiên cứu viên tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế, trực thuộc Đại học Thanh Hoa, đồng thời cũng là biên tập viên cao cấp của Tạp chí các vấn đề Thế giới, Trung Quốc. Bài viết được đăng trên trang China US Focus.