Tháng 7 vừa qua Ngoại trưởng Phi-líp-pin Albert del Rosario đã có một số tuyên bố về khả năng giải quyết tranh chấp với Trung Quốc liên quan đến quần đảo Trường Sa ở Biển Đông bằng các cơ quan tài phán quốc tế. Trước hết đó là đề nghị về việc Phi-líp-pin và Trung Quốc cùng đưa tranh chấp giữa hai nước ra giải quyết trước Tòa án quốc tế về luật biển. Sau khi phía Trung Quốc từ chối, khăng khăng giải quyết vấn đề song phương, Ngoại trưởng Phi-líp-pin lại mạnh bạo khẳng định rằng họ sẽ sử dụng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển) cho phép họ có thể đơn phương kiện Trung Quốc.[1] Ngoại trưởng Phi-líp-pin tuyên bố rằng Phi-líp-pin muốn sử dụng cơ chế trọng tài quy định trong Công ước Luật biển để “xác định rõ vùng biển nào có tranh chấp và vùng biển nào không”.

Cứ tạm coi rằng Phi-líp-pin và Trung Quốc có yêu sách chính đáng ở Trường Sa, việc phân tích xem làm sao Phi-líp-pin có thể kiện Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi của mình sẽ là một vấn đề thú vị và có thể là bài học cho Việt Nam khi Việt Nam cũng gặp phải những sự việc mà như Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam miêu tả là “Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp”.[2] Để hiểu được Phi-líp-pin làm thế nào để kiện Trung Quốc, trước hết cần phải trả lời câu hỏi: Phi-líp-pin định kiện về điều gì? Khi Phi-líp-pin vẫn chưa “bật mí” cụ thể về vấn đề này nhưng lại tỏ ra khá tự tin về sự thành công trong nỗ lực của mình, câu trả lời có lẽ có thể tìm bằng cách xem xét mối quan tâm của Phi-líp-pin hiện nay ở Biển Đông, đối chiếu nó với cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển và đánh giá triển vọng giải quyết vấn đề.

Sự kiện Bãi Cỏ Rong – mối quan tâm đặc biệt gần đây của Phi-líp-pin

Tuyên bố liên quan đến việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật Biển của Ngoại trưởng Phi-líp-pin dường như hướng đến những căng thẳng gần đây giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc xuất phát từ tranh chấp ở quần đảo Trường Sa (mà Phi-líp-pin còn gọi là Kalayaan hay KIG) bắt đầu bằng sự kiện Bãi Cỏ Rong. Đây là vụ việc vào đầu tháng ba khi hai tàu tuần tra của Trung Quốc xua đuổi tàu thăm dò của Anh do Phi-líp-pin thuê để khảo sát khu vực Bãi Cỏ.[3] Phi-líp-pin ngay lập tức có phản ứng mạnh mẽ trên thực địa bằng cách phái hai máy bay ra nơi xảy ra sự việc đồng thời cử hai tàu hải quân hộ tống tàu khảo sát trong suốt thời gian còn lại của chuyến khảo sát. Trên phương diện ngoại giao, Phi-líp-pin cũng gửi công hàm phản đối và cử đại diện sang Bắc Kinh để “bàn về vấn đề”.

Cũng được coi là hệ quả của sự kiện Bãi Cỏ Rong đó là việc đầu tháng 4, Phi-líp-pin tiếp tục phản đối Trung Quốc tại Liên hợp quốc liên quan đến bản đồ vẽ đường chín đoạn của Trung Quốc mà Phi-líp-pin cho rằng thể hiện các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của quần đảo Trường Sa. Trong gửi công hàm đến Tổng thư ký Liên hợp quốc, Phi-líp-pin khẳng định rằng đường chín đoạn do Trung Quốc vẽ không có bất kỳ cơ sở nào theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển.[4] Đáp lại, Phái đoàn Trung Quốc cũng gửi Công hàm đến Tổng thư ký Liên hợp quốc, khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và đặc biệt nhấn mạnh ‘quần đảo Trường Sa hoàn toàn có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa’ theo quy định của Công ước Luật biển cũng như các văn bản pháp luật trong nước của Trung Quốc.[5]

