29/11/2016
Với các nhà phân tích Đông Nam Á giàu kinh nghiệm và đang theo dõi hoạt động xây dựng đảo và phát triển quân đội nhanh chóng của Trung Quốc với mối quan ngại ngày một gia tăng, các quỹ hỗ trợ tài chính dồi dào của Trung Quốc chưa chắc có thể thay đổi tư tưởng của họ. Nhưng với thế hệ trẻ và đi cùng với thời gian, tiền của Trung Quốc có thể mang lại hiệu quả.
Bắc Kinh đạt được nhiều thành công hơn trong việc sử dụng sức mạnh mềm ở khu vực.
Chính xác là năm năm trước vào ngày 18/11/2011 tại Trung tâm hội nghị Bali ở Indoneisa, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Ôn Gia Bảo đã mời các quốc gia Đông Nam Á tham gia dự án Quỹ Hợp tác về các vấn đề trên biển Trung Quốc - ASEAN trị giá 500 triệu USD. Dự án đã thất bại hoàn toàn. Nhưng từ sự thất bại này, Bắc Kinh học được cách đối phó với các nước láng giềng phía nam của mình. Năm năm sau, giới chức Trung Quốc có vẻ như đã biết cách sử dụng tiền của họ một cách sáng suốt hơn và mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á hiệu quả hơn.
Năm 2011, ông Ôn Gia Bảo đề ra tham vọng lớn cho Quỹ này. Ông nói trước lãnh đạo chính phủ các nước rằng “hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực này có thể bắt đầu với nghiên cứu biển, bảo vệ môi trường, kết nối, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và chống tội phạm xuyên quốc gia”. Ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh thêm rằng hợp tác có thể “dần mở rộng sang các lĩnh vực khác với mục tiêu thúc đẩy hợp tác biển toàn diện và đa tầng nấc giữa Trung Quốc và ASEAN”.
Nhưng có một vấn đề quan trọng là tại thời điểm đó, ASEAN ít mặn mà trong hợp tác biển với Trung Quốc. Tháng 3/2011, các tàu Trung Quốc ngăn cản Philippines khảo sát địa chấn ở ngoài khơi nước này. Tháng 5 và tháng 6 cùng năm, tàu Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong khi Malaysia lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển của nước này. Giới cầm quyền ở Bắc Kinh dường như nghĩ rằng tài chính sẽ phủ lấp được các hành xử quyết đoán này.
Vì thế, Trung Quốc tiếp tục các nỗ lực ngoại giao “sổ séc” mà không tìm hiểu nguyên nhân tại sao ASEAN lại ít mặn mà hợp tác với Trung Quốc. Một năm sau Hội nghị thượng đỉnh Bali, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đưa ra một danh sách các đề xuất tương tự cho Hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN ở Phnom Penh rằng “chúng ta nên sử dụng Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN để thực hiện các dự án hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường, kết nối, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, chống tội phạm xuyên quốc gia và kinh tế biển.” Một lần nữa, không dự án nào được triển khai trên thực tế.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục nỗ lực của mình. Tháng 6/2013, Trung Quốc và ASEAN nhất trí trên giấy tờ “sử dụng hiệu quả Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN, thúc đẩy hợp tác thực chất về nghề cá, kết nối biển, khoa học và công nghệ biển, phòng chống thiên tai, an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn, biến hợp tác biển trở thành điểm nhấn mới trong hợp tác ASEAN-Trung Quốc.” Nhưng một lần nữa, không có hợp tác thực chất nào được triển khai. Tháng 4/2012, Trung Quốc kiểm soát bãi cạn Scarborough ở ngoài khơi Philippines làm cho những lời kêu gọi hợp tác của nước này trở nên sáo rỗng.
