Theo báo Hồng Công “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” số ra gần đây, trong khi chính sách ngoại giao của Mỹ đang cố cân bằng giữa Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Quốc hội và những nhóm vận động hành lang ở nước này thì điều đó lại không có ở Trung Quốc. 


Việc giới quân sự Trung Quốc ngày càng lớn giọng đang gây lo ngại cho các nước láng giềng cũng như tại Mỹ rằng Bắc Kinh sẽ cứng rắn hơn khi can dự với thế giới, hoặc ít nhất là khó đoán định hơn, với bất hòa giữa các tướng lĩnh “diều hâu” và các nhà ngoại giao mềm mỏng hơn đôi lúc thể hiện công khai. 


Khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bắt đầu chuyến thăm Mỹ, giới phân tích cho rằng việc giới quân sự Trung Quốc “lớn tiếng” hơn sẽ làm phức tạp các quan hệ song phương. Tuy nhiên, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang chỉ có và sẽ tiếp tục chỉ có ảnh hưởng hạn chế đến chính sách đối ngoại bởi cơ cấu quyền lực của Trung Quốc. Mặt khác, dư luận chung có thể đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến quan điểm cứng rắn hơn trong những vấn đề an ninh và chủ quyền. 


Giáo sư Trang Kiến Trung của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định: “Quân đội nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bộ Ngoại giao cũng vậy. Quân đội không thể áp đặt một quan điểm khác với Đảng lên chính sách đối ngoại”. 


Giáo sư David Shambaugh, phụ trách Chương trình chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington (Mỹ) đánh giá: “Năm 1998, PLA đã bị mất vị thế ảnh hưởng được đến chính sách đối ngoại khi bị tách khỏi kinh doanh cũng như mất vai trò trong chính trị cấp quốc gia, khi được yêu cầu tập trung hoàn toàn vào hiện đại hóa quân đội”. 


Các tướng lĩnh nghỉ hưu rời khỏi những vị trí quan trọng trong Đảng ở thập kỷ 1980 và 1990 được thay thế bởi các nhân vật dân sự. PLA không còn đại diện trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị kể từ khi Tư lệnh Hải quân Lưu Hoa Thanh nghỉ hưu năm 1997. 


Shambaugh nhận xét: “Ảnh hưởng của PLA với chính sách an ninh quốc gia là một câu chuyện khác, nhưng tôi không tán thành quan điểm rằng PLA đang tác động thực sự đến chính sách đối ngoại”. 


Mặc dù vậy, những tiếng nói từ PLA đã vang lên mạnh mẽ hơn trong năm qua với việc các tướng lĩnh kêu gọi bán trái phiếu Chính phủ Mỹ để trừng phạt Oasinhtơn vì đã bán vũ khí cho Đài Loan, công khai đe dọa các quan chức Mỹ vì những cuộc tập trận hải quân chung tại các vùng biển gần kề Trung Quốc, đe dọa các quan chức Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư, chuyển tải các thông điệp “hiếu chiến” qua những bài bình luận trên báo chí và trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình. 


Giáo sư Kim Xán Vinh của Đại học Nhân dân (Trung Quốc) bình luận: “Là bình thường khi xã hội trở nên đa nguyên hơn, sẽ có nhiều quan điểm bình luận hơn về các vấn đề đối ngoại. An ninh quốc gia là chuyên môn của PLA, vì thế không có gì ngạc nhiên khi họ thể hiện quan điểm”. Chuyên gia này nói thêm rằng điều đó không đại diện cho xu hướng hiện nay nhưng những bùng nổ đó chỉ ra một thách thức mới, đó là “đòi hỏi cần có sự sắp xếp tốt hơn”. 


Những ý kiến khác cho rằng một môi trường đối ngoại đang thay đổi và các thách thức an ninh liên tiếp trong năm ngoái đã đổ thứ dầu hoàn hảo vào ngọn lửa là các cảm giác dân tộc chủ nghĩa và những kêu gọi rộng rãi đòi phản ứng cứng rắn hơn với những vấn đề liên quan đến chủ quyền và lãnh thổ. Sau đó, chúng lại biến thành sức ép lên các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách. 


