Đối với Philippines, quốc gia đơn phương khởi xướng quy trình tố tụng nhằm chống lại những tuyên bố chủ quyền bao phủ phần lớn Biển Đông của Trung Quốc thì phán quyết của PCA là một chiến thắng pháp lý lớn. Trái ngược với những dự tính, cả 5 thẩm phán của PCA đều đồng ý với phần lớn trong số 15 yêu cầu khởi kiện của Manila. Điều này khiến các nhà quan sát ngạc nhiên bởi chiến thắng tuyệt đối của Philippines. 

 

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, nhà cầm quyền của nước này phải hứng chịu một thất bại nặng nề và một đòn đánh mạnh vào danh tiếng của quốc gia này. PCA đã bác bỏ quyền mà Trung Quốc cho rằng có từ lâu trong việc khai thác dầu khí, đánh bắt cá mà Trung Quốc tuyên bố trong cái gọi là "đường 9 đoạn" do trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. PCA tuyên bố thậm chí ngay cả khi UNCLOS chưa có hiệu lực thì cũng không có bằng chứng về việc "Trung Quốc có những quyền này trên gần như toàn bộ khu vực Biển Đông". 

PCA cũng đồng thời kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này với việc ngăn cản, quấy nhiễu các tàu thăm dò dầu khí và tàu cá của Phiippines cũng như tiến hành các hoạt động bồi đắp ồ ạt các bãi đá trong giai đoạn 2013-2015. 

Hơn nữa, các đảo nhân tạo Trung Quốc đã xây dựng gây ra tác hại không thể bù đắp đối với các rạn san hô, do đó vi phạm các nghĩa vụ của nước này theo UNCLOS trong việc bảo vệ môi trường biển và làm trầm trọng thêm các tranh chấp giữa hai bên trong quá trình tố tụng. 

Phán quyết của PCA cũng là một đòn đánh mạnh vào Đài Loan. Đài Loan lập luận rằng đảo Ba Bình (Itu Aba), do Đài Loan chiếm đóng từ năm 1946, là đảo có diện tích lớn nhất của quần đảo Trường Sa và là hòn đảo có đủ điều kiện cho con người sinh sống và mang lại Vùng đặc quyền kinh tế. PCA đã phán quyết rằng các thực thể ở khu vực Trường Sa không phải là đảo mà chỉ là bãi đá và chỉ có vùng lãnh hải tối đa là 12 hải lý. Chính quyền Tổng thống Thái Anh Văn đã bác bỏ phán quyết, song không đề cập đến "đường 9 đoạn". 

Đối với các nước Đông Nam Á trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến tranh chấp, phán quyết này cũng có thể được đánh giá là một thắng lợi, bởi "đường 9 đoạn" cắt vào Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia. Phán quyết không công nhận "đường 9 đoạn", các thẩm phán giữ nguyên quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển trong Vùng đặc quyền kinh tế của các nước này. Đồng thời, phán quyết công nhận vị trí của Indonesia và không tồn tại tranh chấp giữa Indonesia và Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Natuna. 

Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo? Trước phán quyết này, một số chuyên gia cho rằng các thẩm phán có thể đưa ra một số điều khoản giữ thể diện cho Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. 

Bắc Kinh miêu tả phán quyết là một âm mưu chính trị do Mỹ xúi giục và sẽ cố gắng tập hợp sự ủng hộ của các nước khác để làm mất uy tín của phán quyết. Cứng rắn hơn là Trung Quốc có thể có một hành động kiên quyết để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán quốc gia, trong đó có khả năng tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không trên quần đảo Trường Sa, củng cố các lực lượng quân sự trên các đảo nhân tạo, đẩy mạnh việc bảo vệ các tàu cá Trung Quốc hoạt động trong "đường 9 đoạn". 

Trong trường hợp xấu nhất, Trung Quốc có thể phong tỏa nhóm thủy quân lục chiến Philippines đang đồn trú trên một tàu chiến cũ ở Bãi Cỏ Mây, hoặc bắt đầu việc bồi đắp bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham). Những hành động như vậy có thể gia tăng đáng kể căng thẳng với Mỹ ở Biển Đông. 

Trong trung và dài hạn, Trung Quốc có thể miễn cưỡng thừa nhận phán quyết bằng cách điều chỉnh yêu sách của mình phù hợp với UNCLOS. Tuy nhiên, để làm được điều này sẽ đòi hỏi một chính sách "quay đầu" rất khó để thuyết phục người dân Trung Quốc, đặc biệt là khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra những khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền từ khi nhậm chức vào năm 2012. 

Trong những giờ phút sau phán quyết, một số nước Đông Nam Á đã ra tuyên bố ghi nhận phán quyết. Hai tuần nữa, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ nhóm họp tại thủ đô Viêng Chăn, nơi mà phán quyết này sẽ chiếm phần lớn thời gian thảo luận của họ. Trung Quốc đã khéo léo khai thác sự chia rẽ trong ASEAN khi theo đuổi lợi ích riêng của mình. Tại Côn Minh hồi tháng trước, một số thành viên ASEAN cho rằng một Tuyên bố chung nhằm ủng hộ phán quyết của PCA có thể dẫn đến sự hận thù và chia rẽ mới. 

Ian Storey, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS). Bài viết được đăng trên tờ The Straits Times.

Văn Cường (gt)