Cuối cùng, tháng 11/2014, ba năm sau tuyên bố của ông Ôn Gia Bảo, hai bên nhất trí lấy năm 2015 là năm hợp tác biển ASEAN-Trung Quốc và “hoan nghênh kế hoạch toàn diện của Trung Quốc sử dụng Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN để cung cấp tài chính cho hợp tác ASEAN-Trung Quốc trong các lĩnh vực kết nối biển, khoa học và công nghệ biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn, quản lý thiên tai và an toàn hàng hải.” Việc này diễn ra chỉ 6 tháng sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam ngoài khơi Hoàng Sa. Tại diễn đàn Bác Ngao tháng 3/2015, Trung Quốc chính thức khởi động năm hợp tác biển ASEAN-Trung Quốc nhưng một lần nữa vẫn không có gì được thực hiện. Rất ít hợp tác diễn ra trong năm đó.
Vậy, điều gì đã xảy ra với 500 triệu USD ban đầu dành cho Quỹ hợp tác biển? Hình như ngoài một số sự kiện tổ chức ở Trung Quốc, Quỹ này chưa hề được sử dụng hoặc biến đâu mất trong bộ máy hành chính của Trung Quốc.
Một phần nguyên nhân lý giải cho việc Trung Quốc không triển khai được Quỹ này là các quan chức Trung Quốc đã không biến các sáng kiến cấp cao thành hành động thực tế. Điều này làm khó cho ngoại giao của Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc không thống nhất được đơn vị phụ trách Quỹ này và Bộ nào là chủ quản. Theo Sébastien Colin (Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại của Pháp, trụ sở ở Hồng Công), những đấu đá nội bộ đó đã ngăn cản Cơ quan Bảo vệ Môi trường quốc gia của Trung Quốc tham gia vào dự án nghiên cứu Bảo vệ Môi trường do Liên Hợp Quốc làm chủ đạo kéo dài sáu năm ở Biển Đông từ 2002-2008.
Nguyên nhân khác là các chính phủ ASEAN không muốn “chơi đẹp” tại thời điểm Trung Quốc thể hiện một cách “chơi” rất xấu.
Tuy nhiên, Quỹ hợp tác biển vẫn tồn tại. Đối tượng thụ hưởng của Quỹ này hiện nay là Viện Nghiên cứu Nam Hải (NICSS) ở Hải Khẩu, Hải Nam. Viện này vốn là sự liên kết giữa Bộ Ngoại giao Trung Quốc và tỉnh Hải Nam nhưng hiện nay Viện Nam Hải gần gũi hơn với Bộ Ngoại giao. Một nguồn tin từ Đông Nam Á cho biết trong một hội thảo ở Sydney năm 2013, Viện trưởng Viện Nam Hải Ngô Sỹ Tồn nói với các đại biểu rằng Viện Nam Hải của ông phụ trách Quỹ này.
Kể từ đó, mục đích của Quỹ được điều chỉnh lại. Thay vì tài trợ cho các cuộc thảo luận hợp tác liên chính phủ về bảo vệ môi trường và “chống tội phạm xuyên quốc gia”, Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN hiện giờ là phương tiện để Bắc Kinh phát huy sức mạnh mềm. Nói cách khác, mục đích của Quỹ chuyển từ sử dụng cho Kênh I (giữa các chính phủ) sang phục vụ Kênh II (các cơ quan nghiên cứu, giới phân tích và báo chí).
Viện Nam Hải là nhà bảo trợ cho Viện nghiên cứu Trung-Mỹ (ICAS) thành lập cuối năm 2014 trụ sở ở Washington D.C. Tháng 4/2015, ICAS tổ chức hội thảo ra mắt hoành tráng tại Washington với sự hiện diện và trình bày của Henry Kissinger cùng nhiều chuyên gia khác. ICAS có phải là bên được hưởng lợi của Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Mặc dù uy tín chưa cao ở Washington nhưng ICAS thường xuyên tài trợ cho các sự kiện thảo luận về tranh chấp Biển Đông ở Mỹ.