Giáo sư Lưu Minh của Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải bình luận: “Tình hình an ninh năm ngoái rất phức tạp. Một số yếu tố là trùng khớp ngẫu nhiên như vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm hay vụ va chạm tàu ở Điếu Ngư. Những yếu tố khác chỉ là hệ quả tất yếu khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á, tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực. Trong khi đó, với cuộc khủng hoảng tài chính và sự khoa trương toàn cầu rằng Trung Quốc đang trở thành đối trọng với Mỹ, có sự lạc quan quá mức ở Trung Quốc, từ giới lãnh đạo đến truyền thông và dư luận, trong đó có cả giới quân sự. Suy nghĩ chung của họ là: Mỹ cần chúng ta lúc này, nhưng vẫn đang cố chỉ huy, điều khiển chúng ta. Phải chăng chúng ta nên ít nhất thử cứng rắn hơn xem sao”. 


Đa số những lời lẽ mạnh mẽ đến từ các tướng lĩnh nghỉ hưu cũng như các học giả chuyên về quân sự, vì thế chúng không đại diện cho quan điểm chính thức của PLA. Nhưng Lưu Minh cho rằng dù các bình luận đó đa phần mang tính cá nhân, chúng vẫn phù hợp với cảm giác chung: “Nếu nói Bộ Ngoại giao đang lắng nghe quân đội, có lẽ thích hợp hơn là cho rằng họ đang lắng nghe người dân”. 


Giáo sư Lí Minh Giang của Đại học Công nghệ Nanyang (Xinhgapo) nhận định giới lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã nới lỏng các vấn đề an ninh từ đầu năm ngoái khi cho phép nhiều “vai diễn” khác nổi lên từ PLA cho đến Cục Quản lý Đại dương Quốc gia, kết quả là một quan điểm cứng rắn hơn với những vấn đề tại Đông Á. 


Màn “phục kích” phối hợp của Mỹ và các thành viên ASEAN tại một cuộc họp ở Hà Nội hồi tháng 7/2010 nhằm vào các lợi ích của Trung Quốc ở biển Đông bị coi là “một cái tát” vào mặt Bộ Ngoại giao nước này. 


Một số chuyên gia như Tiến sĩ Jonathan Holslag của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại tại Brúcxen (Bỉ) cho rằng đang có “sự phân chia công việc” được Bắc Kinh trù tính: “Vấn đề là quân đội vẫn phô diễn sức mạnh trên biển, tiến hành thử các khí tài mới, giữ quan điểm cứng rắn trong các cuộc gặp chính thức với Mỹ. Điều đó cho thấy thực chất đang có phân chia công việc giữa quân đội và Bộ Ngoại giao, với một bộ phận lớn các lãnh đạo tối cao nếu không chỉ đạo thì cũng chờ đợi PLA thể hiện sự cứng rắn, mạnh mẽ liên quan tới những lợi ích an ninh chủ chốt”. 


Vụ nổi bật gần đây nhất là chuyến bay thử của máy bay tiêm kích tàng hình J-20 khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang thăm Bắc Kinh, động thái dường như các lãnh đạo dân sự Trung Quốc không được biết. Tiến sĩ Holslag bình luận: “Nó cũng cho thấy Bắc Kinh có khuynh hướng coi sức mạnh đó, chứ không phải sự thỏa hiệp, sẽ quyết định kết quả của cục diện Thái Bình Dương mới”. 


Việc nổi lên những quan điểm cứng rắn có phải là đại diện cho một sự buông lỏng có kiểm soát của tình cảm dân tộc chủ nghĩa hay là minh chứng cho một sự thay đổi chính sách, điều đó còn nhiều tranh luận. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng đến cuối năm ngoái, giới quân sự Trung Quốc đã bị kéo trở về với quan điểm từ lâu của Đảng. Giáo sư Lí Minh Giang đánh giá: “Rõ ràng có một mệnh lệnh từ cấp cao rằng mọi người không được quá cứng rắn trong can dự quốc tế”. 


Theo chuyên gia trên, trong khi một số tướng lĩnh tiếp tục viết những bài bình luận, họ đã không còn nhằm trực diện vào một quốc gia nào và khó mà so sánh được với bài xã luận hiếm hoi dài 9.000 chữ của Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, hồi tháng 12/2010. Bài xã luận này lặp lại cam kết của Bắc Kinh phát triển hòa bình, nói rằng Trung Quốc không muốn thay thế vị trí của Mỹ trong các vấn đề quốc tế./.

 

Theo South China Morning Post