Phần III

 

Tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ hai ở thành phố Hồ Chí Minh (tháng 11/2010), nhiều ý kiến cho rằng chính sự hung hăng của Trung Quốc đã làm cho tranh chấp Biển Đông được quốc tế hóa và dẫn đến sự can dự của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.1] Trong vài thập kỷ qua, những lời chỉ trích Mỹ xem nhẹ Đông Nam Á khá phổ biến. Ngoại trừ các cường quốc chủ chốt như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Washington rất ít quan tâm đến phần còn lại của toàn vùng. Việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng sức mạnh chính trị và kinh tế đã thuyết phục chính quyền Obama chuyển hướng và tung thêm nguồn lực và nhân sự, dù còn hạn chế, vào phần đất này của thế giới. Nhiều học giả bày tỏ lo ngại rằng cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ sẽ là một nhân tố quyết định cục diện chiến lược ở khu vực trong tương lai và xu hướng phát triển của tranh chấp.2]

Thái độ mới đây của Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận các quy định và cách xử sự hiện hành trong khu vực được thể hiện vào lúc Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của họ khắp bốn phương trời. Từ lâu trước khi đạt đến tư thế hiện nay, uy tín và giá trị ngoại giao của Trung Quốc đã dựa trên đường lối chung sống hòa bình và trợ giúp Đông Nam Á. Đối với Trung Quốc, bất kỳ một tranh chấp, dù là một vụ cãi cọ nhỏ với khu vực vào khi ấy đều có thể làm hoen ố hình ảnh của Bắc Kinh trong tư cách người bạn của thế giới đang phát triển.3]Theo đuổi những gì mà Trung Quốc đã làm cũng với tâm niệm lấy ASEAN làm trọng tâm, từ khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền, Mỹ đã cải thiện được chỗ đứng của mình trong khối vốn lâu nay vẫn nghi ngờ ý định của Washington. Việc Hoa Kỳ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) 2009 và cử đại sứ đến ASEAN đã thay đổi lề lối can dự của Mỹ và mở ra cho nước này một con đường mới.

Mỹ ngày càng quan tâm đến Biển Đông và coi đây là một cơ hội để khôi phục ảnh hưởng và giành lại vai trò chủ đạo ở Đông Á. Ngày 15/7/2009, Tiểu ban về Đông Á và Quan hệ Thái Bình Dương của Ủy ban về Ngoại giao của Thượng viện Mỹ đã tổ chức cuộc điều trần về “các vấn đề lãnh hải và tranh chấp chủ quyền ở Đông Á”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tham dự Hội nghị ARF 17 tại Hà Nội tuyên bố rằng Mỹ có “lợi ích chiến lược” trong việc chứng kiến các tranh chấp lãnh thổ được giải quyết thông qua “tiến trình ngoại giao hợp tác của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền”. Trước đó, tại Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate đã bày tỏ quan điểm ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua các nỗ lực đa phương, hòa bình và phù hợp với luật quốc tế.4] Sự hung hăng của Trung Quốc đã góp phần đẩy Mỹ và Đông Nam Á xích lại gần nhau hơn. Mỹ và Việt Nam đã tổ chức đối thoại về chính sách quốc phòng tại Hà Nội ngày 19/8/2010 và được đánh giá là một bước ngoặt trong các mối quan hệ giữa hai cựu thù. Giáo sư Carlyle A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a nhận định: “Sự hiếu chiến về quân sự của Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương và Biển Đông tạo ra một động lực để tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Việt. Cả hai nước có lợi ích chung trong việc ngăn chặn Trung Quốc hay bất kỳ nước nào thống trị các tuyến đường biển thương mại cũng như thực thi tuyên bố chủ quyền bằng áp lực. Việt Nam coi sự hiện diện của Mỹ như hàng rào chống lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc”.5]

Nhật Bản cũng nhìn Trung Quốc bằng con mắt nghi ngại hơn nhiều. Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 10/9/2010 nhắc đến những vụ trực thăng của Trung Quốc bay quá gần các chiến hạm Nhật, vụ các tàu ngầm và khu trục hạm Trung Quốc được nhìn thấy gần đảo Okinotori vào tháng 4/2010. Đó là chưa kể vụ một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc xâm nhập hải phận Nhật Bản vào tháng 11/2004. Bản báo cáo này trách Bắc Kinh là đã không nói rõ về những dự án hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Vào tháng 3/2010, Trung Quốc cho biết sẽ tăng ngân sách quân sự năm 2010 thêm 7,5% lên thành 77,9 tỷ đôla, nhưng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tổng chi phí quân sự của Bắc Kinh đã vượt quá 150 tỷ đôla từ năm 2009, nếu tính cả các khoản chi tiêu không được ghi trong ngân sách chính thức.6]Theo Bộ Quốc phòng Nhật, sự thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc và những hoạt động quân sự của nước này là vấn đề đang gây quan ngại cho khu vực và cộng đồng quốc tế, kể cả Nhật Bản.[7]