Theo trang web của Viện Nam Hải, năm 2015 Viện này khởi động một chương trình nghiên cứu có tiêu đề dài lê thê là “Đối tác vì hòa bình khu vực: Hiện thực hóa Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc ở Đông Nam Á” và cho biết đây là “một trong các dự án chính do Quỹ hợp tác an ninh biển Trung Quốc-ASEAN tài trợ”. Theo Viện Nam Hải, chương trình này “được thiết lập để thúc đẩy triển khai Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, làm sâu sắc hợp tác biển, thúc đẩy lòng tin Trung Quốc-ASEAN và trao đổi Kênh II”.
Theo đó, Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN được sử dụng như là một cơ chế hỗ trợ tài chính cho đối thoại với các cơ quan nghiên cứu Đông Nam Á. Viện Nam Hải mô tả chương trình này là giàn xếp ba bên với Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Jakarta, Indonesia và Đại học RSIS ở Singapore (RSIS cho hay họ hỗ trợ các công tác hậu cần).
Ba hội thảo đã được tổ chức, gồm tháng 9/2015 ở Jakarta, tháng 1/2016 ở Hải Khẩu và tháng 7/2016 ở Singapore. Theo các đại biểu tham dự, mục đích của ba hội thảo này là để 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc xác định các bước đi cụ thể để thúc đẩy “quan hệ đối tác”.
Nhưng cũng có những giới hạn nhất định. Ví dụ, mặc dù hội thảo lần thứ ba diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết vụ kiện Philippines-Trung Quốc nhưng đồng chủ tọa của hội thảo là ông Ngô Sỹ Tồn đã từ chối đưa vấn đề này vào báo cáo cuối cùng của hội thảo. Theo cách đó, Trung Quốc đang định ra giới hạn mà ASEAN có thể thảo luận, nhưng đồng thời điều đó cũng khiến cho ASEAN không khỏi lo ngại về hành vi của Trung Quốc.
Ba hội thảo đã đưa ra nhiều kiến nghị, tuy không được công bố nhưng các đại biểu tham gia được cho là đã chuyển cho giới chức phụ trách về quan hệ với Trung Quốc. Theo cách này, Trung Quốc có thể sử dụng Kênh II để ảnh hưởng thảo luận ở Kênh I.
Không những thế, Viện Nam Hải còn muốn thể chế hóa hợp tác hơn nữa. Tháng 3/2016, Viện Nam Hải và Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) khánh thành Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc -Đông Nam Á về Biển Đông. Viện Nam Hải và Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc-Đông Nam Á về Biển Đông hiện nay cùng quản lý một tổ chức chi nhánh khác thuộc Viện Nam Hải là Viện hàn lâm Trung Quốc – ASEAN về luật và quản trị đại dương. Viện hàn lâm này cũng được Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN cấp kinh phí hoạt động và “được lập ra để thúc đẩy cộng đồng quản trị đại dương ở khu vực.” Viện hàn lâm Trung Quốc – ASEAN về luật và quản trị đại dương khai trương tại Hải Khẩu vào tháng 1/2016 bằng hội thảo đồng tổ chức với Viện đại dương quốc tế Canada, một cơ quan nghiên cứu phi chính phủ thuộc thuộc Đại học Dalhousie. Hội thảo thứ hai tổ chức vào đầu tháng 11/2016 tại Viện Nam Hải tại Hải Nam.
Viện Nam Hải đã tiếp cận tới hầu hết các cơ quan nghiên cứu ở Đông Nam Á và nhiều nơi đã cử đại biểu tham dự các sự kiện và các khóa học do Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc – ASEAN về Biển Đông và Viện hàn lâm Trung Quốc-ASEAN về luật và quản trị đại dương tổ chức. Các cơ quan nghiên cứu này đã có những cuộc trao đổi nội bộ về mức độ hợp tác gần gũi với Viện Nam Hải. Việt Nam đã từ chối tham gia vào mọi giàn xếp chính thức và có lời đồn rằng, một số chuyên viên của CSIS ở Jarkatar cảm thấy không thoải mái về việc các đối tác Trung Quốc phóng đại mối quan hệ của họ với Viện Nam Hải.