Tiếp đó, tại Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Luật biển lần thứ 21 diễn ra tại New York tháng 6 vừa qua, Tổng thư ký Ủy ban các Vấn đề Biển và Đại đương của Phi-lí-pin nêu rõ những sự kiện gần đây ở Bãi Cỏ Rong dường như đã mở rộng khái niệm khu vực tranh chấp ở Biển Đông để gộp cả “những vùng biển và thềm lục địa rõ ràng chỉ thuộc chủ quyền và/hay quyền tài phán của Phi-líp-pin”.[6] Đối chiếu phát biểu này với tuyên bố của Ngoại trưởng Phi-líp-pin về việc sử dụng Tòa trọng tài để làm rõ giữa khu vực tranh chấp và khu vực không tranh chấp thì dường Phi-líp-pin có ý định để sử dụng Tòa trọng tài để khẳng định Bãi Cỏ Rong là nằm trên thềm lục địa của Phi-líp-pin, tách biệt với vùng biển liên quan đến quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Điều này là cần thiết khi Bãi Cỏ Rong giờ đã trở thành một vấn đề đặc biệt quan tâm của Phi-líp-pin do dự đoán khu vực này có tiềm năng lớn về dầu khí. Tổng thống Phi-líp-pin gần đây tuyên bố sẽ làm mọi cách để bảo vệ khu vực này[7] và Phi-líp-pin thực sự đang nỗ lực mua sắm trang thiết bị để tăng cường tiềm lực quân sự của mình. Tuy nhiên, thực tế là năng lực quân sự của Phi-líp-pin vẫn được coi là thuộc loại yếu kém nhất trong khu vực và không thể so sánh với Trung Quốc – quốc gia có tiềm lực quốc phòng vượt trội trong khu vực. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng đến vũ lực chỉ là phương tiện cuối cùng và các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp luôn là ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế, việc sử dụng Tòa trọng tài quy định trong Công ước Luật biển của Phi-líp-pin để giải quyết bất đồng với Trung Quốc là một cách làm khôn ngoan. Vấn đề đặt ra đó là thực sự Phi-líp-pin có khả năng làm điều này hay không và để trả lời câu hỏi này, cần hiểu qua cơ chế và thủ tục giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển, đặc biệt là về Tòa trọng tài.

Vài nét về cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển và khả năng áp dụng trong tranh chấp giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc ở Biển Đông

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển được coi là một trong những cơ chế giải quyết tranh chấp tiến bộ nhất và là hình mẫu về cơ chế giải quyết tranh chấp trong các lĩnh vực chuyên ngành của luật pháp quốc tế. Trước khi xem xét thêm về cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển, một điều dường như là hiển nhiên nhưng cần phải nhấn mạnh đó là về nguyên tắc, đối tượng tranh chấp mà cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển áp dụng phải liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước.

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển được quy định tại Phần XV và được cụ thể hóa bằng một số phụ lục. Phần XV trong Công ước có ba (03) mục, trong đó hai mục đầu quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp và mục thứ ba quy định về một số ngoại lệ cho việc áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc.

Mục 1 của Phần XV chứa đựng một số quy định chung về việc giải quyết tranh chấp, trong đó đáng chú ý nhất đó là nghĩa vụ các bên tranh chấp phải “trao đổi ý kiến” về cách thức giải quyết tranh chấp (Điều 283). Khi các bên tranh chấp áp dụng các quy định trong Mục 1 mà tranh chấp không được giải quyết thì một bất kỳ một bên tranh chấp nào cũng có thể đơn phương sử dụng thủ tục phù hợp trù định tại Mục 2 để tìm kiếm một phán quyết có giá trị ràng buộc đối với bên kia về tranh chấp (Điều 286). Nói cách khác, Công ước quy định tại Mục 2 Phần XV một thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc (với bên kia) và thủ tục này sẽ đưa đến một phán quyết có giá trị ràng buộc và tối hậu đối với cả hai bên tranh chấp (Điều 296). Nhờ có quy định của Mục 2 này mà phần lớn các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước đều sẽ được giải quyết. Đây chính là điểm tiến bộ và được đánh giá cao của Công ước Luật biển.

