binnnnndehele(1).jpg

 

Ngay từ tháng 11/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai thúc đẩy ý tưởng về nền ngoại giao nước lớn mang đặc điểm Trung Quốc. Nói cách khác, đây là ý tưởng về một chính sách ngoại giao quyết đoán hơn mang bản chất một cường quốc kinh tế đang nổi của Trung Quốc, nhằm đạt được những lợi ích quốc gia.

Có một thực tế là chính sách thương mại toàn cầu của ông Tập là nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo khu vực của Bắc Kinh đối với quá trình gắn kết và củng cố nền kinh tế toàn cầu dưới “gậy chỉ huy” của Trung Quốc. Do đó, hoàn toàn dễ hiểu khi nói rằng chính sách ngoại giao và những lợi ích chiến lược của Trung Quốc sẽ nhắm đến mục tiêu cuối cùng là biến vai trò lãnh đạo này thành vị thế thống trị an ninh khu vực, tiến tới là vai trò chủ đạo trong nền chính trị khu vực cũng như toàn cầu, trong bối cảnh khu vực Đông Á chiếm phần lớn tăng trưởng kinh tế thế giới.

Ngày càng có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và sự năng động thương mại khu vực, nhất là trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và đầu tư trực tiếp nước ngoài liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, một mặt, sự phụ thuộc lẫn nhau này ngăn cản Bắc Kinh thực hiện chính sách đối ngoại “chèn ép” nước khác, mặt khác lại thúc đẩy những lợi ích chiến lược của Trung Quốc vượt ra khỏi khuôn khổ khu vực Đông Á để tìm kiếm sự kiểm soát địa hạt kinh tế ở khu vực Trung và Nam Á.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang hưởng lợi từ hệ thống thương mại tự do an toàn, cởi mở và ổn định thì khả năng là trong nửa cuối nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ vẫn để Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò dẫn dắt quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cũng như để Mỹ đóng vai trò chủ đạo về an ninh ở khu vực Trung và Nam Á cho đến khi Bắc Kinh thâm nhập sâu hơn vào hệ thống quy tắc ở Đông Á phù hợp với những lợi ích chiến lược của nước này.

Điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ có thể sử dụng vai trò thống trị về kinh tế của mình để lôi kéo thêm các quốc gia láng giềng châu Á tham gia vào các thị trường toàn cầu hóa. Để làm được điều này, Chính quyền ông Tập đã tăng cường thực hiện các dự án thể chế và cơ sở hạ tầng lớn liên Á, đáng chú ý là sáng kiến Vành đai và Con đường, và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vốn có tham vọng cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á do Nhật Bản đứng đầu.

Do đó, các dự án cơ sở hạ tầng, các khoản đầu tư và ngay cả hỗ trợ nhân đạo, chứ không phải là cuộc chạy đua vũ trang, đang tiếp thêm năng lượng cho chính sách ngoại giao nước lớn mang đặc điểm Trung Quốc của ông Tập, với kết quả ban đầu là việc các nước châu Á đang ngày càng lệ thuộc vào chính sách chiến lược và kinh tế của Bắc Kinh. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohamed nhận định rằng không nên đánh giá thấp việc một số nước Đông Nam Á không hoàn toàn đồng điệu với Bắc Kinh coi RCEP là “sự lựa chọn thứ hai” so với một thỏa thuận thương mại khác bao gồm Mỹ và các nước khác ở khu vực Thái Bình Dương.

Vì vậy, rõ ràng là các nước Đông Nam Á thực sự không muốn cắt đứt quan hệ với Washington, song cách tiếp cận đầy mâu thuẫn của Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang khiến các nước ASEAN hoang mang. Điều này làm nảy sinh những hy vọng rằng chấp nhận cuộc chơi thương mại của ông Tập là cách tốt nhất để đảm bảo sự ổn định kinh tế khu vực và có thể duy trì tình trạng “sóng yên biển lặng” trong mối quan hệ Mỹ-Trung vốn được khởi động từ những năm 1970. Thế nhưng, cũng cần thận trọng khi nhìn vào “con bài chốt hạ” của ông Tập là thiết lập một môi trường nuôi dưỡng sự hình thành một liên minh liên Á nằm ngoài vòng kiểm soát của Mỹ. Vào giai đoạn này, sẽ là đi quá xa khi nhận định liên minh này sẽ trở thành một giải pháp thay thế cho một “trật tự thế giới do Trung Quốc lãnh đạo” để công khai cạnh tranh với trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.

Hiện tại, dường như những tính toán của ông Tập trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế và thương mại tự do (trong khu vực) phù hợp và góp phần vào sự thay đổi hơn nữa lịch sử, theo đó đang tái cân bằng trật tự địa chính trị châu Á hướng tới một khuôn khổ đa cực dựa nhiều vào các thị trường phụ thuộc lẫn nhau hơn là vào sự bảo trợ về an ninh của một quốc gia bá quyền nào đó. Quá trình liên kết và tái cân bằng châu Á vì lợi ích của Trung Quốc, dù diễn ra ở tốc độ nào, sẽ dẫn đến một trật tự thế giới khó đoán định.

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến khai mạc vào ngày 18/10 tới sẽ là dịp để tiến hành thảo luận lần thứ 4 và cũng là lần cuối cùng về RCEP trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đang chơi “ván cờ” thương mại thế giới. Các kỳ thảo luận lần này sẽ xác định liệu Trung Quốc có đang dẫn dắt các cuộc thương lượng về RCEP hay không và ở mức độ nào để theo đuổi mục tiêu thay đổi trật tự địa chính trị ở châu Á, vốn nhằm tránh tạo ra một liên minh chống Trung Quốc trong khu vực dưới ô bảo trợ của Mỹ trong ngắn hạn, đồng thời tạo ra một trật tự mới thay thế trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo trong dài hạn.

Theo “Atimes

Hương Trà (gt)