Chính sách mập mờ, những hành động đơn phương và mạnh bạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm các nước trong khu vực thêm nghi ngờ chiến lược “phát triển hòa bình” và “ngoại giao hài hòa” của Bắc Kinh.8] Nhiều nước ASEAN nhìn nhận an ninh Đông Nam Á và an ninh quốc gia của họ bị đe dọa trước quá trình hiện đại quân sự nhanh chóng một cách thiếu minh bạch của Trung Quốc.9] Tình huống tiến thoái lưỡng nan về an ninh xảy ra ở khu vực và kết quả là chi tiêu quân sự ở Đông Nam Á tăng vọt. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm: “Việc chuyên chở vũ khí đến Đông Nam Á trong giai đoạn 2005-2009 gần như tăng gấp đôi so với giai đoạn 2000-2004. Số lượng vũ khí mà Ma-lai-xi-a mua trong giai đoạn 2005-2009 tăng 722% so với giai đoạn 2000-2004, Xing-ga-po tăng 146% và In-đô-nê-xi-a 84%.10] Điều đáng nói là các nước ASEAN đều không muốn phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, không muốn các nước bên ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa họ và Trung Quốc. Cái mà họ cần là một Trung Quốc thực sự phát triển hòa bình, có thái độ hợp tác và có trách nhiệm. Trong bối cảnh đó, ASEAN đã chủ động giảm thiểu rủi ro bằng cách tìm kiếm sự bảo đảm của các cường quốc bên ngoài khu vực.

Phản ứng với thái độ và hành động của Trung Quốc cũng thể hiện trên các diễn đàn ngoại giao. Kể từ tháng 7/2010, tình hình khu vực Biển Đông chuyển sang một giai đoạn phát triển mới với những đặc trưng mới của một trong những điểm nóng trong quan hệ chính trị và an ninh quốc tế. Những yếu tố tạo nên sự thay đổi đã manh nha từ năm 2009, nhưng chính Diễn đàn An ninh khu vực ARF 17 tại Hà Nội đã là điểm mốc đánh dấu bước ngoặt này với việc Mỹ khẳng định trở lại khu vực Đông Nam Á và có lợi ích quốc gia trong các vấn đề liên quan đến hàng hải và an ninh ở Đông Á. Có thể nói ARF 17 hé mở khuynh hướng khu vực hóa, quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông, hoặc ít nhất thì tranh chấp Biển Đông cũng đã bắt đầu trở thành một trong những chủ đề thời sự nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Lần đầu tiên, an ninh ở khu vực Biển Đông đã được công khai tranh luận tại một diễn đàn đa phương với sự tham dự của 27 quốc gia.11]Tiếp đó, ngày 8/7/2010, Phái đoàn thường trực của In-đô-nê-xi-a tại Liên Hợp Quốc đã có công hàm phản đối công hàm ngày 7/5/2009 của Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc về cái gọi là bản đồ yêu sách hình chữ U (hay đường đứt khúc 9 đoạn) trong Biển Đông “đối với chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo trong Biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng nước, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng”.[12]

Sau ARF 17, rõ ràng an ninh ở Biển Đông là một hệ thống đa tầng nấc và đa vấn đề với đa đối tượng. Ở đây, có các vấn đề tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ xảy ra giữa hai nước trong khu vực, ví dụ như tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và các vùng nước liên quan. Bên cạnh đó, cũng có các vấn đề quốc tế liên quan đến các quốc gia bên ngoài khu vực như vấn đề an toàn và an ninh hàng hải qua các vùng biển quốc tế. Cùng với các tranh chấp về chủ quyền, còn có các vấn đề phát triển nghề cá và bảo vệ tài nguyên biển, chống các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nghiên cứu khoa học biển, cứu hộ và cứu nạn… liên quan đến các nước ven biển, Trung Quốc và các nước ASEAN. Mặc dù giữa ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về Ứng xử của các bên ở Biển Đông song tuyên bố này đã không được thực thi trong suốt thời gian qua. Hiện tại, quan chức của các nước đang bàn thảo vấn đề thực thi Tuyên bố và đàm phán khả năng ký kết một Bộ luật ứng xử (COC) ở Biển Đông có tính ràng buộc cao hơn.