Có bốn thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc (các cơ quan tài phán quốc tế) được trù định tại Điều 287, Mục 2 Phần XI của Công ước, đó là: (i) Tòa án quốc tế về Luật biển thành lập theo Phụ lục VI; (ii) Tòa án công lý quốc tế (cơ quan tư pháp chủ yếu của Liên hợp quốc); (iii) một tòa trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII (thường gọi là Trọng tài Phụ lục VII) và (iv) một tòa trọng tài đặc biệt thành lập theo Phụ lục VIII để giải quyết một số loại tranh chấp cụ thể mang tính kỹ thuật. Để các quốc gia vẫn có sự độc lập tương đối trong việc lựa chọn các thủ tục giải quyết tranh chấp, theo quy định của Công ước nếu hai quốc gia thành viên bằng tuyên bố của mình lựa chọn cùng một thủ tục trong bốn thủ tục trên thì thủ tục đó sẽ được áp dụng để giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa hai quốc gia này. Tuy nhiên, trong trường hợp hai quốc gia tranh chấp lựa chọn thủ tục giải quyết tranh chấp khác nhau hay trong trường hợp một hoặc cả hai bên tranh chấp không đưa ra tuyên bố lựa chọn thủ tục giải quyết tranh chấp, thì thủ tục Trọng tài Phụ lục VII sẽ được áp dụng như là thủ tục “mặc định” được áp dụng cho tranh chấp giữa hai quốc gia (khoản 3 Điều 287). Do cả Phi-líp-pin và Trung Quốc đều không đưa ra tuyên bố về việc lựa chọn thủ tục nào trong bốn thủ tục nêu trên, Trọng tài Phụ lục VII sẽ là thủ tục được áp dụng để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước giữa hai quốc gia này.

Tuy nhiên, không phải tất cả các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước đều có thể giải quyết bằng thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc tại Mục 2. Mục 3 Phần XV của Công ước Luật biển đưa một số các ngoại lệ, hạn chế thẩm quyền của các cơ quan tài phán quy định tại Điều 287, hay cụ thể ở đây là Trọng tài Phụ lục VII. Đáng chú ý trong quan hệ tranh chấp giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc ở Biển Đông đó là các ngoại lệ liệt kê tại Điều 298, cụ thể là việc loại các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 15, 74 và 83 về phân định ranh giới biển ra khỏi phạm vi các đối tượng tranh chấp mà Trọng tài Phụ lục VII có thể thụ lý. Các ngoại lệ theo Điều 298 gọi là ngoại lệ “tùy chọn” do các quốc gia được quyền “chọn” xem có gạt các tranh chấp liệt kê tại Điều này ra khỏi thẩm quyền của các cơ quan tài phán nêu tại Điều 287 hay không. Quyết định của quốc gia thành viên về vấn đề này sẽ được thể hiện bằng một tuyên bố vào lúc ký, phê chuẩn, gia nhập hay bất kỳ lúc nào khác (tất nhiên là trước khi có tranh chấp xảy ra). Năm 2006, Trung Quốc đã ra tuyên bố coi tất cả các loại tranh chấp liệt kê trong Điều 298 là ngoại lệ, bao gồm cả tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 15, 74 và 83 về phân định ranh giới biển. Như vậy, để bảo đảm Tòa trọng tài Phụ lục VII sẽ thụ lý yêu cầu của mình, Phi-líp-pin cần “thể hiện” tranh chấp với Trung Quốc dưới dạng một tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước nhưng lại không được nằm trong các ngoại lệ mà mà Trung Quốc đã tuyên bố năm 2006.

Tranh chấp nào cho Trọng tài Phụ lục VII và triển vọng?

Như đã trình bày ở trên, dường như mối quan tâm lớn nhất hiện nay của Phi-líp-pin là tách Bãi Cỏ Rong, mà Phi-líp-pin cho là nằm trong phạm vi thềm lục địa của mình, khỏi phạm vi vùng biển thuộc Trường Sa. Để xem Phi-líp-pin có thể vận dụng điều khoản nào trong Công ước, trước hết cần xem đặc điểm của Bãi Cỏ Rong.