Một đối tượng thụ hưởng khác của Quỹ hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN là Đại học Hạ Môn. Đại học này hiện đang trong quá trình xây dựng một khu đại học ở Malaysia. Theo truyền thông Trung Quốc, một phần năm khu đại học này sẽ là trường Cao đẳng khoa học biển Trung Quốc-ASEAN do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tài trợ thông qua Quỹ hợp tác biển Trung Quốc -ASEAN. Trường Cao đẳng này cũng được sử dụng “một tàu nghiên cứu đa năng tiên tiến trang bị các thiết bị khoa học tối tân, con tàu hiện đang xây dựng và sẽ hạ thủy vào năm 2016 để phục vụ các chuyến nghiên cứu học thuật hải dương học ở vùng biển quốc tế.” Một bài báo khác cho hay Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN đã cung cấp 15 triệu USD cho trường Cao đẳng này.
Nhìn tổng thể, một điều rõ ràng là sau thất bại ban đầu, Quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN bây giờ đã trở thành một công cụ rất hữu ích để Trung Quốc phát huy ảnh hưởng đối với giới hoạch định chính sách ASEAN. Các nhà phân tích khu vực chẳng có vui thú gì hơn là được mời đi du thuyết. Nhiều chính phủ ở trong và ngoài Đông Nam Á cũng làm tương tự. (Xét cho cùng thì tác giả cũng đang viết bài báo này bên lề hội thảo quốc tế về Biển Đông do ba đơn vị của Việt Nam tổ chức!). Tuy nhiên, một điều rõ ràng là Trung Quốc đang làm tốt hơn trong việc giành được thiện chí của cộng đồng hoạch định chính sách Đông Nam Á, trong đó Quỹ hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN là một phương tiện chính.
Tại hội thảo gần đây nhất của chương trình “Đối tác vì hòa bình khu vực”, Ngô Sỹ Tồn phát biểu trước các đại biểu rằng, nguồn lực của Quỹ hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN rất dồi dào và luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các sáng kiến, khuyến nghị hợp tác trong tương lai. Với các nhà phân tích Đông Nam Á giàu kinh nghiệm và đang theo dõi hoạt động xây dựng đảo và phát triển quân đội nhanh chóng của Trung Quốc với mối quan ngại ngày một gia tăng, vẫn chưa thể chắc chắn điều đó có đủ để thay đổi tư tưởng của họ hay không. Nhưng với thế hệ trẻ và đi cùng với thời gian, đó có lẽ sẽ là một khoản đầu tư hiệu quả.
Bill Hayton là chuyên gia liên kết của Chương trình châu Á tại Chatham House. Bài viết lần đầu tiên đăng trên tờ The Diplomat.
Người dịch: Phạm Duy
Hiệu đính: Trần Quang
Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.
Trong hai ngày 16-17/11/2022, Học viện Ngoại giao đã tổ chức các Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 về chủ đề “Biển hoà bình – Phục hồi bền vững”.
Sáng ngày 16/11/2022, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 do Học viện Ngoại giao, phối hợp tổ chức cùng các đối tác đồng bảo trợ trong và ngoài nước, đã khai mạc tại Đà Nẵng với chủ đề “Biển Hòa Bình – Phục hồi bền vững”.
Ngày 12-13/9/2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức Khóa học Nâng cao Năng lực Biển lần thứ hai thuộc khuôn khổ Trung tâm Ngoại giao Biển (MDC).
Ngày 23/9, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến An ninh biển và Luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Ngày 19/8/2021, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Anh và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS), Đức tại Hà Nội tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 7 (trực tuyến) với chủ đề “Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế”.
Thông cáo báo chí: Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Robert Ben Lobban Wallace thăm và thảo luận tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, ngày 22/7/2021)