china_india_0320.jpg

Ấn Độ đã chứng minh là một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm, đặc biệt với ví dụ về cách thức New Delhi giải quyết tranh chấp trên biển với quốc gia láng giềng Bangladesh vào năm 2014. Do đó, phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài chắc chắn phần nào có thể giúp Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á thông qua mối quan hệ với Việt Nam, Philippines và các nước khu vực khác.

Tuy nhiên, khi đối mặt với những phản ứng cứng rắn của Trung Quốc sau phán quyết, Ấn Độ cần lưu ý đến một sự thật địa chính trị: các cường quốc sẽ luôn bỏ qua các phán quyết pháp lý không có lợi cho họ. Thật vậy, Ấn Độ chưa bao giờ thực thi Nghị quyết 47 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - kêu gọi New Delhi thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Kashmir sau khi khu vực này tách khỏi Ấn Độ và Pakistan vào năm 1948. Sau khi tạo ra nhiều sự kiện bất khả kháng và trì hoãn kéo dài, vấn đề nhạy cảm này dần dần đã không được đề cập trong chương trình nghị sự quốc tế. Đến năm 2010, Liên hợp quốc đã quyết định đưa vấn đề Jammu và Kashmir ra khỏi danh sách các vùng lãnh thổ tranh chấp bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Pakistan.

Ngoài ra, Ấn Độ có thể hoặc không thể hưởng lợi từ phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài khi thảo luận về các tranh chấp biên giới với Trung Quốc mặc dù phán quyết đó đặc biệt liên quan tới biên giới trên biển và Luật hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng một trong những lý do khiến Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách Biển Đông của Trung Quốc là bởi không có bằng chứng mạnh mẽ nào chứng minh Trung Quốc có quyền lịch sử kiểm soát riêng các vùng biển hoặc tài nguyên tại các vùng biển này. Nếu lập luận tương tự được mở rộng đến các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc và Ấn Độ có tranh chấp như Aksai Chin và Arunachal Pradesh, sẽ rất khó để New Delhi làm điều tương tự. Thực tế cho thấy, phần lớn khu vực Arunachal Pradesh là nơi sinh sống của các bộ tộc không thuộc nhà nước nào. Do đó, giống như các rạn san hô trên Biển Đông, vùng lãnh thổ Arunachal Pradesh "không tồn tại" nên không nước nào có quyền kiểm soát hoặc tuyên bố chủ quyền.

Một ví dụ khác là Nga chỉ có thể "sở hữu" Crimea khi Moskva thực hiện được quyền kiểm soát tại khu vục này chứ không phải bởi trong lịch sử Crimea là một phần lãnh thổ của Nga (trước năm 1954) và cũng không phải Crimea là nơi sinh sống chủ yếu của dân tộc Nga. Tất nhiên, Trung Quốc biết điều này. Nhưng do Bắc Kinh đã lỡ thể hiện sự phản đối trong vụ kiện Biển Đông nên nhiều khả năng sẽ trì hoãn vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ cho đến khi hoặc là Ấn Độ từ bỏ yêu sách của mình, nhượng bộ để cùng Trung Quốc bước vào bàn đàm phán, hoặc là sử dụng vũ lực để thay đổi quan điểm của Trung Quốc - điều rất khó xảy ra. Cũng có thể Ấn Độ sẽ sử dụng đến các căn cứ pháp lý bởi từ thời Thủ tướng đầu tiên, ông Jawaharlal Nehru, New Delhi đã thường xuyên nhấn mạnh về vấn đề pháp lý và ứng xử trong tranh chấp biên giới với Bắc Kinh.

Ấn Độ không nên quá kỳ vọng rằng phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài sẽ thay đổi "hành vi ngang ngược" của Trung Quốc và tạo điều kiện thuận lợi cho New Delhi giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trong tương lai. Ngoài ra, phán quyết đó cũng không phải là chiến thắng giành cho Ấn Độ, đặc biệt khi New Delhi đang ở vị thế cường quốc và là một bên đang có những tranh chấp lãnh thổ, việc ủng hộ cách tiếp cận dựa trên pháp lý quốc tế như vậy sẽ không đem lại nhiều lợi ích cho chính Ấn Độ.

Tác giả Akhilesh Pillalamarri là chuyên gia phân tích chính trị quốc tế. Bài viết đăng lần đầu tiên trên Tạp chí "Diplomat".

Mỹ Anh (gt)