Bãi Cỏ Rong là một bãi chìm vĩnh viễn[8] nằm cách Palawan khoảng 80 hải lý, cách đảo Hải Nam gần 500 hải lý[9] và cách gần điểm nhất của quần đảo Trường Sa khoảng 35-40 hải lý.[10] Do là một bãi chìm vĩnh viễn và với khoảng cách như vậy, Bãi Cỏ Rong không thể là đối tượng chiếm hữu riêng biệt để trở thành lãnh thổ quốc gia mà chỉ có thể có quy chế thềm lục địa của một quốc gia theo Công ước Luật biển. Phạm vi thềm lục địa theo Công ước Luật biển tối thiểu là 200 hải lý và có thể có kéo dài hơn đến rìa ngoài của thềm lục địa nếu rìa ngoài này vượt quá 200 hải lý.[11] Tuy nhiên, với khoảng cách địa lý như trên và với thực tế địa mạo ở Biển Đông, bãi Cỏ Rong sẽ khó có thể nằm trên thềm lục địa kéo dài từ đảo Hải Nam của Trung Quốc. Mọi yêu sách của Trung Quốc đối với Bãi Cỏ Rong do vậy chỉ có thể bắt nguồn từ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa. Thực tế, Trung Quốc cũng đã tuyên bố quan điểm của mình cho rằng Trường Sa có thềm lục địa khi tranh cãi với Phi-líp-pin về đường chín đoạn tại Liên hợp quốc như đã nói bên trên.

Mặt khác, do khoảng cách từ Bãi Cỏ Rong đến Palawan ít hơn 200 hải lý nên Bãi Cỏ Rong có thể sẽ là một phần thềm lục địa của Phi-líp-pin nếu như Trường Sa không có thềm lục địa. Như vậy, cách tốt nhất để Phi-líp-pin bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với Bãi Cỏ Rong chính là bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng Trường Sa có thềm lục địa.

Vấn đề Trường Sa có thềm lục địa hay không phụ thuộc vào việc giải thích Điều 121 về Quy chế đảo. Điều 121 quy định một vùng đất nổi tự nhiên nhưng không thể cho người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng thì sẽ bị coi là “đá” không có thềm lục địa (khoản 3). Các vùng đất nổi tự nhiên không phải là “đá” sẽ là “đảo” và sẽ có thềm lục địa riêng của mình (khoản 2). Như vậy, với việc Trung Quốc đã công khai quan điểm của mình là Trường Sa có thềm lục địa – tức là có “đảo” ở đó, Phi-líp-pin hoàn toàn có thể “tạo” một tranh chấp với Trung Quốc bằng một tuyên bố ngược lại, cho rằng Trường Sa chỉ toàn “đá”. Giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc như vậy sẽ nảy sinh một tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 121 với Trường Sa và Phi-líp-pin có thể đơn phương yêu cầu thành lập Tòa trọng tài Phụ lục VII để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Do tranh chấp về Điều 121 không nằm trong các ngoại lệ tại Mục 3, Tòa trọng tài Phụ lục VII hoàn toàn có thẩm quyền để thụ lý vụ việc do Phi-líp-pin đưa ra và sẽ ra phán quyết có giá trị ràng buộc với Phi-líp-pin và Trung Quốc về vấn đề điều Điều 121 được giải thích và áp dụng ở Trường Sa như thế nào. Nếu Tòa trọng tài đồng ý với Phi-líp-pin cho rằng ở Trường Sa không có “đảo” mà chỉ có “đá” thì phán quyết của Tòa sẽ xóa bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc về thềm lục địa ở Trường Sa. Nói cách khác, Tòa trọng tài sẽ “gián tiếp” khẳng định Bãi Cỏ Rong thuộc thềm lục địa của Phi-líp-pin. Có lẽ, đây chính là điều Ngoại trưởng Phi-líp-pin ngụ ý khi tuyên bố yêu cầu Tòa trọng tài xác định đâu là khu vực tranh chấp và đâu là khu vực không tranh chấp.