Ngày càng nhiều nước trên thế giới quan tâm hợp tác và mong muốn hiện diện trong khu vực này, tạo ra các lợi ích đan xen và cạnh tranh ở Biển Đông. Đây chính là hệ quả trào lưu thế giới ngày càng trở nên phẳng và phải đối đầu với nhiều thách thức toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, cấm sử dụng và phổ biến vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, quyền con người và chống khủng bố, chống cướp biển. Tất cả các quốc gia càng ngày càng phụ thuộc vào nhau. Hội nhập và sự phát triển hòa bình của mỗi quốc gia phụ thuộc vào an ninh khu vực và thế giới và ngược lại, không quốc gia nào có thể tách khỏi luật chơi chung.[13]

Tóm lại, sự căng thẳng của vấn đề Biển Đông cần được xem xét trong tổng thể lợi ích và các mối quan tâm của các nước có liên quan, trước hết là các nước trong khu vực, Trung Quốc và Mỹ. Những mối quan tâm đặc biệt hơn cả gồm: sự quan ngại về tham vọng của Trung Quốc; những nguy cơ về an ninh, tranh chấp trên biển; những bất đồng xung quanh căng thẳng giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên về vụ chìm tàu Cheonan và về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan; và các bất đồng về kinh tế - thương mại khác v.v… Ở một góc độ nào đó, Trung Quốc cũng phải cân nhắc trước khả năng bị cô lập và chịu sức ép của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Có không ít ý kiến cho rằng Trung Quốc nên tỏ ra bớt độc đoán và ngạo mạn, có thái độ hòa giải hơn. Thời báo Hoàn cầu ngày 27/7 có đoạn: “Trung Quốc phải tránh mở rộng vô tận những lợi ích sống còn của mình. Một cường quốc cũng có thể nhượng bộ về lãnh thổ, mà như vậy không có nghĩa là phải chịu hy sinh”. Thế giới đang hướng về Biển Đông để kiểm nghiệm xem, liệu Trung Quốc có thực sự “phát triển hòa bình”?./.

Đỗ Thanh Hải & Nguyễn Thùy Linh, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông


[1] Ý kiến của các học giả tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ hai tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 11/2010.

 

[2] Mark Valencia, Tham luận tại Hội thảo Quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” tại thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11/2010.

[3]http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20100826-my-sat-canh-voi-asean-buoc-trung-quoc-thay-doi-luat-choi

 

[4] Robert Gate, Remark at the 9th IISS Asia Security Summit, The Shangri-La Dialogue, June 2010, http://www.iiss.org/conferences/the-shangri-la-dialogue/shangri-la-dialogue-2010/plenary-session-speeches/first-plenary-session/robert-gates/

[5] Mark Tran, “Vietnam, unlikely US ally”, The Guardian, 31/8/2010, xem tại: http://www.guardian.co.uk/commentisfree/cifamerica/2010/aug/31/vietnam-us-military-china, ngày 13/12/2010.

[6] Nhật lo ngại về sự phát triển quân sự của Trung Quốc, RFI, 10/9/2010, xem tại:

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100910-nhat-lo-ngai-ve-phat-trien-quan-su-cua-trung-quoc?quicktabs_2=0, ngày 10/12/2010.

[7] http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100910-nhat-lo-ngai-ve-phat-trien-quan-su-cua-trung-quoc

[8] Evam A.Feigenbaum, “China’s rise and the Contested Commons”, CRF, August 13, 2010, xem tại: http://blogs.cfr.org/asia/2010/08/13/chinas-rise-and-the-contested-commons/

[9] Daljit Singh, “South China Sea tensions hurt Southeast Asian Security”, Strait Times, 16 August 2010, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/south_china_sea_tensions_hurt_security.htm

[10] Carlyle A.Thayer, “ Southeast Asia: Pattern of Security Cooperation”, tlđd, tr. 8-10.

[11] “South China Sea: First test for regional body”, The Straits Times (Singapore), August 10, 2010 Tuesday, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/south_china_sea_StraitsTimes_editorial.htm and “ASEAN shows sudden revole against Beijing”, South China Morning Post, August 6, 2010, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/asean_shows_sudden_resolve.htm

[12] http://vietnamnet.vn/chinhtri/201007/Indonesia-phan-doi-duong-luoi-bo-cua-Trung-Quoc-924999/

[13] Việt Long, “Biển Đông: Sao phải quc tế hóa một vấn đề quốc tế”, Tuan Vietnamnet, ngày 08/09/2010.