Tuy nhiên, việc đưa tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 121 đối với Trường Sa cũng không phải là không có rủi ro. Định nghĩa về “đá” theo tiêu chuẩn “cho phép con người đến ở” hoặc “có đời sống kinh tế riêng” tại Điều 121 vốn nổi tiếng là “khó hiểu” và có nhiều cách giải thích khác nhau. Thực tế, trong khi chưa có một án lệ nào về việc giải thích và áp dụng Điều 121 thì các thẩm phán Tòa án quốc tế về luật biển trong các ý kiến riêng của mình đã áp dụng điều khoản này một cách khác nhau đối với cùng một cấu trúc địa lý.[12] Ngay đối với quần đảo Trường Sa, các học giả cũng có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Trong trường hợp Phi-líp-pin không thành công trong việc chứng minh rằng ở Trường Sa không có “đảo” mà chỉ có “đá” thì phán quyết ràng buộc của Tòa trọng tài về việc “đảo” ở Trường Sa có thềm lục địa riêng cũng có nghĩa là sẽ có thể có vùng thềm lục địa chồng lần tạo bởi một bên là Trường Sa và một bên là bờ biển Phi-líp-pin và vùng chồng lấn này sẽ bao trùm lên Bãi Cỏ Rong. Trong trường hợp này, để khẳng định dứt khoát Bãi Cỏ Rong là thuộc về mình (Phi-líp-pin), Phi-líp-pin sẽ lại phải yêu cầu tòa phân định vùng chồng lần này. Nhưng để làm việc này thì Tòa trọng tài sẽ phải áp dụng các nguyên tắc phân định biển. Tranh chấp giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc lúc này sẽ có liên quan đến việc giải thích và áp dụng các Điều 15, 74 và 83 của Công ước và Tuyên bố của Trung Quốc theo Điều 298 năm 2006 sẽ “phát huy tác dụng”, ngăn cản Tòa trọng tài tiếp tục thụ lý vụ việc. Như vậy sẽ không thể có sự phân định rạch ròi giữa một bên là thềm lục địa của Phi-líp-pin và một bên là thềm lục địa của Trường Sa và Bãi Cỏ Rong sẽ trở thành khu vực tranh chấp, dù là tạm thời.

Một điểm cũng đáng quan tâm đó thái độ của Trung Quốc sẽ như thế nào khi Phi-líp-pin yêu cầu thành lập Tòa trọng tài Phụ lục VII. Ở đây có thể thấy là Phụ lục VII của Công ước quy định khá chặt chẽ và đầy đủ về các vấn đề thủ tục, bảo đảm một Tòa trọng tài chắc chắn sẽ được thành lập nếu một bên tranh chấp có yêu cầu. Cụ thể, Phụ lục quy định rằng trong trường hợp một bên không chỉ định trọng tài hay các bên không đạt được thỏa thuận về trọng tài tham gia Tòa thì Chánh án Tòa án quốc tế về luật biển sẽ là người chỉ định trọng tài viên thay cho các quốc gia (Điều 3 Phụ lục VII). Đặc biệt, ngay cả trong trường hợp một bên tranh chấp thiếu hợp tác, thì theo Điều 9 của Phụ lục VII, Tòa trọng tài vẫn sẽ ra phán quyết ngay cả khi một bên tranh chấp không tham gia tranh tụng. Trước những quy định chặt chẽ như vậy, có lẽ việc bất hợp tác trong quá trình chỉ định trọng tài hay tố tụng sẽ không đem lại lợi ích gì cho bên bị kiện. Vì thế, dường như khả năng nhiều đó là Trung Quốc sẽ khôn ngoan “tỏ thiện chí” bằng cách tham gia vào quá trình thành lập Tòa trọng tài cũng như trong suốt quá trình tố tụng để bảo vệ quan điểm của mình.

Nhìn người lại ngẫm đến ta?

Khi mà Trung Quốc khăng khăng giải quyết tranh chấp song phương và dường như không “lùi bước” trong việc “áp đặt” các yêu sách của mình, việc Phi-líp-pin đơn phương yêu cầu thành lập Tòa trọng tài Phụ lục VII để kiện Trung Quốc, qua đó bảo vệ quyền lợi của mình có lẽ là một những bước đi “táo bạo” nhưng “khôn ngoan”. Khi mà tương quan lực lượng giữa hai nước chênh lệch đáng kể thì việc bên yếu hơn viện dẫn đến luật pháp quốc tế để tìm công lý là điều không tránh khỏi. Phi-líp-pin dường như cũng đã đáp ứng các nghĩa vụ thủ tục trước khi thành lập Tòa trọng tài Phụ lục VII quy định tại Mục 1, cụ thể là “nghĩa vụ trao đổi quan điểm” thông qua việc cử đoàn sang đàm phán với Trung Quốc sau sự kiện Bãi Cỏ Rong cũng như bằng chính việc Ngoại trưởng Phi-líp-pin đề nghị với người đồng nhiệm Trung Quốc về việc sử dụng Tòa án quốc tế về luật biển để giải quyết tranh chấp.

Qua việc phân tích cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật biển cũng như bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông, có thể thấy đối tượng tranh chấp phù hợp nhất mà Phi-líp-pin có thể mang ra trước Tòa trọng tài Phụ lục VII chính là tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 121 về Quy chế đảo đối với Trường Sa. Một phán quyết ràng buộc của Tòa trọng tài về việc ở Trường Sa không có đảo và do đó không có thềm lục địa sẽ giải quyết được mối quan tâm hiện nay của Phi-líp-pin đối với Bãi Cỏ Rong hay những bãi ngầm mà Phi-líp-pin cho rằng nằm trong phạm vi thềm lục địa của họ.

Tuy nhiên, việc Phi-líp-pin sử dụng Tòa trọng tài Phụ lục VII để giải thích và áp dụng Điều 121 đối với Trường Sa không phải là không có rủi ro khi mà chưa có một án lệ nào về điều khoản này cũng như quan điểm của các luật gia còn khác nhau. Dù gì đi chăng nữa, hiện nay Trung Quốc vẫn đang duy trì yêu sách là các đảo ở Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Một phán quyết của Tòa trọng tài bất lợi cho Phi-líp-pin, cho rằng ở Trường Sa có một hoặc một số “đảo” vẫn không nhất thiết là điều xấu, ít nhất nó không làm cho tình hình xấu hơn hiện nay. Ngược lại, một câu trả lời cho câu hỏi “Yêu sách của Trung Quốc đúng hay sai?” và qua đó giúp nội bộ Phi-líp-pin hiểu được ở Biển Đông họ có cái gì, chưa có cái gì và thậm chí có thể không có cái gì thực sự là rất cần thiết. Nó sẽ xóa tan sự “mơ hồ” về pháp lý như hiện nay liên quan đến yêu sách của Trung Quốc. Hơn nữa, việc chưa có một án lệ nào về việc giải thích và áp dụng Điều 121 cũng là một cơ hội nếu Phi-líp-pin có sự đầu tư thích đáng cho vấn đề này để xây dựng những lập luận thuyết phục về việc nên giải thích và áp dụng Điều 121 ở Trường Sa như thế nào trước Tòa.

Với Việt Nam, vùng thềm lục địa phía Đông Nam của Việt Nam, nơi cách xa đảo Hải Nam của Trung Quốc, cũng đang bị Trung Quốc yêu sách như đã thấy ở Vụ Vikking II và không loại trừ khả năng Trung Quốc cũng đưa yêu sách đối với khu vực này trên cơ sở yêu sách về thềm lục địa từ Trường Sa. Nếu như vậy, những bước đi và việc sử dụng thủ tục Trọng tài Phụ lục VII của Phi-líp-pin để bảo vệ yêu sách của họ ở Bãi Cỏ Rong là điều đáng để suy ngẫm và có thể là bài học để Việt Nam nghiên cứu áp dụng trong nỗ lực bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với vùng thềm lục địa phía Đông Nam của mình.

Phân tích trên cũng cho thấy, nếu Phi-líp-pin quyết tâm kiện Trung Quốc về việc giải thích và áp dụng Điều 121 đối với Trường Sa thì khả năng Tòa trọng tài Phụ lục VII được thành lập là rất cao và sẽ sớm có phán quyết về việc áp dụng Điều 121 thế nào ở Trường Sa. Tuy về nguyên tắc, một phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế chỉ có giá trị đối với các bên tranh chấp và như vậy phán quyết của Tòa trọng tài Phụ lục VII do Phi-líp-pin yêu cầu thành lập chỉ ràng buộc Phi-líp-pin và Trung Quốc. Tuy nhiên, là một bên có yêu sách về chủ quyền ở Trường Sa, một phán quyết về việc ở Trường Sa có đảo hay không rõ ràng có liên quan đến lợi ích của Việt Nam. Hơn nữa, ngay cả khi phán quyết của Tòa trọng tài không có giá trị ràng buộc đối với Việt Nam, ý kiến của các trọng tài viên - các luật gia có uy tín trong lĩnh vực luật biển - về việc ở Trường Sa có “đảo” hay chỉ toàn “đá” không thể nói là không có tác động đối với yêu sách về biển và thềm lục địa của các nước ven Biển Đông. Việt Nam sẽ tham gia thế nào trong một tranh chấp giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của mình? Ngoài Việt Nam, Bru-nây và Ma-lai-xi-a cũng có yêu sách đối với Trường Sa. Hai quốc gia này cùng với In-đô-nê-xi-a cũng là các quốc gia đối diện với Trường Sa nên việc vùng biển của họ cũng phụ thuộc vào việc Trường Sa có thềm lục đia hay không. Với lợi ích như vậy, phản ứng của các quốc gia này sẽ như thế nào khi một Tòa trọng tài Phụ lục VII được thành lập? Hơn nữa, do phạm vi yêu sách của Phi-líp-pin không bao trùm toàn bộ Trường Sa, các bên sẽ phải làm gì để phán quyết của Tòa trọng tài bao trùm lên tất cả các vị trí địa lý tranh chấp ở Biển Đông? Đây là những câu hỏi quan trọng, cần nghiên cứu nghiêm túc và có thể là chủ đề thích hợp cho một hoặc nhiều bài một bài viết riêng. Xin hẹn dịp khác!

Nguyễn Đăng Thắng, Nghiên cứu sinh luật tại Anh

 

* Nguyễn Đăng Thắng, Nghiên cứu sinh luật tại Anh; Thành viên không thường trú, Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam. Tác giả cám ơn Tiến sỹ Dương Danh Huy, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao và Thạc sỹ Trần Lê Phương đã trao đổi quan điểm với tác giả, cung cấp những thông tin quan trọng cũng như góp ý trực tiếp vào bài viết.

 

[1] “Philippines to seek UN arbitration in South China Sea” Agence France Presse (19 July 2011) <http://globalnation.inquirer.net/6371/philippines-to-seek-un-arbitration-in-spratlys> .

[2]Thông báo tại cuộc họp báo ngày 29/05/2011 của Bộ Ngoại giao về việc tàu Hải giám Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/tcbc/ns110529201615/view#b1IpAlKkl3wz .

[3] Xem I Storey, 'China and the Philippines: Implications of the Reed Bank Incident' (2011) 11(8) China  Brief 6, 7.

[4] 'Note Verbale No. 000228 dated 05 April 2011 of the Permanent Mission of the Republic of the Philippines to the United Nations', có tại http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/phl_re_chn_2011.pdf.

[5] 'Note Verbale No. CML/8/2011 dated 14 April 2010 of the Permanent Mission of the People's Republic of China to the United Nations', có tại http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/chn_2011_re_phl_e.pdf .

[6] Trích trong Press Release NYPM 30-2011 ngày 22/06/2011 của Phái đoàn thường trực Cộng hòa Phi-líp-pin bên cạnh Liên hợp quốc, có tại http://www.un.int/philippines/news/20110622nypm30.htm .

[7] Xem 'Philippines vows to protect South China Sea assets' Agence France Presse (25 July 2011), có tại http://www.channelnewsasia.com/stories/afp_asiapacific/view/1142928/1/.html .

[8] Xem MJ Valencia, JM Van Dyke and NA Ludwig, Sharing the resources of the South China Sea (Martinus Nijhoff, The Hague, 1997), 232, tập hợp các nguồn khác nhau cho rằng chỗ cao nhất của Bãi Cỏ Rong nằm cách mặt nước biển 9 hoặc 16 mét.

[9] Thông tin theo các báo của Phi-líp-pin.

[10] Tác giả cám ơn Tiến sỹ Dương Danh Huy đã cung cấp thông tin này.

[11] Điều 76 Công ước Luật biển.

[12] Xem Tuyên bố của Thẩm phán Vukas và Phản đối của Thẩm phán Anderson, chú thích 3, về đảo Heard của Úc trong vụ “The ‘Volga’, Russian Federation v Australia, Prompt Release”, ITLOS Case No 11 (ITLOS 2002).